Đạo chí yếu

Bát Chánh đạo là con đường trọng yếu nhất, thành tựu giới-định-tuệ là mục tiêu chung nhất của các pháp hành theo lời Phật dạy.
Đạo chí yếu

Giáo pháp do Đức Phật dạy có rất nhiều nhưng trọng tâm vẫn là Bát Chánh đạo. Tu tập “Tám đạo phẩm, tức Đẳng kiến, Đẳng tri, Đẳng ngữ, Đẳng nghiệp, Đẳng mạng, Đẳng phương tiện, Đẳng niệm, Đẳng định sẽ khiến cho nhãn sanh, trí sanh, ý được thôi dứt, được các thần thông, thành quả Sa-môn, đến Niết-bàn” là cốt tủy của pháp hành theo Phật giáo.

Có thể nói, Bát Chánh đạo hay Tám đạo phẩm là pháp tu căn bản, là đạo chí yếu. Trong Bát Chánh đạo có đầy đủ giới-định-tuệ, mục tiêu của mọi pháp môn tu Phật. Đức Phật trong quá trình du hóa, tùy duyên mà Ngài dạy cho đệ tử những cách tu tập, quán niệm khác nhau nhưng dù tu cách nào vẫn không ngoài thành tựu giới-định-tuệ.

“Một thời Phật ở nước Ba-la-nại, trong vườn Tiên nhân Lộc-uyển.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có hai việc này, người học đạo chẳng nên thân cận. Thế nào là hai việc? Nghĩa là tham đắm pháp dục và lạc. Đây là pháp tầm thường ti tiện. Lại đây là trăm mối khổ não. Đó là hai việc người học đạo chẳng nên thân cận. Như thế, bỏ hai việc này rồi, Ta tự có đạo chí yếu, được thành Chánh giác, nhãn sanh, trí sanh, ý được thôi dứt, được các thần thông, thành quả vị Sa-môn, đến Niết-bàn.

Thế nào là đạo chí yếu được thành Chánh giác khiến nhãn sanh, trí sanh, ý được thôi dứt, được các thần thông, thành quả Sa-môn, đến Niết-bàn? Nghĩa là Tám đạo phẩm này vậy, đó là Đẳng kiến, Đẳng tri, Đẳng ngữ, Đẳng nghiệp, Đẳng mạng, Đẳng phương tiện, Đẳng niệm, Đẳng định. Đây gọi là nhãn sanh, trí sanh, ý được thôi dứt, được các thần thông, thành quả Sa-môn, đến Niết-bàn. Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học bỏ hai việc trên và tu tập đạo chí yếu. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

 

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Khuyến thỉnh, 
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.299)

 

Giáo huấn của Đức Phật thật rõ ràng, muốn thành tựu giải thoát an lạc thì cần từ bỏ,  không thân cận, không “tham đắm pháp dục và lạc”, đồng thời “tu tập đạo chí yếu”. Người học đạo không thân cận hai pháp dục và lạc vì thấy rõ “Đây là pháp tầm thường ti tiện. Lại đây là trăm mối khổ não”. Trong khi dục và lạc là mục tiêu tìm cầu của thế gian, nó có “vị ngọt” khiến chúng sanh khó kềm lòng tham đắm. Hành giả nguyện đi ngược dòng sinh tử thế thường, ngoài những điều kiện sống thiết yếu cần phải can đảm xả buông, vượt thoát cám dỗ của dục và lạc. Nguyên lý bất di bất dịch trong nhà đạo là xả ly càng nhiều thì đến với đạo càng gần. Ngược lại, bất kể hình thức bên ngoài là gì, nếu không thực sự xả ly ngũ dục-ngũ trần thì cách đạo còn xa.

Kinh nghiệm của Thế Tôn, “bỏ hai việc này rồi, Ta tự có đạo chí yếu, được thành Chánh giác, nhãn sanh, trí sanh…”. Ngay đây, chỉ cần xa lìa dục và lạc - những pháp chướng đạo, thì tự khắc đời sống của hành giả trở nên thuận hợp với đạo. Nói cách khác, khi thân tâm xa rời dục và lạc thì “tự có đạo chí yếu”, chánh đạo hiện tiền. Như hai mặt của một vấn đề, khi “trăm mối khổ não” được lắng yên thì giải thoát, an vui hiện hữu.

Trên nền tảng thanh tịnh nhờ xa lìa dục và lạc, hành giả nỗ lực thực hành Tám đạo phẩm, tức Bát Chánh đạo. Đẳng kiến, Đẳng tri, Đẳng ngữ, Đẳng nghiệp, Đẳng mạng, Đẳng phương tiện, Đẳng niệm, Đẳng định là cách gọi khác của Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Thế Tôn đã khẳng định thực hành Bát Chánh đạo là đạo chí yếu, là con đường Thánh, nhờ đó mà “nhãn sanh, trí sanh, ý được thôi dứt, được các thần thông, thành quả Sa-môn, đến Niết-bàn”.

Người học Phật tùy duyên mà hành trì những phương cách tu tập khác nhau. Dù tu tập theo pháp thức nào, người đệ tử Phật vẫn luôn ghi nhớ Bát Chánh đạo là con đường trọng yếu nhất, thành tựu giới-định-tuệ là mục tiêu chung nhất của các pháp hành theo lời Phật dạy. 

Tác giả bài viết: Quảng Tánh