Hành hương, chiêm bái Xá lợi Đức Phật và chiêm bái các thắng tích Myanmar

chùa Vàng

chùa Vàng

Khi đức Phật bổn sư  Thích Ca Mâu Ni viên tịch, hàng đệ tử làm lễ trà tỳ. Sau khi lửa tàn, Đệ tử phát hiện trong tro có rất nhiều tinh thể trong suốt, hình dạng và kích thước khác nhau, cứng như thép, lóng lánh và tỏa ra những tia sáng muôn màu, giống như những viên ngọc quý. Họ đếm được cả thảy 84.000 viên, đựng đầy trong 8 hộc và 4 đấu. những vật thể đó được đặt tên là Xá lợi, là bảo vật của Phật giáo.

 

Chúng ta ra đời không gặp Phật là do sự kém phước duyên - “Áo não tự thân đa nghiệp chướng, bất kiến Như Lai kim sắc thân”. Thế nhưng, như một niềm an ủi lớn lao, dù Phật không còn tại thế, Xá lợi mà Ngài để lại thể hiện sự sống động của Kim thân, qua đó chúng ta có thể chiêm bái, cúng dường như cúng dường Phật

Kinh Đại bát Niết bàn, phẩm Sư Tử Hống Bồ tát, nói rằng: “Đức Như Lai vì muốn cho chúng sanh tăng trưởng phước đức, nên nát rã thân thể mình thành Xá lợi để cho chúng sanh cúng dường”. Phẩm Ứng tận hườn nguyên của kinh này còn nói rõ: “Đức Phật dầu nhập Niết bàn, nhưng còn Xá lợi và Pháp bảo vô thượng thường trụ nơi thế gian, có thể làm chỗ quy y cho chúng sanh”.

 Do đó, theo lời Phật dạy, công đức chiêm bái, đảnh lễ, cúng dường xá lợi Phật sánh bằng với công đức đảnh lễ, cúng dường Kim thân Ngài

Dưới sự chứng minh và  trợ duyên của Thượng tọa Thích Giác Trí, trụ trì Tịnh xá Ngọc sơn ở  Bình Định, vào ngày 25 tháng 2 năm Nhâm Thìn, phái đoàn bản hội Việt Hương – Như Tuệ đã đáp chuyến bay từ Nội Bài sang Myanmar để chiêm bái xá lợi và hành hương đất nước chùa vàng.

Miến Điện là một quốc gia trong vùng Đông Nam Á, diện tích 678.600 km2, dân số 55 triệu với 89% theo đạo Phật. Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc lịch sử Phật giáo Miến Điện. Có lẽ Phật giáo được truyền vào miền bắc Miến Điện (Thượng Miến) vào thế kỷ 3 TL, qua đường bộ từ Bắc Ấn,  trong vương quốc của người Pyu. Trong khi đó, miền nam Miến Điện (Hạ Miến) của người Mon tiếp nhận đạo Phật từ các đoàn truyền giáo Nam Ấn và Sri Lanka đến bằng đường biển. Sau khi vua Anawrahta (1044-1077) nắm quyền, chinh phục người Mon và các vương quốc khác, Miến Điện chuyển sang truyền thống Thượng tọa bộ, vốn bắt nguồn từ hệ phái Đại Tự (Mahavihara) của Sri Lanka, và truyền thống đó được lưu truyền cho đến ngày nay, qua 10 thế kỷ.

Người dân Myanmar hiếu khách, thông minh, họ đã tạo ra nền văn hoá đa dạng với 135 tộc người. Mảnh đất này nổi tiếng với kiến trúc chùa chiền, đồ thủ công mỹ nghệ, vàng bạc, đá quý, sapphire...

 

Sau khi dùng điểm tâm tại khách sạn YUZANA, hình ảnh nhiều đàn chim bồ câu các nơi tụ hội về những góc phố để được cho ăn bởi người dân. Quả thật lần đầu tiên đến đây thượng tọa trưởng đoàn đã thốt lên rằng “góc phố bình yên, ngàn chim hội tụ. bồ câu Oanh Vũ, tám hướng tụ về”

góc phố bình yên

 Bago cách Yangon 100km, một thành phố có lịch sử lâu đời của Myamar được xây dựng từ năm 573 bởi Thamala và Wimala: 2 anh em dòng dõi quí tộc người Mun. Đến Bago, chúng tôi có cơ hội tham quan những  Tu Viện ở địa phương để biết được cuộc sống hàng ngày của các nhà sư. Ngoài giờ hành thiền, đi khất thực nhận thức ăn. Các vị tự tay xây dựng công trình, trang trí cảnh quang trong khuôn viên tu viện. hình ảnh một vị sư đang tô đắp hình ảnh đức thế tôn đang thuyết giảng cho 5 anh em kiều trần như tại vườn nai đã làm cho chúng tôi thật hoan hỷ.

Bỏ lại những ngôi nhà san sát hai bên đường, chúng tôi đã dừng chân tại ngôi chùa thiêng liêng Shwemawdaw . ngôi chùa này với ngọn tháp chính cao 98 mét - được xem là ngôi chùa cao nhất Myanmar, nơi đang lưu giữ xá lơi Phật tóc của Đức Phật.

 

Khi đến Kyaiktiyo (Golden Rock), sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết được biết cái tên Chùa Núi Vàng nằm trên một ngọn núi ở gần thị trấn Kyaikto, quận Thaton, trở nên linh thiêng và huyền bí  bởi nhiều người tin rằng nơi đây lưu giữ một phần xá lợi – một sợi tóc của Đức Phật. Đây chính là lý do khiến cho Chùa Núi Vàng mỗi ngày đón tiếp hàng ngàn lượt tín đồ từ khắp nơi đến thắp hương cầu nguyện và chiêm bái.

Kyaiktiyo nằm trên một ngọn núi cao 1100 mét so với mặt nước biển, là một cụm kiến trúc khá bề thế và rộng lớn với nhiều hạng mục chùa, tháp nhỏ nằm rải rác, có bậc thang dắt lên đỉnh, mà tâm điểm chính là nơi đặt “tảng đá thiêng”. Tảng đá thiêng này nằm cheo leo trên một tảng đá khác, sát ngay mép núi, thoạt nhìn có cảm giác đẩy tay là rơi bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, tảng đá này lại nằm cực kỳ vững chãi qua bao năm tháng, trên đỉnh có đặt một tháp thờ cao khoảng 7.3 mét. Nhiều người tin rằng, do bên trong tháp thờ này đặt xá lợi tóc của Đức Phật nên đã giữ cho tảng đá thiêng đứng kiên gan với đất trời.

 

 

Rất nhiều người  đã đến và đi, họ đã mang tới hương hoa và cả những miếng lá vàng mỏng tang đến dát lên tảng đá để bày tỏ đức tin của mình với Phật tổ, biến “tảng đá thiêng” này thành một “tảng đá vàng” khổng lồ và lấp lánh. Chỉ có đàn ông mới được phép lại gần, chạm tay và dát vàng lên khối đá kỳ diệu này, phụ nữ hoàn toàn bị ngăn cấm vì người dân nơi đây cho rằng nếu để phụ nữ chạm tay vào tảng đá, thì tảng đá sẽ bị rơi xuống vực.

Có lẽ điều thú vị hơn cả với du khách khi tới Golden Rock là được làm hai việc: ngắm hoàng hôn và đón bình minh trên đỉnh Chùa Núi Vàng, cùng lúc trải nghiệm một đêm huyền bí, một sớm mai linh thiêng tại nơi mà đức tin của người theo đạo Phật hiển hiện trong từng cành cây ngọn cỏ, từng phiến đá lát đường và từng ngọn đèn dầu đốt lên trong đêm…

Trong ánh hoàng hôn, “tảng đá thiêng” trở nên lung linh và huyền ảo. Chiều xuống vạch một đường chân trời hồng rực phía xa xa, mặt trời từ từ tụt xuống, khuất mình giữa bảng lảng núi non và sương chiều. Đêm ập đến, phủ tấm áo đen lên vạn vật, nhưng không sao che được tảng đá thiêng đang rực lên trong ánh đèn vàng, xung quanh tiếng cầu nguyện rì rầm, mùi khói hương ngạt ngào hòa quyện.

Trở về Bago Có truyền thuyết ở Pegu kể rằng: Thuở xa xưa, nơi đây là biển nước. Khi Đức Phật cùng các môn đệ qua nơi đây thì thấy có một đôi chim công vàng đang bay là là trên mặt nước. Mọi người rất lo đôi chim sẽ mỏi cánh mà rơi xuống nước. Đôi chim cứ bay lượn cho đến khi thủy triều rút xuống làm lộ ra một mỏm đá chỉ đủ chỗ cho đôi chân chim hạ cánh. Con công trống hạ cánh xuống trước còn con công mái nhẹ nhàng đậu lên lưng con trống. Nhìn thấy hình ảnh đẹp này, Đức Phật tiên đoán sẽ có một Vương quốc hình thành nơi mỏm đá này. Hơn 1000 năm sau đó, nước biển rút đi và hình thành nên những vùng đất mới. Tộc người Mon đã khai phá vùng đất mới này và gọi nó là Hamshawaddy. Đôi chim công vàng xưa được gọi là chim Hamsh và nó cũng là biểu tượng đôi chim của Đức Phật, còn vùng đất được hình thành khi nước biển rút đi từ mỏm đá xưa chính là Bago ngày nay.

 

Hoàng cung Kambawzathardi được vị Vua Bayint Naung cho xây dựng ở Pegu vào năm 1553 tức là hai năm sau khi ông lên ngôi. Dưới triều đại của Bayint Naung, nhiều vùng đất đã bị thu phục và ông Vua này luôn truyền bá tư tưởng Phật giáo ở các miền đất mà ông cai quản.

Năm 1562, vua Bayint Naung đã thống nhất Myanmar và đến năm 1566 thì cho xây dựng thành phố mới được đặt tên là Hamshawaddy (thành phố của chim công vàng Hams) tức là Bago ngày nay.

Năm 1581, vua Bayint Naung qua đời và để lại ngôi vua cho người con trai của mình là Nanda.

Năm 1599, Hoàng cung Kambawzathardi bị đốt cháy hoàn toàn.


Hoàng cung ở Bago ngày nay được phục dựng lại từ những nghiên cứu khảo cổ học cùng hiện vật được tìm thấy trên nền cung điện cũ. Năm 1991, người ta đã đào được 176 cây cột bằng gỗ teak và sau khi phục dựng thành công Kambawzathardi thì những cột gỗ teak này đã được trưng bày ở khu sảnh chính. Ở mỗi đầu cây gỗ đều có những chữ khắc sâu bằng hai thứ tiếng là Mon và Myanmar đánh dấu tên tuổi các vị quan lại và những khu vực những nơi đã cống gỗ để vua Bayint Naung xây dựng Hoàng cung.

 tượng Phật nằm Shwethalyaung dài 55 mét, cao 16 mét được tạc rất công phu và trông giống như thật - đây là tượng Phật nằm lớn thừ 2 trên thế giới.

 ngôi chùa Kyaik Pun nổi tiếng với 4 tượng Phật to lớn ngồi đấu lưng vào nhau và dựa vào một cột hình vuông.

 

Quả thật đất nước Myanmar có môi trường thiên nhiên trong lành với nhiều điểm tham quan văn hóa. Nổi tiếng nhất ở xứ sở Phật giáo này là Shwedagon, ngôi chùa được coi là niềm kiêu hãnh của Myanmar. Cao trên 100 m, tọa lạc trên đồi cây xanh ở Yangon, được đánh giá là một trong những kiệt tác của thế giới, xây dựng cách đây hơn 2.500 năm, Shwedagon lộng lẫy với ngọn tháp chính cao 99 m. Xung quanh chùa chính dát vàng là 64 ngôi chùa nhỏ, 4 ngôi chùa lớn hơn phân bố đều mỗi bên.

Chùa dát 80 tấn vàng nên được gọi là chùa Vàng. Theo tiếng Myanmar, “vàng” đồng nghĩa với “mỹ miều”. Cảm giác tráng lệ như cổ tích là ấn tượng của hầu hết du khách khi đến thăm nơi đây. Để có số vàng khổng lồ dát chùa, dân chúng Myanmar đã đồng tâm đóng góp. Mỗi người dân dù nghèo khổ cũng dành dụm tiền, mua những lá vàng mỏng tiến vào nhà chùa.

Đỉnh của Shwedagon gồm 1.600 viên hồng ngọc, tầng 2 và tầng 3 tháp có gần 90.000 viên hồng, lam ngọc. Tất cả số vàng bạc châu báu này đều do người dân cúng tiến trong tu bổ chùa. Xung quanh chùa chính dát vàng là 64 ngôi chùa nhỏ, 4 chùa lớn hơn phân bố đều ở mỗi bên. “Niềm kiêu hãnh của Myanmar” còn là nơi lưu giữ 4 vật tương truyền của bốn vị Phật như cây quyền trượng của Kakusandha, bộ lọc nước của Konagamana, miếng áo choàng của Kassap, 8 sợi tóc thiêng của Phật tổ cùng nhiều châu báu khác.

 Xứ sở Phật giáo với những ngôi chùa nghìn tuổi chứa đựng niềm tin tâm linh huyền bí, người dân hiền hòa, nồng hậu khiến du khách chúng tôi bị thu hút đến mức không muốn chia tay. Tuy nhiên có hợp ắt có tan, 18 giờ ngày 29 tháng 2 năm Nhâm thìn, đoàn đã có mặt tại Phi trường Yangoon để về lại việt nam, chia tay mà ai cũng lưu luyến và muốn hẹn có  một ngày trở lại mảnh đất thiêng huyền bí, xứ sở chùa vàng linh thiêng.  .

 

  

Tác giả bài viết: Thích Giác Tự