Lược sử Đại lão Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên
- Thứ hai - 17/08/2015 07:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
I. THÂN THẾ THỜI NIÊN THIẾU
Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên, thế danh Nguyễn Văn Ất, tự Thành Được, sinh ngày 12 tháng 11 năm 1923 tại huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, thuộc miền Tây Nam Bộ.
Ngài là người con út trong một gia đình có 5 anh em. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Hữu Huờn, pháp danh Thiện Đức; thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Sang, pháp danh Phước Ngọc, một gia đình có nề nếp lễ giáo, thuần hậu, hiền lương.
Thuở nhỏ vừa lên 8 tuổi, thân phụ qua đời. Ngài được thân mẫu dẫn dắt đi chùa lễ Phật, cầu thọ quy y và được Tôn sư Minh Trí ban cho pháp danh Minh Châu. Ngài rất hiếu học và nhờ căn tánh thông minh nên ưa thích tìm đọc các sách truyện viết về các bậc thánh hiền, danh nhân kim cổ.
Năm lên 16 tuổi (1939), Ngài lại được gặp Hòa thượng Thích Minh Phụng, cầu học giáo pháp, tu tập và được Hòa thượng ban cho pháp danh Tánh Chơn, hiệu Minh Tâm. Từ đó, đạo tâm hướng Phật mỗi ngày mỗi thêm tăng trưởng.
II. NHÂN DUYÊN XUẤT GIA TU TẬP
Đầu năm 1952, pháp duyên tụ hội, Hòa thượng được diện kiến Tổ sư Minh Đăng Quang đang vận chuyển bánh xe pháp, thực hành Tứ y pháp Trung đạo với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp” ngang qua vùng miền Tây sông nước Cần Thơ, Ô Môn… Sau khi nghe diệu pháp chơn lý từ Tổ sư, Hòa thượng nghe lòng mình như bừng ngộ, chí thành đảnh lễ Tổ sư, cầu xin xuất gia đầu Phật và được Tổ sư thâu nhận, thọ ký pháp danh là Giác Nhiên.
Đến Rằm tháng 02 năm Quý Tỵ (1953), Hòa thượng được Tổ sư truyền thọ y bát giới Sa-di tại Tịnh xá Ngọc Viên, Vĩnh Long. Từ đây, Hòa thượng được theo hầu Tổ sư, học đạo và hành đạo khắp các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ.
Ngày mùng 01 tháng 02 năm Giáp Ngọ (1954), Tổ sư Minh Đăng Quang trước khi vắng bóng đã phó chúc Giáo đoàn Du tăng Khất sĩ cho Trưởng lão Nhị Tổ Giác Chánh kế thừa đạo nghiệp hoằng dương chánh pháp. Đến ngày Rằm tháng 7 năm Ất Mùi (1955) tại Tịnh xá Ngọc Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ, Hòa thượng được Nhị Tổ chứng truyền y bát cụ túc giới Tỳ-kheo trở thành bậc Sa-môn phạm hạnh, pháp khí Phật pháp, thực hiện sứ mạng thiêng liêng “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”.
III. THÀNH LẬP GIÁO ĐOÀN IV VÀ HOẰNG PHÁP ĐỘ SANH
* Thành lập Giáo đoàn IV
Sau ngày Tổ sư vắng bóng, Giáo đoàn Du tăng Khất sĩ do Đức Trưởng lão Nhị Tổ Giác Chánh làm Trưởng đoàn, tiếp nối công hạnh Tổ sư, hướng dẫn Giáo đoàn đi hành đạo để hoằng dương Phật pháp.
Trong hai năm 1956 – 1957, Giáo đoàn Du tăng Khất sĩ lần đầu tiên hành đạo từ Sài Gòn – Gia Định ra các tỉnh miền Trung, đến Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị – Đông Hà, mà Hòa thượng Pháp sư là một trong những thành viên giảng sư lỗi lạc. Với pháp âm “Sư tử hống’, khẩu khí trầm ấm ngân vang, Hòa thượng Pháp sư đã cảm hóa được nhiều giới cư gia quy ngưỡng Phật pháp, hướng về con được Chánh pháp.
Sau hai chuyến du hóa miền Trung, các vị đại đệ tử của Tổ sư như: Trưởng lão Giác Tánh, Trưởng lão Giác Tịnh, Trưởng lão Giác An, Trưởng lão Giác Lý… lần lượt thành lập các Giáo đoàn. Hòa thượng Pháp sư sau khi trở về lại miền Nam cũng thành lập Giáo đoàn IV.
Các ngôi tịnh xá, dấu tích một thời hành đạo, cảm hóa bá tánh cư gia của Hòa thượng Pháp sư còn lưu lại, chủ yếu ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Ở miền Đông, đặc biệt là Sài Gòn – Gia Định nay là TP. Hồ Chí Minh có Tịnh xá Trung Tâm, Q. Bình Thạnh nguyên là Trụ sở Trung ương của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam trước đây và nay là đạo tràng tiêu biểu của Hệ phái Khất sĩ, thành viên sáng lập GHPGVN; Pháp viện Minh Đăng Quang, Q. 2 là trung tâm tu tập, văn hóa và hoằng pháp của Hệ phái đang trên đà hoàn thiện, phát triển.
Bên cạnh đó, tại các quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận còn có các tịnh xá khác như: Tịnh xá Ngọc Hạnh (Hóc Môn); Tịnh xá Ngọc Điểm (Bà Điểm); Tịnh xá Ngọc Minh (Thủ Đức); Tịnh xá Ngọc Thịnh (Lái Thiêu); Tịnh xá Ngọc An (Dĩ An); Tịnh xá Ngọc Hòa (Biên Hòa); Tịnh xá Ngọc Nhẫn (Trảng Bom); Tịnh xá Ngọc Thuận (Trảng Bàng), Tịnh xá Ngọc Thanh (Gò Dầu, Tây Ninh); Tịnh xá Ngọc Hương; Tịnh xá Ngọc Phước (Bà Rịa – Vũng Tàu) v.v... Tại miền Tây Nam Bộ, có các tịnh xá tiêu biểu như: Tịnh xá Ngọc Châu (Châu Đốc); Tịnh xá Ngọc Hưng (Sóc Trăng); Tịnh xá Ngọc Hòa (Bố Thảo); Tịnh xá Ngọc Sơn (Kiên Giang); Tịnh xá Ngọc Tân (Tân Hiệp, Tiền Giang)… đều là những cơ sở do Hòa thượng Pháp sư thành lập hoặc chứng minh thành lập.
* Thành lập tổ chức Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam
Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam do Đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai lập từ năm 1944, nhưng về mặt xã hội thì tư cách pháp nhân, pháp lý vẫn chưa có. Do vậy, đầu năm 1964, Hòa thượng Pháp sư đã cùng nhị vị Hòa thượng Giác Nhu, Hòa thượng Giác Tường đứng ra vận động chư tôn đức Giáo đoàn Du Tăng tiến hành các thủ tục để xin phép thành lập Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam.
Năm 1966, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam được chính thức công nhận, tạo nên một bước ngoặc mới cho Phật giáo Khất sĩ. Trong Đại hội đầu tiên, Hòa thượng Pháp sư được đại chúng suy cử làm Tổng Tri sự trưởng kiêm Tổng vụ Trưởng các Tổng vụ: Tăng sự, Hoằng pháp và Từ thiện Xã hội, đặt nền móng cho sự phát triển về sau, lần lượt trải qua 2 nhiệm kỳ.
Năm 1972, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam tổ chức Đại hội kỳ 3 tại Tịnh xá Trung Tâm (Q. Bình Thạnh ngày nay). Trong Đại hội lần này, chư tôn đức Giáo phẩm quyết định thành lập 2 viện: Viện Chỉ đạo và Viện Hành đạo. Ngài Trưởng lão Giác Tánh được cung thỉnh ngôi vị Tăng chủ và Hòa thượng Pháp sư được đại chúng suy cử chức vụ Viện trưởng Viện Hành đạo, có trách nhiệm tổ chức, định hướng cho các hoạt động Phật sự và hoằng dương chánh pháp.
* Sứ mạng tiếp độ một thế hệ Tăng-già
Song song công đức từng bước hình thành tổ chức Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, Hòa thượng Pháp sư còn có một sứ mạng đặc biệt là Ngài có rất nhiều phúc duyên trong việc tiếp chúng độ Tăng.
Trong 20 năm hành đạo tại quê hương Việt Nam, Ngài đã trực tiếp thu nhận và chứng minh tế độ cho hàng trăm chư Tăng xuất gia nhập đạo trong Giáo đoàn IV, và chứng minh truyền giới cho nhiều trăm vị Tăng Ni cầu thọ giới pháp.
Trong thế hệ đệ tử thời kỳ đầu thành lập Giáo đoàn, nay đã viên tịch có các Trưởng lão, Hòa thượng: Giác Hiền, Giác Hậu, Giác Nhẫn, Giác Khả, Giác Châu, Giác Niệm, Giác Linh… Cũng trong thế hệ đầu, một số vị đệ tử nay còn hiện hữu là Giáo phẩm thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN như: Hòa thượng Giác Phúc, Hòa thượng Giác Ngộ, Hòa thượng Giác Lai; tham gia Hội đồng Trị sự GHPGVN có các vị: Hòa thượng Giác Toàn, Hòa thượng Minh Bửu, Thượng tọa Minh Thành; tham gia Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố có các vị: Hòa thượng Giác Thông, Thượng tọa Minh Ngạn (Đồng Nai); Thượng tọa Minh Thuấn (Bình Dương); Hòa thượng Giác Truyền, Hòa thượng Minh Hồng (Sóc Trăng); Hòa thượng Giác Vạn (An Giang); Hòa thượng Minh Nhuần, Thượng tọa Minh Tông (Kiên Giang); Hòa thượng Giác Giàu (Hậu Giang); Thượng tọa Minh Lộc, Thượng tọa Minh Hóa (TP.HCM); Ni trưởng Mai Liên (Bà Rịa –Vũng Tàu); Ni sư Châu Liên (Tây Ninh) v.v..
IV. THỜI KỲ HOẰNG PHÁP TẠI HẢI NGOẠI (1978 - 2015)
Khi Tổ quốc Việt Nam được hòa bình, độc lập, thống nhất giang sơn, Bắc – Nam sum họp một nhà, Hòa thượng Pháp sư đã về an dưỡng, tịnh tu tại Tịnh xá Ngọc Hương (TP. Vũng Tàu) trong vòng 3 năm. Sau mùa Tự tứ – Vu-lan năm 1978, Ngài chủ động phó chúc trách nhiệm lãnh đạo tinh thần: Trưởng và Phó trưởng Giáo đoàn IV; đồng thời chỉ định bổ xứ: Thượng tọa Giác Phúc, trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang, Q. Thủ Đức (nay là Q. 2); Đại đức Giác Toàn, trụ trì Tịnh xá Trung Tâm, Q. Bình Thạnh, có trách nhiệm đại diện các mặt đối ngoại của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam (Hệ phái và Giáo đoàn IV).
Tháng 9 năm 1978, bằng tấm lòng hiếu kính, Ngài chí thành đảnh lễ tri ân Tổ Tiên, Thầy Tổ trên quê hương thân yêu và bắt đầu thực hiện tâm nguyện du hóa hoằng pháp phương xa. Trong hơn 25 năm đầu (1979 – 2005) định cư tại Hoa Kỳ, Hòa thượng Pháp sư đã nương theo pháp duyên trần thế, với năng lực vốn có, với căn tánh sâu dày, tinh thần từ bi hỷ xả và đạo đức nhân nghĩa hiền hòa ngàn đời của Tổ Tiên dân tộc, Ngài đã thân lâm tại nhiều quốc gia trên thế giới từ Hoa Kỳ đến Canada, Úc châu và Pháp quốc…, đặc biệt là những phương xứ có cộng đồng người Việt cư trú để chia sẻ, chan hòa, cảm hóa, xoa dịu từ tinh thần đến vật chất đối với những tâm hồn bất hạnh, những đồng đạo, đồng hương, chúng sanh thân thương trên thế giới ta bà vốn dĩ đầy bi thương khổ lụy và vô thường, vô ngã này.
Song song tâm nguyện thuyết giảng kinh pháp, khuyên tu khuyến thiện, ấn tống kinh sách, băng đĩa và thực hiện nhiều chuyến cứu trợ, ủy lạo cho đồng bào, đồng hương cơ nhỡ… Từ năm 1980, Hòa thượng Pháp sư đã đứng ra xin phép và được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cho phép thành lập Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Thế giới, do Ngài làm Pháp chủ cho đến ngày viên tịch. Cũng chính trong thời gian này, Hòa thượng Pháp sư đã trực tiếp xây dựng và chứng minh cho chư tôn đức Tăng Ni đệ tử thành lập nhiều chục ngôi đạo tràng tịnh xá, thiền viện, tu viện tại những quốc độ mà Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ hải ngoại đã hiện diện hoằng hóa. Từ khi có đầy đủ cơ sở pháp nhân, pháp lý, Ngài đã đứng ra bảo lãnh cho nhiều Tăng Ni từ Việt Nam sang Hoa Kỳ để hỗ trợ, tu học.
V. CÔNG TRÌNH BIÊN SOẠN, SÁNG TÁC VÀ ẤN TỐNG PHÁP BẢO
Nhằm thực hiện tinh thần định hướng Việt ngữ hóa kinh sách truyền bá chánh pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang, năm 1957, Giáo đoàn Du Tăng Khất sĩ trong buổi đầu mới hình thành nên Hòa thượng Pháp sư có thời gian về tịnh tu tại núi Ông Tiêu, gần Tổ đình Thiên Thai do Tổ sư Huệ Đăng khai sơn trụ xứ hoằng hóa. Tại đây, Hòa thượng Pháp sư đã thăm viếng, tham vấn và được Tổ sư Huệ Đăng chấp thuận cho phép kết hợp các bản kinh công phu hằng ngày bằng Việt ngữ, thể loại văn vần do Tổ sư chuyển dịch làm thành quyển “Nghi thức tụng niệm” để Tăng Ni và Phật tử Hệ phái Khất sĩ tụng đọc ngày nay.
Từ những năm đầu thập niên 1960, Hòa thượng Pháp sư đã đứng ra vận động, thực hiện in lại bộ “Chơn lý” với đầy đủ 69 tiểu luận, mà trước đây chỉ ấn tống từng quyển mỏng, nay lần đầu tiên kết tập trọn bộ, để dâng lên tưởng niệm ân đức Tổ sư Minh Đăng Quang.
Trong thời kỳ nầy, Hòa thượng Pháp sư cũng đã dành thời gian sáng tác, biên soạn các tập sách, thơ văn… để ấn tống hoằng hóa như: Pháp môn tọa thiền, Ánh nhiên đăng, Thương nhớ mẹ hiền, Tiếng lòng người hiếu tử; in chung với các tác phẩm: Kệ pháp, Bảo kệ, Pháp bảo kệ do chư Tăng Ni Khất sĩ đồng sáng tác (về sau các tập này được in chung có tựa đề là “Tứ kệ tĩnh tâm”).
Trong hơn 30 năm hoằng pháp tại hải ngoại, Hòa thượng Pháp sư đã sáng tác, biên soạn và ấn tống các tác phẩm: Trai giới trường sinh, Tư tưởng siêu nhân, Lợi hại của chữ Tê (T), Diệu lý Đông phương, Diệu lý pháp đăng, Diệu lý nhiên đăng, Diệu lý thậm thâm, Diệu lý tuệ đăng, Diệu lý bảo đăng, Diệu lý thiền định, Diệu lý tỉnh tâm, Diệu lý Bát-nhã, Diệu lý Minh Quang (3 tập), Diệu lý Tâm kinh, Diệu lý phá mê, Diệu lý viên thông…
Ngoài ra, Hòa thượng Pháp sư còn chứng minh, cố vấn thực hiện bộ “Đại từ điển Phật học” và bộ “Phật pháp căn bản” bằng song ngữ Việt – Anh, do Phật tử Thiện Phúc biên soạn và ấn hành tại Hoa Kỳ để phổ biến, hoằng hóa.
VI. NHỮNG KHOẢNH KHẮC VÀ NHỮNG DẤU ẤN THIÊNG LIÊNG
* Những khoảnh khắc đạo tình
Năm 2001, lần đầu tiên sau hơn 22 năm rời xa quê hương, Hòa thượng Pháp sư đã trở về thăm lại Việt Nam, thăm viếng chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử và thực hiện chuyến công tác từ thiện xã hội từ Nam ra Bắc. Cùng lúc, Ngài đã hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử hải ngoại hành hương chiêm bái thăm viếng các di tích, thắng tích, các già lam Phật tích, các bảo tháp cổ kính của chư vị Tổ sư Phật giáo thời Lý Trần… với nhiều cung bậc cảm xúc thân thương và đạo vị thiêng liêng.
Năm 2006, trong mùa Đại lễ Phật đản Phật lịch 2.550, Hòa thượng Pháp sư đã về chứng minh lễ đặt đá đại trùng tu Pháp viện Minh Đăng Quang, Q. 2, TP. Hồ Chí Minh, nơi Ngài đã dành nhiều tâm huyết khai lập đạo tràng.
Năm 2008, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Việt Nam. Sự hiện diện của Đại lão Hòa thượng Pháp sư trong ngày Đại lễ này đã thể hiện sự gắn kết đạo tình Linh Sơn pháp lữ với hơn 70 nước Phật giáo trên thế giới tham dự. Sau đó, Ngài về lại miền Nam thăm viếng, chiêm bái các dấu tích cuộc đời hành đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang; và cũng lần này, Ngài đã lưu lại cho chư Tăng Ni, Phật tử tại Tịnh xá Trung Tâm và đạo tràng chùa Hoằng Pháp những thời pháp thoại vô cùng cao quý, sâu lắng, tràn đầy xúc cảm thân thương.
Năm 2009, dù đang có bệnh duyên, Đại lão Hòa thượng Pháp sư vẫn cố gắng quang lâm chứng minh, tham dự Đại lễ Tưởng niệm 55 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng tại Tịnh xá Ngọc Uyển, Biên Hòa, Đồng Nai; và sau đó chứng dự lễ khởi công đại trùng tu xây dựng Pháp viện Minh Đăng Quang.
Năm 2014, dù bệnh duyên mỗi ngày mỗi nặng hơn, nhưng Đại lão Hòa thượng Pháp sư vẫn cố gắng về chứng minh, tham dự Đại lễ Tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng tại Pháp viện Minh Đăng Quang và lưu lại nơi đây tròn một tháng, được xem như là lần gắn kết sau cùng.
* Những dấu ấn thiêng liêng
Trọn cả cuộc đời tu học, hành đạo và du hóa độ sanh, Đại lão Hòa thượng Pháp sư đã thực hiện không biết bao nhiêu chuyến công tác từ thiện xã hội dành cho những người có hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống. Ngài cũng đã in ấn, sao chép ấn tống không biết bao nhiêu là kinh sách, băng đĩa đến với bá tánh cư gia; đồng thời đứng ra xây dựng và chứng minh xây dựng hàng trăm ngôi đạo tràng tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh thất từ trong nước đến hải ngoại, nhưng có một điều hết sức đặc biệt và không thể ngờ là những cơ sở mà Đại lão Hòa thượng trực tiếp xây dựng và kể cả những tịnh thất Ngài an trú hành đạo như là một mặc định tri túc từ trong tiềm thức. Dù đi đâu ở đâu, Ngài luôn chủ trương không xây dựng đồ sộ nguy nga tráng lệ từ hình thức kiến trúc bên ngoài đến trang trí nội thất bên trong… tất cả đều trung bình, vừa phải, vừa đủ trong nếp sống Sa-môn. Một thực tế ít người nghĩ đến..., nhưng đã là như vậy – Dấu tích ngôi Tịnh xá Minh Đăng Quang, nơi Ngài ấn định là Viện Truyền thống Khất sĩ tại hải ngoại (California, Hoa Kỳ) từ khi Ngài đến và từ biệt ra đi, hơn 30 năm gần như không thay đổi, vẫn như ngày nào, hiện hữu bình dị, trang nghiêm.
VII. NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI ĐỜI VÀ VIÊN TỊCH
Sau hơn 90 năm hiện thế, hơn 60 năm hoằng pháp độ sanh, chu du bốn biển năm châu, thân tứ đại huyễn mộng của Đại lão Hòa thượng Pháp sư bắt đầu hiện tướng suy mòn như một cổ xe cũ kỹ.
Tháng 9 năm 2006, trong một chuyến đi hành đạo Canada về lại Hoa Kỳ, Ngài thọ bệnh tai biến kéo dài tròn 9 năm (2006 – 2015). Chư tôn đức Tăng Ni pháp tử, đệ tử, chư thiện nam tín nữ cận sự gần xa hết lòng phụng dưỡng chăm sóc; các bác sĩ, y sĩ của các bệnh viện chuyên khoa nổi tiếng hết lòng chữa trị, đã nhiều lần thuyên giảm, nhưng rồi cũng đến lúc dừng nghỉ theo định luật vô thường của kiếp nhân sinh.
Đại lão Hòa thượng Pháp sư đã an nhiên xả bỏ báo thân, viên tịch vào lúc 22 giờ 30 phút, ngày 03 tháng 8 năm 2015 (nhằm ngày 19/6/Ất Mùi) tại Tổ đình Minh Đăng Quang, Nam California, Hoa Kỳ, trụ thế 93 năm, hạ lạp 60 năm.
Lễ nhập kim quan và lễ tưởng niệm được tổ chức trang nghiêm, trọng thể tại Viện truyền thống Minh Đăng Quang, số 8752 Westminster Blvd, Westminster, CA. 92683. Sau đó, ngày 14 tháng 8 năm 2015 (nhằm ngày 01/7/Ất Mùi), kim quan Đại lão Hòa thượng Pháp sư được cung tiễn từ Hoa Kỳ về Việt Nam.
Ngày 16/8/2015 (nhằm ngày 03/7/Ất Mùi), chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử cung đón kim quan Đại lão Hòa thượng từ sân bay Tân Sơn Nhất về tôn trí tại Pháp viện Minh Đăng Quang, số 505 Xa lộ Hà Nội, phường An Phú, quận 2, TP. Hồ Chí Minh để cử hành lễ viếng, tưởng niệm từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 8 năm 2015 (nhằm ngày 04-07/7/Ất Mùi).
Sáng ngày 21/8/2015 (nhằm ngày 08/7/Ất Mùi), chư tôn đức Tăng Ni Giáo hội và Hệ phái cử hành lễ truy niệm, cung tiễn kim quan Đại lão Hòa thượng Pháp sư đến nghĩa trang Phúc An Viên, quận 9, TP. Hồ Chí Minh làm lễ Trà tỳ. Xá-lợi Đại lão Hòa thượng Pháp sư được tôn thờ tại bảo tháp Tịnh xá Trung Tâm, quận Bình Thạnh và Pháp viện Minh Đăng Quang, quận 2, TP. Hồ Chí Minh, cùng các tịnh xá, thiền viện hải ngoại được Ngài di chúc.
Cuộc đời và đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng Pháp sư là biểu tượng của sự tinh cần tu tập, dấn thân hành đạo, thuyết pháp độ sanh. Sự giã từ huyễn thân tứ đại, cao đăng Phật quốc của Ngài là điều tất yếu, nhưng đã để lại cho hàng pháp tử, môn đồ đệ tử trong nước và hải ngoại niềm kính thương vô hạn.
Dù đi khắp bốn phương trời
Trăm năm dừng nghỉ về nơi quê mình
Quê mình sông nước hữu tình
Non cao, biển rộng… tâm linh rạng ngời.
Nam Mô Giác linh Đại lão Hòa thượng Pháp sư THÍCH GIÁC NHIÊN thùy từ chứng giám.
TM. Môn đồ pháp quyến và hiếu quyến
Sa-môn Giác Toàn phụng soạn