Chuyện đời vị thiền sư thi sỹ nổi tiếng nhất nước Nhật
Người ta nói rằng, Bashô có tới 2.000 đệ tử và có những người sống cách ông vài thế kỷ vẫn tự nhận mình là học trò của vị thiền sư thi sĩ lừng danh. Thế nhưng, có lẽ ít người biết rằng, cuộc hành trình đến với vinh quang và danh tiếng của vị thiền sư thi sĩ Bashô cũng chẳng lấy gì làm bằng phẳng…
Tình bạn thời niên thiếu
Bashô sinh ngày 16/12/1644 trong một gia đình võ sĩ cấp thấp ở thành Ueno thuộc Iga, nay là huyện Mie. Khi mới chào đời, Bashô có tên là Kinsaku, lớn lên, ông đổi tên thành Matsuo Munefusa. Khi cha của Bashô sắp mất, ông được tuyển vào làm gia nhân cho Tôdô Yoshitada, con trai thứ ba của lãnh chúa thành Ueno. Lúc này Bashô mới vừa 9 tuổi, nhỏ hơn chủ nhân Yoshitada của mình 2 tuổi.
Mỗi ngày, ngoài việc giúp chuyện bếp núc, Bashô còn là bạn đèn sách của vị chủ nhân trẻ tuổi. Như một cơ duyên trời định, Yoshitada và Bashô đều yêu thích làm thơ, đặc biệt là thể loại thơ haikai, một thú tiêu khiển tao nhã của trí thức đương thời. Yoshitada lấy bút hiệu là Sengin, nghĩa là tiếng ve kêu còn Bashô lấy bút hiệu là Sôbô. Cũng vào thời điểm này, sự phát lộ năng khiếu làm thơ của Bashô đã được nhà thơ cũng là nhà phê bình nổi danh lúc bấy giờ là Kitamura Kingin phát hiện. Ông trở thành người thầy đầu tiên rèn cặp cho Bashô về thơ haikai.
Nếu như cuộc sống cứ lặng lẽ trôi đi thì chắc hẳn Bashô đã suốt đời an phận với định mệnh làm một người võ sĩ cấp dưới, thỉnh thoảng vui cùng bầu rượu túi thơ với chủ nhân của mình trong những ngày nhàn hạ. Tuy nhiên, vận mệnh của Bashô đã hoàn toàn thay đổi khi chủ nhân, đồng thời cũng là người bạn tri âm tri kỷ của ông mắc bệnh nặng và chết vào năm mới 24 tuổi (năm 1666). Vì quá thương tiếc người bạn thơ của mình, Bashô đã lên núi Koya đặt một nạm tóc của bạn vào chùa và quyết định rời bỏ lâu đài Ueno mặc dù không được phép của lãnh chúa. Bashô đến Kyoto và sống ở đây 6 năm cho tới năm 1672.
Mùa xuân năm 1672, sau một thời gian về quê chừng vài tháng, ông dời lên sống ở Edo. Tại đây, Bashô đã làm rất nhiều nghề khác nhau để kiếm sống, tuy nhiên, ông cảm thấy mình chỉ hợp với văn chương. Bashô dành thời gian để trau dồi thêm về thi ca. Sau đó ít lâu, ông mở lớp dạy thơ haikai, thu nhận học trò.
Năm 1675, Bashô có cơ hội được xướng họa cùng thi sĩ Nishiyama Soin, chủ soái của trường phái Danrin, một trong hai trường phái thơ haikai nổi tiếng đương thời. Tư tưởng thơ haikai của Nishiyama Soin, đứng trên mọi sự dung tục và tầm thường, vượt thoát ra ngoài khuôn khổ của một thể loại thơ giải trí thế tục đơn thuần vốn đang thịnh hành toàn quốc với trường phái Teimon, đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và sáng tác của Bashô về sau.
Năm 1680, Bashô ba mươi sáu tuổi, giữa lúc danh tiếng ngày một lan rộng, ông đột ngột quyết định thôi dạy và dọn về Osongs trong một túp lều tranh ở Fukagawa cạnh bờ sông Sumida, một vùng hẻo lánh ở Edo lúc bấy giờ.
Lúc bấy giờ, một học trò khá giả trong lớp thơ haikai của Bashô là Sampu đã bỏ tiền xây cho thầy mình một túp lều để Bashô có thể làm bạn cùng thiên nhiên. Khi túp lều được xây xong, Sampu đã đem tặng cho Bashô ba cây chuối (tiếng Hán gọi là ba tiêu), một giống cây mà đương thời chỉ có ở Trung Quốc. Bashô rất quý những câu chuối lạ này vì vậy quyết định đem trồng ở trong sân nhà.
Vì cây chuối hiếm thấy ở Nhật Bản nên những người khách đến thăm Bashô bắt đầu gọi túp lều của ông theo cái tên của loài cây lạ Bashô-an, tức Am ba tiêu (Am cây chuối). Rồi chẳng bao lâu sau đó, người ta gọi chủ nhân của túp lều là Bashô-Sensei, tức Tiên sinh Ba tiêu. Cũng trong khoảng thời gian này, một hòa thượng tên là Butchô đến sống ở gần Am Ba tiêu của Bashô.
Chính vì vậy, một cách rất ngẫu nhiên, Bashô bắt đầu tham Thiền dưới sự chỉ dẫn của vị thiền sư này. Mặc dù chưa bao giờ chính thức xuất gia tu hành, song Bashô vẫn hàng ngày tu tập Thiền và ăn mặc giống như một nhà sư.
Trong thảo am, ngày ngày ngồi tham Thiền và đọc sách, Bashô lần lần ý thức rằng thơ haikai không chỉ là trò giải trí hay thú tiêu khiển, mà phải biểu lộ sâu sắc thái độ của người làm thơ đối với cuộc sống. Thơ của Bashô dần dần thể hiện vẻ đẹp u hoài diệu vợi của thiên nhiên, và cuộc sống hiu quạnh của chính mình, mang đậm tính triết lý của đạo Thiền.
Và cuộc lữ hành ngàn dặm
Sau khi về ở ẩn ở Fukagawa được hai năm, vào tháng 12- 1682, một cơn hỏa hoạn khốc liệt tàn phá thành phố Edo. Am Ba tiêu của Bashô cũng làm mồi cho biển lửa. Theo lời thuật lại của môn đệ, lúc đó Bashô phải nhảy xuống sông Sumida và che mình bằng một chiếc chiếu để tránh sức nóng thiêu người mới thoát chết.
Nơi cư ngụ duy nhất đã làm mồi cho lửa, Bashô trở thành một kẻ không nhà. Ý tưởng phiêu bạt vốn đã nhen nhóm từ lâu trong tâm tư của nhà thơ bấy lâu đột nhiên bùng dậy. Có lẽ đây là lúc mà nhà thơ ý thức sâu sắc hơn bao giờ cả về sự tạm bợ, vô thường của cuộc đời. Tạm lánh thân gần nửa năm tại nhà một môn đệ vùng Kai, nay là huyện Yamanashi đến tháng 5-1683 Bashô trở về lại Edo.
Môn đệ cùng nhau góp sức dựng một Am Ba tiêu khác ngay ở chỗ cũ. Đầu mùa đông năm đó túp lều dựng xong. Nhưng rồi giấc mộng hải hồ vẫn cứ thôi thúc nhà thơ. Chính vì vậy, trong suốt 10 năm cuối cùng của cuộc đời, với chiếc nón lá hay chiếc mũ vải màu lam, cây trượng và cái đãy đầu đà, Bashô đã phiêu bạt khắp nơi trên đất nước Nhật Bản.
Chuyến hành trình của Bashô bắt đầu vào mùa thu năm 1684, lúc nhà thơ vừa đúng bốn mươi. Rời Edo, Bashô đi dọc theo Tôkaidô, “con đường thiên lý” về miền tây chạy ben bờ Thái Bình Dương. Con đường này dẫn Bashô qua chân núi Phú Sĩ, vượt khá nhiều con sông rộng trước khi đến đền thờ Nữ thần Mặt trời ở Ise.
Sau khi tham bái ở ngôi đền nổi tiếng này, Bashô trở về ở Ueno thuộc vùng Iga, viếng mộ mẫu thân rồi trú lại đó khoảng bốn, năm ngày. Rời Ueno, Bashô đi ngắm núi Yoshino, từ đó băng thẳng lên bờ phía Nam của hồ Biwa, rồi theo đường Ômi đến đến Ôgaki thuộc vùng Minô vào hạ tuần tháng chín.
Người quen ở đây mở hội thơ haikai đón Bashô. Qua những hội thơ như thế này người xin làm môn đệ của Bashô ngày càng đông. Từ Ôgaki, Bashô xuống Kuwana lấy thuyền đi Atsuta để lên Nagoya. Bashô ở lại vùng này cho đến hạ tuần tháng 12, trước khi về quê ăn tất niên rồi ở lại đấy thăm viếng bạn bè cho đến cuối tháng giêng. Sau đó Bashô ngao du ở Nara và Kyoto, đến cuối tháng 4-1685 mới về lại Edo.
Tháng chạp năm 1687, Bashô lại về miền tây trong cuộc hành trình dài mười tháng, ghé núi Yoshino thưởng ngoạn, sau đó về thăm bến Waka-no-ura cùng các thị trấn Suma và Akashi trên bờ biển Seto. Hạ tuần tháng 3-1689, Bashô cùng đệ tử là Sora bắt đầu cuộc hành trình lên miền Oku ở Đông Bắc của đảo Honshû – một vùng thuở ấy hãy còn hoang sơ, chưa có người khai phá. Chuyến đi dài năm tháng và quãng đường Bashô đã đi qua dài đến 2500 cây số.
Những chuyến đi dài bất tận không những mang đến cho Bashô hàng ngàn người ái mộ và các đệ tử mà còn tạo ra cảm hứng cho hàng ngàn bài thơ nổi danh của Bashô. Cho tới khi trở về Edo vào năm 1691, danh tiếng của Bashô đã ở mức tột đỉnh. Xung quanh vị thiền sư thi sĩ lúc nào cũng tấp nập những người ái mộ và môn đệ. Mặc dù vậy, Bashô dường như vẫn chưa nguôi ý muốn tiếp tục những cuộc hành trình.
Chuyến đi cuối cùng của Bashô bắt đầu vào giữa năm 1694 và lần này, Bashô đi cùng với Jirôbei, người con thứ hai của ni cô Jutei, người phụ nữ Kyoto từng được cho là người tình của Bashô khi còn trẻ.
Mặc dù chưa có bất cứ bằng chứng nào để khẳng định, tuy nhiên, mối quan hệ bí ẩn giữa Bashô và Jutei cũng như sự quan tâm đặc biệt mà Bashô dành cho đứa con trai của Jutei khiến người ta tin rằng, Jirôbei chính là kết quả của mối tình thời trai trẻ của Bashô.
Đầu tháng sau, trên đường lữ hành thì Bashô nhận được tin ni cô Jutei qua đời trong khi đang dưỡng bệnh tại Am Ba tiêu. Cuộc hành trình buộc phải kết thúc dở dang khi Jirôbei phải trở về lo an táng cho mẹ. Vì quá đau xót, Bashô cũng thu xếp hành lý trở về quê ở Ueno và ở nơi đây suốt 2 tháng sau đó.
Khi Jirôbei trở lại, Bashô đã tiếp tục cuộc hành trình cuối cùng của mình lên miền Osaka. Tuy nhiên, sự ra đi của Jutei có lẽ là một đòn giáng quá mạnh đối với Bashô. Người ta thấy sức khỏe Bashô kém đi rõ rệt mặc dù ông vẫn hăng hái với những chuyến đi. Nhiều lúc, mới đi chừng một cây số thì Bashô đã mệt nhoài và không thể tiếp tục đi được nữa. Khi đến được Osaka thì Bashô lâm bệnh nặng. Cho đến ngày 12/10/1694, vị thiền sư thi sĩ nổi danh của nước Nhật đã trút hơi thở cuối cùng trên con đường lữ hành của mình. Năm đó Bashô mới 51 tuổi.
Tác giả bài viết: Admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn