21. Tiếng Vỗ Của Một Bàn Tay
Mokurai là thiền sư của chùa Kennin, biệt danh là Tịnh Sấm. Ngài có một đệ tử được gởi gấm tên là Toyo, chỉ mới có mười hai tuổi. Mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối Toyo thấy các đệ tử lớn tuổi hơn thường đến viếng sư phụ mong được chân truyền thiền học và chỉ dạy công án để định tâm.
Toyo cũng ước được tọa thiền.
"Hãy ráng chờ thêm nữa," Mokurai bảo. "Con hãy còn bé lắm."
Nhưng đứa trẻ cứ nài nĩ mãi nên sư phụ cũng chiều lòng.
Một buổi tối Toya đến bên ngoài cửa phòng của sư phụ đúng giờ. Cậu đánh chiêng báo hiệu, đãnh lễ ba lần ngoài cửa rồi đến ngồi trước mặt sư phụ trong sự yên lặng kính cẩn.
"Con đã nghe tiếng vỗ của hai bàn tay," Mokurai bảo. "Bây giờ chỉ cho ta tiếng vỗ của một bàn tay."
Toyo cúi lạy và lui về phòng mình mà quán chiếu đến công án này. Từ cửa phòng cậu ta có thể nghe văng vẳng tiếng nhạc của các cô đầu geisha. "Ồ! có rồi!" cậu reo lên.
Ðêm hôm sau, khi sư phụ bảo cậu diễn tả tiếng vỗ của một bàn tay, Toyo bắt đầu đàn bài nhạc của các cô đầu.
"Không, không, thiền sư Mokurai bảo. "Chẳng phải thế đâu. Ðó không phải là tiếng vỗ của một bàn tay. Con chẳng hiểu gì cả."
Cho rằng tiếng nhạc văng vẳng quấy rầy quá, Toyo bèn tìm một căn phòng vắng lặng hơn. Cậu ta nghĩ miên man. "Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?" Cậu chợt nghe có tiếng nước rơi. "Ta được rồi," cậu tưởng.
Khi cậu gặp lại sư phụ, Toyo bắt chước tiếng nước rơi.
"Cái gì vậy?' thiền sư Mokurai hỏi. "Ðó là tiếng giọt nước rơi, nhưng không phải là tiếng vỗ của một bàn tay. Ráng nữa đi."Thất vọng, Toyo mặc tưởng đến tiếng vỗ của một bàn tay. Cậu nghe tiếng gió thỏang. Nhưng lại bị gạt đi.
Cậu nghe tiếng cú kêu. Lại cũng bị từ chối.
Tiếng vỗ của một bàn tay lại không phải là của bầy châu chấu.
Toyo đến và đi cũng phải mười bận viếng Thầy với nhiều tiếng động khác nhau. Tất cả đều sai bét. Cả một năm cậu cứ suy nghĩ về tiếng vỗ của một bàn tay là thế nào.
Cuối cùng, cậu bé Toyo đi vào thiền định và quán chiếu tất cả các tiếng động. "Con chẳng còn biết thêm tiếng động nào khác nữa," cậu giải thích về sau này, "do đó con đạt đến tiếng động vô thanh."
Toyo đã ngộ được tiếng vỗ của một bàn tay.
22. Tim Ta Nóng Như Lửa
Soyen Shaku, vị Thiền sư đâu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ, bảo: "Tim ta nóng như lửa, nhưng mắt ta lại lạnh như tro." Ngài đặt ra những qui định sau và thực hành mỗi ngày.?
Buổi sáng, trước khi đắp y, đốt hương và tọa thiền.
Ngủ đúng giờ. Nhận phần ăn của mình cũng đúng lúc. Ăn vừa đủ, không ăn cho thỏa mãn.
Thái độ khi tiếp khách cũng giống như khi mình ở một mình. Khi ở một mình cũng giử thái độ y như lúc tiếp khách.
Chú ý vào mình nói cái gì và bất cứ điều gì mình nói. Thực hành mãi.
Khi cơ hội đến, không buông trôi, nhưng phải suy nghĩ kỷ trước khi hành động.
Không nên hối tiếc chuyện đã qua. Hãy hướng về tương lai.
Phải có thái độ vô úy của một kẻ anh hùng, nhưng có quả tim của một trẻ thơ.
Khi đi ngủ, hãy ngủ như là giấc ngủ cuối. Khi thức dậy, hãy tức khắc rời xa giường y như khi ta vứt đi đôi giày cũ.
23. Sự Ra Ði Của ESHUN
Khi Sư bà Eshun, tuổi đã quá 60, sắp lìa trần, bảo chư tăng chất một giàn củi lớn ngoài sân.
Ngồi ngay ngắn giửa đống củi, bà bắt đầu cho đốt lửa ở xung quanh.
"Sư bà!" một vị tăng gào lên, "có nóng lắm không?"
"Chỉ có người u mê như ngươi mới quan tâm đến chuyện cỏn con như vậy," Eshun trả lời.
Lửa bùng lên, và bà viên tịch.
24. Tụng Kinh
Một nông dân nhờ một vị tăng phái Tendai tụng kinh cho vợ anh ta vừa mất. Sau thời kinh, anh hỏi: "Ngài có tin rằng vợ tôi hưởng được phước đức của thời kinh không?
"Chẳng những chỉ vợ của gia chủ mà tất cả chúng sanh đều được hưởng cả," vị tăng trả lời.
"Nếu ngài bảo mọi chúng sanh đều được phước, người nông dân bảo, "vậy thì họ sẽ dành hết vì vợ tôi rất yếu đuối. Xin ngài chỉ tụng kinh cho vợ tôi thôi."
Vị tăng giải thích rằng người Phật tử nào cũng muốn hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh.
"Ðó là một giáo lý cao thượng, anh nông dân kết luận, "nhưng xin ngài dành cho một ngoại lệ. Tôi có tên láng giềng thô bạo hằng xử tệ với tôi. Xin ngài loại nó ra khỏi cái thành phần chúng sinh kia nhé."
25. Ba Ngày Nữa
Suiwo, đệ tử của Hakuin, là một thiền sư giỏi. Trong thời an cư kiết hạ, một đệ tử từ một đảo phương nam nước Nhật đến gặp thầy. Suiwo trao cho một công án: "Nghe tiếng vỗ của một bàn tay."
Người đệ tử đã trải qua ba năm mà vẫn chưa ngộ được. Một đêm nọ, ông ta đến gặp Suiwo nước mắt đầm đìa. "Con đành chịu xấu hổ trở về quê thôi," ông ta bảo, "vì con chẳng giải được vấn nạn."
"Hãy đợi thêm một tuần nữa đi và ráng chú tâm thiền định." Suiwo khuyên. Người thiền sinh vẫn chẳng liễu ngộ được. "Ráng thêm một tuần nữa," Suiwo bảo. Người đệ tử vâng lời nhưng vẫn vô ích.
"Thêm một tuần nữa." Lại vô hiệu. Chán nãn quá, người thiền sinh xin được về quê, nhưng Suiwo yêu cầu thiền quán thêm năm ngày nữa. Chẳng đi đến đâu. Rồi ngài phán: "Thiền thêm ba ngày nữa, nếu ngươi không ngộ được thì hãy tự tử đi."
Ðến ngày thứ hai, vị thiền sinh hốt nhiên thoắt ngộ.
26. Tranh Biện Ðể Ðược Tạm Trú
Các vị tăng khi đi hoằng pháp đó đây, nếu khởi biện và thắng được một cuộc tranh luận về Phật pháp với các vị đang trụ trìỉ ở một tự viện thì được lưu trú, nhưng nếu thua thì lại xách gói ra đi.
Trong một ngôi chùa ở phía bắc nước Nhật, có hai vị tăng sĩ huynh đệ kia cùng tu. Vị sư huynh thì uyên bác, nhưng sư đệ thì dốt nát mà lại chột mắt. Có một vị tăng du hành đến xin tạm trú, đã nhã nhặn thách thức một cuộc tranh luận về giáo pháp thâm diệu. Vị sư huynh hôm ấy đã mỏi mệt vì nghiên cứu kinh sách nên bảo sư đệ thay thế. "Hãy ra tiếp và hãy đối thoại trong tĩnh lặng" Sư huynh căn dặn.
Rồi vị sư đệ và người lữ khách cùng đến trước điện Phật và ngồi xuống.
Một lát sau, người lữ khách đứng dậy vội vả đến thưa cùng vị sư huynh: "Sư đệ của ngài quả là tuyệt. Ông ấy hạ bần tăng rồi."
"Hãy nói lại cho ta nghe chuyện đối thoại," vị sư huynh nói.
"À thế này!" người lữ khách kể, "trước tiên bần tăng giơ lên một ngón tay tượng trưng cho Ðức Phật, Ðấng Giác ngộ. Sư đệ liền giơ lên hai ngón, ám chỉ Ðức Phật và giáo pháp của Ngài. Bần tăng giơ lên ba ngón tượng trưng Phật, Pháp và Tăng. Sư đệ liền giơ nắm đấm trước mặt bần tăng, ám chỉ rằng cả ba đều khởi từ nhất thể. Như thế là sư đệ đã thắng và bần tăng không có lý do gì lưu lại đây cả." Nói xong, lữ khách ra đi.
"Lảo quái tăng ấy đâu rồi?" vị sư đệ chạy vào phòng sư huynh hỏi.
"Ta biết rằng đệ đã thắng cuộc tranh luận."
"Thắng con khỉ họ. Tôi định nện cho lảo ta một trận."
"Kể cho ta nghe chuyện gì đã xảy ra nào," sư huynh bảo.
"Thế nào ư! vừa gặp tôi là lảo giơ một ngón tay lên, ý muốn sĩ nhục tôi bằng cách ám chỉ tôi chột mắt. Nể lảo là khách nên tôi ráng lịch sự, rồi thì lảo giơ lên hai ngón, ý mừng rằng lảo có hai con mắt. Kế đến tên mắc dịch đó lại giơ lên ba ngón, muốn nói rằng giữa hai người chỉ có ba con mắt. Tôi cáu quá định đấm cho lảo một quả nhưng lảo lại chạy mất và chuyện chỉ có vậy!"
27. Giọng Nói Của Hạnh Phúc
Sau khi Bankei qua đời, một người mù thường sống cạnh thiền viện kể với bạn rằng: "Bởi tôi mù nên không thể nào nhìn thấy rõ mặt ai, vì thế tôi đoán được tâm tánh của mỗi người qua tiếng nói. Thông thường khi tôi nghe ai khen ngợi kẻ khác hạnh phúc hay thành công, tôi còn nghe được cái giọng thầm kín của ganh tị. Khi nghe lời chia buồn kẻ khác gặp điều bất hạnh, tôi nghe có giọng khóai trá thỏa mãn, rõ là kẻ nói lời chia buồn mà lòng thì sung sướng vì có những món kẻ kia bỏ lại để cho mình chiếm đoạt.
"Chỉ riêng giọng nói của Thiền sư Bankei là luôn luôn thành thực. Khi ngài nói lời vui vẻ, tôi chỉ nghe độc có giọng vui vẻ. Khi ngài tỏ lòng buồn rầu, tôi chỉ nghe độc một giọng buôn rầu."
28. Hãy Tự Mở Kho Báu Của Mình
Daiju tìm đến Thiền sư Baso ở Trung quốc để học đạo. Baso hỏi: "Ông tìm kiếm cái gì?"
"Ðạo gíác ngộ," Daiju trả lời.
"Ông đã có sẵn kho báu, tại sao còn phải tìm kiếm bên ngoài?" Baso hỏi.
Daiju thắc mắc: "Kho báu của tôi ở đâu?"
Baso trả lời: "Cái mà ông vừa hỏi là kho báu của ông đấy."
Daiju hốt nhiên thoắt ngộ! Từ đấy về sau ngài thường khuyên bạn bè: "Hãy mở kho báu của mình ra mà dùng."
29. Không Nước, Không Trăng
Khi sư cô Chiyono theo học Thiền với thiền sư Bukko của phái Engaku, đã lâu mà cô vẫn chưa đốn ngộ.
Mãi đến một đêm sáng trăng nọ, cô gánh nước đầy trong hai thùng gổ niềng bằng tre. Niềng tre đứt và đáy thùng bung ra. Ngay lúc ấy Chiyono hoắc ngộ.
Ðể ghi lại sự chứng nghiệm, cô viết thành một bài kệ:
- Như thế, ta đã cố giữ cái thùng gổ cũ
- Sợi niềng tre đã yếu và sắp đứt
- Cho đến lúc cái đáy thùng bung ra
- Chẳng còn nước trong thùng
- Chẳng còn trăng trong nước
30. Tấm Danh Thiếp
Keichu, Một Ðại thiền sư thời Minh Trị, trụỉ trì đại tự viện Tofuku ở Kyoto. Một ngày nọ, thống đốc của Kyoto đến thăm ngài lần đầu.
Viên thị vệ đưa vào tấm danh thiếp ghi: Kitagaki, Thống đốc Kyoto.
"Ta chẳng có việc gì quan hệ với ông này," Keichu nói với thị vệ. "Bảo ông ta về đi."
Viên thị vệ mang tấm thiếp trở ra với lời cáo lỗi.
"Ðấy là lỗi tại tôi," ông thống đốc nói và lấy bút xóa đi mấy chữ Thống đốc Kyoto. "Xin thưa lại với đại sư lần nữa."
"Ồ! Kitagaki đấy à?" thiền sư thốt lên khi nhìn thấy tấm danh thiếp. "Ta muốn tiếp ông ấy."
31. Mọi Thứ Ðều Là Thượng Hảo Hạng
Khi Banzan đi qua chợ nghe được câu chuyện đối thoại giửa anh hàng thịt và người khách mua.
"Bán cho tôi miếng thịt ngon nhất trong hàng của ông," khách bảo.
"Món gì trong hàng của tôi cũng đều thượng hảo hạng cả," anh hàng thịt trả lời. "- đây, bà không thể tìm thấy miếng thịt nào mà không phải là thượng hảo hạng."Qua câu chuyện, Banzan chợt liễu ngộ.
32. Thời Giờ Là Châu Báu
Một Sứ quân hỏi Takuan, một vị thiền sư, một lời khuyên cách dùng thì giờ như thế nào. Ông ta cảm thấy thời gian trôi lâu quá, suốt ngày ngồi cứng người ở trướng để mọi người bái kiến.
- Takuan viết tám chữ Hán để trao lại:
- Một ngày không có hai
- Thời giờ là châu báu.
- Ngày này không hề trở lại
- Mỗi phút đáng giá một viên ngọc quí.
33. Bàn Tay Của MOKUSEN
Mokusen Hiki trụ trì ở một tự viện thuộc tỉnh Tamba. Một trong nhưng đệ tử than phiền với ngài về tánh bủn xỉn của vợ mình. Mokusen đến viếng bà vợ của người đệ tử và giơ ra nắm đấm trước mặt người đàn bà.
"Vậy là có ý gì?" bà ta ngạc nhiên hỏi.
"Giả sử nắm tay của ta cứ như thế này mãi. Bà gọi nó là gì?" ngài hỏi.
"Dị dạng," người đàn bà trả lời.
Rồi ngài xòe bàn tay ra trước mặt bà và hỏi: Giả sử nếu nó cứ như thế này mãi, bà gọi thế nào?"
"Một loại dị dạng khác," bà ta trả lời.
"Nếu bà hiểu được như vậy," Mokusen kết luận, "bà là một người vợ tốt." Xong ngài ra về.
Sau lần viếng thăm đó, người đàn bà hết lòng giúp chồng bố thí và tiết kiệm.
34. Một Nụ Cười Trong Ðời
Suốt đời Mokugen, chưa ai thấy ngài cười cho đến khi sắp chết. Vào ngày cuối ngài bảo với các đệ tử trung thành: "Các con học với ta hơn mười năm nay. Giờ hãy cho ta thấy lối liễu ngộ thiền của các con như thế nào. Ai biểu lộ rõ nhất sẽ được truyền y bát và kế tục ta."
Mọi người đều chăm chú vào gương mặt nghiêm trọng của Mokugen mà không ai trả lời.
Encho, một đệ tử theo thầy đã lâu, bước đến cạnh giường. Ông đẩy chén thuốc tới vài phân. Ðó là câu trả lời của ông khi được hỏi đến.
Nét mặt thầy càng thêm nghiêm trọng. "Con chỉ hiểu có vậy thôi ư?" Mokugen hỏi.
Encho lại đưa tay ra kéo lui chén thuốc.
Một nụ cười thật tươi lộ trên mặt Mokugen. "Thằng nhải," ngài nói với Encho. "Con đã theo ta mười năm mà chưa hề thấy toàn thân của ta. Hãy cầm lấy y bát. Chúng thuộc về con."
35. Mỗi Phút Ðều Là Thiền
Mỗi thiền sinh phải sống cạnh thầy ít ra cũng phải mười năm trước khi thu dạy kẻ khác. Tenno, vừa trải qua thời kỳ học tập và nay trở thành thiền sư, đến thăm Nan-in. Hôm ấy trời mưa, nên Tenno mang guốc và cặp một cái dù. Sau khi chào hỏi, Nan-in lên tiếng: "Có lẽ ông đã để guốc trước tiền đường. Ta muốn biết chiếc dù của ông nằm bên phải hay bên trái của đôi guốc."
Tenno bối rối không đáp lại ngay được. Ông ta hiểu ra rằng mình chưa sống thiền trong từng phút. Ông ta trở thành đồ đệ của Nan-in, và học trong sáu năm nữa để đạt đến mức thiền trong từng phút.
36. Mưa Hoa
Subhuti (Bồ Tát Quán Tự Tại) là một đệ tử của Ðức Phật Thích Ca. Ngài có khả năng thấu triệt được tiềm năng của pháp KHÔNG, quan niệm cho rằng sự vật không hiện hữu, mà do tương tác giửa chủ thể và đối tượng.
Một ngày kia Subhuti, đang hành thâm bát nhã chiếu Không dưới một đại thụ. Hoa bỗng rơi xung quanh Ngài.
"Chúng tôi xin cúng dường bài pháp về Không của Ngài," các phạm thiên thì thầm bên Ngài.
"Nhưng ta chưa nói gì về Không mà," Subhuti nói.
"Ngài chưa nói đến Không, chúng tôi chưa nghe đến Không," thiên thần trả lời. "Ðó thực sự là Không" Và hoa đổ xuống Ngài như mưa.
36. An Tống Kinh Ðiển
Tetsugen, một kẻ mộ Thiền ở Nhật, quyết định ấn tống kinh Phật, lúc bấy giờ chỉ bằng Hán ngữ. Bản in tạng kinh phải được khắc bằng bản gổ đến sáu ngàn tấm, một công tác to lớùn vô lường.
Tetsugen bắt đầu du hành và quyên tiền đóng góp của bá tánh thập phương. Vài kẻ có lòng, biếu ông cả trăm lượng vàng, nhưng hầu hết còn lại thì chỉ cúng vài xu. Ông cảm tạ mỗi khách bố thí lòng tri ân ngang nhau. Sau mười năm Tetsugen kiếm đũ số tiền để khởi sự công tác.
Nhưng lúc ấy sông Uji gây lụt lội. Nạn đói kéo theo. Tetsugen dùng tiền đã quyên góp được để in kinh, phân phát cứu đói. Rồi ông ta lại bắt đầu đi quyên góp trở lại.
Vài năm sau, một trận ôn dịch tràn lan khắp nơi. Lần nữa, Tetsugen lại phân phát hết tiền quyên góp để cứu nhân độ thế.
Ông lại khởi công lần thứ ba, và sau mười hai năm ông đạt được ước nguyện. Bản gỗ in bộ kinh đầu tiên hiện được trưng bày tại Tu viện Obaku ở Kyoto.
Người Nhật thường truyền tụng cho con cháu nghe rằng Tetsugen đã làm ra ba bộ kinh, và rằng hai bộ đầu còn vượt trội hơn bộ chót.
37. Sự Nghiệp Của GISHO
Gisho thọ giới sa di lúc mười tuổi. Cô trải qua thời huân tập cũng giống như những chú tiểu khác. Khi đến tuổi mười sáu cô tìm học từ thiền sư này đến thiền sư khác.
Cô đã học với Unzan trong ba năm, với Gukei sáu năm, nhưng vẫn chưa thấy được nẽo sáng. Cuối cùng cô tìm đến thiền sư Inzan.
Inzan đối xử với cô không phân biệt phái tánh. Ngài quát mắng cô như sấm động. Ngài tát cô thẳng thừng cốt đánh thức bản lai diện mục của cô.
Ginsho lưu học với Inzan mười ba năm, và ở đó cô thấy ra điều cô bấy lâu tìm kiếm!
- Ðể ca tụng cô, Inzan làm bài kệ:
- Ni cô này học với ta mười ba năm.
- Ban tối cô thiền quán chiếu công án sâu xa,
- Ban sáng cô lại đắm chìm trong công án khác,
- Sư cô người Hoa Tetsuma cũng không thể hơn cô,
- Và kể từ Mujaku chẳng có ai thành khẩn như Gisho!
- Còn rất nhiều cửa cô phải đi qua.
- Cô còn phải nhận nhiều cú đấm từ bàn tay sắt của ta.
Sau khi Gisho giác ngộ, cô đến tỉnh Banshu lập ra thiền viện riêng, và thu dạy hai trăm sư nữ khác cho đến ngày cô viên tịch vào một năm giữa tháng Tám.
38. Ngủ Trưa
Thiền sư Soyen Shaku viên tịch lúc sáu mươi mốt tuổi. Hoàn thành sự nghiệp, ngài để lại một giáo pháp dồi dào hơn bất cứ thiền sư nào khác. Giửa mùa hạ, đồ đệ của ngài thường hay ngủ trưa, và ngài giả tảng lơ nhưng riêng ngài thì không bao giờ chểnh mảng.
Khi mới mười hai tuổi, ngài đã học thiền quán giáo pháp phái Tendai. Một buổi trưa hè, khí trời oi ả, cậu bé Soyen duổi thẳng chân đánh một giấc khi thầy vừa đi khỏi.
Ba giờ sau, cậu chợt thức khi thầy trở vào, nhưng đã muộn. Cậu nằm đơ ra đấy ở ngưỡng cửa.
"Xin thứ lỗi cho, xin thứ lỗi cho," sư phụ của ngài thầm thì, bước cẩn thận qua thân cậu bé như thể là của bậc trưởng thượng. Sau lần ấy, Soyen không bao giờ ngủ trưa nữa.
39. Trong Cõi Mộng
"Sư phụ của chúng ta hay ngủ một giấc trưa," một đệ tử của Soyen Shaku kể. "Khi bọn trẻ chúng tôi hỏi tại sao thầy làm vậy thì thầy bảo: ta đi vào cõi mộng để gặp các bậc thánh nhân như Khổng Tử thường làm.' Khi Khổng Tử ngủ, ngài hay gặp các bậc thánh và sau đó kể lại với các đồ đệ."Một ngày nọ trời nóng quá, vài đứa chúng tôi đánh một giấc. Sư phụ quở trách. 'Chúng con đến xứ mộng để gặp các bậc thánh nhân như Khổng Tử thường làm,' chúng tôi vội giải thích. 'Các thánh nhân nói sao? Sư phụ gắt. Một đứa trong bọn tôi trả lời: 'Chúng con đến xứ mộng gặp các thánh nhân và hỏi họ có gặp sư phụ của chúng con đến đấy mỗi buổi trưa không, nhưng họ bảo chẳng hề gặp ông ấy,"
40. Thiền Của JOSHU
Joshu khởi sự học Thiền lúc ngài đã sáu mươi tuổi và tiếp tục đến mãi tám mươi tuổi thì liễu ngộ. Ngài dạy thiền từ khi tám mươi tuổi cho đến khi một trăm hai mươi tuổi.
Một lần có một thiền sinh hỏi: "Nếu chẳng có gì trong tâm thì con phải làm sao?"
Joshu trả lời: "Ném nó ra."
"Nhưng nếu con chẳng có gì thì làm sao con ném nó ra được?" thiền sinh tiếp.
"Vậy thì" Joshu bảo "Hãy khiêng nó ra."