Trang nhất » Tin Tức » CHƠN LÝ

Sự bình dị của đức Đạo Sư trong Kinh Thánh Cầu

Thứ năm - 18/07/2013 11:14
Đức Phật là bậc Thầy của trời người, là tấm gương cho vô số chúng sinh noi theo tu học, hành trì để đạt đến hạnh phúc an lạc. Mỗi cử chỉ, lời nói, ngay cả sự yên lặng của Ngài đều mang ý nghĩa cao đẹp, đều là bài học tuyệt vời cho chúng sinh. Tuy thế, cuộc đời của Ngài rất bình dị, rất thân thương.
Sự bình dị của đức Đạo Sư trong Kinh Thánh Cầu

Sự bình dị của đức Đạo Sư trong Kinh Thánh Cầu

Điều bình dị của Đức Thế Tôn, nói không bao giờ cạn lời, chỉ trong Kinh Thánh Cầu (Ariyapariyesanà Sutta), bài kinh số 26, thuộc Kinh Trung Bộ, cũng đủ cho chúng ta chiêm ngưỡng hình ảnh của đấng Đạo Sư sao mà thiêng liêng cao cả, sao mà gần gũi trìu mến! Điều này càng truyền thêm năng lượng tinh tấn, tự tin cho chúng ta hơn vì con đường Ngài đi đạt đến mục đích giải thoát, và hôm nay chúng ta bước đi trên con đường này cũng sẽ đến mục đích ấy.

Thật cảm động dường nào khi chúng ta hình dung hình ảnh đấng Đại Giác bằng xương bằng thịt qua lời kể của Tôn giả Ananda: Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đang lưu trú tại Tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana), thành Xá Vệ (Savatthi). Như thường lệ, buổi sáng hôm ấy, trong lúc Đức Thế Tôn và Tôn giả Ananda đắp y, ôm bát chuẩn bị vào thành khất thực, có một số Tỳ kheo đến chỗ Tôn giả Ananda thưa rằng: “Hiền giả, đã từ lâu, chúng tôi chưa tận mặt nghe Thế Tôn thuyết pháp. Lành thay, nếu Hiền giả có thể giúp chúng tôi được tận mặt nghe Thế Tôn thuyết pháp.” Hẳn là Tôn giả Ananda, vị thị giả hoan hỷ, ngày đêm cận kề Đức Phật có thể sắp xếp thời gian và giúp cho chư vị Tỳ-kheo ngay. Tôn giả đáp: “Các huynh hãy đến khu vườn của Bà-la-môn Rammaka, chiều nay tôi sẽ thỉnh Đức Thế Tôn đến đấy để thuyết pháp cho các huynh.” Các vị Tỳ kheo vô cùng sung sướng, sau khi đi khất thực, về khu vườn của Bà-la-môn Rammaka thọ thực, nghỉ ngơi và chờ đợi.

Rồi Đức Thế Tôn khất thực ở Savatthi. Thọ thực xong, trên con đường trở về, Ngài gọi Tôn giả Ananda: “Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Pubbarama (Ðông viên), ngôi lầu của Migaramatu (Lộc Mẫu Giảng Ðường) để nghỉ trưa.” Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Buổi chiều, sau khi xả thiền, Đức Thế Tôn đứng dậy và gọi Tôn giả Ananda: “Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Pubbakotthaka để rửa tay, rửa chân.” Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Tôn giả Ananda theo sau Thế Tôn đi đến Pubbakotthaka để rửa tay, rửa chân. Sau khi rửa tay, rửa chân xong, Thế Tôn leo đứng trên bờ, đắp một tấm y, phơi tay chân cho khô.

Lúc bấy giờ Tôn giả Ananda mới bạch với Ngài: “Bạch Thế Tôn, tịnh thất của Bà-la-môn Rammaka thật khả ái, khả lạc, không xa nơi đây, có nhiều vị Tỳ-kheo muốn được tận mặt đảnh lễ và nghe Ngài thuyết pháp. Lành thay, nếu Thế Tôn vì lòng từ bi đi đến tịnh thất của Bà-la-môn Rammaka!” Thế Tôn im lặng nhận lời.

Thế Tôn đi đến tịnh thất của Bà-la-môn Rammaka. Khi ấy bên trong chư Tỳ-kheo đang lắng nghe thuyết pháp. Thế Tôn đứng chờ ngoài cửa cho đến khi thuyết pháp xong. Khi biết cuộc thuyết pháp đã xong, Ngài liền đằng hắng và gõ vào thanh cửa. Các Tỷ-kheo mở cửa cho Thế Tôn. Rồi Thế Tôn bước vào tịnh thất của Bà-la-môn Rammaka và ngồi lên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Các thầy đang nói về chuyện gì vậy? Ta vào đã làm câu chuyện gì của các thầy gián đoạn?” Bạch Thế Tôn: “Chúng con đang bàn về câu chuyện của Đức Thế Tôn và câu chuyện ấy bị gián đoạn khi Thế Tôn đến.” Đức Phật hoan hỷ tán thán: “Lành thay, các thầy vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, cùng nhau hội họp để luận bàn đạo pháp. Các thầy cần biết, khi ngồi lại với nhau, có hai việc cần phải làm, đó là luận bàn đạo pháp hay giữ sự im lặng của bậc Thánh.”

Đọc vào đoạn mở đầu này, tưởng chừng như chúng ta đang có mặt nơi ấy. Ngài là bậc Chí Tôn, là bậc Thánh trọn lành nhưng những việc bình thường trong ngày không khác gì chúng ta cả - đi khất thực, thọ thực, nghỉ trưa, ngồi thiền, xuống hồ rửa chân tay, phơi tay chân cho khô. Hình ảnh của đấng Từ Tôn bước vào vùng trời tâm thức của chúng ta thật hết sức dung dị, thân thương! Nhất cử nhất động đều trong chánh niệm, bình dị, nhẹ nhàng, thanh cao, tịch tĩnh lạ thường. Đến vườn Bà-la-môn Rammaka rồi, nhưng nghe bên trong đang thuyết pháp, thế là Ngài yên lặng đứng bên ngoài chờ. Khi biết thời pháp tạm dừng, Ngài tằng hắng và gõ cửa bước vào. Ôi, cung cách của bậc Giáo chủ đấy! Đọc đến đây, tâm thức chúng ta chấn động không tả. Không kèn không trống, không hương trầm đèn hoa lễ rước, lặng lẽ và lặng lẽ trang nghiêm. Mọi hình thức phong nghi vắng bóng nơi đây, chỉ có chân tình mộc mạc, trìu mến của thầy đến thăm các học trò, của cha đến thăm những đứa con.

Nghe chư Tỳ-kheo bảo rằng câu chuyện họ bàn về Đức Thế Tôn bị gián đoạn, Ngài khéo léo kể lại câu chuyện cuộc đời cuả mình. Trước khi kể về dòng sử này, Ngài lại thiện xảo nhấn mạnh hai loại tầm cầu mà người trong thế gian đang miệt mài đi tìm. Đau khổ và hạnh phúc đều phát sinh từ đó.  

Này các thầy, có hai loại tầm cầu, đó là Thánh cầu và phi Thánh cầu.

Các thầy có biết thế nào là phi Thánh cầu chăng? Chính là có người tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh lại tầm cầu cái bị bệnh, tự mình bị chết là tìm cầu cái bị chết, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm.

Thế cái gì theo các thầy gọi là bị sanh? Đó là vợ con, đày tớ nam, đày tớ nữ, dê cừu, gà heo, voi bò, ngựa, vàng bạc là những cái bị sanh. Phần lớn con người ta muốn có những cái bị sanh ấy, giữ gìn chúng, tham đắm mê say chúng. Thật đúng là tự mình bị sanh lại còn tìm cầu cái bị sanh. Thế cái gì được gọi là bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm? Cũng tương tự thế, đó là vợ con, đày tớ nam, đày tớ nữ, dê cừu, gà heo, voi bò, ngựa, vàng bạc là những cái bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm. Nhưng con người ta muốn có những cái bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm, giữ gìn chúng, tham đắm mê say chúng. Sự tìm cầu như thế gọi là Phi Thánh cầu.

Thế nào là Thánh cầu? Có những người sáng suốt, biết rõ tự mình bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu khổ, nhiều uế trược và biết rõ sự nguy hại của chúng nên đã đi tìm cầu cái không sanh, cái không bị già, cái không bị bệnh, cái bất tử, cái không bị sầu khổ, cái không ô nhiễm, cái vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Như thế được gọi là Thánh cầu.

Và tiếp đến, Ngài không ngần ngại kể rõ lại cuộc đời của mình từ lúc xuất gia đến lúc đạt thành Đạo Quả Chánh Giác: “Thuở ta chưa giác ngộ, chưa chứng Chánh Đẳng Giác, vẫn còn là Bồ tát, ta cũng tầm cầu cái hữu hạn, thấp kém kia vậy. Tự ta đã bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm, lại còn đi tìm cầu cái tương tự như thế. Ôi, khổ này chồng thêm cái khổ kia. Sau một thời gian, nhận rõ tự mình đang bị vây khốn lắm cái khổ, sự nguy haị của chúng, ta quyết định xuất gia đi tầm cầu những điều bậc Thánh tầm cầu. Thuở ấy ta vẫn còn trẻ, tóc đen nhánh, sức khoẻ tuổi thanh xuân, cuộc sống quyền quý vàng son, vợ hiền, con ngoan, cha mẹ thần dân thương mến. Nhưng ta quyết cởi bỏ những ràng buộc ấy mặc cho cha, mẹ, vợ, mọi người không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc thảm thiết”.

Sự từ bỏ cuộc sống vương giả để đi xuất gia cũng vì những điều hết sức đời thường, thường đến nỗi, mọi người trên đời này cho đấy là chuyện tự nhiên, chuyện tất yếu, không cần phải bận tâm. Thế nhưng, cái bình thường mọi người không quan tâm lại khiến Ngài quan tâm . Tại sao chúng sinh lại bị sanh, lão, bệnh, tử, sầu bi, ô nhiễm gặm nhấm từng phút giây? Tại sao có khổ? Làm sao cho nhân loại và chúng sinh không còn khổ?

Ngài cũng có một gia đình, bên cạnh những người thân, cha, mẹ, anh em, vợ con, thân bằng quyến thuộc. Tình cảm con người trong Ngài vẫn hiển hiện khiến Ngài lần lữa chưa dứt sợi tơ tình. Khi Ngài tỏ ý muốn ra đi tìm chân lý, phụ vương Tịnh Phạn, hoàng hậu Ma-ha-ba-xà-ba-đề, người bạn đời kiều diễm - trẻ trung, hầu trai, tớ gái, quyến thuộc, quần thần khóc lóc thảm thiết “nước mắt đầy mặt,” không muốn cách xa Ngài. Tình cảm gia đình thật sâu nặng biết bao! Sợi tơ tình ấy vướng víu trong mọi mảnh đời của chúng sinh trên trần thế hết kiếp này đến kiếp khác. Biết bao cuộc phân ly vì chiến tranh, vì bổn phận, vì sự nghiệp, vì bệnh tật, vì chết chóc, vì...và vì... đã gom nước mắt kia nhiều hơn nước ngoài đại đương mênh mông.

Thế nhưng, nước mắt của chúng sinh trong ba cõi sáu đường mới làm tim Ngài nhói buốt hơn. Tiếng gọi tha thiết cầu xin cứu khổ của chúng sinh mới chấn động tâm can của Ngài hơn. Sự u minh mê muội khiến chúng sanh mãi sa lầy trong chốn phiền não luân hồi kia mới làm Ngài ưu tư hơn. Bởi lòng yêu thương chúng sinh, vì lòng từ bi vô biên đối với chúng sinh nên quên tình riêng, hy sinh cho tình nhân loại, chúng sinh. Quả thật, Ngài không phải một vị Trời hóa sanh, cũng không phải là Thượng Ðế hay đấng mặc khải nào. Ngài là một chúng sanh, là một con người, nhưng là con người phi thường (accariya mamussa), con người cao thượng bậc nhất (purisuttama). Hình ảnh cao đẹp ấy không khác nào đoá sen mọc từ trong bùn nhơ, vượt ra khỏi mặt bùn và không bị hôi tanh mùi bùn. Ngài sanh từ thế giới vui ít khổ nhiều này, sống trong thế giới vô minh nhưng không bị ô nhiễm bởi thế giới này. Hình ảnh bậc trí vung gươm tuệ cắt đứt sợi dây ái luyến là như thế.

Cũng như bao hành giả lúc bước những bước đầu tiên trên con đường tu tập, mặc dù nhiệt huyết dâng trào song cũng đan xen một chút do dự, một chút cân nhắc, Ngài tìm đến học đạo với thầy Alara Kalama. Sau một thời gian học mà không thấy đến gần mục đích của mình: "Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ". Ngài ra đi. Ngài lại đến học đạo với thầy Uddaka Ramaputta, cũng như vị thầy trước, không tìm thấy mục đích của mình, Ngài lại từ biệt.

Chúng ta hãy lắng nghe lời kể từ chính kim khẩu của đấng Đạo Sư:

Này các Tỷ-kheo, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ, tuần tự du hành tại nước Magadha (Ma kiệt đà) và đến tại tụ lạc Uruvela (Ưu lâu tần loa). Tại đây, Ta thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tự nghĩ: "Thật là một chỗ vừa đủ cho một Thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn". Và Đức Đạo Sư trú tại đây quyết chí tu tập cho đến ngày viên thành quả mãn.

Ngài suy tư và hiểu rõ: Ta tự mình bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết bị sầu, bị ô nhiễm; sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu, bị ô nhiễm, Ta tìm cầu cái không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu, không bị ô nhiễm vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu, không bị ô nhiễm vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; và tri kiến khởi lên nơi Ta. Sự giải thoát của Ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa.

Sau khi chứng quả Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài suy nghĩ: Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Idapaccàyata Paticcasamuppada (Y Tánh Duyên Khởi Pháp); sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta! Với những suy tư như vậy, tâm của Ta hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp.

Lúc bấy giờ, Phạm thiên Sahampati khi biết được tâm tư của Đức Đạo Sư, liền suy nghĩ: "Than ôi, thế giới sẽ tiêu diệt, thế giới sẽ bị hoại vong, nếu tâm của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp". Thế rồi, Phạm thiên Sahampati, biến mất từ thế giới Phạm thiên, và hiện ra trước mặt Ta, chắp tay hướng vái Ta và bạch rằng: "Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh ít nhiễm bụi trần sẽ bị nguy hại nếu không được nghe Chánh pháp. Nếu được nghe, những vị này có thể thâm hiểu Chánh pháp.

Sau khi nghe Phạm thiên thỉnh cầu, vì lòng từ bi đối với chúng sanh, với Phật nhãn, Ta nhìn quanh thế giới. Ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Như trong hồ có nhiều loại sen xanh, sen hồng, sen trắng, có hoa sen còn ở trong nước, có hoa đã vươn tới mặt nước, hoặc đã vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước đẫm ướt. Khi ấy, Ta nói với Phạm thiên Sahampati:

Cửa bất tử rộng mở, cho những ai chịu nghe.
Hãy từ bỏ tín tâm, không chính xác của mình.
Tự nghĩ đến phiền toái, ta đã không muốn giảng,
Tối thượng vi diệu pháp, giữa chúng sanh loài Người.

Từ đây, Ngài khởi đầu sự nghiệp 45 năm hoằng pháp. Ngài quán sát người đầu tiên có thể lãnh hội giáo pháp của Ngài là 2 vị thầy năm xưa - Alara Kalama, Uddaka Ramaputta, nhưng cả hai đều mới mệnh chung. Ngài nghĩ đến nhóm năm Tỷ-kheo từng hầu hạ khi Ngài nỗ lực tinh cần tu khổ hạnh đang ở vườn Lộc Uyển, Isipatana, Baranasi.

Trên đường giữa cây Bồ-đề và Gaya, Ngài gặp một ngoại đạo tên là Upaka. Upaka hữu duyên là người đầu tiên gặp Đức Thế Tôn sau khi Ngài đắc Chánh Đẳng Giác. Upaka cũng thật sáng mắt nhận ra Đức Thế Tôn chẳng phải thường nhân nên cất tiếng hỏi:

"Các căn của Hiền giả thật sáng suốt. Da sắc của Hiền giả thật thanh tịnh, thật thanh khiết. Này Hiền giả, vì mục đích gì, Hiền giả xuất gia? Ai là bậc Ðạo Sư của Hiền giả? Hiền giả hoan hỷ thọ trì pháp của ai?"

Câu trả lời bằng bài kệ của Đức Thế Tôn thật tuyệt diệu về cả ngữ nghĩa:

"Ta, bậc Thắng tất cả; ta, bậc Nhất thiết Trí.
Hết thảy pháp, không nhiễm, hết thảy pháp, xả ly.
Ta sống chân giải thoát, đoạn tận mọi khát ái.
Như vậy Ta tự giác, còn phải y chỉ ai?

Ta không có Ðạo Sư, bậc như Ta không có.
Giữa thế giới Nhơn, Thiên; không có ai bằng Ta.
Bậc Ứng Cúng trên đời, bậc Ðạo Sư vô thượng.
Tự mình Chánh Ðẳng Giác, ta an tịnh, thanh thoát.

Ðể chuyển bánh xe Pháp, ta đến thành Kàsi.
Gióng lên trống bất tử, trong thế giới mù lòa.

Như Ta, bậc Thắng giả, những ai chứng lậu tận,
Ác pháp, Ta nhiếp phục, do vậy, Ta vô địch.

Nhưng Upaka quả là kẻ vô duyên, diện kiến bậc Thầy dung mạo phi phàm như thế, nghe những lời vi diệu như thế, vẫn không cảm chút dư chấn nào.

Đức Thế Tôn tiếp tục lên đường đến Baranasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển. Gặp lại năm Tỷ-kheo, sau khi được Đức Thế Tôn thuyết giảng, khuyến giáo, “tự mình bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết bị sầu, bị ô nhiễm; sau khi biết rõ sự nguy hại của chúng, họ tìm cầu và chứng được cái không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu, không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; và tri kiến khởi lên nơi họ: “Sự giải thoát của ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa.”

Đức Thế Tôn lại giảng cho họ nghe về sự nguy hiểm của năm dục: “Đó là các sắc do mắt nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức, các hương do mũi nhận thức, các vị do lưỡi nhận thức, các xúc do thân cảm xúc là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Đây là năm dục luôn thách thức, mời gọi, lôi kéo chúng sinh đi vào con đường xấu ác. Những ai bị năm dục trói buộc, bị tham đắm, mê say, không thấy sự nguy hại của chúng, không biết lìa bỏ chúng, thọ dụng chúng, họ thật là những người bất hạnh, đã bị ác ma điều khiển. Họ giống như con nai sống trong rừng bị sập bẫy. Con nai gặp bất hạnh, gặp tai họa, đã bị thợ săn sử dụng như ý muốn. Khi người thợ săn đến, con nai không thể bỏ đi như ý muốn. Tuy nhiên những ai không bị năm dục làm cho điên đảo, thấy sự nguy hại của chúng, biết lìa bỏ chúng, không thọ dụng chúng, họ thật hạnh phúc, không gặp tai hoạ, không bị ác ma điều khiển. Cũng như con nai sống trong rừng, không bị sập bẫy, không rơi vào bất hạnh, nó không rơi vào tai họa, nó không bị người thợ săn sử dụng như ý muốn". Khi người thợ săn đến, con nai có thể bỏ đi như ý muốn”.

Tiếp tục, Ngài dạy đến chín tầng thiền quán: “Nếu ai chứng, dầu tầng thiền thấp nhất vẫn được gọi là vị đã làm mù mắt ác ma, đã xoá sạch mọi vết tích, đã vượt khỏi tầm mắt ác ma. Cũng ví như con nai sống trong rừng, đi qua đi lại trong rừng, an tâm nó đi, đứng, ngồi, nằm bởi vì nó vượt khỏi tầm mắt của người thợ săn”.

Với Đức Thế Tôn, tự tinh tấn, không thầy chỉ dạy, Ngài đạt tới trí tuệ cao thượng. Nay bằng ngôn ngữ bình dân, ví dụ dễ hiểu, Ngài đã mở con mắt pháp cho những vị đệ tử đầu tiên của mình. TỪ BI - TRÍ TUỆ kết tinh nên Ngài, nên giáo pháp của đạo Phật. Đọc trong kinh tạng Nguyên Thuỷ, bàng bạc khắp mọi trang giấy, sừng sững hiển hiện trước mắt chúng ta một vị Phật, một bậc Toàn Thắng với hình ảnh vô cùng sống động, một đấng Thiên Nhơn Sư như một con người, một đức Đạo Sư rất gần gũi, thân thiện như người cha hiền kính mến, khiến lòng cung kính, thương yêu đức Từ Phụ trong chúng ta trào dâng vô bờ bến.

Ngài là vị Thầy vô tiền khoáng hậu hướng dẫn cho đệ tử tu tập bằng sự tự giác cá nhân, không do ảnh hưởng tác động của bất cứ động lực nào từ bên ngoài. Ngài chỉ có nhiệm vụ giảng giải cho hậu nhân nhận thức được - tự mình bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết bị sầu, bị ô nhiễm; sự nguy hiểm của chúng và tìm cầu và tự thực chứng được cái không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu, không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn, và rồi khởi lên tri kiến: “Sự giải thoát của ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn sự tái sanh nữa.” Kết quả chậm hay mau, có hay không là do mỗi hành giả vậy. Đây cũng chính là ý nghĩa hãy nương tựa nơi mình. Như Lai là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành".

Điều giản dị, Đức Thế Tôn nhận chân, làm sao thoát khỏi sinh lão bệnh tử, sầu khổ, ô nhiễm, nhưng quá trình thực tập, chiến đấu với chính mình đầy cam go nhẫn nại mới đạt đến mục đích. Cũng thế, Ngài dạy lại điều giản dị ấy cho hậu học, nhưng thể hội thực hành lại là chuyện không đơn giản chút nào. Mỗi cá nhân phải tự tinh tấn, nhẫn nại, trì giới, thiền định để chứng đạt quả không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu khổ, không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn ấy.

Tác giả bài viết: Chân Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 14


Hôm nayHôm nay : 875

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 47057

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7781173