21/ Tiếng vỗ của một bàn tay
Mokurai, Tiếng Sấm Tĩnh Lặng, là thiền sư trụ trì chùa Kennin. Sư có một đệ tử nhỏ tên Toyo mới 12 tuổi. Toyo thấy các đệ tử đàn anh vào phòng thầy mỗi sáng và tối để nhận giáo huấn trong lớp riêng một thầy một trò và được hướng dẫn cá nhân về cách dùng công án để chận tâm trí không đi lang thang.
Toyo cũng muốn được vào lớp riêng.
Mokurai nói, “Đợi một thời gian đã. Con còn nhỏ.”
Nhưng Toyo nằng nặc xin, vì vậy cuối cùng thầy cũng đồng ý.
Chiều tối, cậu bé Toyo đến đúng giờ, trước cửa phòng thầy Mokurai dùng làm lớp riêng. Cậu đánh một tiếng cồng báo hiệu đã có mặt, gập mình chào lễ phép ba lần ngoài cửa, và bước vào ngồi yên lặng một cách lễ độ trước mặt thầy,
“Con có thể nghe âm thanh của hai bàn tay khi hai tay vỗ vào nhau,” Mokurai nói. “Bây giờ chỉ cho thầy tiếng vỗ của một bàn tay.”
Toyo cúi chào và về phòng để suy nghĩ vể câu hỏi. Từ cửa sổ cậu có thể nghe nhạc của các cô geishas. “A, tôi có rồi!” cậy bé tuyên bố.
Sáng hôm sau, khi thầy hỏi cậu trình bày tiếng vỗ của một bàn tay, Toyo làm tiếng nhạc của geishas.
“Không, không,” Modurai nói. “Không bao giờ được. Đó không phải là tiếng vỗ của một bàn tay. Con chẳng hiểu gì cả.’
Nghĩ là nhạc của geishas cắt đứt dòng suy tưởng, Toyo chuyển chỗ ở đến một nơi yên lặng hơn. Cậu bé thiền định. “Tiếng vỗ của một bàn tay là gì?” Cậu bé nghe tiếng nước nhỏ giọt. “Tôi có rồi,” Toyo nghĩ.
Khi Toyo đến gặp thầy sau đó, cậu bé bắt chước tiếng nước nhỏ giọt.
“Cái gì vậy?” Mokurai hỏi. “Đó là tiếng nước nhỏ giọt, nhưng không phải là tiếng vỗ của một bàn tay. Cố thêm đi.”
Hoài công Toyo thiền định để nghe tiếng vỗ của một bàn tay. Cậu nghe tiếng thở dài của gió. Nhưng tiếng đó cũng bị thầy gạt bỏ.
Tiếng vỗ của một bàn tay cũng không phải là tiếng ve kêu.
Hơn mười lần Toyo vào thăm Mokurai với những loại tiếng khác nhau. Tất cả đều trật. Cả một năm, cậu bé suy nghĩ tiếng gì có thể là tiếng vỗ của một bàn tay.
Cuối cùng Toyo vào được thiền định thật sự và vượt lên trên tất cả mọi âm thanh . “Tôi chẳng còn tìm được tiếng nào nữa,” sau này cậu bé giải thích, “vì vậy tôi đạt được âm thanh im lặng.”
Toyo đã đạt được tiếng vỗ của một bàn tay.
Bình:
• Takeda Mokurai (1854-1930) (“Silent Thunder” – Tiếng Sấm Tĩnh Lặng) đi tu lúc còn nhỏ và được huấn luyện bởi các thiền sư hàng đầu thời đó. Mokurai trở thành sư trụ trì chùa Kennin, một trong những ngôi chùa cổ nhất và quan trọng nhất ở Kyoto, Nhật, vào năm 1892 khi Mokurai chỉ 38 tuổi. Mokujrai còn là một họa sĩ nổi tiếng với tên Sayu Núi Đông. Sayu vì một trong những bút danh của Mokurai là Sayutei, và Núi Đông là chỉ chùa Kennin.
• Bài này nói đển thủ tục lễ nghĩa khi đến gặp thầy để có lớp riêng với thầy (sanzen) rất rõ.
• “Dùng công án để chận tâm trí không đi lang thang.” Đây chính là yếu tính của công án. Đa số công án không phải là một câu hỏi cho một câu trả lời bằng chữ nghĩa hay lý luận, như câu hỏi “tiếng vỗ của một bàn tay” ở đây.
Người học trò, trong tiến trình tìm câu trả lời, sẽ tự nhiên tìm mọi cách để tập trung tư tưởng, không cho tư tưởng đi lang thang. Tâm sẽ lặng từ từ, như nghe tiếng nhạc, đến tiếng nước nhỏ giọt, tiếng thở dài của gió…
• Đến một lúc nào đó, tâm hoàn toàn tĩnh lặng đến nỗi không còn âm thanh nào có thể làm cho ta bị phân tâm. Tai nghe thì vẫn nghe, nhưng tâm hoàn toàn không xao động. Đó là “vượt lên trên” mọi âm thanh.
• Nhưng tại sao lại là tìm được “âm thanh tĩnh lặng” (soundless sound)?
Âm thanh tĩnh lặng (soundless sound) cũng là âm thanh của tĩnh lặng (sound of silence) như tên một bản nhạc của Simon and Garfunkel hay “tiếng thầm trong ngọc nói lời hay” của thiền sư Kiều Trí Huyền.
Tức là, trong tĩnh lặng ta “nghe”, “thấy”, “hiểu” hay “ngộ” được nhiều điều mà khi tâm ta bị phân tâm vì các “tiếng động” ta không nghe, không thấy, không hiểu.
Điều này thì chúng ta ai cũng đã có kinh nghiệm loáng thoáng phần nào—đôi khi ta tĩnh lặng, chẳng làm gì cả, chẳng suy nghĩ gì cả, tự nhiên bao nhiêu ý tưởng sáng tạo lại ùa đến. Tĩnh lặng làm con người thông thái ra, bao nhiêu vị thầy đã nói như thế.
• Tại sao vị học trò trong truyện này chỉ mới 12 tuổi?
Thưa, vì: (1) 12 tuổi thì ít có tiếng động trong đầu từ những lo lắng—con cái, công việc, chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện tiền bạc, chuyện nợ nần… và (2) 12 tuổi thí ít có kiến thức lý luận để mà có thành kiến “Làm sao một tay mà phát ra tiếng vỗ được? Vô lý!”
Tức là nếu cái tâm ta càng nhẹ nhàng, giản dị, và không cố chấp, như trẻ thơ, thì ra sẽ thiền dễ hơn và đạt giác ngộ dễ hơn.
Muốn vào được thiên đàng thì hãy như trẻ thơ.
.
The Sound of One Hand
The master of Kennin temple was Mokurai, Silent Thunder. He had a little protégé named Toyo who was only twelve years old. Toyo saw the older disciples visit the master’s room each morning and evening to receive instruction in sanzen or personal guidence in which they were given koans to stop mind-wandering.
Toyo wished to do sanzen also.
“Wait a while,” said Mokurai. “You are too young.”
But the child insisted, so the teacher finally consented.
In the evening little Toyo went at the proper time to the threshold of Mokurai’s sanzen room. He struck the gong to announce his presence, bowed respectfully three times outside the door, and went to sit before the master in respectful silence.
“You can hear the sound of two hands when they clap together,” said Mokurai. “Now show me the sound of one hand.”
Toyo bowed and went to his room to consider this problem. From his window he could hear the music of the geishas. “Ah, I have it!” he proclaimed.
The next evening, when his teacher asked him to illustrate the sound of one hand, Toyo began to play the music of the geishas.
“No, no,” said Mokurai. “That will never do. That is not the sound of one hand. You’ve not got it at all.”
Thinking that such music might interrupt, Toyo moved his abode to a quiet place. He meditated again. “What can the sound of one hand be?” He happened to hear some water dripping. “I have it,” imagined Toyo.
When he next appeared before his teacher, he imitated dripping water.
“What is that?” asked Mokurai. “That is the sound of dripping water, but not the sound of one hand. Try again.”
In vain Toyo meditated to hear the sound of one hand. He heard the sighing of the wind. But the sound was rejected.
He heard the cry of an owl. This was also refused.
The sound of one hand was not the locusts.
For more than ten times Toyo visited Mokurai with different sounds. All were wrong. For almost a year he pondered what the sound of one hand might be.
At last Toyo entered true meditation and transcended all sounds. “I could collect no more,” he explained later, “so I reached the soundless sound.”
Toyo had realized the sound of one hand.
22/ Quả tim tôi cháy như lửa
Soyen Shaku, thiền sư đầu tiên đến Mỹ, nói: “Tim tôi cháy như lửa nhưng mắt tôi lạnh như tro chết.” Thiền sư có những quy luật thực hành mỗi ngày trong đời, như sau:
• Mỗi buổi sáng trước khi thay áo quần, đốt nhang và ngồi thiền.
• Đi ngủ đúng giờ mỗi ngày. Ăn đúng giờ. Ăn vừa đủ, không bao giờ đến mức thỏa mãn.
• Tiếp khách với thái độ y như lúc chỉ một mình. Lúc một mình, giữ thái độ y như lúc tiếp khách.
• Cẩn trọng trong lời nói, và nói điều gì thì thực hành điều ấy.
• Khi cơ hội đến, đừng để nó vuột mất, nhưng luôn luôn suy nghĩ hai lần trước khi hành động.
• Đừng ân hận về dĩ vãng. Nhìn về tương lai.
• Có thái độ không biết sợ của một anh hùng và quả tim yêu ái của một em bé.
• Khi đi ngủ, ngủ như là giấc ngủ cuối trong đời. Khi thức dậy, rời khỏi giường tức thì như là vất đi một đôi giày cũ.
Bình:
• Soyen Shaku (釈宗演, 1859 – 29.10.1919, sinh ở Kamakura, Japan, là thiền sư đầu tiên giảng thuyết ở Mỹ. Thiền sư là Lão Sư (Roshi) của dòng thiền Lâm Tế và là sư trưởng của cả hai chùa Kencho và Engaky ở Kamakura. Shaku là đệ tử của Imakita Kosen và có một đệ tử rất nổi tiếng trong việc mang Phật học và Thiền học đến phương Tây – D.T. Suzuki.
• “Tim tôi cháy như lửa nhưng mắt tôi lạnh như tro chết.” Câu này ý chỉ người tình cảm nồng nàn nhưng ngoài mặt thì lạnh lùng? Shaku nhìn bên ngoài lạnh lùng thật.
Hay muốn nói, những cái thấy được bên ngoài (danh sắc) không ảnh hưởng tôi, nhưng từ ái thì mạnh mẽ trong tôi?
Dù sao đi nữa thì, nói rằng “tim tôi cháy như lửa” nghe cũng hơi xa lạ với Phật gia, vì Niết Bàn (Nirvana) có nghĩa là “lửa đã tắt.”
Các bài giảng của Soyen Shaku ở Mỹ được SuzukI dịch sang Anh ngữ trong quyển Sermons of a Buddhist abbot: addresses on religious subjects
• Tám qui luật sống hàng ngày của Shaku:
1. “Mỗi buổi sáng trước khi thay đồ, đốt nhang và ngồi thiền.” Vài phút tĩnh lặng hoặc cầu nguyện sẽ giúp mở đầu tâm tĩnh lặng cho một ngày.
2. “Đi ngủ đúng giờ mỗi ngày. Ăn đúng giờ. Ăn vừa đủ, không bao giờ đến mức thỏa mãn.” Các bác sĩ ngày nay cũng khuyên thế.
3. “Tiếp khách với thái độ y như lúc chỉ một mình. Lúc một mình, giữ thái độ y như lúc tiếp khách.” Khi có khách thì thành thật (như với chính mình lúc một mình), khi một mình thì nghiêm chỉnh (với chính mình như đang trước mặt khách).
4. “Cẩn trọng trong lời nói, và nói điều gì thì thực hành điều ấy.” Để lời nói đáng tin. Thực hành điều mình nói. Chứ không phải “Hãy nghe điều tôi nói, đừng làm điều tôi làm.” Thầy đạo đức giả và dối trá thời nào cũng nhiều.
5. “Khi cơ hội đến, đừng để nó vuột mất, nhưng luôn luôn suy nghĩ hai lần trước khi hành động.” Cơ hội đến không chịu nắm lấy mà hành động, rồi lại trách trời chẳng thương tôi!
6. “Đừng ân hận về dĩ vãng. Nhìn về tương lai.” Đã làm điều gì lầm lỗi thì cũng đừng ngồi đó tự lấy búa gõ đầu hoài. Chấp nhân đó là lỗi lầm của mình, rồi đứng dậy và hăng hái đi về hướng tương lai.
7. “Có thái độ không biết sợ của một anh hùng và quả tim yêu ái của một em bé.” Anh hùng với tấm lòng yêu ái và trong sáng.
8. “Khi đi ngủ, ngủ như là giấc ngủ cuối trong đời. Khi thức dậy, rời khỏi giường tức thì như là vất đi một đôi giày cũ.” Không lo lắng suy tư đủ mọi thứ khi đi ngủ. Thức dậy thì hoạt động ngay.
Nhưng… xem ra thiền sư chưa biết thú nằm nướng nhất là vào các ngày cuối tuần và nghỉ lễ.
My Heart Burns Like Fire
Soyen Shaku, the first Zen teacher to come to America, said: “My heart burns like fire but my eyes are as cold as dead ashes.” He made the following rules which he practiced every day of his life.
* In the morning before dressing, light incense and meditate.
* Retire at a regular hour. Partake of food at regular intervals. Eat with moderation and never to the point of satisfaction.
* Receive a guest with the same attitude you have when alone. When alone, maintain the same attitude you have in receiving guests.
* Watch what you say, and whatever you say, practice it.
* When an opportunity comes do not let it pass you by, yet always think twice before acting.
* Do not regret the past. Look to the future.
* Have the fearless attitude of a hero and the loving heart of a child.
* Upon retiring, sleep as if you had entered your last sleep. Upon awakening, leave your bed behind you instantly as if you had cast away a pair of old shoes.
23/ Eshun ra đi
Khi Thiền cô Eshun đã quá 60 và sắp sửa rời khỏi thế giới này, cô bảo vài vị sư sắp một đống củi giữa sân.
Ngồi ngay ngắn giữa đài hỏa táng, cô bảo họ đốt lửa chung quanh.
“Cô ơi!” một vị sư la lớn, “nóng không cô?”
“Chuyện đó chỉ có mấy người ngu như cậu mới quan tâm,” Eshun trả lời.
Ngọn lửa bốc cao, và ni cô qua đời.
Bình:
• Làm chủ sự ra đi của mình được xem như là một sức mạnh của Phật giáo. Ta không làm chủ được được sinh, nhưng ít ra cũng làm chủ được tử.
Điều này khác với văn minh tây phương cấm tự tử—sự sống là do thượng đế ban cho con người và chỉ thượng đế mới có quyền lấy đi. Đa số các quốc gia Tây phương có luật cấm tự tử–người tự tử thất bại sẽ bị đưa ra tòa và phạt. Tuy nhiên, một số quốc gia ngày nay đã bãi bỏ luật cấm tự tử. Rất nhiều nơi luật cấm tự tử vẫn còn đó, nhưng người ta không còn dùng tới.
Một vấn đề nóng bỏng hơn hiện đang gây nhiều tranh cãi ở Âu Mỹ là luật cấm (hoặc cho phép) việc giúp người khác tự tử (assisted suicide, như các sư giúp Eshun ra đi trong chuyện này).
• Eshun là ni cô xinh đẹp trong bài “Nếu yêu, hãy yêu công khai” trước đây.
• “Cô ơi, nóng không cô?” Đây là câu nói đáng được ghi vào sách kỷ lục thế giới về độ ngu! “Nóng gì em, mát như máy lạnh đây!”
• Sự điềm tĩnh của một người đi vào cõi chết. Đó là mức tĩnh lặng cuối cùng chúng ta có thể đạt được.
Sao nhiều người chúng ta sợ chết thế nhỉ? Có gì mà phải sợ? Ai cũng phải đi một lần, không lúc này thì lúc kia thôi.
Nhưng nếu vì lý do gì đó ta tìm cái chết để chạy trốn cuộc đời thì cũng là một cái hèn, phải không? Nhất là khi làm sai, bị đưa ra tòa, chẳng hạn. Có gan làm thì có gan vào tù trả nợ. Việc gì phải chạy trốn bằng cái chết?
Cho nên, điểm quan trọng không nằm trong sống hay chết, mà nằm trong can đảm và tĩnh lặng của ta khi chọn đường nào..
Eshun’s Departure
When Eshun, the Zen nun, was past sixty and about to leave this world, she asked some monks to pile up wood in the yard.
Seating herself firmly in the center of the funeral pyre, she had it set fire around the edges.
“O nun!” shouted one monk, “is it hot in there?”
“Such a matter would concern only a stupid person like yourself,” answered Eshun.
The flames arose, and she passed away.
24/ Tụng kinh
Một nông dân nhờ một vị sư Thiên Thai tụng kinh cho vợ đã qua đời. Sau khi tụng xong, người nông dân hỏi: “Thầy nghĩ là vợ tôi có được phúc đức nhờ tụng kinh không?”
“Không những chỉ là vợ anh, mà tất cả sinh linh đều hưởng lợi nhờ tụng kinh,” sư trả lời.
“Nếu thầy nói tất cả mọi sinh linh đều có lợi,” người nông dân nói, “vợ tôi rất yếu và những người khác sẽ ăn hiếp cô ấy, lấy đi phước đức của cô ấy. Vậy thầy làm ơn tụng kinh chỉ cho cô ấy thôi.”
Vị sư giải thích là người Phật tử muốn dâng cúng và cầu phước đức đến mọi sinh linh.
“Đó là lời dạy rất hay,” người nông dân kết thúc, “nhưng làm ơn cho một ngọai lệ. Tôi có anh chàng láng giềng thô lổ và dữ dằn với tôi. Làm ơn dẹp hắn ra ngoài mọi sinh linh khác.”
Bình:
• Trong một cọng cỏ có toàn thể vũ trụ. Tất cả mọi thứ đều liên hệ chặt chẻ với nhau như các lọn sóng của một đại dương. Nên ta không thể làm tốt cho một người hay một thứ mà không tốt cho tất cả. Hoặc ngược lại, không thể làm xấu cho một người hay một thứ mà không làm xấu cho tất cả. Không thể chỉ dành riêng cho người ta yêu, cũng như không thể gạt bỏ người ta ghét.
• Hãy nghĩ đến khái niệm này trong cuộc sống hàng ngày – ảnh hưởng của bất kỳ hành động lớn nhỏ nào của ta, dù tốt hay xấu, đến những người gần ta, đến môi trường ngay nơi ta ngồi, rồi lan thành phố của ta, rồi quốc gia của ta, rồi thế giới của ta.
Không thể nói rằng: “Tôi quá nhỏ bé, việc tôi làm chẳng ăn nhập gì đến ai cả.”
Một tiếng gảy móng tay có thể rung động đến vô lượng thế giới.
Reciting Sutras
A farmer requested a Tendai priest to recite sutras for his wife, who had died. After the recitation was over the farmer asked: “Do you think my wife will gain merit from this?”
“Not only your wife, but all sentient beings will benefit from the recitation of sutras,” answered the priest.
“If you say all sentient beings will benefit,” said the farmer, “my wife may be very weak and others will take advantage of her, getting the benefit she should have. So please recite sutras just for her.”
The priest explained that it was the desire of a Buddhist to offer blessings and wish merit for every living being.
“That is a fine teaching,” concluded the farmer, “but please make one exception. I have a neighbor who is rough and mean to me. Just exclude him from all those sentient beings.”
25/ Ba ngày nữa
Suiwo, đệ tử của Hakuin, là một vị thầy rất giỏi. Vào một kỳ mở lớp riêng một thầy một trò (zazen) trong mùa hè, một đệ tử từ một hải đảo miền nam nước Nhật đến gặp thầy.
Suiwo cho cậu một công án: “Nghe tiếng vỗ của một bàn tay.”
Người đệ tử ở đó 3 năm nhưng không giải được. Một đêm nọ, nước mắt dàn dụa, cậu vào gặp Suiwo. “Con phải về nam, nhục nhã và xấu hổ” cậu nói, “Con không giải được công án này.”
“Đợi một tuần nữa và thiền liên tục,” Suiwo khuyên. Nhưng giác ngộ vẫn không đến được với cậu đệ tử. “Thử thêm một tuần nữa,” Suiwo nói. Người đệ tử vâng lời, nhưng cũng chỉ hoài công.
“Thêm một tuần nữa.” Nhưng lại cũng vô ích. Tuyệt vọng, người đệ tử năn nỉ xin về, nhưng Suiwo yêu cầu cậu thiền năm ngày nữa. Cũng chẳng có kết quả gì. Rồi Suiwo nói: “Thiền thêm 3 ngày nữa, nếu con không đạt được giác ngộ, thì con nên tự tử là hơn.”
Vào ngày thứ hai, cậu đệ tử giác ngộ.
Bình:
• Hakuin Ekaku (1686-1769 hay 1685-1768) là một trong những vì thiền sư có ảnh hưởng lớn nhất trên thiền tông Nhật Bản. Hakuin cải tiến và phát huy thiền Lâm Tế từ thời trì trệ và đốn mạt, chú tâm vào cách dạy dỗ khó khăn cổ truyền, và trộn lẫn thiền quán và công án thành cách luyện tập thường xuyên. Ảnh hưởng của Hakuin lớn đến mức tất cả các thiền sư Lâm Tế ngày nay đều là hậu nhân của Hakuin và dùng những phương cách luyện tập mà Hakuin đã dạy.
Hakuin chính là thiền sư “Vậy à” ta đã nói trước đây.
Suiwo vị thầy trong bài này là học trò của Hakuin.
• Bài này nói đến nỗ lực dữ dội để đạt giác ngộ. Không đạt giác ngộ được nếu ta không cực lực cố gắng để hiểu biết.
• Thường thì thầy biết khi nào trò sắp nắm được chân lý. Nên những lúc đó nếu trò muốn bỏ cuộc, thầy sẽ ép trò đi tiếp một tí nữa để đến thành công.
• Tại sao “giác ngộ” có vẻ gì thật là bí ẩn như thế? Cả bao năm người học trò cứ cảm thấy mình vẫn bế tắc ngu si trơ trơ như đá, đến mức cứ đòi bỏ cuộc. Rồi đùng một cái thì “hốt nhiên đại ngộ” như là trong tối tự nhiên có một công tắc bật đèn sáng choang, chứ không phải như học toán mỗi ngày hiểu thêm một tí, từ toán cộng, lên trừ, lên nhân, lên chia, lên phân số…?
Thưa, vì chúng ta có thói quen suy nghĩ với luận lý con người: Có cái bàn, thì có ông thợ mộc. Có vũ trụ thì có người làm ra, gọi là Thượng đế. Vậy thì ai sinh ra Thượng đế? Bố TĐ. Lên đến ông nội TĐ, ông cố TĐ… không bao giờ ngưng, dù có suy nghĩ 100 năm.
Con gà có trước hay cái trứng có trước? Suy nghĩ 100 năm.
Trước khi tôi sinh ra, tôi đã từ đâu đến? Chết rồi tôi đi đâu? Suy nghĩ 100 năm.
Cho nên tư tưởng của người suy tư có thể chạy vòng tròn như kiến bò miệng đĩa, bế tắc hoài, không đi đâu được cả, muôn năm.
Cho nên lúc ta đã suy luận hết cách, biết là vô ích, và dẹp bỏ mọi suy luận đó đi, và bắt đầu cảm nhận bằng xúc cảm và trực nghiệm, tức là cảm nhận trực tiếp trong lòng mà không cần suy nghĩ, một điều gì đó sâu xa hơn là suy luận, như là: “Thượng đế là tình yêu—trong ta, trong mọi người, và nối kết mọi người lại với nhau”, hay “tất cả mọi thứ chỉ đều là những lọn sóng của một đại dương Sự Thật mà ta gọi là Không”.
Những điều này ta có thể hiểu tí ti bằng suy luận, nhưng thực ra ta chỉ thực sự hiểu được bằng cảm nhận rất rõ trong lòng. Cũng như là tình yêu. Chỉ có yêu là hiểu được tình yêu; không thể diễn tả bằng ngôn ngữ hay lý luận.
Khi ta dẹp bỏ suy luận và bắt đầu cảm xúc và kinh nghiệm trực tiếp các điều này, tư nhiên ta bừng sáng trong đầu: “hốt nhiên đại ngộ”, như người mới khám phá được tình yêu: “Ồ, đây là tình yêu, vậy mà trước nay đọc sách hoài mà chẳng biết nó thế nào.”
• Ta đã nói về “Tiếng vỗ của một bàn tay” trước đây.
• Từ “giác ngộ” (enlightened, Satori trong tiếng Nhật) không có cùng nghĩ với từ giác ngộ nguyên thủy dùng trong Phật gia. Theo truyền thống, giác ngộ có nghĩa là đạt được tĩnh lặng và hiểu biết đến mức thành Bồ tát, thành Phật. Satori trong thiền tông Nhật Bản là một mức độ hiểu biết và trực nghiệm về “tĩnh thức” đủ để được thầy xác nhận là mình có thể làm thầy (Roshi). Đây là bước đầu tiên, trong nhiều bước giác ngộ, với bước cuối cùng là Niết Bàn.
Three Days More
Suiwo, the disciple of Hakuin, was a good teacher. During one summer seclusion period, a pupil came to him from a southern island of Japan.
Suiwo gave him the problem: “Hear the sound of one hand.”
The pupil remained three years but could not pass the test. One night he came in tears to Suiwo. “I must return south in shame and embarrassment,” he said, “for I cannot solve my problem.”
“Wait one week more and meditate constantly,” advised Suiwo. Still no enlightenment came to the pupil. “Try for another week,” said Suiwo. The pupil obeyed, but in vain.
“Still another week.” Yet this was of no avail. In despair the student begged to be released, but Suiwo requested another meditation of five days. They were without result. Then he said: “Meditate for three days longer, then if you fail to attain enlightenment, you had better kill yourself.”
On the second day the pupil was enlightened.
26/ Đổi tranh luận lấy chỗ ngủ
Bất kỳ vị sư hành hương nào có thể thắng một tranh luận về Phật pháp với các sư sống trong một ngôi chùa đều có quyền ngủ lại trong chùa. Nếu thua, vị sư sẽ phải đi tiếp.
Trong một ngôi chùa ở vùng bắc nước Nhật có hai vị sư anh em đang sống với nhau. Người anh học rộng, nhưng người em thì dốt và chỉ có một mắt.
Một vị sư hành hương đến và xin ngủ nhờ, xin được tranh luận về giáo pháp cao thâm. Sư anh đã mệt vì phải học cả ngày hôm ấy, bảo sư em ra đấu thế. Sư anh cẩn thận dặn dò: “Đi ra và yêu cầu một cuộc đối thoại thầm lặng.”
Sư em và sư khách vào chánh điện và ngồi xuống.
Một lúc sau vị sư hành hương đứng dậy, vào gặp sư anh và nói: “Em của thầy quá hay. Đã thắng tôi.”
“Kể lại cho tôi nghe cuộc đối thoại,” sư anh hỏi.
“Vâng,” vị sư hành hương nói, “trước hết tôi giơ một ngón tay, biểu hiện Phật, người giác ngộ. Em thầy giơ lên 2 ngón, nói về Phật và Phật pháp. Tôi giơ ba ngón tay, biểu hiện Phật, Pháp và Tăng, sống an hòa với nhau. Rồi em thầy đưa nắm đấm vào mặt tôi, ý nói cả ba đều là một. Cho nên anh ấy thắng và tôi không có quyền ngủ lại đây.” Nói vậy rồi, sư hành hương ra đi.
“Anh chàng đó đâu rồi?” sư em chạy vào hỏi anh.
“Anh nghe là em thắng cuộc tranh luận rồi.”
“Thắng cái gì! Em phải đập cho hắn một trận.”
“Nói cho anh nghe đề tài tranh luận thế nào,” sư anh hỏi.
“Sao, mới thấy em hắn đã giơ lên một ngón tay, sỉ nhục em, ý nói là em chỉ có một mắt. Vì hắn là người lạ, em nghĩ là em nên lịch sự với hắn một tí nên em giơ hai ngón tay, chúc mừng hắn có hai mắt. Nhưng anh chàng bất lịch sự lại giơ ba ngón tay, ý nói cả hai người chúng ta chỉ có 3 con mắt. Vì vậy em nổi nóng và bắt đầu đấm hắn, nhưng hắn bỏ chạy cho nên hết đối thoại!”
Bình:
• Theo truyền thống Nhật các vị sư thường đi hành hương khắp nơi, thăm các chùa chiền cũng như các vị thầy lớn. Nếu là sư trẻ, thì thầy ra lệnh hành hương như là một loại tu tập. Nếu là sư thầy thì tự đi hành hương để học hỏi thêm và hành đạo trên đường đi. Tương truyền, các chùa ở Nhật có truyền thống đấu pháp đổi chỗ ngủ như trong truyện này.
• Ta chỉ nghe và thấy những gì tâm ta nghe và thấy. Một sự việc trước mắt, mỗi người chúng ta vẫn thấy và nghe khác nhau vì tâm ta khác nhau.
Đây cũng cùng ý với câu nói của triết gia hiện sinh Frederick Neitzche: “Không có sự thật nào cả, chỉ có sự diễn giải của sự thật đó mà thôi.”
Và đây cũng là một trong những quan điểm lý luận mà Phật gia dùng để kết luận “Đời là mộng huyễn bào ảnh” (mộng ảo bọt bóng – Kinh Kim Cang), tức là cuộc đời như ta thấy chỉ là cái nhìn riêng của cái tâm riêng của ta với những chấp trước, thành kiến, méo mó của nó, chứ đó không phải “sự thật như nó là” (the truth as it is).
• Vì vậy, đừng chấp vào điều ta hiểu, vào cái ta nghe thấy, để mà tranh cãi nhau, vì đó chi là ông nói gà bà hiểu vịt. Phật gia gọi là đừng chấp vào “danh sắc”.
• Tâm của ta thường thấy điều gì ta say mê hay bị ám ảnh nhiều nhất. Vị sư chột mắt bị ám ảnh bởi chột mắt nên diễn giải mọi sự là chuyện chột mắt. Vị sư hành hương thì say mê Phật pháp nên nói gì cũng thấy Phật pháp.
• Phật pháp trong các con số ở đây rất rõ, như vị sư hành hương nói:
1 = Phật (Buddha)
2 = Phật và Pháp (Buddha and Dharma, phật và giáo pháp của Phật)
3 = Phật, Pháp, Tăng – Tam bảo (Buddha, Dharma, Sangha – Three Jewels). “Tăng” ở
đây không có nghĩa là sư, mà là sangha, ngày trước có nghĩa là tăng đoàn của các sư và ni, ngày nay là toàn thể các Phật tử, các người tu học Phật.
1 = Phât, Pháp, Tăng là một. Câu này có thể hiểu nhiều cách hơi khác nhau tùy cấp độ. Mức thấp, Phật Pháp Tăng, tuy ba nhưng là một con đường tu tập đến giác ngộ. Ở mức cao, Phật Pháp Tăng là Một, là Giác Ngộ, là Niết Bàn, là Phật, là Không.
Trading Dialogue For Lodging
Provided he makes and wins an argument about Buddhism with those who live there, any wandering monk can remain in a Zen temple. If he is defeated, he has to move on.
In a temple in the northern part of Japan two brother monks were dwelling together. The elder one was learned, but the younger one was stupid and had but one eye.
A wandering monk came and asked for lodging, properly challenging them to a debate about the sublime teaching. The elder brother, tired that day from much studying, told the younger one to take his place. “Go and request the dialogue in silence,” he cautioned.
So the young monk and the stranger went to the shrine and sat down.
Shortly afterwards the traveler rose and went in to the elder brother and said: “Your young brother is a wonderful fellow. He defeated me.”
“Relate the dialogue to me,” said the elder one.
“Well,” explained the traveler, “first I held up one finger, representing Buddha, the enlightened one. So he held up two fingers, signifying Buddha and his teaching. I held up three fingers, representing Buddha, his teaching, and his followers, living the harmonious life. Then he shook his clenched fist in my face, indicating that all three come from one realization. Thus he won and so I have no right to remain here.” With this, the traveler left.
“Where is that fellow?” asked the younger one, running in to his elder brother.
“I understand you won the debate.”
“Won nothing. I’m going to beat him up.”
“Tell me the subject of the debate,” asked the elder one.
“Why, the minute he saw me he held up one finger, insulting me by insinuating that I have only one eye. Since he was a stranger I thought I would be polite to him, so I held up two fingers, congratulating him that he has two eyes. Then the impolite wretch held up three fingers, suggesting that between us we only have three eyes. So I got mad and started to punch him, but he ran out and that ended it!”
27. giọng nói của hạnh phúc
Sau khi thiền sư Bankei qua đời, một người mù sống gần chùa của thiền sư nói với một người bạn: “Bởi vì tôi mù, tôi không thể quan sát sắc mặt người ta, nên tôi phải xét tư cách của họ qua giọng nói. Thường thì khi tôi nghe một người chúc mừng người khác về chuyện vui hay thành công nào đó, tôi cũng nghe một âm bí mật của ganh tị. Khi chia buồn với người khác về mất mát của họ, tôi cũng nghe thích thú và thỏa mãn, cứ như là người chia buồn thật sự vui vì có cái gì đó để lại cho họ hưởng trong thế giới riêng của họ.
“Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi thì giọng nói của Bankei luôn luôn thành thật. Khi thiền sư bày tỏ hạnh phúc, tôi chẳng nghe gì khác ngoài hạnh phúc, và khi thiền sư bày tỏ buồn rầu, tôi chẳng nghe gì khác ngoài buồn rầu.”
Bình:
• Bankei yōtaku (eitaku), Bàn Khuê Vĩnh Trác (盤珪永琢), 1622 – 1693, cũng được gọi là Bàn Khuê Quốc sư (zh. 盤珪國師, ja. bankei kokushi), là một Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế, hệ phái Diệu Tâm tự (妙心寺, ja. myōshin-ji). Sư là một trong những Thiền sư danh tiếng nhất trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản với tư cách là người đã phổ biến thiền học đến lớp quần chúng.
Chúng ta đã có bài Vâng Lời về Bankei trước đây.
• Ý nghĩa của truyện này rất rõ. Không phải chỉ là người mù, nhưng người sáng mắt, dù tai không thính như vậy, cũng cảm nhận được suy tư của một người khi họ nói chuyện với mình. Cho nên quy luật số một của truyền thông hiệu quả là: Thành thật.
Nếu khen thì khen thành thật, đừng khen dối. Nếu một người bạn cho xem một bài văn rối ren đọc không hiểu gì, nhưng ít ra cũng là cố gắng lớn của bạn, thì đừng khen “Bài này hay quá.” Nói thế là “nói láo tận răng” (lying to the teeth). Thay vì vậy thì khen thật tình, “Chị bận thế mà cố gắng bỏ công sức viết bài này thật là quý.” Hoặc là thêm nếu cần, “Em cần đọc lại vài lần nữa để hiểu hết ý bài viết.”
Khen dối, người bị hại đầu tiên là mình. Nó làm mình coi thường chính nhân cách của mình. Sau đó là hại bạn, vì nó cho bạn ăn bánh vẽ.
• Ngày nay chúng ta cần để ý đến lời mình viết trên email và Internet. Rất nhiều khi đọc một câu khen trên Internet diễn đàn ta thấy rõ ràng là câu khen đó không thành thật. Kỹ thuật viết là một chuyện, nhưng là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn là tâm ta khi viết.
• Có lẽ vấn đề ta thấy thường xuyên nhất và tràn ngập nhất trong mỗi cá nhân chúng ta, trong gia đình, trong nhà nước, trong quốc gia… là thiếu thành thật.
Lời nói là bạc, im lặng là vàng, lời nói thành thật là kim cương xanh.
• Sống thế nào để lời nói ra ngoài và suy tư bên trong cùa mình là một–đó là thiền.
Dĩ nhiên là nếu tâm ta đang có suy tư tối tăm, thì không thể giả vờ sáng sủa bên ngoài để “trong ngoài là một” được. Cho nên, cốt yếu là tâm phải trong sáng như giọt thủy tinh.
• Không phải chỉ có người mù mới nghe được sự thành thật hay giả dối trong giọng nói của người khác. Ai trong chúng ta cũng có khả năng này, chỉ cao thấp khác nhau mà thôi. Thường thì chúng ta có thể biết được một người nói thật lòng không, hay chỉ nói cho có lệ, hay là nói dối. Cho nên người hời hợt hay dối trá trong đối thoại rất ít khi giấu được ai.
The Voice of Happiness
After Bankei had passed away, a blind man who lived near the master’s temple told a friend: “Since I am blind, I cannot watch a person’s face, so I must judge his character by the sound of his voice. Ordinarily when I hear someone congratulate another upon his happiness or success, I also hear a secret tone of envy. When condolence is expressed for the misfortune of another, I hear pleasure and satisfaction, as if the one condoling was really glad there was something left to gain in his own world.
“In all my experience, however, Bankei’s voice was always sincere. Whenever he expressed happiness, I heard nothing but happiness, and whenever he expressed sorrow, sorrow was all I heard.”
28. Mở kho tàng của bạn
Daiju đến thăm thiền sư Baso ở Trung Quốc. Baso hỏi: “Anh tìm gì?”
“Giác ngộ,” Daiju trả lời
“Anh có kho tàng riêng của anh. Tại sao tìm bên ngoài?” Baso hỏi.
Daiju thắc mắc: “Kho tàng của tôi ở đâu?”
Baso trả lời: ‘Cái anh đang tìm là kho tàng của anh.”
Daiju mừng rỡ! Kể từ đó Daiju luôn luôn nói với bạn bè: “Mở kho tàng của anh và dùng nó.”
Bình:
• Baso dōitsu (Mã Tổ Đạo Nhất, 馬祖道一, 709-788), là một Thiền sư Trung Quốc đời nhà Đường, và là môn đệ và người đắc pháp duy nhất của Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng. Sư có rất nhiều môn đệ đắc đạo như Bách Trượng Hoài Hải, Nam Tuyền Phổ Nguyện, Đại Mai Pháp Thường, Đại Châu Huệ Hải…
Mã Tổ Đạo Nhất thường được xem như người có ảnh hưởng mức thứ 3 trên Thiền tông, sau Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và lục tổ Huệ Năng.
• Bản tiếng Anh này nói “Daiju was delighted”, tức là mừng rỡ hớn hở, khi nghe Mã Tổ Đạo Nhất trả lời. Vài bản khác dùng từ “enlightened”, tức là “giác ngộ.”
• Giác ngộ, Niết Bàn, Phật… ở trong ta. Không nẳm ở ngoài ta đâu mà tìm.
Trần Nhân Tông, tức Trúc Lâm Đầu Đà, thủy tổ của Thiền phái Trúc Lâm, nói trong bài Cư trần lạc đạo:
Gia trung hữu báo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
(Trong nhà có của đừng tìm nữa
Nhìn cảnh vô tâm hỏi chi thiền)
Tâm ta vốn là tâm Phật, chỉ bị vô minh che khuất.
Vô minh là chấp trước—bám vào cái này, bám vào cái kia.
Bám vào tham, sân, si.
Bám vào cái tôi (ngã).
Bám vào thành kiến—cái này tồi, người kia tốt.
Bám vào đạo—phải là thế này mới là đạo, thế kia không là đạo.
Bám vào pháp tu—tu thế này mới đúng, thế kia là sai.
Bám vào Phật–người này là Phật, đi theo ngài thì sẽ giác ngộ.
Bám vào… Bám vào…
Bám vào cả quan niệm “đừng bám” (chấp ngay cả vô chấp).
“Nhìn cảnh vô tâm”–nhìn mưa thì thấy mưa, đừng diễn giải là “chia ly đầy nước mắt”, v.v….—thì đó là Thiền, là ngộ. Như Tanzan vô tâm mang kiều nữ qua vũng bùn.
“Nhìn cảnh vô tâm” là không còn bị chấp trước nào che khuất tâm ta. Lúc đó tâm sẽ sáng láng trở lại như thời ngyên thủy, tức là tâm trở lại “bản lai diện mục” (mặt mũi nguyên sơ) của nó. Đó là giác ngộ, là Niết Bàn.
• Kho tàng ở trong ta. Hạnh phúc, an lạc, an bình… đã có sẵn trong ta. Đừng tìm ở ngoài.
Open Your Own Treasure House
Daiju visited the master Baso in China. Baso asked: “What do you seek?”
“Enlightenment,” replied Daiju.
“You have your own treasure house. Why do you search outside?” Baso asked.
Daiju inquired: “Where is my treasure house?”
Baso answered: “What you are asking is your treasure house.”
Daiju was delighted! Ever after he urged his friends: “Open your own treasure house and use those treasures.”
29. Không nước, không trăng
Khi ni cô Chiyono học Thiền với thầy Bukko của chùa Engaku, cô không gặt được thành quả gì từ thiền định trong một thời gian dài.
Cuối cùng, trong một đêm trăng, ni cô đang xách nước trong một cái gàu cũ bọc tre. Tre bị găy và đáy gàu rớt ra, và ngay lúc đó tâm trí của Chiyono được giải phóng.
Để kỷ niệm, ni cô làm một bài thơ:
Bằng cách này cách kia tôi cố giữ cái gàu cũ
Từ lúc thanh tre đã yếu và gần gãy
Cho đến khi đáy gàu rơi ra.
Không còn nước trong gàu!
Không còn trăng trong nước!
Bình:
• Chùa Engaku (円覚寺) là một chùa thiền tông Lâm Tế và một trong những chùa thiền tông quan trọng nhất ở Nhật. Chùa do một vị sư Trung quốc xây dưới thời tể tướng Nhật Hōjō Tokimune sau khi ông đẩy lui được quân xâm lăng Mông Cổ từ 1274 đến 1281. Hōjō Tokimune cũng là một ví thầy về Thiền, vì vậy chùa Engaku rất nổi tiếng về Thiền.
• “Tâm trí của Chiyono được giải phóng.” Đây là điều mà các sách vở của ta gọi là “hốt nhiên đại ngộ”. Chữ “giải phóng” hàm ý tâm trí của Chiyono đã bị tù túng trước đây.
Tù túng vì cái gì?
• Chiyono viết, “Bằng cách này cách kia tôi cố giữ cái gàu cũ”. Đó cũng là một cách để nói “Tôi cứ giữ một nề nếp cũ.” Đây rất rõ là cách suy nghĩ cũ, có nước trong gàu và có trăng trong nước. Đây chính là tù túng.
Trăng là ảo ảnh.
Gàu và nước là cái giữ trăng, cái giữ ảo ảnh. Gàu là cách suy tư, nước là biểu hiện cái sờ mó được. Gàu và nước cách suy tư dựa vào những gì mắt thấy tai nghe, dựa vào những gì sờ mó được mà suy luận. Cho nên tâm trí bị lẩn quẩn trong giới hạn của ngôn ngữ và lý luận, bị cầm tù không thoát ra được.
Ví dụ: Suy tư “Con gà có trước hay trứng gà có trước?” Suy tư này sẽ giữ ta trong vòng lẩn quẩn không bao giờ ra, vì nó bị giới hạn bởi ngôn ngữ và luận lý của con người.
Một ví dụ thường ngày hơn: “Nếu ta làm thiện, ta sẽ được phước, như vậy sẽ gia tăng cơ hội thành công trên đường đời, và được hạnh phúc. Vậy thì, tu học làm việc thiện là đường đưa đến hạnh phúc.” Đây là một chuỗi lý luận rất hợp lý theo lý luận hàng ngày, và chẳng có gì đáng trách cả.
Nhưng nếu ta đã nhận ra chính thân ta là phù du, vô thường, thì tất cả chỉ là ảo ảnh—các việc thiện, tu học, hạnh phúc–đều chỉ là phù du, hư ảo.
Cho nên mọi phương thức suy luận đều là cái gàu nước, giữ ảo ảnh là trăng.
• Vậy thì cái gì không là ảo ảnh? Cái gì là chân lý vĩnh cửu?
Chân lý đó là cái nền thường hằng bất biến (thường trực không thay đổi) của mọi thay đổi. Nếu mọi ngọn sóng đều hiện rồi mất, đều thay đổi liên tục, thì phải có cái gì làm nền cho tất cả mọi ngọn sóng đó. Cái nền đó là đại dương nước. Lọn sóng nào cũng phù du, hiện rồi mất ngay, nhưng đại dương nước thì luôn có đó.
Cái nền thường hằng bất biến của mọi thay đổi đó, ta gọi là Tuyệt Đối. Ta không thể diễn tả được tuyệt đối, không thể tưởng tượng được bằng ý niệm, vì mọi từ ngữ, mọi ý niệm—dài, ngắn, trắng, xanh, lớn, nhỏ…–đều là tương đối, đều là thay đổi.
Cái nền thường hằng bất biến đó, ta gọi là Không, là Như Lai, là Phật. Đó là bản tánh thật của vũ trụ, và là bản tánh thật của chính ta, vì ta cũng từ đó mà ra rồi lại trở về đó, như sóng từ nước mà ra rồi lại tan hòa vào nước.
• Để nắm bắt được Tuyệt Đối (Không, Như Lai), ta phải vượt bỏ hẳn các khái niệm và suy nghĩ, vượt ra khỏi thế giới tương đối của mắt thấy tai nghe và của suy luận trong trí óc, để lên tầng Tuyệt Đối. Cảm nhận trực tiếp được hiện diện của Tuyệt Đối bên trong, và xuyên qua, những điều tương đối ta thấy—gần như là nhìn một người phụ nữ trước mặt và cảm nhận được tình yêu bất diệt của nàng có cho bạn. Cảm nhận này vượt lên trên lý luận và ý niệm.
• Gàu vỡ, hết nước, hết trăng, tức là ngưng suy nghĩ kiểu bình thường, không lệ thuộc vào những điều mắt thấy tai nghe mà suy luận, là nhảy vọt lên đến tầng cảm nhận Tuyệt Đối đó. Cho nên ta nói là “giải phóng tâm trí” hay “hốt nhiên đại ngộ”.
• Người ta dùng chữ “ngộ”, “enlightened”, “giải phóng”, mà không nói “hiểu”, hay “đột nhiên hiểu ra”, vì cái biết này sâu thẳm hơn cái hiểu của suy luận bình thường. Đó tương tự như là cái biết cùa một người nghệ sĩ vừa nắm được một dòng nhạc hiện vào đầu và không giải thích được tại sao có dòng nhạc mới lạ thật hay hiện ra trong đầu như thế.
• Xem thêm về “hốt nhiên đại ngộ” trong bài Ba Ngày Nữa.
.
No Water, No Moon
When the nun Chiyono studied Zen under Bukko of Engaku she was unable to attain the fruits of meditation for a long time.
At last one moonlit night she was carrying water in an old pail bound with bamboo. The bamboo broke and the bottom fell out of the pail, and at that moment Chiyono was set free!
In commemoration, she wrote a poem:
In this way and that I tried to save the old pail
Since the bamboo strip was weakening and about to break
Until at last the bottom fell out.
No more water in the pail!
No more moon in the water!
30. Danh thiếp
Keichu, vị thiền sư lớn thời Minh Trị Thiên Hoàng, là sư trụ trì chùa Tofuku, một đại tự ờ Kyota. Ngày nọ, thống đốc Kyoto đến thăm thiền sư lần đầu tiên.
Người trợ lý thống đốc trình danh thiếp của thống đốc, có ghi: “Kitagaki, Thống Đốc Kyoto.
“Tôi không có chuyện gì để nói với một anh chàng như vậy,” Keichu nói với người trợ lý. “Bảo ông ta đì về đi.” Người trợ lý mang tấm danh thiếp trở lại với lời xin lỗi. “Đó là lỗi của tôi,” thống đốc viết, với dòng bút chì xóa cụm từ Thống Đốc Kyoto. “Hỏi thầy anh lần nữa.”
“Ô, Katagaki hả?” thiền sư reo lên khi thấy tấm danh thiếp. “Thầy muốn gặp anh ấy.”
Bình:
• Keichu Bundo (1824-1905) là thiền sư Lâm Tế, hạ nhân của thiền sư “Vậy à” Hakuin.
• Rõ là đại sư muốn dạy cho thống đốc (“anh chàng như vậy”) một bài học về khiêm tốn. Nhưng tại sao phải dạy thì ta không biết trong bài này. Có thể là có nhiều điều đã xảy ra thời đó làm cho thiền sư phải giảng dạy như thế.
• Bài này cũng cho thấy không thể lấy bụng tiểu nhân mà đo lòng quân tử. Không thể thấy việc đại sư xử với thống đốc như thế mà kết luận là đại sư kiêu căng. Cái nhìn bên ngoài có thể được lý giải bằng đủ mọi cách tâm ta muốn. Nếu ta có tâm thanh thoát, ta sẽ thấy mọi điều thanh thoát.
• Điều quan trọng là, nếu ta là thống đốc, ta được đại sư cho một cơ hội bằng vàng để học cung cách khiêm tốn, ta có khiêm cung để nhận bài học không?
Ở đời gặp chuyện loại này cũng thường. Phản ứng của chúng ta thế nào khi ta nằm trong trường hợp gần như trường hợp của Thống Đốc Kyoto?
• Nhiều người đọc bài này có thể nghĩ rằng tác phong không sợ quyền hành của Kaichu là điểm chính. Nhưng đó không là điểm chính. Thầy dạy học thì có đủ cách dạy, từ dịu dàng đến dữ dội, chẳng có gì đáng ngạc nhiên hết.
Điểm chính là phản ứng khiêm tốn, yêu học hỏi, của Thống Đốc Kitagaki.
• Khi nào thì ta mang chức vụ ra để cư xử? Khi nào ta cư xử với nhau chỉ bằng cái tên bố mẹ đã cho ta? .
Calling Card
Keichu, the great Zen teacher of the Meiji era, was the head of Tofuku, a cathedral in Kyoto. One day the governor of Kyoto called upon him for the first time.
His attendant presented the card of the governor, which read: Kitagaki, Governor of Kyoto.
“I have no business with such a fellow,” said Keichu to his attendant. “Tell him to get out of here.”The attendant carried the card back with apologies. “That was my error,” said the governor, and with a pencil he scratched out the words Governor of Kyoto. “Ask your teacher again.”
“Oh, is that Kitagaki?” exclaimed the teacher when he saw the card. “I want to see that fellow.”
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn