Trang nhất » Tin Tức » HỆ PHÁI KHẤT SĨ

Báo cáo Khóa tu truyền thống Khất Sĩ lần thứ 11

Thứ sáu - 18/10/2013 06:02
TT. Giác Pháp --- Khóa tu truyền thống Khất Sĩ lần thứ 11 do Giáo đoàn V đăng cai tổ chức tại đạo tràng Tịnh xá Ngọc Thạnh, thuộc thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Vùng đất này nằm trong khu vực núi Dinh linh thiêng, nơi tập trung nhiều tự viện, am thất của người tu hành đông nhất trong cả nước.
Chư hành giả tham dự khóa tu

Chư hành giả tham dự khóa tu

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch Hòa thượng chứng minh,

Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái,

Kính bạch chư Tôn thượng tọa, chư Đại đức Tăng hành giả khóa tu,

Thưa chư thiện nam, tín nữ Phật tử,

Khóa tu truyền thống Khất Sĩ ra đời trong tinh thần hoan hỷ của Hệ phái, đã phát triển vững vàng trong suốt gần 4 năm qua. Đến nay, khóa tu diễn ra lần thứ 11 do Giáo đoàn V đăng cai bắt đầu từ ngày mùng 04 đến ngày 11 tháng 09 năm Quý Tỵ (nhằm ngày 08 – 15 / 10 / 2013) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để tổng kết lại quá trình tu tập, chúng con xin đại diện cho Ban thư ký báo cáo quá trình tu tập của khóa tu truyền thống lần thứ 11 như sau:

1. Đơn vị đăng cai

Khóa tu truyền thống Khất Sĩ lần thứ 11 do Giáo đoàn V đăng cai tổ chức tại đạo tràng Tịnh xá Ngọc Thạnh, thuộc thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Vùng đất này nằm trong khu vực núi Dinh linh thiêng, nơi tập trung nhiều tự viện, am thất của người tu hành đông nhất trong cả nước.

Nằm dưới chân núi, Tịnh xá Ngọc Thạnh có vị trí vô cùng hữu tình và thuận lợi cho sự tu tập. Dựa vào thế núi hùng vĩ, Tịnh xá như có sự bảo hộ và che chở vững vàng của thiên nhiên nên khí hậu dịu mát, nhiệt độ ôn hòa. Nằm cách xa khu dân cư nên Tịnh xá không bị xao động bởi những âm thanh ồn ào từ bên ngoài. Các dãy cốc gỗ lá đơn sơ nép mình dưới những tàng cây xanh mát là nơi ngơi nghỉ tĩnh lặng cho chư Tôn đức và hành giả. Đặc biệt, các khu vườn thiền và lối thiền hành rộng rãi giúp đại chúng an lạc thiền tọa và thong thả từng bước thiền hành. Thỉnh thoảng vài cơn gió thoảng đưa ngân lên nhịp điệu của những chiếc chuông gió trên mái chánh điện như khúc nhạc thiền trỗi lên như nhắc nhở hành giả trở về với chánh niệm.

 Tịnh xá đăng cai và Chư hành giả đang thiền hành

2. Ban Chức sự khóa tu

- Trưởng ban: HT. Giác Toàn.

- Phó ban: HT. Giác Cầu.

- Thiền chủ: HT. Giác Giới.

- Hóa chủ: HT. Giác Hà.

- Giám luật: HT. Giác Thanh.

- Giám thiền: TT. Giác Trí, TT. Minh Chân.

- Điển lễ: TT. Giác Minh.

- Kiểm soát: Trưởng ban: TT. Giác Phùng. Các Ủy viên: TT. Giác Năng, TT. Minh Lộc, ĐĐ. Giác Thuần, ĐĐ. Giác Ngạn, ĐĐ. Giác Hậu, ĐĐ. Giác Nghĩa (đoàn VI).

- Thư ký: TT. Giác Pháp, TT. Giác Nhân, ĐĐ. Giác Hoàng.

- Hộ khóa: TT. Giác Thông, TT. Giác Thanh (đoàn V), ĐĐ. Giác Phương.

3. Hành giả tham dự

Số lượng hành giả khóa tu thứ 11 đông nhất trong các khóa tu, gồm 142 vị, trong đó có 4 vị Hòa thượng, 11 Thượng tọa, 100 Tỳ-kheo và 27 Sa-di.

Số lượng các Giáo đoàn như sau:

- Giáo đoàn I: 18 vị, gồm 17 Tỳ-kheo và 1 Sa-di.

- Giáo đoàn II: 13 vị, gồm 11 Tỳ-kheo và 2 Sa-di.

- Giáo đoàn III: 33 vị, gồm 26 Tỳ-kheo và 7 Sa-di.

- Giáo đoàn IV: 21 vị, gồm 17 Tỳ-kheo và 4 Sa-di.

- Giáo đoàn V: 49 vị, gồm 36 Tỳ-kheo và 13 Sa-di.

- Giáo đoàn VI: 7 vị, gồm 5 Tỳ-kheo và 2 Sa-di.

Chư hành giả tham dự khóa tu

4. Thời khóa tu tập

Một ngày tu tập được bắt đầu vào lúc 3g 30’ chuông báo thức ngân lên như thúc giục chư hành giả chuẩn bị một ngày tu mới. Sau 30 phút vệ sinh cá nhân, đại chúng hội tu nơi chánh điện lễ Phật, Tổ, Thầy và cùng nối gót theo chân Hòa thượng thiền chủ dẫn lối thiền hành lúc 4 giờ. Đến 4g 30’, chư hành giả thiền tọa một tiếng đồng hồ. Từ 5g 30’ đến 6 giờ là thời gian chấp tác, công quả. Đại chúng tập trung vào Tổ đường dùng điểm tâm lúc 6 giờ. Đến 7g 30’ chư hành giả tu tập thiền tọa và nối tiếp thiền hành đến 8g 45’. Sau thời gian nghỉ giải lao, Hòa thượng Thiền chủ thuyết giảng Chơn Lý từ 9g đến 10g. Vào lúc 10g 30’ toàn thể chư Tăng đắp y, ôm bát lãnh cơm và độ ngọ hòa chúng đến 12g. Sau khi thọ trai, đại chúng được chỉ tịnh trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Chuông báo thức ngân lên lúc 13g 30’ và đại chúng câu hội thiền đàm lúc 14 giờ. Đến 15g 15’, đại chúng nghỉ giải lao sau đó tập trung tu tập thiền hành và thiền tọa đến 17 giờ. Từ 18 giờ chư hành giả thiền tọa và thiền hành đến 19g 30’. Cuối cùng vân tập tại Tổ đường để cùng tham dự thời sám hối diễn ra từ 20 giờ đến 21 giờ. Đây cũng là thời điểm kết thúc một ngày tu.

Chư tôn đức nhắc nhở về nội quy và thời khóa tu tập

5. Nội dung giảng thuyết và thiền đàm

Khóa tu này, Hòa thượng Thiền chủ giảng dạy đạo lý cho chư hành giả qua quyển Chơn Lý “Đạo Phật Khất Sĩ” số 58. Đây là quyển nói về bản chất của một người xuất gia giải thoát và nguồn gốc của Hệ phái Khất Sĩ do chính đức Tổ Sư viết lại.

Ngang qua lời của đức Tổ Sư, chúng ta được tăng trưởng niềm tin vào giáo pháp Khất Sĩ. Giáo pháp đó được bắt nguồn tại Việt Nam do một bậc Bồ-tát chứng đạo và nối truyền đúng đường lối của đức Phật ngày xưa. Ngài tự thân chứng ngộ, tự thân hành trì Tứ Y Pháp qua hình ảnh tam y, nhất bát mà thời đại lúc bấy giờ đang bị mai một. Từ bài học sống động này, hôm nay chúng ta noi gương Tổ Sư và chư vị đức Thầy để tu tập và hành trì y bát như chư vị thuở ban sơ. Đây là sư nối truyền và làm tỏ rạng ngọn đèn chơn lý đã được thắp lên và được gìn giữ đời đời.

 Chư tôn đức triển khai lời dạy của Tổ sư đến với hành giả

Để sống được như vậy, Hòa thượng Thiền chủ thường xuyên dạy bảo và nhắc nhở chư hành giả rằng: Hãy luôn sống đời sống có ý thức. Hòa thượng đã đúc kết từ các quyển Chơn Lý và một số bài kinh Nikaya để xây dựng ý thức sống cho đại chúng trong từng oai nghi, trong từng lời nói để không phạm một lỗi nào. Ý thức sống đó là gìn giữ giới pháp, thu thúc lục căn, thiểu dục tri túc, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác và thực tập thiền chỉ thiền quán. Cốt lõi là phải phát triển chánh niệm, tâm định và tuệ giác.

Vào ngày tu thứ sáu, Hòa thượng đạo hiệu Giác Toàn – Trưởng ban tổ chức khóa tu đã đến thăm viếng và thuyết giảng cho đại chúng đề tài: Phương pháp tu tập thiền định qua quyển Chơn Lý số 10: PHÁP CHÁNH GIÁC. Đây là quyển Chơn Lý nói về 37 Phẩm Trợ Đạo và mối quan hệ hỗ tương của chúng trong hành trì, một pháp hành không thể thiếu đối với người xuất gia. Ngang qua đó, Hòa thượng nhấn mạnh rằng: “Chơn Lý là ý pháp từ sự chứng đắc của đức Tổ sư. Giáo lý đó luôn luôn thích hợp trong mọi thời đại và giúp cho thân tâm chúng ta tiếp cận được với Phật pháp. Tổ Sư đã nhìn đời bằng pháp và chỉ dạy lại chúng ta cũng bằng pháp. Chúng ta phải tinh tấn hành trì để khai mở tâm thức tương ưng với tâm thức của Tổ Sư, lúc đó mới thật sự là người kế thừa và phát huy được giáo pháp của Tổ Thầy”. Ngoài ra, Hòa thượng còn triển khai rất rõ lộ trình tu tạp thiền định qua Bốn Niệm Xứ theo quan điểm của Tổ Sư. Đó là thường xuyên niệm tưởng về thân, thường xuyên niệm tưởng về bệnh (tức là niệm thọ), thường xuyên niệm tưởng về ý (tâm), thường xuyên niệm tưởng về pháp. Đây là bốn đề mục giúp hành giả đoạn trừ ý vọng, nhận ra đúng cái ta chủ tể nơi thân, không còn chấp ngã, chấp pháp để giải thoát hoàn toàn. Cuối cùng năm căn, năm lực, bảy phần bồ đề và tám món Thánh đạo cũng được Hòa thượng lược giảng.

Chư tôn đức và hành giả trì bình, thọ nhận thực phẩm và cúng dường ngọ trưa

Hòa thượng Giác Hà – Tri sự trưởng Giáo đoàn V và là Hóa chủ khóa tu cũng có một buổi chia sẻ vô cùng sâu sắc. Ngài trình bày nỗi thao thức của mình về thế hệ kế thừa trong việc học và tu. Ngài mừng cho lớp Tăng trẻ được học hành đến nơi đến chốn, nhưng lại lo vì không biết hàng hậu học này có nơi tu hành, có chỗ hành đạo và có xứng đáng kế thừa pháp bảo của tông môn Khất Sĩ hay không? Sự ưu tư và những kinh nghiệm của Hòa thượng mang đến cho đại chúng sự đồng cảm và tâm đắc rất lớn. Ngài còn dạy dỗ hàng Tăng trẻ rằng: “Các con giống như những loài cây dại được chư Tôn đức mang về uốn nắn làm kiểng. Các con phải chịu những đau đớn khi bị uốn nắn từng cành mới thành loài cây quý. Còn nếu không chịu uốn nắn thì sẽ chỉ là cây củi mà thôi”. Lời dạy của Hòa thượng tuy giản dị nhưng đầy chân tình và sâu sắc ghi dấu đậm nét trong lòng người nghe và sách tấn hàng hậu học quyết tâm dấn thân tu tập và hành trì giáo pháp.

Thượng tọa Thích Giác Pháp chia sẻ nhận thức và kinh nghiệm tu tập từ bài Ý trong Chơn Lý và Quy Sơn cảnh sách văn của Tổ Quy Sơn. Thượng tọa nhận định rằng tất cả các pháp tu Tổ Sư đã chỉ dạy rõ ràng trong bài kệ này. Do chúng ta chưa hiểu thâm ý và chưa ứng dụng trọn vẹn nên đi tìm vọng bên ngoài. Nếu học hỏi kỹ càng, nắm rõ nghĩa lý và thực hành nghiêm mật, chúng ta sẽ đạt được sự an lạc và giải thoát ngay trong giáo pháp của Hệ phái.

Chư hành giả thiền hành và tọa thiền

Thượng tọa Giác Năng đã trình bày nhận thức và cảm xúc của Thượng tọa về Tổ sư, về bộ Chơn Lý và về thế hệ Khất Sĩ kế thừa. Ngài tán thán công hạnh và ý pháp mà Tổ sư để lại. Ngài cũng bày tỏ mối quan ngại về tình hình của Hệ phái ngày nay. Ngài khuyên lớp Tăng trẻ phải nỗ lực tu hành để xứng đáng kế thừa pháp bảo.

Một vài chư Tôn đức và hành giả cũng đã tham gia thảo luận cũng như trình bày các nghi vấn khi tu tập và chia sẻ những kinh nghiệm hành trì của mình. Tất cả đều mang đến cho khóa tu những bài học rất bổ ích.

6. Ban hộ khóa

Trực tiếp lãnh đạo và điều hành là TT. Giác Thông, TT. Giác Thanh và ĐĐ. Giác Phương. Ngoài ra, chư Tăng và Phật tử trong Giáo đoàn V đều tham gia phục vụ trong ban hộ khóa tu. Các khâu như sắp đặt chỗ ở, chỗ hành thiền, học Chơn Lý, thọ trai v.v… đều được chu toàn.

Các Tịnh xá trực thuộc Giáo đoàn V đều phát tâm cúng dường trong các buổi thọ trai. Ngoài ra, các đạo tràng Tịnh xá ở TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Phan Rang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vũng Tàu, Tiền Giang… đều phát tâm cúng dường hộ pháp.

Thành kính tri ân sự phát tâm cúng dường của chư Tôn đức Giáo đoàn I, đoàn II, đoàn III, đoàn IV, đoàn VI và các đạo tràng Tịnh xá: Ngọc Cẩm, Ngọc Đa, Ngọc Cát, Ngọc Bích, Ngọc Đức, Ngọc Hương, Ngọc Đăng thuộc Vũng Tàu; Ngọc Đức, Ngọc Nam (Đà Lạt), Tu viện Pháp Viên, Tịnh xá Trung Tâm (quận 6), Ngọc Lâm, Ngọc Tân, Ngọc Truyền, Ngọc Lợi, Ngọc Xuân, Ngọc Thành, Ngọc Triệu, Ngọc Hòa, Ngọc Tháp; cùng các nhóm Phật tử: Tịnh xá Ngọc Giáng, Phật tử Bến Tre, Phật tử Pháp viện Minh Đăng Quang, Phật tử Ngọc Viên (Vĩnh Long), Phật tử Ngọc Đồng (Gò Công), Phật tử Ngọc Hòa (Sóc Trăng), Phật tử Vũng Tàu, ĐĐ. Minh Hạnh cùng Phật tử ở Mỹ, Phật tử ở Canada và thân phụ ĐĐ. Minh Tính.

Đặc biệt, quý sư cô tại địa phương được sự hướng dẫn của Hòa thượng trụ trì và chư Tăng Tịnh xá Ngọc Thạnh đã phát tâm cúng dường và công quả vô cùng tích cực trong suốt khóa tu này.

Tóm lại, khóa tu truyền thống lần thứ 11 đã diễn ra thành công trên mọi phương diện từ công tác chuẩn bị ngày đầu tiên cho đến buổi cuối cùng. Đây là thành quả của sự lãnh đạo sáng suốt từ chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái, Hòa thượng Viện chủ cũng như chư Tăng đơn vị đăng cai và từ sự phát tâm tu tập của toàn thể chư hành giả. Thành quả này xin nguyện hồng ân Tam bảo, đức Tổ sư và chư vị đức Thầy thùy từ chứng giám để các khóa tu nối tiếp được thành công tốt đẹp.

Thành kính tri ơn chư Tôn Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái, Ban chức sự khóa tu và toàn thể chư hành giả. Cầu nguyện chư Tôn đức pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, đạo quả chóng viên thành.

Chư phật tử dâng lời tác bạch cúng dường trong khóa tu

Xin được tri ơn các cấp chính quyền lãnh đạo địa phương đã tạo mọi kiện cho khóa tu diễn ra thành công. Cuối cùng xin cầu nguyện Tam bảo chứng minh công đức phát tâm của toàn thể chư thiện nam, tín nữ Phật tử cúng dường khóa tu. Kính chúc quý vị vô lượng an lạc, vô lượng kiết tường như ý.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Tác giả bài viết: theo daophatkhatsi.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 12


Hôm nayHôm nay : 1811

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 47807

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8428368