Vài thiển ý về Hệ phái Khất Sĩ thể hiện sự đề cao Giới luật

Vài thiển ý về Hệ phái Khất Sĩ thể hiện sự đề cao Giới luật
(HDPT) - Đạo Phật du nhập vào nước ta đã hơn 2.000 năm, Phật giáo Việt Nam mang những đặc điểm khác biệt so với Phật giáo của các nước khác bởi Phật giáo Việt Nam tiếp nhận cả hai dòng truyền lớn nhất là Bắc tông và Nam tông.

 

Bằng sự dung hợp từ hai hệ phái chính truyền ấy ở giai đoạn chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX mà xuất hiện Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam (nay gọi là Hệ phái Khất Sĩ). Nhìn từ góc độ giới luật, Hệ phái Khất Sĩ có những phần đóng góp vào “ngôi nhà” Giáo hội Phật giáo.

Ảnh tạ pháp tại TXTT

           Người khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ là Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, Ngài đã vận dụng kết hợp tinh hoa từ hai Hệ phái Bắc tông và Nam tông ( hai truyền thống lâu đời của Phật giáo thế giới), đề cao đường lối “không phân Đại thừa và Tiểu thừa”, khẳng định con đường tu tập theo Phật giáo đều ngang qua Giới Định Huệ, hình thành nên một hệ tư tưởng mang đậm tính dân tộc sâu sắc, thể hiện được tính phổ biến, gần gũi và dễ hiểu, dễ học, dễ hành trì. Vì thế, mặc dù ra đời sau hai Hệ Phái lớn nhưng Hệ phái Khất Sĩ đã có sức lan tỏa rộng và tầm hoạt động mỗi ngày một thêm lớn mạnh. Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng cũng trở thành một trong ba Hệ phái chính của Phật giáo hiện có tại Việt Nam là Bắc tông, Nam tông và Khất Sĩ. Theo thiển ý của chúng tôi, ngoài việc y pháp thọ giới và nghiêm trì giới luật đã thọ, trong sinh hoạt Tăng đoàn của Hệ phái Khất Sĩ còn thể hiện tinh thần duy trì giới luật qua những phương diện:

  1. 1.     CHÁNH MẠNG KHẤT THỰC.

        Từ “Khất Sĩ” xuất phát và liên quan đến từ “Tỳ kheo” có 3 nghĩa:

            1. Khất Sĩ: là vị Tỳ kheo dứt hết thảy nghề nghiệp sanh nhai, xin ăn nuôi mạng sống bằng sự cao thượng ( tức Chánh mạng). Sự xin ăn có hai nghĩa: a/ Đối với Phật, xin giáo Pháp, đạo lý để nuôi lấy “ huệ mạng”. b/ Đối với người đời, xin ăn để tạm nuôi cái thân xác này thôi vì người tu không còn lo việc sanh nhai.

            2. Bố ma: Do sự tinh tấn nỗ lực tu tập diệt trừ các xấu ác nên làm cho ma ( những gì chặn bước tu tiến của hành giả) kinh sợ.

            3. Phá ác: Vị Tỳ kheo tu tập Giới Định Huệ phá trừ cái xấu ác từ nơi thân miệng ý.

            Trong các bản dịch của Hòa thượng Nhất Hạnh, từ “Khất Sĩ” thường được thay thế cho từ Tỳ kheo, như trong bài dịch kinh KIM CANG có đoạn: “Đây là những điều tôi được nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Kỳ Thọ Cấp Cô Độc gần thành Xá Vệ, với đại chúng Khất Sĩ gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị”1.

            Minh Thiện Trần Hữu Danh, một học giả Phật giáo đang sống tại Pháp cũng đồng quan điểm với HT. Nhất Hạnh, trong cuốn sách SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT THÍCH CA của ông viết về lúc Đức Thế Tôn sắp nhập Niết bàn, Ngài “im lặng đưa mắt nhìn đại chúng, rồi Ngài nói tiếp: Này các vị Khất Sĩ, hãy nghe Như Lai nói đây: Vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt”2. Luận ĐẠI TRÍ ĐỘ cũng nói: “Vì sao gọi là Tỳ kheo? Tỳ kheo còn gọi là Khất Sĩ, vì nuôi sống mình một cách trong sạch nên gọi là Khất Sĩ3.

            Từ ý nghĩa khái quát về từ KHẤT SĨ, mọi người nhận hiểu được từ TỲ KHEO có khi bao gồm ý nghĩa Khất Sĩ, nhưng cũng có khi nghĩa TỲ KHEO chính là KHẤT SĨ. Khất Sĩ là vị tu hành theo Phật giáo với hạnh thanh cao, ít bị buộc rang bởi 4 sự: ăn uống, đồ mặc, chỗ ở và thuốc trị bịnh.

            Trong Phật giáo, thuật ngữ KHẤT SĨ có nghĩa là một tu sĩ Phật giáo từ bỏ cuộc sống thế tục, thọ lĩnh giới luật. Theo quan điểm Phật giáo, những người sống đời nghèo khổ, không vợ con không thụ hưởng cuộc đời mà siêng năng tu tập thiền định và đi khắp nơi khất thực hóa duyên, giảng dạy giáo pháp và thực hành từ bi tế độ chúng sanh dễ đạt được giải thoát Niết bàn, đúng như CHÚ GIẢI LUẬT THIỆN KIẾN đã dạy:

            “Nếu hành động Tỳ kheo thì được gọi là Tỳ kheo. Tỳ kheo là người đi xin (Khất Sĩ), dù có xin được hay không xin được cũng gọi là Khất Sĩ, đây là hành động của người thiện. Đức Phật, Bích chi Phật, Thanh văn đều thực hành pháp khất thực. Người giàu hay nghèo mà xuất gia học đạo, từ bỏ trâu bò, ruộng vườn, việc nhà và các công việc nuôi sống bằng sự nghiệp thế tục thì đi khất thực để sống chứ không có tư hữu, đều phải lấy bốn biển làm nhà ở, gọi là Tỳ kheo”4.

            Pháp môn khất thực còn thể hiện lý Trung đạo, tức là tránh xa hai nẻo trung sướng và khổ hạnh. Vị tu Khất Sĩ thường theo pháp Trung đạo, hành trì hạnh tu khất thực độ sanh, phá trừ điều ác phát sinh từ nơi tam nghiệp thân miệng ý, khiến cho chúng ma kinh sợ. Thầy Tỳ kheo sống bằng cách xin ăn như thế dễ giữ cho thân tâm được thanh tịnh, đây là thực hành theo Phật truyền dạy cho đệ tử xuất gia hành trì “chánh mạng” và giới luật của Phật giáo.

            Giới có công năng ngăn ngừa các lậu hoặc trong hiện tại và tương lai, được cô đọng thành những pháp môn: “Sống thành tựu giới uẩn thanh tịnh, hộ trì các căn, có tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác” mà TRUNG BỘ KINH VI ghi lại lời Đức Phật dạy như sau: “Này các Tỳ kheo, hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn. Sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới5. Việc thiết lập giới luật của Đức Phật với mục đích lợi ích hữu tình, dẫn dắt chúng sanh đến đường an lạc giải thoát bởi giới luật, đưa chúng sanh ra khỏi sự rang buộc khổ đau trong Tam giới, sự giữ Giới sẽ đem lại sự an vui hạnh phúc cho mình và cho người, làm cho cuộc sống cộng đồng được an ổn hài hòa, tạo cho kẻ khác một niềm tin chắc thật. Cũng từ ý nghĩa đó, GIỚI được giới thiệu qua các bài trong bộ Chơn lý và bài Luật Khất Sĩ nói về cách thức tổ chức, sinh hoạt, thâu nhận đệ tử, đi khất thực, ăn mặc, phòng hộ các giác quan v.v…114 Điều răn do Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đề ra có tính khế lý khế cơ và yêu cầu quý vị xuất gia Khất Sĩ phải thường xuyên ghi nhớ để hành trì.

            Theo luận THANH TỊNH ĐẠO, “GIỚI có nghĩa là chế ngự theo năm cách như sau: Chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha; chế ngự bằng tỉnh giác; chế ngự bằng tri kiến; chế ngự bằng kham nhẫn; chế ngự bằng tinh tấn. Giới có nghĩa là kết hợp, vì nó kết hợp ba nghiệp thân, khẩu, ý hướng đến con đường thánh thiện. Giới có nghĩa là nền tảng, vì nó làm cơ sở cho các thiện pháp phát sinh. Giới còn có nghĩa là thanh lương, vì nó làm cho người giữ giới cảm thấy thân tâm mát mẻ”6. Thực hành về GIỚI thì những điều thiện phải làm và những điều ác phải tránh, giữ gìn thân, khẩu, ý để khỏi tạo nghiệp xấu khiến cho bước đường tu tập của một tu sĩ không gặp trở ngại. Vị ấy thúc liểm thân tâm, ngăn ngừa tam độc tham, sân si. Bởi thế, người Khất Sĩ phải “ Lần giữ oai nghi hạnh kiểm 250 điều, cử chỉ đoan trang nết na đằm thắm không chung lộn với kẻ vạy tà. Nơi cốc am, ngoài đường sá, vào xóm, nơi rừng, đi đứng ngồi nằm, ăn mặc nói làm, thức ngủ sống chết, thân tâm trí tánh thảy ôn hòa nhã nhặn từ bi trống rỗng, sống với chúng sanh chung bình đẳng không trói buộc, hỷ xả chẳng câu hiềm7. Xác nhận được tầm quan trọng của giới luật, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang luôn nhấn mạnh rằng vị Khất Sĩ khất thực hóa duyên phải biết tu tập không để cho sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm dịu có thể chi phối tâm của mình, nhờ đó cởi bỏ mọi ràng buộc của uế trược và tâm thanh tịnh vượt thoát khỏi khổ đau. Làm được điều này thì như một người có Giới cũng như viên mãn Định và Tuệ vậy.

Ảnh minh họa

  1. 2.     TẬP TRUNG TỰ TỨ THỂ HIỆN ĐẶC TRƯNG CỦA TĂNG BẢO.

Theo LUẬT HỌC TINH YẾU, “ Tiếng Phạn Pravà ranà, được phiên âm là  Bát hòa la và dịch nghĩa là Tự tứ, thỉnh ý hay tùy ý. Nghĩa là thỉnh cầu người khác chỉ có những lỗi lầm mà mình đã vấp phải trong ba trường hợp: hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc nghi. Nếu tự mình nhận thấy có lỗi sẽ thành tâm sám hối để được thanh tịnh. Mục đích của việc Tự tú cũng giống như Thuyết giới, đó là biểu hiện sự thanh tịnh và hòa hợp của Tăng chúng”8. Lễ Tự tứ tiến hành vào rằm tháng bảy ( ngày kết thúc ba tháng an cư). Sau lúc ấy, Chư Tăng Ni thọ An cư được công nhận thêm một tuổi đạo nên còn gọi là ngày Phật hoan hỷ, vì Đức Phật thấy đệ tử mình lớn thêm lên một tuổi cũng như trưởng thành hơn năm qua. Nó đánh dấu một bước trưởng thành về đạo hạnh của chư Tăng Ni sau ba tháng  hạ thủ công phu, hành trì giới hạnh, làm cho đạo hạnh trong sang. Sau khi Tự tứ, chư Tỳ kheo, Tỳ kheo ni được thêm một tuổi giới, nhận thêm một tuổi đạo ( tức tăng thêm 1 hạ lạp). Từ xưa đến nay, Lễ Tự tứ được xem là một trong những lễ quan trọng nhất của Phật giáo. Chính Đức Thế Tôn cũng Tự tứ như trong kinh biệt dịch TẠP A HÀM có ghi:

Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Thế Tôn du hóa tại vườn trúc Ca Lan Đà……

Bấy giờ là ngày rằm tháng bảy, đến lúc Tự tứ, Đức Thế Tôn trải tòa ngồi trước chúng Tăng, bảo các Tỳ kheo:

… Hôm nay Như Lai muốn Tự tứ, vậy nơi thân, miệng, ý của Như Lai có lỗi lầm gì chăng?

Tôn giả Xá Lợi Phất đang ngồi giữa đại chúng bèn đứng dậy, sửa lại y phục, chắp tay hướng về Phật, thưa:

Kính thưa Đức Thế Tôn! Như Phật vừa nói, Như Lai là bậc phạm hạnh… Chúng con chẳng thấy nơi thân, miệng của Đức Thế Tôn có chút lỗi lầm nào cả…

Tôn giả Xá Lợi Phất nói tiếp:

Thế Tôn! Hôm nay Tự tứ, xin từ bi chỉ dạy về thân, miệng, ý của con có những lỗi lầm, khuyết điểm gì.

Phật bảo Tôn giả Xá Lợi Phất:

Như Lai không thấy Thầy có chút lỗi lầm nào cả. Vì sao? Vì Tôn giả là người luôn giữ vững giới thanh tịnh…Thầy đã thành tựu thật trí sâu rộng, luôn hoan hỷ chỉ dạy đem lại lợi ích cho người học, tâm không ganh ghét, thấy người có khả năng thì luôn hết long chỉ dạy, vui vẻ, tùy hỷ tán thán, nếu vì bốn chúng mà giảng nói pháp thì không hề chán mệt. Thế nên nay Thầy không có chút lỗi lầm nào nơi thân, miệng, ý 9.

Tiếp thừa con đường của Đức Thế Tôn, “theo lệ Phật xưa thầy dạy mỗi năm vào mùa Vu Lan tháng bảy phải gom hội về chung một nơi để thầy dạy đạo, kiểm điểm giới hạnh đọc luật sám hối lẫn nhau và tiện việc tín đồ cư gia, thân nhân quyến thuộc đến thăm viếng, cũng là để thay đổi y bát cùng tính tuổi đạo, gọi ngày Hoan hỷ Vu lan và Tự tứ Tăng”10. Từ năm 1948 đến nay, mỗi năm sau ba tháng An cư đến mùa Vu Lan Báo Hiếu, chư Tăng Ni Khất Sĩ đều tập trung về một tịnh xá để làm lễ Tự tứ. Lần đầu tiên vào năm 1948 Đức Tổ sư Minh Đăng Quang cùng đoàn Tự tứ tại chùa Kỳ Viên Sài Gòn với hơn hai mươi Tăng Ni. Rồi các năm tiếp theo Tự tứ tại Vĩnh Long ( năm 1949, 1950, 1951, Sa Đéc (1952), Vĩnh Long (1953,1954), Cần Thơ (1955), Gò Công (1956), Tây Ninh (1957), Cần Thơ (1958), Biên Hòa (1959), Vĩnh Bình (1960), Vĩnh Long (1961), Tây Ninh (1962). Từ năm 1963 về sau, do thời cuộc chính trị của đất nước nên từng năm về sau mỗi Giaó đoàn tự làm lễ Tự tứ, mọi người đều nhận thấy rằng “Việc tập trung làm lễ như thế khiến cho mọi thành viên trong Giaó đoàn có dịp thân cận gần nhau, gắn kết với nhau, nhờ đó tổ chức của Giáo đoàn được chặc chẽ hơn”11.

Đặc biệt hơn nữa, từ năm 1999 đến nay, Hệ phái Khất Sĩ quy định cứ 5 năm làm lễ Tự tứ chung toàn thể Tăng Ni các Giáo đoàn ( kể cả bên Ni giới Khất Sĩ) được 3 lần. Bắt đầu tổ chức Đại lễ tại tịnh xá Ngọc Viên tỉnh Vĩnh Long năm 1999, kế đến tại tịnh xá Trung Tâm quận Bình Thạnh, TP. HCM năm 2004 và tại tịnh xá Ngọc Uyển tỉnh Đồng Nai năm 2009. Điểm đặc sắc về sinh hoạt lễ Tự tứ của Hệ phái Khất Sĩ từ năm 1948 đến nay đã làm theo luật định và làm sang rỡ được tính chất của Tăng bảo ( một trong Tam bảo) là HÒA HỢP và THANH TỊNH.

 ………o0o………

1 Thiền sư Nhất Hạnh, NHẬT TỤNG THIỀN MÔN NĂM 2000, NXB Tôn giáo: 2004, tr. 21.

2 Minh Thiện Trần Hữu Danh, SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT THÍCH CA, NXB Tổng hợp Tp. HCM: 2007, TR. 373.

3 HT. Thích Thiện Siêu (dịch), LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ tập I, NXB Tp. HCM: 1997, tr. 120.

4 Hán dịch Tăng Gìa bạt đà La, Việt dịch: Tâm Hạnh, CHÚ GIẢI LUẬT THIỆN KIẾN, NXB tôn giáo: 2008, tr. 288.

5 HT. Thích Minh Châu( dịch), kinh TRUNG BỘ, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1992, tr. 79.

6 Thích nữ Trí Hải ( dịch), THANH TỊNH ĐẠO tập I. The Corporate Body of the Buddha Educational FoundationTaipei,Taiwan, R.O.C, tr. 13-15.

Chơn lý tập I, bài Y BÁT CHƠN TRUYỀN, tr. 295.

8 HT. Thích Phước Sơn, LUẬT HỌC TINH YẾU, NXB Phương Đông: 2006, tr. 118.

9 Lược Dịch từ ĐẠI CHÁNH TÂN TU ĐẠI TẠNG KINH tập 2, các trang 457A- 457C.

10 Hàn Ôn, MINH ĐĂNG QUANG PHÁP GIÁO, tr. 37.

11 Thích Nhựt Chiếu, LUẬT HỌC ĐẠI CƯƠNG, NXB Tôn giáo: 2007, tr.92.

 ĐĐ.TS Thích Giác Duyên

Thực hiện: Người con Khất Sĩ