Trang nhất » Tin Tức » VĂN HỌC

TRUNG GIANG KÝ SỰ(phần I)

Thứ ba - 19/04/2011 23:12
Giữa vùng Tiền, Hậu – Trung giang Sóng thiêng chào đấng siêu phàm đản sanh… Trời tháng 9 lộng Thu phong Đêm 26, Đạo trổ bông Ưu-đàm!... Trụ Vũ

 

Sáng ngày 8 tháng 3 năm 2011, theo lời dặn của đại đức Giác Hạnh, cô Ngọc Dao đã dẫn đường cho tôi đến nhà bà Tuyết Ngọc.

Nhà bà Tuyết Ngọc ở ngay quốc lộ 91, đoạn chạy qua khu vực trung tâm quận Thốt Nốt. Cô Ngọc Dao dắt xe lên thềm và nói: “Đến rồi, bạch sư. Bà đang ngồi đó.” Tôi bảo: “Cám ơn quý Phật tử. Mọi người về đi, cứ để sư tự nhiên.” Rồi tôi bỏ dép, cởi nón, đi vào nhà, vốn là một tiệm photo.

Một ông cụ cao tuổi, dáng cao gầy, quý phái, mặc áo thun ngắn tay, bước lại đón tôi và kéo ghế đẩu mời tôi ngồi. Tôi đẩy ghế lại gần bà cụ đang ngồi bên bàn, có lẽ đang ăn sáng. Nãy giờ bà cứ nhìn tôi chăm chú và có vẻ rất trìu mến. Ông cụ hỏi:

- Thưa sư ở đâu đến?

- Sư ở xa lắm. Chú cũng ngồi đi.

- Dạ, dạ…

Nhưng ông vẫn đứng, hỏi tiếp:

- Thưa sư đến có việc gì không? Sư đi công tác à?

Tôi đáp:

- Đúng, đúng là sư đang đi công tác. À, chú là con của cụ đây?

Ông đáp:

- Không. Tôi là chồng của bà đây.

Tôi chấp tay nói xin lỗi, giải thích là bởi thấy ông cứ khoanh tay đứng bên bà. Đến lúc đó ông mới chịu ngồi. Tôi nói:

- Thưa cô chú, sư xin phép gọi là cô chú, vì tuổi hai ông bà thân của sư cũng đã gần 80. Hôm nay sư đến thăm gia đình và cũng có một việc…

- Thưa sư cứ nói.

- À, mỗi người mỗi nước mỗi non, bước vào cửa đạo như con một nhà! Chúng ta đều là hàng con cháu của Tổ sư Minh Đăng Quang. Trước lạ sau quen, hôm nay, sư vì nghe tiếng của gia đình mà tìm đến…

Lúc này, bà cụ rán đứng dậy chấp tay xá tôi, mắt rưng rưng: “Lâu quá mới gặp sư!” Tôi chấp tay đáp lễ, trong lòng rất cảm động. Ông cụ cho biết là bà bị bệnh nặng không ra khỏi nhà được, nên ít có dịp vào tịnh xá. Tôi hiểu là quý sư cũng không có ai ghé thăm bà, nên bà mới có sự mong nhớ đó. Ông cụ với tay đỡ bà ngồi xuống. Tôi tiếp tục:

- Sư muốn nói một điều, là Tổ sư Minh Đăng Quang của chúng ta, ngài có sứ mạng khai sáng đạo. Sau đó, các đức Thầy, các trưởng lão đệ tử Tổ có sứ mạng mở đạo, phát triển khắp nơi. Đến thế hệ thứ ba, thời của các hòa thượng, thượng tọa ngày nay, là thời kỳ xây dựng cơ sở, tiếp tục mở mạng mối đạo. Nhưng đến thế hệ các sư, được giáo hội cho ăn học thành tài, thì các sư đâu cần lo xây dựng tịnh xá nữa. Bây giờ các sư đem sở học của mình kiện toàn giáo pháp Khất Sĩ, để làm cho giáo pháp của Tổ Thầy thêm rạng rỡ.

Hai ông bà vẫn nhìn tôi chăm chú và tỏ nhiều vẻ thiện cảm khi nghe tôi nói. Thế rồi ông cụ lại thẳng thắn hỏi thăm:

- Thưa sư đi quyên góp cho Pháp viện Minh Đăng Quang phải không?

Tôi mạnh dạn khẳng định:

- Không hề. Việc sư đang làm không dính gì đến tiền bạc hết. Pháp viện Minh Đăng Quang là một công trình lớn để chúng ta có chỗ sinh hoạt với thế giới. Việc đó đã có các vị lớn lo, sư đâu cần phải bận tâm.

- Vậy sư đến thăm có việc gì?

- Sư nghe nói gia đình có gắn bó với công việc in ấn Chơn Lý thời còn Tổ, cho nên sư ghé thăm và xin phép được chụp hình hoặc photo các tài liệu gia đình có. Sư làm tại đây và trả lại liền.

Ông bảo:

- Thưa sư, trò lúc trước cũng có phụ làm, nhưng làm chính là ông già vợ và bạn trò, bà Tuyết Ngọc đây. Ông thì đã mất. Còn bạn trò bị tai biến, nên bây giờ trí nhớ không còn rõ nữa, sư.

Tôi hỏi thăm sức khỏe bà cụ một lát rồi nói với ông:

- Sư nghe nói Chơn Lý do chính tay Tổ sư viết có đúng không?

- Dạ đúng. Chính sư Tổ viết rồi đưa cho các trò sắp chữ, in, đóng…

- Bây giờ các bản chép tay đó còn không, chú?

- Thưa sư, bạn trò thì không nhớ đâu. Bây giờ sư hỏi đột ngột trò cũng không có chuẩn bị. Để khi nào trò tìm lại rồi báo cho sư biết. Sư nghỉ ở tịnh xá Ngọc Trung phải không?

- Dạ, tối qua sư nghỉ ở Ngọc Trung – Tăng.

- Sư Giác Đăng có ở đó không, sư?

- Thượng tọa Giác Đăng đã đi Nha Trang tiễn đưa hòa thượng Giác Đăng về nơi an nghỉ cuối cùng rồi.

Ông nói:

- Lúc trước, thỉnh thoảng các sư ở Ngọc Trung cũng có ra nhà trò xin các tư liệu thời sư Tổ để kỷ niệm…

Tôi ngắt lời ông:

- Sư thì không cần kỷ niệm. Sư có gắn bó gì với Tổ sư đâu mà có kỷ niệm! Sư chỉ biết về ngài qua bộ Chơn Lý, như thế là quá đủ! Nay sư làm việc này là để cho số đông mọi người được tăng trưởng lòng tin…

Rồi tôi trình bày việc mình đang làm một trang báo điện tử để tuyên dương giáo pháp Khất Sĩ. Tuy việc là tôi làm nhưng không phải làm cho riêng tôi…

Đến lúc ấy, bỗng nhiên bà cụ chấp tay nói, giọng nhỏ, khàn, chậm và hơi run:

- Lúc nhỏ, trò sắp chữ cho sư trưởng in Chơn Lý. Sư trưởng có dạy trò: “Con à, Pháp bảo đời đời ở cõi thượng thiên, không bao giờ ở thế gian này, nghe con!

Giọng nói và ánh mắt của bà thật thành kính biết mấy. Bà trông như đang sống lại thời điểm của 60 năm trước. Và trong buổi nói chuyện sáng hôm đó, thêm bốn lần nữa bà đã lặp lại lời dặn dò này của Tổ sư.

Hai ông bà mời tôi uống nước, vì tôi mãi nói mãi nghe. Buổi sáng, quán có nhiều khách, các người con của họ đều bận rộn. Ngồi ngay trong quán mà hầu như tôi chẳng để ý gì xung quanh, chỉ biết đại khái. Tôi lại hỏi thăm về máy in Pháp Ấn, ông đáp ngay là sư cô trưởng (Ni trưởng Huỳnh Liên) đã lấy mang hết về Sài Gòn, ngay sau khi sư Tổ vắng bóng. Tôi đề nghị chụp một tấm hình, ông bà đều đồng lòng. Ông xin phép đi mặc áo, còn tôi hớp vài hớp nước và nhìn xem xung quanh…

H.01.jpg
Hình 1

 

Sau khi người con trai chụp hai tấm hình cho chúng tôi, tôi cám ơn và lấy máy mở lại hình cho hai ông bà xem (H.01). Lúc này, ông đưa ra vài vấn đề hỏi tôi, rằng Phật Thích-ca là Phật Tổ, sau ngài thì còn ai được như ngài không; rằng hòa thượng Thanh Từ, thầy Chân Quang, thầy Chân Tính, thầy Trí Huệ đã đạt đạo chưa; và ngày nay có cần xây nhiều tịnh xá to lớn lộng lẫy không?... Tôi tùy nghi đáp lại những nghi vấn của ông cụ…

Sau đó, ông tâm sự là dạo này thường nghe nhiều băng kinh, còn lúc trước thì hay đọc. Tôi nhận xét:

- Sư thấy có người thì dùng mắt xem kinh, có người dùng miệng đọc kinh, lại có người dùng tai nghe kinh và có người dùng tay viết kinh. Dù dùng cách nào thì công đức cũng sẽ thành tựu do tâm có chịu nhiếp theo ý nghĩa của kinh pháp hay không mà thôi!

Ông cụ cũng đồng ý lắm và xin phép dừng ở đây, tiễn tôi ra về. Ông đứng lên, tôi cầm ly uống hết nước yến còn lại. Vẫn biết ông đang đứng chờ kế bên nhưng tôi vẫn uống thong thả, quan sát bên kia đường một chút rồi chúc lành ông bà mãi được an lành trong hào quang của chư Phật. Tôi nhấn mạnh rằng cầu mong ông bà mãi được tín tâm kiên cố đối với Tam Bảo… Ông chấp tay lắng nghe, cảm tạ và chúc lành lại cho tôi. Tôi đứng lên từ giã hai vị Phật tử trung kiên rồi ra về.

Đến tịnh xá, các sư đều hỏi tôi là có gặp chưa, có được việc không?... Tôi bảo là đã gặp ông Bửu Châu và bạn là bà Tuyết Ngọc, hai người đệ tử của Tổ sư Minh Đăng Quang. Các sư đều quan tâm việc tôi có chụp được các bản chép tay hay chưa, tôi đều đáp:

- Đó chỉ là duyên để mình đến với gia đình họ. Giả sử trò có được các tư liệu đó thì đã sao? Sẽ vẫn có thể có người đặt nghi vấn rằng chắc gì đó là các bản do Tổ sư Minh Đăng Quang viết! Huống gì Chơn Lý đã được chính tác giả cho xuất bản rất nhiều ngay từ đầu thập niên 1950, trước khi ngài vắng bóng, nên những bản chép tay cũng không có giá trị lắm đâu…

H.02.jpg

Hình 2

 

H.03.jpg

Hình 3

Tịnh xá Ngọc Trung có hai khu vực nằm hai bên lộ, cứ tạm gọi là tịnh xá cũ và tịnh xá mới (H.02 và H.03). Tịnh xá cũ có từ thời Tổ sư, được cất trên phần đất do hòa thượng trụ trì chùa Phước Long cúng dường. Tịnh xá cũ nhỏ bé, đơn giản, diện tích rộng khoảng 800m2. Tịnh xá mới rộng 16 công, gấp 3 lần tịnh xá Trung Tâm, có ngôi chánh điện bát giác rất hoành tráng. Ngôi chánh điện này có 3 tầng bát giác, tầng trệt rộng khoảng 1200m2, đỉnh ngọn đuốc ở trên nóc cao khoảng 25m. Tôi vào tham quan, đếm số cột của tầng trệt là 76, gồm 28 cột lọt lòng, 24 cột ở vách và 24 cột ở hành lang. Có lẽ đây là ngôi chánh điện bát giác to nhất ở Việt Nam. Như ở Pháp viện Minh Đăng Quang hiện đang xây dựng, diện tích tầng trệt hình chữ nhật của tòa nhà chính là 3200m2, nhưng ngôi bát giác trên cùng chắc cũng chỉ rộng chừng này thôi, theo tôi nghĩ.

Vì sao lại làm ngôi tịnh xá to thế, nhất là ở giáo đoàn I, giáo đoàn nổi tiếng là rất kỹ? Tôi đặt vấn đề và chư Tăng cho biết là trước đây Tổ sư có thọ ký rằng sau này sẽ có một tịnh xá rất to tại miếng đất này. Chính vì lời nói của Tổ sư mà quý ngài lãnh đạo giáo đoàn đồng ý cho sư Đăng mặc tình kiến thiết. Và với đà này, trong tương lai Ngọc Trung nên được chọn làm trung tâm của giáo đoàn I hơn là Ngọc Viên…

Đến chiều, tôi dạo qua bên chánh điện cũ. Cô Tín Ngọc và các Phật tử đều vây quanh hỏi thăm về việc tôi đã đến nhà bà Tuyết như thế nào. Cô Tín Ngọc là cháu gọi ông Trí Minh bằng ông cậu (cậu của mẹ). Ông Trí Minh có tục danh là Trần Ngọc Chiếu, theo thứ trong nhà thì gọi là ông Sáu Chiếu, theo nghề nghiệp thì gọi là thầy ký Chiếu. Ông Trí Minh là cha của bà Tuyết và là trưởng nhóm in Pháp Ấn. Trước đây, bà Tuyết có khoe rằng nhà bà có nguyên bộ Chơn Lý chép tay của Tổ sư, một máy in nhỏ, một bản vẽ tịnh xá Ngọc Trung mới do Tổ sư kêu thợ vẽ và một cặp đèn cầy lớn cỡ hai người khiêng. Cặp đèn này sẽ được đốt trong dịp lễ khánh thành tịnh xá Ngọc Trung mới…

Mọi người hỏi thăm là nhà bà Tuyết có khó khăn với tôi không? Tôi kể sơ qua… Các bà, các cô ấy đều nói rằng nhà bà Tuyết không chịu cho các hòa thượng, thượng tọa xem những thứ họ có. Tôi an ủi là đừng bận tâm, nhà người ta có quyền với những gì mà thầy của họ cho. Khi gia đình họ giữ riêng thì đó là kỷ vật riêng của họ. Khi chúng có dịp trở về giáo hội, trưng bày cho mọi người xem, thì sẽ được nhiều người biết đến hơn. Nhưng nói gì thì nói, ấn phẩm Chơn Lý đẹp đẽ nguyên bộ không phải là tốt hơn các bản thảo ghi tay, rời rạc và đã cũ kỹ sao?...

Khi nắng gần xế thì tôi dạo qua Ngọc Quang và Ngọc Duyên vãn cảnh. Chư sư cô ở hai nơi này đều đã cố gắng xây dựng được các ngôi chánh điện khang trang, theo mô-tuýp chung của giáo đoàn I hiện nay. Sư cô Toàn ở tịnh xá Ngọc Duyên đã gọi ông Sáu Được đến cho tôi gặp. Ông Sáu Được lúc nhỏ đi học tiểu học bị ở lại lớp, nghỉ ở nhà rỗi rảnh, nên ông Sáu Chiếu đã bảo người bác kêu ông qua giúp sắp chữ. Máy in Pháp Ấn hồi đó đặt tại nhà bà bác vật (bác học) Lầu, ở đường Thoại Ngọc Hầu, tỉnh Long Xuyên. Hồi đó chánh quyền không cho đặt nhà in tại quận (Thốt Nốt), nên phải đặt tại tỉnh (Long Xuyên). Mà sư Tổ không gọi là nhà in, chỉ gọi là máy in, địa điểm ở gần tịnh xá Ngọc Long…

H.04.jpg

Hình 4
H.05.jpg

Hình 5

        Tôi chụp hình ông Sáu Được rồi nhờ ông dẫn qua nhà ông Chấn Hồng theo lời sư cô Toàn chỉ (H.04). Khi đi vào đường Nguyễn Trung Trực, tôi hỏi thăm nhưng không ai biết ông Chấn Hồng ở đâu. Cuối cùng có một cô lớn tuổi sốt sắng chỉ tôi đến nhà cô giáo Trang. Cô Trang bảo mình là cháu ngoại của ông Chấn Hồng, bây giờ ít có ai biết đến tên ông ngoại của cô nữa. Tôi trình bày vắn tắt và xin phép được chụp hình y bát của Tổ sư Minh Đăng Quang mà nghe nói là gia đình đang thờ. Cô Trang đồng ý và mau mắn dẫn tôi lên lầu, leo lên bàn, với tay lấy cái bát đất đang đặt ở góc ngoài trang thờ Phật xuống cho tôi xem.
H.06.jpg

Hình 6

H.07.jpg

Hình 7

 

Cổ vật này là một bát đất tròn đều trông như một cái nồi, trên miệng có hàng hoa văn chạy tròn đều, bên ngoài bị đốt đen, bên trong không láng, được đặt trên một dĩa nhôm trắng mỏng đã ố màu, đậy bằng một nắp nhôm trắng mỏng cũng đã ố màu, bên trong là một ca nhôm dầy hơn và thêm hai cái bao gối nhỏ. Tôi giở ra xem, phát hiện có mấy vỏ trứng thằn lằn nên trút ra hết. Dưới đít ca nhôm có khắc hai chữ “DAI-DUC”, chữ được tô màu đỏ. Tôi chụp hình cẩn thận nhiều cảnh cái bát đất và ca nhôm (H.05, H.06, H.07). Tấm y ca-sa thì đang cất trong tủ thờ, cô Trang không có chìa khóa để mở cho tôi xem.

Đưa tôi xuống nhà, cô Trang nói rằng đây là vật của bà ngoại để lại, nhà cô cứ tiếp tục thờ chứ không biết rõ lắm, nói chung chỉ biết là y và bát của sư trưởng Minh Đăng Quang mà thôi. Tôi xin được chụp một tấm hình cô Trang rồi cùng ông Sáu ra về. Rời ngôi nhà số 244 này, tôi và ông cụ lại ra đi như hai thầy trò. Lúc ấy trời đã tối hẳn, đèn đường đã sáng trưng. Tôi bảo ông cứ đạp xe đi trước, nhưng ông không chịu, nói là đi theo sư. Tôi nói: “Chỉ sợ chú lại đổi ý” và cười với ông…

Sáng ngày 9 tháng 3, tôi tạm biệt Ngọc Trung. Ghé qua cốc sư Nguyên đưa chìa khóa, tôi nói: “Chúc sư mãi an lạc như thế này.” Sư Nguyên chấp tay cảm niệm. Tôi nói tiếp: “Sư biết không, lâu nay ở Thành phố Hồ Chí Minh có phong trào tu một ngày an lạc, do hòa thượng Trí Quảng chủ toa. Người ta đi tìm từng ngày an lạc, còn ở đây mình an lạc quanh năm rồi nhiều khi mình không để ý!” Sư Nguyên cười, mắt lấp lánh sau nhiều vòng kính cận. Sư hỏi tôi đang đi làm luận án gì phải không? Tôi đáp là mình đang làm một trang web…

Tôi ghé qua nhà cô Trang đề nghị xin y và bát, nhưng cô Trang đã đi dạy, người chị dâu bảo tôi khi khác quay lại. Tôi rời quận Thốt Nốt, đón xe lên Vĩnh Long mất đúng 3 tiếng, chỉ có 72km! Xuống xe, tôi đi bộ vào Ngọc Viên. Hòa thượng trụ trì và sư Giác Thuần đều đã đi vắng vì có Phật sự. Tôi xin cơm ăn, tắm, ngủ một giấc rồi tìm cách gặp bà Hoa chị của Tổ sư.

Được các chú cho số điện thoại nên tôi đã liên lạc trước. Theo lời hướng dẫn, tôi đi qua cầu Kinh Cụt, rẽ trái rồi hỏi nhà cô Chi từ thiện. Mọi người sốt sắng chỉ ngõ. Tôi vào ngay nhà, cô Thạnh Ngọc đã đợi sẵn, mời tôi lên lầu xem nơi thờ Tổ.

Nhìn bàn thờ của gia đình, lần đầu tiên tôi mới biết mặt thân mẫu của Tổ sư. Thì ra Tổ sư giống mẹ quá. Cô Thạnh cũng nói là mình giống bà ngoại, giống Tổ sư.

Lúc xuống phòng khách, cô Thạnh mời tôi uống nước dừa và ngồi kể một số chuyện. Mấy đứa cháu ngoại của cô cứ chạy ra chạy vào quấy rầy bà suốt. Theo lời cô, tôi biết Tổ sư có hai anh và hai chị: anh Hai, chị Ba là bà Hoa, chị Tư và anh Năm. Chị Tư mất khi còn nhỏ. Anh Hai có 2 người con gái, mà nay một người đang trông nhà từ đường ở Tam Bình. Chị Ba có 10 người con, cô Thạnh thứ Bảy (là người thứ 6), cô Hoa Ngọc là út, đang ở với mẹ. Anh Năm có một con trai là Huệ Tâm. Anh Năm mất khi hoạt động cách mạng. Huệ Tâm mất vào Tết Mậu Thân cùng với ông nội, do Mỹ bắn cháy cả khu vực nhà ông ở.

Mẹ Tổ sư tên Phạm Thị Tỵ. Khi về làm dâu bên chồng bị trùng tên với một người vai lớn hơn nên gia đình chồng đổi tên bà là Nhàn. Bà kế mẫu tên Hà Thị Song không có con. Bà ngoại nhỏ của cô Thạnh mất sau ông ngoại.

Khi Tổ sư sắp đi xa, ngài có dặn sư Giác Bảo vài việc: nên ra tu tịnh để khỏi bị liên lụy vì ngài (do sư Giác Bảo gốc là bên Hòa Hảo), nên may sẵn mười mấy cái y cho các sư đi tìm ngài về có mà mặc… Ngài cũng có bảo ông lão (Tổ sư thường gọi thân sinh là “ông lão”) đến năm Con Khỉ sẽ theo ngài về núi tu. Quả nhiên sau này ông mất vào Tết Mậu Thân, ngày mùng 5. Bây giờ, đến ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm là Tăng, Ni thường về Tam Bình cúng giỗ ông cụ…

Trước nhà cô Thạnh khi xưa có 3 cái cốc lá Tổ sư đã cho cất đầu tiên ở Vĩnh Long. Sau đó, ngài cho dỡ 3 cốc đem qua tịnh xá Pháp Vân. Rồi ngài cất tịnh xá Trúc Viên và Ngọc Viên. Khi Tổ sư giao Trúc Viên cho sư cô Trưởng thì sư cô đổi tên tịnh xá lại là Ngọc Thuận. Một thời gian sau thì bỏ tịnh xá Pháp Vân. Hiện nay, ở tịnh xá Ngọc Viên có giảng đường Pháp Vân là để kỷ niệm tên của ngôi tịnh xá đầu tiên này.

Tôi kể một vài việc đã làm ở Thốt Nốt. Cô Thạnh tỏ vẻ hoài nghi là chưa chắc nhà bà Tuyết còn 69 quyển Chơn Lý chép tay, bởi nếu còn thì có khó khăn gì mà không cho mọi người xem…

H.08.jpg

Hình 8


H.09.jpg

Hình 9

 

Cuối buổi, tôi xin phép chụp hình các bà cháu (H.08). Cô Thạnh hỏi nên mặc đồ gì? Tôi đề nghị nên mặc áo giới, cô liền đi vào nhà… Chụp hình xong, tôi hỏi đường qua nhà cô Hoa Ngọc. Cô Thạnh chỉ đường và còn gởi cả tiền cho tôi đi xe. Tôi ra khỏi xóm cầu Kinh Cụt này vào lúc gần 6 giờ chiều. 15 phút sau tôi đã có mặt ở nhà cô Hoa, ngay trước Phòng Cảnh sát Giao thông thành phố Vĩnh Long, cách cầu Đôi gần 1km.

Khi tôi đang tìm nhà theo chỉ dẫn thì gia đình cô Hoa đã mở cửa ra đón tôi. Cô Nga Ngọc và cô Hoa Ngọc, hai chị em dìu bà cụ ra chào tôi. Bà Nguyễn Thị Hoa năm nay đã 95 tuổi, sức khỏe đã kém, tai đã nặng, trí nhớ đã suy và không ngồi lâu được. Tôi tranh thủ chụp hình bà cụ khi nắng chưa tắt và khi bà còn chưa mệt.

Khi chụp hình xong, lúc đi lại ghế ngồi, tôi chỉ hình Tổ sư trên bàn thờ và hỏi cô Hoa: “Cô gọi người này bằng gì?” – “Dạ, cậu Sáu.” Tôi bảo: “Còn trong đạo, sư phải gọi bằng ông cố lận!” Mọi người đều cười. Mà quả thật, thế hệ chúng tôi đã là đời thứ tư kể từ Tổ sư rồi còn gì…

 Mọi người trò chuyện như những người thân lâu ngày gặp lại. Tôi nhắc lại thông tin cô Thạnh cho biết là bà cụ có một bộ Chơn Lý do Tổ sư tặng, khi tặng ngài dặn là rán giữ kỹ thì sẽ được gặp lại ngài. Cô Hoa đính chính: “Bộ Chơn Lý đó đã bị cháy cùng với ngôi nhà vào năm 1968 rồi, sư. Sau đó, sư cô trưởng có tặng lại một bộ nguyên, không rời từng quyển như trước.” Tôi xin được xem, cô Hoa đi tìm mang ra, thì ra đó là bộ Chơn Lý xuất bản năm 1961 (H.09). Tôi cho cô Hoa biết đây là bộ Chơn Lý toàn tập đầu tiên của Đạo Phật Khất Sĩ xuất bản, nhưng tôi quên nói với cô là giữ bộ Chơn Lý này hay giữ bất cứ bộ Chơn Lý nào vẫn được gặp Tổ sư như thường!

Ngồi một lát thì bà cụ trở chân. Tôi cũng trở chân cho cụ tự nhiên. Thêm một lát thì cô Hoa dìu mẹ đi nghỉ. Tôi đề nghị nên tìm một cái võng lưới Duy Lợi để bà nằm cho khỏe, nhưng cô Hoa sợ mẹ sẽ bị té nếu dùng võng.

Cô Hoa quay ra và nói nhiều hơn những thông tin cô biết về Tổ sư qua lời kể của mẹ. Cô nói rất mạch lạc, lập luận chặt chẽ về những suy nghĩ của mình. Chắc cô là một giáo viên dạy môn Văn, và nếu đi xuất gia chắc cô Hoa sẽ là một giảng sư giỏi của Ni giới, tôi nghĩ như vậy.

Về 69 quyển Chơn Lý chép tay, khi tôi nêu lên rằng đó là các bản do chính tay Tổ sư viết thì cô bác bỏ liền. Cô Hoa nói: “Mẹ con kể rõ là Tổ sư đứng nói khơi khơi, có 2 sư cô ngồi ghi. Lúc đầu một cô ghi, ghi không kịp nên Tổ sư bảo 2 cô ghi một lúc.” Tôi ngạc nhiên về thông tin này. Cô Hoa cho biết thêm: “Chính Ni sư Tuyết ở Sa Đéc cũng đã kể là có tham gia ghi từ chơn lý mấy đến chơn lý mấy. Con quên mất là số mấy, nhưng câu nói của Ni sư thì con quả thật đã được nghe.” – “Ni sư đó ở tịnh xá nào?”, tôi hỏi. Cô Hoa cho biết Ni sư Tuyết đã mất cách đây 2 năm. Thật đáng tiếc…

Còn việc bộ y bát của Tổ sư đang được thờ ở nhà ông Chấn Hồng, cô Hoa đặt nghi vấn là theo giới luật thì một lúc không được dùng 2 bát, 2 y, làm sao có dư mà cho đệ tử thờ? Tôi đưa ra giả thiết là có thể ông Chấn Hồng đã cúng bộ y bát mới, Tổ sư đã nhận và tặng lại cho họ bộ y bát cũ để làm kỷ niệm.

Lúc đó, tôi bỗng nhớ nên số hóa mọi tư liệu. Tôi liền gọi điện thoại về gia đình bà Tuyết, đề nghị họ nên scan các quyển đó để lưu vào máy vi tính, nếu cần thì tôi có thể mượn máy scan cho. Điện thoại reo mãi mà không có ai bắt máy. Tôi lại gọi điện thoại cho cô Trang nhưng cô đã đi dạy ca ba, một cháu bé đã cho biết như vậy.

Khi tôi ra về thì đã 8 giờ tối. Cô Hoa lo rằng tôi về đến tịnh xá thì sẽ bị rầy. Tôi bảo cô cứ yên tâm, bởi vì có việc cần làm và tôi không phải là chúng đệ tử ở Ngọc Viên.

Lúc hơn 9 giờ hòa thượng mới về đến tịnh xá. Tôi chạy ra chào ngài, quên choàng cả y trung. Biết tôi ghé đây để xin các quyển Chơn Lý xuất bản khi còn Tổ sư, hòa thượng bảo rằng ngài đã cho hết, chỉ còn một bộ thờ trên chánh điện.

Hôm sau, gần 4 giờ, kẻng thức chúng vang lên. Tiếng kẻng nghe rất lạ, cứ 2 tiếng dồn 1 như thôi thúc mọi người mau thức dậy. Lúc 6 giờ, mọi người đi điểm tâm. Toàn chúng đảnh lễ hòa thượng mới về rồi đến vị trí ngồi của mình. Hòa thượng hỏi tôi xin Chơn Lý để thờ à? Tôi đáp là không phải, tôi sưu tầm Chơn Lý cũ để làm tư liệu nghiên cứu. Ngài lặng im, tiếp tục ăn cơm với chúng. Lúc cuối buổi, hòa thượng có cho biết một thông tin là Tổ sư đã từng đưa bộ Chơn Lý cho một cư sĩ ở Đồng Tháp biên tập. Hòa thượng lại đề nghị là thành lập một Ban biên tập để cùng soạn lại các văn bản lịch sử của Đạo Phật Khất Sĩ. Hòa thượng cho biết nhóm Minh Khải, Minh Nhật, Minh Thắng sắp ra trường, các chú ấy đều có tâm nguyện nghiên cứu về bộ Chơn Lý. Tôi lắng nghe và thưa hòa thượng hãy khởi xướng, để mọi người nương về cùng làm các việc đó…

            Hơn 7 giờ, tôi thu xếp đồ đạc, chuẩn bị đi qua tịnh xá Ngọc Thuận. Tôi chào sư Minh Hưng và các sư đệ rồi ghé lên chánh điện trước khi đi. Trong tủ thờ Tổ sư Minh Đăng Quang có trưng bày một bộ Chơn Lý. Tôi đã thấy hình chụp bộ sách này và chính nó là nguồn cảm hứng để tôi tìm về miền Tây (H.10). Tôi cúi xuống đi quanh tủ đếm số quyển Chơn Lý. Thật lạ là chỉ có 67 quyển. Không lẽ tại đây, tại nơi chủ trương thờ 69 quyển Chơn Lý cũ, lại còn thiếu 2 quyển? Tôi báo cho sư Viễn biết, sư liền đi tìm một bộ Chơn Lý để đối chiếu với mục lục. Trong khi sư Viễn đi, tôi xem kỹ và thấy có số ghi bằng bút chì nơi góc phải trên bìa trước các quyển Chơn Lý. Thì ra 2 quyển còn thiếu là số 12 và số 14, nằm hai bên quyển Y Bát Chơn Truyền. Hai quyển đó là Khất SĩGiới Bổn Tăng.
H.10.jpg

Hình 10

H.11.jpg

Hình 11

 

Ra tới đường quốc lộ, tôi hỏi địa chỉ tịnh xá Ngọc Thuận mà không ai biết. Ngọc Thuận ở gần Ngọc Viên nên tôi muốn đi bộ đến. Chợt nhớ đến tổng đài 1080, chỉ 1 phút sau tôi đã biết Ngọc Thuận ở đường Ngô Quyền, cũng thuộc phường II, thành phố Vĩnh Long.

Tịnh xá Ngọc Thuận nhỏ, có vẻ khiêm tốn và rất sáng lạn dưới nắng sớm chan hòa (H.11). Sư bà ở đây đang đau nặng, bị liệt một chân và một tay, tuổi đã ngoài 80. Sư bà bảo đệ tử dìu ra gặp tôi và cứ cám ơn tôi mãi vì đã ghé thăm, do lâu nay không ai nhớ đến sư bà cả. Biết tôi đi tìm Chơn Lý cũ, sư bà rất hào phóng bảo cô giúp việc đi lấy ngay cho tôi. Cô vâng lời đi qua phòng bên kia gặp một sư cô rồi quay về bảo không có. Tôi hỏi sư bà tịnh xá Ngọc Thuận và Ngọc Viên cái nào có trước? Sư bà bảo Ngọc Thuận có trước. Tôi định hỏi nếu vậy Ngọc Thuận có được cấp bằng kỷ lục là tịnh xá Khất Sĩ đầu tiên không? Nhưng hình như chẳng ai bận tâm về điều này…

Rời Ngọc Thuận, tôi qua Ngọc Tân. Quý sư và Phật tử ở nơi đó đang niệm Phật. Chắc mọi người đang có tâm nguyện gì đó. Tôi rời Ngọc Tân qua Ngọc Hòa. Tịnh xá Ngọc Hòa đẹp rực rỡ, nhưng cổng đóng kín, tường kiên cố, rào cao và không có một bóng người…

Trưa ngày 10 tháng 3, tôi có mặt ở tịnh xá Ngọc Thành, gần bến xe thị xã Tân An. Trời trưa, nắng gắt, tịnh xá không có ai. Tôi mở cổng đi vào, giải y, rửa mặt, tự tìm chỗ ngồi… Mãi sau mới có sư Minh Thanh ra tiếp tôi, hai mắt còn đỏ hoe vì mới ngủ dậy.

Ngọc Thành có thờ một bộ Chơn Lý 69 quyển, nhưng bìa của các quyển này có lẽ mới được làm lại, giấy còn mới, chữ và các họa tiết đều có màu xanh dương nhạt.

Ngồi chơi uống nước với sư Thanh dưới tàng cây si bên hông chánh điện một lát rồi tôi qua các tịnh xá khác. Tôi đi bộ cho nhớ đường. Từ Ngọc Thành qua Ngọc Liên có lẽ khoảng 3km. Khi tôi đến cổng, sư cô Huệ dừng tay đi ra mở cổng mời tôi vào. Sư cô vui vẻ đi lục hết các quyển Chơn Lý xưa cho tôi xem. Ngoài một bộ Chơn Lý được đóng thành 7 tập nhỏ của Ni trưởng Hà Liên để lại, còn bao nhiêu quyển sư cô đều “đãi” tôi hết.

Khi kiểm tra bộ Chơn Lý 7 tập của Ni trưởng Hà Liên, tôi nhận ra 69 quyển của bộ này được in vào nhiều lần khác nhau. Đặc biệt, có vài thông tin khiến tôi vỡ lẽ được một điều đơn giản mà quan trọng, đó là một số quyển Chơn Lý có hàng chữ này ở bìa trước:

- “Cư sĩ Trí Minh biên tập” (H.12)

- “Cư sĩ Kim Quang biên tập” (H.13)

- “Cư sĩ Thủ Dầu Một biên tập và ấn tống…” (H.14)

H.12.jpg
Hình 12
H.13.jpg

Hình 13

Như vậy, đôi danh ngôn được trang trí phổ biến ở bìa trước các quyển Chơn Lý hiển nhiên là một chủ trương của Tổ sư Minh Đăng Quang (xem hình). Câu “Pháp thí thiện nam đồng hiệp trí” quả thật là rất có ý nghĩa thực tế. Giáo pháp Khất Sĩ có đức Pháp chủ khai sáng là Tổ sư Minh Đăng Quang. Việc bố thí Pháp bảo cũng nên để cho hàng thiện nam hiệp trí cùng làm. Trong thời điểm đó, cụ thể việc này là xuất bản bộ Chơn Lý, gồm các khâu biên tập, sắp chữ, rà lỗi, dàn trang, trình bày bìa, xin phép, in, đóng và phát hành… Với tinh thần tứ chúng Phật tử cùng nhau nâng đỡ ngôi nhà Phật pháp, ví như 4 trụ cái cùng đỡ tòa chánh điện bát giác của tịnh xá, thì việc Tổ sư để cho các cư sĩ trí thức biên tập bộ Chơn Lý không phải là một việc khó hiểu. Biên tập là một việc rất bình thường khi tiến hành xuất bản một tác phẩm văn học, điều này chư Tăng, Ni nên ghi nhận để khỏi áy náy.

Tạm biệt các thầy trò cô Huệ đang sàng gạo, tôi qua Ngọc Tân gần đó. Ngọc Tân là tịnh xá Ni thuộc giáo đoàn I. Tịnh xá Ngọc Tân đẹp, có một nét thoáng, đơn giản, trang nghiêm và cũng khóa kín cổng (H.15). Ni sư trụ trì cho tôi mượn xem các quyển Chơn Lý cũ, xuất bản vào thập niên 1950, trước và sau khi Tổ sư Minh Đăng Quang đi tu tịnh ở núi lửa. Tôi chụp hình bìa trước và sau của các quyển đó. Còn nội dung bên trong của các sách ấy, tôi đã biết là chúng không khác nhau. Vài hôm nữa, hòa thượng ở Ngọc Viên sẽ cho tôi một bộ photo để làm tài liệu đối chiếu, chứng minh…

                  H.14.jpg

Hình 14H.15.jpg

Hình 15

Tối đó tôi về đến tịnh xá Trung Tâm. Mới đi có 4 ngày mà y thượng đã nặng mùi, nên tôi đành bỏ không lên Thủ Dầu Một dự lễ khai mạc đại hội hoằng pháp toàn quốc. Tuy hơi tiếc nhưng cũng đã có một số thu hoạch sau một chuyến đi. Chuyến đi này còn một số điều chưa hoàn thành, như chụp hình các thành viên của tổ in Pháp Ấn ngày xưa, chụp hình tấm y ca-sa của Tổ sư cất ở nhà cô Trang, xác định những lần xuất bản Chơn Lý từ trước đến nay, đi qua hướng Sa Đéc, chụp hình xá-lợi của đức Nhị Tổ và các trưởng lão Tăng, Ni, scan các văn bản của Đạo Phật Khất Sĩ còn giữ ở Ngọc Viên… Dịp khác tôi lại tiếp tục những việc này. Và có lẽ cũng như lần đi này, tuy là có chủ ý từ đầu, nhưng kế hoạch chi tiết thì không xác định được, đành cứ tùy nghi mà thôi.

Sáng ngày 12 tôi mới liên lạc được với cô Trang ở Thốt Nốt. Cũng bằng phong cách cởi mở và thẳng thắn đặc trưng của người Nam bộ, cô Trang cho biết ngay là gia đình không thể cho bộ y bát đó được. Bởi vì, trước đây nhà ngoại cô rất giàu, vì hộ pháp cho đại đức Minh Đăng Quang mà bỏ tất cả, không tiếc gì. Đến khi ông bà ngoại mất thì vật quý nhất còn lại chỉ là y và bát đó. Nên bằng mọi cách gia đình cũng sẽ giữ mà thờ. Tôi rất trân trọng và giải thích rằng do thấy để khơi khơi nên tôi mới có ý tiếc. Tôi đề nghị cô Trang nên làm một hộp bằng kính, mặt trước dán chữ nêu rõ nguồn gốc, bên trong để y nằm dưới, bát trên y, đậy hộp cho kín, để cao trang trọng, sạch sẽ và an toàn. Bát để ở góc trang thờ coi chừng rớt một cái thì uổng. Về việc nắp bát, dĩa và ca, 3 vật bằng nhôm đã ố màu, tôi dặn cô đừng dùng miếng cước xanh hay miếng chà son bằng thép mà chà, thay vì vậy nên dùng vải, rửa sạch, lau khô rồi để vào hộp… Cô Trang hứa sẽ làm vậy. Nhưng chắc lần sau ghé tôi sẽ mang theo một cái hộp thật như ý luôn…

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 3/2011

Tác giả bài viết: Hành Vân

Nguồn tin: ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 11


Hôm nayHôm nay : 953

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 57798

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7849857