Tháng năm sương mù

Khuya lặng lẽ trôi trên dòng khói thuốc, tôi nằm trên căn gác nhỏ nhìn vầng trăng bên ngoài cửa sổ. Gió lạnh lùa qua khung cửa, tôi ngủ mê mang và nói sảng suốt đêm. Ngoài bìa rừng tiếng suối chảy róc rách, những cơn mưa phùn rơi trên mái hiên, từng giọt rơi xuống, tôi mơ thấy những trang sách đã cũ trên kệ vẫn nằm im trong suốt quãng thời gian tôi vắng nhà.
Tháng năm sương mù

Bình minh mùa đông, tiếng gà gáy sớm, những mảng sương mờ tan loang vào không khí, chúng dần bốc hơi và rút xuống sau tia nắng lẻ loi.

Căn gác bừa bộn những sách, mạng nhện, gỗ lũa, tranh vẽ phật và những tờ giấy vụn. Tôi xếp chúng vào từng kệ sách. Mân mê những hình ảnh cũ, những tháng ngày đã qua, khi trở về nỗi buồn thấm vào tôi. Lúc trước tôi thường bị ám ảnh bởi những cuốn sách viết về phật giáo. Cuốn Lịch Sử Đức Phật tôi lục tìm nhưng không thấy, tôi nhớ chú Huệ Minh đã cho tôi mượn. Trong  những đêm thức trắng tôi lần mò đọc, cuốn sách chứa nhiều nội dung về lịch sử thời đức phật còn tại thế. Tuy không nhớ tên tác giả nhưng vẫn nhớ là do một người Đức đã du hành và sống trên đất Ấn viết nên. Bây giờ nghĩ lại tự thấy ăn năn vì đã làm thất lạc một cuốn sách quý.

Năm nay trời trở lạnh sớm, tôi trốn trường về quê để tìm cho mình một khoảng không gian yên tĩnh sau những tháng ngày mệt mỏi ở Sài Gòn. Mắt mẹ vẫn lo âu vì mẹ hiểu tôi hơn ai hết. Đời có bao giờ thôi buồn khi mùa đông còn gió rét, mảnh trăng còn bàng bạc lúc về khuya...

Hôm nay mẹ tôi có công việc trên thôn nên tôi đi đưa cơm thay mẹ. Tôi luồn qua dãy hàng rào được kết bởi những nhành cây bạch đàn. Căn nhà tối om dưới bầu trời chập tối, tôi gõ cửa:

- Bà ơi! Mẹ dặn con đem cơm xuống cho bà, bà mở cửa cho con đi.

Cánh cửa mở, tôi bước vào nhà rồi đặt phần cơm xuống cho bà sáu

- Ôi! Quý tử, con của mẹ Liền đem cơm xuống cho bà đó phải không.

Ánh sáng đèn pin phả vào giọt nước vừa rớt trên đôi mắt già nua kia.Trong tôi, hằn lên một nỗi xót thương. Gió mưa cứ thong thả rơi hoang trong cõi trời đất vô cùng, và con người cứ lầm lũi sống trong tàn tích của lịch sử quê hương…

Tôi rời căn nhà, nơi bóng tối đang ngự trị trên đôi mắt của bà…

 

- Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

 

Giữa vòm bát chánh đạo, bàn thờ Tam bảo phảng phất khói nhang, đại chúng đang tụng tới phẩm Bát- nhã. Hôm nay tôi về tịnh xá tụng kinh. Câu thần chú vừa đọc xong, tôi chấp tay hướng về Tam bảo mà phát nguyện quy y và hướng nguyện về một cảnh giới tốt đẹp trong tâm thức.

Mùa đông trăng tròn, tiếng hạc ngậm sương thả rơi những thanh âm huyền hoặc. Bóng tháp thờ xá lợi Phật từ Myanmar rung rung như một huyễn tượng đã được phong kín bởi những câu kinh bằng tiếng Phạn. Tôi theo chân sư ông lên từng bậc thang…lên cao và cao nữa , đỉnh tháp chỉ còn cách trời xanh một ý nghĩ của Bát- nhã. Nhìn núi Kì Sơn thâm u, những ngôi mộ được chong sáng bởi những bóng đèn màu. Tôi tự hỏi mình về Ngũ-uẩn, trong khi sư ông đang đưa mắt nhìn cánh đồng từ tầng thứ chín của ngọn tháp. Chân tóc đã bạc màu, sự huyền bí của tạo hóa chính là tấm y bát đang giảng cho tôi về cuộc sống thanh thoát của một vị tu sĩ. Tôi nhìn vào khoảng trống sau lưng. Mẹ Quan-Âm tay cầm nhành dương thị hiện giữa một vùng núi đồi tịch mặc, chợt câu hỏi của tôi đã được chính tôi trả lời trong lúc tôi chấp tay đứng lặng nhìn sư ông.... tôi nhìn thấy dư âm của một tâm hồn vững chãi giữa hoang tàn của chiến tranh trong cuốntruyện “Dưới mái chùa hoang’’ đang nhập thế để truyền tải thông điệp của như lai...

Trăng vẫn neo trên mấy tầng mây, soi chiếu xuống thế gian tù đày muôn kiếp. Tôi dõi theo bóng trăng, khi sư ông vừa bước xuống tầng cuối cùng của tòa tháp với những ý nghĩ mơ hồ.

Đêm nay ánh trăng đã mờ hẳn vì mưa, tôi nằm nghe bản tình ca mùa đông từ bầu trời hắt hiu gió mùa đông bắc...

Nỗi nhớ Sài Gòn cứ gợi lên bao thứ men của sầu muộn. Tôi đã biết yêu từ độ trang giấy trắng học trò còn lem mực. Đã một lần tôi thức trọn đêm để viết thư gửi bằng tin nhắn qua facebook cho một người con gái tên Hằng. Tôi biết cho dù tôi có nói với em bao nhiêu lời yêu đi chăng nữa thì chưa chắc nỗi nhớ người xưa sẽ phai nhạt trên bức màn đêm. Có thể người sẽ chọn thái độ im lặng, hoặc từ chối hay tìm cách lẩn tránh câu hỏi của tôi:

- Em có thương anh không…!

Tôi nhận ra chính mình ở ngay cánh cửa vừa khép. Một nụ cười héo và một ánh nhìn buồn bã.

Bây giờ tôi cách xa em trong một đường chim bay. Những thao thức lúc gần sáng với từng tiếng tơ lơ đãng, nốt nhạc rời và giọng hát Khánh Ly như cắt cứa tâm hồn. Phải chăng Bài không tên số 10 của cố nhạc sĩ Vũ Thành An đang nhấn chìm tôi xuống đáy sâu của hố thẳm.Một khuya buồn thơ thẩn, mái tóc dài bay trong gió, tôi nhìn vầng trăng đang neo giữa phố đèn. Nếu được gặp em một lần khi còn sống ở Sài Gòn thì chắc có lẽ tôi sẽ không hối hận khi theo em đến nơi này.

Mộng nay đã tàn, vài giọt sương còn gá trên hàng kẽm gai của bức tường xám vàng quân đội. Vết hằn năm tháng còn đó, dù em có chối bỏ câu hỏi của tôi, hay em vô tình bỏ quên tôi giữa Sài Gòn…thì tôi vẫn mãi đau khổ ....chỉ vì tôi thương em...

Tôi để dành thời gian cho việc đọc sách, những khi cô đơn hay nằm trơ một mình với cuốn Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại  do Bùi Giáng dịch, tôi lại nhớ Hằng như Bùi Giáng nhớ Kiều, kỳ nữ Kim Cương, em mọi vô danh ở bờ cõi phi châu, hay những minh tinh màn bạc ngoại quốc như Marilyn Monro và Brigitte Bardot!. Tất cả như dằn xé ý thức của tôi, tôi hay mộng tưởng... tôi đã cháy đã chảy đã chày đã chạy đã chay trong tấu khúc hoang sử, hốt nhiên tôi thấy thể xác lẫn linh hồn tôi bị dìm sâu đến không còn nhận thức được gì trên cuốn :“ Ý thức mới trong văn nghệ và triết học’’ của Phạm Công Thiện.

Mưa mùa đông hay mưa Tây Tạng đang tàng hình xuống dãy Thất Sơn huyền bí. Để miền quê khắc khổ của tôi chìm trong bão lũ điên cuồng…

Tôi đã khép tất cả các cuốn sách sau một đêm hoang tưởng. Khi đối diện với ngày, thực tại đã làm tôi bật cười trước bao nhiêu điều huyễn hoặc.

Chiều nay mẹ tôi lại bận công việc trên thôn, nên tôi có dịp nghe bà sáu kể về cuộc đời bà trong những năm lưu lạc kiếm sống bằng nghề thầy bói và xem chỉ tay.

Bà là người quê ở Hải Dương, mẹ bà mất lúc bà vừa tròn 10 tuổi, sau cha lấy thêm vợ mới. Gì của bà rất thương, nhưng những đứa con của gì thường hay hất hủi, đánh đập. Bà bỏ đi biệt xứ vì không kham nổi cuộc sống nơi mà chính bà đã được sinh ra.

Dòng đời như nước cuốn, thời gian bà vào miền trung, bà đã đến với một người đàn ông đã có vợ, bà chấp nhận làm vợ bé. Bà cả thương hoàn cảnh nên cũng đồng ý cho bà sống chung. Được một thời gian ngắn, những đứa con của bà cả cũng bắt đầu đánh đập, la mắng, khiến bà phải ra khỏi nhà trong muôn điều uẩn ức.

Bấy giờ bà phải quay về quê hương để tìm lại tình thương của cha, với hy vọng sẽ được đón nhận...

Cha bà là thủy thủ, lái tàu đánh Pháp, ai ngờ người cha cũng bỏ bà ra đi vào cõi vô cùng, nơi huyệt sâu của nấm mồ đại dương.

Quê hương lại một lần nữa từ chối đứa con hoang của lịch sử, dòng sử mệnh đã cuốn trôi đi những phận người vào hoang địa của kiếp sống vô thường.Tiếp theo những chuỗi ngày sau đó bà lại lưu lạc vào Nam sống nhờ vào người cô còn lại ở gần cầu Thị Nghè, nhưng sau khi lính Pháp và một đội quân Ma-Rốc vào chiếm đóng, bà trở lại Bình Định và gặp mẹ tôi. Lúc này mắt bà đã bắt đầu mờ dần, sau một thời gian ngắn, do suy nghĩ quá nhiều về cuộc sống khổ cực hiện tại đã làm cho mắt bà mù hẳn. Bà không còn ai thân thích, lại sống một mình cô quạnh trong một căn nhà nhỏ. Mẹ tôi thấy thương và đồng cảm nên

mỗi ngày bà thường đạp xe mang cơm cho bà sáu.

Bà kể cho tôi nghe về một Sài Gòn trước năm 1975, về những ngôi trường như Marie Curie, Petrus Trương Vĩnh Ký, và những tên đường mà bà từng đi qua như đường Testard,đường Richaud, đường Pierre Flandin .... Nhưng dường như tôi đã cảm được hình ảnh của bà.... khi kí ức ùa về con người ta sống dậy sau giấc mơ của đời người, và ít nhất họ đã một lần sống trọn vẹn với quá khứ.

Tôi ngồi trong căn nhà mà ở đó chỉ có tôi và một bà già mù. Nhưng trong tâm thức của tôi đang ánh lên những vệt sáng tơi đẹp của cuộc đời.

Tôi kể lại cho bà nghe về Sài Gòn hôm nay: ồn ào, náo nhiệt và đông người với những ngôi nhà cao tầng mọc lên như nấm rạ mọc sau đêm mưa. Nói đến đây tôi nhìn bà sáu ngồi tựa lưng vào cửa, đôi mắt sụp xuống như  buôn một dòng tự sự.

Trở lại sài gòn, tôi mon men theo những con đường quen thuộc. Vào những chiều thứ 7, khi được nghỉ sau một tuần học tập. Tôi đạp xe qua đường D2 ghé quán cà phê Vesly, ngồi nói chuyện với một người anh thân quen. Rồi cũng chiều hôm ấy tôi đi lạc xuống Quận 1, cũng không hiểu vì đâu tôi lại lanh quanh thành phố tới tận 10 giờ tối tôi mới phát hiện ra rằng tôi đang đứng trên cầu Thị Nghè. Vết rong rêu vẫn còn bám trên vách đá, những nhà máy trông cổ xưa lắm, đoạn đường yên tĩnh, cơn gió xuân thổi nhẹ, nhưng trong tôi lại đang mơ màng về những làn khói mỏng nơi quê nhà.

 

- Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

 

Chiều hôm sau, tôi đi dọc đường Nam Kì Khởi Nghĩa. Câu thần chú vang vọng từ trong chùa Vĩnh Nghiêm. Từ đoạn Nam Kì Khởi Nghĩa, tôi tìm địa chỉ 294, tôi dựng xe đạp vào tường ở phía bên ngoài của một ngôi chùa gần đó, tôi chấp tay chào quý thầy trong chùa và hỏi phòng làm việc của tòa soạn tạp chí Văn Hóa Phật Giáo , tiếp đó tôi đã làm những việc mình cần làm và sau khi nhận tiền bút xong, tôi ra về trong khi chén trà thơm tôi chưa uống hết, và nó vẫn còn ở trên bàn tiếp khách của tòa soạn.

Như thế đó, tuổi trẻ cứ mãi lo toan mà chưa một lần dành cho mình những giây phút thanh thản, tuổi trẻ vụt trôi qua trong dòng đời vội vã. Tháng năm có chờ đợi ai đâu…

Tác giả bài viết: Trần Quốc Toàn - Thiện Hưng