Đêm cuối cùng của Đức Thế Tôn
- Canh đầu: Nghe tin canh chót đêm ấy, Đức Thế Tôn sẽ tịch diệt Niết Bàn tại khu rừng Sālā. Đức vua, Hoàng hậu, Hoàng tử, Công chúa cùng các bậc bô lão trong hoàng tộc Malla, cùng hoàng thân quốc thích tuần tự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn lần cuối cùng, tiếp theo các quan trong triều, toàn thể dân chúng xứ Kusinārā tuần tự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn lần cuối cùng, kéo dài trọn canh đầu.
- Canh giữa: Đạo sĩ Subhadda nghe tin Đức Thế Tôn sắp tịch diệt Niết Bàn vào canh chót đêm âý, nên nghĩ rằng: “Ta có nhiều điều thắc mắc, đã từ lâu chưa có một vị Samôn nào có thể giải đáp, giúp làm cho ta đoạn tuyệt được thắc mắc ấy. Nay nghe tin Samôn Gotama, Đức Phật Chánh Đẳng Giác ngự đến xứ này, Ngài đang ở tại khu rừng Sālā sắp tịch diệt Niết Bàn vào canh chót đêm nay. Ta nên đến hầu Ngài, để hỏi những điều thắc mắc của ta, kính nhờ Ngài giải đáp.”
Đạo sĩ Subhadda đến khu rừng Sālā tìm gặp Đại đức Ānanda xin phép vào hầu Đức Thế Tôn.
Đại đức Ānanda bảo rằng:
- Này Đạo sĩ Subhadda, xin ông không nên quấy rầy, làm phiền Đức Thế Tôn trong lúc này, Đức Thế Tôn mệt quá rồi.
Đạo sĩ Subhadda tha thiết khẩn khoản xin Đại đức Ānanda cho phép vào hầu Đức Thế Tôn.
Nghe Đại đức Ānanda và Đạo sĩ Subhadda đang nói chuyện qua lại với nhau, Đức Thế Tôn truyền dạy Đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, con không nên ngăn Subhadda, để cho Subhadda đến gặp Như Lai.
Đạo sĩ Subhadda có cơ hội đến hầu vấn an Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ, Đạo sĩ Subhadda bạch rằng:
- Kính bạch Samôn Gotama, các Samôn, Bàlamôn là Đạo sư, trưởng phái có tiếng tăm có oai lực đứng đầu một môn phái, mà phần đông dân chúng tán dương ca tụng, tôn sùng là bậc Thánh Thiện. Như các vị Đạo sư Puraṇa kassapa, Makkhali gosāla, Ajita Kesakambalạ, Pakudha kaccayana, Sañjaya Belaṭṭhaputta, Nigaṇṭhanāṭaputta tất cả Samôn, Bàlamôn ấy đã chứng đắc như họ đã tuyên bố, hoặc tất cả không chứng đắc, hoặc có một số chứng đắc, một số không chứng đắc. Bạch Ngài.
Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Này Subhadda, con không nên đề cập đến vấn đề ấy, con nên lắng nghe Như Lai thuyết pháp.
Này Subhadda, Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh không có trong pháp luật nào, thì chắc chắn không có theo tuần tự Samôn thứ nhất bậc Thánh Nhập Lưu, Samôn thứ nhì bậc Thánh Nhất Lai, Samôn thứ ba bậc Thánh Bất Lai, Samôn thứ tư bậc Thánh Arahán trong pháp luật ấy.
Này Subhadda, Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh có trong pháp luật nào, thì chắc chắn có tuần tự Samôn thứ nhất bậc Thánh Nhập Lưu, Samôn thứ nhì bậc Thánh Nhất Lai, Samôn thứ ba bậc Thánh Bất Lai, Samôn thứ tư bậc Thánh Arahán trong pháp luật ấy.
Này Subhadda, Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh chỉ có trong pháp luật của Như Lai mà thôi, cho nên, chắc chắn có tuần tự Samôn thứ nhất bậc Thánh Nhập Lưu, Samôn thứ nhì bậc Thánh Nhất Lai, Samôn thứ ba bậc Thánh Bất Lai, Samôn thứ tư bậc Thánh Arahán trong pháp luật của Như Lai. Ngoài pháp luật này của Như Lai ra, những tà giáo khác không có Samôn nào cả.
Này Subhadda, chư Tỳ khưu trong pháp luật này sống thực hành đúng theo pháp hành bát chánh đạo, và truyền dạy chỉ dẫn người khác cũng thực hành đúng theo pháp hành bát chánh đạo, thì trong đời này không vắng chư bậc Thánh Arahán.
Sau khi lắng nghe lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, Đạo sĩ Subhadda vô cùng hoan hỷ, tán dương ca tụng Đức Thế Tôn. Xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật, nơi Đức Pháp, nơi Đức Tăng, xin xuất gia trở thành Sadi, Tỳ khưu trong giáo pháp của Ngài.
Đức Thế Tôn cho phép Đạo sĩ Subhadda xuất gia trở thành Tỳ khưu.
Sau khi trở thành Tỳ khưu, Đại đức Subhadda ở một mình nơi thanh vắng, không dể duôi, tiến hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán, trước khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn.
Đại đứcSubhadda là người đệ tử cuối cùng của Đức Thế Tôn.
-Canh chót: Đức Thế Tôn gọi Đại đức Ānanda khuyên dạy rằng:
- Này Ānanda, trong số các con, nếu có người nào nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn rồi, chúng ta không còn Đức Tôn sư (natthi no satthā)”, thì các con chớ có nên nghĩ như vậy.
Pháp và Luật là vị Tôn sư
Đức Phật dạy rằng:
“Yo vo Ānanda, mayā dhammo ca vinayo ca desito paññatto, so vo mamaccayena satthā...” [7].
“Này Ānanda, chánh pháp nào mà Như Lai đã thuyết, luật nào mà Như Lai đã chế định; khi Như Lai tịch diệt Niết Bàn rồi, chánh pháp ấy, luật ấy là vị Tôn sư của các con.”
Trong Chú giải bài kinh Mahāparinibhānasutta giải thích rằng:
Dhammo: Chánh pháp gồm có toàn bộ Tạng Kinh và toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp.
Vinayo: Luật đó là toàn bộ Tạng Luật.
Giáo pháp của Đức Phật đã thuyết giảng suốt 45 năm, kể từ khi chứng đắc thành Bậc Chánh Đẳng Giác cho đến khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn.
Tam Tạng gồm có 84.000 pháp môn phân chia như sau:
Tạng Luật gồm có 21.000 pháp môn.
Tạng Kinh gồm có 21.000 pháp môn.
Tạng Vi Diệu Pháp 42.000 pháp môn.
Đức Phật giải thích rằng:
“Iti imāni caturāsitidhammakkhandhasahassāni tiṭṭhanti, ahaṃ ekova parinibbayāmi. Ahañca kho dāni ekakova ovadāmi anusāsāmi; mayi parinibbute imāni caturāsitidhammakkhandhasahassāni tumhe ovadissanti anusāsissanti...”
“Như vậy, 84.000 pháp môn này tồn tại, chỉ có một mình Như Lai tịch diệt Niết Bàn. Thật ra, bây giờ chỉ có một mình Như Lai giáo huấn các con, theo dạy dỗ các con; khi Như Lai tịch diệt Niết Bàn rồi, thì có 84.000 pháp môn ấy là “Tôn sư” sẽ giáo huấn các con, sẽ theo dạy dỗ các con”.
Qua đoạn Chú giải, chính Đức Phật giải thích cho các hàng Phật tử hiểu rằng: Đức Phật tịch diệt Niết Bàn rồi, không phải chúng ta không còn có vị Tôn sư, mà thật ra, chúng ta còn có 84.000 pháp môn là có 84.000 vị Tôn sư. Mỗi pháp môn là một vị Tôn sư có khả năng dẫn dắt, dạy bảo chúng ta đạt đến sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Tác giả bài viết: kinh Phật
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn