TRUYỆN DÀI: ĐỐM SÁNG TINH HOA. (Hoa sen trong cõi tịnh)
1,
Ngọn lửa bập bùng cháy trên đống cỏ khô, Sư Thầy Giác Phổ ngồi vá mảnh y đã cũ cùng với hai chú Huệ đang ôm chú cún con bé nhỏ. Quá khứ phân li, ngài đếm từng hạt sương trên lá, trước mặt là khoảng không gian đồi núi tĩnh lặng, từng cơn gió mùa thu thổi qua làm cho ngọn lửa cháy sáng trên mặt hồ. Đóa sen giữa hồ bỗng tỏa ra ánh sáng ngũ sắc, cảnh đồi núi đêm hôm ấy thoang thoảng hương thơm kì diệu. Từ trên chín tầng mây rọi xuống trong khu đất của ngôi chùa nhỏ, ánh trăng rằm bàng bạc rọi xuống như một sợi tơ nhện thả từ những đám mây trắng huyền ảo. Sư thầy Giác Phổ vén áo ngồi dậy, rồi rời tảng đá cùng với hai chú Huệ trở lại am cốc.
Am nhỏ nằm ẩn sâu trong một vách núi, xung quanh cây trái mọc xum xuê, người đến vãn cảnh chùa đa số là khách thập phương, nhưng cũng có hôm có vài ba người lính trẻ ghé vào xin nước uống trong lúc hành quân giữa đường mệt mỏi. Khi vào chùa, ai cũng chắp tay mô phật, rồi mới xin sư thầy ở lại nghỉ chân trong cái nắng như thiêu như đốt giữa một vùng đồi núi hoang vu.
Nhìn quê hương mà sót xa dòng lệ, một vị sư già cùng hai chú Huệ sống trong một bầu không khí đau thương. Mỗi khi có người lính nào ghé qua, sư thầy đều cho ở lại nghỉ ngơi, không phân biệt đó là lính của bên nào, vì tất cả những người con trên quê hương Việt Nam đang chiến đấu cho một cuộc chiến tranh phi lý, dù là người lính ở bên nào thì họ cũng đều là người dân da vàng của xứ Việt chịu nhiều mất mát và đau thương trong cảnh chiến tranh tàn phá.
Từ lúc nghe tiếng trẻ con khóc, sư thầy Giác Phổ đã trở về chùa rồi ra am cốc để tìm nơi tiếng khóc phát ra. Muốn đi ra am phải qua một con đường nhỏ dẫn ra khu vườn rau. Cảnh chùa yên lặng trong tiếng chim cưỡng và tiếng suối chảy rầm rì trong suốt bốn mùa.
Trong đêm Huệ Nhiên và Huệ Tịnh ngồi đun nước và dõi mắt theo những luồng lân tinh nhỏ phát ra dưới bụng của những con đom đóm đang bay chung quanh, nụ cười hồn nhiên của hai chú huệ hòa lẫn vào tiếng côn trùng làm cho cảnh chùa bớt đi phần nào sự vắng lặng tịch liêu. Huệ Tịnh nhìn sư huynh rồi nói:
- Này sư huynh, đầu huynh đang tỏa ánh hào quang kìa.
Huệ Nhiên nghe sư đệ nói vậy liền phản ứng ngay:
- Làm gì có ánh hào quang nào đâu.
Huệ Tịnh cười khúc khích:
- Có thật mà, nếu huynh không tin để đệ lấy ánh hào quang xuống cho huynh xem.
Huệ Tịnh túm lấy con đom đóm vào lòng bàn tay rồi đưa ra trước mặt Huệ Nhiên và từ từ mở lòng bàn tay ra thì con đom đóm nhấp nháy ánh hào quang bay lên không trung, Huệ Tịnh mủm mỉm cười:
- Hào quang của sư huynh đây này.
Biết là Huệ Tịnh trêu mình, Huệ Nhiên gõ nhẹ vào đầu của Huệ Tịnh rồi nói:
- Trên đầu đệ có cục thịt mới nổi lên kìa, huynh nghe sư phụ nói đó là một trong 32 tướng tốt của Phật Tổ đấy.
Huệ Tịnh nhìn sư huynh, đôi mắt của Huệ Tịnh tròn xoe trong sáng, chú lấy tay xoa lên đầu như để kiểm tra lại xem lời sư huynh nói có đúng hay không. Huệ Nhiên cũng đưa tay xoa đầu Huệ Tịnh, hai chú Huệ đã sống chung từ nhỏ, hai chú Huệ được sư thầy nhận về nuôi trong những ngày cuộc chiến diễn ra ác liệt, nhà cửa của dân làng dường như bị bom đạn thiêu cháy, trong lúc đó sư thầy đã đi vào những vùng bị bom đạn tàn phá để thực hiện công việc cứu trợ của mình.
- Này sư đệ, huynh nghe sư phụ dạy nếu chúng ta chịu khó tu hành thì sau này khi chúng ta thành chánh quả, thì chúng ta cũng có 32 tương tốt như Phật Tổ, sẽ có ánh hào quanh tỏa khắp châu thân.
Huệ Tịnh vốn sáng trí, nên khi nghe sư huynh nói, Huệ Tịnh cũng đáp lại lời sư huynh:
- Sư huynh ơi, đệ cũng nhớ Phật Tổ đã từng nói rằng:’’ Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành’’.
- Vậy trong hai huynh đệ chúng ta ai thành Phật trước thì sẽ giúp đỡ người còn lại thành Phật được không sư huynh.
- Vâng, huynh hứa, nhưng không chỉ giúp đỡ cho riêng chúng ta mà còn cho mọi chúng sinh nữa, huynh nghe sư phụ nói, người xuất gia tu hành phải quên cái thân của mình đi và đem hết những gì mình học được, thực hành được, chứng đắc được đem đi truyền lại cho mọi người.
Trong am nhỏ đứa bé đã nằm im trong vòng tay người mẹ. Sư thầy Giác Phổ đã đứng bên cạnh hai chú Huệ từ lúc hai chú tranh luận về vầng hào quang của con đom đóm. Sư thầy rạng một nụ cười trên đôi môi hiền từ, rồi ôm hai chú Huệ vào lòng:
- Thôi, hai con bây giờ hãy theo sư phụ trở vào trong để lo cho em bé đang khóc, hai con nhớ mang nước vào cho sư phụ để sư phụ rửa vết thương cho em bé…
Đôi bàn tay bé xíu của em bé bị kiến cắn đỏ au bong ra những giọt máu đã được lau sạch bằng nước ấm, được bôi thuốc do chính tay sư thầy nghiền từ một thứ cỏ khô.
Gương mặt tro than lẫn với những giọt mồ hôi kéo từng đường xám ngắt, đôi mắt đục mờ và sợ hãi, bà mẹ mở mắt nhìn quanh rồi ôm đứa bé đứng dậy đi tới chỗ Sư thầy rồi quỳ xuống:
- Bạch thầy, giữa lúc hoạn nạn may nhờ được thầy cứu giúp.
Lúc này vị sư già đỡ người đàn bà đứng lên, rồi với giọng trầm ấm:
Ta đang ngồi vá mảnh y , thì nghe có tiếng trẻ con khóc nên ta đã vội vàng trở lại am, không ngờ lại gặp hai mẹ con đang nằm ở góc vườn, nên ta đã gọi hai người đệ tử của ta đưa hai mẹ con vào trong am để tĩnh dưỡng, việc ấy cũng là việc nên làm đối với những người xuất gia tu hành. Hai mẹ con hãy ở lại trong am tối nay để ngày mai khi trời sáng rồi hãy lên đường.
Người đàn bà lặng im trầm tư một lúc lâu, hai dòng nước mắt chảy kèm nhèm trong đôi mắt chứa đựng những niềm u buồn uất ức.Đêm hôm đó, trong chánh điện, sư thầy cùng hai chú huệ tụng kinh cầu an cho những người bị mất nhà cửa do bom đạn tàn phá cho đến khuya mới nghỉ ngơi.
Bầy đom đóm tản đi sau cơn gió lạnh buổi sớm, mấy chiếc lá vàng rơi lả tả trên nóc ngói. Chú Huệ Tịnh đi mở cửa am, chú đi qua lối nhỏ, xung quanh những hàng rau ướt sương đang dần xòe lá ra đón nắng, bầy chim sẻ nhảy trên mặt đất nhặt những hòn sạn nhỏ, chú vừa đi vừa cầm trên tay một ít bánh mì. Khi mở cửa am, đứa bé đã mở mắt ngơ ngác nhìn Huệ Tịnh, Huệ Tịnh lại gần chỗ đứa bé đang nằm rồi nhìn quanh nhưng không thấy người đàn bà đâu cả, Huệ Tịnh chạy ra ngoài nhưng cũng không thấy ai. Chú chạy theo lối mòn rồi vào am của sư phụ chú thưa:
- Bạch thầy, con đã đi mở cửa am nhưng con không thấy mẹ của đứa bé đâu cả, đứa bé vẫn nằm trên thảm cỏ một mình .
Sư thầy theo Huệ Tịnh đi qua con đường đã nhộm màu nắng đầu ngày, rồi vào am thì thật không còn thấy người đàn bà đâu chỉ còn đứa bé đang ngơ ngác nằm một mình. Sư thầy bế đứa bé lên, rồi bảo Huệ Tịnh vào trong kho lấy ít gạo ra để nấu cháo. Đứa bé nhìn sư và mỉm cười, để lộ mấy chiếc răng sữa ngộ nghĩnh, đứa bé cứ vậy mà nhìn sư thầy điềm nhiên không khóc.
Chuông chùa từng tiếng vang vang ngân ngân, mảnh đất chiều hôm bạc nắng réo rắc uốn mình khoe trên từng sợi gân lá. Người đàn bà đã không trở lại chùa, bà đã đi từ lúc tiếng kinh Bát-nhã vừa dứt vào buổi sớm sương. Chú Huệ Nhiên múc nước tới chậu hoa cúc, chú vẩy nước sang áo Huệ Tịnh, hai chú Huệ nô đùa cho đến khi khuôn mặt lem luốc ướt át và nhìn nhau cười rồi mới chịu vào trong thay đồ để chuẩn bị cho buổi tụng kinh.
Sư thầy bồng đứa bé trên tay và đưa mắt nhìn về phía trời xa, rồi sư thầy ngâm thơ:
Con dế nằm hát bụi lau
Ông đò buông giọng trầm đau đường chèo.
Lão tăng quét rác trong veo
Sớm mơ kinh kệ chiều theo mây trời
Nhớ ông Tạ Tốn(1)* một đời
Hoang đảo ấy đã nhộm màu hôm nay.
Vuốt râu trăng rọi chân mày
Ông lão chèo chống một ngày ca ngâm.
Kể cho nghe khúc thượng thừa
Thiên Long Bát Bộ cho vừa Kim Dung.
Ở Trong men rượu anh hùng
Tiêu Phong thét lớn ai cùng cạn ly
Rượu uống ở giữa sân chùa
Hư Trúc cạn chén rồi say sưa cười.
Đoàn Dự hòa cuộc rong chơi
Một cơn thống khoái lên ngôi nghê thường.
Tiêu Phong ngửa mặt cương thường
Trời còn chưa tỉnh đất cong gót hài.
Quần hùng trợn mắt ngác ngơ
Huyết khí dâng sóng xô bờ lạnh câm.
Một khi rượu uống trăm năm
Kết thành huynh đệ chung nằm vầng trăng.
Ông lão hát nửa lời rằng
Bây giờ sự sống đổi bằng từng giây.
Xóm nam xóm bắc xéo dày
Mưa sắt mưa thép người bày hại nhau.
Bây giờ ga ngóng con tàu
Nửa đường hương khói nhộm màu máu loang.
***
2,
Sau khi người đàn bà bỏ đi, sư thầy Giác Phổ đã nuôi đứa bé lớn khôn. Từ khi ở chùa, sư thầy Giác Phổ đã làm lễ thí phát xuất gia cho đứa bé với pháp danh là Huệ Tính. Huệ Tính rất chăm đọc sách, mỗi lúc rảnh rổi chú thường trốn ra phía sau tượng Phật để nghiên cứu kinh điển đại thừa.
Cũng trong khoảng thời gian này có một nhóm tu sĩ từ miền tây sông nước đi vào miền trung để làm phật sự, tôn giáo ở miền tây lúc bấy giờ cũng có nhiều biến động theo dòng chảy của lịch sử dân tộc.
Phía trước là vách núi, trăng sáng mờ trong sương lạnh, một nhóm tu sĩ gồm 3 người trẻ tuổi ngồi đốt lửa và dựng một túp lều nhỏ. Mi ngồi niệm danh ngài Bồ Tát Quan Thế Âm, Mi là một chàng trai với dáng người nhỏ nhắn, linh hoạt và có đôi mắt sáng trong.Buổi sáng hôm sau, Mi cùng hai vị tu sĩ xuống núi để đi vào chợ với một túi đựng thuốc nam.
Dưới ngọn núi lớn tên Cổ Phật, bên cạnh là cái hang cọp không đáy. Khi ngọn núi vẫn còn là một nơi với cây cối rậm rạp, các loài thú nhỏ như… thỏ, trăn, sóc, chồn…còn nhiều, thì loài cọp rất ít khi xuống núi phá hoại thôn xóm. Nhưng do chiến tranh tàn phá, thú rừng bị săn bắt hầu như không còn một loài nào ở lại, trên núi cây cối một phần bị cháy trụi do chiến tranh một phần bị đốn hạ để làm gỗ và củi. Những sườn núi trơ khô không một bóng mát. Người đi đốn củi chỉ còn trông thấy một cái hang cọp nằm cạnh tảng đá lớn, song cũng không ai dám lại gần.
Vào độ cuối tháng 9, nước lũ ùa về vùng đồng bằng, những người đi núi hái rau về ăn thay cơm rất nhiều. Có nhiều loại rau và củ có thể ăn được như rau lủi, đọt vạn tế, hủ cốt cây chà là, củ sắn hoang...rồi một hôm có người đã gặp được cọp và chạy thụt mạng về báo cho dân làng. Trong lúc ông Ba vác một hòn đá dài về bắc cầu cho đoạn đường bị lở ở cuối thôn thì có người về báo cho ông biết cọp đã xuất hiện và dạo này số bò mất tích khi đi ăn ở trong thung sâu đang tăng dần. Cũng trong năm này, nạn đói không chỉ giáng xuống cho con người mà còn ảnh hưởng đến những con vật sống ở núi cao hang thẳm, nên khi nghe tin dữ, ông Ba nói:
- Đêm nay ta sẽ leo lên hang cọp, mọi người hãy chuẩn bị cho ta một miếng sườn bò còn tươi để ta dụ nó ra.
Đêm đến, cảnh núi non tịch mịch, không gian loang loáng những giọt sương dưới ánh trăng bàng bạc. Ông Ba cùng hai thanh niên cường tráng nhất trong thôn lần mò theo con đường mòn do những đàn bò đi ăn để lại. Dòng thác chảy trắng xóa trong ánh trăng làm không khí loãng ra. Từng luồng gió ùa ùa luồn qua những con dốc trơn trợt. Đôi mắt ông Ba sáng rực như lửa cháy, mồ hôi chảy dài xuống hai vai nhấp nhô cơ bắp. Hai chàng trai bám gót ông Ba leo lên những dốc núi dựng đứng. Phía dưới vách núi là những hòn đá nhọn như dao găm. Chim kêu từ trên dốc núi vọng xuống, những dây leo bò chằng chịt khắp nơi. Khi bóng trăng đã ở lưng chừng núi, sương tan dần và tụ thành những vũng nước. Ông Ba vốc nước rửa mặt, ngọn giáo nhọn có tẩm thuốc độc nằm kè bên hông. Hai chàng trai cầm đuốc, lửa cháy xèo xèo trong không gian ẩm ướt. Cái hang nằm ẩn sâu trong một bụi rậm . Miếng sườn bò còn nguyên những giọt máu tanh tởi được treo ở ngoài cửa hang.
Cảnh đất trời càng về khuya càng lạnh, từ trên cao nhìn xuống có thể thấy được những ngôi mộ cổ nằm im lìm trên những mảnh đất bằng phẳng. Trong bụi rậm, một hơi thở ùa ra. Đôi mắt mệt mỏi, thân xác gầy ốm đang trườn ra khỏi hang. Con cọp nhe hai răng nanh gầm gừ, rồi như ngửi thấy mùi tanh trong không khí, nó lại gần miếng mồi trước cửa hang và gặm phập miếng mồi tươi nghe rợn cả tóc gáy. Đợi khi con cọp ăn được nửa miếng sườn, ông Ba mới ra hiệu cho hai chàng trai lao ra để tạo hai cánh trùng vây giết con cọp.
Ông và hai chàng trai giữ khoảng cách với con cọp. Con cọp gầm gừ nhe nanh và cào vuốt nhọn xuống đất. Trăng ngã về một bên sườn núi, âm thanh cào xé làm xao động cả dãy núi. Ông Ba cởi trần, mồ hôi đổ dọc sống lưng như suối chảy. Ngọn giáo sắc nhọn đang thủ thế để chờ con cọp lao tới. Con cọp nhún cả thân hình rồi nhảy phốc lên, vừa lúc ấy hai chàng trai cùng lao vào hỗ trợ cho ông Ba.
Trong lúc hai bên tranh đấu chưa phân thắng thua, thì một cơn mưa lớn ập xuống trắng xóa cả một vùng đồi núi bao la, cho đến khi hai chàng trai dường như đã kiệt sức và mệt rã, thì ngon giáo bị con cọp đánh văng ra khoảng tay ông Ba, hai chàng bị con cọp huơ chân vào mặt làm cho cả hai nằm gục trên đất, những vết cào cấu rịn máu ra đỏ cả hai gương mặt. Mưa trút từng cơn, rồi bỗng nhiên ngừng lại. Trăng bắt đầu sáng, những ngôi sao mọc lên càng lúc càng rõ nét. Ông Ba đã bị con cọp hất tung lên trên không rồi rơi xuống mặt đất, ông cố gượng đứng lên, nhưng con cọp đã kịp nhảy chòm lên người ông.
Hai con mắt đổ lửa của con cọp nhìn trừng trừng vào ông Ba.
Nhưng không hiểu sao nó lại gầm lên trong đau đớn, rồi thụt lại phía sau để chừa lại một khoảng trống. Trong lúc con cọp đè ông xuống đất ông đã kịp rút con dao mà ông dấu bên hông đâm vào sườn con cọp. Con cọp quỵ hai chân trước xuống đất, nó không còn đủ tỉnh táo để chiến đấu.
Trăng dần hạ xuống sau tàn cây cổ thụ trên đỉnh núi. Lúc này hai chàng trai vẫn còn nằm bất tỉnh, ông Ba tiến lại gần con cọp, con cọp lừ đừ nhe nanh gầm lên một tiếng làm những con chim núi giật mình bay dáo dác khắp nơi. Phía trên hòn đá lớn, một luồng hào quang sáng rực hiện ra. Một con cọp cái già nua gầm gừ nhìn ông Ba, không gian huyền ảo, những cơn gió vi vút hai bên tả hữu làm rung động những bụi cây rậm rạp.
Con cọp bị thương nằm im, nước mắt trào ra, máu chảy ướt cả bộ lông trên một thân hình tiều tụy. Hai hố mắt của con cọp cái trên tảng đá cũng ứa ra những dòng nước mắt.. nó đứng im trong làn gió lạnh, bộ lông mượt óng ả bay phất phơ dưới ánh trăng tàn.
Ông Ba lùi lại đằng sau vài chục bước, rồi như hiểu một điều gì đó từ khi nhìn thấy linh ảnh từ trên hòn đá lớn, ông xua tay ra hiệu cho con cọp bị thương đi nơi khác. Lúc này con cọp cái nhảy xuống bên cạnh con cọp bị thương, nó liếm láp vết thương và chụm đầu âu yếm, sau đó con cọp bị thương trong dáng hình mệt mỏi sau khi được con cọp cái già nua liếm láp, nó dần lấy lại được sức lực nhưng chỉ đủ trườn mình đứng dậy mà chui lại vào hang .
Con cọp cái nhảy lên trên hòn đá lớn rồi quỳ gối xuống hướng mắt nhìn ông Ba như muốn cảm ơn vì ông đã tha mạng cho đồng loại của nó. Sau đó, bóng con cọp cái phát ra một luồng hào quang đủ màu sắc cùng một ông lão áo trắng đang ngự trên lưng cọp, trên tay ông lão cầm một đóa sen và đưa lên không trung, đóa sen tỏa sáng cả ngọn đồi. Lúc đó ông Ba nhớ lại sự tích núi Cổ Phật mà ông đã thuộc lòng từ nhỏ từ hình ảnh mà ông đã nhìn thấy được, và sau đó ông lão áo trắng cùng với con tan biến trong không gian tịch mịch. Đó là là một linh ảnh, một linh ảnh hiền từ của một người mẹ:
- Nó là mẹ của con hổ bị thương kia chăng? .
- Ông lão áo trắng là vị Cổ Phật mà người đời truyền tụng chăng.
Ông Ba tự hỏi, rồi chờ khi hai chàng trai tỉnh lại mới tìm đường lần mò xuống núi.
Một thời gian sau đó, người đi củi, hái rau không còn thấy bóng dáng của con cọp đâu nữa, và họ cũng phát hiện ra những con bò mất tích trước đó đã chết trên những con dốc núi hiểm trong khi chúng kiếm ăn trong mùa đói rét.
Trở lại với câu chuyện của Mi và hai vị tu sĩ, từ khi xuôi ngược từ đồng bằng sông Cửu Long ra miền Trung, hai vị tu sĩ ẩn danh kia đã chữa bệnh miễn phí cho nhiều người ở bằng thứ thuốc bột được nghiền từ một loài cỏ thảo.
Câu chuyện vẫn còn tiếp tục bằng những câu thơ lục bát đầy thi vị của sư thầy Giác Phổ khi ngài ngồi trên thảm thảm cỏ khô trong một buổi chiều đầy gió :
Hoa trôi trên sông từng tràng
Mênh mang thiên cổ cung đàn Bá Nha.
Lão tăng mặc áo cà sa
Sớm nhìn thế giới ta bà ẩn thân.
Có phương thuốc trị mê lầm
Người nào có trí ngẫm nghiền mới ra.
Phong thư là bãi tha ma
Mở ra là sự vô thường hiện thân.
Thuốc tiên thuốc phật từ tâm
Dùng cùng nước lã thanh bần gạo rau.
Án Ma Ni Bát Di Hồng
Ngọn đèn chánh giác đại đồng niệm tu.
Hoa sen thơm được nhờ bùn
Bùn tuy hôi nhưng nhờ dung dưỡng nhành sen mới thành.
Hương sen từ gốc mà thanh
Làm quan chớ có chê dân mà lờn.
Gẫm bao cuộc thế đổi thay
Một khi con tạo trổ bày nghiệp nhân.
Mắt trời hai ngọn đằng vân
Mặt trời chơn lý, còn vầng trăng soi.
Kể nghe câu chuyện đất trời
Ngày kia sẽ thấy con người thiện căn.
***
3,
Trời sang mùa, cây cỏ nở những bông hoa trên những cánh đồng quê. Lũ trẻ chăn bò thả diều cùng những chiếc cần câu được làm bằng những cành trảy già buông xuống những con mương rút để câu cá chốt.
Ở những con mương lớn thường có nhiều cá rô gai, loài cá này chỉ thích ăn cào cào, chúng thường ẩn nấp trong những bụi lát để chờ những con cào cào đập cánh lúc trời thổi gió chúng dễ bị đẩy xuống nước, lúc đó lũ cá rô liền nhảy phốc lên và đớp con mồi một cách khoái trá, chính vì vậy con rô gai nướng rơm được lũ trẻ xem là món khoái khẩu nhất trong mỗi lần chúng câu được, còn lũ cá chốt thì mang về cho mẹ nấu canh chua lá giang.
Một buổi sáng đầy sương, trong một ngôi nhà nhỏ nọ có một người đàn ông trạc tuổi 30 đang bồng đứa con trai đầu lòng trong gương mặt buồn khó tả. Người vợ thì lục đục phía sau nhà cùng những hàng cà pháo, cà dĩa và những dây bí đỏ.
Bầy gà cục ta cục tác khi cái hanh vàng của nắng vỡ giấc ngủ trong lòng mặt trời, người đàn ông bế đứa con trai vào nhà và trao nó cho người vợ. Đã 3 ngày đứa bé không ăn không uống, nó đã khóc khan cả tiếng đến nỗi khi muốn khóc chỉ còn biết uốn cái thân gầy nhom để lộ những hõm xương sườn gầy guộc.
- Chả lẽ con trai ta sẽ chết hay sao.
- Không, không, dù bất kì giá nào ta cũng phải tìm cách cứu nó, con ơi! Phật bà Quan Thế Âm ơi! xin Phật trời cứu lấy đứa con trai bé bỏng của tôi.
Trên đôi mắt của người cha là những nỗi buồn, râu ria ông dài ra trên cái cằm màu vàng nhạt, người cha hiền từ nhìn đứa con trai mà thơ thẩn như người mất hồn.
- Bà nó ơi, chúc nữa bà ra ngoài chợ mua mật vịt xiêm về cho con uống thử xem, anh nghe bà con trong xóm nói uống mật vịt xiêm có thể khử độc trong đường ruột được đó.
Người vợ gật đầu, rồi vào buồng mặc thêm chiếc áo để đi ra chợ. Đứa bé đã được đưa đi chữa trị ở nhiều nơi từ thầy lang này đến thầy lang khác mà bệnh cũng không thuyên giảm. Mọi thứ trong nhà đều bán đi để lo tiền thuốc.
Nắng bỗng vàng như sáp mật ong rừng, đẹp, ngon đến mê cả mắt. Chợ nằm bên con sông nhỏ, những túp liều lá nằm rải rác dọc bờ sông, nón lá che nghiêng những khuôn mặt háp nắng đang bưng từng mủng cá Nục để bày bán.
Đàn bồ câu bay sà xuống con đường làng, những ngọn gió lật những cọng rơm còn sót lại vài hạt lúa trên thân. Những tiếng gù rụ gù rụ trống mái cùng những chuyến bay để tha rơm về lót ổ của lũ chim bồ câu báo hiệu cho một mùa mưa sắp đến, người mẹ trẻ tay cầm cái giỏ đựng hoa bí cùng mấy bó rau cải ra chợ để bán kiếm thêm vài đồng cho đủ tiền để mua cái mật vịt xiêm.
Hai vị tu sĩ lúc này đang ngồi trò chuyện vơi Mi về chuyến đi sắp tới họ sẽ cùng nhau trở về ngọn núi Cấm ở vùng Thất sơn để tu tịnh:
- Mi, nếu anh muốn theo chúng tôi về Thất Sơn, thì sớm mai chúng ta sẽ lên đường.
Mi im lặng, mỉm cười, vì từ lâu anh đã sống trôi dạt khắp nơi, lúc mới gặp hai vị tu sĩ anh đã có linh cảm là sẽ theo hai vị này đi chu khắp mọi miền thôn quê. Mi nghĩ về hai người bạn mà chàng đã gặp ở một ngôi chùa trên núi đó là Nguyễn Thanh và Trúc Tâm và nhớ những con nước chảy tràn những con kinh ở Mỹ Tho nơi mà anh và tuổi còn nợ nhau một câu chào từ trong tiếng bom gào máu lửa. Những họng súng khạc đạn bắn chết những người đàn ông trong đêm 30 giao thừa, những đứa con nít bây giờ chắc cũng đã lớn khi mồ của những người cha đã xanh màu xanh thiên cổ.
Đương nằm mơ màng trong cái nắng đẹp giữa trời mây, Mi giật mình như vừa bị ai đó dẫm phải bàn chân.
- Dạ, anh cho tôi xin lỗi, vì tôi đang vội nên đã dẫm lên bàn chân của anh.
Mi mỉm cười, và tỏ vẻ thông cảm, anh bảo không sao, chị cứ đi đi. Người mẹ trẻ gật đầu, rồi nhặt cái giỏ đựng hoa bí vàng cùng những bó ra xanh lên thì bỗng có ai đó nắm lấy tay chị và nói:
- Này chị, có phải chị đang lo cho đứa con trai của chị bị bệnh viêm đường ruột phải không.
Một giọng nói khác xen vào:
- Đây, chị hãy cầm lấy mấy gói bột trắng này về pha với nước lã cho con chị uống, nhưng nhớ mỗi ngày cho uống ba lần và chị phải tin là con mình sẽ vượt qua được bệnh tật.
Người mẹ trẻ nhìn hai vị tu sĩ, từ đôi mắt u buồn ủ dột bỗng chuyển sang màu bình an, người mẹ trẻ nhận lấy toa thuốc, trong đó có đựng những cái gói nhỏ bằng lá chuối khô, lúc này người mẹ trẻ cứ y như là người bị thôi miên, hai vị tu sĩ dặn dò điều chi bà cũng nghe răm rắp mà không hỏi han hay nghi ngờ gì cả.Thế rồi sau phiên chợ vắng, người vợ về nhà kể cho chồng nghe về chuyện mà bà đã gặp hai vị tu sĩ có giọng nói ngọt ngào ở vùng miền tây sông nước xa sôi vào đây để làm phật sự.
Sau một tuần cho đứa bé uống thuốc, đến ngày thứ tám đứa bé bắt đầu ê a gọi mẹ, sau mỗi đêm trực giấc, người cha thường niệm danh hiệu ngài Quan Thế Âm. Ông đã đọc nhiều tích truyện về phật mẹ Quan Thế Âm hiển linh cứu khổ.
Và giờ đây đứa con trai bé bỏng đã bắt đầu hồi phục lại, da thịt ngày càng hồng hào hơn. Khi đi ngoài thì phân không còn hôi và chảy lỏng ra máu nữa. Tiếng cười trong ngôi nhà nhỏ trong cơn mưa đầu mùa đã trở lại. Lũ chim bồ câu nằm trong ổ ấp đôi trứng, chúng thay nhau đi kiếm ăn, và đến khi trứng nở chúng móm thức ăn vào những cái mỏ non đang mở tròn chờ thức ăn.
Mưa, tiếng mưa rả rích, không khí mát mẻ, bọn ếch nhái nhảy đầy trên những góc sân vuông. cảnh thôn trang cứ êm ả như là gió là mây…. là chiếc sõng con trên sông cắm sào trên bãi cát ắp đầy hương vị phù sa.
Sau khi đứa bé đã khỏe mạnh trở lại, hai vợ chồng đã bồng đứa bé ra chợ để tìm hai vị tu sĩ để đền ơn, nhưng khi hỏi thăm thì mọi người trong chợ đều bảo rằng hai vị tu sĩ đã rời khỏi đây cùng một anh thanh niên từ mấy hôm trước rồi.
- Họ đã đến đây và đã chữa bệnh cho nhiều người mà không lấy tiền, nghe nói họ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thì phải.
Bà con trong chợ truyền tai nhau về câu chuyện của hai vị tu sĩ trong khi hai vợ chồng bồng đứa con đứng lặng nhìn qua bờ bên kia sông thấy thấp thoáng những con bươm bướm bay lên trên bầu trời đầy mưa ngâu.
Tháng 5, năm Quý Mão, thời kì pháp nạn của phật giáo đương trong lúc nước sôi lửa bỏng như một sợi tóc đu đưa giữa hố thẳm chiến tranh. Trên am nhỏ, sư thầy giác Phổ đang ngồi lật những trang kinh được viết bằng chữ phạn. Giác Tính, Giác Nhiên Và Giác Tịnh thay nhau quét dọn lại căn phòng chứa kinh điển và xếp những cuốn kinh theo từng kệ một cách ngăn nắp.Trong lúc công việc dịch kinh sách đã gần đến ngày hoàn tất, thì sư thầy giác Phổ cũng đã ở tuổi 80, chòm râu trắng dài thong thả bay trong những chiều gió lạnh. Sư thầy ngồi rót chén trà, rồi pha giọng ngâm thơ:
Thu thần thị tịch ngày kia
Lão tăng chờ lúc trăng khuya dặn dò:
Dưới trời sương láng máng sương
Dưới tàn cây, dưới đêm trường gió reo.
Chim bay bạt xứ nắng chiều
Hỏi sầu hố mắt hỏi điều hư vô.
Hỏi ngày tận hỏi năm tàn
Hỏi mùa thu chiếc lá vàng về đâu.
Có khi lại hỏi chú sâu
Bao giờ thành bướm Trang Chu rước về.
Đâu là tỉnh thức, u mê
Đâu là chân lý của đời thánh nhân.
Đa nghi trong đám nhân quần
Hỏi chuông triêu mộ lúc gần tàn hơi.
Đêm trăng thả gió về trời
Thả mưa cố quận thả đời chiêm bao.
Lão tăng mộng thấy thất sơn
Thấy ông đạo xẻn(2)* đánh đờn trên mây.
Lão tăng mộng thấy ngàn chuông
Lầu cao Vạn Hạnh hợp muôn người về.
Từ đây đẹp mảnh tình quê
Câu thơ có chỗ cậy nhờ thiền môn.
**
4,
Trúc Tâm là ông giáo của dạy học ở trườngBồ đề. Trong lúc cảnh giặc cớp nổi lên ở khắp nơi, người chạy nạn phải vào rừng sâu hoặc lánh sang các tỉnh lân cận để ẩn náu, trong thời gian chạy nạn Trúc Tâm vào Bình Định làm thợ cắt tóc, nấu rượu, dạy kèm cho các gia đình giàu có, rồi khi trở lại quê nhà ông đã gặp Ngọc Mỹ. Ngọc Mỹ là một cô giáo dạy anh ngữ, hai người gặp nhau ở núi Cổ Phật, sau khi lấy nhau hai người đã có 3 đứa con. Đứa con gái đầu tên là Ngọc Thủy, đứa thứ hai tên Ngọc Hoa, còn đứa con trai út thứ ba tên là Tất Đạt. Có nhiều đêm Ngọc Hoa trực giấc gọi mẹ trong dòng nước mắt nghẹn ngào, lúc ấy Trúc Tâm vội vào phòng ôm lấy con và dỗ ngọt:
- Con ơi, mẹ của các con đi làm ở xa nên không về được, con hãy ngủ đi, đừng khóc nữa con nhé, mẹ vẫn luôn nhớ các con...
Cứ mỗi lần như vậy, ông lại kìm nén nỗi đau mà an ủi các con.
- Nhưng con nghe ngoại nói mẹ đã chết rồi...
- Không, mẹ chưa chết, mẹ chỉ đi vài hôm rồi về.
- Thế ngôi mộ trên đồi mà ba dẫn con đi không phải mẹ đã nằm ở trong đó sao.
- Ừ, thì mẹ nằm ở trong đó, nhưng mẹ chưa chết, mẹ sẽ về thăm chúng ta nhanh thôi.
-Vậy khi nào mẹ về hở ba.
- Con hãy đợi cho đến khi nào con lớn lên rồi mẹ sẽ về.
- Sao ba nói vài hôm nữa mẹ về.
Người cha ngồi lặng im, ông biết là mình không thể nói dối con mãi được, nhưng con còn nhỏ. chúng chưa biết cái chết là gì, giờ có nói ra chỉ làm chúng thêm tò mò, nghĩ rồi ông ôm hôn con và bảo:
-Thôi con ngủ đi, khuya rồi, mẹ mà biết các con không ngoan là mẹ không về nữa đó.
Khi Trúc Tâm đã thấy con mình ngủ ngoan, ông mới vào căn phong rồi tắt đèn nằm khóc trong nỗi cô đơn khó tả.
Trong đêm, những cơn gió thổi ngang qua nghĩa địa, đứa con gái đứng nhìn ngôi mộ của mẹ trong đêm, đôi mắt của Ngọc Hoa vẫn hồn nhiên nhìn mộ mẹ:
- Mẹ ơi, mẹ sớm về với con mẹ nhé, con nhớ mẹ lắm.
Ánh trăng sáng mờ trong sương lạnh, bóng cây bồ đề bên cạnh đổ xuống mảnh đất đầy cát sỏi, Ngọc Hoa ngồi bên mộ mẹ và hát một mình trong tiếng chim núi kêu như lời tâm sự mà bấy lâu Ngọc Hoa đã nghe ba đệm ghi-ta và hát:
“ Chim núi ơi, xin hãy cùng ta trở về bên nấm mộ người tình của ta/ ôi! Các con tôi, xin mẹ đất trời bao dung nuôi nấng/ những cơn mưa bom dội nát mái nhà, những người đồng bào, vô rừng chạy trốn/….Chim núi ơi, hót ru con ta, cho mẹ ân cần, vòng tay nuôi nấng/giữa cõi vô thường, con chưa lớn khôn… để hiểu cái chết..”
Trúc Tâm chạy đi tìm Ngọc Hoa,khi đi ngang qua khu nghĩa địa thì thấy con gái ông đang ngồi ôm lấy tấm bia đá, tiếng hát trong trẻo vẫn đang véo von cất lên trong màn sương khuya mộ địa:
“ Có bao giờ vui, cô đơn vọng về, bờ vai của núi/…thôi sầu em nhé, mẹ của em bé, một mai cỏ mọc, mặt trời lên rồi/ kinh cầu đêm tối…hòa bình réo gọi…nhìn các con vui…”
Ông chạy tới rồi đứng nhìn ngôi mộ rồi nói:
- Mẹ của con nó ơi! Con của chúng ta đến thăm em đây, em ngủ ngoan nhé…
Rôi ông bế Ngọc Hoa lên vai:
- Ta về thôi con, trời khuya gió lạnh lắm, mẹ con chắc giờ cũng đã đi ngủ rồi, sáng mai con phải đi học, con phải ngoan thì mẹ mới trở về thăm các con được.
Hai cha con cùng đi về nhà, trăng làm hai cái bóng đổ dài xuống đường, Ngọc Hoa đã buồn ngủ nên trên đường về Ngọc Hoa đã ôm lấy cổ cha mà ngủ lúc nào không hay.
Có những đêm mưa đổ xuống khung cửa sổ đã cũ màu rêu, ông ngồi kể chuyện cho các con nghe, đợi khi chúng đã yên giấc ngủ ngon, Trúc Tâm mới mở cửa ngồi ngắm những cơn mưa đêm, hình ảnh của Ngọc Mỹ lại hiện về trong tâm tưởng của ông:
- Em ơi! con của chúng ta đang lớn lên, chúng ngon lắm, ở cõi nào em có vui xin hãy an lòng mà mỉm cười cùng với con của chúng mình, anh vẫn ở vậy nuôi con, đến khi nào chúng lớn, anh sẽ kể cho các con nghe về em. .
Những giọt mưa luôn là nguồn cảm hứng để Trúc Tâm viết, văn phong của ông rất bình dị chân thật, ông biết đào sâu vào tư tưởng của mỗi nhân vật.
Những nhân vật trong các truyện ông viết phần lớn là những người ông gặp trong cuộc sống đời thường. Ông hướng về việc giáo dục con người bằng những câu chuyện về gia đình, trường học, những mất mát đau khổ do chiến tranh để lại.
Trúc Tâm có sở thích là khi nghĩ ra một tiểu tiết nhỏ nào là ông ghi ngay lên giấy, đó có thể là tờ lịch cũ, một tấm cạc-tông hay một tờ giấy vụn.
Nguyễn Thanh từ lúc rời Sài Gòn trong cảnh bom đạn tàn phá, cảnh người chết, trẻ em sống lê thê ở những vỉa hè, cảnh các quán ba lạnh lẽo, cảnh anh em giết hại lẫn nhau, tất cả những hình ảnh đó là nỗi buồn tủi nhục đã đẩy anh phiêu bạt khắp nơi. Rồi có lần anh bị bắt giam vài tháng, nhờ quen biết anh được thả ra. Nguyễn Thanh gặp Trúc Tâm trong lúc anh vào miền Trung để nhập thất tu ẩn.
Trong những năm sống ở Sài Gòn, Nguyễn Thanh đã đọc tất cả các sách viết về Thiền( Zen), triết học, văn học, thơ, họa và âm nhạc. Chàng say mê các tác phẩm của Nietzche, Heidegger,Krishnamurti, SuZuKi... Henry Miller… Trong các quán rượu chàng ghiền nhạc Mozart, Beethoven…, mê giọng ca Thanh Thúy, Evils Phương, Thái Thanh. Chàng thích ngồi hút thuốc bát-tô đỏ ngắm tranh Picasso và chàng quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ, nhưng chàng chỉ thích sống lang thang, có đêm chàng uống rượu và nằm ngủ gục trong quán rượu từ khuya cho tới trưa ngày hôm sau.
Rồi khi chàng nhập thất, sống ẩn giữa cảnh núi non tịch mịch,mỗi đêm tiếng chim kêu trên hang động làm chàng cảm thấy cô đơn, nỗi buồn hoang hoải ám ảm chàng mỗi khi chàng quan sát hơi thở. Chàng nghĩ về tổ sư Bồ-đề-đạt-ma, Khi Bồ-đề-đạt-ma đến Lạc Dương, lên chùa Thiếu Lâm trên rặng Tung Sơn. Nơi đây, Bồ-đề-đạt-ma tu thiền định, chín năm quay mặt vào vách không nói;
- Liệu ta có đủ ý chí như Bồ-đề-đạt-ma hay không?
Khi chàng hỏi, chàng nhìn lên trên vách đá, từng luồng sáng rọi xuống chỗ chàng ngồi. Chàng nhớ về Tây Tạng, rồi nhớ về Thất Sơn, chàng thường nhắc đến Tây Tạng, Thất Sơn như là nhà của riêng chàng.
Vào một đêm trời trăng sáng vằng vặc, chàng ngồi thư thái quán niệm hơi thở, rồi cho đến khi từng cơn gió thổi qua cửa hang chàng cảm được một luồng hơi nóng bốc lên trong ngực.
- Vô, vô, vô...
Chàng hô lên ba tiếng, rồi trong tâm tưởng chàng bỗng hiện ra một mặt hồ xanh biếc có pha chút sương khói thơ mộng:
- Ông là ai đó...
Một ông lão tóc bạc hiện trước mặt chàng.
- Sao ta hỏi mà ông không nói.
Ông lão đứng trên một tảng đá nổi giữa mặt hồ, rồi cơ thể của chàng bỗng rời khỏi mặt đất, lúc ấy chàng không còn kiểm soát được tư tưởng nữa, một luồng gió mát lạnh đẩy chàng bay vào khoảng chân không, ông lão biến mất sau khi chàng bay đến tảng đá giữa hồ. Chàng thấy những con chim khổng lồ đang đập cánh nâng mặt trời lên cao, rồi sau đó những câu kinh bằng chữ phạn tự khắc vào hai vách đá dựng đứng hai bên mặt hồ. Chàng đọc từng chữ một, và phát âm thật rõ :
- Ga-tê ga-tê pa-ra-ga-tê pa-ra-săn-ga-tê-bô-dhi-sva-ha.
Khi mở mắt ra, từng tia sáng rọi qua cửa hang, chàng mới nhận ra mình đã đi lạc vào một thế giới huyễn mộng. Nhưng câu thần chú vẫn khắc vào trong tâm thức của chàng.
Vào một buổi sáng mùa thu, khí trời mát mẻ, mây bay nhẹ nhàng qua những rặng núi xanh. Nguyễn Thanh bước ra ngoài động đá sau ba tuần ngồi thiền, trong khoảng thời gian đó chàng chỉ uống nước và ăn một ít trái cây, nhưng chàng vẫn khỏe mạnh và giờ đây chàng trở lại với thế giới bên ngoài sau những chuyển biến tích cực của tâm thức. Chàng nhìn xuống ngôi chùa và con dốc từ chùa đi xuống phía dưới thôn trang, chàng nhớ đến một nhân vật mà chàng thích nhất của Nietzche, đó chính là Zarathustra.
Từng đàn chim sẻ bay về đậu trên mái chùa, tiếng chuông buổi sớm từng tiếng ngân vang, Giác Tính cùng với hai sư huynh là Giác Nhiên và Giác Tịnh đang ngồi im lặng cùng sư thầy Giác Phổ , thì Nguyễn Thanh cũng vừa bước vào trong chánh điện đứng chấp tay , xá sư thầy ba lạy rồi ngồi xuống lắng nghe lời sư thầy Giác Phổ nhủ khuyên:
Này các đệ tử, ta nay đã già, ta cảm nhận ta không sống được bao lâu nữa, vì vậy, trước khi ta mất, ta mong muốn huynh đệ các con hãy yêu thương nhau. Các con hãy cố gắng tu hành, thực tập theo con đường mà ta đã chỉ dẫn, hãy tiếp tục thay ta chuyển dịch các kinh sách từ Hán-Phạn ra chữ quốc ngữ để phục vụ cho công việc nghiên cứu kinh sách sau này.
- Này giác Tính, con là đệ tử nhỏ nhất của ta, mẹ con đã bỏ con lại cho ta chăm sóc. Con đừng buồn vì mẹ con đã bỏ đi mà không nói một lời nào. Trong khoảng thời gian tới con sẽ gặp mẹ của con trong một hoàn cảnh đặc biệt, con hãy cùng hai vị sư huynh của con thay ta gìn giữ ngôi chùa này, để cho mọi người gần xa có nơi để chiêm bái và tu học.
- Này Giác Nhiên, con là đệ tử lớn nhất, với trách nhiệm nặng nề mà ta giao phó cho con trong thời gian tới sẽ rất khó khăn, việc ta dự định sẽ mở một trường Đạo để đào tạo một thế hệ có đầy đủ trí tuệ và đạo đức về sau, nhưng nay ta đành phải nhờ con gánh vác, sau khi ta mất, con sẽ là người thay ta làm công việc trú trì và lãnh đạo tinh thần ở ngôi chùa này.
- Này Giác Tịnh, con hãy cùng sư huynh lo trọng trách phổ biến chân lý của hệ phái, đồng thời sau khi trường Đạo xây xong con sẽ là người trông coi ngôi trường đó. Công việc giáo dục và đào tạo những người có tài là ước mơ của cả cuộc đời ta, là làm sao đào tạo được những con người có đủ năng lực về cả hai lĩnh vực đó là thế học và đạo học.
- Này Nguyễn Thanh, con là một cư sĩ thuần thành, ta đã nhận lời của sư Tâm Minh đón con về đây để tĩnh dưỡng, nay con đã vượt qua thử thách của ta, sắp tới đây con phải chịu nhiều vất vả, ta biết con có sở học sâu rộng, nên ta giao cho con sứ mệnh soạn các giáo án cho các thầy giảng dạy, khi nào con gặp sư Tâm Minh, con hãy nhớ lời ta đã dặn và hãy theo chân sư Tâm Minh để học hỏi cho rộng đường hiểu biết về sau.
Khi dặn dò xong, sư thầy Giác Phổ nhìn các đệ tử:
- Này các con, các con còn thắc mắc điều chi nữa không.
Ba vị sư trẻ, cùng Nguyễn Thanh đều cúi đầu vâng lời sư phụ mà nhận lãnh lấy sứ mệnh được giao mà không ai hỏi thêm đều chi nữa cả.
Đêm trăng lên trên đầu núi, sư thầy Giác Phổ đã viên tịch, những cơn gió mùa thu thổi qua những lùm cây cổ thụ làm rụng những chiếc lá vàng rơi lả tả xuống sân chùa. Ngọn tháp ở giữa núi tỏa ra những vầng hào quang đủ màu sắc, hương thơm ngập tràn khắp nơi, từng đóa sen trong hồ nở ra, tiếng chim kêu, tiếng suối chảy, tiếng mõ cốc cốc vọng những câu kinh cầu.
Trăng mùa thu sáng huyền ảo rọi xuống nơi sư thầy viên tịch ở tư thế kiết già. Cuốn kinh sư thầy vừa dịch xong được Nguyễn Thanh đặt lên bàn thờ của tổ, khi chiêm ngưỡng châu thân của sư thầy Giác Phổ an nhiên thu thần thị tịch, câu thần chú bỗng hiện lên trong tâm thức của Nguyễn Thanh:
- Ga-tê ga-tê pa-ra-ga-tê pa-ra-săn-ga-tê-bô-dhi-sva-ha.
Một ngôi sao cuối chân trời vụt sáng rồi bay vút vào trong lòng vũ trụ bao la. Giác Tịnh, Giác Nhiên và Giác Tính đứng nhìn khoảng trời sâu hun hút như đang nhớ lại những ngày ấu thơ khi sư thầy Giác Phổ nhận về nuôi dưỡng. Nguyễn Thanh trong bộ áo nâu sòng vẫn tiếp tục đọc câu thần chú trong cảnh núi đồi vắng lặng trầm mặc những làn mây bay.
***
5,
Sau khi sư thầy Giác Phổ viên tịch, lễ tang được cử hành theo đúng với nghi thức của hệ phái. Giác Tịnh thay sư thầy trông coi mọi việc trong chùa, Giác Nhiên cùng với Giác Tính cùng lo việc xây trường học, còn Nguyễn Thanh thì ẩn mình trong kho chứa sách xem lại những bản dịch của sư thầy và nghiên cứu kinh, luật và luận trong kho chứa kinh sách.
Nguyễn Thanh nằm ngủ trong khi ngọn đèn dầu vẫn leo loét cháy trong căn phòng thơm mùi gỗ thông. Quyển sách nằm cạnh bên gối của Nguyễn Thanh, chàng đã thức trắng trong những đêm mù sương, đã phiêu lưu trong thế giới tư tưởng cùng những trang viết của sư thầy Giác Phổ.
Đã có lần chàng bắt gặp hình ảnh của sư thầy ở nơi mà khi con người ta chết đi sẽ bỏ lại thân xác mà đi vào cõi sáng. Chàng nhớ lại cuốn Tử thư Tây tạng (Tibetan Book of the Dead) cùng những kinh nghiệm tâm linh mà chàng đã trải qua, chàng nhận ra rằng sư thầy Giác Phổ đang sống trong thế giới tư tưởng của chàng. Tư tưởng không thể nhìn thấy bằng mắt, mà chỉ có thể cảm nhận được bằng những giây phút tâm thức dần đi vào yên lặng, nó ở ngay trong thực tại và hiện tiền trong từng giây từng phút của sự sống. Chỉ cần ngồi lặng im quan sát thì thế giới ấy sẽ hiện hữu ngay khi tâm hồn tĩnh lặng. Nguyễn Thanh đã tìm thấy được sự minh triết từ trong những trang sách của sư thầy Giác Phổ.
Vào một buổi sáng đầy sương, Nguyễn Thanh xuống đồi và vào nhà Trúc Tâm sau những ngày tháng xa cách, Trúc Tâm đang chăm bầy vịt ở sau nhà, nghe Nguyễn Thanh gọi, Trúc Tâm vội vã trút thức ăn vào máng tre rồi rửa tay đi vào nhà. Nguyễn Thanh ôm một chồng sách vào nhà Trúc Tâm rồi đặt lên bàn viết, nơi có những cây cỏ dại mọc trong chiếc bình thủy tinh với những bông hoa vàng nho nhỏ xinh xắn:
- Tôi mang cho anh chồng sách, tôi sắp đi xa nên muốn gửi lại anh những cuốn sách quý này, mong rằng anh sẽ thích nó.
- Nguyễn Thanh, anh không định ở đây dạy học với tôi nữa à.
- Trúc Tâm, chắc tôi phải đi, vài hôm nữa sẽ có binh biến ở đây, mọi người sắp tản đi hết rồi, anh ở lại nếu thấy không ổn thì sắp xếp đồ đạc lên đường
-Tôi sẽ vào Miền Nam, anh hãy đến địa chỉ mà tôi ghi trên giấy, khi nào anh đến tôi sẽ thu xếp cho cha con anh.
Hai người bạn ngồi uống trà và nhìn những cơn mưa, mưa buồn, mưa chẳng bao giờ là tín hiệu vui cả, nhưng không có mưa, không có nỗi buồn thì trần gian này sẽ trở thành nghĩa địa hoang sơ và khô cằn. Chiều mưa, con đò nằm trầm mặc trên bến sông. Nguyễn Thanh rời núi Cổ Phật để đi vào Sài Gòn, trước mặt chàng là những phương trời viễn mộng, khói mù của bom đạn, tiếng người khóc vang vọng từ bên kia sông...chàng quay đầu nhìn lại căn nhà của Trúc Tâm nơi mà chàng cùng người anh em sống trong những tháng ngày ảm đạm của kiếp người.
Chàng nhớ về những chuyện đã qua, có lúc chàng thấy tuổi thơ của mình đã cùng nô đùa trên con sông Sài Gòn... năm lên 10 tuổi, khi cha mẹ của chàng vẫn còn nhiều tiền, trước nhà luôn có những chiếc xe Huê-kỳ, nhưng nghịch nỗi chính vì cha mẹ cứ mãi lo làm ăn, cho nên tuổi thơ của chàng thiếu đi sự quan tâm của cha mẹ.
Những cuốn sách khó đọc, những bản nhạc khó cảm thụ đã trở thành sở thích của chàng trong những khi màn đêm buông xuống, một góc nhỏ của căn phòng với một đứa con trai 15 tuổi thắp đèn đọc sách đến tận 3 giờ sáng mới tắt đèn đi ngủ. Có những buổi chiều tan học, chàng hay lang thang trên sông nhìn những cụm lục bình trôi vào bao la trong những chân trời ảm đạm, những đóa phong lữ thảo nở quanh những dãy nhà nằm ấp xấp trong khu phố tây làm chàng ngơ ngác, bên trong cặp sách của chàng luôn có những cuốn sách của nhà văn Nam Tư Ivo Andric với quyển Cầu trên sông Drina, chàng đã ngồi trên bờ sông dưới cái nắng mơ hồ chiếu rọi lên những nhánh sông bạc, chàng ngồi nghe gió thồi và say mê đọc cho đến khi màn đêm phủ kín những con đường.
Cơn mưa phùn tháng tư rơi lắc rắc trên tóc chàng, chàng bỏ quê hương, bỏ ngôi nhà, bỏ những kí ức để tiếp tục những chuyến phiêu lưu của tuổi trẻ. Tuổi trẻ quá buồn, như khói thuốc bay thoáng qua những đêm mưa lạnh lẽo. Với chàng, tuổi trẻ là sự hoang dại, chàng đang mơ màng về sự huyên náo của Thành đô...nơi mà chàng sẽ trở lại sau nhiều năm xa cách….
***
6,
Trở lại câu chuyện của hai vị tu sĩ và Mi. thì Sau khi theo hai vị tu sĩ trở về Thất Sơn, Mi thường ngồi trầm tư suy nghĩ một bên cuốn tự điển Encyclopaedia Britannica trong khi mấy con chim bạc má bay chung quanh hồ nước trong những buổi chiều yên tĩnh, yên tĩnh như chính đôi mắt của Mi... hai hố thẳm trong suốt của Mi chất chứa đốm sáng tinh hoa triết học, khi đọc đến những dòng chữ tự điển Encyclopaedia Britannica “Huynh Phu So is a Vietnamese philosopher… “ Huỳnh Phú Sổ là triết gia Việt Nam, Mi đọc lại dòng chữ trên nhiều lần và những triết lý chất chứa trong vòng tròn của quả cầu lửa ở phía chân trời của một buổi chiều hư vô đơn độc đang cuộn lấy tâm hồn Mi.
Chàng nhận biết tinh túy của một tôn giáo thông qua giáo lý của Đức Huỳnh Phú Sổ nhưng chưa hề nghe ai gọi ngài là một triết gia. “ Nếu hiểu triết lý của Đức Huỳnh Phú Sổ là chữ philosopher hay theo nguyên nghĩa của nó là Minh triết Đạo lý của Phương Đông(*3).” thì Huỳnh Phú Sổ là đốm sáng tinh hoa của một tâm hồn Bồ Tát.
Con sông vẫn chảy vào miên viễn những vùng đất không có chân trời, trong tâm tưởng của Mi thì đó là sự vượt biên của chân lý. Từ lúc theo hai vị tu sĩ đi về ngọn Thất Sơn, Mi thường ngồi trầm tư im lặng trước những dòng chảy của dòng sông. Mi thấy mình hóa thành loài cá và bơi lội vô tư theo dòng nước, rồi có lúc chàng thấy mình bơi ra đại dương trong xanh với một tâm hồn giải thoát.
Có lúc chàng nói đùa với hai vị tu sĩ về cái tên Mỹ Tho miền quê hương của chàng có nguồn gốc từ thần thoại Hy-Lạp vì Mỹ Tho nếu đọc ghép lại theo tiếng Hy-Lạp thì nó đọc là " mythology” , hai vị tu sĩ nở một nụ cười tươi, Mi nhìn nụ cười của hai vị tu sĩ...chàng nhớ đến nụ cười của tôn giả Ca Diếp (tiếng Pāli: Kassapa) .
Lúc ở núi Linh Thướu Phật cầm một bông hoa Bát-la mầu vàng ngước nhìn mọi người, bấy giờ trong đại chúng chẳng ai biết đây là ý nghĩa gì, không biết nói ra sao cho phải, nên tất cả đều lặng yên thì duy có một mình tôn giả Ca Diếp mỉm cười. Dung mạo của tôn giả vốn là trang nghiêm, cử chỉ thì trịnh trọng, vậy mà ngay khi ấy, nét mặt tôn giả lại rạng ra tươi cười (phá nhan).
Một tâm hồn Bồ Tát thật sự là một tâm hồn luôn cúi xuống lặng nhìn chúng sinh đang ngụp lặn trong vòng xoáy của luân hồi là một tâm hồn rộng lớn có thể thâu chứa tất cả tiếng kêu gào thống thiết và bi đát của nhân loại từ lửa khói chiến tranh..Từ trong khói lửa Bồ Tát là hóa thân của trí tuệ đại từ đại bi và Bồ Tát Thích Quảng Đức là ngọn lửa bất diệt trong mùa pháp nạn phật giáo năm 1963, Mi nhớ lại một vị sư già hiền triết khi chàng còn sống cùng với Nguyễn Thanh và Trúc Tâm khi còn ở núi Cổ Phật , đó là Thầy Giác Phổ.
Thầy Giác Phổ được Mi gọi tên như là là một bậc Long Tượng của phật giáo Việt Nam, với một tâm hồn từ bi, Thầy Giác Phổ đã nhiều lần đi vào những vùng nguy hiểm của chiến tranh để đưa những người bị thương vào chùa ẩn náu. Và trong lúc nước sôi lửa bỏng, mạng người như sợi tóc đu đưa trên hố lửa chiến tranh, để hoàn thành chí nguyện của Bồ Tát hành Bồ Tát đạo không cho phép Thầy nhắm mắt làm ngơ. Chính vì vậy tất cả những ai có mặt lúc ấy ở chùa đều đồng tâm hiệp lực cùng Thầy rời Cổ Phật để xin lương thực để nuôi những người con nước Việt phải chiến đấu cho một cuộc chiến tranh phi lý.
Những cơn mưa miền tây đổ trắng cả dãy đồi núi, hình bóng sư Thầy Giác Phổ như là hiện thân của Bồ tát Phổ Minh đang thị hiện trong khắp mười phương cõi. Những cánh chim bơ vơ bay lưu lạc khắp các phương trời, Mi đi vào trong động đá rồi ngồi xếp chân thế kiết già và im lặng nghiền ngẫm về Bốn Điều Làm Lùi Mất Trí Huệ Của Bồ Tát. Khi Đức Thế Tôn dạy bảo Trưởng Lão Mahakassapa (Ma Ha Ca Diếp) rằng: Này Đại Ca Diếp! Có bốn điều khiến cho trí huệ của một Bồ Tát bị sút giảm hoặc bị đánh mất;
- Thứ nhất là không tôn kính Phật Pháp và không kính trọng những vị Pháp sư, những bậc thầy dạy Phật Pháp;
- Thứ hai là giữ lại Phật Pháp thâm sâu bí ẩn mà mình đã thụ lãnh và không chịu khai mở cho người khác một cách trọn vẹn;
- Thứ ba là làm chướng ngại tinh thần những kẻ vui sướng tu hành Phật Pháp bằng cách gây tạo những nhân duyên lý lẽ làm cho họ hoang mang nản lòng;
- Thứ tư là có lòng tự cao, tự đại, kiêu ngạo, ngạo mạn, và khinh thường những kẻ khác hay miệt thị những kẻ khác.
Đó là bốn pháp làm thối thất lùi mất trí huệ của Bồ Tát.
Bên ngoài cửa động ánh trăng giữa tháng lọt qua những khe đá, cái lạnh của đêm cùng tiếng dế rền làm màn đêm thêm hoang vu và huyền bí. Hai vị tu sĩ đốt đèn rồi lại gần Mi, gương mặt của Mi vẫn còn trần tư như đang ở trong một cõi xa xôi nào đó, bất giác Mi ngước mặt nhìn hai vị tu sĩ dưới ánh đèn dầu leo loét cháy rồi đọc bài kệ của Đức Huỳnh Phú Sổ:
Rừng kinh kệ ít người hay chữ,
Quá mắc mỏ bởi chưng Phạn ngữ.
Nên người đời khó kiếm cho ra,
Mõ chuông bày, đọc tụng ó la,
Chớ hiếm kẻ tường thông nghĩa lý.(4)
Hai vị tu sĩ vẫn giữ một nụ cười thanh thoát, vì từ lâu hai vị tu sĩ đã biết Mi mong muốn điều gì rồi nhưng đó là do thánh ý của như lai nên hai vị tu sĩ vẫn âm thầm trợ giúp Mi trên con đường tìm đến ánh sáng của trí tuệ.
Chú thích:
*1, Tạ Tốn(Kim Mao Sư Vương) là một nhân vật trong tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long Ký của nhà văn Kim Dung
*2,Ông Đạo Xẻn: Theo Thư tịch đương thời còn ghi Huỳnh Phú Sổ (25/1/1919 âm lịch- 1947?) có một tên gọi khác là Ông đạo xẻn.
*3, “ Nếu hiểu triết lý của Đức Huỳnh Phú Sổ là chữ philosopher hay theo nguyên nghĩa của nó là Minh triết Đạo lý của Phương Đông : (là câu nói của Triết Gia Phạm Công Thiện.)
(4)* Giác Mê Tâm Kệ, câu 13-16.
Tác giả bài viết: Ngọc Kỳ Lân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn