Hữu Ngọc: Phật giáo phù hợp với tư tưởng người Việt

Phật giáo có thể liên tưởng đến chủ nghĩa hiện sinh hiện tại. Đó là một điều khá lý thú mà cũng ít người nghĩ đến. Phật giáo hợp với chúng ta nó vì cùng trong khuôn của những nền văn hóa đề cao cộng đồng- Nhà văn hóa Hữu Ngọc.

Phật giáo có thể liên tưởng đến chủ nghĩa hiện sinh hiện tại. Đó là một điều khá lý thú mà cũng ít người nghĩ đến. Phật giáo hợp với chúng ta nó vì cùng trong khuôn của những nền văn hóa đề cao cộng đồng- Nhà văn hóa Hữu Ngọc.

Thưa ông, ông lý giải thế nào khi Phật giáo được du nhập vào Việt Nam và đã trở thành bản sắc của tư tưởng văn hóa Việt, là một thành tố của văn hóa Việt?

- Thế nào là giá trị văn hóa? Theo tôi, giá trị văn hóa nằm trong bản sắc dân tộc là một giá trị thể hiện qua biểu tượng, ký hiệu... chi phối tư duy và tình cảm của cá nhân và tập thể trong cả ý thức và vô thức. Nó quyết định cách ứng xử, giao tiếp của những người cùng trong một cộng đồng, khiến cho cộng đồng này khác với cộng đồng kia.

Tư tưởng Phật giáo đã nằm trong vô thức tập thể của dân tộc ta từ 2000 năm nay. Trừ 10% theo đạo Kito và một số đạo khác, 90% dân ta hoặc là có đi lễ Phật, hoặc không đi chùa, nhưng vẫn xếp vào loại Lương giáo nghĩa là theo đạo Phật.

Một bà già ở nông thôn dù không được học hành nhưng khi gặp cảm xúc mạnh thì vẫn thốt lên "Lạy 9 phương giời lạy 10 phương Phật". Với Nguyễn Du, thì truyện Kiều của ông cũng đã phản ánh tâm thức phật giáo thông qua bi kịch của con người. Nói như vậy có nghĩa là tư tưởng phật giáo đã thấm sâu và lan tỏa trong cả giới dân chúng ít học lẫn giới tri thức ở ta.

Trở lại vấn đề tại sao phật giáo được du nhập vào Việt Nam và đã trở thành tư tưởng văn hóa Việt. Để trả lời câu đó thì phải trở lại một nhận định có tính chất cơ bản của Văn hóa học, Nhân học... Theo nhận định đó, tất cả các yếu tố văn hóa mà một dân tộc mượn của dân tộc khác, khi đã được đa số nhân dân của dân tộc đó thực hiện, tan hòa trong những ứng xử hàng ngày thì yếu tố vay mượn đó đã trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc.

Tóm lại, có thể coi tư tưởng Phật giáo là một yếu tố hữu cơ trong bản sắc dân tộc VN.

Những đặc trưng nào trong tư tưởng Phật giáo mà dân tộc ta thấy phù hợp và phát triển thành những giá trị văn hóa đặc biệt của Việt Nam?

- Thứ nhất, tư tưởng Phật giáo phù hợp với tư tưởng Việt Nam, nằm trong khung của tất cả các nền văn hóa nặng về tính cộng đồng hơn là tính cá thể. Theo những nhà nhân học có uy tín thì có thể chia các nền văn hóa thế giới thành hai loại: văn hóa nặng về ý thức cộng đồng (những nền văn hóa có bối cảnh tiếp xúc cao: high contact communication culture) và Văn hóa có bối cảnh giao tiếp thấp.

Tư tưởng Phật giáo hợp với ta vì nằm trong khung cảnh văn hóa nặng về cộng đồng. Sở dĩ như thế ngay khi hình thành dân tộc vì cộng đồng người Việt rất gắn với nhau chặt chẽ để chống ngoại xâm phương Bắc và chống thiên tai lụt lội bằng cách đắp đê, sau đó ý thức cộng đồng lại được củng cố và phát triển mạnh hơn bởi sự du nhập của Khổng học. Khi đưa Phật giáo vào đầu Công nguyên thì cũng nằm trong ý thức cộng đồng.

Dĩ nhiên, đối với tư duy Phật giáo, không thể quan niệm ý thức cộng đồng như Khổng giáo hay truyền thống của ta, nhưng có một điều chắc chắn là đạo Phật đi ngược lại Ấn Độ giáo, vì Ấn Độ giáo quan niệm có một atman - linh hồn bất tử, sau sẽ nhập vào linh hồn vũ trụ, Brahman. Nhưng Phật giáo cho là mọi thứ đều vô thường, nên không có linh hồn cá thể bất tử. Và tất cả con người cũng như sinh vật chẳng qua do thập nhị nhân duyên kết thành, nên có sinh và có diệt, và cuộc đời chẳng qua là những ảo ảnh, và những giá trị của con người tạo ra chỉ đều là thoáng qua.

Về điểm này của Phật giáo có thể liên tưởng đến chủ nghĩa hiện sinh hiện tại. Đó là một điều khá lý thú mà cũng ít người nghĩ đến. Phật giáo hợp với chúng ta nó vì cùng trong khuôn của những nền văn hóa đề cao cộng đồng.

Có một điểm cần nhấn mạnh là ngay tại cơ sở xã hội Việt Nam của ta là làng xã thì ở làng xã nào cũng có một ngôi đình, có đền miếu và có thể có một hay vài ngôi chùa. Ngôi đình thì dựa vào trật tự tổ chức xã hội tôn ti trên dưới của Khổng giáo, còn miếu mạo thì thờ những vị anh hùng dân tộc, các thần thánh của tín ngưỡng dân gian. Còn ngôi chùa là thờ Phật.

Ngay trong tổ chức có đình, miếu, chùa ở đơn vị cơ bản trong xã hội đã thấy có sự điều hòa để giữ cho tâm thế người nông dân được thăng bằng. Là vì đình thờ Khổng tử đề cao quy tắc xã hội chặt chẽ, thể hiện cái đầu (lý trí), khiến cuộc sống ngăn nắp và khô khan. Nhiều khi cuộc sống vật chất có những sự phe phái đấu tranh gay go để áp bức. Để cho người nông dân thoải mái sống về tình cảm, con tim thì có chùa thờ Phật, để cân bằng giữa cái đầu và con tim, lý trí và tình cảm, ngay ở cơ sở tâm thức thấp nhất của nhân dân.

Tâm thức cộng đồng và điều hòa các mối quan hệ như vậy đúng là có tác dụng và cần được xem xét kỹ, nhưng với nền văn hóa đặt trọng tâm nặng về cá thể sẽ sâu hơn rất nhiều. Với người Việt Nam thì đa phần dân chúng và một bộ phận không nhỏ trong giới trí thức đã hiểu không đúng về Phật giáo, ông nghĩ sao về điểm này?

- Phật giáo là vô thần, cấm thờ các tượng, vì Phật giáo coi tất cả là ảo tưởng, cả thần phật cũng là ảo tưởng. Những thứ cao xa như hữu ngã, vô ngã, hữu thường, vô thường... thì người dân không cần biết. Người dân chỉ biết bằng trái tim, họ cảm nhận được được từ bi, thương người như thể thương thân. Người dân không cần biết có tôi (Hữu Ngã) hay không có tôi (Vô Ngã) mà họ đến chùa để tìm sự an ủi. Nhưng quan trọng nhất về phương diện xã hội học là có hai cơ sở để cân bằng, tìm được nguồn an ủi trong những công việc hàng ngày. Đứng về phương diện tâm lý trị liệu học là rất quan trọng.

Nhưng chính sự điều hòa, an ủi này lại góp sức kìm hãm sáng tạo cá nhân?

- Đặt ngược vấn đề như thế thì sẽ phải mở sang những vấn đề khác. Ở đây chúng ta cần phải giải quyết cái lớn trước. Ý kiến thứ ba tôi muốn nói, đạo Phật thành thành phần hữu cơ của văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam như tôi đã trình bày trong quyển "Lãng du qua các nền văn hóa Việt".

Ngay ở bìa là cây đa đại diện cho văn hóa Việt Nam. Gốc là 1000 năm trước công nguyên (văn hóa đồ đồng, văn hóa lúa nước của Đông Nam Á); 4 nhánh ảnh hưởng văn hóa nước ngoài, pha trộn và Việt hóa thành ra giá trị văn hóa mới. (Trung Quốc trong đó có một phần Ấn Độ qua Phật giáo; Pháp; 30 năm cách mạng và chiến tranh, miền Bắc theo CNXH và miền Nam theo phương Tây và từ 1986 đến nay là Đổi mới).

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Theo: VietNamNet

Tác giả bài viết: Admin

Nguồn tin: Vietnamnet.Vn