Thuở xưa, có một gia đình kia, con trẻ rất đông, hai ba chục đứa; ông bà cha mẹ chúng nó cho chúng nó đi học, để nhờ nơi trường học, có thầy khác bạn lạ, dạy dỗ nó, cho nó nên; bởi lẽ ở nơi nhà, chúng nó dễ duôi với ông bà cha mẹ, và ỷ lại tiền của ăn chơi, mà bỏ học.
Muốn cho chúng nó mau nên, nên ông cha chúng nó không có cho của tiền, nhà cửa, áo quần, cơm gạo, thuốc men chi cả. Và cũng không cho chúng nó biết nhà cửa xứ sở, cha mẹ ông bà ở đâu, là ai hết.
Chúng nó sống trong trường học, xung quanh là thầy bạn lớp học, môn dạy, ngoài ra không còn biết chi khác nữa. Ông cha chúng nó thỉnh thoảng đến thăm, nhưng cũng chẳng cho chúng nó biết gặp. Khi đói, thì chúng nó hái trái luộc rau, ăn theo như người ta ; nóng lạnh, thì chúng nó lấy lá vỏ cây mà vấn mặc tạm; mưa gió nắng sương, thì chúng nó ẩn che trong hang bọng cây đá, hoặc dưới bụi lùm; khi ốm đau thì có sẵn thuốc men nơi rau cỏ. Ông thầy của nó thường dạy rằng: Các ngươi có được cái biết, là mục đích , phải có gắng tìm học, cho được toàn giác. Các ngươi có sẵn cái linh nên phải tập giữ sự yên lặng cho nó linh thiêng. Các người có cái sống, cái sống ấy, do bốn chất tứ-đại (đất nước lửa gió) thì đối với sự nắng mưa sương đất chớ khá thiếu lìa, đừng cho thái quá bất cập, mới chắc sống dai. Hễ sống dai tu học lâu năm, ắt là đắc đạo.
Muốn học phải để tâm yên lặng, trống không; có tâm không mới tầm tõi quán xét, tham cứu sưu tầm được; có tâm không mới tỉnh táo sáng lạng, học cho mình, dạy cho người, lâu ngày kết quả, nhờ tâm không tịnh định, có nghỉ yên mỗi lúc, mới giữ được mực trung, do đó mới sẽ được đến nơi đến chốn, nghỉ ngơi sau khi toàn học.
Muốn được tâm không, thì đừng say đắm nơi cái có, đừng có rối loạn đục nhơ, đừng nhớ lo bậy bạc, chẳng nên để cho sự buồn vui mừng giận, thương ghét, muốn ưa nơi ngoại cảnh, làm vọng động xao xuyến trí tâm. Phải lấy sự yên lặng làm tâm, lo tìm một việc học mà thôi. Phải răn ngừa tất cả sự vui chơi biếng-nhác, tham muốn giận hờn, say mê, lợi hại, khổ vui, có, không, còn, mất, đến, đi, khen chê, sống chết, ta người chi khác. Phải nuôi một chí hướng, một mục-đích, một bổn nguyện chơn chánh của cái sống, cái biết, cái linh của mình luôn luôn, đời kiếp nào cũng vậy, không xao lãng, thì ắt sẽ hơn người. Phàm muốn học hành, thì phải chịu thiếu thốn nghèo nàn mãi; có vậy mới thong-thả rảnh rang, có thiếu thốn mới có rán lo, có ít, xấu, mới có siêng-năng bền chí. Nhờ thấp thỏi mới được cái tu. Phải không danh lợi tình yêu, mới chắc mình tự chủ, giải-thoát bay cao được. Nhất là tình thương lo nhớ, dầu với cha mẹ cũng phải bỏ qua một bên, mà nên tự nói rằng: ngày hôm nay tôi ở tại trường học, tôi là học trò, bổn phận tôi là phải chăm chỉ lo học hành tu tập; đó là con đường của tôi. Ông bà cha mẹ tôi muốn cho tôi như thế, thầy tôi, bạn tôi, cũng bảo với tôi như vậy. Tôi phải có đức tin rằng: tôi sẽ thành-công như thầy tôi, bổn nguyện của tôi là đến đó, chớ tôi chưa biết bậc nào trên xa hơn nữa.. Muốn học hành tu tập yên ổn, là tôi phải tự mình xét lựa, bỏ ra hết những cái xấu, đem vào những cái tốt, giữ tâm cho được bình yên, tôi phải đừng sát sanh, giết hại mạng thú người, để gây sự quả báo đòi hỏi lôi thôi, phí học, và bị người giết hại lại. Tôi phải không trộm cắp, để tránh khỏi đôi chối bắt buộc phiền hà, mất cả thời giờ. Tôi chớ nên dâm dục, làm bịnh hoạn xác thân mệt tâm khổ-trí. Tôi chẳng nên nói dối, rủa chửi khoe-khoang đâm thọc, xảo trá không thật. Tôi không nên uống rượu sau sưa, tham-lam, sân giận, si mê. Đừng tham ngồi ghế cao xinh, chỗ nằm rộng đẹp như vua chúa; đừng ưa nghe xem hát múa đờn kèn, chốn đông vui yến tiệc quan quyền; đừng thích trang điểm phấn son dầu hoa, áo quần tươi tốt giàu sang; tôi chớ nên muốn sự ăn món ngon dư nhiều, no nê, béo bổ; cùng sự chứa chấp tích trữ của báu, vàng bạc. Phải ở nơi chỗ vắng cảnh thanh, mới mong giữ lòng trong sạch, trau giồi trí đức, uốn nắn tâm viên, đừng ham cái lợi vinh nhỏ hôm nay, trước mặt, mà phải dằn lòng in trí, thẳng đến cõi tột bực tối cao, nơi ngôi vị rốt ráo ngày mai, cảnh nghỉ ngơi trọn vẹn, ấy mới phải là học trò đi học, học trò tới chỗ không học nữa mới gọi là thật học.
Người học trò phải xin học, xin nơi tất cả để học, muốn được học là phải xin mỗi mỗi nơi tứ-đại vạn-vật chúng-sanh các pháp, phải tạm xin, xin để đủ nuôi học, đừng tham lam dư giả; đã mượn xin, thì chớ khá nhiều ít tranh đua đừng ham mê của cải, để phải lãng xao quên học. Các ngươi nên biết rằng: ma vương là mặt sắc, là cái có, có hữu-hình, con gái ma vương là sắc đẹp tình yêu: hình dạng của nó là ích kỷ ốm o, ố ghen đen xấu, dâm loạn mau già; các ngưoi không nên sa ngã, để cho nó đem lưới pháp của nó đón ngăn, chặn đường học thức của các ngươi: các ngươi nên nhớ mình là học trò mãi mãi, dọc đường chớ tấp ghé đâu đâu, hoặc rủ ren tán tỉnh, tự đắc bỏ lạc xa đường, một phút hư thân, muôn đời khó học.
Các ông thầy giáo đã thường dạy như vậy, thế mà cũng có những trò nhỏ, ham chơi vui, trên đường học vấn, nó tách bỏ đi xa lạ, tìm kiếm ao nước đất bùn, chùm nhum chạy giỡn, la ó rùm beng, cất chòi nấu cơm, may áo sắc thuốc, chia lập chòm nhóm, cưới gả sanh con, đua tranh cát bụi, khôn khéo cướp giành. quên mất lịch sử gốc tích mình, chẳng còn biết phải đi đâu, ở đâu làm chi, ngoài sự ăn ở vui chơi nhàm chán nơi một chỗ đó mãi. Chúng nó không còn biết đến sự học, học cái gì, trường học ở đâu, ai là thầy bạn, cha mẹ ông bà tên chi, xứ sở… thế nên mỗi lần chết đi, là sanh thai sống lại, lẩn quẩn với nhau, không đầu đuôi chi ráo. Ở nơi đó càng làm càng hư, càng phá, càng lập, công việc rộn nhọc, không hở chút nào; lại ham vui sanh sản cho đông, kẻ không công người có của, cấu xé tranh giành lộn xộn, không còn thiết gì sự sống chết nữa.
Cũng có đôi khi ông bà cha mẹ chúng nó, đi đến la rầy phá tán sự nghiệp ấp, bảo trở về lo học, chúng nó cũng không hiểu biết chi chi, trở lại lạ mặt làm hung chống cự. Thầy giáo tới kêu, học trò tới rủ, chúng nó cũng chẳng chịu tin nghe ! Dầu cho nghe theo, muốn đi đi nữa, thì lại còn tiếc của cải vợ con, hoặc đã ốm đau tật bịnh, tâm trí hư già, không còn tính chi được việc ; nhiều đời kiếp như thế, bặt lối mất đường, trầm luân ứ ngộp, không sao giải thoát ra được. Cũng có kẻ mỗi khi chết đi, muốn sanh thai nơi học trò, thầy giáo, hay cha mẹ ông bà xưa Phật Thánh, thì không thể được; buộc lòng vì cảnh bơ vơ, nên phải luân hồi chỗ sái quấy, trụy lạc đó mãi, mà đành chịu vô minh tối khổ.
Nhưng trái lại cũng có kẻ quá lậm mê, si ngây, bất kể, ngang ác, bạo tàn, chỉ biết có cái vui chơi mà thôi, nên lúc còn sống thì không ai chịu nổi với họ, khi chết đị, lại mau sanh trở lại, chỗ sung sướng chơi bời, tung hoành ỷ mạnh, ngỡ tưởng vào đó là toại hưởng sự vui chơi thêm nữa, nào dè khi lúc mới sanh ra, đã không ai dạy dỗ, lại tập thêm quen thói vô nghì ; một ít lâu sau gia-đình kia bị quả báo, phạt to, hại lây cho đứa nhỏ, khổ đau tàn tật chết thảm vô tình, là quả báo đến trả cho nó, vì thưở hồi xưa nó đã gieo nhơn tạo nghiệp. Thế là cõi ấy sau này thành ra cõi của nhơn quả, quả nhơn, vô lý, dốt nát xoay tròn ; làm cho những kẻ đứng ngoài, ai dòm ngó vào trong cũng đều thương xót cho họ cả thảy, mà biết phải làm sao, đâu có thể nào kéo lôi ra được, vì họ đã bị dây kéo cây đè, chặn đường mất lối, không sao ra đặng. Dầu cho có người lực sĩ như đức Phật Thích-ca Mưu-ni khi xưa, cũng chỉ đem ra được một số ít, kẻ để dạy, hiền yếu mà thôi. Chớ đối với hạng tự cao, lủi sâu, ố đạo thì dầu cả thảy chư Phật, cũng không làm sao cứu được. Đãvậy mà số người giải thoát ra thì rất ít, lại bên trong sự sanh sản thêm nhiều, ấy bởi vì cảnh vui hay, khéo lạ của vật chất, càng xinh đẹp, là họ càng khổ sở, lại thêm càng biến hóa tạo sanh ; khiến cho nên những linh hồn cây thú chết đi, chúng nó cũng gom sanh về nơi chỗ đó, để lần lần có tạo ra xã hội loài người đầy dẫy, khổ nhọc với nhau, không còn biết chi tu học. Ở nơi ấy họ có tu học, là tu học cái mưu sanh sống, cho vật-chất xác thân hiện tại, chớ không có tìm học chơn-lý thật, đạo lý, tâm trí về sau chi cả. Sự biết hiện tại ấy, cũng như người nhắm mắt, làm việc trong giấc chiêm bao, tới đâu hay đó giựt mình thức dậy, sẽ hoảng hốt trơ vơ; cũng giống như người mắt nhặm, đối với lẽ thật, là tay chân sờ mò, mà không rõ được kết quả ra sao của sự vật ! Ông bà cha mẹ ấy, tức là các bậc tiền bối tổ tiên Phật Thánh của chúng ta, hôm nay chúng ta xa lìa không đuợc ở chung các Ngài, là bởi tâm địa của chúng ta còn trẻ nhỏ, bất trị khó dạy không nghiêm.
Trường học tức là cõi đời, cảnh đời như bảng vẽ, tuồng đời như lớp dạy, những tiếng nghe như lời dạy bảo, những vật thấy như bài học tập, ngày giờ qua như câu chữ, năm tháng như hàng trương, mỗi kiếp sống là một quyển tập. Võ trụ như một kho tàng Pháp bảo, mỗi quả địa cầu là một quyển sách to. Chúng sanh như nhũng học trò, xung quanh ta là bạn lã, kẻ dạy dỗ ví những ông thầy ; chúng sanh chết đi sống lại, như thay thầy đổi bạn, lên lớp xuống lớp lăng xăng ; vạn vật biến hình như sửa tập, các pháp thấp cao, sái khác không như một là bài vở. Trong trường ấy học sanh từ sanh cho đến chết, lúc nào cũng chỉ có một xác thân trơ trọi, không tham lam một món chi được, không có cái gì nhứt định vĩnh viễn, để cho chúng nó cố chấp si mê ; cái vô thường khổ não, không ta không của ta, chẳng cho chúng nó giận hờn tranh cãi.
Cho nên người đã hiểu ra được cái thật ấy rồi, thì không còn vọng đọng ái quấy nữa, mà cho rằng: trường đời là cõi trang nghiêm tốt đẹp, trong sạch, bằng thẳng của kẻ học trò. Ở nơi đó chúng-sanh phải lo tu học trau giồi tâm trí, để tiến cấp lên cao, chỉ được tâm trí đem theo, chớ chẳng phải đứng ngừng tham-lam, tiếc rẻ cái chi đuợc. Người học trò là phải trong sạch, yên lặng, sáng-suốt. Phải siêng- năng trau dồi mục-đích, chí nguyện mà đi. Dọc đường đừng ham tước vị vua quan, giàu sang, đứng lại. Đừng tham hưởng phước báu mà mau hết, đừng chấp ỷ thế lực mà mau cùn. Phải ngó xem ngôi đại-giác thẳng ngay đi tới, chớ đừng tách tẻ xiêu lạc hai bên.
Khổ trước sướng sau, khổ hoài là sướng mãi, như vậy qúy hay hơn là sự vui chơi bây giờ trước mặt, để phải về sau khổ não. Cũng như chớ trách đứa học trò, đừng lầm kẻ chăn trâu, lợi nhỏ lúc bấy giờ, già đời sau khổ đó. Như vậy là chúng-sanh không nên tạo gây nghiệp thế, trốn học ham choi, lập gom chòm nhóm, xã-hội gia-đình đua chen xài phí, học tập nghề hay, tham ăn mê của. Cũng vì mê – muội mà phải khổ, mãi chịu khổ sanh-tử luân-hồi, càng khổ càng lướt tuôn đi tới, ăn rớt xuống vực sâu, lún ngộp dưới sình lầy không còn ngó lại sau lưng xoay mặt trở ra, tháo lui quay lại, để bước lội lên bờ, theo về tiếng gọi của ông cha thầy bạn. Những kẻ quá si-mê,. xoay lưng quay ngược với đạo-đức,ố ghét kẻ sĩ hiền như thế, ít hay chịu lóng nghe nhìn ngó, thấy biết chi chi, để khi nạn khổ lại tức tối ác hung, và tạo thêm đau khổ nữa. Những kẻ ấy, cũng như người mạo hiểm, vào hang bí mật, không đường ra được, mà lại bướng-bỉnh vào sâu; cũng như kẻ đào đất, càng đào sâu, sâu mãi, để chôn mình không lên ra đặng, thế mà nó cũng chẳng chịu cho ai cứu vớt cả, nó ít hay chịu nghe tiếng của ai ai kêu gọi. Ai nói nó quấy, nó sẽ ghét giận ngay; nó mãi làm bướng, làm càn như ngây, không cần hiểu chơn-lý mục-đích, kết quả chi hết. Những cảnh giới ấy, đức Phật ví như trong địa-ngục, từ xưa muôn ngàn chư Như-Lai Bò- Tát ra đời, tới lui qua lại giáo-hóa, mà họ cũng không bao giờ hay biết chi cả.
Ở trong ấy chúng nó phải bị thần vật-chất, sắc tướng ma-vương chủ-trị, con gái ma-vương quyến rũ, họ không định tĩnh được, không được làm chủ xác thân, linh-hồn phải bị yêu ma bóng hì nh quỷ quyệt cướp nhật, để bày bố lưới mê, bủa giăng pháp thuật, ngăn đón chặn đường, không cho ai giải-thoát ra ngoài trốn được; rồi thì ma chúng sẽ luyện tập họ lâu ngày, cho trở nên tay sai quyến-thuộc, cho thành ra tướng quỉ binh ma, đặng có phun ra khí độc, địa ám thiên hôn, mê hồn lập trận. Khiến nên kẻ bị vây trong trận, không đường trốn tránh. Chính ma-vương ấy, là kẻ thù nghịch Phật, oán Phật, giết Phật, sợ Phật. Mà bao giờ Phật cũng rộng lòng tha thứ, xem chúng nó như em nhỏ dại, lớp dưới; nên Phật khi xưa lặng thinh, là để tự nhiên về sau, chúng nó chán khổ mệt nhọc, ắt sẽ lần hồi bước lên đi ra theo về với Phật. Trong đời ma vương chỉ có kính nể kẻ tu học mà thôi ! Kìa người Khất-sĩ ví như điếc đui, câm ngọng, chúng nó không còn cám dỗ được. Nhà sư ngồi nghỉ trơ trơ như khúc cây, cục đất, chúng nó không thể làm chi được. Vị Pháp sư hằng túa lửa nóng, sáng chói hào quang, chúng nó cũng khó vô gần mình Ngài đặng, và như chư Phật bay mau chớp nhoáng, chúng nó cũng theo không còn kịp nữa. Bằng chẳng được như thế, kẻ nào mà ở trong thế gian, thì không sao thoát khỏi tay chúng hăm hại. Thật vậy, người nào quên lo tu học, say mê vật-chất, ở hoài một chỗ, tránh đâu được ngoài vòng phép lưới của ma vương. Dầu mà ai có tỉnh ngộ nhận ra, hì cũng đã bị phải khói bụi mịt mù, âm phòng rùng rợn, đạo binh chơm chởm, độc khí bao giăng, yêu ma đón nhận, dễ gì ra đặng. Bởi thế cho nên khi xưa, một nhà sư độc-giác nói: Kìa trước mặt chúng ta, một đám trẻ nhỏ, côi hoang đi lạc, thay cho sự đi học, chúng nó lại đi chơi, xa nhà bỏ xứ, càng ham vui, càng háo thắng, càng đi chạy tới mãi, đến nỗi thất lạc trong rừng sâu, gặp phải cả trăm ngàn đường nẻo, tẻ lộn bốn phương, nên không còn biết nhớ chi cửa nhà cha mẹ nữa. Chúng nó gặp phải cảnh đêm hôm, quỷ ma bao phủ, thú dữ cản đầu, giặc cướp đánh nhau, lửa cháy, tên bay, khí giới chạm nhau ghê rợn, bấy giờ chúng nó mới chịu đứng dừng lại trên con đường ác khổ, và phải bị xoay lưng lộn ngược thối chạy (thốy chạy trở lại đường nẻo thiện vui) nhưng mà khốn nỗi, bốn phía ma quỷ đã bao vây, không sao tìm đưòng thoát nạn; thình lình may thay, chúng nó liền nhận ngay ra, xa xa trước mặt, có một ông già Khất-sĩ, chống gậy đi xin, đang đi tới chẫm rãi, ánh sáng trong mình của ông túa ra, xô xẹt vẹt ma quỷ bóng tối hai bên, dọn thành con đường đi sạch sẽ, để lại phía sau, cho đám trẻ nhỏ ấy chạy theo. Chúng nó chạy theo mãi, quên mình mỏi mệt, văng vẳng bên tai nghe như là lời thúc giục của ông già, đọc học bài vở pháp lý hay ho, đúng như tâm trạng của chúng nó khiến cho chúng nó vừa cảm động, vui mừng, vừa êm tai, sướng mắt, mà an tâm không còn sợ sệt. Đến sáng ra là chúng nó đã chạy về tới cửa nhà, thì ông già kia chính chẳng ai đâu xa lạc là ông cha chúng nó, thế là từ đó về sau chúng nó không còn nhàm chán, cái nhà của chúng nó, chúng nó không còn dám liếng xáo chạy chơi xa nữa.
Khi chúng nó đã giác ngộ, chịu lo tu học rồi, bấy giờ ông cha chúng nói mới dạy cho chúng nó biết rằng: chính ông cha chúng nó bay trên cao kiếm gặp, nên mới lấy cát bụi liệng rải khắp nơi, biến hóa ra ma quỷ, giặc cướp, thú hung, lửa cháy, gươm tên. Sự chém giết hại nhau rùng rợn đó, là để cho chúng nó sợ lây, mà thối lui quay lại, chớ các nhân-vật ấy, đều là cát bụi cả, chẳng tin các ngươi thử đi kiếm tìm xem, những xác chết nọ bây giờ, đều hóa ra cát bụi. Những việc hung dữ ấy, là để cho các con biết trước rằng: nếu các con mà dốt nát, ngông càn, không lo tu học, thì cái sự sống của các con, sẽ là ma quỷ, giặc cướp, thú hung, gươm tên, lửa đất một thứ, và lại sẽ phải chết hết vì nhau, hóa ra cát bụi, không còn có được cái sống, cái biết, cái linh chi cả.
Thế là từ đó nhũng đứa con trẻ ấy, đã biết rõ tương-lai số phận của mình rồi, nên không còn dám nô đùa lêu-lổng nữa, chúng nó được sống yên vui trong đường tu học.
Cũng như xưa kia, có một vị đại-tiên nói: cõi thiên-đường là cảnh sống chung tu học. Tất cả chư tiên đều ở chung một trường, một hôm, có một đám tiên nọ, rủ nhau hạ sanh xuống thế để tìm thú vui chơi, riêng dạ ích-kỷ quên người, đành trốn sự học tu, lén bỏ đi xa lìa thầy bạn. Lòng duy kỷ không người ấy là tội trọng, bởi thế cho nên khi xuống thế, mắc phải ở một cù-lao, cả bọn phải bị ma-vương nhốt trói cầm tù, hành hạ đủ thứ, mỗi buổi dẫn đi làm việc cực nhọc. Bấy giờ các vị tiên ấy khổ sở quá, muốn trở về chỗ cũ xứ sở, cũng chẳng biết làm sao. Vả lại trước kia khi ra đi xuống thế, những tưởng mình không còn trở lại làm chi, nên lấy cắp pháp báu của các chư tiên khác, phá tán hư hoại lâu đài, bây giờ cũng không còn biết phải dám về nơi đâu nữa được. Dầu có trốn ra khỏi chỗ nầy, thì cũng lại sợ chỗ khác khổ hơn, nên chẳng biết làm sao, thể phải dành chịu đưa lưng đoạ phạt.
Nhưng may thay một hôm nọ, vị vua Trời Đế Thích thấy vậy thương tình, mới hiện đến chỉ dạy rằng: Các ngươi muốn được trở về, thì cũng không khó chi lắm ; trước hết các ngươi phải tự sám-hối, ăn-năn lấy tâm mình, tự phải răn ngừa tánh vô nhơn ích-kỷ, phải nghĩ đến tất cả, phải tập sống chung thương yêu tốt đẹp trở lại là được, vì bởi chư tiên tất cả, chẳng ai giận ghét các ngươi đâu. Nhưng tâm các ngươi phải hòa thuận, là sẽ ở chung với họ được. Sau khi các ngươi về được: một là các ngươi phải vui lòng chịu khổ mãi, cho đến khi nào, chết bỏ đi thân xác, mãn án đày, cũng như thoát ra được khỏi rương trắp, xích xiếng, là nấm mộ áo quần của người tù tội ấy, thì linh hồn mới sẽ bay lên caoc; thế vậy là phải rất lâu. Còn bằng nếu muốn cho hơn, thì phải do cách thứ hai, là đoái công thục tội: ngươi phải quên mình để giúo đỡ kẻ xung quanh, tội nhơn chung với ngươi, cho họ được mạnh giỏi hết thảy như ngươi, ngươi phải cắt nghĩa, giảng giải giác-ngộ, cho ai nấy nhớ ra quyến-thuộc xứ sở thiên-đường là cõi đất liền tốt đẹp của khi xưa, cho ai nấy tỉnh ra, đừng say mê trìu mến, chấp giữ cù-lao hoang-đảo tội tù, của giữa bốn biển mênh-mông nầy. Ngươi hãy khuyên họ rằng:quyến-thuộc xưa kia đang chờ ngóng trông họ. Họ đừng có mê say đắm đuối với một đám tội nhơn như nhau, đừng mảng lo xây dựng, của cải, lâu đài, xe cộ, miếng ăn, quần áo, sắc đẹp, tình thương tranh cạnh với nhau nữa, vì đó là phép ác của Ma-Vương xúi dục,. mê hoặc. Các ngươi phải chịu cực khổ, tập mình cho có sức mạnh, đừng ham sung-sướng nhũn mềm, đừng nghe ai xưng tặng mà gọi là vinh, đừng thấy ai dâng của mà cho là lợi, đừng thấy ai khóc lóc, trìu mến, níu kéo, mà động tình thưong ở lại, vì đó là ma-vương cám-dỗ, các phép ấy, nó sẽ giết hại tâm hồn ngươi, nó làm cho ngươi càng rối khổ, mê muội quên mất mình, không còn thấy sống, không còn tâm trí nữa. Các ngươi khi đã đủ sức mạnh rồi, thì phá hủy tù khám, xích-xiếng cả thảy,bọn các ngươi rất đông, có thể đuổi chạy ma-vương hết được, bây giờ các ngươi phải chữa sửa miếng đất ấy, lập thành cảnh tu trường học, chung sống như cõi thiên-đường, để lập công đền tội, tỏ ra thật tâm sám-hối bằng việc làm. Việc mở rộng thiên-đường là trừ cho tội lỗi khi xưa phá hoại. Có như thế các ngươi mới thành công đắc quả luôn vừa hiện tại; từ đó dưới trên, hai cõi sẽ tới lui, và không còn sợ ma-vương trở lại, giựt giành Pháp bảo được.
Bằng chẳng như vậy, thì xưa trốn, nay cũng phải tập đói rách khổ cực cho quen, tìm cơ hội kết bè vựơt ngục, mạnh ai nấy lo giải thoát, tự mình tập bay, chạy nhảy lấy; có khổ nhọc như thế, mới tỏ ra thật tâm hối ngộ, thì trở về quê cũ mới được.
Nếu các ngươi đã thật biết ra, cõi đời là khổ, chốn lao lung là hại, các ngươi được nhớ ra thiên đường là hay qúi, thì chớ khá tôn trọng cái dốt, cái khổ, cái xác thân bộ áo tội đày ! Đừng làm thêm những việc ích kỷ tội lỗi, tham sân si như khi xưa nữa vì chính việc làm của các ngươi là sanh sản, đốc xúi ma vương, giống như các ngươi nuôi chứa những con sâu trong bụng các ngươi, càng nhiều là càng nguy nan tánh mạng càng nhiều hơn nữa. Các ngưi không nên ưa muốn những sự đau bụng từng hồi, cũng như sự mãn án nầy, lại bị kết chồng thêm án khác liên tiếp. Các ngươi cũng đừng tưởng rằng: có linh ma vương coi giữ chừng cho mỗi lúc, gọi là sang, liều mạng ở càn, mặc cho lính ma đánh đập, để cho nó cho cơm thiu, cá thúi, nằm gạch ướt, ngủ muỗi mòng, ở khám hôi, uống nước lã, mà gọi là an thân mạng. Dầu mà các ngươi có phải được sự ăn, mặc, ở, bịnh, có sẵn người lo cho đi nữa, các ngươi cũng phải cực nhọc siêng năng, cũng bị sự trói trăn, lôi kéo la rầy, thì không còn tự chủ riêng mình, sung sướng yên vui chi nữa được,
Nhờ vị vui Trời Đế Thích chỉ rõ đường đi như vậy, nên cõi ấy chẳng bao lâu, ma vương chạy hết, thiên đường thiết lập được; chư Thiên ấy đều đắc đủ thần thông, trí huệ, giải thoát tự do, đắc đạo hiện tiền, nơi giữa cõi nguy nan khốn lụy.
Các vị chư tiên ấy, sau nầy là đệ tử A-la-hán của Phật Thích-ca Mâu-ni vậy.
Cõi đời nhân loại của chúng ta, chư tiên mắc đọa ngày hôm nay, cũng giống y xưa như thế ấy. Ai mà đã tỉnh ngộ ra biết mình là tội khổ của ma vương, ắt có ngày sẽ cứu độ được, còn kẻ nào cứ tưởng cho mình la tiên thiệt mãi, thì kẻ đó sẽ mãi khổ đau, mê muội chết sớm, vì bởi tiên bằng xác thân ác tội , cục đất, khúc cây, chữ tiên ấy là cây roi, cây roi thân sắc, sẽ đập tâm trí mãi, đau khổ thêm hoài cho đến chết.
Vậy thì ai muốn sống, phải siêng tu tìm học, tu là để học, học là để tu, có không lạc lầm r62I khổ, mới chắc gọi sống dài không phải chết.
Khi xưa đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói: Chúng sanh cũng như đứa con hoang đi lạc, hèn lâu lớn lên mới đi gặp trở lại ông cha là Phật; bây giờ Phật như ông gỉa giàu có, còn đức con là kẻ đói khát ăn mày, nó thấy nó qúa thấp hèn, đến đỗi ông cha kêu gọi, nó không dám nhìn lại, ong sai tôi tớ ra dắt nó, nó lại chạy đi. O6ng cha Phật phải dùng phương tiện, bảo đức ở ra làm quen với nó, dắt nó vào cho ở mướn, rửa nhà tiêu, để đưọc ơm ăn, về sau quen lần, cho nó đi quét sân, lau nhà dọn bàn ghế, giữ đồ đạc, kế nữa ông giao cho sổ sách gia tài coi tạm, nhận nó làm con nuôi; sau rốt khi gần chết, ông mới nói thiệt, mà nhìn nó là con ruột, và tỏ cho thei6n hạ đều hay biết. Gia tài Pháp bảo của ông, tức là đề dành cho con ông. Con ông làm chủ, sau sẽ thay thế như ông.
Bây giờ đứa trẻ mới chợt tỉnh ngộ ra, biết mình không phải là nghèo nàn, thiếu kém, thô vụng nữa. O6ng cha ấy tập dạy cho con tu học lần lần như thế, mà đứa nhỏ nó chẳng hay biết địa vị mục đích mình là ra chi cả. Trong các chư đệ tử Phât, từ Thinh Văn tiến lên Duyên Giác, Bồ Tát cũng y như vậy, Bồ Tát sẽ thành Phật mà cũng vẫn chưa hay biết mình là ai, không bao giờ Bồ Tát dám nghĩ rằng: mình sẽ thành Phật, sắp thay thế Phật, toàn năng toàn giác. Ba bậc ấy vẫn cứ tưởng mình là chúng sanh thấp kém mãi, theo Phật chỉ là biết phải theo, để làm tôi tớ hầu hạ thôi, chẳng bao giờ tính rằng ; mình sẽ được như Phật. Điều ấy cũng như trong thế gian chúng sanh tiến lên từ cỏ cây thú đến người Trời, là cứ ở nơi cõi nguời, Trời mãi; giống như từ mới sanh đén lớn, nguời ta tưởng là mình không có gìa; cũng như từ sự só6ng lẻ loi đến lập được gia đình xã hội, nguời ta cho là đủ rồi, không bao giờ ngó đến cả thế giới, và khắp võ trụ; giống như người mới được làm quan, làm vua, cho là hếtồi, không còn có Trời Phật ! Không ai nghĩ xét rằng: mình cũng sẽ thành Phật, mình sẽ đi tới qủa Phật, mình sẽ lập cõi đời trở nên thế giới Phật được. Cũng vì thế nên chư Phật mới gọi cõi Ta Bà kham nhẫn chịu thiệt. Vì bởi tại chúng sanh quên tu bỏ học, ở một chỗ không đường đi. Phải đúng y như vậy, sự thật đã cũng y như vậy.
Chúng sanh càng xa lạc đạo càng cố chấp tư riêng, lấy giữ sự việc của đồ chơi trẻ nhỏ mãi, để đến nguy hại tánh mạng mà cũng vẫn chưa hay biết; bởi thế cho nên khi xưa đức Phật mới nói: trần thế là cái nhà hư bể, lửa cháy xung quanh, tường xiêu, ngói đổ, nền cũ rong rêu, ván cây mục nát; lại có qủy ma ác thú ẩn nấp luồn tuồn, thế mà các đứa con khờ dại mảng lo ham vui chơi giỡn không chịu chạy ra ngoài thoát nạn, chúng nó cứ tưởng nhà quý t61t của nó, chỗ ở của nó.
Khi ấy ông cha chúng nó, mới bày ra đồ chơi tốt hơn, chất để trên ba cỗ xe, xe trâu, xe nai, xe dê, là Pháp bảo trong ba thặng, đặng cho chúng nó ham đồ chơi mà chạy ra ngoài, nhờ ham đồ vật vui chơi nơi xe pháp ấy, mà thoát ra khỏi chết nơi nhà kia ! Sự thật đúng y như thế, Pháp bảo tu học, mới phải thật là món đồ chơi, vui hay qúy ích hơn hết. Có pháp bảo mới tạo nên được học trò thầy giáo tốt đẹp. Có pháp bảo mới chỉ ra được mục đích tu học của chúng sanh cái sống. Có pháp bảo người ta mới có đi học, không còn lêu lổng mê chơi. Có pháp bảo tức là con đường cho người đi học. Pháp bảo ấy vốn có sẵn trong khắp thế gian, nơi mỗi cái có, mỗi cái mê, là mỗ cái học, mỗi pháp giác, thế nên cõi đời là trường gọc, pháp giác là bài học, chúng sanh là học trò, thời gian trôi qua là đi tới, tất cả ai ai cũng là đang đi học hết thảy. Hôm nay chúng ta đã phải đi học. Muốn học phải tu. Và có đi khắp nơi, mới là được tu học. Cũng vì sự sống tu học đi tới, mà chúng ta mới phải luân hồi sanh tử, thay đổi khắp cùng nơi, cho đến khi nào hoàn toàn không còn sự tu học nữa, thì tức là không còn luân hồi sanh tử nữa. Chừng ấy mới gọi là cái sống yên vui, không còn chết rối khổ.
Vậy chúng ta ai ai chớ quên mình, là đang sống tu đi học hết.
Tổ sư Minh Đăng Quang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn