Cõi thiên đường ngày hôm nay mà có, cho người ta kêu gọi, là bởi xưa kia có một xứ nọ, loài người không còn tham muốn nữa. Cả thảy từ nhơn lọai tiến đến Niết- Bàn, trong lúc đang đi tới, nơi khoảng giữa ấy tức là thiên đạo. Thiên đạo là khoảng đường giữa của người và Phật. Mà mục đích của chúng sanh là tiến đến Phật. Thế nên thiên đường là nấc thang tạm của nhơn loại, để bước lên tới Phật, cũng như người lớn là bước chân của trẻ nhỏ tiến lên ông già. Ông già là Phật, người lớn là Trời, trẻ nhỏ là người. Phật Niết-Bàn là chỗ tiến đến của tất cả.
Thuở xưa trên mặt non Hy-Mã-Lạp-Sơn, là mặt đất bằng cao ráo, rộng rãi mênh mông, bấy giờ là loài người sanh ra ở trên ấy, rất đông đảo, xúm xít ở gần nhau, thành ra một xã hội. Xứ ấy tên gọi là thiên đường, là sự tích như thế này: Bởi xứ ấy vào đời thái cổ, con người còn đang ở trong cái thật tự nhiên của võ trụ, ai ai cũng biết rõ nguồn gốc của võ trụ, địa cầu tứ đại, và chúng sanh là con của đất nước, lửa gió, đổi thay do nhân duyên chẳng đầu đuôi. Vào thời kỳ ấy giáo lý rất hẹp, tất cả cỏ cây, thú, người, nhỏ, lớn, nam nữ, sắc màu, tiếng tâm… cả thảy đêu có một tên gọi chúng sanh, sống chung nhau theo lẽ tạm thôi, chớ không có phân biệt danh từ mẹ cha chi hết, cho đến các vật tướng có thân hình, rờ rẫm đặng, cái chi người ta cũng gọi là vạn vật chớ không có đặt tên món nầy kia chi cả. Những cách cư xử với nhau, cùng việc làm với vạn vật, người ta kêu là pháp, chỉ là các pháp, chớ không có tiếng phân biệt.
Nhưng người ta lại rất hiểu rộng ra rằng: vạn vật là không có, chỉ có tất cả là chúng sanh như nhau; là những vi trùng kết hợp, là những chất sống, chất sống ấy là những con vật! Thân người là một khối vi trùng kết hợp, chớ không phải đất nước lửa gió. Cũng như quả địa cầu là ổ vi trùng to : trong đó mỗi hột cát là sự kết hợp vô số vi trùng nhỏ, đang tượng, đã tượng, và nẩy nở, nước lửa gió cũng y như vậy. Cả thảy là vi trùng, tiểu trùng nhỏ, đại trùng lớn, sắt đá cũng là vi trùng chúng-sanh, các loại trùng ấy có ra bởi lửa, cả thảy đều do lửa, cho đến điện lực cũng là vi trùng nữa. Đủ thứ vi trùng, đủ thứ tánh chất tương đối, chuyền níu nhau, kết hợp thành hình chúng-sanh to nhỏ và vạn vật. Chúng nó vẫn tranh đấu nhau mãi, theo tánh tương đối, làm cho các pháp thay đổi, nơi chúng-sanh vạn vật, phải thay đổi, chính cái thay đổi tranh đấu của vi trùng ấy là các pháp vậy.
Chúng ta dây, mỗi người đều có thân thể, thân thể ấy, tức là một khối vi trùng, vi trùng thấy, vi trùng nghe, vi trùng ngửi, vi trùng nếm, vi trùng rờ, vi trùng tưởng, vi trùng nữ, vi trùng nam, vi trùng đen, vi trùng trắng v.v… đủ thứ vi trùng tranh đấu. Ví như vi trùng đi thẳng, thì nó lôi chơn đi; vi trùng nói thắng nó bắt nói, vi trùng nữ thắng, là người nam nóng dục tâm, biến thành nam, vi trùng tham sân si, làm cho ham muốn, giận hờn mê muội … các vi trùng ấy cũng gọi là giác trùng vì cả thảy đều có giác tánh, là biết.
Như thế thì thân thể vi trùng phối hợp của chúng ta đây vốn không có cái ta chủ tề, và không bền vững, bởi sự tranh đấu của vi trùng. Chúng ta đang ăn uống vi trùng, đi đu71người trên vi trùng, không cái nào chẳng phải là vi trùng sống, hay giác trùng cả. Cái sức mạnh của chúng nó kêu là lính, các pháp của chúng nó gọi là thần : sống, biết, linh, là chủ tể, ba cái ấy làm ta, chớ xác thân không phải có thật. Cả thảy các thứ vi trùng trong thân, chỉ có vi trùng tư tưởng là mạnh nhất, thường thắng phục các vi trùng kia, nó là mẹ sanh các thứ vi trùng móng dục. Nhưng bền dài sống dai hết, là vi trùng chơn như, tự nhiện không vọng động. Vi trùng nầy yên vui, trầm tính, thanh nhàn, khỏe khoắn lắm. Vi trùng này mà thắng được thì chúng-sanh tức Phật vậy.
Ngoài ra còn có vi trùng trí huệ sắc bén như gươm đao, ánh sáng hơn mặt nhựt, hầu hết các loại vi trùng đều do hai khí tánh : là thanh hay trược, tức là thiện hay ác, khổ hay vui tương đối …
Bởi hiểu ra như thế, cho nên người nơi xứ đó, không quý tiếc thân mạng của cải chi cả, họ cố sức thắng phục vi trùng xấu, dưỡng nuôi giúp sức cho giác trùng tốt, để đến cõi thuần phục trang nghiêm, họ cho là vật-chất xác thân hỗn tạp nhơ uế, vì nó tích chứa đủ thứ độc trùng tai hại.
Bởi thế cho nên họ sống đời đúng chơn-lý lắm. Đối với họ vạn vật đã là không có, và các pháp tên gọi, sự việc biến hóa của vạn vật chúng-sanh, cũng là không. Họ cho rằng : khi chúng-sanh còn mê nhiều, vi trùng mê thắng, thì nó nhận lầm nơi các pháp mà gọi rằng : chúng-sanh là pháp, vạn vật là pháp, giáo lý sự việc là pháp, chỉ có pháp chớ không chúng-sanh vạn vật. Nhưng nếu vi trùng mê muội đã mở mắt tỉnh ra rồi, thì cả thảy là vi trùng giác, từ sơ giác tới tòan giác, cái biết sẽ biết hoàn toàn, thì chúng-sanh là biết, biết hoàn toàn Phật vậy. Phật là giác biết hoàn toàn, như ông già, còn chúng-sanh là biết nhỏ hẹp như trẻ nhỏ. Thế thì chúng-sanh là Phật. Phật là tối thắng thiên nhơn, nghĩa là giác trùng đã toàn thắng tất cả, làm chủ tể; còn tiếng chúng-sanh, là giác trùng còn đang tranh đấu, nên chưa định được.
Vầy thì chỉ có chúng-sanh hay sẽ là Phật, đối với chơn-lý thôi, vì nó là chủ tể, chớ van vật là sự lầm nhận, còn các pháp là sự tranh đấu không bền, không phải có thật. các thứ vi trùng tranh đấu xưng ta, giành cái ta làm chủ, mà tự xưng tên gọi pháp, ví như vi trùng thương, vi trùng nhơn, vi trùng phải, vi trùng tự cao .v.v… chúng nó hằng giành choán xưng vương, nhưng bởi tánh không định, nên không yên vững đặng, mà hầu hết gọi là vi trùng nhỏ, vi trùng vô ích, không dùng được sự chọn lọc, nên cũng gọi là vi trùng chết yểu. Mà chỉ có vi trùng định, chơn như, giác-ngộ, là sống tồn tại vĩnh viễn còn hoài, thắng tất cả bằng tự nhiên, hạnh phúc an lạc, nên gọi là ta, vua chủ sống được! cái ta ấy tức vi trùng giác hay Phật.
Một ngày kia, cái thân vạn-vật, các pháp, chúng-sanh nầy, nó rã đi, thất bại, thì chừng ấy, chỉ còn có vi trùng giác, đứng vững làm ta kết quả vậy.
Vì lẽ đó mà nhơn loại xứ ấy, họ chăm chú nương theo Phật, một ngày kia, họ không còn biết đến thân vật-chất và các pháp, hay chúng-sanh tạm. Họ không muốn tiếc gìn cái có chi bên ngòai hết. Cũng như một người trồng cây, họ ngó ngay cái hột giống một ngày kia, chớ không quý trọng cây lá nhánh trái hoa chi cả. Họ cho rằng con đường từ vật chất đến tinh thần, từ thân đến tâm, từ cỏ đến hột, từ ác đến thiện, từ động đến tịnh. Họ phải biến tới, bỏ cái trước đến cái sau, bỏ cái dưới đến cái trên, là hạnh phúc vĩnh viễn, aiai mục đích cũng phải như vậy hết, không ai đi lui mà được tốt đẹp,không ai đứng một chỗ mà được yên vững, không ai đi một lượt hai chân, hay là một bước tới một bước lui mãi, mà gọi là đi tới. Kìa như kẻ kia, cũng ác mà cũng thiện, cũng khóc mà cũng cười, tội cũng làm, phước cũng làm, kẻ ấy tưởng mình thắng nổi thời gian giữ hoài 30 tuổi, mãi lầm mình lá cái trái vẫn đứng nhừng tươi xanh, kẻ ấy tưởng lầm mình không mỏi mệt chán khổ, kẻ ấy đối với lẽ tiến hóa, sẽ bị gãy, như cái cây cắm đứng cản ngăn nơi giòng nước, đau đớn uổng oan lắm vậy.
Đó tức là lòng tham muốn, trí ghim sâu trong vật-chất. Thần dơ bẩn trên tin thần ! Kẻ ấy ắt sẽ gãy như cái cây kia không sai chạy. Vì không thế nào ai ở trong vật-chất được hay là tin thần vật-chất đi đôi, tới lui một chỗ được.
Cũng như không ai tránh khỏi cái già cái Phật, thì nhọc lòng ham muốn, cố cưỡng mà làm chi cho khổ, mà cái già cái Phật là tốt đẹp chớ có phải xấu xa đâu, tội gì mà lại sợ. Chơn-lý võ-trụ là tiến, là trong sạch, cứu giúp ta, đưa ta lên thì tội gì mà ta trốn tránh.
Bởi thế cho nên chúng-sanh ở nới xứ đó chỉ có hai hạng bậc thôi : là từ vật-chất đến tinh-thần và con đường từ vật-chất đến tinh-thần, nối liền hai khoản đầu đuôi ấy, kêu là thiên đường ! Thiên đường là bước chân đang đi lên của hạng người vật-chất. Cũng như người lớn, là bước chân của trẻ nhỏ sẽ đến ông già vậy. Ơ trong xứ ấy, hạng trên sống bằng tinh-thần giác tánh chơn như , họ lấy giới định huệ làm món ăn mà nuôi giác trùng, cho mạnh mẽ tốt đẹp dẫy đầy sanh sản, đặng áp chế các vi trùng độc, họ bảo giữ chúng nó bằng cái tòan chơn chí thiện vậy; xác thân của họ như vỏ trái già chín, họ không còn ngó nó nữa, vì họ đã cứng chắc tâm hột rồi. Họ không tự làm ác để nuôi thân, họ không tiếc gìn thân. họ bỏ xác thịt giờ nào cũng được, họ chỉ lo nuôi tinh-thần đi lên cao tới mãi. họ cũng như xác thân đã chết rồi, hay là không có đối với họ, không có tự nơi họ. Cũng như đức Thích Ca Mâu Ni khi xưa, sau khi giác ngộ, đắc đạo, thấu chơn-lý, bấy giờ Ngài muốn nhập Niết-bàn bỏ xác, bởi lẽ tâm hột đã già chín, là thân vỏ khỏi cần nuôi nữa.
Ngài đã thấy rõ tội lỗi của chúng-sanh vì miếng ăn, ăn lẫn nhau bất công đàn áp, mà Ngài không thể tự lấy làm việc chi được. Ngài thấy rõ xác thân sống cho Ngài, lúc bấy giờ là rộn nhọc, chớ không ích chi nữa.
Vả lại chúng-sanh, thì tự ai nấy giác-ngộ lấy mình được chớ khó ai dạy bảo chỉ ai, nên Ngài muốn nhập diệt. Nhưng lúc ấy chư thiên và nhơn loại, đến thỉnh Ngài, mà bạch rằng : Bạch đức thế tôn, thân nầy vốn chẳng phải của Ngài, nó vốn của tứ-đại vạn-vật, của chúng-sanh chung, của các pháp, cả thảy sanh ra nó, nó là của tất cả bố-thí , của tất cả cho, của tất cả nuôi dưỡng để dành dùng, nó đã xin của tất cả, biết bao nhiêu về cái sống, mới đặng sanh ra Ngài, sanh ra Phật, sanh ra cái tâm hột. Vậy thì Ngài là Phật, Ngài là tâm hộ chẳng nên biết đến nó nữa, Ngài cũng chẳng có quyền sanh diệt nó, Ngài hãy xem như Ngài là không thân đi, cái thân tội lỗi của Ngài như đã chết rồi, mà thân này từ nay Ngài đã giác-ngộ, thì cái chủ tề của nó là chúng-sanh vạn-vật các pháp. Ngài đã bố-thí nó lại cho tất cả, không còn lầm choán tích trữ nghiệp tội, vậy thì chúng-sanh sẽ dùng nó chứa đựng Pháp bảo của nơi Ngài, Ngài có ra cũng do chúng-sanh, mục-đích chỗ đến của chúng-sanh là sống tu học.
Nhờ họ mà Ngài được đến chỗ nơi, thế là Ngài phải dạy chỉ đẫn đắt lại họ, thân Ngài sẽ là nhà chứa pháp cho họ vậy, khi nào họ còn cúng dường, còn gìn giữ , là tự Ngài không phải hủy bỏ. Chúng-sanh sẽ nhờ thân vỏ nhà tạm ấy, mà được lãnh thâu pháp thí, Ngài chỉ bố-thí pháp cho chúng-sanh, là đủ cho họ cúng dường tiếc giữ quý trọng thân ấy lắm vậy ! Và do đó, cõi thiên đường mới có, cho nhơn loại bước lần lên được.
Cõi thiên đường của nhơn loại, tức là sự cúng dường tứ sự cho Phật Tăng, và Phật Tăng bố-thí pháp ánh sáng lại cho kẻ thế. Nhơn duyên bố-thí pháp và cúng dường tài, ấy là thiên đường vui sáng cho nhơn loại, đến lần theo chơn Phật được. Vì có Phật mới có chư thiên, chư thiên là nhơn loại. Vì có Phật mới có chư thiên, chư thiên là nhơn loại, do nhờ sự cúng dường nghe pháp. Bởi thế nên chư thiên mới yêu cầu Phật. Và khi Phật đã nhậm lời rồi thì từ đó chư thiên ủng hộ Phật luôn luôn, còn nhơn loại thì nhờ cúng dường nghe pháp, mà sanh lên làm chư thiên vô số kể. Những cư sĩ ấy là cư sĩ tạm, ở tạm trong vật-chất, trong cái ác, họ phải bảo hộ cái thân vỏ non, để tập nuôi lần cái tâm hột non cho mau già cứng, đặng khi già cứng rồi, thì thân vỏ vật-chất ác, sẽ qua khỏi dứt bỏ trọn vẹn. Như vậy nghĩa là : tất cả đều tiến tới tinh-thần rốt ráo, đi lên mãi, còn vật-chất ác vỏ thân là sẽ dứt bỏ từ lần, kẻ đi qua, người sắp tới, còn đường từ ác đến thiện, từ thân đến tâm, từ vật-chất đến tinh-thần, từ vỏ đến hột, là phải y như vậy. Thiên đường có ra là do khoảng giữa, nhờ sự tô đắp, của cúng dường tài, và ánh sáng của pháp thí. Thiên đường lớp trên cao ráo, vui tươi, sáng lạn hơn nhơn loại, là bởi sự trog sạch không tham ác, và được thông minh trí huệ hơn, xứ ấy gọi là thiên đường, là bởi trên cao có lớp xuất gia giải thoát, khất sĩ giác-ngộ, sống y theo chơn-lý, sống bằng tinh-thần, tâm trong sạch, bố thí pháp cho cư gia, lớp dưới cư gia cúng dường tứ sự hộ cho các Tăng sư. Cũng như linh hồn xác thịt trao đổi lẫn nhau, cả hai đều sống đủ thân tâm, thành ra con đường nối liền khoảng giữa, gọi thiên đường. Nơi đó kẻ Khất sĩ chỉ sống bằng tâm không thôi, còn thân thì là của chúng-sanh, của đạo Phật, cư gia còn hộ cúng dường, là tăng sư còn dạy bảo, hết thôi cúng dường, là không còn bố-thí pháp nữa, điều ấy là do cư gia, tự ý kẻ đi sau, để hay là bỏ, chớ người đi trước không được biết đến !
Ở xứ ấy cư gia còn có thêm rất nhiều phận sự vì là kẻ còn ở trong vòng tội lỗi; và nếu còn tham chấp là càng phải khổ. Nên ai ai cũng quyết lòng tấn hóa vượt lên, mà không ưa trì trục đứng lại. Họ vưà nuôi thân, và cũng vừa nuôi tâm, họ vừa cúng dường Tăng, gìn giữ đạo Phật, giúp cho Tăng nên, cũng như nuôi ông thầy giáo để dành về sau, như cất lập lớp trường, bảo thủ quyền sách cho mình.
Cư gia lại còn giúp đỡ cho người già bệnh, trẻ nhỏ mồ côi, làm các việc phước thiện bên ngoài nữa.
Cư gia biết bố-thí cúng dường, là bởi cư gia có trí thức không muốn cất giữ món của vay tội lỗi vô ích, cho thêm nặng nhọc. Cư gia ấy đã thấy rõ con đường giải thoát, giác-ngộ của đạo Phật, biết tự đắp lộ để đi, biết ngó ngay đi tới không quanh quẹo.
Đúng chơn-lý tất cả chúng-sanh là Khất sĩ , chớ không có tên cư sĩ tạm, thế nên cư gia biết mình tội lỗi, và rất chán sợ cõi đời. Cư gia là kẻ rất hối quá, về sự tự bỏ xa vời cái Phật của mình, mà đã lỡ lạc lầm vào đường kém thấp.
Giáo lý của cư gia là giàu sang nên phải xuất gia, nghèo nàn phải lo cúng thí ! Vì người giàu sang, là bởi trước kia tu phước cúng thí, nên hay mới được giàu sang, có căn thiện, như vậy là không nên hưởng hết phước đức thế lực, mà là hưởng chút ít rồi, thì phải đi tới nữa, phước hữu lậu sẽ mau hết, không bằng phước vô lậu, chẳng nên tham tiếc đứng lại, hoặc đi tới lui, trở ngại đường tiến hóa của tất cả chúng-sanh.
Giàu sang sẵn có thiện căn phước đức nhơn duyên, là nên phải bước lên tu huệ đí tới nữa, chắc mau thành Phật đặng. Còn nghèo nàn là phải bố-thí và cúng dường, lo đời, hộ đạo, chẳng tham lam; có vậy thiện căn phước đức nhơn duyên mới đầy đủ, mai sau ắt sẽ giàu sang, hay làm Trời rời thì sẽ giải thoát tu thêm mới mong thành Phật.
Như thế nghiã là : cư sĩ là kẻ phải thanh bần, giác-ngộ bố-thí cúng dường, còn Khất sĩ là bậc giàu sang, phải không không trong sạch, làm Tăng sư giáo hóa; Tăng sự ấy tức sẽ là Phật. Thánh chắc chắn. Cư sĩ ấy mới gọi là Trời, người hoàn toàn. và đúng chơn-lý võ-trụ thì trong đời không có ai là giàu sang tham giữ vật-chất được cả.
Giàu sang tức là Pháp bảo tinh-thần dư giả, còn vật-chất ấy là nghèo hèn dơ dáy lắm vậy, cũng vì vật-chất là nghèo hèn thiếu thốn, nên gần với nó, là ai cũng tham lam dục vọng than van khổ mãi.
Đúng lý như vậy ! Sự giác ngộ là quí báu lắm. Cái gíac là mục-đích của chúng-sanh.
Muốn đến được giác-ngộ của ông già, người trẻ nhỏ phải không tham sân si nhỏ hẹp, phải làm người lớn, vị trời, thanh cao quảng đại, trong sạch không tham cao ráo mát mẻ. Mà đối với cư sĩ phải là bố-thí, nhẫn nhục, tinh tấn làm đầu. Ba phép ấy là tâm trung của chư thiên cư sĩ. Và chư thiên mà được đứng vững, lại đi tới Phật được, là nhờ ngó mặt ngay nơi Tam bảo, Phật Pháp tăng trước mắt vậy.
Cư gia có bố-thí mới tạo được núi vằng mây dưới chơn, được người tôn trọng, có bố-thí chan sớt cái cao, cái dư nhiều, cho cái thấp, cái thiếu ít, mới đem lại sự bằng thẳng yên vui cho thân tâm, có không tham ác mới làm gương lành, ngán dút được chiến tranh; bố-thí sẽ là vị phước thần, cứu giúp cho ta, trong các tai nạn, chết khổ, hiểm nguy, đủ cách … Và thâu phục tất cả chơn tâm, tạo nên ngôi vị tối cao tột bực. Có bố-thí mới diệt được lòng tham là gốc tội, thì mới mong giải thoát được. Giải thoát được, là cũng nhờ sự cúng dường, làm gương cho kẻ khác, sau nầy, khi ta xuất gia sẽ có kẻ khác cúng dường lại, ấy tức là sự gởi của để dành, nuôi giữ đạo của mình, về sau rảnh ranh tu học. Bởi đạo đức là quý báu hơn hết, mục-đích của chúng-sanh là tiến lên đạo đức, gia-đình, xã-hội, ai cũng sẽ đến với đạo đức, ở trong đạo đức, cả thảy có ra là do nhờ đạo đức, của đạo đức tất cả. Cư sĩ ai ai cũng nhìn nhận như thế. Họ không còn hy vọng chi nơi vật-chất xác thân của đời tạm nữa. Họ muốn ngó ngay về sau; thế nên xưa kia, có cư sĩ thật nghèo nàn, thanh bần đơn giản, y theo gương Phật Tăng, mà họ rất vui, có một miếng vải, một chén cơm, một hột muối, cái bánh, chút trái, họ cũng thành kính mà cúng dường. Có kẻ không có chi hết, họ cũng vái xá, hoặc miếng nước lã, cũng đem dâng cúng làm gương cho kẻ khác lắm khi bất cập họ thấy tăng sự thiếu hụt bữa ăn, họ sốt sắng mà nhường chén cháo nguội, cơm khô, nơi giữa bữa ăn của họ cho Tăng, mà nghĩ đến đạo, đến Tăng là hơn. Họ biết rằng : Phật không kén chọn thức ăn, và tâm đạo của họ như thế, là quý báu hơn ngày thường nữa.
Ở xứ ấy không có vật-chất dư nhiều, nhứt là lớp ông già từ trên 48 tuổi đều xuất gia, không còn ai trong gia-đình xã-hội nữa, mười người có xuất gia đến một. Cư sĩ ai cũng hết lòng cúng thí, lo cho đời đạo, họ nhẫn nhục mà bố-thí chẳng ngại trẻ nhỏ khen chê, và họ siêng năng bố-thí và nhẫn nhục mãi, họ cũng học trì giới nhập định, nuôi lần trí huệ.
Họ chú trọng tinh-thần hơn hết : Thiên đường củahọ là giữa sự cúng dường tài, và bố-thí pháp của cư sĩ, Khất sĩ : Đời của họ là tiến tới tinh-thần, cho nên không không chẳng còn khổ nạn.
Ai ai cũng gọi là chư thiên.
Xứ đó là thiên đường hiện tại, chớ không phải sau khi chết. Xứ ấyở nơi mỗi xác thân người, cũng ở nơi gia-đình, xã-hội, đâu đâu cũng được, vì không tham sân si thì khổ chết sẽ hết.
NÓI TÓM LẠI :
Cõi thiên đường là cõi lòng trong sạch cao-thượng .
Cảnh thiên đường là cảnh trí rộng lớn mát mẻ.
Xứ thiên đường là sự thông minh sáng lạn đẹp tươi.
Thiên đường là con đường đi thanh thiện của loài người. Thiên đường cũng là thức trí, còn tâm hồn tức là chư thiên vậy. Chư thiên có hào quang là cư sĩ có học pháp lý ánh sáng, chư thiên tốt đẹp, là tâm hồn tốt đẹp; Ao tiên đẹp đẽ là giới hạnh trang nghiêm, mặt tròn sáng là trí thức đầy đủ, tay chơn trắng no tròn, là việc đi đứng trọn lành, thân mình no đủ, là tâm ý chơn như. Cung điện nguy nga đồ sộ, là việc làm lành nhiều lớn.
Phép thần thông là lời nói pháp lý thông thái có hiệu nghiệm ! Ngồi ngai vàng là nhiều thiện nhơn tôn thờ quý trọng như vàng, những kẻ thiện nhơn ấy cũngnhư vàng; bay trên cao mau là tự do thong thả, thiện lành cao-thượng không không ý muốn kết quả mau lẹ, tiên nữ, tiên nam, là trí nhu hòa, và trí nghị lực, vua chư tiên là trí cao đức lớn, dẫn đầu cho hạng cư gia trí thức thiện lành ! Mây lành là có người tán trợ. Mùi thơm là được khen ngợi ca tụng thơm tho ! Rưới bông hoa, là lời nói tán dương hoan hỷ, pháp báu là pháp bảo đạo lý ! Mặt đất vàng, bạc, lưu ly là long từ bi, trắng trẻo, trong sạch.
Thiên đường là giáo lý tốt đẹp, có nơi tất cả mỗi bậc thức trí, ai ai cũng có y nhau. cao thì thật rất cao, xa thì thật xa, nhưng tâm ý của người một khi quyết đến, là cũng sẽ đến cái một như nháy mắt, chớ không phải ở đâu đâu cả.
Thiên đường tức là thiện đạo cao trên vậy,
Như vậy nghĩa là ai cũng ở trên ấy được hết.
Tổ sư Minh Đăng Quang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn