Lục căn

Lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Quả địa cầu là một làn hơi đặc, nổi tròn, hết nổi đến xẹp. Quả địa cầu là đất, nước, lửa, gió; khi mới nổi không có cỏ, cây, thú, người, Trời, Phật.
Lục căn

1. NGUYÊN NHƠN SANH KHỞI LỤC CĂN
Lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Quả địa cầu là một làn hơi đặc, nổi tròn, hết nổi đến xẹp. Quả địa cầu là đất, nước, lửa, gió; khi mới nổi không có cỏ, cây, thú, người, Trời, Phật.

 Trước hết cái ấm của tứ đại sanh ra cỏ, cây, thú. Am là sự dung hòa giữa nóng và lạnh. Đất ấm sanh ra nhựa chỉ, mồ hôi, lâu biến thành rể cây, cỏ, thú. Nước ấm sanh bèo, rong, đặc lền, lâu cũng biến sanh thú, cỏ cây. Đó tức là trần sanh căn vậy. Có căn rồi, căn sanh thân, thân sanh quả, quả sanh nhơn, nhơn gieo trong trần mà sanh căn thân quả khác. Căn là rễ, trần là bụi, quả là trái, nhơn là hột giống (bộ phận của cây).
Trần là chất sống, của cải(đất, nước, lửa, gió).
Căn là hình thể của sự sống.
Cái sống hay cái biết kêu là thức, thức ở giữa trần và căn, nên gọi là: Trần sanh thức, thức sanh căn.
Trần hay tứ đại (đất, nước, lửa, gió) kêu là vô minh hay địa ngục. Vô minh sanh ra hành, hành mới sanh ra thức. Hành là cái ấm của tứ đại, tức là sự lăn xoay dời đổi, rung động, nóng lạnh, sáng tối, tương đối, lâu ngày sanh ra thức, biết sự sống lần lần.
Cái thức, biết, sống của cây cỏ, kêu là thọ cảm. Cái thức, biết, sống của thú kêu là tư tưởng. Cũng như một đứa trẻ mới sanh, do hột giống người mới tạo, bỏ nó ở một chổ vô động kín đáo, thì cái thức, biết, sống, của nó không có nảy nở, và sẽ lần hồi chết mất luôn trở lại. Hay như một người ngủ, nếu không có mọi sự cử động bên ngoài thì không có cái thức, biết, sống. Cái, thức, biết, sống của ta, do nơi sự động, cái có, thay đổi vô thường là hành, hay là ấm của trần; có thức rồi thức mới sanh căn. Căn là hình thể tưởng tượng, món đồ sanh ra bởi thức. Cho nên gọi thức là chủ, căn là đồ vật của chủ. Chổ ở ăn mặc dùng để chứa nuôi căn là trần. Căn sanh nơi trần, trở lại ăn trần, con sống nơi mẹ, trở lại ăn mẹ, còn cái thức là hột giống của ông cha.
Tại sao mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của con người, gọi là căn rễ, giống như rễ cây?
Bởi trần là của cải chất nuôi sống; nơi cây căn rể là cửa thâu rút ăn trần nước đất, để nuôi cây tượng trái sanh hột. Cũng giống như người ta mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sáu cửa, rút thâu vạn vật các pháp để nuôi tâm sanh trí, tạo thành tánh vậy. Sáu cửa ví như rễ cây, tâm như mình cây, trí như bông cây, tánh như trái cây (trí như hoa, tánh như quả) tứ đại vật chất đất, nước, lửa, gió là chất sống tạo ra thức căn, và thức căn trở lại ăn chất sống tứ đại.
Trong võ trụ không gian và thời gian chỉ có ba pháp là: Trần thức căn. TRẦN là tứ đại, của cải, các pháp, chất nuôi sống; THỨC là sự sống biết, là chúng sanh; và CĂN là thể tướng hình dạng của mỗi chúng sanh. Cho nên nói rằng: Trong võ trụ có một cái cây trần vật chất là đất, nước, lứa, gió phía dưới, căn là rễ ăn trong trần để nuôi thức, thức là thân cây, tưởng là nhánh cây, pháp là lá cây, trí như hoa, giác như vỏ trái, tánh như hột, chơn lý như thịt cơm. Cây ấy tức là đạo của chúng sanh vậy. Đạo ấy vốn từ nơi trần mà ra, quả ấy là quả Giác kêu là Phật.
2. GIỚI HẠN CỦA TRẦN THỨC CĂN
Các căn của cỏ, cây, thú, người không giống nhau là bởi thức xúc đối với nhơn duyên hoàn cảnh của trần, mỗi lúc mỗi khác, mà sanh sự tưởng tượng cái sắc thân huyễn ngã theo duyên cảnh. Sự tưởng tượng ấy là tư tưởng, tư tưởng là thức mạnh của thọ cảm. Thọ cảm là thức non nớt của trần. Tư tưởng là thức mạnh mẽ của trần. Có tư tưởng mới có hành vi, hành vi lá thức cử động của trần. Cây có thọ cảm, thú có tư tưởng, người có hành vi.
Sự tấn hóa của chúng sanh già biết hơn trẻ, ngày mai hơn bửa nay, chiều hơn sáng. Chúng sanh từ trong tối ra ngoài sáng, từ ác đến thiện, từ địa ngục đến thiên đường. Am tứ đại sanh cỏ; cỏ lâu ngày có thọ cảm thành cây; cây già có tư tưởng sanh thú; thú lớn khôn có hành vi thành người; người lớn hiểu trắng có thức trí làm Trời; Trời già biết sáng có giác chơn là Phật. Kẻ nầy tấn hóa, kẻ kia bắt chước noi theo, kẻ nọ bị hiếp đáp rán vượt lên. Càng khổ càng đua chen, càng sanh sản, chế biến tượng hình không nhứt định.
Trong cõi trần tứ đại nầy, cỏ là căn, (rễ, cây là thân mình), thú là quả (trái), người là nhơn (hột), Trời là đại nhơn (hột lớn), Phật là lão nhơn (hột già).
Sự sống của tất cả kêu là thức, có tám thức:
1.- Nước có cái thức, kêu là thấy.
2.- Đất có cái thức, kêu là nghe.
3.- Cỏ có cái thức, kêu là hửi.
4.- Cây có cái thức, kêu là nếm.
5.- Thú có cái thức, kêu là rờ.
6.- Người có cái thức, kêu là tưởng.
7.- Trời có cái thức, kêu là hiểu.
8.- Phật có cái thức, kêu là biết.
Tứ đại là trần, tất cả có sáu trần:
1.- Nước có sắc trần, kêu là hình dạng.
2.- Đất có thinh trần,kêu là tiếng tăm.
3.- Cỏ có hương trần, kêu là mùi.
4.- Cây có vị trần, kêu là vị.
5.- Thú có xúc trần, kêu là sự đụng chạm.
6.- Người có pháp trần, kêu là sự biến tác.
Riêng Trời và Phật không dùng trần tứ đại.
7.- Trời có huệ trần, kêu là sự dứt bỏ phiền não.
8.- Phật có chơn trần, kêu là như như chẳng động.
Trần sanh thức, thức sanh căn, tất cả có tám căn:
1.- Nước có nhãn căn, kêu là con mắt.
2.- Đất có nhĩ căn, kêu là lỗ tai.
3.- Cỏ có tỷ căn, kêu là lổ mũi.
4.- Cây có thiệt căn, kêu là cái lưỡi.
5.- Thú có thân căn, kêu là mình.
6.- Người có ý căn, kêu là sự muốn.
7.- Trời có trí căn,  kêu là phân biệt.
8.- Phật có tánh căn, kêu là tự nhiên.
Gồm tất cả là tám trần, tám thức, tám căn, cộng lại hai mươi bốn giới, từ địa ngục đến Niết bàn, trần nào sanh thức nấy, thức nào sanh căn nấy, căn nào sanh trần nấy. Căn ví như nhà, trần ví như của cải, thức là chủ nhơn ông. Người thanh cảnh cũng thanh, người trược cảnh cũng trược.
Từ thú sắp xuống có 5 căn+ 5 trần + 5 thức thuộc về loại có hữu vi hình thể.
Từ người sắp lên Trời Phật có 3 căn + 3 trần + 3 thức thuộc về loại không không vô vi, không tướng.
Thế cho nên từ thú sắp xuống là ác, từ người sắp lên là thiện. Người thì cón có thân sắc ít lâu cho nên còn có ác ch1ut đỉnh, chớ khi đến Trời rồi, chỉ còn hình bóng không không mới trọn thiện.
Trong một căn có ngầm chứa ảnh hưởng bảy căn khác.
Trong một trần có ngầm chứa ảnh hưởng bảy trần khác.
Trong một thức có ngầm chứa ảnh hưởng bảy thức khác.
Cũng như tám nấc thang, tám khoảng đường ai cũng có thể đi tới lui tự mình.
Trong tám trần chia ra làm bốn loại:
1)Nước đất một loại.
2) Cỏ cây một loại.
3)Thú người một loại.
4)Trời Phật một loại.
Nước, đất, cỏ, cây, thú có ác trần
Người, Trời, Phật có thiện trần.
Người sau khi chết còn trở lại xác thân tứ đại, cho nên gọi tứ đại có sáu trần. Trời cũng còn trở lãi, nên gọi chúng sanh. Chỉ trừ ra Phật là đứng vững.
Người là lòng nhơn chớ không phải xác thân. Xác thân tứ đại giống thú vậy, cho nên căn của người, Trời, Phật là ý, trí, tánh không có hình dạng. Trần của người, Trời, Phật là pháp, huệ, chơn, không có hình dạng. Thức của người, Trời, Phật là tưởng, hiểu, biết, cũng là không không.
Trong tám căn cũng chia ra làm bốn loại:
1)Nước đất một loại.
2) Cỏ cây một loại.
3)Thú người một loại.
4)Trời Phật một loại.
Nước, đất, cỏ, cây, thú có ác căn
Người, Trời, Phật có thiện căn.
Người sau khi chết còn trở lại xác thân tứ đại, cho nên gọi tứ đại có sáu căn. Như vậy là trong địa cầu nầy, kể từ người sắp xuống là có: sáu căn, sáu trần, sáu thức, tất cả là 18 giới đứng chung; còn hai căn, hai trần , hai thức của Trời Phật là sáu giới đứng riêng phía trên. Trời và Phật mặc dầu lúc còn đang mang xác thân tứ đại, hình tướng, thú người, mà tâm, thức, căn, trần riêng cảnh giới, bởi không cố chấp, ô nhiễm, chỉ sống cho chúng sanh chớ không có sống cho mình, nên không gọi là kẻ ở trong trần được.
Vả lại bậc Phật mới có cái ta chắc chắn mà cái ta ấy gồm tất cả của hai mươi bốn giới, thành ra cái chơn như tự nhiên, không có hình tướng, không có tự cao, không trong trần cảnh. Còn chúng sanh cố chấp mê lầm ngã mạn xưng ta, cái ta tham, sân, si, trong trần, tự cho căn là ta, hay thức là ta, là hiểu lầm theo duyên cảnh, chớ nếu phân tách ra kỹ lưỡng, những thức, căn, trần, thì không có cái ta, chủ, chỗ nào hết, chỉ là các pháp không có bổn ngã, cái ta. Cũng như nầy là đất nước, nầy là rễ và thân cây, nầy là lá, nhánh, trái, hỏi vậy chớ chủ của cây, là cái gì? Tức là không có chủ, vì là cái nào rồi cũng hoại hết.
Sau rốt, người ta chỉ một trái chín, khô, có hột, mộng cứng để đời; À ! thì đó mới là cái ta vậy. Thế thì tất cả đều gom về cái hột, hột ấy mới là ta. Chư Phật mới có ta, chúng sanh chưa có ta, hay chỉ có cái ta giả dối, tội lỗi, non nớt.
3. THUẬN THEO CĂN LÀ TIẾN HÓA
Loại người là một loại chung với thú, nhưng người thiện được hai phần, ác chỉ có một, còn thú ác đến hai phần, thiện chỉ có một. Người là nhơn: nhơn đ71c, nhơn từ, nhơn ái. Người là đức từ ái làm đầu. Nhơn cũng nghĩa là không sát hại. Bởi loài thú hằng giết hại nhau, nên người xưa kêu loại người là loại nhơn, vì nó không hay giết hại.
Người chỉ là tiếng nói, tên gọi, chớ không có chi là người. Căn của người là ý. Thức của người là tưởng. Trần của người là pháp, thảy không hình thể.
Nhơn người cũng nghĩa là hột giống. Người là bậc có được hột giống ta, nhưng còn non nớt, tham lam, thiếu thốn dục vọng, chưa được như Trời là đại nhơn, Phật là lão nhơn. Người là tiểu nhơn, trên loài thú, dưới bậc Trời; người ở mực giữa. Người có lời nói như thịt cơm của hột, việc làm như vỏ của hột,  ý tưởng như ngòi mộng của hột. Ý của người là tham, sân, si. Người hằng lấy sự tưởng tượng làm mình, chưa biết nghĩ suy, còn mến thích say sưa các pháp, pháp hữu vi, vật chất, việc làm cùng lời nói, cãi cọ. Bởi sự sanh sản tiến hóa, từ trong trần mới ra, nên chỉ biết có trần thôi. Những kẻ mới tấn hóa còn tánh thú, rất hung dữ. Loài người, sự học thì học để kiếm ăn, cho sung sướng dễ dàng khôn khéo bóc lột. Loài người, la loại làm biếng nhứt, ham tìm sung sướng về thức ăn, sự mặc, chổ ở, chen chúc trong trần để tìm cái ngủ ngon mà thôi.
Loài người sợ khổ lắm, cho nên ý căn rất mạnh, như con ngựa loi kéo cái thức đi nhập thai trong trần, để sanh căn ra nữa, đặng hưởng trần, mỗi lần sau khi chết, căn cũ hoại.
Càng sợ khổ, càng tìm vui, chen chúc trong trần càng sâu tức là càng ngộp đắm. Quá tham lam mà khổ, lại tức giận hung ác và mê muội tối tăm, bởi còn xác thân trần, chỉ biết trần, loài người ít ai chịu học hòi tìm hiểu chơn lý, lẻ thật, nguyên nhơn của mình; vì vậy mà rất ác, giết người giết thú chẳng xót thương, lắm kẻ đến đổi không biết thương và nhớ công ơn cha mẹ.
Loài người trước kia là loại ăn lá trái, bởi cổ nhơn nguồn gốc vượn khỉ; nhưng vì sự ham ngon vui  mà tập ăn dùng huyết nhục quen lần. Người là loại ham sống nhứt, nhưng bởi ham vui sướng mà phải chết mauv.v… Lắm kẻ đến già chết, khi bịnh sắp tắt hơi mới tỉnh ngộ, nhưng đã trễ rồi; bởi con người phần nhiều lớn già mới có Trí, biết sợ khổ mà chán trần.
Loài người như kẻ bị chôn ngộp chết chìm trong nước đất. Thân căn như nhà, mắt, tai, mũi, lưỡi là cửa, ý căn như kho vựa. Ngoài sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, sáu trần tuông vào mãi mãi là của cải. Tưởng thức là chủ cùng bọn gia nhân, thấy nghe, hửi, nếm, rờ, chạm, làm việc chẳng hay ngừng, lắm khi trần nhiều, vô minh, mà bị chôn, lấp sâu, chết, ngộp là quá khổ.
Loài thú khổ thân, loài người khổ ý. Người sướng thân mà ý mệt nhọc hơn. Người sống dai hơn thú, là bởi cũng có chút lòng nhơn với nhau. Người lấy ý làm chủ nên bị mắt, tai, mũi, lưỡi, thân bao vây; sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp nhận lấp; thấy, nghe, hửi,nếm, rờ, tưởng hành phạt. Người như một kẻ tội nhơn sanh trong khám, khổ trong tù. Mắt, tai, mũi, lưỡi, miệng, thân sanh ra ý. Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp tập thành ý. Thấy, nghe, hửi, nếm rờ, tưởng nuôi tạo ý; để rồi mà nhốt phạt hành hà.Nhưng dầu sau loài người thứ sáu cũng khá hơn loài thú cỏ cây, khổ chết là chịu, chớ không tìm phương trốn tránh. Người muốn thoát khổ hãy đến cõi Trời và Phật. Chúng sanh là từ trong cái khổ sanh ra, và đi đến cái tột vui kêu là đạo, lúc đầu mới sanh ra thì vui, lâu sau biết khổ mà vượt lên và lên mãi. Chúng sanh tiến lên theo trình độ của cái thức hễ đi tới là vui xuôi thuận, đi lui là khổ ngược nghịch.
Vậy nên, qua khỏi hai căn, hai trần, hai thức là cỏ.
Qua khỏi ba căn, ba trần, ba thức là cây.
Qua khỏi bốn căn, bốn trần, bốn thức là thú.
Qua khỏi năm căn, năm trần, năm thức là người.
Qua khỏi sáu căn, sáu trần, sáu thức là Trời.
Qua khỏi bảy căn, bảy trần, bảy thức là Phật.
      LOẠI                       TRẦN                        THỨC                             CĂN
1.  Nước                         Sắc                             Thấy                               Nhãn
2.  Đất                            Thinh                          Nghe                              Nhĩ
3.  Cỏ                              Hương                        Hửi                                 Tỹ
4.  Cây                            Vị                                Nếm                               Thiệt
5.  Thú                            Xúc                             Rờ                                   Thân
6.  Người                        Pháp                           Tưởng                             Ý
7.   Trời                           Huệ                            Hiểu                                Trí
8.   Phật                           Chơn                          Biết                                 Tánh
Cũng như người đem mình đến cảnh giới Trời, Phật, là rất vui, hay, phải; bằng người mà đem mình xuống như loài thú, cỏ, cây, tức là khổ, trật, sái, không thể nào yên. Tr3 nhỏ tập theo người già có thể được, người già trở lại như trẻ nhỏ rất khó coi. Thế mới biết yên, vui, thiện, lành là đi tới.
Sự tiến hóa của chúng sanh bắt đầu cũng như người ngủ, hay như đứa trẻ trong thai bào:
1.- Từ có nước trước, mới đến đất, cỏ, cây, thú, người, Trời, Phật.
2.- Từ có sắc trước, mới đến thinh, hương, vị, xúc, pháp, huệ, chơn.
3.- Từ có thấy trước, mới đến nghe, hửi, nếm, rờ, tưởng, hiểu, biết.
4.- Từ có mắt trước, mới đến tai, mũi, lưỡi, thân,ý,trí, tánh.
Cảnh giới nào cũng có nhà (căn), của cải (trần), quyến thuộc (thức) nương theo. Loại nào cũng vậy: thức như đầu, căn như mình, trần như chưn, gồm đủ ba phần gọi là một thể. Mỗi một thể có hai mươi bốn giới : mỗi một giới này có hai mươi ba giới kia. Những bậc thấp thì có giới đã sanh, giới đang sanh và giới chưa sanh. Những bậc trên thì giới đã sanh, giới đang sanh. Cho nên gọi là: Phật tức chúng sanh chúng sanh tức Phật, đồng một thể, chỉ khác nhau nơi trình độ, là đã già hay chưa già, sớm trể đôi ngày. Nhưng nếu chúng sanh biết kỉnh Phật, bậc tiền bối thì chúng sanh tấn hóa mau, biết mục đích sớm là không khổ. Bằng không ưa tức là vô đạo, không đường, đi lui khốn họa.
4. LỤC CĂN THANH TỊNH
Lục căn thanh tịnh tức là sáu căn trong sạch, vì loài người có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý: thiện là trắng, ác là đen, không không là trong sạch, có có là dơ bẩn, lục trần là chất bụi, dính vào khó rửa phủi cho ra. Đóng bụi dơ thì ngộp khổ, nhiễm vật chất mới chết, mới ác hung. Lục trần như naá©m mã, lục căn trong trần như thây ma, lục thức như vòi tửa. Loài thú thấp hèn cho loài người là sung sướng với sắc tốt, tiếng thanh, mùi thơm, vị ngọt, vật êm, đồ khéo. Trái lại loài người đã quá khổ chán rồi mới thấy trần là dơ dính khó chùi, vì nó mà tham, sân, si, độc ác; ở trong nó con người với thú in nhau. Người ta muốn lên cao, Trời, Phật bởi đã kinh nghiệm, được học, nên xa lánh cõi người, dứt bỏ lục căn, quét sạch lục trần, tránh xa lục thức, làm, Trời,Phật, vui sướng, nhẹ nhàng chắc thật. Lấy tinh thần làm vật chất, lấy đạo lý làm sự đời , mới là trong sạch.
Cũng như học trò lên lớp, sống mực thường bền dài, yên vui hơn cái tham lam thái quá rồi bất cập, đã không rồi mà khổ mãi.
Tiếng nói sát lục căn, trảm lục trần, diệt lục thức không phải là giết bỏ nó, mà hãy sống, bằng hiểu biết lấy trí tánh làm căn, huệ chơn làm trần, đem mình làm trời, Phật, bỏ qua, quên mất, coi như không, đừng cố chấp, tham vọng, cảnh giới của người, thú, cây, cỏ, đất, nước nữa, mới hết khổ, mới yên vui và tấn hóa được. Có không tiếc, không ham tưởng thật mới là giác ngộ, giải thoát, trong sạch, tiến hóa.
Nơi loài người có mười tám giới:
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thiếu, xấu là ác căn.
Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp nhiều tốt là ác trần.
Thấy, nghe, hữi, nếm, rờ, tưởng có có là ác thức.
Tức là mười tám cõi địa ngục.
 Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý lành tốt là thiện căn.
Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp ít xấu là thiện trần.
Thấy, nghe, hữi, nếm, rờ, tưởng không không là thiện thức.
Tức là mười tám cõi thiên đường.
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý vọng động là ma căn.
Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp cấu loạn là ma trần.
Thấy, nghe, hữi, nếm, rờ, tưởng mê nhiễm là ma thức.
Tức là mười tám cõi ma.
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chơn như là Phật căn.
Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp tịnh tịnh là Phật trần.
Thấy, nghe, hữi, nếm, rờ, tưởng không mê nhiễm là Phật thức.
Tức là mười tám cõi Phật.
5. LOÀI NGƯỜI QUÊN CĂN BỔN
Ta có nên bênh vực, tôn sùng, quí trọng loài người chăng? Không ! Ta cũng không nên bảo thủ loài người nữa. Vì loài người cũng là một loãi thú đi hai chơn mà lắm kẻ lại tàn ác hơn thú. Thú chỉ có răng có móng, một con giết một con, và không biết phá hoại vạn vật. Trái lại nơi loài người cũng là vi trùng của thế giới, cũng là giòi tửa của trái địa cầu, con sâu của cây võ trụ mà có kẻ quá ác, quá gian; càng hay giỏi quỉ ma, càng moi móc xô đẩy, phá hoại làm cho mau hư cây trái, để liều mình, giết cả muôn triệu một lần, làm nổ xẹp địa cầu một cái, mê hoặc cả nhơn sanh, phá hại người, Trời, Phật. Người như thế tức hơn ma vương tự chiêu kỳ họa, thương cũng không cứu họ được.
Sự thật nếu người làm thú, ăn thịt lẫn nhau thì lại dữ hơn thú, mệt nhọc, vô ích tai hại biết dường nào? Còn những hạng người tấn hóa hiền lương có đạo, thì chết sống đâu cần, êm ái, nhẹ nhàng, ích lợi, tốt đẹp, giúp cho chúng sanh tấn hóa, nuôi dưỡng tứ đại, giữ gìn vạn vật  quý báu vô cùng, họ đã tự biết đường đi, nào phải đợi ai lo cho mà gìn giữ bênh vực.
Chúng sanh là học trò từ cái không biết đến cái biết, mục đích là phải lên lớp, để mau thi đậu, đến chốn nghĩ ngơi. Ai đi trước đến trước, ai đi sau đến sau, kẻ sau coi theo ngườ trước. Thân người dầu mất, mặt đất bỏ hoang, như nghĩ bãi trường lâu về sau cũng có học trò, tốp khác tụ lại, loài người khác sanh ra.
Loài người không phải sanh ra đặng lo đúc giống, hoặc lo ăn mặc ở, cấu xé đua tranh, danh lợi, tình yêu vô ích, quanh quẩn cuống cuồng, chen chúc trong hầm trần chỉ sanh rồi diệt.
Kìa ai học giỏi rất yên, kẻ thi đậu thì vui; trái lại lục trần là địa ngục, sẽ  chôn lấp nhận đè, kẻ đang bị lục đục lôi cuốn, bắt đem nạp để hành hình, lục thức đau khổ sẽ chết đi, khó mà sống lại rất đáng tiếc; khổ quá là điên, điên thì tiêu diệt, khác chi là kẻ ở tù, càng hay giỏi, lại càng thêm nặng nề trói buộc, đau khổ mà chẳng đến đâu.
Đã đành là có trước mới có sau, có thấp mới có cao, nhưng lên cao rồi ngó lại mới thấy là dơ dáy ghê sợ. Kẻ thoát được lên rồi còn nghĩ lại thương giùm, cho những ai ai mãng tham, sân, si tội lỗi.
6. CĂN BỔN ĐẦU TIÊN
NÓI TÓM LẠI: Quả địa cầu trước kia là cái bọt nước.
Mặt NƯỚC có màng, màng là tấm kiếng thấy kêu là sắc trần. Cái thấy hình dạng kêu là sắc căn. Sự sống của nước kêu là sắc thức. Về sau chúng sanh có cái thức, xúc đối với sắc trần sanh thọ cảm, tư tưởng tượng nhãn căn cho xác thân huyễn ngã, để sống cho tiện lợi khỏi khổ, “Nước có đủ màu”.
ĐẤT cù lao nổi lên, đất là thể chất đụng chạm kêu khua gọi là thinh trần. Đất có lỗ trống, rút nghe thâu các thứ tiếng kêu là thinh căn. Sự sống của đất kêu là thinh thức. Về sau chúng sanh có cái thức, xúc đối với thinh trần sanh thọ cảm tư tưởng tượng nhĩ căn cho xác thân huyễn ngã, để sống cho tiện lợi khỏi khổ. “Đất có đủ giọng”.
Cỏ do nước, đất, lửa, gió, không thường nên sanh ra lắm mùi, gọi là hương trần. Sự sống cỏ có lổ hơi hít thâu các thứ mùi kêu là hương căn.Sự sống của cỏ kêu là hương thức. Về sau chúng sanh có cái thức, xúx đối với hương trần sanh thọ cảm tư tưởng tượng tỹ căn cho xác thân huyễn ngã, để sống cho tiện lợi khỏi khổ. “Cỏ có đủ mùi”.
Cây do mùa tiết tứ đại thay đổi, nên sanh ra lắm vị khác nhau, gọi là vị trần. Cây có lổ r1ut nếm các thứ vị, kêu là vị căn. Sự sống của cây kêu là vị thức. Về sau chúng sanh có cái thức, xúc đối vị trần, sanh thọ cảm; tư tưởng tượng thiệt căn cho xác thân huyễn ngã, để sống cho tiện lợi khỏi khổ. “Cây có đủ vị”; và cây là loại đã có thọ cảm già. Nên cây có thể nhập thai trong người, thú, hoặc thành ma tái quái được. Thọ cảm là thức ưa chịu, cũng kêu là thọ thức.
THÚ do ấm tứ đại và cây cỏ sanh ra đủ cách khác nhau, tác dụng nó gọi là xúc trần, thân hình có đủ tay chưn, đi đứng, nắm rờ. Kêu là xúc căn. Sự sống của thú kêu là xúc thức. Về sau, chúng sanh có cái thức, xúc, đối với xúc trần sanh thọ cảm; tư tưởng tượng thân căn là xác thân huyễn ngã, để sống cho tiện lợi khỏi khổ. “Thú có dủ thân thể”. Và thú là loại đã có tư tưởng già. Nên thú có thể nhập thai thú, người, hoặc làm ma quái hay sanh vào cõi Trời. Tư tưởng là thức tưởng tượng cũng kêu là tưởng thức.
NGƯỜI là một loại thú tiến hóa ra. Bởi có tay chơn, rờ xúc, làm việc lâu ngày, mới sanh ra các pháp, các việc hay khéo, chế biến mở mang, theo sự vô thường tương đối, sanh ra pháp trần. Người hay lo nhớ, tưởng, về các sự việc, kêu là pháp căn. Sự sống của người, kêu là pháp thức. Về sau chúng sanh có cái thức, xúc đối với pháp trần, sanh thọ cảm, tư tưởng tượng ý căn cho xác thân huyễn ngã, để sống cho tiện lợi khỏi khổ, “Người có đủ phương pháp”. Và người là loại đã có hành vi già, nên có thể nhập thai người, thú, hoặc làm ma quái , làm Trời. Người có thể thành Phật, đi tắt, nhảy lớp. Hành vi là thức cử động, cũng kêu là hành thức. Ý căn là sự muốn và cố chấp rất mạnh của thức. Sau khi chết bỏ xác, ý căn còn là một cái bóng dạng thân người chưa tan bởi thức, có kẻ gọi là bóng vía hay thần hồn. Nếu là bậc có tu luyện rèn tập tư tưởng được định, ý thêm cứng vững và lộ rõ rệt, có thể xuất nhập ra vào và biến hóa như Trời Phật, mà cũng như ma quỉ nữa. Trời Phật và ma quỉ khác nhau ở chỗ thiện hay ác, thiệt hay giả, chánh hay tà. Cái hình bóng ấy củ ma quỉ hay kẻ ác thì đen, và có khi tan mau, của Trời thì trắng bởi thiện và lâu tan hoại. Trái lại bóng thức của Phật thì trong suốt, và chói rực sắc vàng, gọi là kim thân đời đời kiếp kiếp không tiêu hoại bởi thanh tịnh, trí huệ, bác ái, và không không các sở chấp. Thân ấy mới thiệt chơn thân, thân của ta, thân là ta, hay Phật thân, thân của giác. Thân ấy tức là thức, cũng kêu là thân thức hay thân sống, thân của cái sống. Thân thức  sống ấy phát sanh từ nơi ấm của tứ đại. Trước nhứt cỏ là con của tứ đại hiệp thành. Cỏ mọc lên, là bởi phía dưới đất đặc, ăn xuống không được nên đâm vượt lên khoảng trống không, và bởi có rể nuôi sống thêm, rút chất nhựa phía dưới, nên lá ngọn càng vượt lên mãi, cái ấm nhựa không phải tròn hay dài nhứt định, hình của nó tuỳ theo kẹt đất đá. Bởi càng nở lớn. Tùy theo kẽ đất mà mọc tay chơn, cũng gọi miệng ăn đất. Phía trên khi vượt khỏi đất rồi, thì gặp sương tuyết nắng mưa, nên nó cũng nhóng lên, và đâm tủa ra để hứng ăn. Khắp cả mình cây đều có lổ trống là miệng; khi thiếu ăn uống, nó biết bò ngã theo phía có nước đất để kiếm ăn. Cỏ là một vật sống tùy duyên cảnh mà ra hình thể. Theo loài người thì gọi nhánh lá là trên, chớ loại côn trùng trong đất ắt xem rễ cỏ là tàng nhánh ở trên vậy.
Thân thú, thân người ở nơi khoảng trống, là theo thể thức của cỏ cây từ trên mặt đất; đó là nguồn gốc của sự sanh thân. Cây cỏ là loại trong đất nước sanh ra, nên đầu miệng ở dưới; đuôi miệng ở trên, trái hoa là chất tinh ba, hột giống của nó. Phẩn tiểu của cỏ cây tuôn ra, trên là mũ và chất thúi dơ. Cái thức của thú vì duyên cảnh của khổ ép ngặt mà tượng sanh đầu đuôi ngang nhau. Và khi đến loài người thì đầu trở lên, chân trở xuống. Hình thể của thân mỗi lúc tuỳ duyên biến sữa, do nơi thức và sự ép ngặt là khổ.
Cái thọ cảm của cây giống như một làn khói. Cái tư tưởng của thú là làn khói ấy kết đặc thành hình, theo thân thể cố chấp tưởng tượng của nó. Cái hành vi của người là một hình bóng rõ rệt của thức, khi đến Phật thì hình bóng ấy lại không tan; và màu sắc của thức thân ấy lại do nơi sự thiện ác các pháp. Thân thể có từ nơi cỏ, hình bóng có từ nơi thân, thảy do nhơn duyên tập lần sanh nảy.
Cho đến nam căn và nữ căn tương đối cũng vậy, không phải ai cho nam cho nữ để sanh sân cả. Nam nữ phát sanh tại loài cây. Cái ấm tứ đại sanh cỏ là thức, tượng hình theo duyên, bởi chịu nắng mưa thay đổi, là pháp tương đối nơi ngoài, mà sanh cảm giác tương đối, khi ưa vầy, khi chịu khác, kêu là thọ cảm. Thọ cảm có hai: hết thương đến ghét, hết khổ đến vui, hết mừng đến giận, hết thích ưa đến nhàm chán, khi thì muốn, lúc lại chê bởi thọ thức thay đổi theo chiều mưa nắng, pháp tương đối bên ngoài. Thọ cảm tức là tình dục phát sanh tại cỏ. Cỏ có thọ cảm thành cây, cây có tương đối âm dương, đực cái theo duyên cảnh. Cây có lần tư tưởng mà sanh thú, thú có đực cái theo hình thức cây. Và loài người có nam nữ là bởi hình thức theo thú. Trời cũng còn bóng thức của người, nên có tiên nữ, tiên nam. Chỉ trừ ra Phật là cái sống tự nhiên chơn thật tuyệt đối, không có phân biệt bởi đã trọn sáng, trọn lành, cho nên hết khổ trọn vẹn. Tương đối là pháp vô thừơng khổ não, còn phân biệt là cái ta chưa nhứt định.
Vậy thì, cỏ sanh tình thọ làm cây đực cái. Cây tuy đực cái nhưng chẳng giao dâm. Đến thú tư tưởng mạnh khó dằn mà giao cấu. Chất tinh ba là giống của cây, thú, người, sanh bông, trái, hột, trẻ con. Người còn nhục dục theo thú. Trời biết là sái quấy khổ hại nên đã bỏ rồi. Phật là chơn nhơn nên trong sạch không không tự nhiên sau khi giác ngộ. Đã giác ngộ tởn sợ, được kinh nghiệm, đã học rồi, chán nản rồi mau lo tiến hóa, diệt khổ an vui là chót hết.


 

Tổ sư Minh Đăng Quang