Trang nhất » Tin Tức » VĂN HÓA

PHẬT GIÁO VÀ VĂN HÓA

Thứ năm - 15/09/2011 08:28

PHẠM CÔNG THIỆN

http://www.buddhahome.net/VanhocPG/VanHocPGVNHaiNgoaiSK/Tac%20gia%20N%20V/Pham%20Cong%20Thien_files/image002.jpg

Sinh ngày 01 tháng 6 năm 1941 tại Mỹ Tho, Việt Nam.

Pháp danh:  Nguyên Tánh.

Đệ tử của Hòa Thượng Thích Trí Thủ.

Tiến sĩ Triết học tại Đại học Sorbonne, Pháp.

Khoa Trưởng Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Giám Đốc Soạn Thảo Chương Trình Giảng Dạy cho tất cả Phân Khoa của Viện Đại Học Vạn Hạnh, từ năm 1966 đến 1970.

Giáo sư Triết học tại Đại học Toulouse, Pháp.

Đã lìa Việt Nam từ năm 1970 cho đến nay.

Hiện định cư tại Hoa Kỳ và giảng dạy Phật Pháp tại các Chùa ở Hoa Kỳ.

Chủ bút tạp chí Chân Nguyên.

Có bài đăng trên nhiều báo chí văn học Việt Nam tại hải ngoại và báo chí cũng như websites Phật Giáo Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản:

-    Ngày Sinh Của Rắn

-    Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực

-    Tiểu Luận Về Bồ Đề Đạt Ma

-    Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học

-    Im Lặng Hố Thẳm

-    Hố Thẳm Tư Tưởng

-    Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng – Krishnamurti, Phạm Công Thiện dịch Việt

-    Trời Tháng Tư

-    Phương Tiện Thiện Xảo

-    Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất

-    Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Im Lặng

-    Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên

-    Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Sự Im Lặng, hay Sự Chuyển Động Toàn Diện Của Tâm Thức Trong Tư Tưởng Phật Giáo

-    Khơi Mạch Nguồn Thơ Thi Sĩ Seamus Heaney

-    Nguyễn Du Đại Thi Hào Dân Tộc

-    Như Vua Rắn Nhìn Ngó Quan Sát Các Đại Tỳ Kheo Và Các Đại Bồ Tát

-    Đối Mặt Với Một Trăm Năm Cô Đơn Của Nietzsche (1900-2000)

-    Khai Ngôn Cho Một Câu Hỏi Dễ Hiểu: Triết Học Là Gì?

-    Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Bậc Bồ Tát Sáng Rực Khắp Bốn Phương

-    Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo

Những bài viết khác:

-    Một buổi sáng đọc thơ Tuệ Sỹ

-    Hai vị Thiền sư

-    Buổi chiều nắng hạ đọc thơ Tuệ Sỹ

-    Văn hệ Bắc Phạn

-    Giới thiệu Đức Đạo Kinh của Lão Tử.

 

PHẬT GIÁO VÀ VĂN HÓA

G.S. Phạm Công Thiện

(Nguồn www.buddhahome.net)

Kính thưa các Ngài,

Tôi xin dùng chữ “Ngài” để gọi tất cả quí vị tôn kính nhất đang có mặt tại nơi đây vào giờ phút hiện tại này.

Phần đông các ngài có mặt hôm nay chắc chắn đều nhớ rằng bao nhiêu kinh luận Phật giáo đều dạy cho chúng ta một điều khó quên đối với bất cứ ai muốn nói một cái gì trước đám đông quần chúng.

Hiển nhiên các ngài có thể đoán được tôi muốn nói gì?

Không phải thế. Tôi không muốn sử dụng những thuật ngữ Phật giáo quá đẹp như ái ngữ, chân ngữ, như thực ngữ, bất cuống ngữ, vân vân. Tôi chỉ muốn dùng đôi ba chữ bình thường mà tôi đã học được trong kinh Phật; điều đáng nhớ nhất là thế này, đối với người muốn nói trước đám đông quần chúng: khi mình chịu khó tu hành đàng hoàng một chút thôi thì mình sẽ không bao giờ cảm thấy rụt rè sợ hãi lúc đứng nói trước công chúng. Tất nhiên, chúng ta cũng cần hiểu điều đáng nhớ này một cách sáng suốt hơn nữa và đúng hơn nữa cho được “liễu nghĩa kinh.” Không phải ăn nói thao thao bất tuyệt và rất là hùng biện, vững vàng, dứt khoát, rành rẽ, hấp dẫn, biết pha trò đúng lúc, tự tin trọn vẹn, học thuộc bài đúng theo loại sách “học làm người” như những quyển sách có tên khêu gợi như “Nghệ thuật nói trước quần chúng”, “Đắc nhân tâm”, “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, vân vân, thì có nghĩa ngây thơ rằng mình đã thực hiện được điều đáng nhớ trong kinh Phật; có thể tóm tắt điều đáng nhớ ấy trong một câu ngắn gọn: Không sợ thính chúng, vì mình đã cố gắng tu hành chút ít trong khả năng rất giới hạn của mình.

Nếu tạm được như thế thì dù có nói năng ấp úng, lưỡng lự, không trôi chảy đi nữa cũng có thể có ích lợi cho mình và cho những người khác.

Về mặt công đức tu hành, tôi thường tự nghĩ rằng tôi chẳng bao giờ thấy mình tu hành đàng hoàng cả, mà phải nói ngược lại thì đúng hơn. Tôi thường khinh bỉ tất cả những người giả vờ khiêm tốn để che giấu cái ngạo mạn khả ái của mình, và tất cả những người có thói mỉa mai người khác một cách lễ phép kín đáo thì cũng đáng khinh bỉ: tôi vẫn chưa thực hành được bài học lớn nhất mà ngài bổn sư của tôi, Hòa Thượng Thích Trí Thủ, đã dạy lặng lẽ trong đời sống của ngài: “Thường Bất Khinh Bồ Tát…”

Kinh luận Phật giáo thì gồm khoảng vài ba trăm ngàn trang mà chỉ thực hành vài ba chữ thôi mà mấy triệu tỷ ngàn kiếp rồi tôi vẫn chưa thực hành được và nhất là ở kiếp này. Thí dụ như chỉ ba chữ “Bồ Đề Tâm.”

Đứng về mặt văn hóa học thuật, tôi có thể viết mười ngàn trang về “Bồ Đề Tâm” một cách dễ dàng nhanh chóng, với đủ lối giải thích uyên bác ngu xuẩn đầy chữ Phạn, chữ Hy Lạp, chữ Tây, vân vân (dù chữ Hy Lạp hay chữ Tây không có chữ nào tương ứng với Bồ Đề Tâm thì mình vẫn có thể nói đến cái bất tương ứng ấy để làm sáng nghĩa cái tạm gọi là tương ứng, vân vân), nhưng đứng về mặt Phật giáo, nhất là mặt hành trì tu chứng thì tôi hoàn toàn là một số không khổng lồ…

Chủ đề của Đại hội Khoáng đại thứ Nhất này là: Hóa giải và Xây dựng và buổi nói chuyện của tôi được lồng vào xen kẽ với đề tài mới nghe qua thì rất là “chữ nghĩa” (tôi nói là “chữ nghĩa”, mặc dù không có chủ nghĩa nào mà không được xây dựng trên, dưới, qua chữ và nghĩa).

Đề tài rất “chữ nghĩa” là: Phật giáo và Văn hóa.

Từ bên Úc châu, qua điện thoại, tôi đã vội vàng nhận lời; trở về nước Hoa Kỳ, tôi mới giựt mình thấy rằng tự mình mà mình đã tung dây ra để tự buộc lấy mình… Tôi đã tự xô mình xuống Hố Thẳm với một đề tài rất sáo, rất ư là học giả, là học đường, rất mực chữ và chữ, tràn đầy sách, đầy mùi thư viện, vân vân. Trên hai tháng trở về lại Hoa Kỳ, tôi đã mất ăn mất ngủ vì phải đọc rất nhiều sách và phải suy nghĩ rất nhiều, để rồi kết quả… Kết quả?

Không thể nói về Phật giáo, và cũng không thể nói về Văn hóa.

Vậy phải làm thế nào? Như tôi đã làm suốt cuộc đời tôi từ lúc mới sinh, cho đến lúc trước khi mới sinh, cho đến lúc chết và sau khi đã chết. Nghĩa là: tôi đã nhảy hay đã bị xô nhảy vào lòng Phật giáo, vào lòng Văn hóa từ lúc biết thở một hơi thở đầu tiên trên trái đất này.

Phật giáo là gì?

Chỉ xin trả lời ngắn gọn hai chữ thôi:

Phật giáo chỉ là: Nhớ Phật.

Và Nhớ Phật là gì?

Là Nhớ Pháp và Tăng.

Nhớ Pháp và Tăng là nhớ gì?

Nhớ Không Tánh.

Nhớ Không Tánh là gì?

Là không hý luận.

và hý luận là gì?

Là văn hóa.

Tại sao gọi Văn hóa là Hý luận?

Chữ văn là chữ Hán và chữ hóa là chữ Hán; hình thức hai chữ Hán ghép lại, nhưng nội dung ý nghĩa chính là cách dịch ý nghĩa của chữ culture của Tây phương. Nói tóm lại, muốn hiểu mấy chữ văn hóa một cách tinh nghĩa nghiêm mật thì phải nắm lấy cái tính thể của Tây phương. Tính thể của Tây phương, chữ Hy Lạp gọi là ousia, và ousia là cái gì? Không lẽ giữa Đại hội Phật giáo, tôi lại làm cái việc lố bịch là giảng lại triết học Tây phương như tôi đã làm từ lúc trẻ đến già, như những năm tôi giảng dạy triết học Tây phương để luyện thi cho sinh viên Tây đi thi lấy bằng cấp thạc sĩ Triết học (mà tôi được hội đồng phân khoa Triết tuyển cử để dạy chương trình agrégatifs tại đại học Toulouse các đây trên hai chục năm…).

Nếu muốn nói về văn hóa theo điệu nhà trường mô phạm đứng đắn, không lẽ giữa lòng Đại hội Phật giáo, tôi lại phải giải thích chữ culture xuất hiện từ lúc nào và nội dung ra sao (như nhà thông thái, giáo sư ở Collège de France, Fernando Braudel, đã giảng giải rõ ràng từ những trang 3-8, cho đến những 27-33 trong quyển sách được dịch ra chữ Anh, A History of Civilizations, mới được xuất bản ở Mỹ cách đây hai năm), không lẽ tôi lại phải đề cập thế nào là “vượt qua văn hóa” như giáo sư Nhân chủng học Edward T. Hall ở đại học North Western University, không lẽ tôi lặp lại ba định nghĩa văn hóa của thi hào T.S. Eliot, giải Nobel Văn chương năm 1948, như chúng ta đã được đọc trong quyển sách nổi tiếng của thi hào Notes towards the Definition of Culture? Không lẽ tôi phải mất giờ biện luận về những nguồn gốc về văn hóa như giáo sư Nhân chủng học Marvin Harris của đại học Columbia để hiểu tại sao dân Ấn Độ lại thờ con bò và tại sao mấy vị Bà La Môn Ấn Độ giáo thay đổi từ chuyện ăn chay đến việc từ bỏ ăn thịt bò? Không lẽ tôi lại mất giờ thảo luận lại với Spengler về sự Sụp Đổ Tàn Tạ của Tây phương cùng ý nghĩa linh động của Spengler đối với Văn Hóa là cái gì đang hình thành và Văn Minh là cái gì đã trở thành chấm dứt xong hết, kết thúc? Không lẽ tôi phải đối thoại và hý luận với nhà thần học Hendrik Kraemer về những tôn giáo ở thế giới và những nền văn hóa ở thế giới như trong quyển World Cultures and World Religions? Không lẽ tôi phải đề cập đến Arnold Toynbee về việc nữ hoàng Hồng Mao Victoria đã làm lẽ hoàng thọ vào năm 1897, đối với Toynbee cũng là “thời điểm” đánh dấu tất cả Đông phương và tất cả thế giới đã nằm dưới sự cai trị toàn diện của văn hóa Tây phương trong bốn trăm năm? Sau bốn trăm năm, còn một năm nữa, từ 1897 cho đến 1997 thì được trọn 500 năm?

Tuy nhiên hiện nay, văn hóa Tây phương đang sụp đổ.

Tôi không muốn nói quá mạnh như nhà thần kinh bệnh học nổi tiếng R.D. Laing năm 1967 rằng “Thế gới Tây phương đang bị bệnh điên” (“The psycho-analyst Laing is convinced that the Western world is mad” như E.T. Hall đã nhắc dẫn trích nơi trang 9 ở quyển Beyond Culture).

Thực ra, có một điều cần đáng nhớ hơn nữa, nhà thần học Thiên Chúa giáo La Mã nổi tiếng H. De Lubac đã từng lo sợ: “Si l’Europe ne retrouve pas sa foi, alors elle est mure pour une colonisation spirituelle” (cf. Hendrik Kraemer, op. cit. p. 322). Linh mục H. De Lubac đã lo sợ quá đáng: Phật giáo không bao giờ “thực dân hóa hay đô hộ tâm linh” bất cứ dân tộc nào…

Trước khi chết, vào năm 1975, Arnold Toynbee đã báo động rằng Văn hóa và Văn minh Tây phương đang đưa loài người đến vực thẳm và ông kêu gọi trở về đời sống tôn giáo tâm linh cao cả. Trong mấy ngàn năm văn hóa và văn minh nhân loại, trong quyển sách cuối cùng Mankind and Mother Earth thì ông thấy chỉ có 5 bậc đạo sư vĩ đại nhất (Zarathustra, Deutero-Isaiah, Pythagoras, Khổng Tử và Đức Phật), và theo Toynbee, một người suốt đời nghiên cứu mấy chục nền văn minh nhân loại thì Đức Phật là kẻ vĩ đại nhất, cao siêu nhất (trang 179: “The Buddha, who was the most sublime of the five…” và đồng thời là kẻ sâu sắc nhất, triệt để nhất: “… was also the most radical of them”).

Có lẽ cũng nên bớt hý luận, và xin đưa ra vài ba câu rút gọn lại đề tài Phật giáo và Văn hóa:

1. Không thể đặt Phật giáo ngang hàng với Văn hóa;

2. Phật giáo là suối nguồn nuôi dưỡng Văn hóa;

3. Không thể Tây phương hóa Phật giáo mà ngược lại;

4. Phải cần Phật giáo hóa Khoa học hiện nay mà không thể ngược lại;

5. Cộng sản Việt Nam chỉ là sản phẩm hậu thời cuối mùa của Văn hóa Tây phương.

Chỉ có thể nhảy vào lòng đạo Phật là khi nào chúng ta thể nhập toàn diện 108 lộ trình Phật giáo, phần tạp nhiễm gồm 53 và phần thanh tịnh gồm 55 (xin đọc lại Luận Đại Trí Độ của Long Thọ do Vân Nguyên dịch, Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới xuất bản năm 1992, trang 203-212) và nhất là thực hành pháp môn Lam Rim từ Nương tựa đạo sư cho đến Chỉ và Quán (xin đọc quyển Joyful Path of Good Fortune của Geshé Kelsang Gyatso).

Riêng đối với tôi thì chỉ xin nguyện niệm Phật và trì chú liên tục từ kiếp này cho đến bao nhiêu kiếp sau… Xin chân thành cảm tạ các ngài.

Nam Mô A Di Đà Phật

Om mani padme hum!

Nguồn: buddhahome.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 75


Hôm nayHôm nay : 2326

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 50390

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7784506