Trang nhất » Tin Tức » CHƠN LÝ

Pháp môn niệm Phật trong Phật giáo Nguyên Thủy và những câu chuyện thú vị liên quan

Chủ nhật - 02/11/2014 09:11
Với đề tài trên người viết nhận thấy có hai từ cần làm rõ: Niệm và Phật. Niệm (sati) ở đây cần phải được hiểu theo nghĩa truyền thống là nhớ nghĩ đến hay tưởng đến. Niệm có nghĩa là nhớ lại, nhớ nghĩ tới, nhớ rõ không quên; cũng có nghĩa là sự tỉnh táo, sự có mặt của ý thức, sự duy trì ý thức về một đối tượng. Niệm còn có nghĩa là nguồn năng lượng giúp ta ý thức được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại trong thân, tâm ta và trong hoàn cảnh[1]. Động từ niệm Phật do vậy ít khi có ý nghĩa liên quan đến việc phát ra âm thanh hay đi kèm với âm thanh như dạng niệm Lục tự hồng danh trong hệ thống Phật giáo Phát triển. Từ Phật trong Phật giáo Nguyên Thủy thường được mặc nhiên hiểu là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chứ không phải là một vị Phật quá khứ hay tương lai nào khác.
Pháp môn niệm Phật trong Phật giáo Nguyên Thủy và những câu chuyện thú vị liên quan

Pháp môn niệm Phật trong Phật giáo Nguyên Thủy và những câu chuyện thú vị liên quan

Người viết xin bắt đầu câu chuyện bằng pháp môn có nội dung và tính chất ngược hẳn với pháp môn niệm Phật. Đó là Pháp môn quán tử thi trong hệ thống Phật giáo Nam truyền. Pháp môn Quán Tử thi được Buddhaghosa diễn giải tỉ mỉ trong tác phẩm Thanh Tịnh Đạo. Trong bản dịch của Ni sư Thích nữ Trí Hải, đề tài Quán tử thi chiếm trọn chương 6 dài 37 trang chứa đựng những diễn giải rất chi tiết, cho thấy những hành giả ngày xưa đã thực sự sử dụng pháp quán này để tu tập, chí ít là đã thực sự quan sát và miêu tả lại những gì đã quan sát được trong trong quá trình tiêu hoại của một tử thi. Một cách cô đặc nhất chúng ta có thể thấy quá trình tiêu hoại gồm 10 giai đoạn đặc trưng bởi 10 tướng trạng: Tướng phình trương, tướng xanh bầm, tướng máu mủ, tướng bị nứt ra, tướng bị gặm khới, tướng bị rã rời, tướng bị phân tán, tướng bị chảy máu, tướng bị trùng ăn và tướng bộ xương[2]. Trong mười tướng trạng ở trên, tướng bị gặm khới cần hiểu rõ hơn một chút với những dòng diễn giải như sau: Bị chó, bị chồn... ăn chỗ này chỗ kia bằng nhiều cách, gọi là bị gặm khới (vikkhayita)[3]. Tướng tử thi bị gặm khới cần được tâm niệm: "Tướng thi thể bị gặm khới thật là ghê tởm, ghê tởm là tướng thây bị gặm khới"[4] Đến đây người viết sẽ không đi sâu vào pháp quán mà muốn nêu lên điều mà Buddhaghosa cảnh giác nhiều lần trong việc chọn lựa loại tử thi liên quan đến giới tính[5]. Người viết xin trích một chút nguyên văn: "Ngay cả khi thi thể đang tàn tạ, một phụ nữ cũng xâm nhập tâm người đàn ông và ở mãi tại đấy."[6] Như vậy trong pháp quán này sắc thân người khác phái dù đã chết cũng không thể làm đối tượng để quán. Điều thú vị đối với người viết ở đây là cách nhìn của Nhất Thiết Hữu Bộ: Ngược lại, sắc thân của Như Lai sau khi xả báo an tường hay vô dư niết-bàn cũng không thể dùng để làm đối tượng để quán chiếu. Vì sao? Sắc thân của Đức Phật dù đã thị tịch cũng không thể nào làm khởi lên cảm giác chán chê nơi người chiêm ngưỡng bởi vì sắc thân của Đức Phật là hoàn hảo. Theo Nhất Thiết Hữu Bộ thì sắc thân của Đức Phật là siêu tuyệt trong tất cả phương diện với tất cả tính chất thanh tịnh, tinh tế, trong sáng, chói ngời. Ngay cả những vết thương nho nhỏ do Đề-bà-đạt-đa xô đá chạm phải cũng lành lặn tức thời và không để lại vết sẹo nào.

Chính vì tính chất thanh tịnh, tinh tế, trong sáng, chói ngời nơi thân thể của Đức Phật mà Ngài có thể làm đối tượng cho một pháp tu khác. Đó là pháp môn niệm Phật; từ niệm Phật có ý nghĩa như người viết đã xác lập ngay từ ban đầu. Niệm trong trường hợp này có nghĩa là nhớ nghĩ đến hay tưởng đến, nhớ lại, nhớ rõ không quên; cũng có nghĩa là sự tỉnh táo, sự có mặt của ý thức, sự duy trì ý thức về một đối tượng. Pháp môn niệm Phật, Thanh Tịnh Đạo gọi là Tùy niệm và được giảng giải:

Một thiền giả có niềm tin tuyệt đối, trước hết muốn tu tập tùy niệm về đấng Giác Ngộ, thì nên độc cư tại một trú xứ thích hợp và tưởng niệm đức tính đặc biệt của đấng Giác Ngộ như sau: "Đức Thế Tôn là bậc A la hán Chánh Đẳng Giác, đầy đủ minh và hạnh, đấng Thiện Thệ, đấng Hiểu rõ thế gian, bậc Vô thượng đạo sư điều phục những người đáng điều phục, bậc Thầy của chư thiên và loài người, Phật, Thế Tôn. Tóm lại, đó là niệm tưởng về mười đức hiệu hay mười phẩm tính của bậc Đạo sư."

Dưới đây người viết căn cứ trên Thanh Tịnh Đạo tóm tắt 10 phẩm tính:

1. A-la-hán:

Thanh Tịnh Đạo chép lại rất chi tiết và hàn lâm về vị A-la-hán như là một phẩm tính đầu tiên của Đức Phật, người viết chỉ nêu vài câu kệ tóm kết mà thôi:

Các căm xe sanh tử

Bị phá bằng gươm tuệ

Do vậy đấng cứu thế

Được gọi A-la-hán.

Bậc Thánh xa uế nhiễm

Chiến thắng giặc não phiền

Các căm xe phá hủy

Xứng đáng được cúng dường

Không ác hành bí mật:

Vì năm lý do này

Ngài có thể tuyên bố

Thành bậc A-la-hán.

2. Chánh Đẳng Giác:

Chánh đẳng giác là tự biết mọi sự vật một cách chơn chánh. Bậc đạo sư thắng tri các pháp cần phải thắng tri, tức là thắng tri bốn chân lý; liễu tri các pháp cần liễu tri, tức là liễu tri Khổ đế; đoạn tận các pháp cần phải đoạn tận, tức là đoạn tận Tập đế; chứng đắc các pháp cần phải chứng đắc, tức là chứng đắc Diệt đế; và tu tập các pháp cần phải tu tập, tức là tu tập Đạo đế. Ở một phương diện tu tập khác, bậc đạo sư tự mình tìm ra mỗi một pháp một cách chính xác theo từng bước một như sau: Con mắt là chân lý về khổ; khát ái đi trước phát sinh ra nó, là chân lý về sự tập khởi của khổ; sự không sinh khởi cả hai pháp ấy là chân lý về Diệt khổ; và con đường hay sự hiểu rõ Diệt là chân lý về Đạo diệt khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng thế. Trong mối liên quan với giáo lý Mười hai Nhân duyên thì Già chết là chân lý về Khổ; Sanh là chân lý về Tập; Giải thoát cả hai là chân lý về Diệt khổ; và con đường hay sự hiểu rõ Diệt là chân lý về Đạo diệt khổ.

3. Minh Hạnh Túc:

Kinh điển truyền thống cho chúng ta biết có 3 loại minh và 8 loại minh. Ba loại minh được miêu tả chi tiết trong Kinh Sợ Hãi Và Khiếp Đảm thuộc Trung Bộ gồm Túc mệnh minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh[7]. Tám loại minh theo cách dụng ngữ của Thanh Tịnh Đạo gồm "sáu thắng trí với tuệ giác và thần thông của thân ý sanh"[8]. Hạnh ở đây gồm 15 điều: phòng hộ bằng giới; gìn giữ các căn môn; biết vừa đủ trong ăn uống; chánh niệm tỉnh giác; tín; tàm; quý; đa văn; tấn; niệm; tuệ; và 4 thiền sắc giới. Đức Thế Tôn đầy đủ 3 loại hay 8 loại minh và 15 loại hạnh này nên gọi là đấng đầy đủ minh hạnh, Minh Hạnh Túc.

4. Thiện Thệ:

Thiện Thệ được phân thành 4 phương diện: (1) Đi một cách tốt đẹp: Đi trên chánh đạo, tốt đẹp, thanh tịnh, an ổn, không vướng mắc, không lỗi lầm. (2) Đi đến một nơi tốt đẹp: Nơi đó chính là Niết bàn bất tử. (3) Đi một cách đúng pháp: Tức là không quay trở lại hưởng thụ những cấu uế đã từ bỏ ở mỗi chặng đường. Một giải thích khác cho rằng đi một cách đúng pháp ở đây được tính từ thời đức Thích Ca nhận được sự thọ ký dưới chân đức Phật Nhiên Đăng cho đến khi giác ngộ hoàn toàn, Ngài luôn luôn hành động vì lợi lạc và hạnh phúc cho hữu tình, đạt được đầy đủ 32 tướng tốt, và không rơi vào hai cực đoan nào cả. Và (4) tuyên bố một cách chính đáng, chỉ nói lên những lời thích đáng tại nơi thích đáng.

5. Thế Gian Giải:

Thế gian giải có nghĩa là hiểu rõ thế gian: đặc tính riêng biệt của nó, sự sinh khởi của nó, sự chấm dứt của nó. Đáng chú ý là cách giải thích tinh tế và khúc chiết như sau: "Hành giả, có một chỗ tận cùng thế giới ở đây người ta không sanh, không già, không chết, không tái sinh, có thể được biết hay thấy hay đi đến bằng du lịch - điều ấy ta không tuyên bố. Tuy nhiên ta cũng không nói rằng có sự chấm dứt khổ mà không cần đi đến tận cùng thế giới. Đúng hơn trong cái thân xác nhỏ bé này, với các tưởng các thức của nó, mà ta công bố có thế giới, sự sinh khởi của thế giới, sự chấm dứt của thế giới, và con đường đưa đến sự chấm dứt của thế giới."

Thế gian giải cũng có thể được hiểu là biết thói quen của tất cả hữu tình, biết những khuynh hướng nội tâm của chúng, biết tánh tình của chúng, biết sở thích của chúng, biết rõ chúng có ít bụi trong con mắt, kẻ lợi căn, độn căn, thiện hạnh ác hạnh, dễ dạy, khó dạy, có khả năng chứng đắc, và không có khả năng chứng đắc...

6&7. Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu:

Vô Thượng Sĩ có nghĩa là không có người nào cao cả hơn, không có ai sánh bằng về giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Kinh Tương Ưng Bộ có đoạn:

II. Cung Kính.

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelà trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Ajapàla Nigrodha, khi Ngài mới thành đạo.

2) Và Thế Tôn trong khi thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Thật là khó khăn, sống không có cung kính, không có vâng lời. Vậy Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn".

3) Rồi Thế Tôn, suy nghĩ: "Với mục đích làm cho đầy đủ giới uẩn chưa được đầy đủ, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn khác. Nhưng Ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, Ác ma và Phạm thiên, giữa các Sa-môn, giữa quần chúng loài Trời hay loài Người, không có một vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác, với giới uẩn cụ túc, tốt đẹp hơn Ta mà Ta có thể cung kính, tôn trọng và sống y chỉ".

4) "Với mục đích làm cho đầy đủ định uẩn chưa được đầy đủ, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn khác..."

5) "Với mục đích làm cho đầy đủ tuệ uẩn chưa được đầy đủ..."

6) " Với mục đích làm cho đầy đủ giải thoát uẩn chưa được đầy đủ..."

7) "Với mục đích làm cho đầy đủ giải thoát tri kiến uẩn chưa được đầy đủ, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn khác. Nhưng Ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, Ác ma và Phạm thiên, giữa quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, giữa loài Trời hay loài Người, không có một vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác, với giải thoát tri kiến uẩn tốt đẹp hơn Ta mà Ta có thể cung kính, tôn trọng và sống y chỉ".

8) "Với pháp này, Ta đã chánh đẳng giác, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ pháp này".[9]

Về ý nghĩa của Điều ngự trượng phu được giải thích như sau: Ngài dẫn đạo những con người đáng được dẫn đạo, uốn nắn (những người ấy), làm cho thuần thục (những người ấy).

8. Thiên Nhân Sư:

Thiên nhân sư được hiểu là Thầy của trời và người. Tác phẩm Niddesa nói rằng đức Thế Tôn như là bậc dẫn đạo đoàn lữ hành, đưa chúng qua sa mạc sanh tử đầy những kẻ cướp, không thức ăn, không nước uống. Đức Thế Tôn giúp cho chúng vượt qua một cách thích hợp để đến nơi an ổn. Có nơi chép lại rằng Đức Phật không chỉ giáo hóa trời và người mà còn giáo hóa cả súc sanh. Chuyện tích kể rằng: Có một con cóc đang nghe Thế Tôn thuyết giảng, một kẻ chăn bò vô ý đè chiếc gậy lên đầu con cóc và nghiền nát nó. Chết đi, cóc liền được tái sinh vào một cung điện vàng son thuộc cõi trời 33. Nó thấy mình ở đấy như thể vừa tỉnh thức sau một giấc ngủ, chung quanh là các vị tiên nữ. Nó đã là một vị thiên và thốt lên: "Ta đã được tái sinh ở đây. Ta đã làm nghiệp gì?" Nó nhận ra đầu đuôi câu chuyện nên đi đến Thế Tôn với dung nghi chói sáng và đảnh lễ dưới chân Ngài. Thế Tôn mặc dù đã biết những vẫn hỏi:

Ai đảnh lễ dưới chân ta đấy?

Mà chói sáng quang minh

của sự thành công

Chiếu khắp chung quanh

với vẽ đẹp cực kỳ mỹ lệ?

Con cóc trả lời:

Đời trước con là một con cóc

Lấy nước ao tù làm nhà ở

Chiếc gậy mục tử chấm dứt mạng căn

Trong lúc con lắng nghe diệu pháp của Ngài.

Đức Thế Tôn bèn giảng pháp cho nó. Tám vạn bốn ngàn chúng sinh nhân đó được ngộ nhập Phật pháp. Khi vị thiên tử nhập trong Dự Lưu Quả, vị ấy mĩm cười và biến mất.

9. Phật:

Phật với ý nghĩa là đấng giác ngộ, mọi sự có thể biết thì Ngài đều biết. Tác phẩm Niddesa nói rằng vì tìm ra chân lý nên Ngài là đấng giác ngộ, vì hay đánh thức chúng sanh nên Ngài là đấng giác ngộ.

10. Thế Tôn:

Trong những phẩm tính thể hiện qua đức hiệu đã được diễn giải trên thì phẩm tính Thế Tôn mặc dù là được xếp ở cuối bảng liệt kê nhưng lại được diễn giải nhiều nhất. Thanh Tịnh Đạo đã dành gần 10 trang để diễn giải đức hiệu này. Người viết xin được nêu một tóm tắt có sẵn trong Thanh Tịnh Đạo như sau:

Đấng đạo sư có phúc lạc; Ngài là người thường lui tới, người sở hữu những gì đã được phân tích; Ngài đã tạo ra sự từ bỏ; Ngài là người may mắn; Ngài đã phát triển toàn vẹn trong nhiều cách; Ngài đã đi đến tận cùng của các hữu; nên Ngài được gọi là Thế Tôn.

Pháp môn Niệm Phật trong kinh tạng truyền thống qua sự diễn giải của Buddhaghosa có thể được kết luận bằng lời khuyến tấn và khích lệ rằng một người chú tâm đến việc tưởng niệm đấng Giác Ngộ thì sẽ đạt được sự viên mãn của đức tin, của chánh niệm, trí tuệ và công đức. Vị ấy có nhiều hạnh phúc và an lạc, chinh phục được sự sợ hãi. Vị ấy có cảm giác như mình đang sống một cuộc sống có đấng đạo sư. Thân xác vị ấy khi trú trong pháp Niệm Phật theo nghĩa tưởng niệm những phẩm tính của Phật thì trở thành một dạng của ngôi điện thờ Phật. Khi có nguy cơ phạm giới, vị ấy cảm thấy tàm quý mạnh mẽ và sức mạnh trì giới gia tăng để vượt qua hiểm nạn.

Người thực sự có trí

Thì thường xuyên tưởng niệm

Phẩm đức của Thế Tôn

Đấng an lạc vĩ đại.

Những người con Phật thường chiêm ngưỡng sắc thân của Phật như là một hội tụ chuẩn mực của sự hoàn hảo và có vô số những câu chuyện nói rằng chỉ cần nhìn thấy gương mặt thanh thản trọn lành của Ngài, chúng hữu tình, cả chư thiên và loài người, đã được cảm hóa. Sức cảm hóa mạnh mẽ này không chỉ có khi Phật còn tại thế mà còn được ẩn chứa trong những pho tượng được khéo tạo tác và xây dựng, những pho tượng phản ánh được những phẩm tính của Ngài và có năng lực khơi dậy nơi người chiêm bái lòng kính ngưỡng sâu xa. Có niềm tin tưởng rằng dù chính là kim thân của Đức Phật hiện tiền hay đơn thuần chỉ là một pho tượng khéo tạc đều có thể tạo ra những hiệu quả tương tự nơi người chiêm bái. Nói cách khác, về phương diện tạo nên lòng kính ngưỡng thì một pho tượng giả làm bằng vật liệu thế gian có thể thay thế tốt thân tướng thật của đức Thế Tôn. Nói một cách cẩn thận, pho tượng giả đó dĩ nhiên là phải được khéo tạc.

Khẳng định điều này một cách tốt nhất có lẽ là câu chuyện của ngài Upagupta. Người viết xin dùng câu chuyện sau đây để kết thúc bài viết của mình. Cuộc đời của Upagupta là cả một câu chuyện ly kỳ và khá dài với nhiều giai thoại khác nhau và nhiều tình tiết hấp dẫn nhưng ở đây người viết đành phải gạn bỏ hầu hết những giai thoại khác mà chỉ giữ lại một giai thoại nói về cuộc đối đầu giữa Upagupta và Ma vương. Chúng ta có thể tưởng tượng cuộc chiến đấu để phân định ai thắng ai, trong đó chắc chắn rằng Ma vương chưa bao giờ nhân nhượng và cũng sẽ không bao giờ nhân nhượng. Rất có thể Upagupta gặp rất nhiều khó khăn và khốn khổ vì Ma vương lần này đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu do kinh qua nhiều chiến trường hơn, rút tỉa được nhiều những bài học trong những lần chiến tranh trước kia, nhất là trong lần chống lại Thái tử Tất Đạt Đa ở làng Ưu-lâu-tần-loa bên dòng Ni-liên thuở xưa. Ngôn ngữ chiến tranh ngày nay có thể gọi cuộc đối đầu giữa Upagupta với Ma vương là một cuộc chiến tranh tổng lực và toàn diện với một kẻ thù khôn ngoan và đầy kinh nghiệm. Dẫu sao thì câu chuyện đã kết thúc có hậu. Sau khi bị thất bại, Ma vương xin quy y Tam bảo nguyện làm đồ đệ của Upagupta. Câu chuyện chưa chấm dứt với chiến thắng vẻ vang của Upagupta vì rằng tuy là bậc giải thoát vô lậu nhưng Upagupta vẫn có một nỗi khao khát của một hành giả cách Phật lâu xa chưa từng biết qua gương mặt thật của Đấng đạo sư Thích-ca Mâu-ni. Upagupta lại biết rằng người đệ tử Ma vương của mình đã từng được tự thân giáp mặt với đấng Từ phụ Thích-ca và một điều nữa là khả năng biến hình của Ma vương đạt đến trình độ tuyệt vời hay trên cả tuyệt vời. Vì vậy, mặc dù là thầy, Upagupta vẫn yêu cầu vị tân đệ tử đầy thần biến hãy tái hiện thân tướng của đức Bổn Sư để có dịp chiêm bái và thỏa lòng kính ngưỡng. Ma vương đồng ý biến hình nhưng trước khi biến hình Ma vương yêu cầu tân sư phụ không được đảnh lễ khi thấy kim thân vinh quang của đấng Từ phụ do Ma vương thần biến mà có ra. Với tư cách là ông thầy, Upagupta tự tin bảo đệ tử rằng: "Chắc chắn, ta đảnh lễ ngươi là một sự tình không thể xảy ra." Đùng một cái, trước mặt Upagupta, đức Thích-ca hiện ra rạng rỡ chói ngời, dung nghi đỉnh đạc, uy tướng khoan thai, pháp âm hùng lực, vầng hào quang bao phủ khắp không gian. Upagupta trong một niệm bất giác đang sụp quỳ xuống thì giọng nói của Mara vang lên, nhắc lại lời Upagupta vừa mới hứa: "Chắc chắn, ta đảnh lễ ngươi là một sự tình không thể xảy ra." Upagupta sực tỉnh, sửa thẳng người vì nhận ra toàn thân vinh quang của đấng đạo sư là giả, đó chẳng qua là Ma vương biến hình hóa hiện nên có ra mà thôi. Chuyện tích Upagupta thu phục Ma vương đã kết thúc có hậu như vậy.



[1] Tâm Tuệ Hỷ, Danh Từ Phật Học Thực Dụng, Nxb Tôn Giáo, Hà nội 2005, tr. 327 - 8.

[2] Buddhaghosa, Thanh Tịnh Đạo, Thích nữ Trí Hải dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà nội 2001, tr. 289.

[3] sđd, tr. 290.

[4] sđd, tr. 315.

[5] sđd, tr. 293, 301, 319.

[6] sđd, tr. 302.

[7] Trung bộ kinh tập 1, Tỳ kheo Thích Minh Châu dịch và chú thích, Tu thư Đại Học Vạn Hạnh 1973, tr. 22 - 3.

[8] Buddhaghosa, Thanh Tịnh Đạo, Thích nữ Trí Hải dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà nội 2001, tr. 340.

[9] Kinh Tương Ưng Bộ - tập 1, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành 1993, tr. 306 - 7.

Tác giả bài viết: HT. Giác Toàn (theo daophatkhatsi.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Từ khóa: có nghĩa, niệm, phật
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 102


Hôm nayHôm nay : 12495

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 42197

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8422758