Nên tập sống chung tu học

Những lần có duyên về Tịnh Xá Trung Tâm, được nhìn thấy những học Tăng, các sư thế hệ trẻ bây giờ diễm phúc, được sống chung tu học, hòa thuận với nhau trong một đại gia đình tâm linh, tôi thật hạnh phúc. Các sư nhận được sự chăm sóc giáo dưỡng của chư Tôn đức, những bậc thầy khả kính trong một cộng đồng lớn, tôi cảm nhận một nguồn hạnh phúc đang hiện diện và có một phần nào cảm thấy ấm lòng, tin tưởng vào thế hệ Tăng sư trẻ. Không biết quí vị học Tăng trẻ có cảm nhận được nguồn hạnh phúc đang có mặt đó không, hay là vô tình hờ hững để rồi đánh mất trong thất niệm? Các vị có biết rằng sự sống chung an lạc đó, chính là yếu tố nền tảng tạo nên căn bản hạnh phúc của loài người, của những bậc xuất gia.

Bối cảnh văn hóa phương Đông khiến cho con người có cơ hội gần gũi với nhau và cảm thông nhau hơn, thế mà nhiều người ở trong bối cảnh đó lại không biết được chân giá trị của nó. Những ai đã từng ở thế giới phương Tây mới cảm nhận được sự cô đơn trống vắng! Bối cảnh xã hội, chủ nghĩa cá nhân làm cho mỗi người có một thế giới riêng, nào là phòng riêng, xe riêng, điện thoại riêng, ngân khoản riêng ... thậm chí có Phật riêng! Một khi chủ nghĩa cá nhân được đề cao thì tinh thần tập thể sẽ giảm sút, và ngược lại. Ở phương Tây, con người được đào tạo theo khuynh hướng để trở thành những người có cá tính, suy tư và hành xử độc lập ngay từ thuở nằm nôi. Cứ thế, theo mô típ xã hội và chủ nghĩa cá nhân đã khiến cho con người càng ngày càng xa cách nhau bởi những nhu cầu, thị hiếu và các cung bậc tình cảm riêng tư.

Riêng ở châu Á nói chung, và ở Việt Nam nói riêng, ngày nay chủ nghĩa cá nhân cũng ảnh hưởng một số nơi, đặc biệt là ở đô thị, nó tác động mạnh mẽ đến sự tồn sinh của cả dân tộc. Cha mẹ không còn thời gian sống chung với con cái. Con cái gởi vô trường nội trú quá sớm! Bản thân cha mẹ thì không có thời gian chăm sóc mà chỉ muốn con mình lớn lên tài giỏi, có trình độ chuyên môn với các ngành nghề đã được định hướng khi còn nhỏ. Điều ấy ở một mặt nào đó cũng giúp cho chúng khi trưởng thành có thể vững vàng khi bước chân vào trường đời. Nhưng có ai ngờ đâu, chính những môi trường như vậy đã khiến cho con cái nói riêng cũng như các mối quan hệ nói chung càng ngày càng chia cách, tách rời, xa cha mẹ, lánh đệ huynh, xóm giềng, làng nước, mà thuở xa xưa rất coi trọng giờ đã trở thành cái gì đó cổ hủ, lạc hậu rồi!

Thế giới người tu cũng vậy! Nếu như chúng ta không biết chăm sóc, truyền trao và tiếp nhận thì e rằng cũng sẽ bị cuốn theo cơn lốc của thời đại vật chất mà mất dần đi bản sắc tinh hoa. Cái thuở mấy mươi năm về trước, hoặc xa hơn nữa mấy trăm năm, ngàn năm cũ bây giờ còn đâu ?! Tình nghĩa Sư Phụ thầy trò thật là keo sơn gắn bó, bởi vì thầy ngồi trên bàn đọc từng câu, viết từng chữ và trò cứ thế mà đọc và viết theo. Thầy đi làm ruộng, trò lẽo đẽo vác cuốc theo sau. Thầy đánh chuông trò gõ mõ… Cái cảnh ngày xưa, sáng sáng lên lễ thầy để thầy dạy bài học đạo lý mới, tối tối đến lễ thầy để xin trả bài buổi sáng, dường như đã bắt đầu thưa dần trong các chùa chiền, tịnh xá. Những người học trò đi xa về, ảnh hưởng lối sống thị thành, có còn truyền thông bắt nhịp với thầy và huynh đệ ở chùa quê lặng lẽ thanh bần sau những ngày tháng ở nơi chùa xa xứ không? Xót xa biết bao khi tình nghĩa thầy trò không được keo sơn gắn bó như thuở nào. Có lẽ một phần nào đó do thầy, do trò và cũng tại, bởi, vì… bao nhiêu là duyên khác nữa. Đi tìm nguyên nhân để khắc phục ư? Có lẽ ai cũng muốn lắm, nhưng đôi lúc lại là chuyện có thể muộn màng trong một số trường hợp!

Nếu quả thật chúng ta biết sống và sống cho đúng nghĩa, chúng ta sẽ rất trân trọng những phút giây sống chung với nhau. Một bữa cơm đạm bạc, một tách trà nóng, một viên thuốc, một mái am cốc nào có phải tự dưng mà có. Tất cả đều do thành quả lao động của nhiều người, nhiều duyên mới được hình thành, ấy thế mà đôi lúc ta tự phụ nghĩ rằng: cơm đó là do ta tạo nên, trà ta uống là của ta, mái liêu, tịnh xá…. đều là của ta, đều do công sức của riêng mình mà có! Nào có phải là công lý đâu. Ấy thế mà cứ lầm tưởng là do ta tạo nên. Cái lý tương tức, tương quan, tương duyên, trùng trùng duyên khởi trong Kinh Hoa Nghiêm đã từng giải bày rành rõ. Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang cũng có dạy:

“Nào ai có thể tự sống riêng biệt lấy mình, mà không cần nhờ nơi tất cả? Chính thân ta đây, đã do biết bao người tạo sanh và nuôi dưỡng. Một điểm tinh cha, một chút huyết mẹ, hòa hiệp thành hình, từ lúc lọt lòng, đã chịu ơn muôn loại: thức ăn, sự mặc, chỗ ở, thuốc men, các việc nhu cầu, v.v... há phải chỉ một đôi người đảm nhận ? Vạn vật chung quanh ta lúc nào cũng đỡ nâng đùm bọc, ta là kẻ quá nhỏ nhen, đang xin nhờ nơi tất cả, mà mỗi chúng ta không ai tự mình có sẵn muốn chi được vậy.” (Chơn Lý, Hòa Bình)

Giờ thiền hành trong mùa an cư của chư Tăng tại Tịnh xá Trung Tâm

Quả thật, chúng ta là bọt bèo giữa đại dương mênh mông, là bụi mờ giữa hồng trần vô tận. Ấy thế mà chúng ta lại nghĩ rằng mình cao siêu lắm, mình vĩ đại lắm, để rồi đánh mất những gì quý báu mình đang có trong ta. Cuộc đời nếu như vậy quả thật là ngớ ngẩn và hồ đồ. Chính vì thế mới có những con người lập dị, tự tách mình ra khỏi cộng đồng và cuối cùng để rồi “hổ ly sơn hổ bại, tăng ly chúng tăng tàn.” Bao nhiêu năm trong đời tận mắt chứng kiến cảnh thăng trầm vinh nhục của kiếp nhân sinh, cũng chứng kiến bao cảnh “bán đồ nhi phế” của huynh đệ bởi chỉ một lần “nhất thất túc, thành thiên cổ hận.”

Cái đạo lý “kiến sống có đàn, ong sống có ổ, người sống có Tổ có Tông” là đạo lý mà có lẽ ai cũng được học qua, nhưng đôi khi vì một vì lý do nào đó mà đã bao người lại lãng quên. Hoặc là sống mà không cùng sống chung để được đồng cảm, đồng lòng, đồng sức, mà chỉ sống biệt lập trong một hoang đảo khép kín do mình tạo ra. Hệ quả đó đã để lại cho thầy, cho huynh đệ, cho đại chúng những đau buồn, nhưng họ nào có biết. Quả thật họ sống mà không hề sống đúng nghĩa một phần của chữ Sangha (Tăng-già) là “hòa hợp chúng”. Cái cảnh nấu cơm một mình, rồi ăn một mình, ở một mình thui thủi trong cốc, ... thật là bơ vơ. Ôi, cuộc sống sao mà nhạt nhẽo thế! Tinh thần tập thể đạo Phật rất cao, có thể nói là chưa có cộng đồng, tôn giáo nào có được tinh thần đó. Theo tinh thần Luật tạng, chỉ một thành viên trong hội đồng Tỳ-kheo không đồng ý với một lý do chính đáng thì sự việc đó không tác thành.

Ngày nay có tình trạng nhiều vị tuổi đạo còn non, nhưng thích tách thầy, tách chúng bạn để lập nghiệp… riêng. “Lập nghiệp” hay là … “tạo nghiệp ” để rồi phải hoang phí một đời oan uổng, đành phải lặn hụp trầm luân trong sông mê bể khổ mà không có lối ra. Chỉ vì vị ấy chưa đủ bản lĩnh vượt qua cạm bẫy của thế trần, và cũng chưa đủ bản lĩnh để đối diện với thực tế cuộc sống, để xử lý các vấn đề của pháp luật xã hội đương đại. Chính vì vậy mà Đức Phật rất dè dặt, thậm chí không cho các vị còn nhỏ, chưa đủ tuổi trưởng thành thọ Tỳ-kheo giới. Còn những vị đã thọ tỳ-kheo giới mặc dù có đủ sở học và bản lĩnh thì cũng cần phải nương tựa nhờ thầy chỉ dạy thêm, như vậy mới tăng trưởng đức hạnh, tiến tu trên con đường giác ngộ. Nếu đủ 11 tuổi hạ, đáng lẽ sẽ ra làm thầy dạy đạo cho bá tánh cư gia, nhưng nếu không vững vàng thì ở mãi với thầy, với đại chúng để nương tựa. Không những vậy, Đức Phật rất đề cao vai trò của những bậc thầy, những bậc tiền bối có kinh nghiệm tu tập, như trong bài Kinh Đại-bát Niết-bàn trong Trường Bộ Kinh khi Đức Phật dạy về bảy pháp bất thối.

Sở dĩ Đức Phật đề cao vai trò của các bậc Trưởng lão, các bậc thầy, các bậc sư huynh là vì ở nơi đó, những người đi sau có thể học hỏi kinh nghiệm của những vị đi trước, có khả năng kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của bao thế hệ tiền nhân đã để lại. Cái nguyên lý dây chuyền: sống chung - học chung - tu chung như là một định đề bất khả phân ly, được Tổ Sư lặp đi lặp lại nhiều lần và có hệ số nhân quả tương ứng “Đạo của sống là xin nhau sống chung, đạo của biết là học chung, đạo của linh là tu chung.” (Chơn Lý, Hòa Bình). Cũng ở trong bài Hòa Bình, Đức Tổ Sư cũng trình bày nội dung này nhưng ở bình diện rộng hơn và chiều sâu hơn: Cả thảy chúng sanh đều là Khất sĩ xin học tu chung, tạm sống đổi thay mãi, đi tới hoài, không chỗ nơi an trụ, để tiến tới cảnh toàn giác, toàn năng, toàn sống, toàn tu, hoàn toàn vắng lặng tự nhiên bất diệt của đạo đức võ trụ.” (Hòa Bình).

Trong bài Đạo Phật Khất Sĩ, Tổ Sư Minh Đăng Quang cũng trình bày ý trên nhưng trên bình diện của những bậc bước lên lớp xuất gia bình đẳng: “Khất sĩ được để lại gương mẫu cho đời, về sự không tranh, bình đẳng, hiệp hòa, sống chung, học chung, tu chung với nhau để gương cho đời bằng sự thật hành tu tập, y theo chơn lý sống, biết, linh, trong võ trụ đạo đức.”

Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang luôn nêu cao tinh thần sống chung, học chung và tu chung, không ngoài mục đích là “NỐI TRUYỀN THÍCH CA CHÁNH PHÁP”, bởi lẽ đó là yếu tố tạo nên một Sangha đúng nghĩa. Mà một Sangha đúng nghĩa là Sangha không có cái riêng (ngã sở) và cái tôi riêng (ngã), mà ngược lại hòa mình sống chung, học chung và tu chung. Chắc chắn với ba nguyên lý này, chúng ta “sẽ làm cho đạo sáng và thạnh.” Chúng ta thật hữu duyên được thọ nhận giáo pháp của Đức Phật và của Đức Tổ Sư, thì hãy nên canh cánh bên lòng cái trọng trách hoàn thành sứ mạng thiêng liêng ấy. Nói tóm lại, cái sống được an lạc, được hạnh phúc đúng nghĩa hay hơn hết là phải biết sống chung. Cái học hay nhất để tiến hóa, để đến với cái biết là phải học chung. Để thành tựu quả linh, đạt giác ngộ giải thoát, độ tận chúng sinh, con đường thù thắng hơn hết là phải tu chung.

Nhân dịp lễ Tưởng niệm Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang vắng bóng lần thứ 55, tôi xin chia sẻ vài lời với chư huynh đệ về cách sống, cách học và cách tu của Tổ Sư để từ đó chúng ta ý thức hơn về lời dạy mộc mạc, bình dị nhưng hết sức chân thiết và sâu sắc của Tổ Sư vậy.

Tác giả bài viết: TT Thích Giác Trí (theo daophatkhatsi.vn)