Bầu Trời Minh Đăng Quang
- Thứ ba - 24/11/2015 16:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trăng khuya soi bóng câu thơ
Rừng mây bay trắng một bờ hư không.
Cỏ mọc xanh mộ ngoài đồng
Chiến tranh chết chóc còn nồng màu đêm.
Thiên di còn bóng mây mềm
Dấu chân Khất-Sĩ một niềm hân hoan.
Kể từ trăng mọc đầu non
Tổ sư vắng bóng đạo còn ngàn thu.
Câu kinh là tiếng mẹ ru
Thương cho đứa bé chân tu xa người.
Mười tháng tuổi mẹ qua đời
Môi khô mùi sữa không lời thốt ra.
Phải chăng trong cõi ta bà
Thánh nhân phải chịu khảo tra nghiệp trần.
Ru đêm trăng ngủ ngoài sân
Thôi nôi không có mẫu thân gần kề.
Mở trang kinh kệ giác mê
Ngọn đèn " Chơn Lý" người về non cao.
Cung trời Đâu xuất năm nào
Vì nhờ con hiếu mẹ vào thiên thai.
Tâm đà mở cõi bồng lai
Khi người vắng bóng Phật đài hiển linh.
Hiển linh trong cõi vô hình
Truyền trong tuệ giác của nghìn người tu.
Lúc người trở gót phù hư
Năm mười lăm tuổi trầm tư một mình.
Khi đi đến chốn Nam Vang
Bốn năm học đạo nặng mang ơn thầy.
Trở về quê cũ chốn này
Phụ thân ngồi tựa nhìn mây ngoài cồn.
Xa xăm vẳng bước chân dồn
Tịch liêu mái ngói hoàng hôn chân trời.
Nghe danh một vị cùng thời
Đức Huỳnh Giáo Chủ(1)* ở vùng Thất-sơn
Phải chăng trời sinh thánh nhơn
Từ đau khổ, lửa căm hờn, hiện ra.
Cũng từ khói lửa nước nhà
Đau thương khắp cõi ta bà chúng sinh.
Cửa chùa mây phủ lời kinh
Thương cho bá tánh điêu linh khôn cùng.
Rừng sâu chim chóc rã đàn
Đồng hoang tiếng dế trong hang chiều tà .
Nước non rú lạnh tha ma
Dòng mê chảy mãi một màu trăng lu.
Phong sương lấp kín sa mù
Tình xoay hoàn vũ trong cù lao mây.
Mọng sương điểm trắng rừng cây
Du phương Khất-sĩ nhìn bầy thiêu thân.
Yêu quê cay đắng nhục thân
Chiều đau chiếc lá ngấn ngần mùi nhang.
Đêm nằm đắp mộng bàng hoàng
Mưa tan phù ảo nhẵn mòn trời xa.
Thấy mây từ xứ Phật- Đà
Bay qua quốc độ nhộm tà áo tăng.
Thất Sơn một ngọn nhiên đăng
Viễn phương hồng lệ chớp lằn trời Nam.
Vĩnh Long thấp thoáng màu lam
Mùi hương đất dậy trong am kinh cầu.
Kim-Huê một mối tình đầu
Bể dâu đâu dễ sạch làu mai sau.
Sông quê thương ngọn cỏ lau
Sài-gòn Chợ-lớn còn đau lời thề .
Chân người bước lặng đường mê
Đường xưa mây trắng nẻo về hợp tan.
Dang tay ôm cuộc sinh tồn
Lìa mê xác bỏ một hồn héo hon.
Nàng đi bỏ lại chồng con
Lẻ loi cô độc trên non mộ vàng.
Huyễn mộng thời khắc đêm tàn
Kim-Huê một đoạn sổ tan ghi rồi.
Dương trần tục lụy đã bôi
Đành lòng gửi trả mây trôi về rừng.
Khóe mắt trào lệ rưng rưng
Đưa tay lau sạch chín từng mây trôi.
Bảy đêm nhật nguyệt luân hồi
Mũi-Nai linh hiển tỉnh rồi nguồn cơn.
Trễ tàu nhìn sóng lênh đênh
Trùng dương tảo mộng nghe hờn xanh.
Ba năm tu ẩn rừng sâu
Bảy năm thuyết pháp nhiệm mầu Thế- tôn.
Bình bát chứa lệ vô ngôn
Trong mùa tưởng niệm chư tăng nguyện cầu.
Giác-Nhiên (2)* về lại ban đầu
Sóng mờ vũ trụ tìm đâu quê nhà.
Tìm màu rêu ố biển dâu
Ngoại phương chấp cánh về đâu hỡi rừng.
Mũi-Nai nắng khỏa một vừng
Lệ tan thành khói trên từng vết nhăn.
Tìm trên phế tích đồng bằng
Dòng sông sử lịch Minh-Đăng áo vàng..
Con thuyền Thiên-cổ đưa sang
Thắp một ngọn đuốc vẹt màng tối tăm.
Buổi chiều mắt ngó xa xăm
Nhìn mây Thượng-cổ về nằm Thất-sơn.
Đã làm một cuộc Thiên-di
Không sờn chí cả Mâu-Ni đăng trình.
Buổi đầu chỉ một bóng hình
Linh-sơn Bửu-tự U-huyền Pháp-hoa.
Tháng tư trăng sáng một tòa
" Thuyền-Bát-Nhã"...Ngài hiền hòa giáo dân.
Mỹ Tho ngày ấy bước chân
Tay ôm bình bát đạo dần mở khai.
Xin ăn vào mỗi sớm mai
Khơi mầm chánh pháp Như-lai phổ truyền.
Trở lại Chợ-lớn Du-thuyền
Mang tên Khuất-sỹ khắp miền gần xa.
Khai-sơn Sư-tổ trong ta
Ngọn đèn Chơn-lý ngày qua không tàn
Mười năm du hí mộng vàng
Một chiều đứng lặng nhìn trời chim bay
Bã-đậu ơi!...buồn điều gì?
Hay tiếng Ngựa-khóc(3) *Thiên-di bóng người
Núi-lửa trong mắt rực cười...
Ngàn-năm còn-mãi bầu-trời....Minh-Đăng-Quang.
Chú Thích:
(1)*Đức Huỳnh giáo Chủ(1919-1947) : Người sáng lập đạo Phật-giáo Hòa-hảo
(2)* Thích Giác Nhiên (1923-2015): Vào sáng ngày 12/03/2011 đức Pháp chủ Thích Giác Nhiên từ nước ngoài đã trở về thăm Mũi Nai- Hà Tiên nơi Tổ ngồi nhập định chứng quả và bắt đầu khai mở giáo pháp Khất sĩ.
(3)*Ngựa-khóc: Vào ngày 1 tháng 2 năm Giáp-Ngọ (1954), Sư rời Tịnh xá Ngọc Quang đi với một vị sư già và một chú điệu qua Tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long), rồi qua tiếp Cần Thơ. Nhưng khi đến Cái Vồn (Bình Minh, Vĩnh Long) thì Sư bị một số người bắt đi thất tung cho đến nay.