Trang nhất » Tin Tức » VĂN HỌC » Văn

Thế giới của thơ và nhạc

Thứ ba - 16/08/2011 12:10
CHƯƠNG 2 Thế giới của thơ và nhạc Cuộc sống ở trong chùa sao mà đẹp quá! Tâm An hạnh phúc được học những điều kỳ lạ từ cuộc sống đời thường mang lại. Chú được chơi đùa với hai anh, được làm việc chung, lúc quét sân, lúc thì lau thiền đường, lúc thì ở nhà bếp tập nấu ăn. Làm việc gì chú cũng thấy vui vẻ cả, bởi trong mắt chú cái gì cũng có một bí mật cần được khám phá và tìm hiểu.
Đôi mắt thương

Đôi mắt thương

Đã mười ngày rồi, từ khi bước chân vào nơi này, chú cảm thấy cuộc sống thật nhẹ nhàng, làm việc gì cũng cảm thấy thú vị. Công việc ở đây cũng như lúc ở nhà thôi. Thỉnh thoảng chú cũng phụ mẹ nhặt rau, quét nhà, dọn cơm mà sao lúc đó mình chẳng thấy thích thú chút nào cả. À! Chú biết tại sao rồi. Ở đây, cái gì cũng có thể biến thành thơ cả, mỗi cử chỉ mỗi hành động đều có một bài thơ. Vừa mới thức dậy thôi mà cũng có thơ nữa đó, ngộ nhỉ, lời thơ hay tuyệt:

“ Thức dậy miệng mỉm cười

Hai bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời.”

Chú rất thích bài thơ này, mỗi buổi sáng thức dậy chú đều đọc thầm trong miệng rồi tự mỉm cười. Bài thơ giúp Tâm An nhiều lắm, chú không còn uể oải, lồm cồm bò dậy rồi ngủ lại như trước nữa. Nó như bơm vào người chú một sinh lực, một niềm vui khi được thức dậy, được sống hai mươi bốn giờ trong chánh niệm và nhìn đâu chú cũng thấy thương yêu. Bắt đầu một ngày mới đẹp thì cả ngày tốt đẹp. Ừ lạ nhỉ? Hèn gì mấy cô, mấy bác bán hàng đều muốn mở hàng gặp được người dễ thương, bán nhanh để hôm đó hàng bán đắt. Không phải là mê tín đâu nhé. Cái đó là kinh nghiệm của các người bán hàng truyền lại với nhau như vậy, lâu dần thành một tục lệ, một lối nghĩ chung. Chú dự định hôm nào sẽ hỏi Thầy  tại sao bắt đầu một ngày có niềm vui, có hạnh phúc là trọn một ngày an lành trôi qua.

Có nhiều hôm, khi nghe chuông thức chúng, chú cũng ngồi dậy, cũng đọc thi kệ và mỉm cười, nhưng nụ cười còn ngái ngủ lắm, nó nhăn nhó, méo xệch, nhìn khó coi làm sao. Thỉnh thoảng chú thấy hai anh cũng cười như vậy.

Sau khi đọc thi kệ thức dậy, chú từ từ xếp mền và thầm đọc:

“ Xếp mền cho niềm vui

Sống ngăn nắp cuộc đời

Thân và tâm thúc liễm

Phiền não phải rụng rơi”.

Hay nhỉ, chỉ xếp mền thôi mà phiền não rụng rơi lả tả như lá mùa thu. Ủa! Như vậy có cây phiền não thật sao? Cây phiền não nó ở đâu nhỉ? Ở trong tâm chứ ở đâu, mình đọc “ thân và tâm thúc liễm, phiền não phải rụng rơi” mà còn suy nghĩ lung tung. Chợt chú nhớ lại lời Thầy dạy: “Con làm gì cũng nên tập trung, biết việc mình đang làm, đừng để tâm trí đi lang thang đâu đó”. Chú giật mình, mới biết mình đang xếp mền. Ồ! Chỉ có chừng đó thôi mà mình quên hoài. Chú nhoẻn miệng cười với cái tật hay suy nghĩ lung tung của mình. Rồi chuẩn bị bước xuống giường, cũng có một bài kệ xuống giường nữa.

“ Sáng trưa chiều và tối

Mọi loài hãy giữ gìn

Nếu dưới chân lỡ đạp

Xin nguyện chóng siêu sinh

Nam mô Bồ Tát Siêu Lạc Địa (ba lần)”

Bài kệ này làm cho chú phát khởi được tâm thương yêu, chú biết quý trọng sự sống của mọi loài từ loài lớn đến loài bé. Đọc bài kệ lên chú cảm thấy rằng nếu mình không cẩn thận, không chú ý thì sẽ gây ra bao nhiêu là đau khổ cho những loài côn trùng ở dưới đất. Cho nên mỗi khi lỡ đạp chết một con sâu, con kiến, thì chú thầm niệm: “ Nam mô Bồ Tát Siêu Lạc Địa” để cầu siêu cho chúng.

Từ trong tâm hồn trẻ thơ của chú, ngọn lửa yêu thương đang được nhen nhúm. Tâm An hạnh phúc khi phát hiện ra rằng các bài thi kệ đã nuôi lớn những ước mơ cao đẹp, làm cho trái tim chú mở ra, hạt Từ Bi đang nẩy mầm. Chú ao ước mọi người cũng được học, được thực hành các bài thi kệ này, thì cuộc sống họ đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Chú đã chia sẻ điều này với Thầy và các anh. Thầy khuyên các chú nên viết ba bài thi kệ này dán trên đầu giường để mỗi buổi sáng nhìn thấy và để nhắc nhở cho các anh em cùng thực tập. Cả ba chú vui lắm. Sau khi về lại phòng, ba anh em tụm lại với nhau chép, trang trí, vẽ các bài thi kệ sao cho đẹp nhất. Anh Tâm Chánh vẽ đẹp lắm, Tâm An, Tâm Từ mừng rỡ, vỗ tay hoan hô anh khi thấy các bức tranh hiện ra theo ý muốn của các chú. Anh Tâm Chánh thực xứng đáng là một anh cả. Anh đã hỏi ý kiến của hai chú nên vẽ những gì. Thật là gay go, bởi ý của Tâm An thì thích vẽ chú tiểu đang thao tác những sinh hoạt trong thi kệ, như thức dậy thì vẽ chú tiểu ngồi trong mùng, dụi mắt, vươn vai, mỉm cười… Còn Tâm Từ thì thích vẽ cảnh hoa lá, cỏ cây, bầu trời xanh, con mèo, con kiến, con sâu… Hai chú cứ cãi nhau, cho ý mình hay hơn. Chỉ có Tâm Chánh ngồi im lắng nghe hai chú. Thấy hai chú đi quá xa, anh lên tiếng:

- Thôi được rồi hai em, anh sẽ vẽ bài thức dậy như ý của Tâm An, xếp mền mùng anh sẽ vẽ chú tiểu xếp mền và những chiếc lá rơi rơi trong không gian đó, còn xuống giường anh sẽ chìu ý Tâm Từ vẽ con sâu, con kiến, con mèo dưới chân giường. Như vậy có được không?

Nghe anh nói, hai chú cười tít mắt, cuối cùng ai cũng được thỏa nguyện rồi. Tâm An rất thích cách giải quyết của anh Tâm Chánh. Càng lúc chú càng thấy anh ấy kỳ lạ, tuy ít nói hơn anh Tâm Từ nhưng anh biết lắng nghe và luôn làm người hòa giải các ý kiến của hai chú. Thầy khen anh thực tập tốt “ý hòa đồng duyệt” giờ thì Tâm An mới hiểu thế nào là “ý hòa đồng duyệt”, thực tập được điều này thì anh em không có cãi nhau, không giận nhau khi cùng làm việc chung. Chú nhìn qua Tâm Từ rồi cười, Tâm Từ cũng cười lại, ánh mắt hai chú ngời sáng niềm thương yêu.

Mười ngày đầu tiên, Thầy chỉ dạy Tâm An thực tập ba bài thi kệ đó thôi. Rồi Thầy trao cho chú cuốn sách “Bước tới thảnh thơi” để học thi kệ. Cầm quyển sách lên mở ra chú thấy rất nhiều bài thơ. Chú không biết liệu mình có học hết được không nữa. Ba bài thi kệ đó chú đã thuộc lòng, đã quen đọc nó trước khi làm, hoặc vừa theo dõi hơi thở vừa đọc.

Đến bây giờ, chú đã thực tập thêm năm bài thi kệ nữa: Vào nhà cầu, vặn nước, đánh răng, rửa mặt và soi gương. Chú thấy đi tu vui thật. Những chuyện làm vệ sinh cá nhân mà cũng thành một sự thực tập. Thầy có nói rằng: “Người biết cách thực tập thì nơi nào cũng tu được, ngồi trên bàn cầu cũng tu được, không nhất thiết là phải ngồi trên thiền đường mới tu, mình phải tu trong mỗi hành động, mỗi lời nói. Do đó, việc vào nhà vệ sinh cũng quan trọng như vào thiền đường. Chú thấy lời nói đó rất đúng, rất  hay.

Tâm An để ý thấy hai anh Tâm Chánh và Tâm Từ thường gõ cửa ba tiếng trước khi bước vào nhà vệ sinh. Lạ nhỉ? Có ba anh em trong phòng rồi, thì trong nhà vệ sinh không có ai, sao lại gõ cửa? Chú đem thắc mắc của mình hỏi anh Tâm Chánh, Tâm Chánh trả lời:

- Mình gõ cửa là thắp lên ý thức chánh niệm, để khi bước vào nhà vệ sinh mình sinh hoạt nhẹ nhàng hơn, có ý tứ hơn. Mình không thể vào nhà vệ sinh mà tạo ra quá nhiều tiếng ồn, rất thô tháo, không đẹp chút nào. Anh đã từng được Thầy chia sẻ vì trước đây, anh cứ để bị thúc bách mới vội vàng chạy ù vào toilet, vào trong rồi, anh lại mở nước ào ào, múc ca nước lên dội thì thả đại cái ca xuống xô. Không ngờ, Thầy biết hết, chờ anh đi ra khỏi nhà vệ sinh Thầy gọi lại bảo:

- Tâm Chánh, là người tu chánh niệm con nên để ý hơn. Khi thấy mình muốn đi vệ sinh thì nên đi ngay, đừng để chần chừ, đến lúc thúc bách mà vội vội vàng vàng. Con nhớ phải gõ ba tiếng trước khi vào, dầu biết trong ấy không có người. Thầy có dạy con các bài thi kệ vào nhà cầu, vặn nước… chỉ để con làm với ý thức chánh niệm. Khi có chánh niệm, mọi hành động của con sẽ trở nên đẹp, nhẹ nhàng, khoan thai. Con để ý mình nên dội nhà vệ sinh sao cho càng ít nghe tiếng động càng tốt, mình nên để ca múc nước xuống xô, đừng thả như vậy. Con biết không, nhà cầu cũng là nơi để thực tập và thiền quán.

Lúc đó, Tâm Từ từ nhà vệ sinh bước ra, chú nghe anh Tâm Chánh giải thích rồi nói thêm:

- Tâm An biết không? Dù biết không có người nhưng anh vẫn phải gõ cửa. Bởi vì trong ấy có những loài sinh vật ăn đồ dơ, nghe đâu có cả các loài ngạ quỷ nữa đó. Cho nên khi gõ ba tiếng là để báo hiệu xin phép cho mình được sử dụng nhà vệ sinh, để họ tránh mà mình cũng không thải đồ dơ lên trên đầu họ, tạo cho họ sinh tâm sân hận tội lắm. Mình làm như vậy là vì thương họ. Do đó, mình đừng tưởng mình vào nhà cầu là không có ai, mình làm gì cũng được không ai biết. Họ biết đó, nên mình phải thực tập cho đàng hoàng, đừng làm quá ồn và trước khi đi ra phải nhìn lại xem nhà vệ sinh đã sạch sẽ, tươm tất như lúc mới vào chưa? Nếu chưa, thì phải làm sạch rồi mới ra.

Nghe như vậy, Tâm An sợ lắm. Có ma ở trong toilet ư? Vậy ai mà dám đi cầu lúc ban đêm. Chú nói:

- Em sợ lắm! Lỡ ban đêm em muốn đi vệ sinh thì làm sao đi được, hai anh dẫn em đi nghe. Em sợ gặp ma.

Tâm Chánh cười:

- Không sao đâu, mình thực tập thi kệ bước vào nhà cầu, làm trong chánh niệm là em sẽ không còn thấy sợ. Khi em sợ là do em không để hết tâm ý vào các động tác của mình, đọc thi kệ như một cái máy, mà tâm ý thì vẽ vời lên nhiều hình ảnh ma quái thôi. Đừng sợ, nếu thấy sợ, em theo dõi hơi thở, hơi thở sẽ là lá bùa trừ ma quái đó. Đó là cách Thầy chỉ cho anh lúc mới vào chùa, vì sợ ma nên anh được sống chung phòng với Thầy, sau đó có Tâm Từ, Thầy mới cho hai đứa ở phòng bên cạnh. Nhưng ở hai anh em, buổi tối đi toilet cũng sợ, nên Thầy cho thêm các bài thần chú để tụng thầm, em có biết các bài thần chú đó không?

- Dạ không. Anh dạy cho em đi.

Tâm Chánh ngồi lại ngay ngắn chắp tay đọc:

Vào nhà cầu

“ Không dơ cũng không sạch

Không bớt cũng không thêm

Trí tuệ Ba La Mật

Không có pháp nào trên”.

- Đó là thi kệ, không phải thần chú, anh xạo quá. Thần chú đó em cũng biết như:

Đi tiểu

Đi tiểu trong bản môn

Đổi trao nào kỳ diệu

Ta và người không hai

Không dư mà không thiếu.

- Em không tin đâu, các anh ghẹo em thôi.

Cùng lúc đó có tiếng gõ cửa, ba chú đứng dậy mở cửa rồi xá chào Thầy. Thầy cười hỏi:

- Các con đang nói chuyện gì mà vui quá vậy?

- Dạ thưa Thầy, Tâm Từ nói với Tâm An là trong toilet có các loài ngạ quỷ… làm em sợ, không dám vào toilet một mình vào ban đêm ạ. Tâm Chánh thưa.

- Dạ thưa Thầy! Anh Tâm Chánh chỉ các bài thần chú cho Tâm An nhưng em nói là các anh xạo, ghẹo em thôi. Thần chú kiểu đó em cũng biết.

Thầy nhìn Tâm An rồi hỏi:

- Con thuộc được bao nhiêu bài thần chú rồi?

-  Dạ thưa Thầy, con học được thêm năm bài nữa ạ. Con đọc cho Thầy nghe nhé.

Thầy gật đầu.

Vặn nước

Nước từ nguồn suối cao

Nước từ lòng đất sâu

Nước mầu nhiệm tuôn chảy

Ơn nước luôn tràn đầy.

- Giỏi lắm. Sao con không tin đây là thần chú trị ma quái?

- Dạ thưa Thầy, con thấy mấy bài thần chú toàn là : Nam mô hắt ra đá ra đá dô… gì đó chẳng thể hiểu được. Đó mới là thần chú, còn các bài thơ này Sư Ông nói nó là thi kệ thôi.

- Con có biết ma quái từ đâu mà có không?

- Dạ con thưa Thầy, từ những nơi u tối.

- Thật ra, ma quái từ trong tâm tưởng chúng ta thôi. Lúc nhỏ chúng ta bị nhát kẹ để sợ và người lớn, các bậc làm cha làm mẹ cứ dọa con mình bằng cách đó mà không biết là vô tình tưới tẩm hạt giống sợ hãi trong các con, làm các con sợ hãi. Khi con không để cho đầu óc mình tưởng tượng lung tung mà chú tâm vào hơi thở, vào từng hành động của cơ thể, vào mỗi câu thi kệ thì hình ảnh ma quái không có cơ hội xuất hiện. Vậy thi kệ cũng có công năng đánh đuổi ma quái như thần chú. Hạt giống sợ hãi sẽ không xuất hiện trong tâm tưởng của các con nữa. Như vậy, nếu ta xem thi kệ như thần chú cũng không sai, đúng không các con?

- Dạ thưa đúng ạ!

- Cho nên muốn thi kệ có công năng đặc biệt đó, thì các con phải hết lòng, phải đặt tất cả tâm ý mình vào thi kệ, theo dõi hơi thở và các động tác của cơ thể, thì thi kệ mới linh nghiệm được. Còn đọc chỉ như trả bài thuộc lòng xong rồi là để tâm ý suy nghĩ lung tung, rong chơi với những chuyện ma quái thì chẳng ích lợi gì đâu các con.

Thầy quay qua nhìn Tâm Chánh rồi hỏi:

- Từ hồi đó đến giờ, thần chú có còn linh nghiệm không con? Có đỡ sợ ma chưa?

- Dạ chỉ mới đỡ sơ sơ thôi, nhiều khi đi ra vườn ban đêm con cũng sợ, vì thần chú đó chỉ có hiệu nghiệm trong toilet thôi.

Thầy cười rồi bảo:

- Con có thể áp dụng các bài thi kệ khác bằng phương pháp thầy đã dạy. Có thể lớn hơn một chút nữa thì mình bớt sợ ma hơn. Các con cố gắng thực tập những gì thầy đã chỉ dạy nhé.

Cả ba chú xá xuống cùng thưa:

- Dạ, chúng con sẽ nhớ ạ!

- Thôi bây giờ bốn thầy trò mình cùng ra vườn nhổ cỏ trồng cây nhé!

Ba chú hớn hở, đứng dậy cùng đi theo Thầy. Được làm việc chung với Thầy rất thích. Thỉnh thoảng, những lúc nghỉ tay Thầy còn kể chuyện cho ba chú nghe, dạy các chú hát các bài thiền ca rất hay. Tâm Từ hát hay nhất, do đó chú rất thích được hát. Ba chú cứ xúm xít quanh thầy, đứa nhổ cỏ, đứa quét lá, đứa hốt rác vào bao mang đi đổ. Nhìn cảnh bốn thầy trò thật vui, thật hạnh phúc.

- Tâm Từ, con có đọc thi kệ khi nhổ cỏ không con?

- Dạ thưa, con quên chưa đọc, giờ con đọc được không thưa Thầy?

- Được, khi nào nhớ thì làm ngay, đừng có nghĩ là lỡ quên rồi thôi khỏi đọc cũng được. Con đọc cho thầy nghe đi.

- Dạ thưa Thầy, đọc bài nào ạ?

- Bài nào con thích nhất.

- Dạ, con đọc nghen.

Thầy gật đầu, Tâm Từ thong thả đọc:

Nhổ cỏ

Nhổ cỏ nơi bản môn

Ta nhớ chú điệu xưa

Bụt che chở ngàn đời

Cho muôn ngàn cậu bé.

- Tại sao con thích bài này?

- Dạ thưa, con thích nó vì có hình ảnh chú điệu, thích được Bụt che chở.

- Còn Tâm Chánh, con thích bài nào?

- Dạ thưa Thầy, con thích bài:

Nhổ cỏ nơi tích môn

Nhớ đến Trần Thái Tông

Nhổ cỏ dùm Chiêu Hoàng

Cho sông dài biển rộng.

- Dạ thưa Thầy, Trần Thái Tông và Chiêu Hoàng là ai vậy Thầy?

- Trần Thái Tông là ông vua đầu tiên của thời Trần, Lý Chiêu Hoàng là hoàng hậu của vua Trần Thái Tông và là con gái của vua Lý Huệ Tông. Đây là một câu chuyện lịch sử khá dài. Các con có muốn nghe không?

- Dạ muốn ạ.

Thầy chậm rãi kể:

- Cuối thời nhà Lý, lúc đó Lý Huệ Tông lên làm vua, sinh ra được hai nàng công chúa, người chị là Lý Thuận Thiên và người em là Lý Chiêu Thánh. Khi Lý Chiêu Thánh lên tám tuổi, triều đình rối ren, mọi thế lực đều nằm trong tay Trần Thủ Độ, vua Lý Huệ Tông thế cô lực kiệt đã nhường ngôi cho cô con gái út là Lý Chiêu Thánh. Sau này gọi là Chiêu Hoàng. Khi đó Chiêu Hoàng có một người bạn thân tên là Trần Cảnh, cháu của Trần Thủ Độ. Hai đứa trẻ rất thương nhau, dưới sự sắp xếp của người lớn, hai đứa trẻ được tổ chức đám cưới. Sau đó, Chiêu Hoàng nhường ngôi lại cho chồng là Trần Cảnh, tức là vua Trần Thái Tông, mở đầu cho triều đại nhà Trần. Khi Trần Thái Tông được hai mươi tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi, nên Trần Thủ Độ ép vua bỏ Chiêu Hoàng mà cưới chị dâu của mình, vợ của người anh ruột Trần Liễu, tức công chúa Thuận Thiên, lúc đó công chúa Thuận Thiên đã có thai ba tháng. Trước sự ép buộc phải bỏ người yêu mà cưới chị dâu, trái với luân thường đạo lý, khiến vua đau khổ cùng cực, nên vua quyết định bỏ ngôi báu trốn vào núi Yên Tử xin đi tu. Nhưng không được mấy ngày, Trần Thủ Độ đã lên núi và ép vua phải về cung. Khi vua từ chối thì Thiền Lão Trúc Lâm mới khuyên vua: “Bệ Hạ là vua của một nước, trăm họ đang cần vua, khi mình là một vị vua thì phải lấy cái muốn của muôn dân làm cái muốn của mình, lấy hạnh phúc của muôn dân làm hạnh phúc của mình. Là một ông vua, Bệ Hạ cũng có thể tu tập được, đâu nhất thiết phải ở trên núi mới thành người tu. Kính xin bệ hạ nhớ những lời này mà trở thành một vị minh quân, thương dân như con, lấy đức độ mà trị vì thiên hạ”.

Rồi vua từ giã thiền sư trở về lại cung cấm. Vua tu hành rất miên mật. Vì mặc cảm tội lỗi, nên vua thường xuyên sám hối. Vua tự viết “Lục thời sám hối khoa nghi” để cho mình thực tập, cứ bốn giờ đồng hồ vua đều dành mười lăm phút để lạy sám hối. Mỗi thời sám hối một căn. Ví dụ như ngủ dậy sám hối ý căn rồi đến mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Dưới triều đại của vua, nhân dân an bình, vua luôn luôn lấy đức để trị quốc, nên trên dưới một lòng. Thời nhà Trần là một triều đại thuần từ nhất trong lịch sử Việt Nam.

Thầy ngừng lại, nhìn các chú đang lắng nghe một cách chăm chú, bị cuốn hút vào câu chuyện, thầy mỉm cười.

- Dạ con thưa Thầy! Tâm Từ hỏi:

- Vậy Chiêu Hoàng thì sao? Chiêu Hoàng chắc khổ lắm Thầy nhỉ?

- Chiêu Hoàng sau đó bị giáng xuống làm công chúa và gả cho người khác. Sau này nàng có được hai người con, một trai một gái.

- Các con à! Các bài thi kệ nhổ cỏ đều hay, mỗi bài có một hình ảnh khác nhau như các chú bé, hay vua Trần Thái Tông... nhưng tất cả cũng chỉ nhắc nhở ta nên quay về chăm sóc tâm ta. Tâm ta cũng là một mảnh vườn có đầy cỏ và hoa, khi nhổ đi những thói hư tật xấu, những tâm niệm không an lành là chúng ta đang làm cho vườn tâm ta ngày một sạch đẹp. Là người tu chúng ta phải biết cách chăm sóc, vun bón cho vườn tâm của mình. Tuy nhổ cỏ là công việc đơn giản nhưng nó có một ý nghĩa sâu xa.

Ngồi chơi một lát, rồi bốn thầy trò tiếp tục công việc. Ba chú im lặng ngồi nhổ cỏ, khu vườn dường như sáng lên, sạch sẽ gọn gàng hơn. Cả ba chú đều nghĩ rằng khu vườn này sạch là vườn tâm của mình cũng được sắp xếp ngăn nắp, nên cả ba đặt hết lòng mình vào công việc, moi tất cả các ngóc ngách, xếp lại ngay ngắn từng chậu cây. Làm việc như thế thích thật. Đôi mắt ai cũng sáng ngời một niềm vui.

Không chỉ nhổ cỏ mới có thi kệ mà hầu như tất cả các công việc đều có thi kệ cả như: trồng cây, tưới cây, quét sân, rửa chén, lặt rau đến cả việc dọn vệ sinh, đổ rác nữa. Tất cả các bài thi kệ đều hay, có ý nghĩa, tạo cho công việc có thêm nguồn năng lượng mới mẻ hơn. Nhiều khi Tâm Từ còn hát thi kệ nữa, vì học, đọc hoài cũng chán nên chú nghĩ ra cách làm mới thi kệ. Chú có giọng hát hay, chú hát đủ kiểu. Có hôm cả ba chú dắt nhau ra vườn chơi, đùa giỡn chán, Tâm Chánh đề nghị Tâm Từ hát thi kệ nghe. Tâm Từ đứng lên làm ngay một màn trình diễn Rock thi kệ, chú nhún nhảy, uốn éo đủ kiểu làm cho hai chú kia cười ngặt nghẽo, cả ba đứa trẻ cùng đề nghị từ đây mình sẽ đọc thi kệ kiểu này mới vui. Ví dụ như:

Thất niệm là bóng đêm bóng đêm bóng đêm

Chánh niệm là ánh sáng ô là là, á lồ lồ

Đưa tỉnh thức trở về hê hế, hê hế

Cho thế gian tỏ rạng tỏ rạng, tỏ rạng.

Chà! Cái trò này thích thật, vừa hiện đại, vừa hợp thời lắm đó. Bây giờ người ta thích Rock, Hiphop thôi chứ ai thích ngâm nga, ê a hoài cũ lắm. Mình đi tu nhưng phải hợp thời đại chứ. Cả ba đều đồng ý với nhau như thế, rồi cùng chế biến ra bao nhiêu là cách hát vui ơi là vui.

Chưa hết đâu, thi kệ còn bị chế nữa, có lần Tâm An nghe anh Tâm Chánh đọc thi kệ nghe chuông:

Nghe chuông phiền não lên phơi phới

Ý loạn thân đau, mặt ỉu xìu

Hơi thở đi đâu rồi chánh niệm

Vườn tâm cỏ dại nở muôn nơi.

Nghe cũng thích chứ bộ, nhưng đọc hoài, đùa mãi cũng bị nhiễm. Có lần Tâm Chánh thỉnh chuông đại hồng, chú nghiêm trang dõng dạc hô:

Nghe chuông phiền não lên phơi phới

Ý loạn thân đau mặt ỉu xìu

Hơi thở nương chuông về chánh niệm

Vườn tâm hoa tuệ nở muôn nơi.

Trong tâm Tâm Chánh cứ nghĩ mình hô chuông đại hồng đúng. Ai dè, sáng hôm đó, ba anh em được mời lên ngồi trong phòng Thầy, nghe lời dạy rất nghiêm nghị của Thầy làm ba chú ỉu xìu thật. Giờ mà nghe chuông chắc cả ba đều ỉu xìu chứ phiền não không tan theo mây khói được đâu. Điều đáng buồn nữa là ba anh em không được chơi cái trò sửa thi kệ, không được hát Rock thi kệ nữa rồi. Còn gì buồn hơn khi không được nhìn Tâm Từ vừa hát, vừa giựt giựt. Mất rồi các thú vui. Vĩnh biệt Rock, Hip hop nhé! Thôi thế từ nay ta trở lại với cách xưa. Ba đứa trẻ ngồi nhìn nhau, thấy chú nào cũng hối tiếc cái trò ấy lắm. Bây giờ Tâm An mới thấy Thầy cũng như người lớn, chả hiểu con nít tí nào cả. Mặc dù cả ba đều biết rằng điều Thầy cấm là đúng, nhưng các chú vẫn cứ ưng ức trong lòng, giống như ai đó ra lấy mất món đồ chơi quý của mình vậy.

Trưa hôm đó, ba chú vác ba bộ mặt rầu rầu đi ăn cơm. Nhìn ba chú không còn vui vẻ như mọi hôm, Thầy biết các chú đang còn giận mình, Thầy mỉm cười rồi thỉnh chuông, đọc lời quán niệm. Giọng Thầy trầm ấm, lúc này sao Thầy dễ thương, nhẹ nhàng hơn hồi sáng. Nhìn Thầy Tâm An cảm thấy lòng mình mềm ra, muốn nhoẻn miệng cười với Thầy, nhưng cả ba chú đã ký hiệp ước đóng mặt lạnh, nghỉ thương Thầy một ngày luôn. Mới có mấy tiếng đồng hồ thôi mà Tâm An đã muốn hủy bỏ hiệp ước này rồi. Không biết giờ đến tối chú có giữ vững lời hứa với các anh không? Chú liếc nhìn Tâm Chánh, Tâm Từ thấy hai anh im lặng cúi đầu ăn cơm, mặt lạnh như tiền. Chà! Sao hai anh đóng vai này giỏi thế. Khâm phục, khâm phục quá đi mất thôi.

Thỉnh thoảng Thầy gắp những miếng đậu khuôn chiên chia cho ba chú, nhưng chả ai nhìn Thầy cười cả. Tâm An cũng thế, chú không muốn ngước lên vì sợ chú sẽ cười với Thầy mất thôi. Bây giờ thật là gay cấn, chú cứ phân vân: “bên Thầy bên bạn bên nào nặng hơn?”. Cả giờ ăn cơm chú chẳng để tâm đến bát cơm mà chỉ suy nghĩ lung tung, với bao nhiêu là tâm hành phát khởi lên triền miên không dứt. Giờ cơm chấm dứt bằng hai tiếng chuông, mọi người đứng dậy đi rửa bát. Tâm An sợ gặp Thầy lúc này lắm, nên chú cứ chần chừ mãi, để Thầy rửa bát xong ba chú mới đi rửa và đổ nước. Thế là thoát được, suýt nữa mình phá vỡ cam kết rồi.

Về phòng, Tâm Chánh, Tâm Từ nhìn Tâm An rồi phá lên cười:

- Thích thật mình đóng kịch giỏi quá mà, chắc Thầy nghĩ mình giận Thầy thật rồi.

- Ủa! Vậy hai anh không giận Thầy à? Tâm An ngạc nhiên hỏi.

- Ừ! Mình không thể nào giận Thầy quá năm phút đâu. Tại anh bị Thầy la hoài nhưng không thấy ghét Thầy chút nào cả. Chỉ ỉu xìu một chút thôi. Nhưng lần này anh thử đóng kịch coi em có giữ lời hứa không? Chứ hai anh đã thương Thầy lại rồi. Tâm Chánh vừa cười vừa nói.

- Hú hồn! Mừng quá đi mất. Chứ kéo dài nữa chắc em không giữ được lời hứa đâu. Lúc Thầy gắp thức ăn cho anh em mình, em chẳng dám nhìn Thầy, vì sợ mình cười hòa với Thầy. Giờ mình vui lại với Thầy nghe các anh.

Tâm Từ cười:

- Ừ! Thôi đừng đùa như vậy làm Thầy buồn. Mà hình như Thầy buồn thật rồi. Thế này nhé, trưa nay mình đi hái hoa cắm một bình tặng Thầy nghe.

- Thôi đi, chỉ có con gái mới hái hoa, bắt bướm thôi, ai con trai làm vậy, kỳ lắm. Tâm Chánh không đồng ý.

- Nhưng, Thầy thích hoa mà. Con trai cũng chơi hoa được chứ bộ. Mình vẫn thường cắm hoa cúng Bụt có sao đâu. Tâm An bàn vào.

Hai chú đã thuyết phục được Tâm Chánh, cả ba len lén đi ra sau vườn hái hoa, lá để cắm vào một chiếc bình con con, nhẹ nhàng đặt trên bàn trà của Thầy. Rồi trở về phòng ngủ. Đối với ba chú, ngủ trưa chẳng thích thú gì cả, giá như giờ đó mà chuồn ra sau vườn chơi thì vui hơn nhiều.

Riêng Tâm An, sau khi được hủy bỏ hiệp ước “làm mặt lạnh” chú cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng, thoải mái. Chú có thể nhìn Thầy, cười và thương Thầy như trước. Chú nghĩ tới chiều nay, khi thức dậy nhìn bình hoa làm bằng cỏ dại trên bàn trà, chắc Thầy vui lắm, Thầy không còn buồn nữa. Chú thầm mỉm cười, rồi chìm vào giấc ngủ.

Xem chương 1. Tiếng gọi của Thế Tôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 7


Hôm nayHôm nay : 3735

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 12725

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8463502