Sự góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam của giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam quá khứ và hiện tại
SỰ GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO VIỆT NAM
CỦA GIÁO HỘI TĂNG GIÀ KHẤT SĨ VIỆT NAM
QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn
Phó Chủ tịch Thường trực
kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN
I. Vài nét về lịch sử tổng quát
Đạo Phật truyền vào Việt Nam từ đầu thế kỷ, nhưng đến thế kỷ 17 mới truyền đến vùng đất Nam bộ, mặc dù từ năm 1611 đã có lưu dân từ Thuận Quảng vào định cư sinh sống. Nhất là năm 1694, Tổ sư Nguyên Thiều từ Thuận Hóa vào hoằng hóa phương Nam, trú tại chùa Đại Giác, Đồng Nai; Năm 1744, Hòa thượng Linh Nhạc Phật Ý sáng lập chùa Từ Ân, Gia định; Năm 1772, Hòa thượng Viên Quang về trú trì hành đạo tại chùa Giác Lâm, Tân Bình, Gia Định.
Năm 1744, Thiền sư Long Thiền người Quảng Ngãi, đến xây dựng chùa Hội Tôn, Bến Tre. Năm 1725, Hòa thượng Hoàng Long người Bình Định đến hoằng đạo tại Hà Tiên, xây dựng chùa Bạch Tháp. Năm 1900, Hòa thượng Bửu Quang, Hòa thượng Diệu Pháp từ Bình Định vào hành đạo tại chùa Phước Minh, Trà Vinh v.v… Đạo Phật cứ như thế phát triển. Đến năm 1920, thành lập Hội Lục Hòa Liên Hiệp, do Tổ Khánh Hòa khởi xướng, mở đầu phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam.
Năm 1931, chính quyền Pháp cho phép thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn - Sài gòn, do Tổ Khánh Hòa làm Hội trưởng. Năm 1934, thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật Học Trà Vinh do Hòa thượng An Lạc chùa Vĩnh Tràng, Mỹ Tho làm Hội trưởng.
Trong bối cảnh Phật giáo Nam bộ sinh hoạt như thế thì ra đời một tổ chức Phật giáo người Việt, gọi là Phật giáo Nguyên thủy do người Việt xuất gia, tu học tại Nam Vang, rồi về hoằng đạo tại miền Nam Việt Nam. Khoảng năm 1930, cụ Nguyễn Văn Hiểu - Công chức công chánh làm việc ở sở Hỏa Xa, Sài gòn, nghiên cứu quyển "Tuệ Giác của Đức Phật” của tác giả Georgos Grimm người Đức. Một hôm cụ Lê Văn Giảng, làm Bác sĩ Thú y ở Nam Vang về nghỉ tại nhà cụ Hiểu, hai người cùng trao đổi qua các tài liệu giáo lý Nam tông và quyết chí: Một người đi tu lo hoằng dương Phật pháp, một người làm Cư sĩ hộ đạo. Kết quả là hai cụ phát tâm xây dựng chùa Sùng Phúc tại Nam Vang. Đây là Tổ đình đầu tiên của Phật giáo Nam tông Người Việt trên xứ sở chùa Tháp, trước khi có Tổ đình Bửu Quang, Gò Dưa, Sài gòn, Việt Nam xây dựng năm 1938 trên phần đất của ông Bùi Ngươn Hứa hiến cúng và chùa Kỳ Viên năm 1945. Khi nhân duyên hội đủ, năm 1935 cụ Lê Văn Giảng đã phát tâm xuất gia tại chùa Sùng Phúc với Ngài Phó Vua Sãi chùa Unalom, Phnom Penh là Hòa thượng Chua Nat tại Nam Vang, được Hòa thượng Bổn sư tế độ ban Pháp hiệu Hộ Tông. Năm 1950, Giáo hội xây dựng chùa Kỳ Viên, Bàn Cờ, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh, làm trụ sở cho Hội. Năm 1957, chính quyền Sài Gòn chính thức cho phép thành lập Giáo hội Phật giáo Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, với một Ban Chưởng quản, do Hòa thượng Bửu Chơn làm Tăng thống, Hòa thượng Hộ Tông làm Phó Tăng thống v.v… Và cứ thế phát triển đến các tỉnh miền Trung và miền Đông, Tây Nam phần.
II. Vài nét về lịch sử hình thành Giáo phái Khất sĩ Việt Nam
Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, sinh ngày 26 tháng 9 năm Quý Hợi (1923) tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Tỵ, kế mẫu là bà Hà Thị Song. Năm 1929, gia đình di cư lên thị xã Vĩnh Long sinh sống tại Cầu Kinh Cụt, phường 1. Ngài theo học trường Tống Phước Hiệp, nay là trường Lưu Văn Liệt. Năm 1938, Ngài thôi học, quyết chí xuất gia tầm đạo, lên Nam Vang sinh sống, nghiên cứu giáo lý Nam tông (Pali) suốt 03 năm.
Như trên đã đề cập, chắc chắn trong thời gian Tổ sư lưu lại Nam Vang nghiên cứu giáo lý Nam tông, nhất thiết là phải ở tại chùa Sùng Phúc, do Hòa thượng Hộ Tông cùng cụ Nguyễn Văn Hiểu sáng lập, không thể nghiên cứu tại chùa Unalom của Phó Vua Sãi Chu Nat, vì nơi đây không có kinh điển chữ Việt, chữ Pháp mà chỉ là chữ Khmer, Pali và Sanskrit.
Khi trở về Việt Nam, nếu Tổ sư tiếp tục nghiên cứu giáo lý Nam tông thì phải tại chùa Bửu Quang, Gò Dưa, Thủ Đức, chùa được sáng lập năm 1938 cũng do Hòa thượng Hộ Tông, Hòa thượng Thiện Luật, cụ Nguyễn Văn Hiểu, ông Bùi Ngươn Hứa sáng lập và tại chùa Kỳ Viên, quận 3, Sài gòn năm 1945.
Năm 1946, Ngài xuất gia tu học tại chùa Linh Bửu, Mỹ Tho do Hòa thượng Thủ tọa Đoàn Ngọc Đệ trụ trì. Hòa thượng viên tịch năm 1947. Như thế, Tổ sư Minh Đăng Quang có thể trong giai đoạn đầu Y chỉ với Hòa thượng Trụ trì chùa Linh Bửu Đoàn Ngọc Đệ. Và tại chùa Linh Bửu, tất nhiên phải có đầy đủ Kinh Luật Luận bằng chữ Việt, chữ Hán, vì vào thời điểm này Phật giáo Nam kỳ đã phổ cập, dù có suy thoái, nhưng kinh điển vẫn còn lưu lại các chùa, nhất là tại chùa Linh Bửu. Do đó, vấn đề thọ giới đương nhiên phải y cứ giới bản Tỳ kheo mà thọ trì, tu học, không thể không có cơ sở mà có được. Do đó, phương thức thọ giới theo Phật giáo Bắc truyền, thì giới Bồ tát là có thể tự phát nguyện lãnh thọ (Kinh Anh Lạc). Nhưng giới bản Tỳ kheo là phải có Thầy Tế độ truyền thọ, không có quy định tự thọ giới. Lý giải vấn đề này, theo Luật Bắc truyền, có hai trường hợp: Thứ nhất, là truyền giới phương trượng, Thầy trò truyền cho nhau (02 người) vẫn đắc giới; thứ hai là những vùng ít Tăng, thì chỉ cần Tam sư (03Thầy) là Hòa thượng Yết Ma, Giáo thọ, và 01 vị Tôn chứng. và phần lớn chỉ truyền 4 giới trọng, còn lại 13 pháp hữu dư, 02 pháp bất định, 30 pháp xả đọa, 90 tội đọa, 4 pháp hướng bỉ hối, 100 pháp chúng học, 07 pháp dứt sự tranh cải thì Thầy Tế độ nói các vị phải tự tìm Thầy hướng dẫn, dạy dỗ, hoặc tự nghiên cứu tiếp, vì không có thời gian truyền hết 250 giới như giới bản đã đề cập. Do đó, có thể hiểu tự phát nguyện thọ giới là Thầy Tế độ chỉ truyền 04 giới đầu mà thôi, còn lại tự nghiên cứu, tìm hiểu, tu học, hành trì theo giới pháp Tỳ kheo. Còn trường hợp ngộ đạo, căn cứ giáo lý Bắc truyền, nhất là Luận Du Già Sư Địa quyển 34 do Bồ tát Di Lặc thuyết giảng, Bồ tát Vô Trước tập hợp thành Luận vào thế kỷ thứ V, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang dịch sang Hán văn vào thế kỷ thứ VII, thì hàng Bích Chi Phật (Độc Giác) có ba hạng là Đại Bích Chi Phật, Duyên Giác Bích Chi Phật, Tiểu Bích Chi Phật. Trong đó, vị thứ hai, ghi: Nhân duyên giác (Bích Chi Phật), do quả báo, phúc đức hạnh nguyện đời trước, nên đời nay không cần phải nghe theo người khác nói pháp, mà tự mình có khả năng phát sinh trí tuệ, nhờ nhân duyên nhỏ như thấy hoa rơi, lá rụng, hiện tượng vô thường … mà ngộ đạo. Nếu nói theo Tứ quả Thinh Văn, là Bất Hoàn (A Na Hàm), muốn đi đến chứng quả A La Hán thì không nương tựa vào Phật, mà tự tu, tự ngộ và chứng quả A La hán”.
Sau khi chứng ngộ, Tổ bắt đầu truyền đạo, với danh xưng "Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, Nối truyền Thích Ca Chánh pháp” khắp các vùng Đông, Tây Nam phần. Phật giáo Nam bộ tiếp nhận thêm một tổ chức Phật giáo mới do người Việt tu hành chứng quả, thành lập là Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập.
Năm 1954, sau khi Tổ ngộ nạn, Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam được tiếp tục duy trì, phát triển do đệ tử Tổ kế nghiệp, gồm có nhiều giáo đoàn: Giáo đoàn 1, do Nhị Tổ Giác Chánh, Trưởng lão Giác Như lãnh đạo; Giáo đoàn 2, do Trưởng lão Giác Tánh, Trưởng lão Giác Tịnh lãnh đạo; Giáo đoàn 3 do Trưởng lão Giác An lãnh đạo; Giáo đoàn 4, do Hòa thượng Giác Nhiên lãnh đạo; Giáo đoàn 5 do Trưởng lão Giác Lý lãnh đạo; Giáo đoàn 6 do TT. Giác Huệ, TT. Giác Đức lãnh đạo. Về Ni giới, do Tổ hóa độ có: NT. Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên v.v… hình thành Giáo đoàn Ni và cùng các Giáo đoàn Tăng hành đạo khắp miền Trung, Nam phần.
III. Sự hòa hợp và đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam:
Khi Cách mạng ngày 01/11/1963 thành công, Phật giáo thoát cơn pháp nạn. Ngày 04/01/1964 Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam, được tổ chức tại chùa Xá Lợi – Sài gòn. Nhận lời mời của Hòa thượng Thích Tâm Châu, Chủ tịch Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, Trưởng ban Tổ chức Đại hội, phái đoàn Phật giáo Khất sĩ Việt Nam tham dự Đại hội với tư cách quan sát viên. Tăng đoàn có: TT. Giác Nhiên, TT. Giác Luận, TT. Giác Đạo, TT. Giác Đăng, TT. Giác Tâm. TT. Giác Lý, TT. Giác Nguyên, TT. Giác Hậu, TT. Giác Định, TT. Giác Thọ, TT. Giác Đức; Ni đoàn có: NS. Huỳnh Liên, NS. Thanh Liên, NS. Diệu Liên, NS. Minh Liên. Sự hiện diện của phái đoàn Giáo phái Khất sĩ Việt Nam là chia sẻ đồng tình với sự thống nhất Phật giáo Việt Nam, tuy nhiên vẫn giữ vị trí là một tổ chức Giáo phái độc lập. Nhưng nhờ chất xúc tác của phong trào thống nhất Phật giáo, hình thành các tổ chức Phật giáo có qui cũ, nên năm 1966, các Ngài Thích Giác Tường, Thích Giác Nhu, Thích Giác Nhiên đứng đơn xin thành lập Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, được Bộ Nội vụ Chính phủ Việt Nam Cộng hòa cho phép tại NĐ 405/BNV/KS, Sài gòn ngày 20/4/1966 do Thẩm phán Trần Minh Triết (GS Nguyễn Văn Tương) ký. Trong Nghị định có đoạn: "Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, trụ sở đặt tại Tịnh xá Trung Tâm, số 98 đường Nguyễn Trung Trực, Gia Định được phép thành lập và hoạt động đúng theo bản điều lệ Hội được duyệt y đính kèm theo Nghị định nầy và trong quy chế Hiệp Hội”.
Năm 1972 khi chiến tranh leo thang, ước vọng hòa bình cao độ của nhân dân miền Nam, trong đó có Phật giáo Việt Nam. Thực hiện Thông điệp của Đức Tăng thống GHPGVNTN - Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, nhân mùa Phật đản, Liên Tôn giáo phái tổ chức Đại lễ Phật đản qui mô lần thứ hai sau năm 1964 tại Công trường Ngã bảy Vườn Lài, có sự tham gia của các Giáo phái Phật giáo Nam tông, Bắc tông, Khất sĩ, góp phần cầu nguyện cho đất nước hòa bình độc lập, dân chủ, tự do.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc, năm 1976, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Tp. Hồ Chí Minh ra đời, do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ tịch, Hệ phái Khất sĩ đã sớm hòa mình cùng tổ chức Phật giáo trong giai đoạn mới, do TT. Giác Toàn, NS. Huỳnh Liên làm Ủy viên Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Tp. Hồ Chí Minh cho đến khi thống nhất Phật giáo cả nước.
Năm 1980, trước tình hình chính trị xã hội đã quy về một mối duy nhất, do đó các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo cũng phải thống nhất, nên Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập do Hòa thượng Thích Trí Thủ - Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN làm Trưởng ban Vận động; TT. Giác Toàn, NS. Huỳnh Liên làm ủy viên Thường trực Ban Vận động.
Tại Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam ngày 07/11/1981, TT. Giác Toàn thay mặt đoàn Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trình bày tham luận tại Đại hội, có đoạn: "… Hôm nay, Phật giáo cả nước hòa mình theo hướng đi lên của dân tộc, thực hiện thống nhất để tạo nên một ý chí, một sức mạnh, một tinh thần tiếp nối tiền nhân, đóng góp phần mình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng thực sự được no cơm ấm áo, hạnh phúc tự do, vinh quang và giàu mạnh. Sự hội nhập nầy, sự đoàn kết nầy là niềm vui chung của Phật giáo Việt Nam trong đó có Giáo phái Khất sĩ chúng tôi. Vì đây là lần đầu tiên Giáo phái chúng tôi được chính thức có mặt tham dự Hội nghị thống nhất Phật giáo cả nước v.v… ”
Trãi qua gần 07 nhiệm kỳ, đại diện cho thành viên sáng lập GHPGVN, chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni tham gia các cấp Giáo hội:
+ Hội đồng Chứng minh: HT. Giác Nhu, HT. Giác Nhường – Phó Pháp chủ; HT. Giác Trang, HT. Giác Tường, HT. Giác Phúc, HT. Giác Dũng, HT. Giác Ngộ, HT. Giác Lai, HT. Giác Cầu, HT. Giác Tràng – Thành viên Hội đồng Chứng minh.
+ Hội đồng Trị sự: HT. Giác Nhu, HT. Giác Toàn – Phó Chủ tịch; HT. Giác Dũng, HT. Giác Phúc, HT. Giác Giới – UV. Thường trực, Phó ban Tăng sự Trung ương; HT. Giác Chí, TT. Giác Nhân, TT. Minh Thành, TT. Giác Pháp, TT. Minh Bửu, TT. Giác Sơn, ĐĐ. Giác Hoàng; Ni giới: NT. Huỳnh Liên, NT. Ngoạt Liên – UV. Thường trực; NT. Tạng Liên, NT. Tràng Liên, NS. Tín Liên, NS. Hòa Liên, NS. Phụng Liên, NS. Tuệ Liên - Ủy viên HĐTS.
Đồng thời, chư Tôn đức Tăng, Ni Hệ phái Khất sĩ còn tham gia các Ban ngành Viện Trung ương Giáo hội, Học viện Phật giáo Việt Nam… Tại các địa phương 34 tỉnh, thành (phía Nam) đều tham gia Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban Trị sự Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các cơ sở khác của Giáo hội tại địa phương.
Trong hệ thống tổ chức cơ sở Giáo hội, cả nước có 1395 vị Tăng, 1.863 vị Ni; Tịnh xá Tăng 264 cơ sở; Tịnh xá Ni 286 cơ sở. Tín đồ Khất sĩ có khoảng 500.000 người.
+ Trụ sở (Tổ đình) của 06 Giáo đoàn Tăng:
- Giáo đoàn 1: Tổ đình Tịnh xá Ngọc Viên, Vĩnh Long.
- Gáo đoàn 2: Tổ đình Tịnh xá Ngọc Đăng, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.
- Giáo đoàn 3: Tổ đình Tịnh xá Ngọc Tòng, Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
- Giáo đoàn 4: Tổ đình Pháp viện Minh Đăng Quang, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh.
- Giáo đoàn 5: Tổ đình Tịnh xá Trung Tâm, Quận 6, Tp. HCM
- Giáo đoàn 6: Tổ đình Tịnh xá Lộc Uyển, Quận 6, Tp. Hồ Chí Minh.
- Trụ sở của Ni giới Hệ phái Khất sĩ: Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh.
+ Công tác Đào tạo:
Hệ phái Khất sĩ Việt Nam đã đóng góp phần lớn cho công tác đào tạo nhân tài cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam như đã hoàn tất học vị Tiến sĩ có khoảng 20 vị; 30 vị có học vị Cao học, trên 100 Tăng Ni có trình độ cử nhân Phật học và hàng trăm Tăng Ni tốt nghiệp Trung cấp, Cao đẳng Phật học, hiện đang phục vụ trong các hoạt động GHPGVN các cấp.
+ Công tác Từ thiện xã hội: Thực hiện nhiều chương trình từ thiện trong thời gian qua ước tính hàng trăm tỷ đồng.
IV. Khẳng định vị thế trong lòng GHPGVN:
Theo Hiến chương GHPGVN quy định: "Các truyền thống Hệ phái Phật giáo, Pháp môn tu học biệt truyền đúng Chính pháp thì được tôn trọng, duy trì”. Do đó, với tư cách là một thành viên sáng lập, ngoài trách nhiệm thực hiện và phát triển ngôi nhà chung GHPGVN theo như Hiến chương và chương trình hoạt động của Giáo hội, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động: "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội” trong thời kỳ hội nhập và phát triển toàn cầu.
Hệ phái Phật giáo Khất sĩ còn nỗ lực duy trì truyền thống sinh hoạt Hệ phái theo giáo lý biệt truyền do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng, thuyết minh và truyền thụ, làm cho Tông phong Pháp phái, Tổ ấn vàng son, mãi mãi quang vinh và góp phần phát triển nền Đạo giáo Việt Nam vốn đã phong phú càng thêm phong phú và khởi sắc, để từ đó vườn hoa Đạo pháp mãi mãi xinh tươi đẹp đẽ cùng non sông gấm vóc, xã hội phồn vinh, văn minh tiến bộ. Như Cổ đức nói: "Hoa đời, Hoa đạo đua nhau nở. Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương. Gương xưa biết mấy nhiêu đàng. Bấy giờ xem lại rõ ràng là đây”.
Bằng tinh thần đoàn kết, hòa hợp, Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, thành viên trong lòng GHPGVN sẽ tăng cường đạo lực, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội, phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc, đồng hành cùng dân tộc ở thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo trong hiện tại và tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1.Kỷ yếu Đại hội GHPGVNTN (1964)
2.Kỷ yếu Đại hội GHPGVN (1981)
3.Kỷ yếu Hội thảo 30 năm thành lập GHPGVN (1981 - 2011)
4.Ánh Minh Quang (2007)
5.Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam khảo cứu – Hàn Ôn (1956)
6.Tìm hiểu Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam Nam bộ thế kỷ 20 (Thích HạnhThành, năm 2006)
7.Sự hình thành và phát triển Giáo phái Khất sĩ Việt Nam (Thích Giác Trí, 2001)
8.Địa chí Văn hóa Tín ngưỡng Tp. Hồ Chí Minh tập 3 (TS. Trần Hồng Liên)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn