Trang nhất » Tin Tức » VĂN HỌC

TRƯỞNG LÃO SĪVALI

Thứ hai - 23/04/2012 13:52

Đệ nhất về lợi lộc

 

I. Gia thế và sự ra đời:

Ngài trưởng lão Sīvali được sanh ra trong một gia đình giàu có, thân mẫu ngài là công chúa Suppavāsā, ngài là cháu ngoại của đức vua xứ Koliya; thân phụ của ngài tên Mahāli, là người của xứ Licchavī.

Khi mang thai ngài, điều kỳ diệu xảy ra trong gia đình là nàng công chúa Suppavāsā được mọi người đem lễ vật đến dâng tặng rất nhiều. Những hạt giống nào mà công chúa đụng vào thì đem gieo trồng sẽ được huê lợi rất cao, cao gấp trăm lần. Khi thu hoạch xong, lúa đem đổ vào nhà kho, mặc dù chỉ đổ vào chút ít nhưng nàng công chúa đụng tay vào cửa kho thì ắt hẳn lúa được đầy kho, tràn cả ra ngoài. Lúa được đem bớt ra ngoài, nếu công chúa đụng tay vào thì lúa sẽ đầy trở lại nhưng chưa từng được lấy ra. Cơm được nấu trong nồi nếu được công chúa đụng tay vào nồi thì nồi cơm ấy sẽ không bao giờ bị vơi, chỉ cho đến khi công chúa lấy tay ra khỏi nồi thì cơm mới vơi đi. Đó là điều kỳ diệu khi đang mang thai ngài.

Một điều lạ nữa, đó là khi mang thai, công chúa phải mang thai ngài đến tận 7 năm trời, chứ không phải là 10 tháng như những thai phụ khác. 7 năm trôi qua, cho đến khi đã có triệu chứng sắp lâm bồn thì công chúa Suppavāsā phải chịu sự đau đớn khốc liệt. Tuy nhiên, với người có tâm tín thành Tam Bảo, nàng Suppavāsā vẫn thường xuyên suy niệm ân đức Tam Bảo như sau:

"Sammāsambuddho vata so bhagavā yo imassa evarūpassa dukkhassa pahānāya dhammaṃ deseti; suppaṭipanno vata tassa bhagavato sāvakasaṅgho yo imassa evarūpassa dukkhassa pahānāya paṭipanno; susukhaṃ vata taṃ nibbānaṃ yatthidaṃ evarūpaṃ dukkhaṃ na saṃvijjati".[1][1]

"Thế Tôn thật là bậc Chánh Ðẳng Giác, ngài thuyết pháp để đoạn tận đau khổ này. Chúng đệ tử của bậc Thế Tôn ấy là khéo hành trì. Các ngài hành trì để đoạn tận đau khổ này. Thật sự an lạc là niết-bàn, tại đây khổ đau này không có mặt".[2][2]

Công chúa Suppavāsā muốn bố thí cúng dường vật thực tạo phước đến Đức Phật và chư Tăng nên bảo hoàng tử Mahāli đi đến đảnh lễ bậc Đạo Sư, vấn an ngài và nói cho ngài biết tình trạng đau khổ của mình như vậy. Hoàng tử Mahāli làm y theo lời nàng, đi đến đảnh lễ bậc Đạo Sư và Thế Tôn đã nói như sau:

"Sukhinī hotu suppavāsā koliyadhītā; arogā arogaṃ puttaṃ vijāyatu".

"Mong rằng Suppavāsā, con gái vua Koliya được an lạc, không bệnh, sanh đứa con không có bệnh hoạn".

Do lời nói này của Thế Tôn, ngay tại tư gia, công chúa Suppavāsā đạ hạ sanh được một bé trai tuấn tú một cách nhẹ nhàng, không đau đớn sau 7 ngày phải chịu những đau đớn khốc liệt. Hoàng tử Mahāli trở về nhà thì rất vui mừng. Sự ra đời của hài nhi đã đem đến cho mọi người sự an vui, mát mẻ, dập tắt đi sự nóng lòng, lo lắng nên hài nhi được đặt tên là Sīvali.

II. Duyên lành xuất gia:

Với niềm vui này, công chúa Suppavāsā xin cung thỉnh Đức Phật cùng với chúng Tỳ kheo đến tại tư gia để tận tay nàng cúng dường đặt bát đến Đức Phật và chư Tăng trong vòng 7 ngày liên tục.

Đến ngày thứ 7, sau khi cúng dường những vật thực thượng hạng, loại cứng, loại mềm đến Thế Tôn và chúng Tỳ kheo xong. Tôn giả Sāriputta hỏi công tử Sīvali:

- Này con, con có kham nhẫn được không? Con có nuôi sống được không? Con có đau khổ gì không?

- Thưa Tôn giả, từ đâu con có thể kham nhẫn? Từ đâu con có thể nuôi sống? Từ đâu con không có đau khổ? Con đã sống bảy năm trong các ghè đầy máu!

Công tử Sīvali có tâm nguyện xuất gia và được cha mẹ đồng ý. Tôn giả Sāriputta dẫn công tử Sīvali về chùa và truyền dạy đề mục quán tưởng căn bản về năm thể trược "tóc, lông, móng, răng, da". Giới tử Sīvali được thọ giáo từ thầy tế độ là tôn giả Sāriputta, và được tôn giả Mahāmoggallāna cạo tóc xuất gia. Trong lúc cạo tóc, Sīvali đã phát triển thiền tuệ nên vừa mới đặt dao cạo lên đầu là đã đạt được Thánh quả Tu-đà-huờn. Với đường cạo thứ nhất, thứ hai, vị giới tử nhỏ tuổi đã lần lượt chứng đạt Thánh quả Tư-đà-hàm và Thánh quả A-na-hàm. Vừa cạo tóc xong thì đồng thời vị Giới tử cũng chứng đắc được Thánh quả A-la-hán cao thượng.

Từ khi sadi Sīvali xuất gia, lợi lộc phát sanh đến cho vị ấy cũng như là chư Tỳ kheo Tăng luôn được dồi dào, đầy đủ về bốn món vật dụng. Đó là do quả báo của phước thiện trong quá khứ mà vị sadi đã tạo trữ.

III. Đệ nhất về lợi lộc.

Chú giải Kinh Pháp Cú đã ghi lại câu chuyện nói về oai lực phước báu của Tôn giả Sīvali. Và đây cũng là sự kiện mà Thế Tôn đã tuyên dương Tôn giả là vị đệ nhất về lợi lộc trong hàng thinh văn đệ tử của Ngài.

Lúc bấy giờ, sau khi mãn mùa an cư, Tôn giả Sāriputta muốn đi thăm viếng người em của mình là Tôn giả Khadiravaniyarevata tu thiền ở trong rừng keo. Đức Thế Tôn cùng với 500 vị tỳ kheo. Đi đến một đoạn đường có ngã ba, Tôn giả Ānanda bạch hỏi thế tôn:

- Bạch Thế Tôn, có hai đoạn đường để đi. Một đoạn đường dài 30 do tuần, có nhiều nguy hiểm, không có người ở; một đoạn đường dài 60 do tuần, có làng xóm để khất thực, đường đi an toàn.

- Này Ānanda, có Sīvali đi với chúng ta không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Vậy thì, này Ānanda, chúng ta hãy đi đoạn đường dài 30 do tuần.

Thế Tôn cùng với chúng Tỳ kheo đi trên đoạn đường dài 30 do tuần ấy, chư thiên biết được tin này, và nhất là có mặt của vị trưởng lão Sīvali nên chư thiên rất hoan hỷ và đã dùng thân thông hóa hiện ra làng xóm, những phước xá để tiếp đón Thế Tôn và đoàn Tỳ kheo tùy tùng. Họ hóa ra những người cận sự nam, cận sự nữ tín thành Tam Bảo, đi đến đảnh lễ, hộ độ và cúng dường đầy đủ các món vật dụng rất dồi dào và chu đáo. Trong suốt hành trình 30 do tuần không hề có một chút nguy hiểm hay khó khăn gì trong việc kiếm tìm vật thực. Đó là do nhờ oai lực phước báu phát sanh của Tôn giả Sīvali, bậc đệ nhất về lợi lộc.

Chẳng mấy chốc, Thế Tôn đã ngự đến khu rừng keo, nơi Tôn giả Khadiravaniyarevata trú ngụ. Tôn giả đã hóa hiện ra hương thất, trú xá để đón tiếp Thế Tôn và chư Tăng. Suốt thời gian trú tại đó, chư thiên đã xuống để hộ độ, cúng dường đầy đủ bốn món vật dụng, không thiếu xót đến Thế Tôn và chúng Tỳ kheo.

Một hôm, khi các Tỳ kheo đang hội họp bàn về phước báu thù thắng của Tôn giả Sīvali, Thế Tôn đã ngự đến và nhân sự kiện ấy, bậc Đạo Sư đã tuyên bố:

"Etadaggaṃ, bhikkhave, mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ lābhīnaṃ yadidaṃ sīvali[3][3]".

"Trong các đệ tử của ta, này các Tỳ kheo, tối thắng về lợi lộc là Sīvali[4][4]".

IV. Ác nghiệp quá khứ.

Một hôm, các vị tỳ Kheo hội họp tại Giảng đường, bàn về việc Tôn giả Sīvali là bậc đại phước, đại trí nhưng tại sao Ngài lại phải chịu khổ đau đớn trong bụng mẹ suốt 7 năm 7 ngày? Đức Thế Tôn biết rõ việc ấy nên đã thuyết về câu chuyện tiền thân của Tôn giả Sīvali.

Thuở quá khứ, Tôn giả sanh làm một vị vua trì vì xứ Bārāṇasī. Lúc bấy giờ, vua nước láng giềng đem quân sang với ý định thôn tính xứ Bārāṇasī. Vua nước láng giềng cho quân lập doanh trại nghỉ qua đêm sau một ngày hành quân mệt mỏi. Vua xứ Bārāṇasī biết được việc ấy, đã bàn bạc với mẫu hậu, cho đem quân ra bao vây doanh trại giặc, không cho bất cứ người nào ra vào suốt 7 ngày. Sau 7 ngày mới mở cửa doanh trại để thá vua và binh lính của nước láng giềng về nước. Do nghiệp ác này, đức vua Bārāṇasī sau khi chết bị sanh vào địa ngục nhiều kiếp. Và đến kiếp cuối cùng phải chịu khổ trong suốt thời gian trong bụng mẹ 7 năm 7 ngày. Và mẫu hậu của vị vua ấy, vì đồng tình với vua nên cũng phải chịu đau đớn như con trai của mình, đó cũng là tiền thân của nàng công chúa Suppavāsā hiện tại[5][5].

V. Hạnh nguyện thuở xưa.

Cách đây 100.000 kiếp trái đất, vào thời kỳ giáo pháp của Thế Tôn Padumuttara, khi ấy có một công tử của gia đình trưởng giả nọ có duyên lành nghe Chánh pháp. Nhân dịp nghe Thế Tôn Padumuttara tuyên dương Trưởng lão Sudassana là vị thinh văn đệ tử tối thắng về lợi lộc trong hành thinh văn đệ tử của Ngài. Chàng công tử ấy vô cùng hoan hỷ và ước nguyện cũng muốn đạt được địa vị ấy.

Vì lẽ đó, công tử đã đi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi cung thỉnh Thế Tôn cùng với chư thinh văn đệ tử ngự đến tại tư gia để cúng dường vật thự suốt 7 ngày liên tục. Vào ngày thứ 7, sau khi cúng dường vật thực xong, công tử trẻ tuổi ấy đã quỳ dưới chân Thế Tôn, đảnh lễ và phát nguyện rằng:

- Bạch Thế Tôn, với phước báu cúng dường suốt 7 ngày, con không mong muốn gì khác, chỉ mong muốn đạt được trở thành vị thinh văn đệ tử tối thắng về lợi lộc trong hàng đệ tử thinh văn của Thế Tôn trong thời vị lai.

Thế Tôn Padumuttara dùng tuệ nhãn quán xét duyên lành và thấy ước nguyện của vị công tử này sẽ thành tựu trong thời vị lai nên ngài đã thọ ký rằng:

Tato avoca bhagavā suṇātha mama bhāsitaṃ, 

Appameyyamhi buddhamhi saṅghamhi suppatiṭṭhitā.

Dakkhiṇā tāya ko vattā appameyyaphalā hi sā, 

Apicesa mahābhogo ṭhānaṃ pattheti uttamaṃ. 

Lābhī vipulalābhānaṃ yathā bhikkhu sudassano, 

Tathāhampi bhaveyyanti lacchatetaṃ anāgate. 

Satasahasse ito kappe okkākakulasambhavo, 

Gotamo nāma nāmena satthā loke bhavissati. 

Tassa dhammesu dāyādo oraso dhammanimmito, 

Sīvali nāma nāmena hessati satthusāvako. 

"Các ngươi hãy lắng nghe lời nói của ta. Sự cúng dường đã khéo được thiết lập ở Đức Phật vô lượng, ở hội chúng, ai là người thông báo rằng chính việc cúng dường ấy là có quả báu vô lượng? Và luôn cả người có của cải dồi dào này cũng phát nguyện vị thế tối thượng rằng:

'Giống như vị Tỳ khưu Sudassana là có lợi lộc trong số các vị có lợi lộc dồi dào, mong rằng ta cũng có thể  được tương tợ như thế,' (người này) sẽ đạt được điều ấy trong ngày vị lai. 

Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian. 

 (Người này) sẽ trở thành thinh văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự giáo pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo pháp, có tên là Sīvali[6][6]".

Đó là lời thọ ký của đức Thế Tôn Padumuttara cho công tử thanh niên, là tiền thân của Ngài Trưởng lão Sīvali trong kiếp hiện tại này.

Cách đây 91 kiếp trái đất, khi Thế Tôn Vipassī xuất hiện trên thế gian, tiền thân của Trưởng lão Sīvali là một thanh niên nghèo trong thành Bandhumati. Khi ấy, dân chúng trong thành đã tranh đua về việc bố thí cúng dường với đức vua nên đã hùn nhau lại làm phước cúng dường vật thực đến đức Thế Tôn Vipassī cùng với chư Tỳ kheo Tăng. Mọi thứ vật thực thượng hạng, loại cứng, loại mềm đã được chuẩn bị, sắp xếp chu đáo thì mọi người phát hiện còn thiếu sữa đông tươi và mật ong. Vị trưởng nhóm quyết định đi tìm mua cho bằng được hai món này để cúng dường, dù bất cứ giá nào cũng phải mua.

Khi ấy, chàng thanh niên nghèo là tiền thân của ngài Sīvali đi đến, trên tay cầm theo sữa đông tươi và mật ong đi vào thành, vị trưởng nhóm thấy được liền đến xin mua ngay với giá 1 kahapana. Chàng thanh niên rất ngạc nhiên với số tiền lớn như vậy, muốn tìm hiểu lý do vì sao nên chàng không chịu bán với gia đó. Hai bên cò kè giá cả, cuối cùng trị giá của hai món ấy đẩy lên đến 1000 kahapana. Chàng thanh niên nghèo quá đỗi ngạc nhiên nên hỏi rõ lý do và được giải thích rõ ràng.

Khi biết được nguyên nhân, chàng thanh niên đã phát tâm cúng dường toàn bộ phần sữa đông tươi và mật ong của mình với đại lễ cúng dường của dân chúng ấy. Sau khi cúng dường xong vật thực, khi Thế Tôn và chư Thánh thinh văn đã thọ thực xong, chàng thanh niên ấy đã đi đến đảnh lễ Thế Tôn và phát nguyện sẽ trở thành vị thinh văn đệ tử tối thắng về lợi lộc trong hàng thinh văn đệ tử của Thế Tôn thời vị lai. Đức phật Vipassī đã thọ ký điều này cho chàng thanh niên.



Tác giả bài viết: theo kinh Đại Tạng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 25


Hôm nayHôm nay : 3446

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 85382

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8536159