Những lần được hầu chuyện với Tổ Linh Phong

“Giản dị, thâm sâu, hài hước, vô trước, vô phân biệt" - đó ấn tượng khi chúng ta tiếp xúc với Tổ Linh Phong.
Những lần được hầu chuyện với Tổ Linh Phong

Được gặp Tổ Linh Phong (Ôn Trí Tịnh – Vũng Tàu) là một trong những nhân duyên lớn trong cuộc đời tu tập của tôi.

Còn nhớ những năm tôi vẫn là Tăng sinh tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội, mỗi tháng hai lần về chấp tác Phật sự ở chùa Bằng A, nơi Thượng Tọa Trưởng Ban Hoằng Pháp thượng Bảo hạ Nghiêm trú trì và hướng dẫn Phật tử tu tập ở đấy, tôi lại được gặp Ngài.

Mỗi lần ra miền Bắc hoằng hóa, Tổ Linh Phong thường ở tại chùa Bằng. Nơi đó, Thượng tọa đã cung kính dành cho Tổ một căn phòng hết sức trang trọng.

Mỗi lần ở bên Tổ, được thị giả hầu chuyện Ngài đã thức tỉnh cho tôi nhiều điều mà trong sách vở kiến thức không bao giờ sách vở kiến thức có được.

Một lần tôi hầu chuyện với Tổ, biết tôi là Tăng sinh Học Viện, lại ở xứ Huế nên Tổ rất cảm tình và dạy cho nhiều điều lợi ích.

Tổ dạy:

- Con biết không? Người tu mình phải luôn luôn nhớ nghĩ lời Đức Phật dạy. Những gì Đức Phật dạy, đó là chân lý của các Pháp. Chân lý đầu tiên ta phải luôn luôn quán chiếu về sự vô thường của cuộc sống, nhất là sự vô thường của chính thân mạng mình đấy. Phải tập làm quen về vô thường biến đổi đến khi mình quen với nó rồi thì mình không còn lo sợ về sự thịnh suy được mất trong cuộc sống nữa. Phải nhìn nó thật kỹ vào (quán chiếu sâu sắc) mình mới không bị nó làm giật mình lo sợ.

Tổ ví dụ:

- Giống như trước khi sấm sét nổi lên thì ta thường thấy bầu trời có những tia chớp rất sáng. Ta thấy được tia chớp thì biết rằng đằng sau tia chớp đó sẽ là tiếng sấm sét, nên không bị giật mình nữa. Cuộc đời cũng như vậy, nhìn thấy rõ được những dấu hiệu của vô thường, làm quen được với ý niệm sinh lão bệnh tử thì mình không còn giật mình sợ hãi lo âu khi chúng đến với mình.

Thật là một lời dạy rất thiết thực và sâu sắc, có lẽ cuộc đời Tổ nhờ ngộ ra điều này nên Tổ vô cùng tự tại trong những thời điểm khó khăn, được mất thịnh suy của của cuộc đời Ngài.

Một lần khác, được hầu chuyện Tổ, Ngài lại dạy:

- Quý Thầy là người xuất gia, là người bỏ tất cả danh lợi ngũ dục mà chọn lấy con đường theo Phật. Làm việc Phật thì chúng ta phải bỏ cái tâm danh lợi mà làm thì mới có công đức thật sự.

Tổ lại dạy tiếp:

-  Danh lợi là điều ai cũng bị nó chi phối, làm cho người tu cũng như người đời điên đảo. Nhưng nên biết rằng, nếu có Đạo thì không có danh lợi, nếu còn tâm danh lợi thì Đạo sẽ mất hết. Mình chỉ được chọn một trong hai thứ đó thôi, chứ vừa cầu danh lợi mà cũng mong mình được giải thoát thì không bao giờ có chuyện đó. Danh lợi đối với người tu chúng ta nó cũng hấp dẫn lắm. Phải cảnh giác xem chừng nó, vì nó rất vi tế, nhiều khi bỏ được danh lợi thế tục lại dính vào danh lợi nhà chùa đấy. Tổ lại ví dụ:

- Này danh lợi đối với người tu giống như đốt trầm đốt hương đấy mà. Vừa nghe được mùi thơm thì tro đã tàn rồi. Lao tâm khổ tứ, chạy theo danh lợi, khi được một chút danh lợi rồi thì ta cũng đã xong một đời vô ích thôi. Cho nên đừng có cố chết cố sống mà chạy theo nó cho khổ nghe con!

Tôi nghe lời Tổ mà thật sự thấm vào tận tâm can, có lẽ giác ngộ được điều đó mà suốt cuộc đời Tổ không màng danh lợi dù “Đạo Cao Đức Trọng – là bậc Thạch Trụ Tùng Lâm”. Không chức danh, không địa vị, không tôn xưng mà trong mắt của những người thật sự học Phật, hiểu đạo thì Tổ xứng đáng với lời Phật dạy:

Tri túc tâm thường lạc
Vô cầu phẩm tự cao

Cuộc sống của Tổ rất bình dị, đi lại hành xử rất bình thường, gần gũi đến là thường, ở chùa vừa làm tiểu vừa làm Cao Tăng. Nhưng đi vào trong chúng  Tăng thì khi nào cũng thể hiện được vai trò thật sự của một bậc “Chúng Trung Tôn”.

Chính vì như vậy, mỗi lần chư Tôn Đức Hòa Thượng của Giáo Hội viên tịch thì Tổ được môn đồ pháp quyến tha thiết đứng ra thỉnh mời chứng minh, thực hành khoa nghi một cách vô cùng trang nghiêm và thanh tịnh.

Giới đức phạm hạnh của Tổ toát ra từ hành trạng, cử chỉ, nên mỗi lúc Tổ đến đâu chổ đó âm được siêu, dương được thái. Chính vì vậy, Tổ được rất nhiều người có tâm đạo thỉnh mời đến để hướng dẫn về mặt tâm linh, điều đó được thể hiện từ những chuyến vào Nam ra Bắc, thậm chí Tổ được nhiều tín đồ Phật tử Việt Kiều cung thỉnh sang tận phương Tây đề hóa đạo.

Mỗi lần chứng kiến Tổ Phong thực hiện khoa nghi thì chúng mới thấy hết cái tự tại diệu dụng của một bậc chân tu thực chứng. Nhiều lần, tôi đã chứng kiến Tổ đăng đàn chẩn tế, dù năm nay, tuổi đã gần 90, nhưng Tổ vẫn biểu hiện được đức tính Đại Hùng Đại Lực của một bậc Long Tượng trong nhà Phật.

Uy phong  vững chãi, tự tại thảnh thơi đăng bảo tọa, an trụ trên pháp tòa thực hiện khoa nghi từ 5 đến 6 giờ mà Tổ vẫn nhẹ nhàng như làm một việc rất bình thường, không hề cảm thấy căng thẳng mệt mỏi của dấu hiệu tuổi già.

Thật là một bậc đại thụ của Phật giáo trong thời hiện đại đáng để tứ chúng đệ tử đều quy ngưỡng tôn xưng.

Lại một lần hầu chuyện được Tổ kể lại thời gian Ngài bị đi tù, nhưng đối với Tổ đó không phải là chốn lao tù giam hãm được con người xuất thế. Tổ kể rằng: Vào đó lại giúp cho bạn tù được hiểu đạo, làm thuốc chữa bệnh cho những người cùng cảnh ngộ.

Đặc biệt Tổ đã cảm hóa những người quản giáo trong tù, giúp họ sống có tâm có đạo hơn qua việc chữa bệnh hiếm muộn cho vợ của một cán bộ quản giáo lúc đó.

Sau khi mãn hạn tù, được trả về cuộc sống của một người: “tự do”, thật ngạc nhiên cho những người quản giáo và bạn tù vì Tổ đã xin ở lại trong tù thêm vài năm nữa để tu hành. Người xưa thường nói: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Thật như vậy! Người ở trong chốn tù giam thì thời gian trôi thật chậm, một ngày trong tù bằng cả ngàn mùa thu ở bên ngoài, nhưng đối với Tổ thì ý niệm thời gian trở nên vô nghĩa.

Tổ cười nói:

Ở trong tù thật sướng, có cơm ăn, có chỗ ngủ, lại có rất nhiều thời gian mà tu tập. Ngài đi tù mà không phải đi tù, ở trong tù đó là đang nhập thất để tĩnh tu, khỏi bị thế sự quấy nhiễu phan duyên.

Đúng như vậy! Chốn lao tù làm sao giam được tâm hồn của người xuất thế, Tổ dạy: Ngục tù lớn nhất chính là bản ngã của chính mình, bị bản ngã trói buộc thì dù ở chỗ nào cũng không được tự tại. “Ai trói buộc mà đi tìm giải thoát”.

Điều này làm cho tất cả chúng ta đáng phải suy nghiệm đối với cuộc đời của  tu tập của chúng ta. Thật là:

Tự trói thì gọi là tu
Bị trói thì gọi là tù mục gông

Quả thật là một bài pháp vô ngôn của Tổ đối với tất cả chúng ta những người đang tìm cách phá vỡ ngục tù của chính thân ngũ thủ uẩn đang ngày đêm trói buộc khiến ta không được tự tại cuộc sống này.

Càng nhìn Tổ càng thấy đạo phong càng cao, cao vời vợi, mà  lại gần gũi đến lạ lùng, cũng nụ cười hỷ xả đó, người sang kẻ hèn đến với Tổ đều được Tổ dùng vô duyên đại từ đại bi mà đối đãi nên ai ai cũng nhận được một tình thương vô tận từ Ngài.

Thử hỏi trong thời đại này mấy ai làm được như Tổ, khi thời đại của vật chất, danh lợi đang trói buộc hấp dẫn không buông bỏ một ai và làm cho người tu chúng ta sống không bình đẳng được nữa.

Tổ lại dạy: Người tu mình phải mở rộng tâm lượng, dùng tâm bình đẳng mà tiếp xúc với thế gian thì mới bền vững và không mất đạo tâm con ạ. Nếu làm được như vậy thì mới đưa họ vào được, nếu dung phân biệt sang hèn thì sẽ sinh lẽ thương ghét, giận hờn oán tắng trong cửa Phật đấy.

Tổ lại cười, một nụ cười đẹp làm sao, nụ cười làm tôi nhớ mãi, một nụ cười dù ở rất xa Tổ.

Muốn viết nhiều lắm, muốn nói về Tổ nhiều lắm, nhưng giới hạn ngôn ngữ làm sao chuyển tải hết được một cách đầy đủ hành trạng của Ngài được. Hàng hậu học chỉ ghi lại một vài lần được ngồi dưới chân Tổ hầu chuyện, đó là nhân duyên trong cuộc đời tu tập vậy!

Vẫn còn đó Tổ Linh Phong – Một nụ cười bí hiểm! Cho ta một đời khám phá cũng thể tìm hiểu hết được!

Linh Phong chốn Tổ đi về
Kệ kinh hôm sớm dắt người qua sông
Sống trong cõi tục phiền hà
Ra vào sinh tử độ người vô duyên
Bao lần hội ngộ phân ly
Thế gian còn đó nụ cười nguyên sơ

Sóc Sơn mùa sen nở
                                 TK. Thích Trí Thuần

Tác giả bài viết: Admin

Nguồn tin: http://www.phattuvietnam.net/2/18/14128.html