Trang nhất » Tin Tức » CHƠN LÝ

Giá trị tâm linh qua cuộc đời của Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni

Thứ sáu - 31/10/2014 18:16
Cách đây hơn 2600 năm, trên thế gian này đã xuất hiện một bậc Vĩ nhân giác ngộ vẹn toàn dưới cội cây Bồ Đề. Ngày Đức Thế Tôn thành đạo mang lại niềm khích lệ vô lượng, vô biên cho Chư Thiên và loài người. Sự giác ngộ vẹn toàn của Đức Phật đã tạo một niềm tin trong sáng, vững chắc vào Tam Bảo cho Tăng Ni và Phật Tử, nó giúp chúng ta tự tin vào chính mình trong quá trình tu tập, hóa giải đau khổ, tìm đến con đường an lạc, giải thoát.
Giá trị tâm linh qua cuộc đời của Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni

Giá trị tâm linh qua cuộc đời của Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni

CHƯƠNG I:  LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI

1. Sơ bộ lịch sử của Đức Phật:

Năm 623 trước Dương lịch, vào ngày trăng tròn tháng năm, tức ngày rằm tháng tư Âm lịch, tại vườn Lumbini xứ Ấn Độ. Nay thuộc nước Nepal ở gần chân núi Himalaya cách thành Kapilavatthu khoảng 15 cây số (gần 10 dặm Anh). Hoàng hậu Maha Maya của Vua Suddhodana thuộc qúy tộc Sakya họ Gotama hạ sinh một Hoàng tử.

 Tin Hoàng tử chào đời được loan truyền trong nhân gian, thần dân vui mừng, Vua mời một số đạo sĩ đến coi tướng, các đạo sĩ đều nói Hoàng tử có 32 tướng tốt, trên đời chưa thấy ai có; nếu sau này làm vua sẽ là một Hoàng Đế nhân đức anh minh, còn nếu xuất gia học đạo sẽ là bậc đại Thánh, một đại vĩ nhân. Vì vậy Vua đặt tên là Siddhartha  có nghĩa là toại nguyện, Vua cũng phong cho Siddhartha là con trưởng sẽ nối ngôi vua sau này, nên gọi là Thái tử Siddhartha.

Thái tử mỗi năm mỗi lớn, diện mạo càng thêm khôi ngô tuấn tú, tài năng phát triển vượt bực, Thái tử có một sức khoẻ cường tráng, một trí óc thông minh xuất chúng, từ văn đến võ, các trai tráng trong hoàng tộc không ai sánh kịp, học thầy nào cũng chỉ trong một thời gian ngắn là học hết quyền thuật chữ nghĩa của thầy. Mặc dù tài sức hơn người, nhưng Thái tử không bao giờ tỏ ra kiêu ngạo khinh người, trái lại có một thái độ nhã nhặn, thương người thương vật, vô tư bình đẳng, do đó Thái tử được Vua cha thương yêu qúy mến chiều chuộng; những người chung quanh mến trọng nể vì.

Một hôm, nhân ngày lễ Hạ Điền (lễ bắt đầu làm ruộng của nhà nông trong một năm) vào ngày đầu xuân, Thái tử theo Vua cha ra đồng. Mọi người vui vẻ với buổi lễ trong cảnh gió xuân nắng ấm hoa lá tốt tươi, muôn chim hót vang trong cảnh êm đẹp thái bình; trong khi mọi người mải vui với buổi lễ như thế, Thái tử ngồi một mình bắt chéo hai chân như người ngồi thiền dưới bóng cây. Thái tử nghĩ rằng những cảnh đẹp, chứ thực ra không phải thế, như trâu bò khổ cực kéo cày, người nông dân phải làm việc cực khổ, chân lấm tay bùn để có cơm ăn áo mặc. Thái tử ngồi một mình suy nghĩ trầm tư như thế rồi vào định tâm . . .

Thấm thoắt Thái tử đã 16 tuổi, các việc học hành tập luyện đều chu toàn đầy đủ, có vóc dáng của người hai chục tuổi, lại khôi ngô tuấn tú. Vua Tịnh Phạn muốn con mình sẽ nối ngôi sau này nên ép Thái tử thành hôn với Công chúa Yasodhara đẹp đẽ nết na chu toàn cùng tuổi. Vua cho lập cung điện bốn mùa thay đổi, chọn các mỹ nữ trẻ đẹp hầu hạ Thái tử; chung quanh cung điện là ao hồ, vườn cây luôn đẹp đẽ xanh tươi, hoa lá rực rỡ như cảnh thần tiên. Đời sống vương giả thật đầy đủ, cao lương mỹ vị, đàn ca múa hát, ngày đêm có người luân phiên chầu chực hầu hạ, lên xe xuống ngựa trong hoàng thành rộng lớn.

Cuộc đời nhung lụa sung sướng với vợ đẹp hiền ngoan như thế đã trên mười năm, mọi người tưởng rằng Thái tử sẽ tiếp tục sống mãi như thế tới ngày Vua cha truyền ngôi để trì vì đất nước. Rồi Công Chúa sinh con trai tên La Hầu La, Vua Tịnh Phạn càng thêm vui mừng, vì có thêm sự ràng buộc Thái tử hơn nữa. Mặc dù sống đời sung sướng, vợ đẹp, con ngoan, Thái tử vẫn thấy trong lòng nặng trĩu nỗi băn khoăn thắc mắc đời sống thật sự bên ngoài hoàng thành.

Một hôm, Thái tử xin Vua cha cho người hướng dẫn đi dạo ra ngoài cửa thành ngắm cảnh, ra đến cửa Đông, Ngài thấy một ông già đầu bạc trắng, lưng còng, răng rụng, lần bước đi một cách khó khăn; đến cửa Nam, Ngài thấy một người nằm co quắp trên cỏ đang kêu la đau đớn, hỏi thăm được biết người này đang bị bệnh; đến cửa Tây, Ngài thấy một người chết nằm bên đường. Thấy ba cảnh tang thương ấy, Thái tử nhận rõ bộ mặt thật của cuộc đời là khổ, những cảnh xa hoa trong hoàng cung chỉ là giả dối; Ngài muốn tìm cách giải quyết làm sao để cứu chúng sanh khỏi khổ đau, bệnh, chết, nhưng Ngài chưa biết phải làm gì, nên trong lòng Ngài nặng nề hơn.

Mấy ngày sau, Thái tử lại xin đi dạo chơi, lần này ra cửa Bắc, Ngài thấy một người ngồi kết già dưới gốc cây, thản nhiên không để ý các người qua lại; thấy vậy, Ngài có một sự cảm mến với vị ấy, và hé nảy sinh con đường cứu bệnh khổ già chết trong tâm tư, Ngài liền trở về cung thưa với Vua cha xin xuất gia học đạo, nhưng bị từ khước. Thái tử trình Vua bốn sự việc nếu Vua giải quyết được, Ngài sẽ bỏ việc học đạo, đó là:

1-    Làm sao mọi người trẻ mãi không già,

2-    Làm sao mọi người khỏe mãi không bệnh,

3-    Làm sao mọi người sống mãi không chết,

4-    Làm sao mọi người hết khổ.

Vua nghe Ngài hỏi như thế, buồn rầu không giải quyết được, và nói: “Những việc đó là thường ở đời, đương nhiên phải già, bệnh, khổ, chết, không có cách nào giải quyết được, đành chịu mà thôi”.

Lúc này, Vua lại tìm đủ cách để giữ chân Thái tử, nhưng từ khi thấy bốn cảnh ở bốn cửa thành, Ngài đã tìm ra được giải đáp: “Ở đời là khổ, tất cả chỉ là tạm bợ, ngay cả cái thân ta mai này cũng sẽ vào cát bụi. Ta phải tìm chân lý để cứu mình và cứu tất cả chúng sinh”. Ngài đã nhất quyết trong lòng con đường tìm chân lý giải thoát. Cung vàng điện ngọc, địa vị giàu sang, vợ đẹp con ngoan, sống sung sướng v.v…. không thể sánh với sự giải thoát to lớn và cứu độ chúng sanh khỏi khổ đau.

 Trong một đêm khuya, mọi người đương giấc ngủ say sưa, Thái tử Sĩ Đạt Ta nhìn vợ con đang an giấc, rồi cùng với người giữ ngựa lặng lẽ rời khỏi hoàng thành trong đêm tối. Lúc đó Ngài 29 tuổi, tuổi tráng niên cường lực, dứt bỏ hết để ra đi tìm đạo với hai bàn tay trắng, để sống một cuộc đời chưa biết sẽ ra sao.

Sáng hôm sau, khi đã vượt qua sông Anoma (Neranjara), Ngài dừng chân trên bãi cát, dùng thanh kiếm sắc bén tự cạo râu tóc xong trao áo mão (mũ) kiếm cho người giữ ngựa đem trở về trình Vua; Ngài khoác vào mình tấm vải vàng cam làm áo, tự nguyện sống đời tu sĩ, và chấp nhận mọi sự thiếu thốn vật chất. Từ một người sống trong nhung lụa giàu sang quyền qúy, bỗng nhiên trở thành người đi lang thang trong nóng nực, lạnh lẽo, như người bất định trong sương gió. Đầu đội trời, chận đạp đất, không giày dép mũ nón, chỉ một mảnh vải che thân, không nhà không cửa. Đạo sĩ Cù Đàm lấy bóng cây hang đá là nhà để tránh nắng che mưa, trú dông bão tố, mang bát đi khất thực để sống v.v…

Ngài tìm đến học đạo với đạo sĩ Alarama Kalama, Ngài học và hành, đạt những gì đạo sĩ ấy đạt; Đạo sĩ Alarama Kalama mời Ngài cộng tác dạy đám đệ tử, nhưng Ngài từ chối vì không  thỏa mãn những gì đã đạt được. Đạo sĩ Cù Đàm rời vị ấy tìm đến một vị thứ hai, đạo sĩ Uddaka Ramaputta, Ngài học và cũng chứng những gì vị ấy chứng; vị thứ hai nhường cho đạo sĩ Cù Đàm làm đạo sư hướng dẫn các đạo sĩ ở đó, nhưng sự chứng không giải quyết được những điều mà Ngài mong muốn, chưa phải là chân lý, chưa phải là Niết Bàn tối thượng, do đó Ngài lại ra đi. 

Thời bấy giờ, nhiều người có quan niệm: “Chỉ có tu khổ hạnh mới giải thoát được”, nên ông Kiều Trần Như đã thuyết phục Ngài nhập chung với năm người cùng tu khổ hạnh. Do đó đạo sĩ Cù Đàm đã khép mình để cùng tu trong thời gian dài trên năm năm khổ hạnh.

Từ một thân hình cường tráng khỏe mạnh dần dần cho đến một thân hình chỉ còn da bọc xương, dùng vô số phương tiện của khổ hạnh để tu, Ngài chỉ ăn rau cỏ để thiền, nhịn thở để thiền, chỉ ăn một vài hạt đậu và một ít nước mỗi ngày để thiền v.v…

Mặc dù khổ hành đến cùng cực như thế, mặc dù không ai tinh tấn bằng đạo sĩ Cù Đàm, các đạo sĩ vẫn cho là cần phải tiếp tục khổ hạnh để đạt chân lý; thấy rõ ràng sau khi trải qua thời gian dài khổ hạnh như thế, cái chết đã gần kề, đạo qủa chân lý chẳng thấy đâu, trí thức suy giảm, tinh thần mệt mỏi, Ngài quyết định dứt khoát từ bỏ lối tu khổ hạnh. Vì cần có một thân hình khỏe mạnh, một trí óc sáng suốt để suy gẫm đạt chân lý, nên Ngài bắt đầu dùng vật thực thô sơ trở lại.

Quyết định từ bỏ lối sống khổ hạnh, nhưng Ngài cũng không quay lại lối sống lợi dưỡng, mà vạch ra đường lối tu Trung đạo, Ngài biết rằng tu bằng đường Trung đạo sẽ tác thành nhẫn, tác thành trí tự tại, tác thành định đưa đến trí, sẽ đưa đến giác ngộ.

Năm vị đạo sĩ đồng tu thấy thế liền chê trách: “Đạo sĩ Cù Đàm không đủ kiên nhẫn”, họ liền bỏ đi; không vì thế mà thối chí ngã lòng, một mình Ngài trong chốn rừng sâu tu tập.  

Bấy giờ, đạo sĩ Cù Đàm nghĩ rằng: “Ta đã đi tìm hết các nơi, không có một ai đủ khả năng dẫn dắt ta thành tựu mục tiêu mà ta mong muốn, vì chưa ai ra khỏi sự vô minh”. Ngài bèn đi đến vùng ngoại thành Vương Xá nước Ma Kiệt tự tu tập một mình, nơi có dòng sông trong mát, cây cối xanh thẳm, hoa lá tốt tươi. Đi đến dưới gốc cây Bồ Đề lấy cỏ làm nệm ngồi thiền định, Ngài thề nguyện rằng: “Nếu không đạt chân lý dù thịt nát xương tan ta cũng không rời khỏi chỗ này”. Ngài đã liên tiếp trải qua nhiều gian nan thử thách về nội tâm tham, sân, si, mạn, nghi v.v…, rồi sau lại phải chiến đấu với ngoại cảnh Thiên ma dùng đủ mọi tà pháp hòng cản trở Ngài việc thiền định; rút cục Ngài chiến thắng cả nội tâm lẫn ngoại cảnh, tâm trí được yên ổn trong thiền định.

Trong đêm thứ 49, vào khoảng 10 giờ lúc canh hai, Ngài chứng “Túc mệnh minh”, thấy rõ tất cả các đời qúa khứ một đời, hai đời, ba đời, mười đời, trăm đời, nghìn đời; sinh chỗ này, tên là gì, cuộc sống ra sao, chết sinh vào đâu v.v…, tất cả đều biết hết. Tiếp tục thiền định, tới khoảng nửa đêm lúc canh ba, Ngài chứng “Thiên nhãn minh”, thấy được tất cả bản thể vũ trụ, biết cấu tạo thế giới vũ trụ thành trụ hoại diệt (thành lập, sống còn, tiêu hủy, chết mất) như thế nào, đều biết hết thảy. Vẫn kiên cố hành thiền tam muội (thiền định), đến khoảng 2 giờ sáng lúc canh tư, Ngài chứng “Lậu tận minh”, vô lậu, sạch hết trần cấu (sạch hết ô nhiễm). Biết rõ Khổ, nguồn gốc của đau khổ, cách trừ đau khổ, và con đường đạo qủa viên mãn. Ngài tự biết: “Ta đã giải thoát, không còn tái sinh nữa, tu hành viên mãn, việc làm đã xong, không còn trở lại trạng thái khi xưa nữa”.

Ngài từ từ mở mắt to ra chợt thấy sao Mai lấp lánh, hốt nhiên “Toàn Ngộ”, thấu triệt cùng khắp chân lý vũ trụ, thần thông quảng đại, Ngài đạt Đạo Vô Thượng, thành bậc “Chính Đẳng Chính Giác” nên được gọi là bậc Toàn Giác, Như Lai, hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni.

Trong suốt 49 năm hành đạo, Đức Thế Tôn đã hóa độ không biết bao nhiêu đệ tử, Ngài đã thành lập ba ngôi báu, Tăng đoàn, và các hàng đệ tử như: Tỳ kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắt, Ưu Bà Di. Những lời dạy của Ngài đều có lợi ích cho chúng sanh biết được đau là khổ, con đường đưa đến sự diệt khổ. . ..  Năm 80 tuổi, Ngài nhập Niết Bàn tại rừng Ta La nước Câu Thi La giữa hai cây Long Thọ vào nửa đêm ngày mồng 8 tháng hai âm lịch, năm 543 trước Dương lịch.

Không giống như các vị giáo chủ của các tôn giáo khác. Trước khi trở thành Phật, Ngài cũng là một con người, có tình yêu thương Hữu ngã. Tuy nhiên,  vì sự giác ngộ trong nỗi khổ trầm luân bởi tham đắm ngũ dục của  kiếp ta bà mà chúng sanh bị trôi lăn trong vòng sanh tử. Vì thế, Ngài đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, gia đình yêu dấu  mà đi tìm con đường giải thoát cho chính Ngài và cho tất cả chúng sanh

2. Ý nghĩa của sự giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Theo Kinh Thánh Cầu, sau khi đạt được quả vị vô thượng chánh đẳng, chánh giác, Đức Phật Gotama ngần ngại thuyết giảng những gì Ngài vừa thông đạt. Đọan kinh được đưa vào ở điểm này về sự can thiệp của Phạm thiên khẩn cầu Ngài thuyết Pháp. Khi ta xem xét lịch sử về mặt tâm linh, ta thấy các tôn giáo vẫn thường cản trở sự tiến bộ; tuy thế, điều này không phải là thái độ cố hữu trong quan điểm của đạo Phật.

Trong Kinh Cung kính (Pháp) ở Tương Ưng Bộ, tập 1, chương VI:

Thời ấy đức Thế Tôn đang đọc cư thiền định và tư tưởng này khởi lên trong trí Ngài: “Thật là khổ thay phải sống mà không cung kính, cũng không tôn trọng ai cả. Ta phải cung kính, tôn trọng, và sống theo sự hướng dẫn của hạng Sa môn nào và hạng Bà la môn?”.

Thế rồi đức Thế Tôn suy nghĩ: “nếu ta chưa thành tựu giới luật, thì ta phải kính trọng, lễ bái và sống theo( sự hướng dẫn của) một vị Sa môn hay Bà la môn nhằm mục đích thành tưu giới luật. Nhưng ta không thấy ở bất cứ nơi nào trong các thế giới của các thiên thần, Ma vương hay Phạm thiên bất cứ ai, dù là Sa môn hay Bà la môn, thiên thần hay người, mà ta phải cung kính, tôn trọng, và ta phải sống theo vị ấy, vì không có vị Sa môn Bà la môn nào hoàn thiện giới luật hơn ta.

Nếu ta chưa thành tựu thiển định, thì ta phải cung kính, tôn trọng, và sống theo một vị Sa môn hay Bà la môn nhằm mục đích thành tựu thiền định…

Nếu ta chưa thành tựu thiển định, thì ta phải cung kính, tôn trọng, và sống theo một vị Sa môn hay Bà la môn nhằm mục đích thành tựu thắng trí…

Nếu ta chưa thành tựu thiền định, thì ta phải cung kính, tôn trọng, và sống theo một vị Sa môn hay Bà la môn nhằm mục đích thành tựu giải thoát…

Nếu ta chưa thành tựu trí tuệ và thắng trí về giải thoát thì ta phải cung kính tôn trọng, và sống theo một vị Sa môn hay Bà la môn nhằm mục đích thành tựu trí tuệ và thắng trí về giải thoát.

Nhưng ta không thấy ở bất cứ nơi nào trong các thế giới của các thiên thần, Ma vương, hay Phạm thiên bất cứ ai, dù là Sa môn hay Bà la môn, thiên thần, hay người, mà ta phải cung kính, tôn trọng và ta phải sống theo vị ấy, vì không có vị Sa môn và Bà la môn nào hoàn thiện trí tuệ và thắng trí về giải thoát hơn ta.

Ta đã được giác ngộ Pháp này. Giả sử ta phải cung kính, tôn trọng, và ta phải sống theo Pháp này thì sao?”.

Ngay khi ấy, thần Phạm thiên, chúa tể thế giới, nhận thức rõ tư tưởng này cửa đức Thế Tôn, như một lực sĩ dang thẳng cánh tay co lại hay co lại cánh tay dang thẳng biến mất từ Phạm thiên giới và xuất hiện trước đức Thế Tôn.

Thần Phạm thiên, chúa tể thế giới, đắp thượng y qua vai trái cúi đầu kính lễ đức Thế Tôn, hai tay chắp lại và nói:

Thật đúng vậy, bạch đức Thế Tôn. Thật đúng vậy, bạch đấng thiện thệ. Trong thời quá khứ, các bậc A la hán, chánh đẳng giác, Phật và Thế Tôn đều đã cung kính, tôn trọng và sống theo Pháp này. Hơn nữa, trong thời tương lai các bậc A la hán, chánh đẳng giác, Phật và Thế Tôn đều sẽ cung kính, tôn trọng, và sống theo Pháp này. Bây giờ trong thời hiện tại, ước mong bậc A la hán, chánh đẳng giác, Phật và Thế Tôn cung kính, tôn trọng và sống theo Pháp này.

Qua đoạn kinh trên, ta thấy thật vô cùng ý nghĩa trong lịch sử tâm linh bởi sự giác ngộ của Đức Phật Bổn sư.

 

II. Giá trị tâm linh qua cuộc đời cuả Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni

1. Định nghĩa tâm linh

Theo Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 1995, tâm linh là “1. Khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xẩy ra với mình, theo quan niệm duy tâm. 2. (ít dùng) Tâm hồn, tinh thần”.

Hoặc theo định nghĩa khác “Tâm linh là  khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với minh, theo quan niệm duy tâm”[1]

Liên quan với tâm linh, tiếng Anh có hai thuật ngữ là spiritualism (duy linh luận) vàspiritism (thông linh luận). Duy linh luận là niềm tin tôn giáo - triết học về sự tồn tại sau cái chết, còn thông linh luận giả định về một số hiện tượng liên quan với sự can thiệp của người chết. Do nhiều tương đồng, nên chúng thường được đánh đồng với nhau. Tâm linh luận giả định có thể liên lạc với người chết qua đối tượng trung gian là giới đồng cốt - những người được xem là có khả năng nói chuyện với người chết.

2. Ý nghĩa của sự giác ngộ ảnh hưởng đến đời sống của con người

Đức Phật là sự hiện thân của tất cả những phẩm hạnh do Ngài thuyết giảng. Trong suốt 45 năm thực hiện thành công sứ mệnh và để lại những sự kiện quan trọng của Ngài, Ngài đã chuyển dịch tất cả những ngôn từ, lời nói của Ngài thành những hành động cụ thể thiết thực. Không có lúc nào mà Ngài không chỉ ra sự yếu đuối và nỗi đam mê thấp hèn của con người. Giới hạnh của đức Phật là tấm gương hoàn hảo nhất mà thế gian đã từng chứng kiến.
         Hơn 25 thế kỷ, hàng triệu con người đã tìm thấy nguồn cảm hứng và sự khuây khoả nơi giáo lý của Ngài. Sự vĩ đại của Ngài vẫn còn toả sáng mãi cho đến ngày nay giống như mặt trời chói sáng rực rỡ hơn ánh sáng mờ đục của những vật sáng kém hơn. Giáo pháp của Ngài vẫn vẫy tay mời gọi phái đoàn hành hương mệt lã người đến nơi an toàn và cảnh giới an lạc của Niết-bàn. Không có một nhân vật nào ngoài Ngài đã hy sinh quá nhiều những thú vui vật chất của mình vì nỗi khổ đau của nhân loại.
         Đức Phật là bậc đạo sư đầu tiên trong lịch sử nhân loại khiển trách và chống lại nghi thức tế lễ động vật cho quỷ thần vì bất cứ một lý do nào khác và kêu gọi nhân loại không nên làm hại các loài sinh vật sống.
         Đối với Đức Phật, tôn giáo không phải là một sự giao kèo trong mua bán mà là một con đường đưa đến sự giác ngộ. Ngài không muốn chư đệ tử Ngài tin một cách mù quáng mà Ngài muốn họ hãy suy nghĩ một cách tự do và thông thái.

Ngoài ra, Thế Tôn dạy đến hạnh phúc của đời sống gia đình. Mỗi cá nhân cần thực hiện đủ: [2]

- Giỏi tay nghề, siêng năng, biết điều hành công việc.
- Biết quân bình chi, thu (giữ cho số thu lớn hơn số chi).
- Biết làm ra của cải hợp pháp bằng sức lao đông của mình.
- Biết đầu tư.
- Biết làm bạn với thiện (Có giới, Tín và Tuệ).
- Biết quân bình sức khoẻ và tâm lý.
- Biết lo cho đời sau: tu Tín, Thí, Giới và Tuệ.
- Biết sống trong hiện tại, làm chủ suy tư, không tiếc nuối quá khứ, không mộng tưởng tương lai....

       Với nội dung giáo dục đó, chỉ có nhà trường hiện đại của cuối thế kỷ hai mươi, với một hệ thống giáo dục hoàn mỹ gồm đủ giáo dục tâm lý, sinh lý và mỹ thuật, mới bắt gặp tinh thần và nội dung giáo dục đó của Phật giáo

        Toàn thể nhân loại trên thế gian này được ban phước bằng sự hiện hữu của Ngài.
Chưa từng có khi nào đức Phật bày tỏ thái độ không thân thiện đối với một ai. Thậm chí đối với những địch thủ và kẻ thù xấu xa nhất của Ngài, Ngài cũng không bày tỏ thái độ không thân thiện đối với họ. Có một vài người mang đầu óc thành kiến muốn chống đối lại Ngài và tìm mọi cách giết hại Ngài; song đức Phật không bao giờ đối xử với họ như là kẻ thù. Có một lần đức Phật nói:
“Ta như voi giữa trận,
Hứng chịu cung tên rơi,
Chịu đựng mọi phỉ báng,
Ác giới rất nhiều người”.(PC-320)
         Trong biên niên sử thế giới, chưa có một nhân vật nào có thể được công nhận là đã tự hiến dâng quá nhiều cho những lợi ích của chúng sanh như đức Phật đã làm. Ngay từ giây phút giác ngộ cho đến lúc nhập diệt, Ngài phấn đấu không biết mệt mỏi để nâng cao địa vị con người. Ngài chỉ dành hai tiếng đồng hồ trong một ngày cho việc ngủ nghỉ của mình. Mặc dù 25 thế kỷ đã trôi qua kể từ khi bậc đạo sư vĩ đại này đã nhập diệt, song thông điệp về tình thương và trí tuệ của Ngài vẫn còn hiện hữu trong hình thức thuần khiết tinh khôi. Thông điệp này vẫn có ảnh hưởng quan trọng đối với vận mệnh của nhân loại. Ngài là bậc thầy từ bi nhất đã làm toả sáng thế gian này bằng tình thương và lòng nhân từ.
         Sau khi nhập Niết-bàn, đức Phật đã để lại một bức thông điệp bất tử vẫn còn gái trị đối với chúng ta. Ngày nay, chúng ta phải đương đầu với một sự đe doạ kinh hoàng về nền hoà bình của thế giới. Không có thời điểm nào trong lịch sử thế giới mà bức thông điệp của Ngài lại cần thiết hơn như hiện nay.
         Đức Phật thị hiện nơi cõi đời này nhằm mục đích xua tan đi cái bóng tối của vô minh và chỉ cho nhân loại cách chấm dứt khổ đau và bệnh tật, già và chết và tất cả những nỗi lo lắng và khổ sở của kiếp sống nhân sinh.
         Theo một số tôn giáo, một số vị thần linh thỉnh thoảng sẽ xuất hiện trên cõi đời này để tiêu diệt những con người ác độc và che chở cho những con người lương thiện. Ngược lại, đức Phật không thị hiện trên cõi đời này để tiêu diệt những kẻ ác mà là để chỉ cho họ con đường đi đúng đắn.
           Trong lịch sử thế giới mãi cho đến thời kỳ đức Phật, chúng ta đã từng nghe bất cứ một vị đạo sư nào có tấm lòng chan chứa tình yêu thương và nỗi cảm thông đối với nỗi khổ đau của nhân loại như đức Phật chăng? Đồng thời với đức Phật, chúng ta nghe một số triết gia thông thái tại Hy Lạp như: Socrates, Plato và Aristole và nhiều nhà hiền triết khác, song họ chỉ là những triết gia, những nhà tư tưởng và những nhà đi tìm chân lý; họ thiếu đi tình yêu thương cảm kích đối với nỗi khổ đau của nhân loại.
         Con đường cứu độ nhân loại của đức Phật là dạy cho họ cách làm thế nào để tìm được sự giải thoát, an lạc. Ngài không quan tâm đến việc làm dịu một vài trường hợp liên quan đến chứng bệnh về thân và tâm. Ngài quan tâm nhiều hơn với việc tiết lộ con đường mà tất cả mọi người có thể đi theo.
           Chúng ta hãy đem tất cả những triết gia, tâm lý gia, khoa học gia, nhà duy lý, những nhà cải cách xã hội, những tư tưởng gia vĩ đại và những vị đạo sư của các tôn giáo khác, với một tinh thần không thiên vị, so sánh sự vĩ đại, đức hạnh, tinh thần phục vụ và trí tuệ của chư vị đối với đức hạnh, lòng từ bi và sự giác ngộ của đức Phật. Chúng ta có thể hiểu được địa vị của đức Phật đứng ở đâu trong số tất cả những bậc vĩ nhân này.

 

III. Tinh thần giáo dục của đức Thế Tôn qua lời dạy của Ngài

Giáo dục là nền văn hóa và văn minh của loài người. Phật giáo, qua hơn hai mươi lăm thế kỷ ảnh hưởng, đã đóng góp nhiều vào văn hóa nhân loại, nều không muốn nói Phật giáo có thể làm nên gọi là văn hóa Phật giáo cho nhân loại. Sự kiện đóng góp này đủ soi tỏ Phật giáo là một hệ thống giáo dục.

Giáo lý Phật giáo đưa con người giác ngộ và mọi người có thể vận dụng để nổ lực của tự thân. Đạo đế, trong tứ đế của Phật giáo, là con đường vận dụng khả năng ấy. có thể nói đây là cái thấy biết và là niềm tin vô ngã được mở ra từ lời dạy của đức Thế Tôn “nhất thiết Pháp vô ngã”. Thế Tôn đã không hề chỉ cho hàng đệ tử đi vào cầu nguyện hay tế lễ trên đường tìm kiếm hạnh phúc. Ngài dạy: Tế đàn có ý nghĩa là tế đàn bố thí, giúp đỡ tha nhân và tế đàn có ý nghĩa nhất là sự tu tập giải thoát của chính tự thân[3]

Thế Tôn đã giáo dục con người đầy đủ các mặt ấy. Về mặt xã hội, kinh Singalà nói lên việc xây dựng sáu mối tương giao tốt của xã hội: tương giao giữa cha mẹ và con cái; giữa thầy và trò; vợ và chồng; cá nhân và bà con, láng giềng, bạn bè; chủ và thợ; tu sĩ và cư sĩ.

Thế Tôn đã vận dụng rất thiện xảo tinh thần “khế cơ” vào cả mặt ngôn ngữ diễn đạt, cung cách diễn đạt và tâm lý thích ứng đối với đối tượng nghe Pháp, mà chúng ta gặp rất nhiều qua kinh điển của các bộ phái Phật giáo.

Khi đến với nông dân, Thế Tôn dùng ngôn ngữ và hình ảnh nhà nông; đến với chúng Sát đế lợi, Bà la môn, Thế Tôn biểu hiện cung cách và ngôn ngữ của chính họ.

Ngoài việc nói Pháp đúng đối tượng nghe, Thế Tôn còn nói Pháp đúng thời và đúng chỗ, khiến cho tác dụng của mọi thời Pháp được tăng thêm hiệu quả. Ý nghĩa này cũng được gom vào tinh thần “khế cơ” ấy.

Giới luật cũng được Thế Tôn thiết lập trên nguyên tác Khế cơ: Tăng, Ni, Nam, Nữ cư sĩ có giới luật riêng.

Thế Tôn đã không hề chỉ cho hàng đệ tử đi vào cầu nguyện hay tế lễ trên đường tìm kiếm hạnh phúc. Ngài dạy: tế đàn có ý nghĩa nhất là sự tu tập giải thoát của chính tự thân.

Tinh thần thực tiễn, thực tế là một tinh thần giáo dục nổi bật của tâm lý giáo dục hiện đại. qua tinh thần thực tiễn ấy Phật giáo nổi bật lên sắc thái rất là giáo dục.

Thế giới này do duyên sinh. Con người cũng do duyên sinh. Thế giới và con người có cùng chung tánh duyên sinh ấy nên cùng có mặt trong một tương quan bất nhị. Cá nhân, gia đình, xã hội đều ở trong sự tương quan bất nhị đó.

Thế Tôn định nghĩa cái gọi là con người chỉ là tập hợp của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức).

Thế Tôn đã sử dụng phương pháp giảng dạy rất sống động, cụ thể, dễ hiểu, hấp dẫn thu hút sự chú ý của người khác và có tác dụng đánh mạnh vào tâm thức của người nghe. Kèm theo với phương pháp này, Thế Tôn còn giảng những đề tài có duyên sự và bối cảnh sống động của nó.

 

 

Ta hãy lấy ví dụ trong kinh Tương Ưng Bộ Kinh V:

Ở Kosambi, bên bờ sông Gangà, khi thấy một khúc gỗ lềnh bềnh trên mặt nước, Thế Tôn liền gọi các Tỷ kheo lại, chỉ khúc gỗ và giảng dạy về con đường giải thoát. Ngài dạy:Nếu khúc gỗ không hư nát trong ruột, không tấp vào hai bên bờ, không bị vướng vào nước xoáy, không bị loài người hay các loài khác nhặt, thì nhất định khúc gỗ ấy trôi thẳng về biển. Cũng thế người tu sĩ nếu không như khúc gỗ hư ruột (chỉ tà kiến của người tu, hay các ngoại đạo), nếu không tấp vào hai bờ (có nghĩa là không vướng mắc vào các căn, các trần), nếu không mắc vào nước xoáy(nếu không ngã mạn), nếu không bị người ta nhặt (nếu không bị ràng buộc nhiều với người đời, cư sĩ), nếu không bị phi nhân, chư thiên nhặt (chỉ người tu cầu sanh thiên để hưởng phước lạc), thì nhất định người tu sĩ ấy sẽ như khúc gỗ, trôi thẳng về biển, sẽ vào biển Thánh, thành tựu phạm hạnh, chứng ngộ giải thoát niết bàn”.

Có những thời Pháp, Thế Tôn chỉ nói cho một người, có trường hợp cho một nhóm nhỏ, có trường hợp cho cả bốn chúng đệ tử của ngài và cả ngoại đạo; nhưng cũng có những thời Pháp chỉ dành cho các loài phi nhơn, chư thiên, hoặc gồm chung nhiều loại. Thế Tôn vẫn tập trung vào các điểm chính của giáo lý: từ bỏ điều ác, làm các việc thiện và giữ lòng thanh tịnh, loại bỏ hết các cấu bẩn của tâm. Phương pháp căn bản của giảng dạy vẫn là thân giáo và khẩu giáo.Qủa thật, Thế Tôn như người đã dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống... Con xin trọn đời quy ngưỡng Thế Tôn"[4] .


IV.. KẾT LUẬN

Đức Phật đã để lại cho thế gian một bài học luân lý đẹp đẽ, đó là sự tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với cây bồ đề che nắng che mưa cho Ngài trong suốt thời gian tầm đạo. Đức Thế Tôn đã đứng cách một khoảng xa để chiêm bái đại thọ suốt trong một tuần. Sau này, nơi đây vua Asoka dựng lên một tháp kỷ niệm gọi là Animisalocana Cetiya, nay vẫn còn.

Đức Thế Tôn đã suy nghĩ đến giáo lý giải thoát sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh cao thượng, siêu lý luận, ly dục, vô ngã mà Ngài đã chứng đắc; còn chúng sanh thì luôn chìm sâu vào ái dục, định kiến, chấp ngã với nhiều thủ trước... Làm thế nào để con người dễ dàng chấp nhận giáo lý ấy? Và rồi, với trí tuệ của bậc giác ngộ, Đức Thế Tôn đã quan sát thế gian và thấy rằng: “Có hạng chúng sinh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời; có hạng độn căn, lợi căn; có hạng thiện tánh, ác tánh; có hạng dễ giáo hóa, khó giáo hóa... Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vươn lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước; có loại sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước thấm ướt...” . Và như vậy, với hình ảnh những cành sen vươn ra khỏi mặt nước, những cành ở lưng chừng, những cành ở sâu trong lòng nước v.v... đã gợi lên trong Thế Tôn về căn cơ bất đồng của mọi người. Có những căn cơ thấp như cánh sen ở đáy hồ, có những căn cơ trung bình như những cánh sen ở lưng chừng nước, cũng có những căn cơ cao có thể tiếp thu trọn vẹn giáo pháp của Ngài như những cành sen đã nhô ra khỏi mặt nước. Dù sống trong nghiệp quả bất đồng, mỗi chúng sanh đều có hạt giống giác ngộ, như hoa sen dù sống trong bùn tanh hôi, vẫn tỏa hương thơm ngát. Cuộc đời lịch sử của Ngài thật vô cùng có giá trị tâm linh để đưa nhân loại ra khỏi bờ mê và đạt được đến bờ giải thoát.


THƯ MỤC THAM KHẢO

 

1.      Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1, NXB Tôn Giáo, 1992.

2.      Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ 1, NXB Tôn Giáo, 1992.

3.      Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng Bộ V, NXB Tôn Giáo, 1992.

4.      Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng Bộ I, NXB Tôn Giáo, 1992.

5.      Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi IV, NXB Tôn Giáo, 1992.

6. Thích Thiện Siêu (dịch), Kinh Trung A Hàm, tập I., Tp.HCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1992.

7. Trần Phương Lan (dịch),  Đức Phật Gotama, NXB Phương Đông, 2011.

8.Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, Hồ Chí Minh: Tôn Giáo, 2006

9. Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông quyển 1 , NXB Phương Đông, 2011.

10. Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, NXB Phương Đông, 2009.

11. Thích Nữ Trí Hải (dịch), Đức Phật Đã Dạy Những Gì,NXB Tôn Giáo, 2000.

12. Nguyễn Khuê, Luận Lý Học Phật Giáo, NXB Hồng Đức, 2013.

13. Ngôn ngữ học Việt Nam , Từ Điển Tiếng Việt, NXB Từ điển Bách khoa, 2010.

14. Hoàng Phê (chủ biên),  Từ Điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng,  2005.

15. http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-83_4-18316/luoc-su-duc-phat-thich-ca-mau-ni.html



[1] Theo Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học , NXB Từ điển bách khoa, 2010, tr 467

[2]HT Minh Châu (Biên dịch), Tăng Chi IV-B , tr. 220

[3]HT Thích Minh Châu (dịch), Tăng Chi IV, tr. 39

[4] HT. Thích Minh Châu (biên dịch), Trường Bộ I , tr. 114-115.

Tác giả bài viết: Thích Giác Tự

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 33


Hôm nayHôm nay : 1054

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 82990

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8533767