Chơn Lý số 58: Đạo Phật Khất Sĩ
Đạo Phật không phải là học Phật hay Phật pháp. Vì Phật pháp là giáo lý giác ngộ phương tiện tùy duyên của Phật dạy cho mỗi chúng sanh khác nhau. Còn học Phật là kẻ đang học giáo lý của Phật mà chưa thực hành. Trái lại, đạo Phật là sự thật hành để thành Phật, là sự tu giống y theo Phật. Con đường ấy là Khất sĩ, là Tăng, là đệ tử Phật sau này, là giới luật y bát chơn truyền vậy.
Phật là ông thầy biết sáng chỉ chăm dạy học cho tất cả ai ai kẻ khổ sở lầm mê, mà không cần phân biệt kẻ đó là con của ai, có cha mẹ hữu thần hay không cha mẹ vô thần chi cả. Ngài cũng không bảo ai làm hoặc không làm, hữu vi hoặc vô vi, vì chúng sanh sự sống chết là đổi thay bộ áo ghế ngồi. Như vậy thì cũng như không có sống chết, mà là chỉ có cái khổ của biết lạc lầm mê muội mỗi lúc mãi mãi; là cái khổ mà sống cũng khổ, chết cũng khổ, khổ là đáng sợ hơn hết, đáng sợ hơn cả cái chết, bởi cái chết là không ai tránh khỏi kia được. Mà chúng sanh khổ là bởi chưa biết, biết lạc lầm mê muội dốt nát, như thiếu mắt, như đi đêm, không có mục đích, không biết căn nguyên cội nguồn lẽ thật. Kìa như con người ở đời, kẻ dốt là phải làm việc nhọc công vô ích sức lực không đâu, chớ kẻ trí thức học nhiều tính ra là đâu có chi khổ bận. Và họ là bao giờ cũng giải thoát, đứng ra ngoài sự vật, ngoái lại nhìn xem, chớ không ưa chịu sự trói mình nô lệ vô lý mãi như trăm họ để phải chịu nghèo giàu, các Ngài chẳng màng ngó đến sự giàu nghèo vinh nhục.
Thế thì đời của những bậc giác ngộ là Khất sĩ, là khách, là tăng, là tu học, sống để học tu, sống để mà biết, sống tạm để cho được cái biết ngày mai, chớ không có chi hiện tại; thì hữu thần vô thần, hay hữu vi vô vi, hoặc nghèo giàu, sống chết đối với họ là vô lý. Vì trước khi sanh và sau khi chết hay thật ra trong mỗi lúc, chúng sanh đang là cái biết ở trong võ trụ tự nhiên yên lặng, tối đen, không không lẽ thật. Họ sẽ từ trong bánh xe lăn xoay của tứ đại sanh ra, và sẽ vượt lên bay bổng ở không trung sống mãi bằng cái biết không xao vọng, không còn trở lại chun xuống bánh xe, để phải nhào lăn như tứ đại vô tri kia nữa. Các Ngài không còn lầm nhận cái ta, của ta là tứ đại.
Con đường tiến của sống, để đến biết nghỉ yên vĩnh viễn ấy tức là đạo Phật, là Khất sĩ, và tất cả chúng sanh là Đoàn Du Tăng Khất Sĩ.
Đúng lý như vậy, ai ai khá hay giác ngộ tự mình đi lấy, chớ nên ỷ lại và nô lệ. Kìa Phật xưa còn bỏ đền vua, bởi lẽ không ta không của ta, chúng ta ngày nay há sao khổ não bởi vô thường rộn nhọc...
MÔ PHẬT
CHỦNG TỘC SA-MÔN
Xưa kia Phật Thích-ca khi Ngài còn đang là thái tử, Ngài đi dạo xem bốn cửa thành, gặp người già bịnh chết với vị sa-môn Khất sĩ, Ngài cho rằng: Vị sa-môn Khất sĩ ấy hữu lý thật. Con người sống không phải để sống, sống để chết bịnh già hay chịu khổ, nô lệ. Ngài nhận ra mục đích của sống là biết, biết là học, cái sống là xin. Tất cả chúng sanh là đang xin lẫn nhau, tiến ra từ trong cái ác, cái bất công, cái mê muội. Cũng như kẻ kia mới tượng thai bào là cướp máu thịt mẹ, khi sanh ra còn dùng sữa huyết mẹ, lớn lên phá phách báo hại cha anh, về sau đến trường học quấy rầy với bạn lữ. Kẻ đó biết tự lo cho mình, sau lại lo cho gia đình con vợ, đến nữa mới biết lo cho xã hội; về già thì nghĩ đến thế giới nhơn loại, chừng gần chết lại xót thương cho loại thú, cỏ, cây, đất, nước. Từ ác tiến lên thiện, từ bất công sẽ đến công bình, từ mê muội trở nên sáng suốt. Chúng sanh đang sống trong lẽ xin vay, chẳng có cái tự mình. Kìa ta đang xin nơi cỏ, xin nơi cây, xin nơi thú, xin nơi người, xin chẳng đợi ai cho, bất công tội lỗi, nào ta có nghĩ đến cái sống biết của chúng nó cũng đang tiến, cũng như ta. Ta cắp nơi rau cỏ, ta trộm nơi nhánh trái, ta cướp mạng sống thú, cầm; hoặc tự làm, hoặc xúi kẻ khác làm cùng xin nhau chia lợi, sái với bình đẳng lẽ công chơn lý. Thế là cái sống của ta đang vay và tội lỗi. Cái vay tội lỗi ấy để mà tu học, ai ai là cũng đang tu học để đi tới con đường tốt đẹp, thì người Khất sĩ kia chẳng là chánh đẳng chánh giác khá hơn ư! Và người Khất sĩ có còn biết xét đến lẽ công bình đẳng, biết xin trực tiếp, tuy xấu thô nhưng mà trong sạch, tuy cũng tội vay nhưng được an lòng vì có mục đích tu học và bởi tự lòng người hảo tâm bố thí, chớ không tự lấy làm hay ép buộc. Cũng như người học trò khó kia xin nhờ nơi người giúp hộ, người thật tâm cố gắng học tu đi tới, nên chẳng sợ mang thân trùng dế đáp ơn. Cái Khất sĩ tạm ấy tuy cũng còn là tội lỗi ít, nhưng có mục đích có sự đáp đền sau này, cái ấy cũng là tốt đẹp lắm, chớ biết làm sao vì khi đã có phải mang thân; pháp ấy tốt đẹp hơn sự tham muốn ác ngang không đường của bao nhiêu kẻ khác, chỉ lo vay tạo.
Bởi thế nên Ngài giải thoát xuất gia theo đường sa-môn Khất sĩ, chẳng chút ngại ngùng sợ sệt. Ngài lại dạy thiện cho thế gian tập lần theo: kẻ giữ một giới là không giết hại loài người, người giữ năm giới là không giết cả thú to, tám giới không hại cả thú nhỏ, mười giới không giết cả cây to, hai trăm năm chục giới không hại cả cỏ nhỏ.
Cho đến một khi kia, Ngài đã toàn năng toàn giác, Ngài về xứ vua Tịnh-phạn, sáng ra Ngài đi khất thực xin ăn. Vua Tịnh-phạn đến đón chận đường Ngài mà nói rằng: Ngài quên tôi là nhà vua sao? Dòng họ Thích-ca xưa nay là vua chúa, nào có sự xin ăn xấu hổ như thế? Ngài quên là tôi có thể cung cấp Ngài và chư sa-môn đến bao lâu cũng được hay sao? Đức Phật đại sa-môn Khất sĩ trả lời rằng: Bệ hạ bảo tồn danh giá địa vị của dòng họ Thích-ca là cũng giống như tôi, tôi bảo tồn danh giá địa vị của dòng họ Phật, là dòng họ sa-môn Khất sĩ của tôi, vì tôi đã là con của chủng tộc sa-môn họ hàng Khất sĩ nhà Phật rồi, thế nên tôi phải đi khất thực xin ăn theo bổn phận.
Lại như trước khi Ngài nhập diệt, lời di chúc của Ngài trong kinh Di Giáo, Ngài dạy các đệ tử về sau phải giữ gìn giới luật sa-môn Khất sĩ, lấy giới làm thầy thay như Phật, giới luật ấy là đạo Phật. Đạo Phật mất hay còn là bởi nơi giới luật sa-môn Khất sĩ ấy.
Ngài dạy trong Tăng chúng chớ sanh sống như người thế gian tạo tội, chớ quên mục đích học tu của sống tạm, thà tạm vay tu học mà còn trong sạch đáng quí hơn. Hãy xem gương Ngài trọn đời bát y khất thực theo chơn lý chẳng đổi dời, ấy cũng bởi chúng sanh nghiệp tội, tham sân si ngã mạn, khổ sở, không bao giờ dời đổi. Đạo Phật thì không bao giờ mới hay cũ, chẳng bao giờ đổi thay được. Trong đời chỉ có một đạo Niết-bàn do nhờ pháp Khất sĩ ấy thôi.
Pháp ấy sẽ giúp cho chúng sanh tiến tới mãi, không ta, không của ta; giải thoát được tham sân si, ác khổ ắt sẽ diệt trừ. Nó là con đường cái quan trọng lớn lao chung của tất cả, nó cứu vớt cho biết bao kẻ khổ sở được khỏi sự chết điên, nó là tương lai ngày mai của muôn loại. Kìa như gương của ta, nó giúp cho biết bao người già yếu, khổ sở thất bại, tránh khỏi điên cuồng chết thảm. Họ bị vật chất tình thương hất hủi, họ sẽ đến với ta, họ đến với ta để sống vui, tiến đến nẻo tinh thần tốt đẹp quí báu cao thượng hơn. Thế nên những ai người giác ngộ mới sẽ thấy nhận ra ta. Ta là Khất sĩ, là chơn lý, là đạo, là con đường cao trên của lớp họ, họ mới phải xuất gia trước theo ta, mà không phải là chờ đến khi nạn khổ. Nhưng các người cũng nên biết rằng: Đạo Khất sĩ là rất quý báu và quá cao siêu, đúng với lẽ thật công bình, mà trong thế gian rất khó hiểu, rất khó gặp, rất khó hành theo, vì cũng như lớp ông già thì bao giờ cũng rất ít, lại phải chết đi, còn trẻ nhỏ càng đông lại sanh thêm nhiều mãi, thì đâu phải mỗi ai đều già ngay y như nhau một lượt.
Đối với những chúng sanh ấy, Giáo pháp Khất sĩ sẽ là bàn tay cứu vớt họ ngày mai, để đưa lên, lên đến cõi tột cao. Vậy nên chúng sanh đời sau hãy xem Khất sĩ là đạo của chư Phật ba đời, mà Khất sĩ ấy là đạo, là đường đi; mượn tạm đường đi ấy để đi đến nơi chơn thật, mục đích kết quả của mỗi người; chớ đạo ấy không phải là tên chi. Khất sĩ là đạo của chúng sanh chung, ai ai cũng đang mang danh từ Khất sĩ, họ hàng Khất sĩ, họ Phật, chủng tộc sa-môn, là học xin Khất sĩ hết.
MÔ PHẬT
VIỆT NAM ĐẠO PHẬTKHÔNG CÓ
PHÂN THỪA
Xưa kia sau Phật tịch, Ưu-ba-li Tỳ-kheo Khất sĩ (trước kia là thợ cạo kém học) truyền bá giới luật xuống miền Nam Ấn Độ, đến Tích Lan, Xiêm La, Cao Miên, Lào và đến Việt Nam như ngày nay. Giáo lý ấy rất đúng theo xưa, nhưng quá bảo thủ thành ra cạn hẹp cho người trí huệ, và không dùng cho xứ Việt Nam được, bởi lẽ ăn dùng tam tịnh nhục, vì đạo giáo là do trình độ của chúng sanh dân tộc! Kìa như Ngài Jésus Christ dạy đạo thiện nơi phía Tây, vì dân tộc còn đang ăn thịt sống, chẳng biết luộc rau nấu trái, thế nên Ngài cũng phải tạm ăn dùng tam tịnh nhục là miếng thịt tự chết để sống mà dạy đạo, cho có đạo để lại ngày sau thiên hạ tập lấy theo. Đức Thích-ca và chư Bồ-tát Khất sĩ xưa tu dạy cấm sát sinh phải ăn chay, nhưng khi đến cụm rừng gặp bọn thợ săn cũng phải tạm dùng tam tịnh nhục, chớ biết làm sao, vì không lẽ chịu đói lâu ngày chết mất, bỏ đạo cho chúng sanh. Ấy cũng vì dân tộc Ấn Độ xưa có chỗ còn chưa biết ăn dùng rau trái, lại như dân tộc Xiêm La, Cao Miên, Lào cũng là dân tộc ăn thịt sống, nên giáo lý phải chưa trọn thiện, chớ như xứ Việt Nam do phong hóa Tàu, biết ăn chay rau trái, theo Lão Tử thiện hơn, thì sao lại còn tập ác ăn thịt trở lại mà làm chi. Có phải chăng cái thiện là đừng giết người, thiện hơn là chẳng giết đến thú, thiện hơn nữa là chớ giết cỏ cây, cái thiện phải tiến lên cho hoàn toàn trong sạch, từ bi, công bình với tất cả chúng sanh muôn loại, mới không còn chiến tranh giặc loạn. Vậy thì giáo lý ấy nên được tu sửa thêm, ăn chay theo trình độ dân tộc Việt Nam thiện lành hơn, ắt là đúng hay tốt đẹp lắm.
Trái lại là có người riêng nào lại tự xưng Đại thừa, mà Đại thừa là pháp lý, hay trình độ tâm trí của mỗi người, cùng là kẻ khác biết cho mình, chớ chẳng có tự mình xưng, hay nêu cao bảng hiệu. Kìa như khi xưa, Ngài Ca-diếp đức hạnh cao, trí huệ lớn, nối ngôi tổ vị, truyền đến Đạt-ma tổ sư thứ 28 đều là bậc học hạnh đi đôi, giáo lý đi lên miền bắc Ấn Độ và sang Tây Tạng, đến Tàu. Đến xứ Tàu gặp phải Nho giáo thạnh hành chánh trị. Nho giáo xuất thế ít có, Nho giáo nhập thế đương quyền, ấy là cư sĩ vua quan, vì chưa hiểu biết đạo Phật, vì quyền lợi cá nhân mà cấm ngăn đạo Phật, mượn cớ sợ mất nước Tàu, nên không cho sãi Ấn Độ đến sang, lại cũng chẳng cho dân Tàu đi tu học đạo. Về sau bởi không ngăn cản nổi lòng người, nên kinh sách Phật len lỏi rất nhiều, và đến đời Lương Võ Đế, mới biết trọng kinh sách. Chùa là nhà thờ dịch kinh chứa sách, chỗ mở mang pháp học mà chẳng có thực hành, pháp hành phải bị cấm ngăn, của Ấn Độ trả về Ấn Độ, vì lẽ quan vua Nho giáo chịu nhượng sách kinh pháp học, chớ đối với giới luật y bát khất sĩ không không trong sạch, chẳng lợi danh cao thượng kia, thì các Ngài rất hổ thẹn. Do đó mà những ai muốn tu là phải vào rừng thiền định kêu gọi là thiền lâm, thiền lâm là thiền định trong rừng, chớ không phải tại chùa thờ dịch sách, hay thiền lâm tông giáo. Thế là đạo Phật xưa ở Tàu bị nạn, có học mà chẳng có hành, có thông minh mà không giới luật, có Phật pháp, học Phật mà không đạo Phật.
Vì thế mà rất ít ai đắc định huệ, bởi không có giới luật y bát Khất sĩ như Phật Tăng; nên ở chùa, các vị học Phật ấy như cư sĩ học sanh ở chùa, chớ không đi tu du hành đâu được, và tham sân si chấp ngã khó dứt trừ, chỉ được làm chư thiên trụ trì ủng hộ pháp kinh cho đạo Phật. Các vị ấy phải sống theo nhà Nho vua quan có đủ lễ nhạc quần áo, mão hia, chuông mõ, trống kèn, sớ điệp như triều đình âm thinh, sắc tướng để sanh nhai cho qua ngày tháng, ấy cũng nghề lành, đặng nương theo chùa chiền kinh kệ, tập lần tu học.
Ở nơi đó có vị chỉ biết kệ kinh chớ ít hay xét ra đạo Phật, pháp hành của Phật Tăng xưa là sao cả. Các vị tu thì tu Nho, mà học thì học Phật, lại lầm nhận: Tưởng mình là đạo Phật canh tân mới mẻ, mà quên rằng: Là chúng sanh bao giờ cũng vẫn tham sân si ngã mạn, không mới cũ! Trái với đạo Phật là: thâu nhận tín đồ bổn đạo, xưng hô đệ tử thầy trò, lập ra tông giáo, chùa riêng, bỏ mất danh từ của đạo. Chấp có nhỏ mà quên không là lớn, không lớp trên ít, lại lập lớp dưới thâu nhiều, kẻ không dạy mà lại xưng thầy, người không học mà lại gọi trò, thâu góp cho đông, lấn giành công dân xã hội, tranh đua tông giáo, không còn phải đạo là võ trụ chúng sanh chung nữa. Phật không còn phải là Phật của cả chúng sanh, hay cả chúng sanh không còn phải là của Phật. Chùa là chỗ thờ tôi, chớ không phải là nơi Phật Pháp Tăng đạo tràng an trụ giáo hóa.
Và cũng vì bận rộn mãi những công việc hữu vi Nho giáo bạc tiền chức phận, thâu thập dân đông, bà con bạn lữ, nên xưng gọi là Đại thừa, to lớn xe đầy, có học chưa tu, chỉ cần lo dạy, tuy được thiện chay, nhưng lại nhuốc nhơ vì tham sân si bản ngã. Cũng có ít kẻ lại hợm mình xưng Phật, quên tu vì say học, mà gàn bướng cho giáo pháp y bát Khất sĩ giới luật của Phật xưa là Tiểu thừa, như Phật xưa trọn đời y bát khất thực, cũng là Tiểu thừa nữa, hay như Phật ấy là tự độ, độ tha, chớ chưa hẳn quên sự tu của mình như các vị.
Thật ra chớ chi mà các vị ấy có thì giờ giải thoát, biết xét thấy mình chưa tu, và nạn chiến tranh đang tìm phá chùa chiền, các ngài đừng lo quyên tởi cất chùa thêm, mà phải lo chỉnh đốn giới luật lại trong phút chút của thời kỳ tự do này, ngay như trong xứ này, mà đừng tưởng rằng là còn đang bị Nho giáo áp chế, đạo Phật bị nạn tai như thầy tổ xưa kia nữa, ắt là các Ngài chỉnh đốn y bát, thật hành giới luật, khất thực du hành, ăn chay trọn thiện, chắc là trong sạch giống y Phật Tăng ngày xưa lắm. Và mai kia còn khỏi phải bị ăn năn hối hận, bởi hối tiếc chùa chiền, tông giáo bị cấm ngăn, sa thải vì chiến tranh là do nhờ con đường đi đã roi dấu và lẽ chánh đã phải y đạo hợp đời, nên đạo cứu đời thì đời mới quí trọng quy theo trở nên đời là đạo, đạo đức mới đời đời, là cõi đời.
Đúng lý như thế, xứ Việt Nam ngày nay đã cụng đầu hai pháp ăn thịt lại với chứa tiền, chớ chi mà ai nấy thảy ăn chay và đi xin theo giới luật y bát Khất sĩ không không như Phật Tăng xưa thì quí báu biết bao nhiêu, chắc đạo của xứ Việt Nam này có phần trổi hơn Ấn Độ xưa, bởi do trình độ của dân tộc đã biết thiện lành và trong sạch. Vả lại Tăng mà không tà, không ác thì đạo Phật ắt sẽ hiệp hòa, vì có hòa mới có đạo, hòa là đạo mới là quý báu, mới gọi là có đạo cho kẻ thế gian và họ sùng bái cúng dường, mới không phải là mê tín và tội lỗi, vì đã vô tình ví như nuôi kẻ sát nhơn và trộm cắp.
Có hiểu biết như thế, tức là ai ai cũng đều chỉ biết lo tu mà không có phân thừa chi.
MÔ PHẬT
QUY Y THỌ GIỚI
Vấn: Sao gọi là quy y và thọ giới?
Đáp: Quy y Tam bảo là về theo Phật Pháp Tăng. Ai ai kẻ giác ngộ nhận ra chơn lý lẽ thật đều thảy biết mình là đang quy y Tam bảo, hay đã quy y Tam bảo rồi cả. Vì Phật là ông thầy giáo, Pháp là bài dạy học, Tăng là học trò hiền, đạo đức hay cõi đời, đường đời là trường học. Tất cả chúng sanh nào có ai chẳng phải là kẻ học trò là Tăng, bởi cái biết là đang học, cái trau sửa là tu, thời gian đi tới mãi là đạo. Chúng sanh sanh ra khác nào lìa xa cha mẹ tổ tiên Phật Thánh vào trường đời để mà tu học, xa cha mẹ ông bà là cho được dễ học tu. Nhưng trái lại chúng sanh học trò lãng quên bổn phận, quên lửng học trường, quên mục đích học tu, đành bỏ qua những điều nghe thấy. Hoặc bảo thủ cố chấp một ông thầy, một bài học, giữ cái ghế ngồi, gìn bảng lớp, tiếc vách ngăn, nhớ thương bè bạn, hết nô lệ thì thêm ỷ lại; không chăm học tu đi tới lại tự cao chia rẽ, lớp nọ lớp kia! Ham vui vật chất, mãi lo mặc ăn ở bịnh, tranh nhau, bỏ mặc năm tháng ngày giờ kiếp đời lăn lộn, không còn thông minh trí nhớ để biết mình là ai, đây là đâu. Dầu có phải gặp thầy sáng, bạn hiền, pháp học cũng không sao hiểu nhận. Dẫu rằng đang ở tại trường, nhưng lại chẳng khác nào những trẻ côi hoang, hoang đàng trốn học, xúm nhau trửng giỡn, hết khóc vang thì cười dội, đua nói chen làm, vọc bùn giỡn đất, cất chòi đánh lộn, bày ra đủ việc, rối rít lăng xăng, không rồi nên việc, bận mãi suốt đời.
Bởi thế nên kẻ đã tỉnh ngộ gặp ra thầy giáo học trò pháp học là Phật Pháp Tăng, thì liền biết ngay sự thật, mau mau trở gót quay về, y theo, mà cho là mục đích quí báu, lẽ thật quí báu, Phật Pháp Tăng, thầy giáo học trò pháp học, là Tam bảo. Những kẻ ấy từ đó sẽ sửa chữa hành vi, việc làm, lời nói, ý niệm, trở lại y theo Phật Pháp Tăng, để lần lần trở nên Tăng, là học trò tốt đẹp, đặng học hành theo Pháp, mà thành như ông thầy Phật vậy, đó là sự quy y Tam bảo. Tam bảo ấy vốn của nơi mình, gọi là ai ai cũng đang là Tam bảo, hoặc đang quy y Tam bảo sau khi giác ngộ. Kẻ mà quy y Tam bảo là bởi đã quá lạc lầm mê muội, lãng quên và quen tật, thế nên sự chứng tỏ cho kẻ quy y trở về giác ngộ ấy là phải nghiêm trì giới luật, là phép ngừa răn cản ngăn tội lỗi. Tập giữ lần từ một giới đến năm giới, tám giới, mười giới, và đến 250 giới mới trở lại được như cũ ngày xưa, như trò hiền kia được. Thế nên gọi một giới là một bước chân quay về, hay như một nấc thang trèo lên, như giảm trừ một nết xấu, thói quen, vọng loạn, si mê, sái quấy. Bởi đó nên gọi rằng: giữ giới tức là quy y vậy. Tự mỗi người hãy giác ngộ lấy, tự giữ giới quy y lấy. Bằng ví như vì sự kém trí yếu tâm, hoặc không rõ giới luật bước chân, thì hãy cần nương nhờ kẻ trước dắt đường chỉ bảo, ai ai cũng được. Như người cư sĩ giữ năm giới, nói chỉ giùm cho người giữ một hoặc ba giới được, tám giới dắt trau cho năm giới, mười giới truyền bảo cho tám giới, hoặc mười giới xin nghe chịu nơi bậc 250 giới trên hơn. Kẻ trí thì tự mình thọ giữ giới là quy y. Người mê lại nhờ nương theo kẻ trước người trên hơn một giới, một bước là sẽ truyền dắt cho sau thọ nhận được, ấy là tạm dắt dẫn cùng nhau, sau trước rồi cũng sẽ như nhau, chớ phải đâu bán thân trọn đời nô lệ, hoặc cùng nhau níu chùm ỷ lại.
Bởi đó mà từ xưa sau mỗi khi Phật dạy, biết bao người chợt tỉnh thấy ra mục đích cõi đời, tự phát tâm thiện tín về theo chơn lý quy y, tập nghiêm trì giới luật, để đến là Tăng, hành học theo Pháp, mà trở nên Phật. Phật là thầy chung của tất cả chúng sanh, và tất cả chúng sanh rồi đây, ai ai cũng tự nhận mình thiện tín tự quy y thọ giới, và sẽ là tăng học trò, theo lẽ thật của tiếng Ấn Độ.
Kìa như khi xưa Phật Thích-ca, Ngài xem Ngài như con của chư Phật quá khứ, Ngài là một phần tử của đạo Phật, Ngài là ông thầy giáo tạm của một bước chân trên con đường tiến hóa, vì sau Ngài là còn có những vị khác nữa. Tiếng thầy trò đối với Ngài là bạn lữ chung đường, kẻ trước người sau, tiên sanh hậu sanh là cũng vẫn như nhau, ngày mai sẽ là bình đẳng. Ngài xem Ngài cũng như người giới thiệu giữa chúng sanh và đạo Phật, vì chúng sanh là vị lai và đạo Phật là quá khứ. Bởi đạo Phật là đạo của chư Phật quá khứ, đạo Phật có nơi chúng sanh, có từ vô thỉ, chớ nào phải đạo ấy của ai, hay ra đạo là của tâm mỗi người, ai ai cũng như nhau cả, vì đó mà Ngài lại cũng không chấp xưng thầy, cùng kêu gọi ai là học trò. Ngài không nhận lãnh phận sự thầy đối với lẽ chung tất cả, và cũng không dám nhận ai là học trò xứng đáng được.
Đời thì tôn trọng Ngài, thế mà Ngài vẫn giải thoát và im lặng, chớ không thiên vị. Còn chư Tăng tạm của Ngài, ai ai cũng là Tỳ-kheo Khất sĩ như nhau, bình đẳng học xin, y chơn lý. Các sa-di tập sự là như cư sĩ quên học, nay mới quay về tập lại, mỗi tập sự theo tập với một Khất sĩ học xin, tạm kêu là thầy trò trong hai năm trở lại; cho đến khi tập sự được xét xem đưa cho vào giáo hội thâu nhận của lớp Khất sĩ bình đẳng, thì chừng ấy không còn tên gọi tạm của thầy trò nữa, mà là ai nấy xưng gọi như nhau thôi, vì ai cũng là còn đang tu học thêm. Và sau đó thì vị Khất sĩ trước kia mới được nhận thâu thêm một tập sự khác nữa. Bởi phép dạy là bao giờ cũng chỉ một thầy một trò, thầy là dạy cả sự học đạo và hạnh tu của trò, thầy trò ngày đêm ở gần nhau mãi. Ăn mặc ở bịnh xác thân của trò là cũng do thầy; người ta cúng dường cho thầy, thầy cho lại trò. Trò mang ơn thầy cả bằng thân tâm trí, nên trò không còn tự ý riêng của mình, vì sự phải quấy của trò là thầy chịu trách nhiệm; chẳng giống như thầy giáo thế gian, dạy ăn tiền lương cho có số đông, nó về nhà nó, nên hư trối kệ. Lẽ ấy mà Phật Tăng xưa chỉ xem cư gia là thiện tín chung, chớ không dám nhìn là bổn đạo, đệ tử suốt đời như quyến thuộc nô lệ. Chỉ có những ai tập sự xuất gia mới kêu là nhập đạo, là bởi các Ngài đã tin cậy, gìn giữ và chịu trách nhiệm được, ấy là nhờ ở chung nhau. Các Ngài cho rằng mục đích của tất cả chúng sanh là tu học để cho đắc quả, chớ không phải lập bè kết bạn, mà cần phải tính cho nhiều.
Thế nên khi xưa có kẻ cư sĩ ít duyên gần Tam bảo mà muốn xin nhập đạo, các Ngài lại bảo rằng: Khoan, hãy nên học nghiệm rộng khắp giáo lý xã hội, gia đình, tông giáo, cư gia cho thông trước đã, rồi mới sẽ nên vào; vì khi vào đạo rồi là phải chịu bó buộc sự học tu theo giới luật chương trình cho đến ngày đắc đạo. Cũng giống như học trò lớp dưới, hết bài học rồi mới sẽ lên trên, hay như cư sĩ đứng ngoài là phải nên lựa chọn, chớ vào lớp rồi là không được dòm ngó hai bên do dự nữa, và đợi cho đến khi đã trở nên bậc thầy là Phật Thánh, thì trí học mới sẽ ngó ra ngoài xa kia được.
Bởi thế mà xã hội, gia đình, tông giáo, chúng sanh là như thiện tín chung của các Ngài; các Ngài không có thâu giành tín đồ riêng biệt để làm chi. Và các Ngài cũng không bao giờ bênh vực hoặc nghe riêng hay nhận nhìn một thiện tín quyến thuộc nào. Vì cư gia không phải là thiện tín riêng của đạo Phật, bởi tám giới năm giới là phía bên nào cũng giống như nhau, là lớp nhơn thiên đang tập học, phải theo với tất cả lẽ phải, chớ há riêng gì đạo Phật mà để phân biệt danh từ kia nọ chi, cho thêm điều ác hại. Vậy nên các Ngài đi đâu ở đâu cũng được, và cả chúng sanh ai cũng có thể lần theo được đến các Ngài. Đạo của các Ngài là võ trụ chơn lý, lẽ chung, bình đẳng; cũng vì đó mà các Ngài xem ra cả chúng sanh ai ai cũng như là đã quy y thọ giới giác ngộ như nhau rồi hết, và các Ngài không choán phần của các lớp học khác; các Ngài là một lớp của học trường chung vậy.
Vì thế mà danh từ Hòa thượng, bậc bề trên của sa-di trong vòng hai năm, hay như Yết-ma, thầy lễ giới thiệu cùng Giáo thọ truyền giới cho sa-di là danh từ trong giây lát tạm trong khi truyền giới, xong rồi là bình đẳng như nhau, chớ không phải giai cấp chức quyền, để cho mỗi người kêu gọi, hoặc cấp bằng thi đậu, như người ta lầm tưởng.
Có hiểu như thế mới biết là qui giới của nhà Phật xưa thật là bình đẳng, chánh lý hơn hết. Và tờ giấy quy y phái điệp là không có.
MÔ PHẬT
GIÁO LÝ KHẤT SĨ
Khất sĩ là xin ăn tìm học.
Khất sĩ là học trò khó xin ăn, tìm học pháp lý giải khổ cho mình và tất cả, để tu tập hành theo cho kết quả. Khất sĩ theo với hết thảy, học với hết thảy, mục đích toàn giác toàn năng, không riêng tư phân biệt ai ai. Khất sĩ là chúng sanh chung, không tự nhận mình là nhơn loại hay gia đình, xã hội, thế giới, chủ nghĩa đạo giáo nào, vì lẽ chúng sanh là phải tiến lên mãi, không ở một mực. Khất sĩ xin học với tất cả lẽ phải nên, và xin theo với tất cả sự ích lợi, mãi mãi cho đến trọn đời, chẳng một nơi bỏ sót. Khất sĩ không ta, không của ta, chẳng tự cao chia rẽ, cùng tự xưng mình dạy người hơn ai bằng lời nói, hoặc chỗ ngồi cao, địa vị lớn. Khất sĩ thường lặng thinh và không tranh luận, gọi mình là trò với tất cả. Khi có ai hỏi đến thì chỉ nói chỗ mà mình đang tu hành chút ít thôi. Khất sĩ giữ giới thanh tịnh, tập cấm khẩu và tu thiền định, không làm mích bụng người, gìn thiện cảm với tất cả. Khất sĩ không tự gọi là dạy ai hết, và cũng không trị ai hết, vì tất cả chúng sanh là như nhau có một (Thế Tôn chẳng tự tôn).
Khất sĩ được để lại gương mẫu cho đời về sự không tranh, bình đẳng, hiệp hòa, sống chung, học chung, tu chung với nhau, để gương bằng sự thật hành tu tập, y theo chơn lý sống biết linh trong võ trụ đạo đức. Con đường của Khất sĩ là bố thí pháp học và hành, trao đổi với tài thí ở đời, để được mình đi và dắt kẻ sau cùng đi tới. Giáo lý Khất sĩ ngày nay xa Phật, thiếu học kém tu, nên phép kỉnh Phật thì có mà sự thật là không dám tự nhận xưng mình là riêng đệ tử Phật, cũng chẳng gọi mình là đời hay đạo, chỉ biết là đang tập tu học lần lần, theo về với tất cả đạo và đời bằng sự dứt bỏ tham sân si ác quấy, rán làm các việc thiện lành và nhứt là cần phải rửa lòng trong sạch của ta trước người vậy. Phép tu luôn luôn ở giữa mình và người, hiệp một, ai ai cũng là thầy chung của Khất sĩ. Khất sĩ là thấp kém nhỏ nhoi, xấu xa tội lỗi, nên chỉ rán tự xét, nhớ lấy để răn lòng, và với ai ai, đâu đâu cũng tìm đến nương lời răn dạy (với những bậc trên trước, không tỵ hiềm) đúng với chơn lý trong võ trụ. Chúng sanh là Khất sĩ, là pháp nhẫn nhục trau tâm dưỡng tánh, là pháp thí trí huệ, mục đích của chúng sanh, là sự đi học, tinh tấn, tiến hóa giải thoát, từ thấp bước lên cao, có trước mới có sau, theo gương chư Phật (từ sơ học đến độc học, đại học, để trở nên toàn học, toàn tu hoàn toàn lẽ sống).
MÔ PHẬT
NGUỒN KHẤT SĨ NAM VIỆT
Khất sĩ là nhựt nguyệt tinh quang, là ánh sáng giữa đêm trời tối để chỉ dắt người ra khỏi cảnh rừng nguy.
Minh Đăng Quang Khất sĩ xuất gia 1944 tại Vĩnh Long, đi tu tìm học nơi hai giáo lý Đại thừa, Tiểu thừa của Miên và Việt Nam. Năm 1946 nạn khói lửa chiến tranh danh lợi, đốt phá núi rừng, làm cho người tu không chỗ ở, lại thêm nạn cướp bóc, không cho kẻ sĩ hiền làm việc nuôi thân sống tạm. Minh Đăng Quang rời khỏi xứ Cao Miên trở về Nam Việt thật hành giới luật Tăng đồ tại tỉnh Mỹ Tho cho đến năm 1948. Giáo pháp Khất sĩ đến Sài Gòn năm 1948, ánh sáng của lá y vàng phất phơ thổi mạnh làm bật tung cánh cửa các ngôi chùa tông giáo, kêu gọi Tăng chúng tản cư khắp xứ, kéo nhau quay về kỷ luật. Năm 1950 huỳnh y trở gió bay về hướng nam Hậu Giang, nổi lên lố nhố những núi vàng, pháp tháp. Nhứt là ở tại sông Cửu Long trung giang, bửu tháp vượt cao hơn hết, năm Quý Tỵ - 1953.
Và cũng là nơi đó tại xứ Vĩnh Long ngày rằm tháng bảy năm Quý Tỵ 1953, Đoàn Du Tăng Khất Sĩ chiếc thuyền trí huệ tạo thành, tách bến, lướt sóng ngược dòng trở lại miền trên, trở nên thuyền tế độ. Đoàn Du Tăng hay thuyền tế độ lúc nào cũng đang bọc gió rẽ nước giữa dòng sông, đứng giữa trung gian của đời và đạo. Mục đích là đang tu tìm học, học để mà tu; vì đạo quả tương lai hơn là hiện tại. Cái sống của Khất sĩ là đang vay của tất cả chúng sanh vạn vật các pháp, vay xin từ vô thỉ đến bây giờ, cho đến sau này khi đạt thành chánh đẳng chánh giác, chừng ấy mới sẽ đem giáo lý ánh sáng trả lại ơn người. Khất sĩ là những học sanh nghèo, xin ăn tìm học, mục đích tu học, người giúp cho Khất sĩ là giúp cho sự học tu. Khất sĩ sẽ trả lại pháp thí sau này, chớ không đền ơn của tiền ăn mặc, sống bằng nô lệ. Bởi xét rằng: Tự mình không ai có sẵn cái chi được trong mỗi lúc trước khi sanh, sau khi chết, hay ngày hiện tại; nên Khất sĩ đang sống trong sự xin học, là nợ vay của tất cả, chỉ tạm xin để sống qua ngày, không dám cất để dư, phí thì giờ tu học, và cũng không muốn làm nặng lòng riêng một hai người, nên mới phải đi khắp đó đây, xin nơi người thú cỏ cây, tạm sống để nuôi cái biết linh cho mau thành tựu. Tuy nói là sự xin vay, chớ trong phận sự vừa học tu, vừa bố thí pháp giáo hóa cho kẻ tối tâm kém trí mỗi ngày, ấy cũng là sự trả nợ, hay trao đổi pháp tài với nhau, để tạo nên một lối sống, một con đường xán lạn cho kẻ đàng sau.
Giáo lý Khất sĩ, một là dứt các điều ác, hai là làm các điều lành tùy theo nhân duyên cảnh ngộ, không cố chấp, vì lẽ không có thì giờ dư dả, và cũng biết rằng các việc lành là để trau tâm, vì tâm mà làm sự phải, chớ không ngó xem nơi việc làm kết quả; và ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch.
Khất sĩ là danh từ chơn lý của tất cả chúng sanh, là sống xin để cho được biết linh tu học, chớ không vì tư kỷ. Khất sĩ mặc dầu là đang mang hình thức đạo Phật, nhưng Khất sĩ cũng cố sức để hiểu rằng Phật là giác chơn, là cái biết thật tự nhiên, là nghĩa lý của tiếng Phật, mục đích của cái biết nơi mình, chớ không phải mê tín mờ quáng, mà tự trói mình trong chữ Phật, tiếng đạo, hay tông giáo riêng biệt. Nghĩa là, Khất sĩ là đang học pháp Phật, mà cũng như là đang học với các giáo lý khác, học chung với các pháp trong võ trụ, tách mình xa với tất cả sự trói buộc, mực giữa không không, không dính nhập vào riêng với ai hết. Bởi lẽ Khất sĩ là đang tập tu tìm học, lẽ phải nào, sự ích lợi nào, đời đạo cái chi tốt đẹp là Khất sĩ sẽ về theo tu học. Quyến thuộc của Khất sĩ may ra tạm có, ấy là những ai đã nhận ra và thật hành đúng chơn lý Khất sĩ như nhau, chớ ngoài ra, tất cả chúng sanh là bạn lữ chung, đang sống chung tu học. Khất sĩ là như của tất cả, tất cả cũng là như của Khất sĩ. Khất sĩ như lòng võ trụ, trong đó bao bọc chung những chúng sanh, các pháp và vạn vật. Giáo lý Khất sĩ là con đường sáng của nhựt nguyệt tinh quang, là ánh sáng để chỉ rõ con đường trong sạch giải thoát, là hạnh phúc quý báu của sự sống chung tu học, yên vui, tiến hóa, là cảnh sáng giữa ban ngày; cũng là con mắt mở sáng tỏ rõ phân biệt, hay là con đường trung đạo chánh đẳng chánh giác vô thượng, là con đường tạm đi đến nơi chơn thật.
Khất sĩ là con đường tạm đi đến nơi chơn thật.
Kìa Đoàn Du Tăng Khất sĩ là con đường tạm hiện tại, để đi đến nơi chơn thật.
MÔ PHẬT
TÔI PHẢI LÀM SAO?
Nghĩ xét lại: hồi thuở chưa đi tu, còn đang ở thế, tham sân si tội ác dẫy đầy, quả báo khổ sở không kể, thiên hạ ai cũng ghét giận, thần quỉ chẳng chịu ưa, ai ai cũng kêu rên than trách, vì thế nên mới phải đi tu, đi tu đỡ khổ cho mình và thiên hạ. Lúc mới tập tu làm thiện, còn là cư sĩ tham sân si tội ác diệt trừ chưa dứt hết, thì thế gian cho là tu mà sao chưa chịu bỏ tội ác tham sân si, bởi cái thiện chút ít ấy có đủ đâu trừ tội được. Khi mới tập xuất gia ở tại am chùa, cũng chưa diệt hết nghiệp, người ta gọi rằng: tu sao còn tiếc nghiệp. Bởi đó mới tìm nơi im lặng ngồi yên, có kẻ nói tu gì mà ác tâm bỏ thế, chúng sanh đang khổ nạn chết nguy, sao lại ngồi yên tịnh mặc. Vả lại cũng biết rằng: ở nơi một chỗ là còn chấp giữ cái ta ngã ái, còn phải giữ cái có là tham lam, tiếc rẻ là sân giận, ở hoài một nơi là si mê dốt học mà sanh kiêu mạn. Thế là phải khất thực du hành theo xưa y Phật, đi khắp nơi đây đó để diệt trừ ngã mạn cho dứt hẳn cái ta, của ta, sở chấp, đi đi mãi làm khách tạm thời gian, đâu cũng là nơi tạm ngụ, không không, thấp thỏi xấu xa hạ mạt, không còn tham sân si chấp ngã cái ta ra gì cả. Không có một món lấy gì tham giữ, không có chi tiếc rẻ, đâu có chi giận hờn, đi mãi, học hoài, và cái chi cũng là bài học kinh nghiệm giác ngộ. Thấy như vậy nên chẳng có say mê, thế mà trong đời lại giận gây cho là biếng nhác, sao lại đi xin, và đi đâu đi hoài mãi?
Bởi vậy nên mới buộc lòng giảng đạo, thuyết pháp khuyến tu, chỉ ra đường cứu độ, tuy không làm nhưng chỉ bảo nơi điều thiện, bảo việc tu giác ngộ lẽ đời, chỉ bày lập đạo; nhưng lại cũng có ai còn nói nữa, gọi là tu sao không ngủ nghỉ, lại nói năng chỉ bày lập đạo, sửa đời chi vậy?
Thế thì hỏi vậy tôi phải làm sao? Xin nhờ người chỉ bảo. Đến nước do người này chỉ bảo, lại có kẻ khác rầy la, theo kẻ kia thì người nọ phiền! Thật là đời muôn mặt, ức lòng, rối trí thật! Có như thế rồi mới xét lại kỹ rõ hơn rằng phải dung hòa, không sở chấp, mực giữa, hãy tạm đi mới là xuôi thuận. Kìa chư Phật dạy: Phép định huệ song tu, động có, tịnh có, có đạo có đời, đạo đời hiệp một, động tịnh không hai, định huệ chẳng khác, ấy mới kêu là đạo, đạo là một, một lẽ giữa, mới kêu là trung đạo. Nghĩ xét thế mà thấy ra rằng: cũng như ngày giờ hòa bình thế giới là ngày giờ thành nên cái đạo chung của tất cả chúng sanh, ấy mới gọi là ngày giờ hòa bình thế giới. Bởi có ý nghĩa ấy mà thấy thêm rằng cũng như ta phải sửa đời lập đạo, chúng ta cần nên phải sửa đời lập đạo, đạo đây là đạo của đời, đạo của chúng sanh chung, chớ không phải tên đạo chi, hay cũng gọi đạo ấy là cõi đời, là đời đời mãi, là con đường bền lâu chắc thật. Mà trái lại người xưa hay nói bao giờ ở mặt đất thế gian hết cỏ mới không còn giặc, vì lẽ cỏ mọc cây trước cây sau xoi xỉa cùng nhau, ấy là loạn giặc. Thật thế, bao giờ tất cả chúng sanh, tất cả đều tu có học biết đạo, cõi đời là đạo đức, người ta hoặc không sanh ra thân, hay cũng có biết đạo đức sống chung tu học cùng nhau thì mới mong hết giặc. Bởi nếu chẳng thế thì ai ai cũng là giặc cả, lời nói, ý tưởng, việc làm của ta bao giờ trước sau cũng láo dối cãi cọ, giặc nghịch nhau luôn không ai tránh khỏi được.
Vậy nên chúng cũng như chúng ta phải cố gắng làm sao cho đời đời ấy là đạo, nên đạo mới hòa bình, hòa bình là đạo đức. Việc ấy phải trọn lành trong sạch, không một mảy ác quấy trược tà, phải diệt bỏ cái ta của ta, chấp ngã tham sân si ác trược của mình trước đã, phải vừa tu học vừa cứu độ chúng sanh, cũng như có cứu trước mới có độ sau, hai pháp phải đi đôi, mới tạo ra con đường chính, chính giữa mực trung kết quả được. Chính xưa kia Phật dạy phép tu là ở giữa ta và người, hay như có hành cũng phải có trụ, hành trụ đi đôi mới phải đạo.
Biết như thế rồi, thì không nên cố chấp nữa chi, và cũng chẳng khá phiền hà ai khác làm gì, mà cần phải biết rằng:
Một là phải dứt bỏ các điều ác, dầu cho nhỏ nhít thế mấy.
Hai là phải làm các điều lành, dầu cho nhỏ nhít thế mấy cũng vậy.
Ba là cần phải rửa lòng trong sạch cho được hoàn toàn hơn.
Hãy căn cứ vào ba pháp cái ấy, tức là theo chánh đạo, đạo của chư Phật đó. Kìa đức Phật Thích-ca xưa kia dạy: Đừng làm việc quấy nào hết, hãy làm chuyện phải luôn luôn, làm cho trong sạch các sở ý của mình, ba cái lý đó tóm rút đạo lý của chư Phật.
Hay như đức Phật Ca-diếp có dạy rằng: Chớ làm điều gì ác, phải làm các điều lành, cái sở ý của ngươi phải cho trong sạch luôn luôn, chư Phật đều dạy như vậy. Cũng như trong phép sống chung tam tụ có nói: dứt các điều ác, làm các điều lành, từ bi tế độ tất cả chúng sanh. Có từ bi tế độ tất cả chúng sanh thì cái tâm mới được trong sạch, hay tâm trong sạch mới phải là từ bi tế độ tất cả chúng sanh được. Thế là ai ai cũng nên có lòng từ bi tế độ tất cả chúng sanh. Và lẽ thật là ai ai cũng đang từ ác tiến lên thiện, để đến lần từ bi trong sạch.
Ấy vậy, chư Phật chỉ dạy tất cả chúng sanh đều dạy như thế, thì những lời nói quở trách kia, há chẳng phải là đạo lý giác ngộ dạy bảo chúng ta ư?
Thế tức là chúng ta phải nói, mà cũng phải làm và có ngủ với có nghỉ, có làm có nói và có ngủ có nghỉ đi đôi, mà ý không cố chấp, mới thật gọi là tiến lên đạo đức, lý trung đạo đó, và cũng hãy khoan, chớ nên vội chấp phiền lời nói của ai hết.
MÔ PHẬT
Tác giả bài viết: Tổ sư Minh Đăng Quang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn