Phỏng vấn HT.Thích Giác Toàn về Đại lễ tưởng niệm Tổ sư

GN - “Tri ân Tổ sư sáng lập Hệ phái, tri ân GHPGVN và các cấp lãnh đạo…”. HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng BTC đã nói với Giác Ngộ về ý nghĩa của Đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (1954-2014) như vậy. Hòa thượng cho biết thêm:
Phỏng vấn HT.Thích Giác Toàn về Đại lễ tưởng niệm Tổ sư

Từ ngày 25-2-2014 (nhằm ngày 26-1-Giáp Ngọ) tới ngày 2-3-2014 (nhằm ngày 2-2-Giáp Ngọ), xuyên suốt 6 ngày tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Xa lộ Hà Nội, P.An Phú, Q.2, TP.HCM) sẽ có nhiều chương trình như Hội thảo khoa học với chủ đề “Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập”, khai mạc Triển lãm “Ánh Minh Quang” và thư viện Phật giáo; cung thỉnh chư tôn thiền đức Phật giáo Nam tông, Phật giáo người Hoa cử hành lễ cầu nguyện, tưởng niệm, chứng minh trai lễ; cung thỉnh chư tôn đức giáo phẩm HĐCM, HĐTS, các ban, ngành, viện T.Ư, BTS GHPGVN TP.HCM và các tỉnh thành, quận, huyện cử hành lễ cầu nguyện, tưởng niệm, chứng minh trai lễ cũng như đón tiếp quý cơ quan chức năng, các tôn giáo bạn cử hành lễ tưởng niệm, dự tiệc chay thanh đạm.

Ngoài ra, sẽ có ngày dành riêng cho Tăng Ni hệ phái, Phật tử cử hành tưởng niệm Tổ sư, cầu an, cầu siêu, bên cạnh hoạt động đi khất thực truyền thống, tọa đàm Chơn lý; tặng quà từ thiện dành riêng cho 1.500 các cháu mồ côi khuyết tật, bệnh nhân nghèo bất hạnh… sau khi đón các cháu về Pháp viện dùng bữa cơm chay thanh đạm.

Từ khi Tổ sư vắng bóng, đến nay tròn 60 năm, Hệ phái từng tổ chức lễ tưởng niệm lớn như lần này chưa, bạch Hòa thượng?

- HT.Thích Giác Toàn: Tổ xuất gia, khai đạo từ năm 1944 và trong suốt 10 năm (đến 1954), đánh dấu cột mốc lịch sử vắng bóng của Tổ thì Hệ phái phát triển trong tư cách độc lập, với số lượng tịnh xá khoảng 20 ngôi, 100-120 Tăng Ni. Từ năm 1954 tới 1975 Hệ phái cũng phát triển trong lòng dân tộc, và tới năm 1975 đánh dấu con số 250 ngôi tịnh xá với khoảng hơn 1.500 Tăng Ni.

Sau ngày thống nhất đất nước, trong niềm vui chung của dân tộc, Phật giáo cũng được phát triển, Hệ phái Khất sĩ Việt Nam so với các Giáo hội, Hệ phái khác trong ngôi nhà Phật giáo thì được xem như là người em út, nhưng lại được hòa nhập trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (thành lập năm 1981) để hoạt động theo tinh thần lời Phật dạy, gắn với dân tộc, đất nước để phụng đạo giúp đời. Đến nay, theo thống kê sơ bộ thì có khoảng 500 ngôi tịnh xá với khoảng hơn 3.000 Tăng Ni (chư Tăng khoảng 1.000 - chư Ni hơn 2.000 vị), và trong đó có khoảng 50 ngôi tịnh xá ở nước ngoài rải rác trên các châu lục.

Mỗi năm, đến dịp tưởng niệm Tổ sư vắng bóng, Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ lại vân tập về một trú xứ để ghi nhớ, hoài niệm Đức Tổ với những chương trình phù hợp. Tuy nhiên, mọi năm trước, do điều kiện khách quan, mà cụ thể là không có không gian rộng rãi nên việc tưởng niệm cũng bó hẹp trong phạm vi Hệ phái là chính, với số lượng Tăng Ni tham dự không nhiều. Như lần tổ chức cách đây 15 năm (nhân 45 năm vắng bóng Tổ sư) ở tịnh xá Trung Tâm hay 50 năm ở tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long), 55 năm ở tịnh xá Ngọc Uyển (Biên Hòa, Đồng Nai) quy mô nhỏ hơn, với chừng 300-500 vị Tăng Ni Khất sĩ trên tổng các Giáo đoàn thuộc Hệ phái về dự.

Lần này, tròn 60 năm, chúng tôi tổ chức lớn hơn, không chỉ cung thỉnh Tăng Ni trong Hệ phái với số lượng 1.250 vị từ khắp nơi, đại diện các tịnh xá, Giáo đoàn về dự mà còn cung thỉnh chư Tăng Ni thuộc các tông phái khác tham gia lễ tưởng niệm chứng minh trai lễ. Tổng cộng khoảng hơn 3.000 Tăng Ni về dự.

Với quy mô tổ chức lễ như vậy, trong khi công trình Pháp viện Minh Đăng Quang chưa hoàn thành, liệu có ảnh hưởng gì không, thưa Hòa thượng?

 

- Không ảnh hưởng gì cả. Bởi vì, hiện tại các hạng mục chính của công trình như chánh điện, thiền đường và giảng đường phục vụ cho việc thắp hương, lễ Phật, lễ Tổ, tu tập, tụng kinh, hội thảo, trai tăng… đã hoàn thành từ 85 đến 90%.

Bên cạnh đó, phía trước chánh điện có Bảo tháp Ca Diếp (thờ bảy Đức Phật quá khứ, thờ Tổ, triển lãm quá trình phát triển của Hệ phái, hoạt động của Tổ…) và Bảo tháp Xá Lợi Phất (nơi đặt thư viện, với Tam tạng Thánh điển bằng chữ Pali, chữ Hán, chữ Anh, kinh sách Phật giáo, cũng như các loại sách lịch sử, văn học, triết học Phật giáo…) cơ bản đã hoàn thành. Tổng thể công trình Pháp viện đã xong 80%, hiện chư Tăng Ni đã dọn dẹp, sắp xếp, trang trí… mọi thứ, chuẩn bị sẵn sàng cho Đại lễ diễn ra một cách tốt đẹp.

Như vậy, đây là Đại lễ lớn nhất, có nhiều ý nghĩa mà Hệ phái Khất sĩ Việt Nam tổ chức từ trước đến nay?

- Như tôi đã nói ở trên, lần tưởng niệm này là nhân dịp tròn 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, đánh dấu 70 năm đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, đồng thời cũng là thời điểm 32 năm Hệ phái Khất sĩ Việt Nam sinh hoạt trong lòng GHPGVN.

Trong suốt quá trình phát triển đó, Hệ phái Khất sĩ Việt Nam với 2 tổ chức: Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam và Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam sinh hoạt độc lập từ trước năm 1975 cho đến sau ngày thống nhất đất nước; tới năm 1981, khi GHPGVN được thành lập trên cơ sở thống nhất của 9 tổ chức Phật giáo lúc bấy giờ. Bản thân tôi, khi ấy có duyên được tham gia Ban Vận động Thống nhất thành lập GHPGVN (gồm 24 vị) mà đến nay chỉ còn 3 người (Hòa thượng Chủ tịch HĐTS, bác Tống Hồ Cầm và tôi). Do vậy, việc Hệ phái Khất sĩ chính thức sinh hoạt trong lòng Giáo hội, được sự cưu mang của tổ chức cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền, lãnh đạo đất nước,… suốt 39 năm đất nước hòa bình và 32 năm thành lập Giáo hội quả là quãng thời gian thật sự vô cùng ý nghĩa với Hệ phái cũng như cá nhân tôi.

Nhân dịp tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng và 70 năm Tổ sư lập đạo có ý nghĩa không chỉ là nhớ ơn Tổ Thầy mà còn để tri ân chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội các nhiệm kỳ và lãnh đạo các cấp chính quyền… đã tạo thuận duyên để Hệ phái được hội nhập song hành trong sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, đất nước, góp phần vào việc hoằng dương đạo pháp cũng như phụng sự xã hội và nhân sinh.

Thưa Hòa thượng, vậy trong những những ngày diễn ra Đại lễ, Phật tử tự do có thể đến tham dự?

- Ban Tổ chức rất hoan hỷ đón tiếp tất cả quý Phật tử về tham dự Đại lễ.

Xin cảm ơn Hòa thượng.

Một vài lưu ý chung cho việc dự lễ:

Tránh tình trạng đi dự lễ mà chỉ đi tham quan các thắng cảnh; Tăng Ni, Phật tử phát tâm cúng dường và tặng các ấn phẩm văn hóa như kinh sách, băng đĩa… đến chư tôn đức và Phật tử phải được sự đồng ý của Ban Tổ chức; để tránh nhận những ấn phẩm không phù hợp với lời Phật, Tổ và chư tôn đức chỉ dạy, Phật tử nên nhận những ấn phẩm biếu tặng tại khu vực tiếp lễ; Phật tử không nên sử dụng điện thoại, iPad cá nhân chụp hình, quay phim, di chuyển qua lại trong khi Đại lễ diễn ra…

Tác giả bài viết: Lưu Đình Long