Tổ sư Minh Đăng Quang - Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX

Lúc thiếu niên, Ngài có phong cách sống khác biệt so với các anh em trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Ngoài những buổi học hành, lao động phụ giúp thân phụ, Ngài thường tìm đọc sách, nghiên cứu và ngồi suy tưởng tại một nơi yên tịnh. Do thiên tư tĩnh lặng ấy, Ngài được phụ thân cho phép dựng một cái cốc nhỏ trong vườn nhà, để có nơi học hành và suy nghiệm. Ngài vốn có tính tình điềm đạm hay giúp đỡ mọi người nên rất được lòng người chung quanh.
Tổ sư Minh Đăng Quang - Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX

Tổ Minh Đăng Quang thế danh là Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, sinh ngày 26 tháng 9 năm Quý Hợi (1923) tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình thuộc thành phần trung nông, hiền lương và trung hậu, kính tin Phật pháp nhiều đời.

Thân phụ là ông Nguyễn Tồn Hiếu, và thân mẫu là bà Phạm Thị Nhàn. Ngài là con trai út trong gia đình có năm anh em. Theo truyền khẩu, thân mẫu Ngài mang thai Ngài đến tháng thứ mười hai mới sanh. Và mười tháng sau, bà đã an nhiên qua đời mà không hề nhuốm một căn bệnh nào.

Lúc thiếu niên, Ngài có phong cách sống khác biệt so với các anh em trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Ngoài những buổi học hành, lao động phụ giúp thân phụ, Ngài thường tìm đọc sách, nghiên cứu và ngồi suy tưởng tại một nơi yên tịnh. Do thiên tư tĩnh lặng ấy, Ngài được phụ thân cho phép dựng một cái cốc nhỏ trong vườn nhà, để có nơi học hành và suy nghiệm. Ngài vốn có tính tình điềm đạm hay giúp đỡ mọi người nên rất được lòng người chung quanh.

Năm Đinh Sửu (1937) khi vừa 15 tuổi, Ngài xin phép phụ thân cho xuất gia học đạo. Sau nhiều lần tra gạn lý do và Ngài đã bộc bạch tận tường những ý định cũng như mục đích chính đáng của mình, nhưng phụ thân đã dùng quyền làm cha để ngăn cản với lý do Ngài hãy còn quá nhỏ, không thể đi xa gia đình. Nhưng thầm kín sâu xa nhất nơi trái tim người cha lúc này vẫn Ngài là con trai út, bao kỳ vọng đặt trọn nơi người con mà từ tính tình cho đến tác phong được mọi người quý mến.

Ngài vẫn nung nấu chí xuất gia. Sau khi nhận thấy sự nguôi ngoai nơi phụ thân, Ngài bằng mọi cách để cha mình thấy được rằng tự thân sẽ chịu đựng được trước mọi gian nan thử thách trên đường đời. Rồi một đêm, khi những lời hứa cho xuất gia của một người cha nặng lòng yêu thương đứa con út chưa dứt âm vang Ngài đã âm thầm ra đi. Nơi đến đầu tiên là tận đất nước Campuchia, nơi có nhiều chùa tháp hùng vĩ, thể hiện tinh thần Phật giáo vĩ đại, với bóng dáng của rất nhiều Tăng sĩ trang nghiêm hành trì Phật Pháp.

Ngay từ ngày đầu đặt chân đến đất nước Campuchia, thiện duyên đưa Ngài gặp được một nhà sư người Việt gốc Khmer, nổi tiếng từ lâu về kiến thức Phật đà. Ngài không ngần ngại quy ngưỡng và thọ giáo trong suốt thời gian tu học tại đây.

Năm Tân Tỵ (1941) sau bốn năm sống và học đạo nơi xứ người, dốc lòng nghiên cứu tìm hiểu kinh tạng và đường lối y bát chơn truyền của đức Phật, Ngài nhận thấy tương đối đầy đủ, cùng với năng lực bản thân, có thể trở về quê hương hành đạo. Do đó Ngài đã xin phép Thầy mình trở về Việt Nam. 

Khi vừa về đến quê hương, chướng lực đầu tiên đã ập đến, chút nợ trần còn vướng nên Ngài phải trả để tương lai nhân quả được nhẹ nhàng. Đó là việc Ngài lập gia đình với cô Kim Huê, người đã mang ơn cứu tử nơi Ngài. Tuy nhiên chưa đầy một năm sau cô Kim Huê từ trần.

Đầu năm Quí Mùi (1943) Ngài trở lại con đường tu học, mạnh dạn đi sâu vào lãnh vực nghiên cứu để hiểu thêm về đường lối của hai hệ phái Bắc Tông và Nam Tông. Ngài trở lại vùng Thất Sơn tìm vào chốn u tịch, hợp với tâm cảnh, để thực hành sở nguyện suy tầm đó. Sau khi rời Thất Sơn, Ngài qua Hà Tiên dự định một chuyến ra tận Phú Quốc, nhưng do trễ chuyến tàu nên Ngài ở lại ghềnh mũi Nai, ngồi tham thiền an trú trong chánh pháp Bát Nhã. Năm ấy Ngài tròn 22 tuổi.

Năm Giáp Thân (1944), Ngài đã ngộ chứng được lối đạo dung hòa kết hợp truyền thống cao đẹp của hai hệ phái Bắc Tông và Nam Tông để lập nên một phái Khất Sĩ mang riêng bản sắc Việt Nam. Rằm tháng tư năm ấy, Ngài bắt đầu truyền khai tư tưởng và lối đạo của mình tại chùa Linh Bửu, làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho, và đã trở thành vị Tổ đầu tiên của Giáo phái Khất sĩ Việt Nam.

Từ đó, ảnh hưởng Giáo phái Khất sĩ Việt Nam mỗi ngày thêm lan rộng theo chân vân du hành đạo của Ngài.

Tất cả những thời pháp do Ngài diễn giảng trong suốt phần đầu quá trình khai hóa ấy, đều được ghi lại đầy đủ trong bộ Chơn Lý, gồm 69 tiểu luận. Trong đó Ngài đã dung hợp được những tinh hoa Phật pháp của cả hai hệ phái Nam và Bắc Tông theo yếu chỉ trung đạo của giáo lý Phật đà. Theo đó, bản thân người Khất sĩ phải thực hiện đúng mục đích của hệ phái là: trang bị tinh thần không mưu cầu tích trữ vật dụng, tiền bạc... không gia đình; mỗi sáng ôm bình bát đi khất thực, không ở nơi nào nhất định...

Buổi ban đầu khai hóa đã thành công mỹ mãn, được sự đồng tình ủng hộ và tu học theo con đường Ngài đã vạch. Chỉ trong thời gian ngắn, đã có hơn 100 vị xuất gia hành trì, trên chục ngàn Phật tử theo thọ giới quy y với Ngài và từ miền Đông đến miền Tây Nam bộ đã có trên 20 ngôi tịnh xá của hệ phái, đủ nói lên sức ngưỡng mộ mạnh mẽ nơi chơn lý.

Trong hàng đệ tử ban đầu của Ngài, có nhiều vị đã lập được những đoàn du Tăng hành đạo khắp miền Trung và miền Nam từ năm 1955 đến 1975. Trong đó có các Ngài Giác Tánh, Giác Chánh, Giác Nhu, Giác Tịnh, Giác An, Giác Nhiên, Giác Lý, Giác Đức...

Bên Ni giới có Ni trưởng Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Kim Liên, Ngân Liên, Chơn Liên...

Trong hàng giáo phẩm hiện nay, trực tiếp tham gia làm thành viên GHPGVN có các Hòa Thượng Giác Nhu, Từ Huệ. Và trong Hội đồng Trị sự có Thượng tọa Giác Toàn và Ni sư Ngoạt Liên.

Trong suốt thời gian 10 năm, kể từ ngày hoằng khai mối đạo tại chùa Linh Bửu, phương pháp hành trì và sự hướng dẫn trực tiếp của Ngài đã đem lại nhiều lợi lạc cho cộng đồng Phật giáo Nam bộ. Tuy vậy, do tác động và ảnh hưởng của hệ phái Ngài khai mở quá lớn nên cũng không tránh khỏi những hiềm khích từ phía những người ngoại đạo.

Ngày mùng 1 tháng 2 năm 1954, sau khi căn dặn một số điều thiết yếu cho các đệ tử của Ngài tiếp tục hoằng khai các du xứ. Ngài định mở chuyến đi sâu xuống các tỉnh vùng Hậu Giang để tiếp tục khai truyền. Nhưng khi đi từ Tịnh xá Ngọc Quang (Sa Đéc) qua Tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long) sang Cần Thơ Ngài đã bị những người ngoại đạo bắt đi biệt tích.

Hơn 40 năm vắng bóng Tổ Minh Đăng Quang, những người thừa kế vẫn kiên trì chờ đợi, tiếp tục gìn giữ những thành quả đã đạt được và không ngừng chăm lo phát triển, làm cho hệ phái Khất sĩ ngày càng vững chắc trong lòng Phật giáo Việt Nam.

Hiện nay (1994) hệ phái Khất sĩ Việt Nam có hơn 250 ngôi Tịnh xá đều khắp ở hai miền Nam, Trung Việt Nam, với hơn 1500 Tăng Ni xuất gia và nhiều chục vạn tín đồ.

Hằng năm, hàng môn đồ tứ chúng lấy ngày mùng 1 tháng 2 để kỷ niệm ngày Tổ vắng bóng, cùng nhau vân tập tại Tịnh Xá Trung Tâm (Sàigòn) ôn lại những lời dạy và ghi nhớ công ơn khai sáng của Ngài. Để tỏ lòng thiết tha quí kính Ngài, các thế hệ tiếp nối tưởng niệm Ngài bằng tấm lòng trân trọng: Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang.

Các tác phẩm Ngài đã viết trong quá trình hành đạo nay còn lưu lại: 

- Bộ Chơn Lý

- Bồ Tát giáo.

(Trích từ TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I )

Tác giả bài viết: Thích Đồng Bổn