Luật ngôn và Phật ngôn

Đạo Phật được bảo tồn lâu dài là nhờ giới luật; các sư được tôn trọng sùng bái là nhờ giới luật; bá tánh được an cư lạc nghiệp, vui hưởng mọi sự lành, cũng nhờ giới luật nữa! Ở xứ nào mà người ta có giữ hạnh, thì dân chúng được bình an, không có tai nạn phiền hà; dầu là nhà sư Đại thừa ở Tàu, ở Nhật; dầu là Tăng Lạt ma giáo ở Tây Tạng; dầu là Tỳ kheo Tiểu thừa ở miền Tích Lan hay Thiên Trước, mọi người đều phải trân trọng giữ giới, và nhờ sự bảo hộ bởi giới lành. Lại cư gia bá tánh cũng thế, không phân biệt là miền Đại thừa hay Tiểu thừa, ai nấy đều phải cần trì giới, giữ hạnh, để sống một cách phải thế, trong sạch và hiền hòa.
Hình minh hoạ

1. LUẬT NGÔN

a) Đạo Phật được bảo tồn lâu dài là nhờ giới luật; các sư được tôn trọng sùng bái là nhờ giới luật; bá tánh được an cư lạc nghiệp, vui hưởng mọi sự lành, cũng nhờ giới luật nữa! Ở xứ nào mà người ta có giữ hạnh, thì dân chúng được bình an, không có tai nạn phiền hà; dầu là nhà sư Đại thừa ở Tàu, ở Nhật; dầu là Tăng Lạt ma giáo ở Tây Tạng; dầu là Tỳ kheo Tiểu thừa ở miền Tích Lan hay Thiên Trước, mọi người đều phải trân trọng giữ giới, và nhờ sự bảo hộ bởi giới lành. Lại cư gia bá tánh cũng thế, không phân biệt là miền Đại thừa hay Tiểu thừa, ai nấy đều phải cần trì giới, giữ hạnh, để sống một cách phải thế, trong sạch và hiền hòa.

b) Thiếu chơn không đi được, cũng như thế, thiếu luật không lên cõi thượng thiên được; ai muốn sanh lên cõi trên, ngay kiếp này, phải giữ giới luật cho kỹ, vì nó là chơn của mình, đưa mình đi. Tên đánh xe, khi qua truông, thấy mất cái chốt ở bánh xe hay thấy cốt xe gãy, thì nó buồn; cũng như thế, kẻ phạm giới đến giờ chết thì rầu lắm. Soi gương vui hay buồn là tùy mặt mình tốt hay xấu; đọc giới luật cũng thế, người nghe vui hay buồn là do nơi họ có giữ giới, hay đã phạm giới.

 

2. PHẬT NGÔN

1. Đừng làm việc quấy nào hết; hãy làm việc phải luôn luôn, làm cho trong sạch các sở ý của mình; ba cái lý đó, tóm rút đạo lý của chư Phật.

2. Đối với nhà sư, gần rắn độc còn hơn là gần đàn bà, vì con rắn chỉ hại mạng mà thôi, chớ người đàn bà nhận chìm tới địa ngục lận. Đã bao phen ta lấy đủ các thí dụ, mà làm cho đệ tử hiểu rằng: ái tình rất nguy hiểm, đối với người, cũng như lửa đối với rơm, cũng như rắn độc, cũng như gươm hươi, cũng như hèo nhọn, nó làm cho nhơ nhuốc Giáo hội của ta.

3. Diệt sự ô trược, diệt các tư tưởng bất chánh, là diệt bằng cách tham thiền, làm yên tịnh và thanh bạch cái tâm, cũng như trời mưa làm rạp gió và bụi vậy.

4. Có hai hạng người giả dối đáng chê, một hạng khoe mình trong sạch, mà họ không có trong sạch gì, một hạng nữa khoe mình có đức, để được sướng miệng và no bụng mà thôi. Những người đó nói láo đặng cho người ta bố thí, vì người ta lầm mới cho. Những người đó là hạng giả danh đạo đức vậy.

5. Chúng ta phải dùng tư tưởng tốt, mà đuổi tư tưởng xấu, và chúng ta phải chặt đứt các dây xiềng để tới Niết bàn.

6. Trước khi ngủ mà chăm chú tới ý tưởng quấy, thì bị năm điều hại: Chiêm bao thấy bậy, thần thánh không phò trì, cái tâm tách xa đường đạo, việc vọng tưởng làm nguội lạnh sự tham thiền, và cái thân phải dính trược.

Trước khi ngủ, mà chăm chú về ý tưởng phải, thì được năm điều lợi: Chiêm bao thấy điềm lành, được thần thánh phò trì, cái tâm khắn chặt với đạo lý, sự tham thiền càng được thêm hiệu quả, và cái thân không dính trược.

7. Xin nhiều người ghét người phiền

Xin mà chẳng đặng ta liền buồn ngay

Vậy nên ta chớ xin ai

Đặng cho an lạc khoan thai một mình.

8. Có hai thứ người sa địa ngục, đầu đâm xuống đất, chơn trở lên trời, ấy là bọn giả danh đạo đức, và bọn phỉ báng người có hạnh.

9. Mặt trời và mặt trăng lu lờ là bởi bốn vật: Thần sanh như nhựt thực và nguyệt thực, mây với sa mù, khói và bụi. Cũng như thế, chư Tỳ kheo mất cái minh mẫn, là bởi bốn món này: Rượu, sắc dục, vàng bạc và sự danh lợi phong lưu.

10. Khi nào mình nói: dầu với thú vật cũng vậy. Phải nói thế nào cho người ta được dạn dĩ thêm, chớ không phải chôn sống hạ mạt người ta.

11. Con người ta thường thường bất bình nhau là bởi có kẻ khác xen vào.

12. Nương mình ở chỗ thanh êm

Thì lòng khoái lạc càng thêm thâm trầm

Sống mà giữ giới chẳng lầm

Thì bề yên tịnh mười phần chẳng xao

Chẳng ganh, chẳng ghét người nào

Chẳng hay phá hại đau rầu chúng sanh

Chẳng còn mong mỏi ham tranh

Chẳng còn luyến ái quẩn quanh theo mình

Phải cho khéo tập, khéo gìn

Thì phần phước trọn mặc tình thảnh thơi.

13. Đức thầy chỉ dặm nẻo đường xa

Chẳng trở, chẳng lui, chẳng sợ tà

Lang hổ rống to Ngài tỉnh mỉnh

Gió mây thổi nhẹ Phật ôn hòa

Chú tâm cứu khổ cho muôn loại

Định trí vớt nàn kẻ bá gia

Phàm tục Thánh Tiên nhờ tế độ

Được thêm thuần hậu chốn Ta bà!

Tác giả bài viết: Tổ Sư Minh Đăng Quang