Viêm họng và những bài thuốc dân gian "đặc trị"

Viêm họng và những bài thuốc dân gian "đặc trị"
Mùa nóng, những tưởng căn bệnh viêm họng sẽ không thể “gây khó chịu” cho mọi người. Nhưng không hẳn như vậy. Viêm họng, viêm mũi họng… vẫn là căn bệnh thường gặp trong những ngày hè nóng nực này. Lý do vì sao? Đâu là những bệnh về họng thường gặp trong những ngày hè này?

 Họng là cửa ngõ để không khí, thức ăn và nước uống vào cơ thể. Do họng là nơi đầu tiên tiếp xúc với các yếu tố môi trường như không khí, khói bụi, các loại thực phẩm, các yếu tố di truyền… nên rất dễ tổn thương. Đó là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể.

 

Theo thống kê, có đến 60 – 80% nguyên nhân viêm mũi họng là do virus như adeno, rhino, virus hợp bào đường thở, cúm, sởi… Số còn lại do vi khuẩn gây ra như liên cầu, tụ cầu, phế cầu, H. Influenze… Nguy hiểm hơn cả là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm ASEAN vì đây là loại dẫn đến biến chứng viêm họng gây thấp tim, viêm khớp, viêm thận. Nấm rất hiếm gặp, mặc dù bình thường khi nuôi cấy dịch họng kết quả chi ra có khoảng 70% các trường hợp có sự tồn tại của nấm. Trong những trường hợp có thể suy giảm sức đề kháng như hội chứng suy giảm miễn dịch, dùng quá nhiều kháng sinh, dùng thuốc súc họng, sử dụng viên ngậm bừa bãi hoặc dùng các thuốc xịt họng không đùng chi định… nấm mới trở nên gây bệnh.

 

Người ta nhận thấy đa phần những bệnh nhân bị viêm họng tái diễn nhiều lần thường hay đi kèm thêm một số yếu tố thuận lợi như sự thay đổi của khí hậu, người tiếp xúc với các yêu tố vật lý, hóa học độc hại, làm việc trong môi trường bụi bẩn… Ngoài ra, các yếu tố như thay đổi thời tiết, lạnh, ẩm, bụi, khói thuốc, rượu, khí thải hóa chất cũng gây viêm họng.

 

Dưới đây là một số bệnh viêm họng thường găp :

 

Viêm họng cấp

 

Viêm họng cấp tính là loại bệnh khá phổ biến. Bệnh thường khởi phát đột ngột, người bệnh sốt cao 39 – 40ºC, kèm theo đó là nuốt đau, rát họng, khàn tiếng. Các triệu chứng kèm theo là sụt sịt, tắc mũi và chảy nước mũi nhầy, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan, người bệnh thấy đau lên tai và đau nhói khi nuốt. Viêm họng cấp do virus thường diễn biến trong 3 – 4 ngày, chỉ cần dùng thuốc điều trị chứng giảm sốt, giảm ho thì bệnh sẽ lui dần. Nhưng nếu viêm họng do vi khuẩn thì dấu hiệu toàn thân sẽ nặng nề hơn, người bệnh sốt, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn, đặc biệt hay có viêm tấy hạch vùng cổ, hạch góc hàm sưng, đau…

Việc điều trị với loại viêm họng do vi khuẩn hoặc bội nhiễm sau siêu vi trùng thì phải dùng kháng sinh mới có hiệu quả, dùng trong 5 – 7 ngày. Nếu viêm họng cấp bị bội nhiễm, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng viêm tai, mũi, phế quản… ở trẻ em, biến chứng viêm họng do liên cầu khuẩn, trẻ có các dấu hiệu sốt, đau họng, ho, tiếp đến là sưng, nóng các khớp, đặc biệt là sưng khớp gối, khớp khuỷu.

 

-          Làm gì? Tốt nhất là không nên tự ý điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh hay thuốc ho, thuốc xịt họng. Hãy tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng. Đồng thời giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, ăn uống điều độ với nhiều rau xanh để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, sử dụng những loại dược thảo trị ho và xúc miệng với nước muối pha nhạt trước khi ngủ.

-          Một thìa mật ong ngậm trong họng trước khi ngủ cũng là một giải pháp hữu hiệu. Mật ong vốn được coi là kháng sinh từ thiên nhiên, sẽ bao phủ vùng họng, làm sạch và tiêu diệt những loại vi khuẩn gây hại. Hãy ngậm một thìa cà phê mật ong sau khi vệ sinh răng miệng, nuốt thật từ từ để mật ong tráng đều quanh vòm họng.

Viêm họng đỏ

Viêm họng đỏ thường gặp khi thay đổi thời tiết, vào mùa lạnh nhưng cũng thường gặp khi uống nhiều nước đá hoặc sử dụng điều hòa khiến họng bị khô. Bệnh do virus gây ra nên có tốc độ lây lan rất nhanh.

 

Triệu chứng điển hình là sốt, mệt mỏi, thường sốt đột ngột 39 – 40ºC, đau mình mẩy, kém ăn. Nếu do nhiễm khuẩn thì sẽ có các biểu hiện nhiễm khuẩn như môi khô, lưỡi bẩn, mạch nhanh, mặt bơ phờ mệt mỏi. Người bệnh thấy đau họng khi uống nước hoặc nuốt nước bọt, nhưng với các chất rắn nuốt ít đau hơn, bệnh nhân khó nuốt, rát họng. Ho là dấu hiệu thứ hai hay gặp hơn cả, có thể ho từng cơn, ho có đờm, nhầy, lúc đầu trắng sau đặc vàng, có mùi hôi, thay đổi tiếng nói, giọng hơi khàn, có khi khàn hẳn. Toàn bộ niêm mạc họng đỏ rực, amiđan sưng to, đỏ. Hạch ở góc hàm sưng, đau.

 

- Làm gì? Cố gắng phòng bệnh là tốt nhất. Sử dụng điều hòa không nên ở mức quá lạnh. Nên bố trí thêm chậu nước trong phòng cho không khí đỡ khô. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để làm sạch những di nguyên có thể gây bội nhiễm. Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và vệ sinh miệng mỗi ngày.

 

Viêm họng do virus

 

Bệnh rất hay gặp. Hầu hết các trường hợp viêm họng do virus đều có thể tự khỏi trong vòng 4 – 5 ngày (nếu không có bội nhiễm vi khuẩn). Bệnh hay kết hợp với viêm kết mạc mắt và có thể gây thành dịch.

 

- Làm gì? Nếu là viêm họng do virus thông thường, không có bội nhiễm thì không cần dùng kháng sinh, chỉ cần tăng cường làm sạch họng (không nên dùng nhiều các loại nước xúc họng mà nên sử dụng các loại dược thảo), tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Nhưng nếu không thấy bệnh thuyên giảm, hãy đi khám vì có thể bị bội nhiễm do liên cầu khuẩn, cần điều trị tích cực bằng kháng sinh và theo dõi biến chứng như thấp tim.

 

Viêm họng hạt

 

Đây là tình trạng viêm họng mãn tính tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến viêm họng hạt. Bệnh không nặng nhưng gây khó chịu, nhất là trong giao tiếp. Bệnh kích thích họng gây khó chịu. Người bệnh lúc nào cũng thấy vướng trong họng, ngứa họng, phải đằng hắng hay ho nhẹ một tiếng mới hết; và chỉ một lúc sau ( vài giờ, thậm chí chỉ mấy phút) lại bị ngứa họng, lại phải đằng hắng hay ho nhẹ một cái. Bệnh diễn biến một thời gian dài (vài tháng, có khi vài năm). Tình trạng ngứa họng ngày càng nặng hơn, việc đằng hắng không còn tác dụng nữa. Bệnh nhân ho khan, thường không có đờm, có lúc phải ho cả tràng, thậm chí ho dài không kịp thở. Bệnh khởi phát bất cứ lúc nào, thường là khi cơ thể mệt mỏi, suy nhược hay khi có điều kiện môi trường thuận lợi.

Làm gì? Điều trị viêm họng hạt tương đối khó. Để điều trị viêm họng hạt, trước hết phải loại bỏ các ổ vi khuẩn xung quanh, phải tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến viêm họng hạt để chữa một cách triệt để, ví dụ: điều trị viêm mũi, viêm xoang, viêm khí phế quản, viêm amiddan… để loại bỏ ổ vi khuẩn từ một trong những nơi này.

 

 

Viêm họng mạn tính do hội chứng trào ngược dạ dày thực quản

 

Đây là một bệnh ít người biết đến nhưng lại khá phổ biến. Trước đây, người ta cho rằng nguyên nhân chủ yếu lại là các yếu tố như rượu, thuốc lá, hơi độc, khói bụi, hiện nay chủ yếu là do bệnh lý viêm loét dạ dày thực quản, hiện tượng viêm họng và amidan là do dịch trào ngược từ dạ dày vào thực quản đưa lên tạo thành bệnh. Các triệu chứng lâm sàn thường ít, không ảnh hưởng đến toàn thân, không sốt, người chỉ hay mệt mỏi. Dấu hiệu quan trọng nhất là rát họng, nuốt vướng, đặc biệt ho từng cơn hoặc liên tục, ho nhiều, ho khan có thể có ít đờm làm bệnh nhân rất khó chịu phải khạc nhổ suốt ngày.

 

-          Làm gì? Với trường hợp này, bên cạnh những vệ sinh cá nhân, tốt nhất là người bệnh nên đi khám để tìm nguyên nhân gây bệnh trực tiếp và điều trị triệt để. Với trường hợp viêm họng mãn tính do trào ngược dạ dày thực quản, bạn cần phải loại khỏi thực đơn những loại gia vị cay nóng, có thể gây nên những cơn trào ngược như ớt, tiêu, dấm, tỏi…

Nguy hiểm khi đau họng

Đau họng là một biểu hiện thường gặp trong rất nhiều bệnh. Đó là do trong một số trường hợp độc tố vi khuẩn cao, cơ thể suy giảm sức đề kháng, các nhiễm khuẩn vùng họng lan rộng gây nên viêm tấy lan tỏa vùng cổ ngực, dẫn đến một số biến chứng của viêm nhiễm vùng họng như: viêm amiđan dẫn đến áp- xe amiđan, từ những ổ nhiễm khuẩn của họng, quá trình viêm xâm nhập vào nhóm bạch huyết ở khoảng sau họng gây ra áp- xe thành sau họng, áp- xe thành bên họng… Đây cũng là cấp cứu trong tai mũi họng.

Làm sao để phòng bệnh?

- Trước hết, khi bị viêm họng, không nên tự ý dùng thuốc mà nên đến khám và điều trị theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng.

- Nếu sử dụng thuốc vài ngày mà vẫn không khỏi, nên tái khám để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Làm sạch khoang miệng hàng ngày với nước muối pha loãng, nước xúc miệng…

- Ăn uống hợp vệ sinh.

 

Thảo mộc trị đau họng

 

Các loại trà thảo mộc dưới đây có tác dụng làm dịu những cơn đau họng cho bạn và cả gia đình, đồng thời còn là chất làm sạch họng mà bạn cũng nên sử dụng hàng ngày.

Ngoài ra, chúng còn giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại các tia bức xạ của mặt trời. giảm stress và đem lại giấc ngủ ngon hơn, dễ dàng hơn.

 

1. Trà hoa cúc

Với các thành phần đặc biệt từ thiên nhiên, trà hoa cúc giúp thông mũi, làm sạch họng, giúp giảm các chứng ho nặng. Thậm chí trà hoa cúc cũng được dùng để điều trị kết hợp khi người bệnh bị sốt.

 

2. Trà thì là

Đây là phương thuốc dân gian hữu hiệu cho chứng đau và khô họng. Trà thì là cũng chữa ho rất tốt, nó còn giúp giảm đau ngực khi bạn ho quá nhiều.

3. Trà gừng

Được xem là loại thảo dược rất tốt để trị ho, trà gừng được sử dụng rất phổ biến ở nước ta cũng như các nước khác trên thế giới. Nếu bạn bị cảm, với các triệu chứng khó chịu như đau rát cổ họng, ho nhiều và đau tức ngực, hãy thử dùng 1 – 2 tách trà gừng ấm pha với ít nước cốt chanh và mật ong. Chắc chắn bệnh cảm sẽ nhanh chóng rời khỏi bạn bởi sự kết hợp của 3 loại thuốc dân gian vửa có tác dụng kháng viêm, chữa ho và làm sạch cổ họng, giữ ấm cơ thể.

4. Trà sả

Trà sả có công dụng chữa cảm lạnh và ho bằng cách kết hợp lá sả non, mật ong, hạt tiêu, quê, nước cốt chanh và lá bạc hà. Loại trà sả hỗn hợp này giúp thông mũi họng, khiến người bệnh dễ hít thở hơn, và làm dịu cơn ho rất tốt.

5. Trà cam thảo

Trà cam thảo có thể dùng riêng không cần kết hợp với các loại thảo mộc khác mà vẫn có tác dụng kháng khuẩn, trị ho.

Tác giả bài viết: Theo Tư vấn và tiêu dùng