KINH VÔ NGÃ TƯỚNG (ANATTALAKKHAṆA SUTTA)
Ngày 20 tháng 6, Đức Phật thuyết bài kinhVô Ngã Tướng (Anattalakkhaṇasutta) để tế độ nhóm 5 vị Tỳ khưu chứng đắc thành bậc Thánh Arahán.
Phần I: Ý nghĩa kệ khai kinh Vô Ngã Tướng
Dhammacakkaṃ pavattetvā...
Khu rừng yên tịnh nơi phóng sinh nai
Tên gọi là I-si-pa-ta-na
Gần kinh thành Bà-rà-na-si ấy,
Ngày rằm tháng sáu, trăng rằm sáng tỏ
Đức Phật đã thuyết, kinh Chuyển Pháp Luân
Tỳ khưu chứng đắc bậc Thánh Nhập Lưu
Tuần tự theo mỗi ngày, thêm mỗi vị.
Nhóm năm Tỳ khưu thành Thánh Nhập Lưu,
Đến ngày mồng năm tuần trăng hạ huyền
Đức Phật thuyết pháp kinh Vô Ngã Tướng
Tế độ Tỳ khưu, thành A-ra-hán.
Này chư thiện trí, xin hãy lắng nghe
Chúng tôi tụng kinh, Vô Ngã Tướng ấy.
Phần II: Ý nghĩa của bài kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhaṇasutta)
Evaṃ me sutaṃ...
Lời của Ngài Đại đức Ānanda bạch với Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa.
- Kính bạch Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa khả kính.
Con là Ānanda được nghe bài kinh Vô Ngã Tướng từ Đức Thế Tôn như vầy:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, trước kia Đức Phật Độc Giác thường ngự xuống. Tại nơi đây, Đức Thế Tôn bèn gọi nhóm 5 Tỳ khưu rằng:
- Này chư Tỳ khưu.
Chư Tỳ khưu đáp lời Đức Thế Tôn:
- Dạ, kính bạch Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn thuyết giảng kinh Vô Ngã Tướng như sau:
Ngũ uẩn là vô ngã
1- Sắc uẩn là vô ngã
- Này chư Tỳ khưu, sắc uẩn này là vô ngã (không phải ta, không chiều theo ý muốn của ai).
Này chư Tỳ khưu, thật vậy, nếu sắc uẩn này là ta (ngã), thì sắc uẩn này không bị biến đổi, không bệnh hoạn; và các con có thể mong muốn được trong sắc uẩn này rằng:
“Sắc uẩn của tôi được khỏe mạnh, đẹp đẽ như thế này!
Sắc uẩn của tôi đừng có bệnh hoạn, xấu xí như thế kia”.
Này chư Tỳ khưu, sự thật, bởi vì sắc uẩn này là vô ngã, do đó, sắc uẩn này phải bị biến đổi, bệnh hoạn.Vì vậy, các con không thể mong muốn được trong sắc uẩn này rằng:
“Sắc uẩn của tôi được khỏe mạnh, đẹp đẽ như thế này!
Sắc uẩn của tôi đừng có bệnh hoạn, xấu xí như thế kia”.
(sắc uẩn như thế nào tùy thuộc vào nhân duyên, không tùy thuộc theo ý muốn của mình).
2- Thọ uẩn là vô ngã
- Này chư Tỳ khưu, thọ uẩn này là vô ngã (không phải ta, không chiều theo ý muốn của ai).
Này chư Tỳ khưu, thật vậy, nếu thọ uẩn này là ta (ngã), thì thọ uẩn này không bị biến đổi, không bệnh tâm, không bệnh thân; và các con có thể mong muốn được trong thọ uẩn này rằng:
“Thọ uẩn của tôi được an lạc như thế này!
Thọ uẩn của tôi đừng khổ đau như thế kia”.
Này chư Tỳ khưu, sự thật, bởi vì thọ uẩn này là vô ngã; do đo, thọ uẩn này phải bị biến đổi, bệnh tâm, bệnh thân. Vì vậy, các con không thể mong muốn được trong thọ uẩn này rằng:
“Thọ uẩn của tôi được an lạc như thế này!
Thọ uẩn của tôi đừng khổ đau như thế kia”.
(thọ uẩn như thế nào tùy thuộc vào nhân duyên tiếp xúc đối tượng, không tùy thuộc theo ý muốn của ai).
3- Tưởng uẩn là vô ngã
- Này chư Tỳ khưu, tưởng uẩn này là vô ngã (không phải ta, không chiều theo ý muốn của ai).
Này chư Tỳ khưu, thật vậy, nếu tưởng uẩn này là ta (ngã), thì tưởng uẩn này không bị biến đổi, không bệnh tâm, không bệnh thân; và các con có thể mong muốn được trong tưởng uẩn này rằng:
“Tưởng uẩn của tôi ghi nhớ điều tốt, điều thiện như thế này!
Tưởng uẩn của tôi đừng ghi nhớ điều ác, điều xấu như thế kia”.
Này chư Tỳ khưu, sự thật, bởi vì tưởng uẩn này là vô ngã, do đó, tưởng uẩn này phải bị biến đổi, bệnh tâm, bệnh thân. Vì vậy, các con không thể mong muốn được trong tưởng uẩn này rằng:
“Tưởng uẩn của tôi được ghi nhớ điều tốt, điều thiện như thế này!
Tưởng uẩn của tôi đừng ghi nhớ điều ác, điều xấu như thế kia”.
(tưởng uẩn như thế nào tùy thuộc vào nhân duyên tiếp xúc đối tượng, không tùy thuộc theo ý muốn của ai).
4- Hành uẩn là vô ngã
- Này chư Tỳ khưu, hành uẩn này là vô ngã (không phải ta, không chiều theo ý muốn của ai).
Này chư Tỳ khưu, thật vậy, nếu hành uẩn này là ta (ngã), thì hành uẩn này không bị biến đổi, không bệnh tâm, không bệnh thân; và các con có thể mong muốn được trong hành uẩn này rằng:
“Hành uẩn của tôi tạo thiện nghiệp như thế này!
Hành uẩn của tôi đừng tạo ác nghiệp như thế kia”.
Này chư Tỳ khưu, sự thật bởi vì hành uẩn này là vô ngã, do đó, hành uẩn này phải bị biến đổi, bệnh tâm, bệnh thân. Vì vậy, các con không thể mong muốn được trong hành uẩn này rằng:
“Hành uẩn của tôi tạo thiện nghiệp như thế này!
Hành uẩn của tôi đừng tạo ác nghiệp như thế kia”.
(hành uẩn như thế nào tùy thuộc vào nhân duyên tiếp xúc đối tượng, không tùy thuộc theo ý muốn của ai).
5- Thức uẩn là vô ngã
- Này chư Tỳ khưu, thức uẩn này là vô ngã (không phải ta, không chiều theo ý muốn của ai).
Này chư Tỳ khưu, thật vậy, nếu thức uẩn này là ta (ngã), thì thức uẩn này không bị biến đổi, không bệnh tâm, không bệnh thân; và các con có thể mong muốn được trong thức uẩn này rằng:
“Thức uẩn của tôi biết điều tốt, điều thiện như thế này!
Thức uẩn của tôi đừng biết điều xấu, điều ác như thế kia”.
Này chư Tỳ khưu, sự thật, bởi vì thức uẩn này là vô ngã, do đó, thức uẩn này phải bị biến đổi, bệnh tâm, bệnh thân. Vì vậy, các con không thể mong muốn được trong thức uẩn này rằng:
“Thức uẩn của tôi biết điều tốt, điều thiện như thế này!
Thức uẩn của tôi đừng biết điều xấu, điều ác như thế kia”.
(thức uẩn hoàn toàn tùy thuộc nhân duyên danh pháp, sắc pháp, không tùy thuộc theo ý muốn của ai).
Ngũ uẩn có ba trạng thái chung
1) Sắc uẩn có 3 trạng thái chung
- Này chư Tỳ khưu, các con nhận thức thế nào về điều này?
Sắc uẩn này là thường hay vô thường?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, sắc uẩn này sinh rồi diệt là vô thường.
- Này chư Tỳ khưu, sắc uẩn nào là vô thường, vậy sắc uẩn ấy là khổ hay lạc?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, sắc uẩn ấy sinh rồi diệt luôn luôn hành hạ, nên sắc uẩn ấy là khổ.
- Này chư Tỳ khưu, sắc uẩn nào vô thường, khổ, có trạng thái thường biến đổi. Vậy các con có nên theo chấp thủ bằng tâm tham ái, ngã mạn, tà kiến nơi sắc uẩn ấy rằng:
Sắc uẩn ấy là của ta (do tâm tham ái)
Sắc uẩn ấy là ta (do tâm ngã mạn)
Sắc uẩn ấy là tự ngã của ta (do tâm tà kiến) hay không?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, quả thật không nên theo chấp thủ sắc uẩn ấy như vậy.
2) Thọ uẩn có 3 trạng thái chung
- Này chư Tỳ khưu, các con nhận thức thế nào về điều này?
Thọ uẩn này là thường hay vô thường?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, thọ uẩn này sinh rồi diệt là vô thường.
- Này chư Tỳ khưu, thọ uẩn nào là vô thường, vậy thọ uẩn ấy là khổ hay lạc?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, thọ uẩn ấy sinh rồi diệt luôn luôn hành hạ, nên thọ uẩn ấy là khổ.
- Này chư Tỳ khưu, thọ uẩn nào là vô thường, khổ, có trạng thái thường biến đổi. Vậy các con có nên theo chấp thủ bằng tâm tham ái, ngã mạn, tà kiến nơi thọ uẩn ấy rằng:
Thọ uẩn ấy là của ta (do tâm tham ái)
Thọ uẩn ấy là ta (do tâm ngã mạn)
Thọ uẩn ấy là tự ngã của ta (do tâm tà kiến) hay không?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, quả thật không nên theo chấp thủ thọ uẩn ấy như vậy.
3) Tưởng uẩn có 3 trạng thái chung
- Này chư Tỳ khưu, các con nhận thức thế nào về điều này?
Tưởng uẩn này là thường hay vô thường?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, tưởng uẩn này sinh rồi diệt là vô thường.
- Này chư Tỳ khưu, tưởng uẩn nào là vô thường, vậy tưởng uẩn ấy là khổ hay lạc?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, tưởng uẩn ấy sinh rồi diệt luôn luôn hành hạ, nên tưởng uẩn ấy là khổ.
- Này chư Tỳ khưu, tưởng uẩn nào là vô thường, khổ, có trạng thái thường biến đổi. Vậy các con có nên theo chấp thủ bằng tâm tham ái, ngã mạn, tà kiến nơi tưởng uẩn ấy rằng:
Tưởng uẩn ấy là của ta (do tâm tham ái)
Tưởng uẩn ấy là ta (do tâm ngã mạn)
Tưởng uẩn ấy là tự ngã của ta (do tâm tà kiến) hay không?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, quả thật không nên theo chấp thủ tưởng uẩn ấy như vậy.
4) Hành uẩn có 3 trạng thái chung
- Này chư Tỳ khưu, các con nhận thức thế nào về điều này?
Hành uẩn này là thường hay vô thường?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, hành uẩn này sinh rồi diệt là vô thường.
- Này chư Tỳ khưu, hành uẩn nào là vô thường, vậy hành uẩn ấy là khổ hay lạc?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, hành uẩn ấy sinh rồi diệt luôn luôn hành hạ, nên hành uẩn ấy là khổ.
- Này chư Tỳ khưu, hành uẩn nào là vô thường, khổ, có trạng thái thường biến đổi. Vậy các con có nên theo chấp thủ bằng tâm tham ái, ngã mạn, tà kiến nơi hành uẩn ấy rằng:
Hành uẩn ấy là của ta (do tâm tham ái)
Hành uẩn ấy là ta (do tâm ngã mạn)
Hành uẩn ấy là tự ngã của ta (do tâm tà kiến) hay không?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, quả thật không nên theo chấp thủ hành uẩn ấy như vậy.
5) Thức uẩn có 3 trạng thái chung
- Này chư Tỳ khưu, các con nhận thức thế nào về điều này?
Thức uẩn này là thường hay vô thường?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, thức uẩn này sinh rồi diệt là vô thường.
- Này chư Tỳ khưu, thức uẩn nào là vô thường, vậy thức uẩn ấy là khổ hay lạc?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, thức uẩn ấy sinh rồi diệt luôn luôn hành hạ, nên thức uẩn ấy là khổ.
- Này chư Tỳ khưu, thức uẩn nào là vô thường, khổ, có trạng thái thường biến đổi. Vậy các con có nên theo chấp thủ bằng tâm tham ái, ngã mạn, tà kiến nơi thức uẩn ấy rằng:
Thức uẩn ấy là của ta (do tâm tham ái)
Thức uẩn ấy là ta (do tâm ngã mạn)
Thức uẩn ấy là tự ngã của ta (do tâm tà kiến) hay không?
- Kính bạch Đức Thế Tôn, quả thật không nên theo chấp thủ thức uẩn ấy như vậy.
Trí tuệ thiền tuệ không chấp thủ ngũ uẩn:
1) Trí tuệ thiền tuệ không chấp thủ nơi sắc uẩn
Vì vậy, này chư Tỳ khưu, những sắc uẩn nào đã sinh trong thời quá khứ, sẽ sinh trong thời vị lai, đang sinh trong thời hiện tại, hoặc sắc uẩn bên trong của mình, hoặc sắc uẩn bên ngoài (của người khác), hoặc sắc uẩn thô, hoặc sắc uẩn vi tế, hoặc sắc uẩn thấp hèn, hoặc sắc uẩn cao quý, hoặc sắc uẩn nào sinh ở nơi xa, hoặc sắc uẩn nào sinh ở nơi gần. Vậy các con nên biết bằng trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ đúng theo thật tánh của tất cả sắc uẩn ấy rằng:
Sắc uẩn ấy không phải của ta.
Sắc uẩn ấy không phải ta.
Sắc uẩn ấy không phải tự ngã của ta.
2) Trí tuệ thiền tuệ không chấp thủ nơi thọ uẩn.
Vì vậy, này chư Tỳ khưu, những thọ uẩn nào đã sinh trong thời quá khứ, sẽ sinh trong thời vị lai, đang sinh trong thời hiện tại, hoặc thọ uẩn bên trong của mình, hoặc thọ uẩn bên ngoài (của người khác), hoặc thọ uẩn thô, hoặc thọ uẩn vi tế, hoặc thọ uẩn thấp hèn, hoặc thọ uẩn cao quý, hoặc thọ uẩn nào sinh ở nơi xa, hoặc thọ uẩn nào sinh ở nơi gần. Vậy các con nên biết bằng trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ đúng theo thật tánh của tất cả thọ uẩn ấy rằng:
Thọ uẩn ấy không phải của ta.
Thọ uẩn ấy không phải ta.
Thọ uẩn ấy không phải tự ngã của ta.
3) Trí tuệ thiền tuệ không chấp thủ nơi tưởng uẩn.
Vì vậy, này chư Tỳ khưu, những tưởng uẩn nào đã sinh trong thời quá khứ, sẽ sinh trong thời vị lai, đang sinh trong thời hiện tại, hoặc tưởng uẩn bên trong của mình, hoặc tưởng uẩn bên ngoài (của người khác), hoặc tưởng uẩn thô, hoặc tưởng uẩn vi tế, hoặc tưởng uẩn thấp hèn, hoặc tưởng uẩn cao quý, hoặc tưởng uẩn nào sinh ở nơi xa, hoặc tưởng uẩn nào sinh ở nơi gần. Vậy các con nên biết bằng trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ đúng theo thật tánh của tất cả tưởng uẩn ấy rằng:
Tưởng uẩn ấy không phải của ta.
Tưởng uẩn ấy không phải ta.
Tưởng uẩn ấy không phải tự ngã của ta.
4) Trí tuệ thiền tuệ không chấp thủ nơi hành uẩn.
Vì vậy, này chư Tỳ khưu, những hành uẩn nào đã sinh trong thời quá khứ, sẽ sinh trong thời vị lai, đang sinh trong thời hiện tại, hoặc hành uẩn bên trong của mình, hoặc hành uẩn bên ngoài (của người khác), hoặc hành uẩn thô, hoặc hành uẩn vi tế, hoặc hành uẩn thấp hèn, hoặc hành uẩn cao quý, hoặc hành uẩn nào sinh ở nơi xa, hoặc hành uẩn nào sinh ở nơi gần. Vậy các con nên biết bằng trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ đúng theo thật tánh của tất cả hành uẩn ấy rằng:
Hành uẩn ấy không phải của ta.
Hành uẩn ấy không phải ta.
Hành uẩn ấy không phải tự ngã của ta.
5) Trí tuệ thiền tuệ không chấp thủ nơi thức uẩn.
Vì vậy, này chư Tỳ khưu, những thức uẩn nào đã sinh trong thời quá khứ, sẽ sinh trong thời vị lai, đang sinh trong thời hiện tại, hoặc thức uẩn bên trong của mình, hoặc thức uẩn bên ngoài (của người khác), hoặc thức uẩn thô, hoặc thức uẩn vi tế, hoặc thức uẩn thấp hèn, hoặc thức uẩn cao quý, hoặc thức uẩn nào sinh ở nơi xa, hoặc thức uẩn nào sinh ở nơi gần. Vậy các con nên biết bằng trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ đúng theo thật tánh của tất cả thức uẩn ấy rằng:
Thức uẩn ấy không phải của ta.
Thức uẩn ấy không phải ta.
Thức uẩn ấy không phải tự ngã của ta.
Trí tuệ thiền tuệ nhàm chán trong ngũ uẩn.
Này chư Tỳ khưu, thực tánh của ngũ uẩn như vậy, bậc Thánh Thanh Văn có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ ngũ uẩn đúng theo thật tánh, nên phát sinh trí tuệ thiền tuệ nhàm chán trong sắc uẩn, nhàm chán trong thọ uẩn, nhàm chán trong tưởng uẩn, nhàm chán trong hành uẩn, nhàm chán trong thức uẩn.
Khi trí tuệ thiền tuệ nhàm chán trong ngũ uẩn, nên tâm xả ly tham ái, do tâm xả ly tham ái nên chứng đắc Arahán Thánh Đạo, giải thoát khỏi mọi tham ái phiền não.
Trí tuệ quán xét biết rõ rằng: “Arahán Thánh Quả đã giải thoát hoàn toàn mọi phiền não trầm luân”.
Trí tuệ quán xét biết rõ rằng:“Không còn phải tiến hành pháp hành Bát Chánh Đạo nữa, mọi phận sự của Tứ Thánh Đế đã hoàn thành xong, phạm hạnh cao thượng đã hoàn thiện. Kiếp này là kiếp chót, không còn tái sinh kiếp nào nữa”.
Nhóm 5 Tỳ khưu thành bậc Thánh Arahán
Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh Vô Ngã Tướng này xong, nhóm 5 Tỳ khưu vô cùng hoan hỷ với lời giáo huấn của Đức Thế Tôn.
Trong khi Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh này, nhóm 5 Tỳ khưu tiến hành thiền tuệ dẫn đến chứng đắc Arahán Đạo Tuệ diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, không còn chấp thủ trong ngũ uẩn này nữa.
(xong bài kinh Vô Ngã Tướng).
*
Giải thích danh từ trong bài kinh Vô Ngã Tướng
* Ý nghĩa danh từAnattā
Định nghĩa danh từ anattā như sau:
Na attā anattā, natthi attā etassa khandhapañcakassā ti và anattā.
Tất cả các pháp không phải ta, không phải của ta là pháp vô ngã, hay ngũ uẩn ấy không phải ta, không phải của ta cũng là pháp vô ngã.
Ý nghĩa anattā: Vô ngã ở đây là phủ định attā: Ngã, ngã sở (theo quan niệm tà kiến).
Trong bộ Ṭīkā giải thích danh từ anattā: Vô ngã có 4 ý nghĩa sau:
Avasavattanaṭṭha: Vô ngã có nghĩa là không chiều theo ý muốn của một ai.
Asāmikaṭṭha: Vô ngã có nghĩa là vô chủ, không có ai làm chủ.
Suññataṭṭha: Vô ngã có nghĩa là không, không phải ta, không phải của ta.
Attapaṭikkhepaṭṭha: Vô ngã có nghĩa là phủ nhận cái ngã, cái ta, cái đại ngã.
Anattā và attā trong bài kinhAnattalakkhaṇasutta (Vô Ngã Tướng) có ý nghĩa hoàn toàn ngược lại nhau.
Anattā: Vô ngã, ngũ uẩn này không chiều theo ý muốn của ai.
Attā: Ngã, ta muốn ngũ uẩn được như thế này, không muốn ngũ uẩn như thế khác v.v... chiều theo ý muốn của ta. Nhưng thật tánh của ngũ uẩn này là vô ngã không chiều theo ý muốn của ai.
Attā: Nghĩa là ta, ngã do tà kiến theo chấp sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn hoặc danh pháp, sắc pháp cho là ta (ngã), tự ngã; ngã mạn theo chấp ta; tham ái theo chấp của ta.
Tác giả bài viết: kinh Phật
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn