Những Lời Dạy Quý Báu Của Tổ Sư Minh Đăng Quang
- Thứ sáu - 15/06/2012 15:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dưới đây là những lời dạy của Tổ Sư Minh Đăng Quang được rút ra từ những bài Chơn Lý trong bộ Chơn Lý 69 cuốn của Tổ sư.
1. Người mà giác ngộ chơn lý, mới biết đường đi, đi tới cảnh cao siêu tốt đẹp của tâm hồn, vĩnh viễn, chắc thiệt, yên vui; mới gọi ta, của ta, mới có lý nghĩa, mới là ích lợi. Hết mê lầm. Không loạn vọng. Không sở chấp chi nữa hết.
2. Vui đạo lý vĩnh viễn hơn vui thiện. Vui thiện nhẹ cao hơn vui ác. Vui ác, vui vật chất là gốc khổ sầu tai họa.
3. Người là lòng thương yêu gia đình. Trời là lòng thương yêu xã hội. Phật là lòng thương xót cả chúng sanh. Các bậc ấy thảy quên mình mà biết lo cho kẻ khác, nên muôn loại thảy kính vì.
4. Quan hệ nhất là chữ ái chia tẽ hai đường: Người đứng trên chữ ái là Chư Phật, kẻ nằm dưới chữ ái là chúng sanh. Điều đó đáng cho chúng ta thận trọng!
Chơn Lý Thập Nhị Nhân Duyên
5. Người tà kiến thì đi sâu vào trong chốn khổ mịt mờ đen tối, nếu quay trở lại chánh kiến tức nhiên giải thoát, xán lạn vui tươi.
Chơn Lý BÁT CHÁNH ĐẠO
6. Đạo chánh là bởi thiện lành, không ác quấy. Ấn chứng của đạo là sự vui tươi, không khổ nhọc.
Chơn Lý BÁT CHÁNH ĐẠO
7. Có giữ giới vạn vật mới tốt đẹp, có thiền định chúng sanh mới sống đời. Có trí huệ các pháp mới trọn lành trong sạch.
Chơn Lý CÓ VÀ KHÔNG
8. Trong thế gian, bằng không có sự vô thường, ẩn hiện, tương đối thì không bao giờ có cái thường và tuyệt đối. Nếu không có thường và tuyệt đối, thì chúng sanh chẳng bao giờ được hạnh phúc kết quả tốt đẹp tối cao. Vậy nên vô thường tương đối là tiến hóa, là không khổ, là có, là sống đời đời, là thiện, là huệ, là chơn.
Chơn Lý CÓ VÀ KHÔNG
9. Có để đặng chơn như, không để đặng chơn như, trung để đặng chơn như, chấp gồm ba pháp để đến chơn như không chấp cũng chơn như. Chơn như mới thiệt là có, chơn như mới thiệt là không, chơn như mới thiệt là ta, là Phật. Vậy ta chỉ cần biết chơn như là đủ.
Chơn Lý CÓ VÀ KHÔNG
10. Kẻ giác ngộ chơn như rồi, thì giải thoát ra khỏi tất cả sở chấp không còn giả vọng nên gọi là chơn như toàn giác trọn sáng trọn lành.
Chơn Lý CÓ VÀ KHÔNG
11. Pháp bảo là thầy của Phật, là thầy của Tăng và chúng sanh. Vậy nên chúng ta mau mở trí ra mà chứa đựng Pháp bảo. Vì trong đời Pháp bảo là quý hơn hơn hết.
Chơn Lý CÓ VÀ KHÔNG
12. Kẻ thiện lành dầu câm cũng biết nói, nói lời lành ai cũng mến. Kẻ ác dầu học giỏi cũng như câm, vì nói chẳng ai nghe.
Chơn Lý SANH VÀ TỬ
13. Lòng thương có hai cách: thương mà được yên vui cứu khổ cho nhau hay thương mà rối khổ vì nhau, để giết hại lẫn nhau về sau; hay là cái thương tâng hót bên ngoài xác thịt giả dối và cái thương chắc thật vĩnh viễn trong tâm hồn. Đức Phật khi xưa có dạy rằng: Lòng thương phải có, mà dục vọng thì đừng. Ấy vậy cái thương đây quý báu tốt đẹp biết bao nhiêu.
Chơn Lý NAM VÀ NỮ
14. Lòng thương có cao có thấp, có sạch, có dơ, có trúng, có trật. Thương ngay thẳng là đến Niết Bàn sống mãi, thương tà vạy là sa địa ngục diệt vong.
Chơn Lý NAM VÀ NỮ
15. Than ôi! Đồ vật giết người, mà nào phải nó ác, ác là tại người, người giết người, chớ ai vào đó mà giết người; Người chết là tại vật chất của cải: chính ta tạo ra có nó, để nó giết ta; vậy kẻ muốn sống yên vui, há đi nắm lấy nó, tự đâm chém chôn mình sao?
Chơn Lý CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC
16. Tinh thần không là con ma, xác thịt không là khúc gỗ; làm để ăn, lành để sống, nào ai có ăn mà không sống, nào ai có sống mà không ăn? Ăn và sống phải dung hòa cần thiết mới được.
Chơn Lý CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC
17. Tài thí pháp thí dung hòa nuôi đạo, là phận sự của tất cả, đừng ai chia xẻ mà bị đau đớn, và phải biết kính trọng đạo. Vậy nên Tăng không xin, mà tự cư gia phải lo bố thí, cư gia không hỏi mà tự Tăng phải tìm dạy.
Chơn Lý CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC
18. Ấy vậy chúng ta nên hiểu rằng: Người tội sanh pháp luật chớ không phải pháp luật sanh người tội. Pháp luật cai trị kẻ ác chớ không phải áp chế người hiền. Luật pháp để đem người ác đến chỗ hiền. Muốn cho người hiền và kẻ hiền rồi thì phải lo tu học, tìm hiểu công lý lẽ thật, đặng đến chỗ yên vui cực lạc, chớ khá tự cao đứng hoài mỏi cẳng, sa ngã té rớt xuống hố ác khốn họa không nên vậy.
Cách ngôn: Công lý hơn pháp luật!
Chơn Lý CÔNG LÝ VŨ TRỤ
19. Biết quý báu hơn không biết, có biết mới hết mê lầm chấp trật, khổ sở nạn tai … Chính biết là ta, là mục đích của chúng sanh, là chơn lý của cuộc đời, là tinh ba của vũ trụ.
Chơn Lý KHẤT SĨ
20. Nếu tham sân si không diệt, thì người ta với cỏ cây thú có khác chi nhau.
Chơn Lý KHẤT SĨ
21. Người mà không học như mù đôi mắt, như xác chết không hồn, dầu mà có bị lửa đốt co ngoe, cử động như nói, như ăn, như đi, như làm đi nữa, thì kẻ ấy có khác nào hình đất, khúc cây, nào có biết chi vui hay mùi vị của cái sống.
Chơn Lý KHẤT SĨ
22. Nếu ta sống có ích lợi cho người, thì người khác họ cũng sẽ sống có ích lợi lại cho ta.
Chơn Lý Y BÁT CHƠN TRUYỀN
23. Giới luật là y bát là Khất Sĩ. Khất sĩ là định huệ. Nếu khất sĩ không có tu về định huệ dầu mà có trì giới không đi nữa, cũng chưa gọi được trọn là Khất Sĩ.
Chơn Lý Y BÁT CHƠN TRUYỀN
24. Thà chết trong sạch yên vui, hơn là sống nhơ bẩn rối khổ. Còn bằng chúng ta tham sống sợ chết, thì cũng nên lựa lấy món ăn nào ít tội ác một chút mà ăn, chẳng là bớt rối khổ được yên vui dễ chịu.
Chơn Lý ĂN CHAY
25. Người có định thì thân khẩu ý mới trong sạch, tuy ít nói mà nói hay, tuy ít làm mà làm nên, tuy ít nhớ mà nhớ phải, là được kết quả yên vui biết bao nhiêu!
Chơn Lý NHẬP ĐỊNH
26. Sự tu hành cũng như ăn cơm để sống, điều ấy vốn không mau chậm, hay là đường quanh nẻo tắt gì cả. Vậy nên chúng ta hãy nên chậm rãi mà đi.
Chơn Lý NHẬP ĐỊNH
27. Con người nếu làm được cái khó, cái hơn người, cái tiến hóa, thì mới được gọi là bậc siêu nhân.
Chơn Lý NHẬP ĐỊNH
28. Hơn thì chớ chắc hơn, kém thì nên gọi kém. Vậy mỗi ai nấy lo tu học, chẳn là hay hơn hết, dòm ngó nhau mà làm gì.
Chơn Lý CƯ SĨ
29. Chẳng phải là sự học giỏi thông minh mà thành công. Người ta dầu học bực nào, nhưng nếu ác, thì oan trái nặng nề, bắt buộc phá hại, đốc xúi kéo lôi, dễ gì tự chủ mà hòng làm nên kết quả.
Chơn Lý CƯ SĨ
30. Bước chân vào cõi đời gian nguy, người cư sĩ phải cần đem theo giới định huệ. Vì không thể nào với cái tham sân si mà được sống đời nên công kết quả cho được.
Chơn LÝ CƯ SĨ
31. Hôt giống thú là: thân, khẩu, ý ác.
Hột giống người là: thân, khẩu, ý nhơn.
Hột giống Trời là: thân, khẩu, ý thiện.
Hột giống Phật là: thân, khẩu, ý chơn.
Chơn Lý TÂM
32. Người chân thật ai cũng kính yêu.
Kẻ vọng giả nhiều người khinh bỉ.
Chơn Lý TÂM
33. Người ta thường tắm mưa, nước rớt trên đầu không sao, chớ đất rớt trên đầu thì ai cũng phải bị hại. Cũng giống như vậy, lời đạo đức từ trên dạy xuống thì ai cũng nên, lời ác trược đè dạy thì ai cũng phải khốn lụy.
Chơn Lý TÁNH THỦY
34. Một kiếp tu hành, ngàn đời rãnh khổ; một thời ngộ đạo, vạn thuở an vui.
Chơn Lý HỌC CHƠN LÝ
35. Chơn lý như mặt trời, pháp lý như đèn sao, thế sự như hang tối. Vậy nên cái học của chúng ta là học chơn lý, thấu chơn lý mới gọi là bậc thạt học.
Chơn Lý HỌC CHƠN LÝ
36. Tất cả các pháp là để đến với Hoa Nghiêm.
Tất cả giáo lý là để đến với chơn như.
Tất cả sự học là để đến với chơn lý.
Chơn Lý HỌC CHƠN LÝ
37. Lời nói của người tu, ví như hoa sen, việc làm của người tu, ví như lá sen, ý niệm của người tu, ví như gương sen, cả thảy các pháp đều ở trên cao, không trung, và không còn phải ô nhiễm nước bùn theo thế sự.
Chơn Lý TRÊN MẶT NƯỚC
38. Pháp tự nó vốn đâu có hưng hay mạt mà mạt là chỉ tại nơi người làm mạt đó thôi!.. Người tà chớ đâu phải đạo không chánh, người mạt chớ đâu phải pháp không hưng.
Chơn Lý CHÁNH PHÁP
39. Lúc đắc đạo cũng như lúc mới phát tâm cầu đạo, sự cố gắng tinh tấn là kết quả.
Chơn Lý CHÁNH PHÁP
40. Cúng tế để biết khiêm nhường kẻ chết, đặng không ngang bạo giết hại người sống, mang ơn mến đức mà thờ, nghe dạy là lạy, biết kỷ niệm lịch sử mà giữ mình, có như thế mới tập tánh nên người minh đức.
Chơn Lý CHÁNH KIẾN
41. Cõi Niết Bàn là lòng từ bi bình đẳng, tất cả chúng sanh chung là sự trong sạch không nhơ uế, là sự sáng láng của trí tuệ, là sự im lặng của tâm chơn, chớ không phải ở đâu cả.
Chơn Lý TAM BẢO
42. Ngày xưa ít học mà nên nhiều, ngày nay học nhiều mà nên ít, là bởi trọng học tài quên tu đức.
Chơn Lý TÔNG GIÁO
43. Phép linh là phụ thuộc, chỉ có trí huệ, tâm chơn mới thật là của cải!
Chơn Lý THẦN MẬT
44. Một cục sắt đỏ dưới nhát búa của người thợ rèn lửa văng tứ phía, cục sắt ấy bể lần. Sự phóng tâm loạn vọng làm tổn hại tâm người cũng y như thế.
Chơn Lý THẦN MẬT
45. Địa ngục vô số đếm! Tâm địa ngục nhốt trói cũng gọi là địa ngục! Cái khổ ép ngặt cũng là địa ngục! Tham sân si cũng là địa ngục! Sự ích kỷ cũng là địa ngục! Địa ngục lớn địa ngục nhỏ, tùy theo việc làm, lời nói ý niệm, giáo lý chẳng hay cùng.
Chơn Lý GIÁC NGỘ
46. Cảnh giới địa ngục là sắc thân ác khổ, chết là thất bại. Cảnh giới thiên đường là thức trí thiện vui, sống và thành công. Còn cảnh giới Niết Bàn là chơn tâm tuyệt đối, bình đẳng sáng rỡ, không có chi chi cả.
Chơn Lý GIÁC NGỘ
47. Tâm Niết Bàn yên hơn cảnh Niết Bàn, trí thiên đường vui hơn là cảnh thiên đường, thân địa ngục khổ hơn là cảnh địa ngục, vì cảnh ngoài dễ mau dời đổi, chớ cảnh trong thì thì khó lâu dời đổi đặng. Vì thế nên kẻ đã giác ngộ rồi, thì không chăm chú những việc bên ngoài kia nữa.
Chơn Lý GIÁC NGỘ
48. Chúng ta nên biết tự mình biết ghê sợ tội lỗi, hổ thẹn tội lỗi, và dứt trừ tội lỗi của chính mình, tốt hơn là để người chế trị.
Chơn Lý GIÁC NGỘ
49. Phật là người giác ngộ,
Chúng ta sớm nên giác ngộ.
Vì sự giác ngộ tâm chơn quý báu hơn cái thiện lành thức trí, và cái thiện lành thức trí cần ích hơn là sắc thân vật chất, ác quấy, tội lỗi, danh vọng, vui chơi, cái có nơi ngoài tứ đại.
Chơn Lý GIÁC NGỘ
50. Người ở đời nếu không tu thì khó sống an vui, mà tu sái phép thì lại càng khó sống an vui hơn nữa.
Chơn Lý KHUYẾN TU
51. Khi chúng ta bị người đánh đập, thì chúng ta vội đánh lại họ, mà chẳng chịu tự đánh lấy cái nết hạnh xấu xa, không nghiêm chỉnh của mình.
Chơn Lý ĐI TU
52. Kẻ trí trau tâm, chớ chẳng giồi thân. Nói ít mà nên. Làm ít mà hay, lo ít mà đặng, là bởi nơi tâm đã trọn tốt. Một người địa ngục tối cao quan trọng, mà tâm tánh xấu xa, thì cơ thâm họa diệt thâm, chớ có ích chi mà chúng ta vội tìm tham muốn.
Chơn Lý ĐI TU
53. Tài học sao cho bằng đức hạnh. Đức hạnh mới được bền dài cao quý hơn.
Chơn Lý ĐI TU
54. Hạnh phúc của ta ở nơi tâm ta; sự nghiệp của ta lớn nhỏ là tùy nơi tâm ta lớn nhỏ. Đạo quả trong ngoài, kết thành một lượt không mau không chậm
Chơn Lý ĐI TU
55. Trong đời ai cũng phải ăn mà sống.
Nhưng bởi có cái sống trước.
Vậy thì muốn sống là chớ sát sanh, muốn ăn thì không nên trộm cắp.
Chơn Lý ĂN VÀ SỐNG
56. Mạng người quý báu. Chúng ta nên phải biết rằng, cái sống khó tìm, khi chết đi đâu còn sống lại; chớ của cải trước sau mau chậm, có ngày ta kiếm được. Vậy thì chúng ta muốn sống là phải làm cho mọi người được sống. Ta muốn ăn là phải làm cho mọi người có ăn.
Chơn Lý ĂN VÀ SỐNG
57. “ Ai không cho, cho kẻ đã hỏi xin, là người ấy có tội với công lý; nhưng cũng đừng xin thái quá, để phải mích lòng người”.
Chơn Lý ĂN VÀ SỐNG
58. Trời Phật cứu độ ta là bằng pháp bảo, ta mà được cứu độ hay chăng. Là bởi tự nơi mình, xét lại hành vi của mình.
Chơn Lý ĂN VÀ SỐNG
59. Phật là chỗ đến của tất cả chúng sanh, cũng như toàn giác là chỗ đến của tất cả sự học: chơn như là chỗ đến của tất cả phước đức thiện lành, từ bi, trí huệ.
Chơn Lý CHƯ PHẬT
60. Đạo là con đường của tất cả chúng sanh, mỗi người mỗi tự đi , chớ không có TÊN ĐẠO Gì cả; giáo là sự dạy học để tu hành, chớ không có phải TÔN GIÁO GÌ cả; và phái là sự làm việc giúp ích lợi chung cho nhau, chớ không phải PHÁI GÌ cả.
Chơn Lý TRƯỜNG ĐẠO LÝ
61. Trong đời mà có tai nạn từ nạn nhỏ đến nạn to là đều bởi tại chúng sanh nhân loại có lòng tham.
Chơn Lý NGUỒN ĐẠO LÝ
62. Trần thế cũng như một cái hình người: Sĩ là đầu trên xuôi thuận, nông là mình bụng , kế đó công là tay, đến thương là chân dưới thấp; thân hình này mà ngay như thế thì vận cuộc sanh chúng tất cả bình yên.
Chơn Lý NGUỒN ĐẠO LÝ
63. Ta đã không muốn cái gì, thì đừng bắt kẻ khác phải chịu cái ấy, và ta muốn gì và họ không muốn gì? Trả lời được câu ấy, là ta thấy ra tất cả thế giới chúng sanh ngay.
Chơn Lý CON SƯ TỬ
64. Trong đời nếu chúng ta mà tự biết chê mình chỗ sái quấy, và biết khen tán việc tốt phải của người, thì quý báu lắm; cũng như ai biết hy sinh mình, để giúp cho kẻ khác nên thì người ấy tức là bậc Thánh nhân.
Chơn Lý CON SƯ TỬ
65. Ngày giờ qua như câu chữ, năm tháng như hàng trương, mỗi kiếp sống là một quyển tập. Võ trụ như một kho tàng Pháp bảo, mỗi quả địa cầu là một quyển sách to. Chúng sanh như những học trò, xung quanh là bạn lữ, kẻ dạy dỗ ví những ông thầy; chúng sanh chết đi sống lại, như thay thầy đổi bạn, lên lớp xuống lớp lăng xăng; vạn vật biến hình như sửa tập, các pháp thấp cao, sai khác không như một, là bài vở.
Chơn Lý ĐI HỌC
66. Đừng nghe ai xưng tặng mà gọi là vinh, đừng thấy ai dâng của cho mà thấy là lợi, đừng thấy ai khóc lóc, trìu mến, níu kéo, mà động tình thương ở lại, vì đó là ma vương cám dỗ.
Chơn Lý ĐI HỌC
67. Ông thầy giáo thì phải giữ gìn lời nói, làm cha mẹ là không đặng say sưa rượu thịt, như vậy là con dân , mọi người sẽ hết lòng, lòng người là mạnh hơn hết, được lòng người là được tất cả sự thành công.
Chơn Lý ĐỜI ĐẠO ĐỨC
68. Cõi thiên đường là cõi lòng trong sạch cao thượng.
Cảnh thiên đường là cảnh trí rộng lớn mát mẻ.
Xứ thiên đường là sự thông minh xán lạn đẹp tươi.
Chơn Lý XỨ THIÊN ĐƯỜNG
69. Ở trong đời, ta nhịn đói một buổi không sao; chớ tham ác thì trong một giờ, phải chết khổ sớm vậy.
Chơn Lý VỊ HUNG THẦN
70. Đức Phật khi xưa, cũng tội lỗi mê muội như chúng ta, nhưng nhờ Ngài
sớm nghe qua tỉnh ngộ, không vì nghe lời thẳng mà giận, biết nín lặng mà nghe, biết dằn lòng mà sửa, do đó mà được chỗ hơn người.
Chơn Lý VỊ HUNG THẦN
71. Người sanh ra ở đời, nói chuyện Phật, thấy hình Phật, thì ai cũng thấy được, nhưng khi mình làm Phật thì ít ai muốn chịu làm, vì lẽ không phải dễ dàng như gió thoáng qua, hay nói suông được.
Chơn Lý PHẬT TÁNH
72. Có không tham vọng, tâm ta mới no đủ; có không sân si, tinh thần mới sáng láng mát mẻ trong sạch; Thân, khẩu, ý không vọng động thì tâm hồn mới an trụ cứng cỏi.
Chơn Lý PHẬT TÁNH
73. Khất sĩ là giải thoát trói buộc phiền não vô minh vọng động để sống bằng chơn như trí huệ, an lạc, thong thả, rảnh rang, không còn tạo nghiệp, thì luân hồi sanh tử khổ mới đặng dứt.
Chơn Lý PHẬT TÁNH
74. Thấy tánh thành Phật! Mà thấy tánh là thấy cái chơn như, không vọng động, thấy cái giải thoát các pháp, các sở chấp, do sự giác ngộ trí huệ là Phật của mình; chớ chẳng phải thấy bằng nói, nghe, chữ viết, suy gẫm tưởng tượng.
Chơn Lý PHẬT TÁNH
75. Người tu là bao giờ cũng phải thấy lại nơi mình, thấy cái Phật tánh của mình, xem lại mình có giống y như Phật chăng.
Chơn Lý PHẬT TÁNH
76. Học là để tu, chớ không phải học là để học mà sanh lòng ngạo mạn.
Chơn Lý HỌC ĐỂ TU
77. Chơn lý võ trụ ở bên trong nền đức hạnh, thánh tâm, yên lặng, tự nhiên ( như dốt nát ), chớ chẳng phải ở nơi ngoài sự khoe khoang loạn vọng của kẻ phàm phu, có sự hơn thua, giỏi dở, khen chê, cao thấp.
Chơn Lý HỌC ĐỂ TU
78. Những ai muốn bỏ phàm phu làm thánh, trua đạo bỏ đời, thì phải nên cần “ học để tu”, khi tu là phải xem mình như dốt nát, lơ lơ dường ám độn; đối với ai cũng phải nên chịu sự sút kém nhẫn nhường. Có như thế mới đặng chưởng trau đức hạnh.
Chơn Lý HỌC ĐỂ TU
79. Đạo Phật là con đường giác ngộ của người giác ngộ, của chúng sanh chung.
Chơn Lý ĐẠO PHẬT
80. Nào ai có ngờ đâu, chính người khổ nạn cực nhọc, vui chịu thiệt thòi mãi, kẻ ấy mới ắt phải giàu to tâm trí, an lạc, vĩnh viễn sau này, đó mới gọi là phép tu vậy.
Chơn Lý TU VÀ NGHIỆP
81. Sự trả nghiệp ấy là phép tu tâm, là sự lập công tu đức, quý báu nên hay lắm, có trả nghiệp nhiều mới đặng nhẹ nhàng khỏe khoắn thêm lên, cũng như sự tắm rửa; nhờ vậy tam nghiệp của tâm mới thanh tịnh vãng sanh tịnh độ.
Chơn Lý TU VÀ NGHIỆP
82. Thân trong sạch ấy là xứ Phật.
Miệng trong sạch ấy là Pháp Phật.
Ý trong sạch ấy là con Phật.
Tâm trong sạch tức là Đức Phật.
Chơn Lý TU VÀ NGHIỆP
83. Thân giới là xứ Cực Lạc Tịnh Độ, còn tâm định là Phật A- DI- ĐÀ. Vì giới năng sanh định, định năng phát huệ, lẽ ấy rất thường. Biết như thế là tự lo tu, không còn trông đợi cầu vái ỷ lại nữa.
Chơn Lý VÔ LƯỢNG CAM LỘ
84. Cả thảy Chư Phật đều là pháp cả! Pháp là sáng suốt hơn hết, là sống dai hơn hết, là mát mẻ ngọt ngào hơn hết. Cõi Pháp sẽ chứa độ tất cả sự khổ não của chúng sanh.
Chơn Lý VÔ LƯỢNG CAM LỘ
85. Người cư sĩ thuở xưa thờ phượng Chư Phật Thánh là bằng đức tin tư tưởng và bằng giáo lý trí huệ.
Chơn Lý THỜ PHƯỢNG
86. Nếu tâm càng tự cao, giải đãi dễ duôi, là tức thì sa địa ngục trọn vẹn, vì địa vị càng cao là tánh mạng càng nguy hiểm, cũng như người trèo núi, càng lên cao là đáy hố sẽ càng xa sâu thêm mãi.
Chơn Lý THỜ PHƯỢNG
87. Nếu thái hóa thì có ngày bất cập. Sao cho bằng sự thường bền là tốt hay hơn hết. Đạo là mực trung, lợi ích cho cả ta và người mới phải.
Chơn Lý THỜ PHƯỢNG
88. Đạo Phật khi hẹp thì phải mở rộng, và khi rộng là phải thu hẹp, rộng hẹp phải biết tùy duyên mới gọi là phương tiện thiện xảo của trí huệ Phật.
Chơn Lý THỜ PHƯỢNG
89. Sự thờ phượng là để dung hòa kẻ chết với người sống, là pháp tạm trau tâm, giồi trí, thân tập sống chung, chớ đâu phải tư riêng ta người, kiến họ.
Chơn Lý THỜ PHƯỢNG
90. Thân này là của tất cả, tất cả là của thân này, tiếng ta là chung toàn thể, chẳng phải riêng tôi.
Chơn Lý PHÁP CHÁNH GIÁC
91. Giữ tinh là trì giới, không dâm dục làm đầu; điều hòa khí là nhập định, không nói bậy làm gốc; dưỡng thần là không tưởng loạn làm nên.
Chơn Lý SỔ TỨC QUÁN
92. Ba phép tinh, khí, thần hay giới, định, huệ, nơi người mà biết giữ gìn đều đủ, tức là lục căn thanh tịnh, thất tình đoạn phủi, tam độc tiêu trừ, ngũ uẩn khỏi qua, tứ tướng dứt sạch, nhân ngã không còn … nên trí huệ thần thông, quả linh đạo lý, giác ngộ chơn như đặng đều đủ.
Chơn Lý SỔ TỨC QUÁN
93. Tội lỗi chẳng phải hại cho xác thân không thôi, mà là nó sẽ giết hại tâm hồn ta nữa.
Chơn Lý SÁM HỐI
94. Cái biết tham lam dục vọng của ta, là hột non nớt, có ngày bị hủy bỏ.
Cái biết trong sạch thiện lành, là như hột lớn cứng già cũng được khá; nhưng sao bằng chính cái biết định yên chơn như, mới phải hột chín cứng khô, sống mãi để đời, kêu là giác chơn, Phật, hay là ta đó.
Chơn Lý SÁM HỐI
95. Ta là tất cả, tất cả là ta, ta sống cho tất cả, tất cả sống cho ta, tiếng ta đây là tất cả, đó tức là chơn lý võ trụ.
Chơn Lý HÒA BÌNH
96. Đạo của sống là xin nhau sống chung, đạo của biết là học chung, đạo của linh là tu chung.
Đạo đây là chơn lý võ trụ của chúng sanh chung, chớ không phải tông giáo tư riêng.
Chơn Lý HÒA BÌNH
97. Lễ giáo là một chơn lý rất quý báu, là một phép tắc rất diệu mầu, là nấc thang thiện lành tránh ác.
Chơn Lý LỄ GIÁO
98. Đời không lễ giáo là đám rừng hoang ly loạn.
Chơn Lý LỄ GIÁO
99. Mục đích của sống là biết, biết là học. Cái sống là xin. Tất cả chúng sanh là đang xin lẫn nhau; tiến ra từ trong cái ác, cái bất công, cái mê muội.
Chơn Lý ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ
100. Phật là giác chơn, là cái biết thật tự nhiên, là nghĩa lý của tiếng Phật, mục đích của cái biết nơi mình, chớ không phải mê tín mờ quáng, mà tự trói mình trong chữ Phật, tiếng đạo, hay tông giáo riêng biệt.
Chơn Lý ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ
101. A- La- Hán là bậc mà không còn sự vui khổ của bên ngoài trần thế, là bậc mà tâm sống với cái thật, cái không vọng động, vô vi của bề trong. Cái sống ấy mới thật gọi là bền vui và có được.
Chơn Lý KHỔ VÀ VUI