Trang nhất » Tin Tức » HỆ PHÁI KHẤT SĨ » LỊCH SỬ » Góc Chia Sẽ

Cầu nguyện trong Phật giáo

Thứ ba - 19/04/2011 21:57
Rất nhiều tôn giáo có khái niệm cầu nguyện, trong Phật Giáo chúng ta cũng tháy 2 chữ " Cầu nguyện " tuy nhiên cầu nguyện trong Phật Giáo hoàn toàn khác với các tôn giáo khác. Mời bạn đọc 1 bài chia sẽ của Hoàng Nguyên để hiểu hơn về "cầu nguyện" trong Phật Giáo nhé.

Cầu nguyện là một hoạt động tinh thần phổ biến của con người, có từ buổi sơ khai của nhân loại.

Ngay khi có ý thức về sự bất lực trước sức mạnh của thiên nhiên, trước sự tồn tại bấp bênh và sự chết chóc không thể kiểm soát được, con người bắt đầu bày tỏ sự cầu xin, ngợi ca và tạ ơn các đối tượng họ cho là thiêng liêng, có sức mạnh chi phối cuộc sống của họ.

Ngày nay trong các tôn giáo, hình thức bảy tỏ sự cầu xin, ngợi ca, và tạ ơn vẫn hiện hữu như là nhu cầu tinh thần của con người, tuy nhiên cầu nguyện còn là một hình thức thực tập tâm linh.

Đối với các tôn giáo hữu thần, cầu nguyện tuy có nhiều cấp độ ý nghĩa mang tính thực tập tâm linh, nhưng ý nghĩa căn bản và truyền thống nhất là thể hiện đức tin tuyệt đối vào đấng tạo hóa toàn năng có quyền ban phước giáng họa để được nhận phúc lành sống bình an hạnh phúc trong cõi thế này.

Chúng ta hãy nghe lời của một Linh mục viết về ý nghĩa cầu nguyện trong Cơ Đốc giáo như thế này: “Chúng ta quỳ gối trước mặt Thiên Chúa là một cử chỉ để tuyên xưng lòng tin, để tôn vinh uy quyền của Thiên Chúa. Quỳ gối, tức là chúng ta đã đặt mình trước Ðấng Tối Cao, tự nhận mình là nhỏ bé, quỳ gối tôn thờ.

Cầu nguyện trước tiên là đến với Chúa, mà đến với Chúa như một con người nhỏ bé đến trước Ðấng Toàn Năng. Cử chỉ quỳ gối là một cách biểu lộ lòng tin, biểu lộ sự nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng Toàn Năng.”

Cầu nguyện trong Phật giáo có một ý nghĩa hoàn toàn khác như thế.

Phật tử cũng quỳ gối trước đức Phật và các vị Bồ tát thánh hiền, cũng tỏ lòng tôn kính nhưng không phải để tuyên xưng lòng tin hay tôn vinh uy quyền của Phật và các vị Bồ tát thánh hiền mà chỉ để quán chiếu các đức tính hiền thiện của chư Phật và Bồ tát thánh hiền với trái tim khát khao được hoàn thiện những đức tính đó trong chính tự thân của mình nhằm thành tựu nhân cách cá nhân và hành động xây dựng xã hội toàn thiện.

Mỗi lần quỳ gối hay đứng trước chư Phật và Bồ tát, Phật tử cũng cảm thấy mình nhỏ bé, nhưng không phải nhỏ bé trước một đấng toàn năng đầy quyền uy thưởng phạt và sinh sát mà cảm thấy nhỏ bé trước công hạnh cao cả và nhân cách hoàn thiện của các ngài.

Như một hệ quả tự nhiên, cầu nguyện vói trái tim khát khao hoàn thiện các đức tính của chư Phật và Bồ tát thánh hiền, người Phật tử tự động quán chiếu lại bản tâm mình để trừ khử những xấu ác và làm phát khởi những đức tính hiền thiện trong chính tự thân mình, vì theo Phật giáo tất cả những đức tính hiền thiện của chư Phật và Bồ tát đều hiện hữu trong con người dưới dạng tiềm năng.

Do vậy, cầu nguyện trong Phật giáo là tìm một phương pháp và sự chỉ dẫn hành trì để đoạn trừ các bất thiện pháp và làm phát khởi tiềm năng trong chính tự thân chứ không phải tìm cầu sự giúp đỡ  bên ngoài thay cho hành động của mình.

Hay nói cách khác, cầu nguyện trong Phật giáo không phải là những ngôn từ cầu xin mà những lời chỉ dẫn tu tập, chuyển hóa tâm hồn.

Tụng kinh, niệm Phật, trì chú, thiền định trong Phật giáo là một hình thức cầu nguyện, mục đích là nhằm chuyển đổi quan niệm mê lầm xấu ác trở nên trong sáng lương thiện.

Cầu nguyện vì thế chính là phương pháp nhìn lại con người thật của mình, quan sát tâm mình và trừ khử khát vọng phàm tình, ích kỷ, ỷ lại, yếu đuối. Cầu nguyện là một cách định tâm định ý để chuyển hóa lòng mình, lòng người” (Thích Tịnh Từ).

Hay nói bằng ngôn từ khác, “cầu nguyện là tiến trình làm phát khởi trạng thái cao thượng nhất là Phật tính của chúng ta. Một tiềm năng mà mọi người đều sở hữu bình đẳng như nhau. Phật tính là năng lượng sự sống căn bản và yêu thương vốn có trong vũ trụ. Cầu nguyện là tiến trình chuyển hóa những xung lực ham muốn ích kỷ thành tình thương vị tha”.(www.sgi.org/buddhism/buddhist-concepts/prayer-in-buddhism html)

Cầu nguyện trong Phật giáo như vậy hoàn toàn mang tính tự lực, không có bóng dáng của tha lực, nghĩa là không có sự giúp đỡ hay gia hộ theo nghĩa ban phép lành của chư Phật và các vị thánh hiền.

Vậy thì người Phật tử thường cầu nguyện chư Phật và các vị Thánh hiền gia hộ cho mình và người khác mang ý nghĩa gì?

Sự gia hộ ở đây có nghĩa là chư Phật và các vị Thánh hiền truyền sức mạnh niềm tin và cảm xúc hứng khởi cho người cầu nguyện hành động thánh thiện trong cuộc đời.

Bất cứ khi nào ta nhận được niềm tin và cảm xúc hứng khởi từ hành động và nhân cách cao thượng của ai đó rồi hành động thiện lợi trong cuộc đời thì khi đó ta có thể nói rằng người đó đã gia hộ cho ta.

Martin Luther King, nhà lãnh đạo phong trào vận động quyền công dân tại Hoa Kỳ mà ngày nay cả nước Mỹ tôn vinh, đã chịu ảnh hưởng sâu sắc nguyên lý bất bạo lực hay còn gọi là bất hại được nhà lãnh đạo độc lập người Ấn độ Mohandas Gandhi đề xướng với tên gọi Chấp trì chân lí trong cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân đế quốc Anh.

Ta có thể nói rằng sự thành công trong phong trào đấu tranh bất bạo động giành quyền công dân của Martin Luther King là nhờ sự gia hộ của Mohandas Gandhi.

Khi ta tụng đọc kinh sách tìm hiểu lời dạy, cuộc đời, công hạnh và nhân cách của Phật và các vị thánh hiền là ta cầu nguyện với các vị đó. Và khi nhân cách, công hạnh và những lời dạy của các vị đó tạo cho ta niềm tin và cảm xúc hứng khởi hành động theo lẽ phải, thánh thiện thì các vị đó đã gia hộ cho ta vậy.

Trong đạo Phật, cuộc đời, công hạnh, nhân cách và lời dạy của đức Phật Thích Ca và các vị Bồ tát, các vị tổ sư là nguồn cảm hứng vô tận cho vô số người trên thế giới từ quá khứ đến hiện tại noi theo và hành theo.

Nguồn cảm hứng của các ngài cho chúng sinh là vô tận thì sự gia hộ của các ngài cho chúng sinh cũng là vô biên.

Nhưng đôi khi ta không nhận được sự gia hộ của các ngài là vì khi ta cầu nguyện Bồ tát Quán Thế Âm, ta không biết Quán Thế Âm là gì hay khi ta cầu nguyện đức Phật Thích Ca, đức Phật A Di Đà, ta không biết đức Phật Thích Ca, đức Phật A Di Đà là ai, đã có những công hạnh gì.

Cho nên khi cầu nguyện với Phật với Bồ tát, ta phải biết cuộc đời, công hạnh, nhân cách và biểu tượng ý nghĩa của các vị đó nữa.

Ví dụ khi ta cầu nguyện với Bồ tát Quán Thế Âm, ta phải biết Quán Thế Âm là vị Bồ tát giàu lòng bi mẫn, chuyên hạnh lắng nghe tiếng khổ của thế gian để cứu khổ. Nhưng quan trọng hơn hết ta phải hiểu Bồ tát Quán Thế Âm là hiện thân của từ bi, là biểu tượng của từ bi.

Bất cứ ai giàu lòng bi mẫn, rung cảm chân thành trước nỗi đau của cuộc đời và hành động bằng tất cả khả năng của mình để giúp đời đều là hiện thân của Bồ tát Quán Thế Âm.

Đây cũng chính là ý nghĩa thị hiện ba mươi hai thân tướng của Bồ tát Quán Thế Âm được nói trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn.

Đọc kinh chúng ta  có thể không tin có một vị Quán Thế Âm đầy thần thông biến hóa, đi mây về gió, nhưng chúng ta không thể không tin sự hiện thân của vị Bồ tát này, vì sự thực trong cuộc đời có rất nhiều người với tấm lòng từ bi nhân ái đang giúp đỡ người hoạn nạn, khó khăn và đau khổ.

Chính những người này là nguồn cảm hứng để ta phát khởi tình thương và hành động bằng tình thương. Và ngang qua hành động bằng tình thương, chúng ta sẽ “cảm nghiệm được hạnh phúc và niềm hạnh phúc ấy được gọi là sự gia hộ của Bồ tát Quán Thế Âm”. 

Trên đây là cầu nguyện mang tính thực tập tâm linh, còn cầu nguyện theo nghĩa cầu xin thì thế nào. Cầu xin để thỏa mãn mong ước nào đó như sức khỏe, giàu có, thành công, hạnh phúc, an bình  đều là những nhu cầu chính đáng của con người.

Đạo Phật không hề khước từ những nhu cầu đó. Nhưng cầu nguyện trong đạo Phật phải đi đôi với hành động. Cầu nguyện không phải là dịp để chúng ta làm biếng, đùn đẩy công việc cho các đấng Thánh hiền.

Cầu nguyện chỉ là chất xúc tác tinh thần tạo niềm tin và sức mạnh để người cầu nguyện hạnh động mà thôi.

Mới đây, một nghiên cứu của các nhà khoa học tại đại học Graz, Áo và các đồng nghiệp của họ ở Đức cho thấy cầu nguyện trước khi làm điều gì đó sẽ mang lại kết quả tốt đẹp hơn.

Họ tuyển tám mươi sinh viên chia thành hai nhóm, một nhóm được yêu cầu cầu nguyện và nghĩ về tổ tiên, nhóm khác nghĩ về việc mua sắm.

Kết quả khảo sát về mức độ tự tin và làm một số bài kiểm tra về trí tuệ, nhóm cầu nguyện về tổ tiên tỏ ra tự tin hơn và điểm trung bình, điểm tuyệt đối của họ cũng cao hơn nhóm nghĩ về hoạt động mua sắm.

Lý giải cho điều này, tiến sĩ Peter Fischer nói: “Tổ tiên chúng ta đã vượt qua hàng loạt thử thách trong cuộc sống của họ, như bệnh tật hiểm nghèo, chiến tranh, nỗi đau do mất người thân, suy thoái kinh tế. Vì thế khi nghĩ tới họ, chúng ta nhận ra rằng những con người giống hệt chúng ta về mặt di truyền có thể vượt qua nghịch cảnh đáng sợ nhất. Nhờ đó mà chúng ta cảm thấy tự tin hơn”.

Cầu nguyện với tổ tiên đã có sức mạnh niềm tin vượt trội như vậy, thì khi cầu nguyện với Phật, các vị Bồ tát, các vị thánh hiền chúng ta sẽ có nhiều sức mạnh niềm tin hơn nữa, nhất là trong việc nổ lực hoàn thiện nhân cách bản thân và hành động tìm kiếm hạnh phúc tối hậu, vì Phật, Bồ tát và các vị thánh hiền đều là con người như chúng ta, trải qua bao rèn luyện khó khăn gian khổ, cuối cùng thành tựu được nhân cách và đạt được hạnh phúc tối hậu.

Tóm lại, cầu nguyện sẽ tạo nên sức mạnh niềm tin, mà hạnh động với một niềm tin mạnh mẽ có thể mang lại những thành công thần kỳ.

Trên đây chúng ta mới chỉ nói đến phương diện tâm lý trong cầu nguyện, còn khía cạnh siêu hình của cầu nguyện, tức là kết quả cầu nguyện xảy ra một cách kỳ diệu mà ta hay gọi là sự linh ứng mầu nhiệm của Phật, các vị Bồ tát thánh hiền.

Ví dụ có những người bệnh tật chữa hoài không hết hoặc bác sĩ đã “chê”, thành tâm cầu nguyện đức Phật Dược Sư, trong hai tháng tự nhiên họ khỏe mạnh trở lại.

Hoặc có những người gặp lúc hoạn nạn, thành tâm cầu nguyện Quán Thế Âm Bồ tát, họ thoát nạn một cách thần kỳ.

Chúng ta giải thích như thế nào về khía cạnh siêu hình này? Chúng ta không thể cho rằng người cầu nguyện đạt được những kết quả thần kỳ như vậy là do họ thành tâm, vì ai gặp lúc hoạn nạn, nguy bách đến tính mạng đều chí thành cầu nguyện cả, nhưng sao người đạt được, người thì không.

Cho nên chúng ta chỉ có thể lý giải những hiện tượng kỳ diệu đó bằng luật nghiệp báo.

Thực ra cái mà ta gọi là sự linh ứng mầu nhiệm khi cầu nguyện không thuộc tài sản của riêng tôn giáo hay hệ thống tín ngưỡng nào. Nó xảy ra khắp mọi nơi trong mọi nền văn hóa và tôn giáo.

Những câu chuyện linh ứng mầu nhiệm trong Phật giáo, Cơ Đốc giáo hay Hồi giáo là một minh chứng.

Đôi lúc không cầu nguyện, sự kỳ diệu vẫn xảy ra như thường. Chẳng hạn đứa bé bốn tháng tuổi bị cuốn khỏi tay mẹ khi cơn sóng thần khủng khiếp ập đến thị trấn Ishimomaki ven biển Sendai trong thảm họa động đất ở Nhật Bản ngày 11/3 vừa qua nhưng vẫn sống khỏe mạnh dưới ngôi nhà đổ nát là một điều kỳ diệu.

Tất cả những điều này chứng minh cho một quy luật khách quan chi phối toàn bộ nhân sinh và vũ trụ. Đó là quy luật nhân quả nghiệp báo.

Luật nhân quả nghiệp báo giải thích cho ta về những trường hợp kỳ diệu trong cuộc sống. Tại sao trong vụ tai nạn máy bay kinh hoàng xảy ra ngày 12/5/2010 cướp đi sinh mạng của 103 người, chỉ duy nhất một cậu bé mười tuổi thoát chết.

Điều này luật nghiệp báo lý giải rằng 103 người tử nạn kia trong các kiếp sống quá khứ họ có thể đã cùng thực hiện một việc ác lớn nào đó hoặc là việc ác riêng lẽ từng người nhưng tính chất quả báo giống nhau và có mối nhân duyên với nhau nên đưa đẩy họ cùng đi trên một chuyến bay.

Còn cậu bé chỉ có mối nhân duyên nào đó với họ mà không có nghiệp ác lớn tạo tác trong quá khứ nên thoát chết một cách thần kỳ như vậy.

Vai trò nghiệp báo quyết định vận mệnh an nguy của cuộc đời như vậy thì vấn đề cầu an, cầu siêu trong Phật giáo có tác dụng như thế nào?

Cầu an là mong ước bình an, sức khỏe và hạnh phúc cho mình và tha nhân, là nhu cầu được an ổn tự thân, đồng thời thể hiện sự quan tâm yêu thương đến người khác.

Khi cầu nguyện mà trong ta có niềm tin, tình yêu thương, lòng chân thật và sự khiêm tốn thì chắc chắn cảm ứng được Phật lực gia hộ cho ta được an bình.

Cầu nguyện với năng lượng niềm tin, tình yêu thương, lòng chân thật, tính khiêm tốn là một hình thức của tư duy tích cực, yếu tố quan trọng dẫn đến hành động tích cực, mà hành động tích cực là chìa khóa của thành công và hạnh phúc an lạc.

Với sức mạnh niềm tin và năng lượng tình thương, ta hướng tâm đến người ta cầu nguyện thì sẽ có tác dụng ảnh hưởng lên người đó. Tâm thức của ta có khả năng thiết lập mối quan hệ tương tác với tâm thức người khác, thậm chí là với loài vật và thực vật.

Một thí nghiệm của bác sĩ Randolph Byrd cho ta hiểu thêm về tác dụng của cầu nguyện này.

Ông chia 393 bệnh nhân đau tim thành hai nhóm. Một nhóm được một số người hằng ngày cầu nguyện cho mau lành bệnh, nhóm kia thì không nhưng cả hai nhóm đều được điều trị cùng một bác sĩ và thuốc men như nhau.

Kết quả là nhóm được cầu nguyện bệnh tật cải thiện tốt hơn năm lần so với nhóm không được cầu nguyện.

Thực ra tác dụng có thật của cầu nguyện không phải là điều mới mẻ đối với cộng động Phật giáo, vì từ lâu giới Phật tử đều biết đến tác dụng này qua những câu chuyện trong kinh sách.

Ví dụ trong kinh Angulimala, thuộc Trung Bộ Kinh, thuật lại câu chuyện tôn giả Angulimala cầu nguyện cho một sản phụ đau đớn vì khó sinh.

Chuyện kể rằng một hôm trên đường đi khất thực tôn giả Angulimala gặp một sản phụ khó sinh, đau đớn, nguy kịch, Tôn giả cảm thương trở về bạch với đức Phật.

Đức Phật dạy tôn giả đến cầu nguyện cho sản phụ đó bằng những lời cầu nguyện thế này: “Thưa chị, kể từ khi tôi tái sinh trong Thánh đạo đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sinh, với sự thực ấy tôi nguyện cầu chị được an toàn và sinh đẻ được an toàn”.

Quả thật sau khi cầu nguyện xong, người sản phụ đó được mẹ tròn con vuông!

Qua lời cầu nguyện mà đức Phật đã chỉ dạy cho tôn giả Angulimala, rõ ràng ta thấy người cầu nguyện cần phải có năng lượng tích cực thì sự cầu nguyện mới có hiệu nghiệm.

Cụm từ “kể từ khi tôi tái sinh trong Thánh đạo đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sinh” nói lên sự thật rằng tôn giả Angulimala đã có công năng tu tập và tích lũy công đức từ khi bước vào đời sống xuất gia.

Vậy nên khi cầu nguyện cho ai, ta phải có năng lượng tích cực của tự thân, được tạo ra bởi tình yêu thương, lòng thánh thiện và những việc làm công đức.

Một câu chuyện khác, đúng hơn là một sự kiện, được ghi lại trong Vinaya Pitaka, phần Cullavagga, mục 26-27, nói lên rằng tâm thức con người có khả năng thiết lập mối tương quan giao cảm với các loài động vật.

Nhân sự kiện một vị tỳ kheo tu tập trong rừng bị rắn cắn chết, đức Phật nói rằng nếu vị tỳ kheo đó quán niệm từ tâm đối với các loài rắn thì chắc chắn sẽ không bị rắn cắn chết và ngài dạy một bài kệ  để các tỳ kheo thực hành rải từ tâm đến không chỉ với loài rắn mà tất cả các sinh vật khác.

Quả nhiên, khi các vị tỳ kheo tụng đọc bài kệ đó với tâm lượng từ bi rải khắp các loài động vật thì không còn bị rắn, rết, bò cạp đến quấy nhiễu nữa.

Nếu chúng ta có ác tâm, gây tổn hại cho kẻ khác thì kẻ khác cũng trở nên có ác tâm và gây tổn hại lại chúng ta.

Cho nên trong thế giới cộng tồn tương sinh này, cách tốt nhất để bảo vệ chúng ta khỏi bị hại là không làm hại kẻ khác. Mối nguy hiểm, bất an lớn nhất đe dọa cuộc sống chúng ta chính là chúng ta không có từ tâm với nhau.

Cho nên sống mà có tâm yêu thương đến tất cả chúng sinh là cách tốt nhất để giữ gìn bản thân, bảo vệ bản thân và hộ trì bản thân. Đây cũng chính là ý nghĩa cầu an trong Phật giáo. Vậy cầu siêu thì như thế nào?

Cầu siêu cũng là mong ước cho người thân của mình được an lành hạnh phúc nhưng không phải với người còn sống mà với người đã quá vãng.

Chính vì đối tượng cầu nguyện là những người quá vãng nên danh từ sử dụng là cầu siêu, siêu dộ, siêu sinh, siêu thoát, với ý nghĩa mong muốn người quá vãng được “siêu vượt lên trên”, tức là từ những cảnh giới tối tăm đau khổ đọa đày được thoát sinh lên các thế giới an lành sung sướng hơn, vì theo thế giới quan Phật giáo, có rất nhiều cảnh giới sống khác nhau, trong đó có những thế giới khổ đau, thiếu thốn, bức bách như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và những thế giới có đời sống an vui sung sướng hơn như các cõi thiên, đặc biệt sung sướng và an lạc nhất là thế giới cực lạc của Phật A Di Đà.

Giống như hiệu nghiệm của cầu an, cầu siêu cũng có tác dụng hiệu quả của nó. Bởi lẽ con người chết đi nhưng tâm thức vẫn tồn tại. Tâm thức của người còn sống và tâm thức của người đã chết vẫn có khả năng thiết lập sự tương tác ảnh hưởng lẫn nhau, dù chúng ở hai thế giới khác nhau.

Bằng năng lượng tình thương, sức mạnh tâm linh do rèn luyện đạo đức và thiền định cộng với những việc làm công đức, chúng ta hướng toàn bộ năng lực này đến những người quá cố nguyện cầu họ được siêu thoát về các cảnh giới an lành thì chắc chắn có tác dụng hỗ trợ tích cực.

Kinh Vu Lan thuật lại trường hợp bà Thành Đề, mẹ của ngài Mục Kiền Liên, nhờ oai lực cầu nguyện của chư Tăng thoát khỏi cảnh giới địa ngục, thác sinh lên cõi trời là một thí dụ điển hình.

Thế nhưng, trong kinh Tương Ưng, ta bắt gặp những lời dạy khác của đức Phật. Để trả lời câu hỏi liệu đức Phật có thể cầu nguyện cho những người đã chết sinh vào các thiện xứ và thiên giới, điều mà các đạo sĩ Bà La Môn đương thời tự cho là họ có khả năng làm như vậy, của thôn trưởng Asibandakaputta (A Tư La Thiên), đức Phật hỏi lại vị thôn trưởng này: Này thôn trưởng, ông nghĩ thế nào, một người khi sống đã tạo nhiều ác nghiệp như sát sinh, trộm cướp, tham lam, dối trá… cho đến sống theo tà kiến, lúc chết được nhiều người chắp tay cầu nguyện, mong rằng người này được sinh lên thiện thú, thiên giới và cõi đời này, thì có phải do nhân cầu nguyện ấy mà người đó được sinh lên thiện thú, thiên giới không?

Thôn trưởng trả lời không thể có chuyện như vậy được. Có vẻ như để tăng thêm tính thuyết phục cho quan điểm của mình, đức Phật nêu lên một ví dụ:
Ví như một tảng đá lớn được ném xuống hồ nước rồi mọi người đứng trên bờ chắp tay cầu nguyện, van xin, mong rằng tảng đó ấy nổi lên. Này thôn trưởng, ông nghĩ có phải nhờ vào sự cầu nguyện đó mà tẳng đá ấy nổi lên không?

Thôn trưởng trả lời đó là chuyện không tưởng, không thể nào xảy ra được.

Đến đây đức Phật kết luận: Này thôn trưởng, một người sống theo tà kiến, làm mười ác nghiệp thì khi chết dù được đông đảo quần chúng cầu nguyện sinh thiên vẫn phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ và địa ngục.

Dựa vào lời dạy trên của đức Phật, một số người cho rằng cầu nguyện trong cầu siêu là vô ích, không có tác dụng gì. Nhưng nếu như vậy thì giải thích thế nào về trường hợp bà Thanh Đề nhờ năng lực cầu nguyện của chư Tăng mà thoát khỏi cảnh giới khổ đau, sinh lên thiên giới. Phải chăng lời Phật mâu thuẫn? Tôi nghĩ kinh Phật không hề mâu thuẫn nếu ta xem xét trong bối cảnh mà bài kinh đó được nói ra.

Nhân duyên dẫn thôn trưởng Asibandakaputta đến hỏi đức Phật xem ngài có khả năng làm cho những người đã chết sinh thiên hay không là vì các đạo sĩ Bà La Môn thời đó tuyên bố họ có thể cầu nguyện cho những người đã chết bằng cách gọi tên và dẫn họ vào thiên giới.

Trong thâm tâm thôn trưởng Asibandakaputta, ông cho rằng cầu nguyện như vậy đồng nghĩa với sức mạnh quyền năng, mà đức Phật thì chưa bao giờ tự nhận mình là một người có quyền năng.

Cho nên ý nghĩa cầu nguyện mang tính quyền năng như vậy không được đức Phật chấp nhận. Ngài phủ nhận là phủ nhận chính điểm này, chứ không phải phủ nhận hoàn toàn vai trò cầu nguyện trong tiến trình siêu độ vong linh.

Năng lực cầu nguyện không phải là sức mạnh quyền năng muốn đẩy ai xuống địa ngục thì đẩy, muốn đưa ai lên thiên đường thì đưa. Xuống địa ngục hay lên thiên đường là tùy vào nghiệp lực của mỗi người.

Khi một người đã chết mang theo nhiều nghiệp bất thiện, thì cầu nguyện chỉ đóng vai trò trợ duyên, soi sáng và thức tỉnh tâm thức người đó để họ tự chuyển hóa nghiệp duyên của mình mà thăng hoa lên các cõi lành. Đây chính là ý nghĩa cầu siêu trong Phật giáo.

Cầu nguyện trong Phật giáo, tóm lại, dù với mục đích nào, thực tập tâm linh, thực hiện một điều ước, hoàn thành một tâm nguyện, đạt được một thành tích hay gì gì đi nữa, thì tất cả đều phải được đặt trên sự tự nỗ lực bản thân, đối tượng mà ta cầu nguyện chỉ đống vai trò đánh thức niềm tin và truyền cảm hứng cho ta nỗ lực hành động mà thôi.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyên

Nguồn tin: http://www.phattuvietnam.net/nghiencuu/44/14049.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 80


Hôm nayHôm nay : 6584

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 54648

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7788764