Trang nhất » Tin Tức » HỆ PHÁI KHẤT SĨ

LỢI ÍCH THỰC TẬP THƯỜNG NGÀY 37 CÂU CHÚ NGUYỆN

Thứ tư - 23/05/2012 17:07
(ảnh từ internet)

(ảnh từ internet)

              (tài liệu giảng dạy khoá tu cho chư tăng, ni tập sự  vào ngày 2 đến 11/4 nhuận/ nhâm thìn tại Tịnh xá Ngọc Quang)

Những câu chú nguyện xuất xứ từ Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Tịnh Hạnh thứ 11. Nội dung phẩm kinh đó trình bày sự vấn đáp của Bồ-tát Trí Thủ và Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. Bồ-tát Trí Thủ đã hỏi Bồ-tát Văn-thù là làm cách nào để các Bồ-tát thành tựu được mọi công đức thắng diệu.  Đáp lại câu hỏi của Bồ-tát Trí Thủ, Bồ-tát Văn-thù đã ứng khẩu đọc ra 141 bài thi kệ.

 Trung Quốc (1601-1697) có Ngài luật sư  Độc Thể đã trích dẫn một số trong 141 bài kệ của Bồ-tát Văn-thù, kết hợp thêm những câu mật chú, làm thành một tập. vì muốn lợi ích cho tăng ni tập sự xuất gia duy trì chánh niệm thường ngày qua sự thực tập luật nghi này nên Ngài đặt tên là Tỳ-ni Nhật Dụng Thiết Yếu  và được xếp vào 4 bộ Luật nhỏ của Sa-di.. Luật nghi của Sa-di và sa di Ni được rút ra từ luật nghi của Tỳ-kheo và luật nghi củaTỳ Kheo ni… gồm 10 giới và Môn oai nghi Sa-di. Qua 54 câu chú nguyện của Tỳ-ni Nhật Dụng Thiết Yếu này Tổ sư Minh Đăng Quang đã trích dịch 35 câu cho các Sa-di tập sự học, phân thành 37 thi kệ để thực tập chú nguyện hằng ngày qua các oai nghi, tế hạnh nên gọi chung là Những câu chú nguyện

Từ 37 câu chú nguyện này có năng lực giúp người tập sự xuất gia nuôi dưỡng chánh niệm trong mọi thời mọi lúc để có được năng lương tỉnh giác, tăng trưởng đạo tâm, kiên cố đạo hạnh chóng thành  quả giác.

Câu “Đương nguyện chúng sanh” có nghĩa là “Nên nguyện cho chúng sanh”, nhưng Tổ sư Minh Đăng Quang đã dịch thành “Cầu cho chúng sanh” để cho chủ động hơn. Tổ sư Minh Đăng Quang giảm  phần mật chú.. Do sự thực tập  chú tâm chánh niệm cầu nguyện, sẽ  giúp cho hành giả đem tâm về hợp nhất về với thân trong từng giây phút thắp sáng hiện hữu. Những câu chú nguyện này phải được ứng dụng thực tâp thường nhật xuyên suốt cuộc đời  xuất gia tu học lâu dần thành quán tính thường trực trong mọi oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặt, nói, làm, thức, ngủ, sống, chết, lục căn thanh tịnh thì năng lượng chánh niệm hiện tiền tỉnh giác.

Tổ sư dạy rằng: “Đây là những câu chú nguyện mẫu, hãy nương vào đây  tuỳ theo hoạt dụng của mình trong mỗi thời mỗi lúc mà ứng dụng những câu chú nguyện sao cho thuận hạp theo duyên để có được chánh niệm, tỉnh giác trong mọi thời mọi lúc.

    Con đường tu tập của người Khất Sĩ theo lời dạy của Đức Tổ Sư được trình bày xuyên suốt trong bộ Chơn Lý 69 tiểu luận làm sáng tỏ con đường tu và học “Người Khất Sĩ  có ba pháp tu và học cốt yếu  đó  là: Giới, Định, Huệ”.

  1. THỨC DẬY BUỔI SỚM

Thụy miên thỉ ngộ, đương nguyện chúng sanh, nhất thế trí giác, châu cố thập phương.

 

Như, ngủ vừa tỉnh dậy                       

Cầu cho chúng sanh

Trí Tất Cả tỉnh

Xem khắp mười phương.

 

2. BƯỚC XUỐNG GIƯỜNG NGỦ Tùng triêu dần đán trực chí mộ, nhất thế chúng sanh tự hồi hộ, nhược ư túc hạ táng kỳ hình, nguyện nhữ tức thời sanh tịnh độ.

Như, từ mai đến sớm chiều

Cả chúng sanh khá giữ thân

Chân này lỡ giày đạp

Cầu cho cảnh Phật về gần.

 

  1. MẶC Y I    Nhược trước thượng y, đương nguyện chúng sanh, hoạch thắng thiện căn, chí pháp bỉ ngạn.

 

Như, bằng mặc áo trên

Cầu cho chúng sanh

Đặng căn lành quý

Đến pháp bờ kia.

 

4. MẶC Y II  Trước hạ quần thời, đương nguyện chúng sanh, phục chư thiện căn, cụ túc tàm quí.

Như, khi mặc hạ y

Cầu cho chúng sanh

Mặc những căn lành

Đủ lòng hổ thẹn.

 5. MẶC Y III   Chỉnh y thúc đới, đương nguyện chúng sanh, kiểm thúc thiện căn, bất linh tán thất.


 

Như, sửa áo buộc dây

Cầu cho chúng sanh

Buộc tóm căn lành

Chẳng cho tản mất.


 

 6. ĐI CHẲNG HẠI TRÙNG Nhược cử ư túc, đương nguyện chúng sanh, xuất sanh tử hải, cụ chúng thiện pháp.

Như, nếu bước chân này

Cầu cho chúng sanh

Khỏi biển sanh tử

Đủ các pháp lành.

 

7. NƠI NHÀ ĐI RA Tùng xá xuất thời, đương nguyện chúng sanh, thâm nhập Phật trí, vĩnh xuất tam giới.

Như, từ nhà đi ra

Cầu cho chúng sanh

Suốt vào trí Phật

Hằng ra ba cõi.

 

8. LÊN NHÀ TIÊU Đại tiểu tiện thời, đương nguyện chúng sanh, khí tham sân si, quyên trừ tội pháp

Như, khi đi đại, tiểu

Cầu cho chúng sanh

Bỏ tham, sân, si

Dứt hết các tội.

 

9. RỬA SẠCH Sự ngật tựu thủy, đương nguyện chúng sanh, xuất thế pháp trung, tốc tật nhi vãng

Như, việc rồi đến nước

Cầu cho chúng sanh

Pháp ra khỏi đời

Mau lẹ sang qua.

 

10. RỬA SẠCH CHỖ DƠ Tẩy địch hình uế, đương nguyện chúng sanh, thanh tịnh điều nhu, tất cách vô cấu

Như, rửa hết mình dơ

Cầu cho chúng sanh

Trong sạch dịu hòa

Trọn vẹn không nhơ.

 

11. RỬA TAY Dĩ thủy quán chưởng, đương nguyện chúng sanh, đắc thanh tịnh thủ, thọ trì Phật pháp.

Như, lấy nước rửa tay

Cầu cho chúng sanh

Đặng tay trong sạch

Vâng phép giữ Phật.

 12. RỬA MẶT Dĩ thủy tẩy diện, đương nguyện chúng sanh, đắc tịnh pháp môn, vĩnh vô cấu nhiễm

Như, lấy nước rửa mặt

Cầu cho chúng sanh

Đặng pháp môn sạch

Vĩnh viễn không dơ.

 13. UỐNG NƯỚC Phật quan nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng, nhược bất trì thử chú, như thực chúng sanh nhục

Như, Phật xem một bát nước

Tám muôn bốn ngàn trùng

Nếu không niệm chú này

Như ăn thịt chúng sanh.

 

14. TRẢI NGỌA CỤ Ngọa cụ ni sư đàn, trưởng dưỡng tâm miêu tánh, triển khai đăng thánh địa, phụng trì Như lai mạng

Như, vật nằm ni sư đàn

Nuôi lớn tánh mộng lòng

Mở trải lên chỗ thánh

Vâng giữ Như Lai dạy.

 

15. LÊN ĐẠO TRÀNG  Nhược đắc kiến Phật, đương nguyện chúng sanh, đắc vô ngại nhãn, kiến nhất thế Phật

Như, bằng đặng thấy Phật

Cầu cho chúng sanh

Đặng mắt thông suốt

Thấy tất cả Phật.

 

16. KHEN PHẬTPháp vương vô thượng tôn, tam giới vô luân thất, thiên nhân chi đạo sư, tứ sanh chi từ phụ, ngã kim tạm qui y, năng diệt tam kỳ nghiệp, xưng dương nhược tán thán, ức kiếp mạc năng tận.

 

Như, vua pháp lớn không trên

Ba cõi không sánh ví

Dắt dẫn cõi trời người

Cha lành của bốn loại.

Tôi nay lần trở lại

Dứt hết nghiệp ba kỳ!

Khen ngợi hoặc nêu bày

Ức kiếp không thể hết.

 

17. BƯNG  BÌNH SẠCH Thủ chấp tịnh bình, đương nguyện chúng sanh, nội ngoại vô cấu, tất linh quang khiết

Như, tay cầm bình sạch

Cầu cho chúng sanh

Trong ngoài không dơ

Đều được sáng sạch.

 

18. GIỞ BÁT Như lai ứng lượng khí, ngã kim đắc phu triển, nguyện cọng nhất thế chúng, đẳng tam luân không tịch

Như, bình bát của Như Lai

Tôi nay đặng mở bày

Nguyện dâng tất cả chúng

Đồng ba vòng trống vắng.

 19. THẤY BÁT KHÔNG Nhược kiến không bát, đương nguyện chúng sanh, cứu cánh thanh tịnh, không vô phiền não.

Như, bằng thấy bát không

Cầu cho chúng sanh

Trọn vẹn trong sạch

Trống không phiền não

 20. THẤY BÁT ĐẦY Nhược kiến mãn bát, đương nguyện chúng sanh, cụ túc thành mãn, nhất thế thiện pháp.

Như, bằng thấy bát đầy

Cầu cho chúng sanh

Đựng tròn đầy đủ

Tất cả pháp lành.

 

                             21. CHỊU CỦATài pháp nhị thí, đẳng vô sai biệt, đàn ba la mật, cụ túc viên mãn.

 

Như, thí của và pháp

Đều không khác nhau,

Sự thí rốt ráo

Viên mãn tròn đủ.

 

22. LỄ PHẬTThiên thượng thiên hạ vô như Phật, thập phương thế giới diệc vô tỷ, thế gian sở hữu ngã tận kiến, nhất thế vô hữu như Phật giả.

 

Như, trên trời dưới đất chẳng so tài

Khắp cả mười phương cũng nhượng oai,

Những việc trong đời tôi thấy rõ

Không ai bì đặng đức Như Lai!

 

23. CHƠN NGÔN LẠY KHẮPNăng lễ, sở lễ tánh không tịch,

Cảm ứng đạo-giao nan tư nghì,

Ngã thử đạo tràng như Ðế-châu,

Thập phương chư Phật ảnh hiện trung,

Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,

Ðầu diện tiếp túc quy mạng lễ.

Như, tánh lạy năng sở đều luống vắng

Cảm ứng nhằm đạo khó khen ngợi.

Ta đến đạo tràng như ngọc tốt

Mười phương chư Phật bóng bày trong,

Thân ta bóng bày trước chư Phật

Đầu mặt nối chân tin trở lại.

 

24. RỬA BÁT Dĩ thử tẩy bát thủy, như thiên cam lộ vị, thí dữ chư quỉ thần, tất giai hoạch bảo mãn.

Như, đem nước rửa bát này

Như cam lộ cõi trời

Cúng cho các quỷ thần

Đặng no đủ tất cả.

 

25. SÚC MIỆNG Sấu khẩu liên tâm tịnh, vẫn thủy bách hoa hương, tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương

Như, súc miệng sạch luôn lòng

Ngậm nước thơm trăm bông

Ba nghiệp hằng trong sạch

Cùng Phật qua Tây phương.

 

26. LÓT CHỖ NGỒI THIỀN Nhược phu sàng tọa, đương nguyện chúng sanh, khai phu thiện pháp, kiến chân thật tướng.

Như, bằng lót chỗ ngồi

Cầu cho chúng sanh

Mở bày pháp lành

Thấy tướng chơn thật.

 

 

27. NGỒI THIỀN Chánh thân đoan tọa, đương nguyện chúng sanh, tọa bồ đề tòa, tâm vô sở trước.

Như, vững mình ngồi ngay

Cầu cho chúng sanh

Ngồi tòa Bồ-đề

Lòng không chỗ chấp.

 

28. NGỦ NGHỈ  Dĩ thời tẩm tức, đương nguyện chúng sanh, thân đắc an ẩn, tâm vô loạn động.

Như, đúng giờ ngủ nghỉ

Cầu cho chúng sanh

Thân đặng yên ổn

Lòng không rối loạn.

 29. GÁNH NƯỚC Nhược kiến lưu thủy, đương nguyêển chúng sanh, đắc thiện ý dục, tẩy trừ hoặc cấu.

Như, bằng thấy nước chảy

Cầu cho chúng sanh

Đặng như nguyện lành

Rửa sạch bợn nhơ.

 

30. QUA SÔNG Nhược kiến đại hà, đương nguyện chúng sanh, đắc dự pháp lưu, nhập Phật trí hải.

Như, bằng thấy sông lớn

Cầu cho chúng sanh

Đặng nương dòng Pháp

Vào biển trí Phật.

 

    31. QUA CẦUNhược kiến kiều đạo, đương nguyện chúng sanh, quảng độ nhất thế, do như kiều lương.

 

Như, bằng thấy đường cầu

Cầu cho chúng sanh

Rộng độ tất cả

Cũng như gác cầu.

 

32. KHEN PHẬT Sấu khẩu liên tâm tịnh, vẫn thủy bách hoa hương, tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương

Như, khen Phật tướng tốt

Cầu cho chúng sanh

Nên được thân Phật

Chứng pháp vô tướng.

 

33. ĐI VÒNG THÁP Hữu nhiễu ư tháp, đương nguyện chúng sanh, sở hành vô nghịch, thành nhất thế trí.

Như, quanh mé hữu tháp

Cầu cho chúng sanh

Chỗ đi không nghịch

Nên trí tất cả.

 

34. THĂM BỊNH Kiến tật bịnh nhân, đương nguyện chúng sanh, tri thân không tịch, ly quai tránh pháp.


 

Như, thấy người tật bịnh

Cầu cho chúng sanh

Biết thân luống dối

Khỏi pháp đua tranh.


 

 

35. CẠO TÓC Thế trừ tu phát, đương nguyện chúng sanh, viễn ly phiền não, cứu cánh tịch diệt.

Như, cạo bỏ tóc râu

Cầu cho chúng sanh

Lìa xa phiền não

Rốt ráo vắng lặng.

 

36. TẮM GỘI Tẩy dục thân thể, đương nguyện chúng sanh, thân tâm vô cấu, nội ngoại quang khiết

Như, tắm rửa thân mình

Cầu cho chúng sanh

Thân tâm không dơ

Trong ngoài sáng sạch.

 

37. RỬA CHÂN Nhược tẩy túc thời, đương nguyện chúng sanh, cụ thần túc lực, sở hành vô ngại

Như, bằng rửa nơi chân

Cầu cho chúng sanh

Có đủ sức thần

Chỗ đi không ngại.

Chánh Niệm Tỉnh Giác có bốn phần chánh niệm:

1 niệm thân

Nhớ rõ chắc 32 tướng trong thân thể là vô thường, khổ não, vô ngã

32 thể tướng gòm có: tóc, lông, răng, móng, da, thịt, thần kinh, xương, tuỷ, tinh ba, tim, gan, màng bao ruột, bao tử, phổi, ruột già, ruột non, vật thực mới, vật thực cũ, tuỷ trong xương, não trong óc, nước mắt, mỡ lỏng, nước miếng, nước mũi, nhớt, nước tiểu, mật đàm, mủ, máu, mỡ đặc, mồ hôi.

2 niệm thọ: các thọ vui hay thọ khổ đều là vô thường, khổ não, vô ngã

3 niệm tâm: những trạng thái tâm thiện hay tâm ác đều là vô thường, khổ não, vô ngã

4 niệm Pháp: ghi nhớ rõ rằng các danh pháp, sắc Pháp tất cả trên thế gian này đều là vô thường, khổ não, vô ngã

 

  Đó là bốn căn bản chánh niệm: Thân, Thọ Tâm, và Pháp. Chánh niệm là sự thuần chú tâm; không kèm theo phán đoán. Đó chính là sự tỉnh giác hiểu biểt rõ ràng rằng mọi hoạt dụng của thân, mọi cảm thọ của xúc, mọi trạng thái của tâm và của Pháp thiện hay bất thiện  để giúp chúng ta chuyển hóa.

Trong kinh Sa Môn Quả, Đức Phật có giảng giải cho Potthapàda nhiều điều để tu tập, trước khi chỉ dạy cho ông về phương pháp hành thiền.Đức Phật thuyết về chủ đề chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng (tỉnh giác). Đây là phương cách mà Ngài đã khai triển trong rất nhiều bản kinh: đầu tiên là gìn giữ giới luật, kế đến là kiềm chế các căn mới có thể chánh niệm và hiểu biết rõ ràng (tỉnh giác). Hai điểm sau cùng đi đôi với nhau, thường được nhắc đến cùng lúc. Sati là chánh niệm và Sampajanna là sự hiểu biết rõ rang (tỉnh giác).

 Và như thế nào... là một vị Tỷ kheo đã thành tựu về chánh niệm tỉnh giác ? Ở đây một vị Tỷ kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y, bình bát đều tỉnh giác; khi ăn uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, đứng lặng đều tỉnh giác. Như thế đó, một vị Tỷ kheo đã thành tựu chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm có bốn lãnh vực: thân, thọ, tâm, và pháp.

 Chánh niệm về thân được Đức Phật nói đến đầu tiên. Thực hành chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày là rất cần thiết, không chỉ trong lúc hành thiền. Nếu không có chánh niệm ngoài giờ hành thiền, thì cũng không thể có chánh niệm trong lúc hành thiền, vì chúng đi đôi với nhau. Vì thế chúng ta thực hành căn bản chánh niệm đầu tiên này bằng cách quán sát thân. Chúng ta ý thức về những gì mình đang làm, dầu đó là đi, đứng, ngồi, nằm, ươn vai, cúi đầu... hay bất cứ điều gì. Một trong những ích lợi của việc chánh niệm về thân là trong khi thực hành, chúng ta cũng giữ tâm được yên tịnh, không cho phép nó lăng xăng.

 Lợi ích thứ hai là chánh niệm thanh tịnh hóa tâm. Nếu thực sự quán sát những gì mình đang làm, chúng ta không thể ngay trong giây phút đó bực bội, sân hận hay tham đắm. Đức Phật đã nhiều lần khuyên chúng ta nên sử dụng thân như là một đối tượng của chánh niệm. Trước hết, ta có thể dễ dàng cảm nhận, tiếp xúc được với thân mà không cần phải tìm kiểm sự có mặt của nó. Nếu thực hành được như thế, ta sẽ nhận thức được trong một thời gian ngắn sự có mặt của thanh tịnh, cũng như sự vắng mặt của bao tâm lý não phiền. Vì làm sao chúng ta có thể ở trong trạng thái bực bội, ham muốn hay ghét bỏ khi chúng ta quán sát những gì đang thực sự xảy ra? Lợi ích thứ ba là chánh niệm về thân giúp chúng ta có mặt ngay trong giây phút hiện tại, và dần dần ta nhận ra rằng không có giây phút nào khác hơn. Có mặt trong giây phút hiện tại thực sự là có mặt trong sự vĩnh cửu. Thông thường chúng ta thiết lập ranh giới trong từng giai đoạn: quá khứ, hiện tại và tương lai. Ta nhìn chúng như là ba giai đoạn, nhưng thực sự chúng ta chỉ có thể ở trong một, là hiện tại. Hai thời điểm kia là do tâm tạo; chúng là những ảo tưởng tạo ra bởi ký ức hay tưởng tượng. Phần lớn chúng ta sống trong quá khứ, hoặc hướng về tương lai, hoặc cả hai, nhưng nếu ta sống như thế thì ta khó mà giữ được chánh niệm cũng như hành thiền. Vì cả hai việc này đều xảy ra ngay trong giây phút hiện tại.

 Căn bản thứ hai của chánh niệm là sự ý thức về các cảm thọ, chúng ta cảm thấy gì. Căn bản thứ tư (chúng ta sẽ nói đến căn bản thứ ba trong chốc lát) là nội dung tư tưởng (pháp). Cả hai (thọ và pháp) đều có mặt trong lúc ta hành thiền và cần phải được duy trì trong đời sống hàng ngày. Thí dụ, khi một cảm thọ mạnh mẽ phát sinh, trước tiên ta phải nhận ra bản chất của nó và sau đó cố gắng thay thế một cảm thọ bất thiện với thiện. Chúng ta không cần phải tin vào tất cả mọi cảm xúc của mình. Nếu truy tìm nguồn gốc phát sinh của một cảm thọ, ta sẽ thấy rằng đó là do sự tiếp xúc của căn (giác quan) với trần cảnh (đối tượng). Một việc đáng để thể nghiệm. Đối với pháp (nội dung tư tưởng của chúng ta) cũng thế. Khi ta nhận thấy một tư tưởng là thiện, ta chỉ nhận biết như thế, rồi khi nó qua đi ta trở về chánh niệm thân. Nếu tư tưởng là bất thiện, ta cần nhanh chóng chuyển đổi nó. Chúng ta càng ít chứa điều bất thiện trong tâm, thì chúng càng ít có cơ hội để phát triển thành thói quen xấu trong tâm. Chúng ta càng ý thức về tâm tham (nói chung là tất cả những gì ta muốn), và tâm sân (nói chung là tất cả những gì ta không muốn), càng không để cho chúng có thời gian trụ lại trong tâm, thì ta càng để buông bỏ chúng.

 Căn bản thứ ba của chánh niệm là tâm thức hay những trạng thái tiềm ẩn. Đây cũng là một đối tượng quán sát quan trọng. Nếu chúng ta có thể nhận biết được tính chất bất thiện trước khi nó phát triển thành tưởng hay thọ, thì việc chuyển hóa nó sẽ dễ dàng hơn. Nhiều người mang những trạng thái tâm tiêu cực nặng nề đến nỗi họ cảm thấy rất khó thay đổi. Nhưng phần đông chúng ta có thể chuyển hóa từ bất thiện sang thiện. Nếu ta nhận ra được tính chất hờn dỗi, ghen tỵ hay sân hận đưa đến những suy nghĩ hay cảm thọ bất thiện, thì ta có thể cố gắng đối phó với chính trạng thái đó, trong nhận thức rằng nó chỉ là một trạng thái, không có gì quan trọng hơn. Đúng vậy không có gì mà chúng ta sở hữu, tư duy, hay thực hiện có một sự quan trọng căn bản hay sâu sắc nào. Đơn giản là chúng chỉ xảy ra. Chúng ta không cần phải duy trì một cảm thọ, một tâm hay một pháp nào, nếu chúng đe dọa hạnh phúc của bản thân. Bản thân chúng ta càng có được nhiều hạnh phúc, thì ta càng có thể ban tặng cho người khác nhiều hơn. Chúng ta không thể cho những gì mình không có.

 Đó là bốn căn bản chánh niệm: thân thọ tâm và pháp. Chánh niệm là sự thuần chú tâm; không kèm theo phán đoán. Đó chính là sự tỉnh giác hiểu biểt rõ ràng rằng các cảm xúc, tình cảm, tâm hay pháp là thiện hay bất thiện, để giúp chúng ta chuyển hóa. Mỗi người chúng ta đều có khả năng hiểu biểt rõ ràng; ta có đủ trí tuệ để làm điều đó. Dĩ nhiên, chúng ta cũng có tất cả những yếu điểm của một con người phàm phu, những yếu tố luôn mang đến sự bất hạnh, lo âu sân hận, phiền não, nhưng chúng ta không cần phải bám giữ chúng. Với tâm tỉnh giác, ta có thể nhận ra điều này và bắt đầu hoán chuyển những điều bất thiện thành thiện. Chúng ta thực hành điều này khi hành thiền, rèn luyện để các suy nghĩ lăng xăng qua đi và đem sự chú tâm trở lại với đề mục thiền quán, và chúng ta cũng thực hành như thế trong đời sống hàng ngày.  

Tác giả bài viết: Thượng toạ Thích Giác Trí (biên soạn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 21


Hôm nayHôm nay : 1627

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 88145

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8538922