Trang nhất » Tin Tức » Tuổi Trẻ Và Phật Giáo » Giáo Dục Đạo Đức Phật Giáo

Nuôi dưỡng thân tâm

Chủ nhật - 25/09/2011 10:06
Nuôi dưỡng thân tâm

Nuôi dưỡng thân tâm

Đi tu thật ngộ. Con người của mình không phải là một cơ thể nguyên vẹn, một khối như cục đá, cục gạch đâu. Cơ thể mình do nhiều bộ phận ráp lại như người máy ráp cái tay, cái chân cái đầu, gắn con mắt…

 

Hồi ở nhà Tâm An thấy con người là con người thôi, đâu có nhìn kỹ từng bộ phận cơ thể làm chi. Nhưng bây giờ thì khác, Tâm An thấy mỗi bộ phận là một cách thực tập. Ví dụ như đôi chân thì phải tập đi, con mắt thì phải tập nhìn, cái đầu phải tập trung suy nghĩ đúng đắn, cái tai thì phải biết nghe. Còn nữa, cái miệng phải biết cách ăn. Lạ không? Ăn mà cũng phải tập. Ai mà chẳng ăn kia chứ. Mới mở mắt là tự biết bú, lớn một chút mẹ đút cái gì thì cứ há miệng ăn thôi. Tâm An nghĩ: chắc đây là pháp môn dễ nhất, ăn thôi mà, chẳng có gì đặc biệt cả. Không hẳn vậy, chuyện ăn cũng rườm rà, cũng lắm chuyện. Trước tiên ta phải hiểu cái bụng của mình chứa được bao nhiêu để lấy thức ăn cho nó vừa đủ. Cái bụng nó cũng biết nói đó nghe. Nó chỉ xin một bát thôi nhưng lên tới con mắt thành hai bát, chuyển đến cái tay thành hai bát rưỡi. Do đó mà Bụt chỉ cho có một cái bình bát thôi, ăn nhiều thì lấy nhiều, ăn ít thì lấy ít. Ba chú cứ lấy các món mà mình thích, bỏ các món không ưa lại. Cả ba đều lấy một bát đầy cho dù cái bụng bảo là chỉ cần một bát lưng thôi. “Con mắt luôn to hơn cái bụng mà”. Bắt cái tay phải lấy vừa đủ cái bụng chẳng đơn giản chút nào nên các chú cứ chiều theo con mắt hoài. Tâm An thầm nghĩ: “Thầy nói đúng, ăn cũng là cả một nghệ thuật. Có nhiều hạng người ăn khác nhau; người ăn vì ham thích các món ngon vật lạ cứ chạy theo những cảm thọ của vị giác, đắm mình vào nó. Có người ăn chỉ để nuôi sống bản thân, cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Có người thưởng thức các thức ăn như thưởng thức một môn nghệ thuật. Chúng ta là người tu thì ăn uống của chúng ta được nâng cấp lên một bậc trở thành đạo, trở thành thiền. Do đó ta có pháp môn thiền ăn. Người tu là ta biết lắng nghe cơ thể mình cần nhu cầu bao nhiêu? Một bát, nửa bát hay hơn. Chúng ta chỉ nên khất thực vừa đủ thôi. Người thô và người tế nhị mình nhìn cách lấy thức ăn và cách ăn là biết. Lúc khất thực, cái tâm tham của mình thấy rất rõ, cái gì mình thích thì lấy nhiều, không thích thì ta không lấy. Ta thực tập như vậy chưa hay lắm. Ngày xưa, Bụt dạy “thứ đệ khất thực” tức là đi tuần tự từng nhà không lựa chọn nhà giàu, nhà nghèo, không lựa chọn thức ăn này ngon, thức ăn kia dở, ai cúng dường bao nhiêu Ngài cũng hoan hỉ như nhau cả. Phép khất thực này giúp ta không khởi tâm phân biệt, tất cả đều được tôn quý như nhau. Các con nên học theo hạnh này của Bụt, các món ăn đều được khất thực hết để khỏi phụ lòng người cúng dường, người nấu nướng. Tuy nhiên, khi cơ thể có bệnh, không thích hợp dùng món ăn đó thì ta cũng có thể không khất thực. Khi thực tập ta phải uyển chuyển.”.

Từ đó, Tâm An chú ý lấy thức ăn hơn, chú còn được học ăn cơm trong “Bước tới thảnh thơi”. Sư ông dạy rất kỹ. Chú thích thú khi phát hiện ra mỗi uy nghi nho nhỏ, từng chút từng chút nhưng đều có ý nghĩa, mục đích sâu xa, rèn luyện tâm của mình sáng hơn, lành hơn. Tuy biết thế nhưng cả ba đều muốn ăn theo sở thích của mình, không phải nghi lễ gì hết. Đối với các chú ăn sao thoải mái, vui vẻ thì tốt rồi. Có thể vừa ăn vừa nói, có thể chọc ghẹo, đùa giỡn với nhau. Cũng thông cảm thôi, tuổi nhỏ luôn hiếu động, đâu có thích lúc nào cũng trầm tĩnh.

Tưởng rằng ăn cơm là sự thực tập dễ nhất. Nhưng đâu có dễ dàng chút nào. Ba chú cảm thấy giờ ăn cơm sao mà lâu thế, chẳng có gì thú vị cả. Thầy ăn sao mà lâu quá, còn các chú thì loáng cái đã sạch hết bát cơm. Ngồi im chờ đợi, cảm giác chờ đợi thật là khó chịu. Giờ mà được chạy ra vườn chơi với con Kinô và con mèo thì thích biết mấy. Nhìn nó ăn cơm, vuốt vuốt bộ lông mềm mại, rồi bắt chước tiếng sủa của nó, xem ai sủa giống Kinô nhất. Có cả khối trò chơi đang chờ các chú ngoài kia. Chơi giả tiếng thú vật cũng vui. Ai giả được tiếng giống nhất thì phải làm điệu bộ giống con đó. Tâm Từ giả giống Kinô, Tâm An giống mèo, Tâm Chánh giống lợn, trò chơi này vui ơi là vui, thế mà các chú còn phải ngồi trong bàn cơm chờ Thầy ăn xong rồi mới được ôm bát đứng dậy, đi rửa.

Chiều hôm đó, mấy thầy trò được ngồi chơi với nhau dưới bóng cây bồ đề mát rượi. Thầy hỏi:

- Trong các con, ai là người thương con Kinô nhất.

- Dạ thưa con, Tâm Từ giơ tay lên.

- Dạ, con thương con mèo- Tâm An nói

- Còn con thương con lợn- Tâm Chánh thưa.

- Chùa mình làm gì có con lợn nào đâu?

Cả ba cùng cười. Rồi Tâm An, Tâm Từ chỉ vào Tâm Chánh:

- Dạ thưa Thầy, đây này.

Lúc đó, Tâm Chánh kêu lên : “ Ùn ụt, ụt ịt, eng ẻng…” đủ kiểu kêu của lợn. Thầy chợt hiểu ra cười hỏi:

- Còn Tâm Từ thì sao?

Tâm Từ ngồi dậy, bò xuống vừa bò vừa sủa theo tiếng con Kinô làm cho mọi người cười ngặt nghẽo.

Tâm An cũng thế, chú nằm xuống, kêu meo meo rồi giả bộ lấy lưỡi liếm tay chân.

Thầy cười nói:

-         Các con làm giống thiệt! Vậy các con thấy con Kinô, con mèo, con lợn ăn như thế nào? Nó ăn có đẹp không?

-         Dạ thưa, con Kinô ăn rất nhanh, nó nhai ngấu nhai nghiến, lâu lâu còn gừ lên vài tiếng nữa như sợ ai lấy mất thức ăn. Tâm Từ trả lời.

-         Còn con lợn thì khỏi nói, nó háu ăn lắm, nó ăn táp táp thành tiếng. Con thích nhìn các con lợn hàng xóm ăn lắm. Nó còn lấn nhau để đến cái máng trước nữa. Ăn loáng một chút là sạch nhẵn máng thức ăn nên nó chóng lớn lắm Thầy ạ. Chiều nào mà có thức ăn thừa là ba anh em con đều mang qua cho nó, nhìn nó ăn vui ơi là vui.

-         Con mèo thì ăn ít lắm, lúc gặp thức ăn nó thích, nó liền kêu lên meo meo một cách khoái chí. Lạ lắm Thầy ơi. Nó ăn một chút rồi bỏ đi chơi, một lát sau quay lại ăn tiếp. Con thấy con mèo ham chơi ghê. Nó làm biếng lắm, nhai vài ba cái rồi nuốt cho xong.

Nhìn các chú vui vẻ kể về các con vật một cách hồn nhiều, ngây thơ, Thầy thấy vui trong lòng. Thầy nói:

- Chà! Các con quan sát các con vật kỹ quá. Vậy các con có thấy được mình ăn cơm như thế nào không?

Thầy nhìn quanh, chẳng thấy chú nào lên tiếng hồ hởi như lúc trước. Các chú cúi đầu, rồi lén nhìn nhau, nhìn Thầy. Tâm Chánh hổ thẹn đỏ cả mặt, bởi chú cứ nghĩ Thầy ví chú ăn như lợn vậy. Thầy chơi trò này kỳ quá đi. Ai lại ví người ta với các con vật kia chứ.

Thầy như hiểu được những suy tư đang diễn ra trong đầu các chú, Thầy từ từ cất tiếng:

- Các con, các con đừng nghĩ thầy ví các con với các con vật dễ thương ấy đâu. Thầy biết các con đều có suy nghĩ con vật thua kém con người nhiều thứ. Nhưng, các con có biết tại sao nó thua kém con người không?

- Dạ thưa không ạ.

- Bởi nó có quá nhiều điểm không lành, không đẹp. Nhìn cách ăn, cách ứng xử của nó với nhau còn biểu hiện nhiều tâm tham lam, si mê, đố kỵ, nó không có nhiều khả năng nhận biết những điều chưa hay, cũng không biết cả sự sửa đổi như con người. Tuy nhiên, mình đừng tự hào là con người có cách sống đẹp hơn con vật. Chưa chắc đâu, có nhiều điều con người chúng ta phải học cách sống, cách sinh hoạt của chúng. Ví dụ như: cách sống tập thể của bầy ong, của đàn kiến rất hay. Tuy sống chung bầy đàn nhưng vẫn trật tự, có sự phân công rõ rệt. Chúng rất đoàn kết và không sống riêng lẽ. Bên cạnh những điểm đẹp đó chúng vẫn thiếu phước duyên hơn chúng ta nhiều. Con người còn may mắn biết được những điều mình làm chưa hay, chưa đẹp để sửa đổi. Các con vừa nói những tật xấu của các con vật đó, nếu mình nhìn kỹ thì trong con người chúng ta ai cũng có những cách biểu hiện không đẹp như vậy. Do đó, thầy chỉ khuyên các con thay đổi lại cách ăn cho đẹp, cho thanh nhã. Khi cầm muỗng múc thức ăn, nên lấy sao cho gọn gàng, đừng để cho thức ăn lùa thùa ra ngoài muỗng, cách lấy cũng nhẹ nhàng, tránh tiếng va chạm của muỗng vào bát. Đưa vào miệng, nhai đều, không nên nhai thành tiếng, không nên vừa nhai vừa nói. Các con nhai như thế nào mà cảm thấy thức ăn nhuyễn và ngọt rồi nuốt. Chúng ta có từ ba mươi đến bốn mươi lăm phút cho một buổi ăn cơm, nên mình chẳng có gì phải vội vàng, cứ thong thả thưởng thức tất cả các món ăn ngon lành.

Thầy ngừng lại, nhìn các đứa trẻ một lát rồi nói tiếp:

- Khi ăn các con nên đặt hết tâm trí vào thức ăn và nhận biết sự có mặt của mọi người xung quanh, mà đừng suy nghĩ lung tung, đừng muốn ăn cho xong để được làm cái này hay cái kia. Càng nên tránh các tâm hành xấu như tham, giận, buồn phiền. Nếu như các con đang giận một ai đó mà mang tâm giận hờn vào bữa ăn thì các con đang ăn cái giận. Khi các tâm hành giận hờn, buồn bực đang phát khởi, thì trong con người chúng ta đang tiết ra các độc tố làm cho thức ăn ngon lành kia nhiễm độc. Chúng ta được nuôi dưỡng trở lại bằng các độc tố ấy. Lâu ngày sẽ sinh ra bệnh tật đủ điều. Do đó, tâm thức của chúng ta khi ăn rất quan trọng. Nó có thể chuyển hóa độc tố thành thức ăn lành. Các con có biết không? Ngày xưa, Ngài Ca Diếp đã từng khất thực những thức ăn hôi thiu, mốc meo của những người bần cùng khốn khổ, Ngài đã dùng nó một cách hoan hỷ, ngon lành và tỏ lòng biết ơn sâu sắc để hồi hướng cho vị thí chủ đó. Những thức ăn đó mà cho chúng ta dùng thì sẽ bị đau bụng, bị hư đường ruột ngay. Nhưng với tâm niệm an lành của Ngài, các thức ăn ấy trở thành chất liệu nuôi dưỡng. Việc thực tập Từ, Bi, Hỉ, Xả trong khi ăn giúp chúng ta phát khởi lên những tâm niệm thiện, đó là nguồn thực phẩm cần thiết. Các con đọc cho thầy nghe bài thi kệ bốn muỗng đầu đi !

Các chú đồng chắp tay và đọc:

Muỗng thứ nhất học hiến tặng niềm vui

Muỗng thứ hai học làm vơi nỗi khổ

Muỗng thứ ba học giữ lòng hoan hỷ

Muỗng thứ tư học thực tập xả buông.

- Các con, đó là thực tập Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỉ, Xả ngay trong khi ăn. Cho nên thực tập ăn một cách sâu sắc cũng giúp chúng ta chuyển hóa khổ đau cho mình và cho người, đồng thời nuôi dưỡng hạnh phúc của chúng ta nữa.

Các chú ngồi yên nghe Thầy giảng, giọng nói ấm áp của Thầy vang ra cả khu vườn. Cây bồ đề thỉnh thoảng đung đưa cành lá như vui mừng khi nghe được cơn mưa pháp. Tâm An nhìn lên từng chiếc lá với ánh mắt rạng ngời hạnh phúc, thương yêu. Những lời giảng đó đã đưa chú đến với Bụt, Pháp, Tăng ngay trong giây phút này. Rồi chú nhìn lên Thầy, chú cảm thấy mình là cậu bé chăn trâu Cát Tường ngày xưa trong truyện “Đường xưa mây trắng” đang được ngồi bên Bụt dưới bóng cây Bồ Đề nghe Ngài chỉ dạy. Chú như bị cuốn hút vào dòng suy nghĩ đó. Tiếng Tâm Chánh cất lên làm chú quay về với thực tại:

- Dạ thưa Thầy cho con hỏi?

- Nói đi con!

- Dạ thưa, con chưa hiểu tại sao cái gì Thầy cũng gọi là thức ăn, là thực phẩm như: âm nhạc, ngồi thiền, pháp thoại,… đâu có ăn được đâu mà lại gọi là thức ăn?

Thầy cười hiền lành rồi nói:

- Các con, người ngoài đời thường quan niệm: thức ăn chỉ là những thực phẩm đưa vào miệng để nuôi sống con người mà thôi. Đó là một cách hiểu rất nông cạn. Bụt dạy chúng ta có bốn loại thức ăn đó là: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Các con có nhớ mình vẫn thường tụng kinh “bốn loại thức ăn” không?

- Dạ nhớ ạ!

- Thức ăn mà chúng ta ăn hàng ngày như: cơm, canh, nước,… gọi là đoàn thực; tức là những thực phẩm đi vào cơ thể chúng ta bằng con đường miệng. Các con hãy kể cho thầy nghe một số thực phẩm được gọi là đoàn thực?

Tâm Từ nhanh nhẹn đáp:

- Dạ bún, mỳ, phở…

- Dạ bún riêu, bún bò Huế, mỳ Quảng, phở Hà Nội, phở tái, phở chay, bánh cuốn, bánh bèo, bánh xèo,… Tâm Chánh tiếp lời:

Tâm An cười:

- Bạch Thầy! anh Tâm Chánh thích ăn mặn nên kể toàn đồ mặn không à.

- Bậy nào, đâu có, các món ăn đó đều có thể nấu chay mà.

- Chay gì mà bún bò Huế, phở bò tái, phở Hà Nội nè. Nghe toàn là bò không thôi. Ai ăn chay mà toàn nói bò, heo, gà, tôm, cua,…

- Em không biết đó thôi, ở  ngoài người ta làm đủ thứ thức ăn chay như thức ăn mặn vậy. Có lần anh thấy nguyên một con gà chay luôn, anh còn thấy tôm, ốc, mực, cá làm giống như thật vậy đó. Tâm Chánh nói lại. Lúc này, Thầy lên tiếng cắt đứt cuộc tranh luận của hai anh em:

- Thôi được rồi, những thứ các con kể đều đúng là đoàn thực cả, còn chuyện đó chúng ta sẽ bàn sau nhé. Tâm An con chưa kể cho thầy nghe các món ăn con thích:

- Dạ con thích nhiều món lắm: Bánh bao, bánh bò, cơm chiên Dương Châu, cháo nêm, càri bánh mỳ, trái cây nữa.

- Như vậy các con đã hiểu thế nào là đoàn thực rồi chứ.

- Dạ hiểu ạ.

- Các con, ngay trong các thức ăn này, chúng ta phải tập nhìn sâu để thấy được vạn vật đang hiến tặng sự sống của chúng để nuôi dưỡng chúng ta. Chúng ta ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi của mình. Làm giảm bớt những khổ đau cho các con vật bị giết thịt. Các con vật cũng đau đớn và sợ hãi khi ai đó đem dao giết nó như chúng ta vậy. Còn các loài thực vật cũng có những cảm giác ấy nhưng vì cảm thọ của nó không lớn nên ít đau đớn hơn loài động vật thôi. Sự sống của chúng ta được đánh đổi bằng sự sống của các loài khác, vật khác, do đó Bụt có một ví dụ rất dễ sợ nói về đoàn thực như sau: Có hai vợ chồng nọ có một đứa con trai duy nhất cùng đi qua một sa mạc. Giữa đường bị hết lương thực họ đành phải giết đứa con ăn thịt để sống mà vượt qua sa mạc. Họ đau khổ vô cùng khi phải ăn thịt con mình. Cũng vậy các con, nếu các con biết yêu thương vạn loài cỏ cây, đất đá như những đứa con yêu quý thì lúc ăn cơm các con phải nhắm mắt mà ăn để sống qua ngày thôi. Cho nên, ăn không phải để bồi bổ, làm cho cơ thể đẹp thêm mà chỉ sống  để vượt qua bãi sa mạc nóng bức của cuộc đời. Chúng ta nương nhờ nguồn thực phẩm ấy nuôi sống giúp cho ta khoẻ mạnh mà tu tập. Nên khi thọ nhận một bát cơm thôi là ta đã thọ ơn của mọi loài, nếu không tu tập đàng hoàng thì ta sẽ mang nợ cuộc đời không biết bao giờ trả hết. Khi nhìn sâu như vậy, các con sẽ trân quý tất cả các loại thức ăn mà không chê ngon dở, không dám phí phạm.

Thầy ngừng lại uống một ngụm trà rồi nói tiếp:

- Loại thức ăn thứ hai là xúc thực. Tức là thứ ta tiếp xúc, nuôi dưỡng cho thân tâm qua các giác quan khác như: mắt, tai, mũi, thân và ý. Xúc thực này ảnh hưởng tới đời sống của chúng ta rất lớn. Một ngày chúng ta nuôi dưỡng tâm hồn mình biết bao nhiêu là thứ như: Âm nhạc, phim ảnh, , sách báo, các bài học ở trường, các lời dạy giáo lý ở chùa, những câu chuyện mình nói với nhau, tưới tẩm lên nhau bao nhiêu điều. Cho nên chính trong các thực phẩm đó các con phải biết chọn lựa, thanh lọc những độc tố mà thu nhận những thực phẩm lành mạnh nuôi dưỡng tâm hồn mình. Khi các con hiểu được điều này rồi, các con sẽ cảm thông cho thầy tại sao không cho các con hát nhạc ngoài đời, những thể loại Rock, Rap mà tuổi trẻ các con ưa thích. Thầy không khuyến khích các con xem truyện tranh mà mua chuyện văn học, những tác phẩm có giá trị nuôi dưỡng tâm hồn cho các con đọc. Thầy không cho các con xem tivi, bởi trên tivi có nhiều điều không lành mạnh cho trẻ em xem. Các con chưa có đủ khả năng tự thanh lọc, tự lựa chọn thức ăn cho mình nên các con cần sự giúp đỡ của người lớn. Tuy nhiên, Thầy vẫn tìm kiếm các bộ phim khoa học, lịch sử, tài liệu hay, nuôi dưỡng để các con được xem, học hỏi thêm. Đó chỉ là những gì có thể làm được thầy làm cho các con. Điều mà thầy mong muốn là các con được nuôi dưỡng từ  những thực phẩm lành mạnh để từ đó phát triển khả năng tự nhận biết các loại thực phẩm khi mình tiếp xúc. Bụt đã thấy rõ nguy hại do loại thức ăn này mang đến cho con người, nên Ngài mới hướng dẫn pháp môn tu tập “Phòng hộ sáu căn” tức là các con phải có chánh niệm khi tai tiếp xúc với âm thanh, mắt tiếp xúc với hình sắc, mũi tiếp xúc với mùi hương, lưỡi tiếp xúc với vị, thân xúc chạm, và ý tiếp xúc với mọi sự vật hiện tượng. Có chánh niệm thì các con như được bảo hộ, được che chở khỏi những độc tố, những điều không lành mạnh.

Tâm Chánh như được thông suốt mọi thắc mắc, chú hạnh phúc, Tâm Từ cảm thấy thương Thầy nhiều hơn, chú biết Thầy thương các chú nên không cho các chú hát Rock thi kệ, không sửa thi kệ lung tung. Chú nhìn Thầy với ánh mắt trìu mến. Còn Tâm An, chú như lạc vào một thế giới mới lạ, những chuyện đơn giản như ăn cơm thôi mà có nhiều ý nghĩa sâu sắc như vậy. Chú nhìn Thầy với ánh mắt ngưỡng mộ. Thầy hay thật, chuyện gì Thầy cũng biết, cũng giải thích rõ ràng. Mỗi khi thầy giảng điều gì Tâm An cũng cảm thấy hấp dẫn cứ dẫn dắt chú lần lần vào một kho tàng tri thức rộng lớn. Chú biết rằng, còn nhiều điều, rất nhiều điều chú chưa được biết, nghĩ đến đó thôi trong chú đã khởi lên một niềm cảm hứng tu học, chú ao ước càng ngày chú càng được học và thực hành những điều hay từ giáo lý đạo Bụt mang lại.

Ông mặt trời đã chuyển về Tây bầu trời như êm dịu lại, từng cụm mây bay lơ lửng. Thầy ngừng lại rồi bảo: Thôi chúng ta ngừng cuộc trò chuyện ở đây. Thầy còn mắc nợ các con hai loại thức ăn nữa cũng rất là quan trọng. Khi nào có dịp thầy giảng tiếp cho các con.

Tâm An nhanh nhẹn thưa:

- Thưa Thầy, ngày mai thầy giảng tiếp cho chúng con đi, con còn muốn nghe nữa.

Tâm Từ và Tâm Chánh cũng hùa theo:

- Chúng con cũng muốn nữa, ngày mai Thầy giảng nữa nghe Thầy. Thầy hứa đi.

Thầy cười, gật đầu. Ba chú sung sướng, nở hoa. Thầy đứng dậy, dắt các chú đi dạo quanh đồi, rồi bốn thầy trò trở về phòng. Một buổi chiều êm ả, hiền lành trôi qua, nó đã để lại trong lòng các chú một niềm hân hoan, hạnh phúc. Riêng Tâm An, chú cứ nhớ lại lời Thầy giảng và mong cho ngày mai mau tới để được nghe tiếp phần còn lại.

Chiều hôm đó, bữa cơm thật ấm cúng, thong thả. Các chú ăn cơm rất chánh niệm. Những cái miệng nhỏ nhai đều đặn, thảnh thơi. Nhìn những thiền sư con này ăn cơm dễ thương lắm, hiền lành, ngoan ngoãn. Thầy nhìn các chú với ánh mắt trìu mến. Các chú hạnh phúc lắm. Có lẽ đây là buổi ăn cơm đầy tình thương và sự hiểu biết mà lần đầu tiên các chú được nếm hương vị này. Thức ăn được đưa vào miệng trở nên ngon ngọt hơn mọi khi, các chú phân biệt được từng vị của các loại trái cây, rau củ,… Ăn cơm được như thế đâu có dễ như Tâm An từng nghĩ.

Ngày hôm sau, sau giờ thiền hành quanh ngọn đồi xanh, thầy trò ngồi lại bên nhau bên gốc cây già ven suối. Thầy ngồi yên rất lâu lắng nghe dòng suối hát. Tâm An thích ngắm cảnh suối, thích nhìn những giọt nước lăn, té nhào từ trên cao xuống, chạy nhảy tứ phía tạo nên bọt nước trắng xoá. Thầy nhìn các chú rồi nói:

- Bây giờ thầy trả nợ tiếp cho các con.

Ba chú vui mừng ra mặt, như một bầy chim non đang xúm xít quanh người cha, các chú xích gần lại ngồi quanh Thầy để nghe Thầy nói chuyện:

- Hôm nay, thầy muốn nghe các con kể chuyện, chuyện gì cũng được.

Cả ba chú ngẩn ngơ, bất ngờ quá, biết kể chuyện gì đây. Thầy gợi ý:

- Các con có thể nói về ước mơ của mình. Những điều các con muốn thực hiện. Các con có thể nói về một mẫu người lý tưởng mà các con muốn trở thành.

Tâm Từ nhoẻn miệng cười, chắp tay xá xuống rồi thưa:

- Con kính thưa Thầy và các anh em, con muốn trở thành một tu sĩ có đức hạnh, có khả năng sáng tác các bài thiền ca cho mọi người được thưởng thức, nuôi dưỡng mọi người bằng dòng nhạc thánh thiện.

Tâm Chánh chắp tay thưa:

- Con muốn làm thiền sư giống như Sư Ông.

Tâm An cũng thưa:

- Con muốn được giống Thầy. Con chưa được gặp Sư Ông, chỉ được nghe Thầy kể, đọc sách và nghe pháp thoại của Sư Ông con rất thích, nhưng con chỉ muốn giống Thầy thôi.

Thầy nhìn Tâm An hỏi:

- Thầy tu tập vẫn còn nhiều thiếu sót, con muốn giống thầy thì còn nhiều hạn chế lắm. Tại sao con không chọn một vị Bồ Tát nào đó.

- Dạ con chưa có ước mơ đó, con chỉ muốn được làm một ông thầy tu có tình thương và hạnh phúc như Thầy thôi. Con chưa gặp Sư Ông, chưa gặp Bồ Tát thì làm sao mà giống được. Sư Ông, Bồ Tát làm cái gì, đi thiền, ăn cơm ra sao con chưa thấy nên con chỉ muốn giống một người gần mình, mình được gặp hàng ngày thôi.

Thầy nhìn các chú với ánh mắt yêu thương. Các chú rất lành, những ước mơ thật đẹp, thật hiếm. Thầy sẽ là người chắp thêm đôi cánh để các chú bay xa, bay cao trong bầu trời mơ ước.

- Các con, những ước mơ đẹp sẽ nuôi dưỡng chúng ta, sẽ là động lực giúp chúng ta thực hiện các hoài bão lớn lao của mình. Ước muốn, hoài bão là một loại thức ăn, nó vi tế hơn loại thức ăn trước nhưng nó rất quan trọng. Những ước muốn cao đẹp như phụng sự xã hội, bảo vệ môi sinh, giúp đời, giúp người đều là những tư niệm thực lành. Ta có thể nói đó là Bồ Đề Tâm. Khi các con muốn trở thành một người tu, các con phải nhìn thấy các điều hay, đẹp của người tu sĩ và muốn sống đẹp như họ. Các tâm thuần thiện đó phát khởi thì ta gọi là phát Bồ Đề Tâm. Chính những ước muốn đấy thúc đẩy ta, thôi thúc ta hành động lựa chọn hướng đi.

Thầy ngừng lại, rồi chậm rãi tiếp tục:

- Tư niệm thực là loại thức ăn thứ ba nói cho dễ hiểu là ước muốn của mình. Chúng ta có rất nhiều loại ước muốn. Có ước muốn thiện và ước muốn không thiện. Những ước mơ các con vừa chia sẻ là ước mơ thiện, nếu các con nuôi lớn, tưới tẩm và rèn luyện mình mỗi ngày thì ước mơ sẽ thành hiện thực. Ước mơ sẽ dẫn dắt chúng ta vào những nẻo đường khác nhau. Ước mơ cao đẹp sẽ đưa chúng ta vào con đường chân, thiện, hạnh phúc, bình an. Còn ước mơ chứa đầy dục vọng như: tiền tài, giàu sang, địa vị, uy quyền, ăn ngon mặc đẹp sẽ cuốn chúng ta đi vào chốn trần lao, khổ ải. Rất nhiều người cứ nghĩ rằng được sống hưởng thụ dục lạc thế gian như thế thì mới hạnh phúc. Cái hạnh phúc đó được đánh đổi qúa lớn, họ có thể bán đứng lương tâm, làm điều xằng bậy để có được của cải vật chất, càng ngày mảnh đất tâm hồn của họ bị chất lên bao nhiêu rác thải, ô uế từ sự giàu sang mang lại, chật cứng cả không gian. Trong tâm hồn họ không còn có một chỗ nho nhỏ để cho các loài hoa được nở rộ. Càng nuôi nhiều ước muốn địa vị, quyền hành thì   tham vọng chất chồng. Dục lạc thế gian có sức quyến rũ rất mạnh nó lấy hết thời gian và không gian của con người. Họ không thể thanh thản từng bước đi đến công sở, họ đi như chạy, chạy cho kịp thời gian. Nhưng thời gian có hạn hẹp với ai đâu, nó công bằng với tất cả mọi người. Họ ăn cơm nhưng trong đầu họ toàn là những dự tính làm thế nào để số tiền thu nhập mỗi ngày được nhiều hơn. Hoặc là làm sao leo lên vị trí lãnh đạo. Có như vậy thì cuộc đời họ mới hạnh phúc, ăn mới ngon, ngủ mới yên. Nhưng họ đâu có dừng lại được, họ đâu biết rằng, hạnh phúc đang nằm trong tầm tay mà không biết thưởng thức, hưởng thụ mà đi tìm một cái bóng hạnh phúc mờ ảo xa vời không thể nắm bắt.

Thầy say sưa nói như trút bầu tâm sự, như đang nói cho chính mình nghe vậy. Thầy ngừng lại, im lặng một hồi lâu rồi hỏi:

- Các con có hiểu về tư niệm thực không?

- Dạ hiểu ạ.

- Do đó khi một ước muốn phát khởi trong tâm các con phải nhìn nó, xem thử đây là anh bạn lành cần được gần gũi hay là người bạn không tốt có thể dẫn dắt mình đi về nẻo đường tiêu cực. Khi các con lớn lên các con sẽ thấy sức mạnh của tư niệm thực rất lớn. Bụt ví dụ tư niệm thực như một người bị hai lực sĩ lôi kéo vào hầm lửa. Hầm lửa là những khổ luỵ nhưng người đó không thể nào cưỡng lại được.

Tâm An hỏi:

- Vậy người đó có chết không Thầy?

- Chết là có chắc rồi, Tâm Từ nhìn Tâm An nói.

- Thưa thầy, nếu mình ước muốn thiện thì làm sao mà kéo vào hầm lửa được. Ước muốn tốt thì hầm lửa sẽ biến thành hồ sen phải không Thầy?

Thầy cười gật đầu, rồi thầy trầm tư. Ước  gì các con của thầy lớn lên thầy sẽ nói cho các con biết rằng đã khởi lên một ước muốn dù thiện hay bất thiện  thì các con đều phải trải qua cam go thử thách, cũng thử thách như nhau, nhưng ý nghĩa khác nhau. Giá mình nói được cho các con hiểu pháp thực tập vô cầu, vô nguyện… để các con đi thẳng vào cánh cửa giải thoát. Còn quá sớm, các con của thầy còn quá nhỏ để nói điều này. Nhiều khi thầy muốn cho các chú sống trong bầu trời tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng sống hết mình với tuổi thơ thần tiên này. Thầy không muốn đưa quá nhiều giáo điều vào cuộc sống vốn tự tại của một đứa trẻ. Những điều đó cũng giúp ích tạo một hành lang để dẫn dắt các chú. Nhưng cũng làm các chú già đi, cái đầu óc bé nhỏ ấy phải suy tư bao nhiêu chuyện. Cho nên thầy chỉ đưa ít ít mỗi ngày thôi. Còn lại là không gian của chúng tha hồ vui chơi

Tâm Chánh cất tiếng hỏi cắt đứt sự suy tư của Thầy:

- Thầy ơi! Còn loại thức ăn cuối cùng nữa, thầy nói luôn đi thầy.

- À! Còn thức ăn thứ tư là thức thực. Đây là loại thức ăn sâu kín nhất, và tế nhị nhất trong bốn loại thức ăn. Nó được biểu hiện ra môi trường sống và con người của mình. Trong nhà Phật gọi là y báo và chánh báo. Y báo là môi trường xung quanh ảnh hưởng tới mình, khi con sống với một nhóm bạn suốt ngày lêu lổng, quậy phá thì con cũng quậy phá giống các bạn. Khi con ở chung với các anh chị trong chùa thì các con sẽ được nuôi dưỡng thành những đứa trẻ ngoan hiền. Thầy nhớ câu chuyện thời xưa rất hay. Lúc Mạnh Tử còn nhỏ, Mạnh Tử là một nhà hiền triết của Trung Quốc, nhà của cậu ở gần khu chợ, một hôm mẹ cậu nghe con mình nói chuyện, hành xử như những người ngoài chợ, không mấy thanh lịch. Bà mẹ đã biết con mình bị ảnh hưởng môi trường không lành mạnh và bà quyết định đổi nhà. Bà dọn về một nơi yên tĩnh hơn nhưng lại gần nhà mai táng. Một thời gian sau bà thấy Mạnh Tử có những biểu hiện dễ buồn, dễ khóc, chẳng lo học, suốt ngày chạy theo đám bạn để xem các đám tang. Bà lại một lần nữa thay đổi chỗ ở, lần này bà quyết định mua một căn nhà gần trường học. Từ khi ở nơi mới, Mạnh Tử thấy các bạn hằng ngày ôm sách đến trường, cậu ta bắt đầu học theo, từ đó rất ham học, sau này trở thành một trong những hiền nhân của Trung  Quốc. Qua câu chuyện này các con sẽ thấy môi trường sinh sống sẽ ảnh hưởng đến con ngưới của mình rất nhiều. Còn chánh báo tức là con người của chúng ta. Con người của chúng ta không chỉ đơn thuần là hình hài, thân thể này mà còn cả tâm thức của mình. Trong tâm thức của con người có rất nhiều hạt giống buồn, thương, giận, ghét,… Do đó khi gặp điều kiện thì các hạt giống này phát khởi. Các con cứ tưới tẩm nhiều thì các hạt giống này nẩy mầm và phát triển, thì các con sẽ tạo nên tính cách dễ giận hờn, buồn bực. Trái lại các con tưới tẩm hạt giống tốt thì các con sẽ hành xử một cách dễ thương hơn, đẹp hơn, thanh lịch hơn. Cũng giống như Mạnh Tử trong cậu ta có một cậu bé thích lêu lổng, dễ buồn, dễ giận, dễ khóc nên gặp điều kiện sống gần môi trường suốt ngày thấy người ta buồn rầu than khóc, thì cậu ta cũng vô tình tưới tẩm hạt giống không lành này. Nhưng cũng chính Mạnh Tử có một cậu bé ngoan, hiền nên khi được tưới tẩm trong môi trường tốt hạt giống lành được nuôi lớn trở thành con người tốt. Trong chúng ta ai cũng có đầy đủ hạt giống thiện và bất thiện, chúng ta chỉ cần biết chăm sóc vườn tâm của mình cho hoa thơm trái ngọt lớn mạnh, cỏ rác ngày càng ít thì con người mình ngày càng đẹp, càng thánh thiện. Các ước muốn của các con đang ngày càng thành tựu. Thôi để khi nào các con lớn hơn chút nữa Thầy sẽ giảng giải cho các con. Kinh Bốn Loại Thức Ăn  này là một sự thực tập rất căn bản, nhưng rất là sâu xa, vi diệu. Càng thực tập các con càng khám phá ra chiều sâu thăm thẳm của nó.

Thời gian ngồi bên thầy trôi qua rất nhanh, ông mặt trời đã lên cao, gửi những tia nắng mạnh mẽ xuống núi đồi. Những ngày hè cứ trôi đi như thế, các chú được sống bên nhau, cùng chơi cùng học. Các chú biết mùa hè sắp hết rồi. Sắp đến năm học mới, các chú phải đến trường. Thầy nói thầy đã xin cho các chú nhập học ở một ngôi trường làng gần chùa. Ba chú ba lớp khác nhau. Từ đây ba chú sẽ có thêm nhiều người bạn mới, họ khác các chú, họ đi học với quần xanh, áo trắng. Còn các chú đi học với bộ đồ vạt hò ở trong, chiếc áo dài dành cho các điệu ở ngoài. Những ngày sắp tới đang chờ đón các chú. Nó còn nhiều điều mới mẻ nữa, không còn nhiều thời gian vui chơi, đi thiền, ngồi bên thầy nhiều như những ngày hè. Cuộc sống mới có chút chút thay đổi nhưng không thiếu những buổi ngồi thiền, tụng kinh, ăn cơm chánh niệm, nghe chuông,… Tất cả những thứ đó là những thức ăn bổ dưỡng mà các chú cần được cung cấp mỗi ngày

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 20


Hôm nayHôm nay : 2407

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 88925

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8539702