ĐẠO TỪ CỦA HT. GIÁC TẦN – TRI SỰ TRƯỠNG GĐ III TRONG NGÀY LỄ ĐỨC THẦY GIÁC AN VIÊN TỊCH LẦN THỨ 46.
Kính bạch Chư tôn đức
Kính thưa liệt quý vị.
Nói đến Đức Thầy Giác An thì chúng ta cũng được biết về cuộc đời, đạo nghiệp qua tiểu sử vừa rồi mà chúng ta đã được nghe.
Giáo đoàn III có mặt và hưng thịnh như ngày hôm nay tất cả đều từ nền tảng đầu tiên đó là sự hành đạo của đức thầy Giác An. Sau khi tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Đức Thầy vẫn còn tiếp tục sống chung tu học tám năm với giáo hội, sau đó các vị đệ tử lớn của Tổ Sư mỗi người đi mỗi hướng để hành đạo thì Đức Thầy Giác An một mình dẫn bước ra Miền Trung và lần đầu tiên đặt gót chân lên ngọn đồi ở Phan Thiết để rồi thu nhận chúng tăng, Phật tử bổn đạo, thành lập Tịnh xá Ngọc Cát. Trong suốt 27 năm hành đạo ở Miền Trung, Ngài đã thành lập 20 ngôi Tịnh xá, thu nhận rất nhiều Tăng, Ni xuất gia, hàng vạn Tín đồ Phật tử.
Hôm nay, lễ tưởng niệm 1 bậc thầy kính yêu, theo cảm nhận riêng của chúng tôi: Ngoài Đức Tổ sư – Vị khai sáng ra đường lối hệ phái Khất Sĩ, Vị Đức Thầy mà tôi tôn kính nhất là Đức Thầy Giác An, không phải mình nói theo lẽ đời là “Mình bán dưa thì khen dưa mình ngọt”, nhưng quả thật là đúng như vậy.
Nếu chúng ta là những đệ tử của Đức Thầy sống vào thời điểm kể từ lúc Đức thầy đi hành đạo đến ngày viên mãn đạo nghiệp, ai mà có sự tu tập theo đường lối của Thầy thì ai cũng cảm nhận được có sự an lạc, hạnh phúc trong giây phút hiện tại.
Thời điểm đó, nếu ai có dịp vào miền Nam thì biết rằng Tăng, Ni, Phật tử ở đây rất quý mến Đức thầy Giác An, mến về đạo nghiệp, công hạnh của Thầy.
Đức thầy Gíac An xuất gia năm 1949, hai năm sau (1951), Ngài thọ sa di giới. Nhưng năm Canh Dần (1950), lúc ấy Ngài vẫn còn là một vị tập sự, nhưng Ngài đã phát ra 12 lời nguyện[1]. Vị tập sự này đã chứa đựng năng lượng của một bậc thánh nhân.
Trong 12 lời nguyện ấy, khi chúng ta xem qua, lời văn rất bình dân. Quả thật, Đức Thầy là một người bình dân, một người sống giản dị, bình thường, nhưng bình thường có nhiều cái đặc điểm, năng lượng phi thường ở sau này.
Ví dụ như Lục Tổ Huệ Năng bên Thiền tông Trung Quốc, Ngài chỉ là một người nông dân bình thường, nhưng sau này trở thành một vị tổ sư. Đức Thầy cũng vậy.
Với 12 lời nguyện này, đây là nền tảng hạnh nguyện dẫn tiến để Đức Thầy Theo tổ sư Minh Đăng Quang tu tập và sau này đức Tổ vắng bóng, Đức Thầy đã một mình với chí nguyện đó, lý tưởng đó, Thầy đã ra Miền Trung hành đạo. Khi chúng ta nghe 12 lời nguyện của Đức Thầy, làm cho chúng ta thấy rằng “Thầy vì tất cả mọi người, vì tất cả chúng sinh” cho nên Ngài mới xuất gia, hành đạo, thu nhận đệ tử xuất gia và tại gia.
Riêng bản thân của Chúng tôi (HT Giác Tần) được nương tựa tu học với Đức Thầy, mặc dù được nghe những lời gần gũi, giản dị, bình thường, nhưng những lời nói của Thầy có năng lượng, năng lượng chuyển hóa thành hiện thực và học nhiều điều đắt nhân tâm trong cuộc sống tu học.
Được thu nhận và nương tựa tu học với Đức thầy chỉ được 4 năm, sau đó phải xa Thầy để đi hành đạo. trong 4 năm, tuy thời gian ngắn nhưng chúng tôi cảm nhận được cái ân huệ, cái năng lượng là giải thoát, từ bi toát ra từ ngôn ngữ giản dị, từ cái oai nghi phi thường của Đức Thầy.
Chúng ta khi nghiêm trang thì chúng ta đi nghiêm trang, khi nôn nóng thì chúng ta đi nôn nóng, nhưng Đức thầy có oai nghi rất tuyệt vời, Ngài không bao giờ nôn nóng, thiếu chánh niệm, lúc nào cũng bình thản. Có phải chăng, Ngài có một cuộc sống đạo lực nội tâm? Có thể nói là lúc nào Ngài cũng thiền định, lúc nào cũng ở trong nội quán, trong sự quán chiếu tu tập cho nên mới toát ra vẻ oai nghi như vậy.
Xin thưa với đại chúng Tăng, Ni, Phật tử.
Nói đến Đức thầy Giác An, chúng ta thấy cuộc đời của Ngài rất bình dị. Mặc dù hành đạo chỉ 27 năm, nhưng nếu chúng ta đem ra xưng tụng thì cả đời cũng không hết.
Chúng tôi xin được nói về chứng đắc của Đức Thầy. Mặc dù Thầy không biểu hiện sự thần thông, Thầy không bay lên không gian, không lặn xuống đáy biển, không đi vào hang sâu, núi thẳm. Nhưng, những lời nói của Ngài đó là thời gian, kết quả đem lại sự nhiệm mầu.
Trong lúc hành đạo ở Tịnh xá Ngọc Tòng (Khánh Hòa), Đức thầy và chư đệ tử cất lên một số am cốc để cho chư tăng ở, mặc dù những am cốc này là những ngôi nhà gỗ bình thường, đơn sơ. Đức thầy nói “Làm xong mấy ngôi nhà này, tôi sẽ thỉnh 5 Giao đoàn về đây để khánh thành”.
Thưa quý vị.
Quả thật, Sau lễ Tự Tứ - Vu Lan ở Tịnh xá Ngọc Cát, vào ngày 16 tháng 7 năm Tân Hợi (1971) Thầy đã viên tịch. Bổn nguyện của Đức thầy là thiêu ở Tịnh xá Ngọc Tòng, vì thầy ban danh hiệu ở Tịnh xá Ngọc Tòng là Tổ Đình Nam Trung.
Một số Phật tử Tịnh xá Ngọc Cát không muốn đưa nhục thân Đức thầy về Tịnh xá Ngọc Tòng vì họ cho rằng “Tịnh xá Ngọc Cát là nơi Đức Thầy sáng lập nên ngôi Tịnh xá đầu tiên và nơi đây cũng là ngày Đức Thầy viên tịch”.
Ngày xưa khi đức Phật nhập Niết bàn, các nước cũng đến tranh nhau dành xá lợi của đức Phật. May mắn thay, chúng ta được Pháp sư Giác Nhiên đến giải thích, nên Phật tử mới không cản trở lễ di quan của Đức Thầy về Tịnh xá Ngọc Tòng. Tại đây 9 ngày sau mới làm lễ trà tỳ, có sự tham dự của các vị lãnh đạo của 5 giáo đoàn, có phải chăng đây là một lời huyền ký?
Vào ngày lễ đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng năm 1971, Đức Thầy dẫn chư Tăng, Ni, Phật tử đến trước tôn tượng chân dung của đức Tổ sư và Ngài nói: "Sứ mạng tròn xong, cuộc đời viên mãn, tứ chúng đủ đầy, kính dâng Thầy Tổ" Thầy đã vâng lời tổ sư, đem đạo vào đời, đã thu nhận được một số lượng đông chư Tăng, Ni, Phật tử, Thầy trình lên vởi tổ để chứng minh. Chúng ta hãy suy nghĩ tại sao những năm trước thầy không trình mà năm nay thầy lại trình. Có phải chăng đây là lời trình bạch trước lúc ra đi sau khi hoàn thành bổn nguyện?
Lại nữa, Trước lúc ra đi, đức Thầy đã chọn người kế vị giáo đoàn. Ngày lễ tổ năm đó, Ngài đã mời các vị đệ tử lớn về tham dự vì các vị được Đức Thầy cho phép đi hành đạo riêng để thu nhận đệ tử, tín đồ, thành lập Tịnh xá. . .
Vào cuộc hợp ngày 1/2/ Tân Hợi, Đức Thầy đã chọn Đại Đức Giác Phải làm Trưởng lão, lúc đó Ngài Giác Phải chỉ được 2 năm thọ tỳ kheo, so với các huynh đệ trong giáo đoàn thì đại đức vẫn còn nhỏ tuổi đạo vì Ngài Giác Phất là vị thầy đỡ đầu sa di cho đại đức. . . Bầu cử đại đức Giác Lượng làm tri sự.
Cuối cùng, đêm Tự tứ rằm tháng 7 năm Tân Hợi (1971), Đức Thầy nói rằng “Sau khi Tự tứ năm nay, tôi không đi hành đạo nữa, vì tôi đã chọn được người thay thế cho tôi, tôi thấy sư Giác Phải được, nên tôi giao cho ổng”. Có phải chăng, đây cũng là lời huyền ký sau cùng?
Lúc đó, vì là đệ tử áp út của Đức Thầy, nên trong buổi hợp có sự tham dự của chúng tôi, Ngài Giác Y, Ngài Giác Thuận, Ngài Giác Phương. . .Chúng tôi là những bằng chứng sống và đã thấy rõ sự quyết định của Đức Thầy.
Sau khi bầu chọn, sắp xếp xong, Ngài đã viên tịch trước tứ chúng.
Khi còn sinh tiền, mọi người xem Đức Thầy như vị sơ tổ - Vị sáng lập ra giáo đoàn. Tuy nhiên, Thầy vẫn luôn tôn trọng đến đại chúng. Mặc dù đại chúng là đệ tử của mình nhưng Ngài luôn lắng nghe, lấy ý kiến số đông. Chính vì vậy mà từ đó đến nay, giáo đoàn III phát triển theo tinh thần tập thể lãnh đạo, đúng theo ý muốn của Đức Thầy.
Chúng ta thật là diễm phúc khi được xuất gia làm tỳ kheo Tăng, tỳ kheo Ni, là những Phật tử trong giáo đoàn của Đức Thầy. Ngày nay, GĐ III co hơn 700 vị Tăng, Ni, một số lượng rất lớn. Những đại lễ được tổ chức đông đảo như ngày hôm nay, với sự nhiệt tâm, nhiệt thành của Tăng chúng, Phật tử Tịnh xá Ngọc Phúc và các Tịnh xá lân cận tạo thành một đại lễ Vu Lan, và giờ này lễ Tưởng niệm của Đức Thầy. Đó cũng là từ nơi nền tảng tuyệt vời nhất là Đức Thầy.
Lễ tưởng niệm trong ngày hôm nay, chúng ta ôn lại cuộc đời, đạo nghiệp của Đức Thầy để chúng ta nhớ ơn, biết ơn. Lễ Vu Lan là biết ơn cha mẹ, Lễ tưởng niệm Đức Thầy là lễ đền ơn thầy tổ. Sanh thân ra ta là cha mẹ, tạo ra Pháp thân huệ mạng là Thầy. Ân Thầy là ân Tam Bảo, là một trong tứ trọng ân mà chúng ta đã từng nghe, từng biết.
Lễ Tưởng niệm Đức Thầy hôm nay là biết ơn, nhớ ơn, đền ơn. Đền ơn Đức Thầy là:
“Hỡi chư đệ tử hữu duyên
Nhớ ơn Thầy tổ cần chuyên tu hành”
Vậy thì, chúng ta là Tăng, Ni, chúng ta phải tu hành đúng phạm hạnh của người xuất gia, còn Phật tử tại gia tu hành theo chức năng của quý vị. tất cả là “Tứ chúng đồng tu”. Đây là khẩu hiệu mà chúng ta đã từng luôn luôn nghe và bây giờ, chúng tôi chỉ mong rằng, tất cả hãy luôn luôn tinh tấn, áp dụng đó. Nếu chúng ta tinh tấn thì chúng ta sẽ giải thoát như lời Đức Từ Phụ Thích Ca dạy những lời cuối cùng trước lúc Ngài nhập Niết Bàn.
Thành kính kính chúc Chư tôn thiền đức Tăng, Ni được nhiều sức khỏe, luôn luôn là một sứ giả của Như Lai, đem đạo vào đời.
Chúc quý Phật tử gần xa luôn luôn được có sức khỏe. luôn luôn làm nhiệm vụ của một người Phật tử vừa tu tập theo giáo lý Đức Phật, vừa hộ trì Phật pháp, vừa chuyển tải Phật Pháp từ Tăng, Ni để đem đạo vào đời, hoàn thành sứ mệnh của một người đệ tử của Đức Phật.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
[1]Vào mùng 06 tháng 3 năm Canh Dần (1950), vì Phật pháp, vì chúng sanh mà Ngài đã phát 12 lời nguyện:
1. Tôi phát nguyện cái thân này cúng dường chư Phật.
2. Tôi phát nguyện cái thân này để cứu độ chúng sanh.
3. Tôi phát nguyện cái thân này để làm lợi ích cho chúng sanh.
4. Tôi phát nguyện cái thân này không làm ai khổ hết.
5. Tôi phát nguyện cái thân này không làm ai buồn giận hết.
6. Tôi phát nguyện cái thân này cho chúng sanh tiến đường tu.
7. Tôi phát nguyện cái thân này không bỏ ai hết.
8. Tôi phát nguyện cái thân này không làm ác ai hết.
9. Tôi phát nguyện cái thân này sẽ không thành Phật.
10. Tôi phát nguyện cái thân này chừng nào hết chúng sanh tôi sẽ thành Phật sau.
11. Tôi phát nguyện cái thân này theo Phật đời đời kiếp kiếp để độ chúng sanh.
12. Tôi phát nguyện dùng cái thân này để cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, chúng sanh an lạc, dứt khỏi đao binh.
Tác giả bài viết: (Giác Tự ghi lại)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn