Trang nhất » Tin Tức » VĂN HỌC » Văn

Vũ điệu của đôi chân

Thứ ba - 16/08/2011 11:12
Thế giới này thật là kỳ lạ, có những điều tưởng chừng như cũ rích, cổ lỗ sĩ, quá thân quen, gần gũi đến độ chúng ta cảm thấy sự có mặt của chúng là điều tất nhiên, chẳng có gì hay ho để chúng ta chú ý, quan tâm cả. Chỉ vì chúng ta cứ nghĩ còn quá nhiều điều mới mẻ khác đang chờ chúng ta khám phá, tìm hiểu.
Bước chân huyền

Bước chân huyền

Tâm An rất thích những bước chân của mình, đối với chú bước chân không phải là cây cọ vẽ mà là những vần thơ đi theo chú trong suốt con đường thiền hành mỗi sáng. Những câu thơ chạy dài được đệm bằng những bước chân đặt nhẹ như hôn vào mặt đất. Khi bước một bước chú thầm đọc: “Đã về, đã về” bước tiếp theo “đã tới, đã tới” từng bước, từng bước chậm rãi, nhẹ nhàng. Chú cảm nhận rõ lòng bàn chân tiếp xúc với mặt đất. Chú rất thích trò chơi này, bởi mỗi bước chân như một sợi dây dệt nên một bài thơ đẹp:

 

"Đã về, đã tới

Bây giờ, ở đây

Vững chãi, thảnh thơi

Quay về, nương tựa.

Nay con đã về

Nay con đã tới

An trú bây giờ

An trú ở đây

Vững chãi như núi xanh

Thảnh thơi dường mây trắng

Cửa vô sinh mở rồi

Trạm nhiên và bất động."

Lời bài thơ rất hay, nhưng Tâm An chưa hiểu hết được. Ngộ nhỉ? Dù không hiểu hết nhưng vẫn cứ thích như thường. Chú nhớ hôm Thầy dạy thiền hành Thầy có nói:

- Đây là một phương pháp giúp ta trở về khám phá chính mình, rồi các con sẽ thấy sự kỳ diệu của đôi chân. Trước tiên, các con phải đặt tâm ý xuống lòng bàn chân, đi từng bước vững chãi, cảm nhận sự tiếp xúc giữa bàn chân với mặt đất. Ta đi thật tự nhiên, chánh niệm giúp ta đi an lạc và thảnh thơi như đi trong Tịnh Độ. Nếu cần đi đến đâu, dù khoảng cách không xa, ta cũng nên sử dụng phép đi thiền này. Phép thực tập này giúp ta sống sâu sắc trong từng phút giây của đời sống hàng ngày. Các con có thể kết hợp hơi thở với bước chân.Ví dụ như: thở vào ta bước hai bước, thở ra ta bước ba bước. Để hơi thở tự nhiên, không gò ép theo số lượng bước chân. Nếu hơi thở ngắn ta bước hai bước, hơi thở dài bước ba hay bốn bước tùy theo hơi thở của mình. Hoặc các con có thể bước theo bài thi kệ thiền hành như bài “đã về, đã tới”…

Với Tâm An, thì bước theo bài thơ là thích nhất, chú chưa thể theo dõi hơi thở và bước chân được. Lúc đầu chú đã thử nhưng đi một lát thấy mệt mỏi, tức ngực, khó thở. Chú chia sẻ với Thầy, Thầy bảo: chú đã gò ép hơi thở ,cố kéo dài ra nên có hiện tượng này xảy ra. Tâm An cảm thấy không thích thú với trò chơi này lắm, nên chú đổi lại bước theo bài thơ. Thế mà hay ra phết nhé! Tâm An cảm thấy vui, thấy thích giờ thiền hành hơn trước nhiều.

Đừng tưởng là bước chân chỉ có vậy thôi đâu. Còn rất nhiều điều mới lạ trong bước chân nữa. Hôm bốn thầy trò Tâm An ngồi lại với nhau, nói cho nhau nghe kinh nghiệm thực tập thiền hành. Tâm An rất sung sướng khi biết được nhiều điều kỳ diệu của đôi chân. Chú rất thích cách đi thiền của anh Tâm Từ. Anh Tâm Từ nghệ sĩ lắm, anh đã đi theo bài hát thầm. Tâm Từ chia sẻ:

- Dạ con kính thưa Thầy! Con đi thiền hành rất vui, con thấy đôi chân mình nhịp nhàng như đang nhảy theo một vũ điệu nào đó. Từ đó con không đọc thi kệ và hát các bài thiền ca chậm rãi và hai chân trở thành những bước nhảy kiểu mới, con thích gọi nó là vũ điệu của đôi chân. Không phải như các ca sĩ nhảy đâu, không phải Rock, Hiphop như lúc trước con biểu diễn cho hai anh xem đâu. Có lẽ đây là vũ điệu của bình an, của hòa bình, của những gì đẹp nhất, lành nhất mà con được biết. Dạ kính thưa Thầy, điều kỳ lạ từ lúc đó con còn khám phá ra rằng đôi chân cũng là một loại nhạc cụ đệm vào trong dòng thiền ca tuôn chảy. Một loại nhạc cụ kỳ lạ mà chưa nhạc sỹ nào tìm ra cả, nó tạo ra các khoảng lặng trong lòng, nó làm cho câu hát không vội vã mà trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát. Con để ý kỹ thì thấy khoảng cách giữa hai bước chân có một dấu lặng nhỏ xíu, mỗi lần nhận được, bắt gặp được khoảnh khắc bé nhỏ đó trong con luôn rúng động, hạnh phúc lâng lâng khó tả. Thật là tuyệt diệu. Dạ con kính thưa Thầy và các anh, con đã chia sẻ sự thực tập thiền hành của mình. Con xin Thầy từ đây cho con đặt tên pháp môn thiền hành này là vũ điệu của đôi chân nhé.

Tâm An nhìn anh Tâm Từ khâm phục lắm. Anh nói như một nhạc sỹ tài ba lỗi lạc đang bình phẩm về tuyệt tác của mình, say sưa, tràn đầy cảm hứng. Nghe Tâm Từ chia sẻ, Thầy vui lắm. Thầy biết Tâm Từ có năng khiếu âm nhạc, Thầy sẽ tưới tẩm và cho chú học nhạc để phát triển tài năng bẩm sinh của chú. Nhưng Thầy biết chưa đến lúc, Thầy muốn chú có chiều sâu tâm linh làm nền tảng trước, thì âm nhạc mới có chất thiền vị, mới đẩy tả được hạt giống thanh lương, trong sáng của cuộc sống, mở ra một dòng nhạc mới cho thế hệ trẻ bây giờ. Một dòng nhạc đưa người trẻ về với con người chân thật, về với thiên nhiên, với tình yêu thương nhân loại, con người. Một dòng nhạc đi xuyên qua hai thái cực, hoặc là quá sầu thảm, bi thương; hoặc là quá nhộn nhịp, kích động, đưa con người vào những tâm trạng không lành. Âm nhạc là một loại thức ăn không thể thiếu của cuộc sống. Âm nhạc vốn dĩ nó không xấu nhưng do các nhạc sĩ sáng tác đã được nuôi dưỡng, được tưới tẩm trong một môi trường xã hội như vậy, nên phản ánh lại vào âm nhạc các chất liệu sầu thương, kích động, đứt ruột… Bởi vậy, chỉ cần nhìn vào một số bài hát của thời nay, ta có thể thấy được xã hội bây giờ đã nuôi dưỡng con người, đặc biệt là giới trẻ bằng các loại thức ăn nào. Thầy biết Tâm Từ có khả năng đó, nhưng hãy còn quá sớm gieo vào đầu một đứa trẻ mười ba tuổi, hãy để chú sống thực tập đi sâu hơn vào thiền học thì thiền ca là một loại hoa trái mà chú có thể dâng tặng cho cuộc đời. Thầy mỉm cười rồi nói với Tâm Từ:

- Tâm Từ con! Thầy rất vui khi nghe con chia sẻ sự thực tập thiền hành, Thầy cảm nhận được niềm hạnh phúc của con. Thầy cũng biết con rất có năng khiếu âm nhạc, Thầy hứa sẽ cho con học nhạc, nhưng chưa phải lúc này. Thời gian này, con nên đào sâu hơn vào sự thực tập từng uy nghi, tế hạnh mà thầy đã dạy. Con có biết tại sao như vậy không?

- Dạ thưa, tại Thầy muốn con là một đứa con ngoan.

- Chỉ một phần thôi, còn chính yếu thầy muốn con có chiều sâu trong cuộc sống, con sống chánh niệm trong mỗi phút giây, tức là con cảm nhận được cuộc sống một cách sâu sắc nhất, trọn vẹn nhất. Khi đời sống tâm linh của con được nâng cao, thì khả năng nhìn nhận của con bén nhạy, thực tế và đầy đủ hơn. Lúc đó, con có làm cái gì cũng trở nên tốt đẹp cả. Nếu con sáng tác ra các bản thiền ca, thì lời ca của con trở thành một dòng suối thanh lương, trong mát. Chỉ có con đường thiền tập nó mới giúp con đi đến đỉnh cao của nghệ thuật. Lúc đó con mới là một nghệ sĩ chân chính. Một người nghệ sĩ mà thiếu chất tu sĩ làm nền tảng thì chỉ là một dòng nước nhỏ không đủ khả năng gột rửa những nhiễm ô dơ bẩn của cuộc đời, mà trái lại nó sẽ bị cuộc đời làm ô nhiễm luôn, dòng nước đó uống vào lâu ngày sinh bệnh. Các con có muốn tạo ra những dòng nhạc bệnh hoạn không? Hay các con muốn những bài ca của mình là dòng nước cam lộ thanh lương tươi mát, chữa lành vết thương của nhân loại? Tất cả những gì các con làm ra đều phản ảnh tâm thức của các con. Tâm thức bệnh hoạn đầy dẫy những hạt giống si mê, giận hờn, thèm khát, kích động, sợ hãi… thì sản phẩm của các con làm ra sẽ chứa đựng những hạt giống đó. Ngược lại, nếu tâm các con chứa đựng sự hiểu biết, thương yêu thì các con cho ra những tác phẩm mang đầy hạt giống chân thiện. Do đó, thiền hành là một phương pháp giúp các con lắng dịu lại những tâm hành bất thiện, gây khổ đau cho mình và cho mọi người và khơi lên những tâm hành thiện. Tâm hành thiện càng nuôi lớn thì cuộc sống của các con trở nên thánh thiện hơn, các con biết thương yêu nhiều hơn.

Ba chú ngồi nghe Thầy chia sẻ một cách say mê, không chán, đôi mắt ai cũng sáng long lanh nhìn Thầy chăm chú như nuốt từng câu, từng chữ, từng lời. Thầy tiếp tục:

- Khi các con thấy mình buồn bực, giận hờn, ganh ghét, các con đừng vội làm điều gì cả, chỉ nên ra ngoài trời đi thiền khoảng mười phút thì sự giận hờn trong các con lắng dịu bớt, lúc đó các con có thể thấy được tại sao mình lại giận, nguyên nhân từ đâu. Nếu biết cách nhìn sâu, trung thực không bảo vệ mình mà chê người, thì các con sẽ thấy được nguồn gốc của nó. Có thể do sự hiểu lầm. Tri giác, suy nghĩ của chúng ta thường hay sai lầm, không thực, mình thường cho là mình đúng, người kia sai, mình luôn bảo vệ ý kiến, những suy nghĩ của mình mà không thấy được cái hay, cái đẹp của những ý kiến khác, từ đó sinh ra nhiều chuyện không hay, sinh ra hiểu lầm, trách móc nhau đủ thứ. Nhờ đi thiền chúng ta làm lắng dịu tâm ý, dừng lại bớt các suy nghĩ không lành trong đầu đang dấy khởi. Lúc đó chúng ta luôn bình tâm hơn mà nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, nếu các con giữ vững được từng bước thiền hành thì cuộc sống của các con ít gặp khó khăn, anh em không có sự bất hoà, lúc nào cuộc sống cũng tươi đẹp.

Hôm đó, Thầy đã hát cho các chú nghe bài Tâm An, Tâm An rất thích, bài hát mới hay làm sao, mà đặc biệt tên bài hát là tên mình nữa chứ.

"Quê hương đi về trên mỗi bàn chân

Bao nhiêu con đường mở ra độ lượng

Tâm không mong cầu bình an là vậy

An vui nơi này, an khắp mọi nơi

Niềm vui trải dài sự sống.

Tôi đi vững đôi bàn chân

Mắt tôi mở to giữa đời này đây.

Lòng không cầu làm mây trắng bay

Khổ đau từng nuôi ta lớn lên

Xin cho nắng mưa ngày sau

Vững một niềm tin chẳng hề nhạt phai

Hạnh phúc chưa từng là hạnh phúc mình tôi

Vì biết thương mình là đã biết thương trần gian."

Giọng Thầy hát rất hay, Thầy như khơi dậy trong tâm hồn các chú một sự hiểu biết sâu sắc, một tình thương rộng lớn mênh mông -Tình người. Tâm Từ ước gì sau này mình cũng làm được những bài thiền ca như vậy. Còn Tâm An, lòng chú như mở hội. Bài hát như một lời nhắn nhủ rằng: nếu chú sống được như tinh thần bài hát thì chú mới thực sự là Tâm An. Đến bây giờ chú cảm thấy tên mình hay đến lạ. Chú tự nói với lòng giờ đây mình phải tập đi sao cho “mỗi bước chân là quê hương” mình không cầu làm một nghệ sĩ như anh Tâm Từ, mình chỉ muốn mỗi con đường mình đi qua đều trải dài sự bình an, độ lượng, tha thứ bao dung thôi. Chú thắc mắc không hiểu tại sao “Tâm không mong cầu bình an là vậy, an vui nơi này, an khắp mọi nơi”. Chú định hỏi Thầy nhưng lại thôi. Chú nghĩ biết đâu được mình thực tập thiền đi rồi mình hiểu ra nó, chứ đụng cái gì mình cũng hỏi, có lúc Thầy trả lời có khi Thầy chỉ nói, con cứ thực tập đi rồi dần dần con tự hiểu, tự cảm nhận. Do đó có nhiều thắc mắc chú không hỏi nữa, chỉ lâu lâu chú thấy điều gì đó không hỏi chú không chịu được chú mới hỏi thầy thôi.

Sáng nào cũng vậy, bốn thầy trò cùng đi thiền hành quanh sân chùa, đi qua các hàng cây, những luống rau xanh mơn mởn. Không khí buổi sáng trong lành, êm ả, yên tĩnh. Từ khi thực tập nghe chuông, Tâm An đã biết lắng nghe mọi thứ âm thanh của thiên nhiên. Sự lắng nghe của Tâm An bây giờ khác trước nhiều. Thầy từng dạy các chú phải học hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quan Thế Âm. Lắng nghe để giúp người bớt khổ, lắng nghe với tâm không thành kiến, không phán xét. Nói như vậy chứ khó lắm đó. Nghe âm thanh của đất trời thì còn dễ hơn là nghe hai anh Tâm Chánh, Tâm Từ nói lúc buồn bực, hoặc lúc Tâm An phạm những sai sót được nhắc nhở, nhưng mình ít khi nào nghe với tâm không thành kiến, không phán xét mà trái lại mặc cảm tự ti nổi lên tràn trề.

Những vũ điệu của đôi chân không chỉ dừng ở đó, mỗi bước chân là mở ra một khung trời mới, lý thú vô cùng, nó dẫn dắt con người vào ba cánh cửa tự do, thảnh thơi, an lạc. Thầy đã chia sẻ điều đó với anh Tâm Chánh khi anh nói cho Thầy nghe kinh nghiệm thiền hành của mình.

- Dạ con kính thưa Thầy! trước đây Thầy dạy con đi thiền cho ba, cho mẹ để nối lại sự truyền thông với gia đình. Con đã thực hành ba tháng nay, bước một bước con đi cho ba, bước một bước con đi cho mẹ. Qua một thời gian, tự nhiên trong con cảm thấy mình có thể thương được mẹ, thông cảm được cho ba. Con thấy sự tất bật của ba, không bao giờ có thời gian bước được những bước chân chậm rãi, thảnh thơi như con. Ba đi như chạy, như đuổi với thời gian, ba con đầu tư tất cả thời gian cho công việc, ba đã đem về nhà nhiều thứ đắt tiền nhưng quanh năm con ít khi nào được gần ba nhiều cả. Mẹ con cũng vậy, nhiều khi đi làm về mệt, mẹ còn la con vô cớ nữa. Con buồn mẹ nhiều lắm. Ngày còn ở nhà, con chỉ có một ước muốn nho nhỏ thôi mà khó ơi là khó, được nắm tay ba mẹ vào mỗi buổi chiều cuối tuần đi dạo chơi trong công viên. Con cảm thấy ba nẹ không thương con, hắt hủi con, con đã từng nghĩ mình không thể nào thương được ba mẹ, những người suốt ngày ra lệnh, nếu không làm theo lệnh thì bị úp mặt vào tường, nhiều khi không phải lỗi của con mà cũng bị phạt, bị đánh, tức ơi là tức. Thế mà, kỳ diệu lắm, con đã đi thiền cho ba, cho mẹ con mới thấy được sự mệt mỏi, đau khổ của ba, ba không còn thời gian cho chúng con. Rồi con thấy thương mẹ nhiều hơn, con nhìn thấy sự chán chường, buồn bực nơi mẹ mỗi tối. Càng đi như thế thì bao nhiêu giận hờn, bực tức rơi rớt lại trên đường. Con đã biết cảm thông, biết thương yêu ba mẹ. Nhiều khi con ao ước một ngày nào đó ba mẹ được bước đi những bước chân thảnh thơi, bình an như con đi, nhưng điều đó chắc khó lắm, bởi đến bây giờ mà ba mẹ vẫn chưa hết giận con, vì con đã bỏ nhà vào chùa ở. Dạ thưaThầy! nếu mình tiếp tục đi như vậy thì mình sẽ chuyển hoá được những giận hờn của ba mẹ phải không Thầy? Nếu con đã thương được thì ba mẹ sẽ thương con, hiểu con nhiều hơn phải không Thầy?

- Tâm Chánh! Con giỏi lắm, con đã tự tháo gỡ những ngục tù trong lòng mình, con đã bỏ đi gánh nặng trên vai mà bước vào sự nhẹ nhàng, sự thanh thản của tâm hồn. Lòng con đã chuyển hoá dần dần con sẽ cảm hoá được ba mẹ mình. Các con, người ngoài đời như ba mẹ Tâm Chánh chỉ biết đi cho mau tới, chỉ biết chạy đuổi mục đích xa vời trong tương lai mà đánh mất giây phút hiện tại. Nhưng tương lai được làm trong hiện tại các con ạ. Còn chúng ta đi chỉ để mà đi thôi, không cầu mau tới, không mong mỏi một điều gì, chỉ biết một việc là an trú trong từng bước chân, trong từng hơi thở thôi, thưởng thức, cảm nhận sâu sắc những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, nhận diện được sự an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc với những gì mình đang có, tức là ta đang xây dựng cho một tương lai bình an, tươi đẹp đó các con. Tâm Chánh, con đã đi để mà dừng lại. Mỗi bước chân chánh niệm là sự dừng lại của các tâm hành bất thiện, dừng lại được thì mới có thể thấy rõ hơn, nhìn sâu hơn vào sự vật hiện tượng. Đó là những bước chân thành công, những bước chân như thế sẽ nâng chúng ta lên, sẽ là chiếc chìa khoá mở cánh cửa tự do thứ nhất. Giờ đây, các con cố gắng thực tập thiền hành rồi các con sẽ gặt được nhiều hoa trái của nó đem lại.

Thật vậy, hoa trái đầu tiên của Tâm An là niềm hạnh phúc khi hiểu ra được “tâm không mong cầu, bình an là vậy”. Khi nghe thầy giảng cho Tâm Chánh, chú đã mơ hồ nhận ra điều gì đó, nhưng một thời gian sau, khi đang thiền với Thầy, chú cảm nhận lòng mình thật yên tĩnh, mỗi bước chân như dạo chơi không một ước muốn nào tồn tại trong đầu chú lúc đó. Sự bình an xuất hiện một cách nhẹ nhàng. Chú tự mỉm cười, chú hiểu nếu an trú trong bước chân hiện tại thì sự mầu nhiệm, phép lạ hiển bày ra trước mắt. Chú thích thú với khám phá này lắm. Chú cảm thấy con đường thiền hành có xa bao nhiêu cũng không quá một bước chân. Đó mới là điều kỳ lạ, một điều mà người lớn có quá nhiều bận rộn, lo toan khó mà tiếp xúc được. Tự nhiên chú cảm thấy tình yêu thương dâng trào trong lòng. Chú muốn chia sẻ niềm hạnh phúc với mọi người, mọi loài, và cả con chó Kinô, con mèo nữa. Chú thầm hát:

“Hạnh phúc chưa từng là hạnh phúc mình tôi

Vì biết thương mình là đã biết thương trần gian”

Chà! thiền hành chỉ là đi thôi mà vi diệu lắm. Vũ điệu của đôi chân sẽ mãi mãi nhịp nhàng trên vạn nẻo đường, mỗi bước chân là thông điệp của tình thương và sự hiểu biết:

Em có nghe chăng ?

Lời yêu thương trong từng bước chân

Em có thấy không?

Gót sen hồng nở hoa chân lý

Từ bi và trí tuệ

Bừng sáng từng sát na

Thân tâm thường an trú

Xin nguyện thoát trầm luân.

Chương 1. Tiếng gọi của Thế Tôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Từ khóa: chúng ta
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 11


Hôm nayHôm nay : 21619

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 81299

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8532076