Bài 04 Niềm vui tương đối

Hôm nay là ngày mùng 2 tháng 12 năm 1993, chúng ta ở tại Xóm Thượng và chúng ta học tiếp về tứ diệu đế.

Trong tiếng Hán-Việt khổ nghĩa là đắng, là không ngọt. Như vậy hạnh phúc được so sánh như vị ngọt, khổ đau như vị đắng. Nhưng giữa ngọt và đắng còn có trạng thái trung tính, không đắng cũng không ngọt. Tam thọ là khổ thọ, lạc thọ và xả thọ; xả thọ là không khổ cũng không lạc. Đắng không những là không ngọt mà cũng có nghĩa là không được trạng thái trung tính nữa. Vậy thì khổ có nghĩa là không lạc mà cũng không xả. Trong tiếng PHạn chữ duhkha cũng có nghĩa là không dễ chịu, không bình thường. Tiếng Anh có thể dịch là ill-being. Ill-being có nghĩa là trạng thái bế tắc, không dễ chịu. Ngược lại là well-being, tức là trạng thái trong đó ta cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, dễ chịu.

 

Niềm vui tương đối

Chúng ta phải sử dụng nguyên tắc nhị đế và duyên khởi để học hỏi về tứ diệu đế. Trong bước đầu tu học chúng ta đi vào qua ngưỡng cửa tục đế. Càng quán chiếu và tiếp xúc sâu xa với sự thật tương đối, sẽ tới lúc chúng ta tiếp xúc được với chân đế. Trong tục đế, khổ đối lập với vui. Như vậy, công nhận sự có mặt của khổ cũng là công nhận sự có mặt của vui. Theo thuyết duyên khởi thì cái khổ được làm bằng những thứ không phải là khổ, trong đó có vui. Chúng ta đừng vội vàng nói rằng việc tu học là vượt cả khổ cả vui. Muốn bước ngay vào sự thật chân đế mà không đi ngang qua con đường tu tập trong tục đế là một sai lầm nguy hiểm. Thí dụ ta đọc bài thơ sau đây:

Thiên hạ đua nhau nói khổ, vui
Có chi là khổ, có chi vui?
Vui trong tham dục, vui là khổ
Khổ để tu hành, khổ ấy vui...
Nếu biết có vui là có khổ
Thà rằng đừng khổ cũng đừng vui.

Bài thơ muốn đứng trên bình diện chân đế mà nói, nhưng không có lợi ích gì, vì đó chỉ là lời nói suông thôi. Tuyên bố ‘‘Thà rằng đừng khổ cũng đừng vuiì rất dễ, nhưng đi tới trình độ đó bằng cách nào? Và tuyên bố xong, trong bụng ta có thể vẫn còn thích vui và sợ khổ như thường, không làm sao dứt được. Chưa đi ngang qua tục đế mà đã muốn nhảy tới chân đế là sai lầm.

Hãy khoan nói vượt thoát cả vui lẫn khổ, chúng ta hãy nói chuyện trong thế giới có khổ và có vui. Trong thế giới tương đối đó chúng ta biết đời sống có nhiều nỗi khổ. Chúng ta muốn chuyển hóa những nỗi khổ này để đạt tới những niềm vui, dầu chỉ là những niềm vui tương đối. Nếu chưa đạt được niềm vui tương đối thì làm sao ta có thể đạt tới niềm vui tuyệt đối, vượt cả khổ lẫn vui?

Ví dụ hôm nay chúng ta cảm thấy một nỗi khổ mà hôm qua không có. Chúng ta công nhận ngày hôm qua ta không khổ mà hôm nay ta khổ rồi ta so sánh trạng thái không khổ hôm qua với trạng thái khổ hôm nay. Rồi ta tâm nguyện muốn trở lại sống trạng thái không khổ, bằng cách học hỏi những phương pháp thực tập. Đó là bước đầu học hỏi và tu tập.

Chúng ta không nên nói lý thuyết rằng khổ không có thật, khổ chỉ là giả tướng mà thôi. Nói như vậy chỉ là tự an ủi và trốn tránh. Vui cũng giả, khổ cũng giả, nói vậy rồi thôi, ta không chịu làm gì hết ! Sự thật là chúng ta phải làm một cái gì, phải thực tập để chuyển hóa cái khổ cho thành không khổ. Trong khi thực tập ta mới tiếp xúc, quán chiếu và dần dần thấy được tự tánh của khổ cũng như tự tánh của không khổ. Nhờ đó ta sẽ đạt tới sự thật chân đế, vượt trên khổ và vui.

Cũng như khi ta có bệnh nhức đầu. Ta công nhận bệnh nhức đầu này là khổ, ta nhất định chữa trị, để đạt tới cái trạng thái không nhức đầu, không khổ. Chứ ta không thể nói rằng nhức đầu là giả tướng, không có thật, thôi đừng lo nghĩ về chuyện nhức đầu nữa. Không lo chuyện nhức đầu thì đầu vẫn nhức như thường. Tu tập là phải làm cái gì để chuyển hóa bệnh nhức đầu, để trở về tình trạng không nhức đầu. Dầu cái khổ là tương đối và cái vui cũng là tương đối, nhưng trước hết ta phải công nhận có khổ, có vui để tìm đường chuyển hóa. Phương pháp của chúng ta là bắt đầu nhìn vào hiện tượng khổ như một khổ thọ.

 

Khổ thọ

Vào khoảng 100 năm sau khi Bụt nhập diệt, có phái Ẩm Quang Bộ, hay Ca Diếp Di Bộ (Kasyapiya), có khi gọi là Ca Diếp Nhi Bộ. Phái này chủ trương rõ ràng rằng khổ trước hết là khổ thọ. Pain, first of all is painful feeling. Điều này rất dễ hiểu. Chúng ta biết thọ là một trong năm uẩn. Ta hãy vẽ lên bảng một trái quít và chia trái quít ra làm năm múi. Múi thứ nhất là sắc, tức là cái thân thể chúng ta. Múi thứ hai là thọ, tức là những những cảm giác của chúng ta. Múi thứ ba là tưởng, tức là các tri giác của chúng ta. Múi thứ tư là hành và thứ năm là thức. Chúng ta biết trong các cảm thọ có khổ thọ, chúng ta phải tìm trong năm uẩn xem những căn do nào tạo ra khổ thọ, và có thể thấy ngay các căn do đó trong sắc và tưởng.

Trước hết chúng ta thấy nếu cơ thể mất quân bình thì chúng ta có khổ thọ. Máu trong đầu chảy không đều làm chúng ta nhức đầu, răng bị hư thì nhức răng. Những khổ thọ bắt nguồn từ sắc uẩn, ta thấy rất dễ. Tình trạng mất thăng bằng trong cơ thể, tự nó là khổ hay không, chúng ta chưa biết, nhưng đó là nguyên do tạo ra khổ, ít nhất là khổ thọ. Nhưng nhiều khi chúng ta thấy khổ thọ không phát xuất từ thân thể mà từ tâm. Mà tâm gồm đủ thọ, tưởng, hành, thức, trong đó Tưởng là phần rất quan trọng khi ta đi tìm căn do của khổ.

Chữ Tưởng trong năm uẩn là nhận thức, là tri giác của ta. Tri giác gồm chủ thể tri giác và đối tượng tri giác. Tri giác sai lầm gọi là vọng tưởng. Viễn ly điên đảo mộng tưởng, là xa lìa những tri giác sai lầm. Điên đảo nghĩa là trên dưới lộn ngược, up side down, trắng thấy là đen, người ta thương mà tưởng người ta ghét. Những tri giác sai lầm là nguyên do của khổ thọ. Nhìn sợi dây thành con rắn nên sợ, sợ cho nên khổ. Không phải sợi dây làm ta khổ, mà chính con rắn không có thật làm ta khổ, nghĩa là tri giác cũng có thể làm ta khổ.

Ngoài sắc thân và tri giác còn có thiên nhiên, có xã hội. Ngoại giới cũng tác động với năm uẩn tạo nên khổ thọ. Khi nói con người được tạo tác bằng năm uẩn thì ta dễ hiểu lầm rằng đó là năm uẩn của mỗi người, tách biệt với thế giới, với xã hội bên ngoài. Hiểu như vậy là sai giáo lý đạo Bụt. Năm uẩn không có nghĩa là một hợp thể của riêng một người. Vì tưởng có nghĩa là tưởng về một cái gì. Tri giác là tri giác về một đối tượng. Khi nhìn thấy trời xanh thì trời xanh là đối tượng của tri giác. Khi nhìn người bạn, người bạn là đối tượng tri giác. Vì vậy trời xanh, mây trắng, núi cao, sông dài, con người, con thú, tất cả đều là đối tượng của Tưởng, đều ở trong Tưởng hết. Khi thực tập bài năm uẩn là Tăng, phối hợp tinh cần, ta đừng tưởng năm uẩn là cái gì nằm ở trong con người của mình mà thôi. Mỗi uẩn đều gồm có chủ thể và đối tượng. Thân thể của chúng ta chẳng hạn có liên hệ trực tiếp với thế giới, với khí hậu, với mặt trời, mặt trăng. Vì vậy, sắc uẩn của ta khi đưa tới một khổ thọ là đã phối hợp với các điều kiện vật lý ở bên ngoài. Tưởng cũng vậy. Tưởng là tri giác mà tri giác là tri giác về trời đất, thiên nhiên, xã hội, con người... Đối tượng của tri giác là tất cả vũ trụ. Năm uẩn của chúng ta đều có đối tượng bao gồm cả vũ trụ. Không thể nói năm uẩn của ta tách biệt ra khỏi vũ trụ.

Nhắc lại quan điểm của phái Ca Diếp Di Bộ cho rằng khổ trước hết là một khổ thọ. Khổ là đối tượng của Thọ, nhưng khổ cũng là đối tượng của Tưởng và của Sắc. Thí dụ trong Kinh nói sinh ra là khổ. Chúng ta thử xét sinh có phải là khổ hay không. Chúng ta có một ý niệm về sinh, một tri giác về sinh. Tùy theo tri giác đó như thế nào mà chúng ta khổ nhiều hay là khổ ít. Nhìn lại cuộc đời của chúng ta, cuộc đời của một số người mà ta biết, chúng ta thấy từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, đau khổ rất nhiều, hạnh phúc rất ít. Nhận xét đó đưa tới ý niệm sinh ra là khổ. Ý niệm đó căn cứ trên trên kinh nghiệm thật của con người.

Nhưng đó không phải là sự thật duy nhứt, vì ngoài nó ra, còn có những sự thật khác. Như khi thái tử Siddharta sinh ra thì người ta không có cảm tưởng khổ, tất cả hoàng cung đều mở tiệc ăn mừng, người ta thấy rằng sinh là một hiện tượng rất mầu nhiệm. Tất cả tùy tri giác của chúng ta, tuỳ thuộc Tưởng của chúng ta.

Rồi khi chúng ta tu tập, đạt tới cái thấy của chân đế, chứng nhập sự thật không sinh không diệt, thì lúc đó tri giác của chúng ta hoàn toàn thay đổi. Khi ý niệm sinh đã mất rồi, hiện tượng mà trước đó ta gọi là sinh không làm ta sợ hãi nữa. Ban đầu, chúng ta rất sợ hãi. Khi đã đạt tới vô sinh, đạt tới nhận thức bất sinh bất diệt rồi, thì nhìn sinh và diệt chúng ta không còn sợ hãi nữa. Đó là ta đã tiếp xúc được với chân đế, ta đã vượt thoát cái tưởng về sinh diệt.

Cho nên khổ thọ tùy thuộc rất là nhiều vào tri giác, nghĩa là vào nhận thức của chúng ta. Từ 2500 năm nay người ta thường đặt câu hỏi là: khổ chỉ là khổ thọ, hay khổ bao trùm cả các đối tượng của sắc, tưởng, hành, thức? Nhiều trường phái chủ trương không phải chỉ khổ thọ mới là khổ, tất cả mọi hành đều là khổ. All formations are duhkha. Chỉ có Ca Diếp Di Bộ cho rằng khổ chỉ là khổ thọ. Những phái khác, sau này rất đông, chủ trương rằng sắc, tưởng, hành và thức đều là khổ hết. Ví dụ Pháp Uẩn Túc Luận của Hữu Bộ, và Phân Biệt Đế Luận (Sacca Vibhanga) của tạng Pali đều quả quyết tất cả là khổ. Tất cả những hiện tượng vật chất, sinh lý; tất cả những sắc, tưởng, hành, thức; tất cả các nghiệp, nghiệp thiện, nghiệp ác, nghiệp không ác không thiện, đều là khổ hết. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là đối tượng của tưởng. Trời xanh, núi cao là đối tượng của tưởng, sắc thân, xã hội là đối tượng của tưởng; tất cả những nhận thức đó đều là khổ hết. Cái bàn là khổ, cái nhà là khổ, mặt trời là khổ, mặt trăng là khổ, con sông là khổ. Tất cả những hiện tượng nào được gọi là hữu vi đều khổ. Đó là khuynh hướng chính trong đạo Bụt từ thế kỷ thứ hai sau khi Bụt nhập diệt cho tới bây giờ. Thời đó, riêng chỉ có Ca Diếp Di Bộ chủ trương khổ chỉ là khổ thọ, và các thứ khác có thể đưa tới khổ thọ vì nhận thức sai lầm của chúng ta về chúng.

Để biết thêm về các bộ phái có quan điểm khác nhau thế nào chúng ta có thể tham khảo hai tác phẩm. Các tác phẩm này ghi lại những điểm mà các bộ phái Phật giáo không đồng ý vì kiến giải khác nhau. Ở Bắc tông thì có Dị Bộ Tôn Luân Luận của Thế Hữu (Vasumitra). Dị Bộ Tôn Luân Luận ghi chép lại những chủ trương khác nhau giữa 18 bộ phái, từ khoảng 100 năm sau khi Bụt nhập diệt. Trong truyền thống Nam tông có tác phẩm Kathavatthu, dịch là Luận Sự, ghi lại 219 điểm. Luận sự (Points of Controvers) tức là những chủ đề đưa ra để đàm luận giữa các bộ phái khác nhau.

Điểm thứ 111 trong Luận Sự nói: ‘‘Sự chứng nhập khổ đế có phải là kết quả của sự lặp đi lặp lại câu cái này là khổ phải không? Hành động lặp đi lặp lại câu cái này là khổ, đây là khổ, có tuyệt đối cần thiết để chứng nhập sự thật thứ nhất hay không?ì Đó là chủ trương của nhiều phái trong đó có các phái Đông Sơn Trú Bộ, Tây Sơn Trú Bộ, Vương Sơn Bộ và Nghĩa Thành Bộ. Tư liệu trên cho ta biết rằng ngay khoảng 100 năm sau khi Bụt nhập diệt thì khuynh hướng tụng đọc, lặp đi lặp lại câu ‘‘Đời là khổ, cái này là khổ, cái kia là khổì đã tràn lan. Khuynh hướng đó tạo nên một hình ảnh bi quan về đạo Bụt. Khi hành trì tứ diệu đế trong kinh, nhiều người bắt đầu bằng thị chuyển, bằng cách lặp đi lặp lại câu ‘‘ữời là khổì rất nhiều lần. Người ta tưởng làm như vậy sẽ chứng nhập vào chân lý khổ theo lời Bụt dạy. Cũng như nhiều người cứ niệm ‘‘Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phậtì, nhưng trong lúc đó thì trong đầu nghĩ những chuyện khác. Cho nên việc lặp câu ‘‘cái này là khổì trở thành một công thức rất máy móc. Hồi đó, 100 năm sau khi Bụt nhập diệt, có một số bộ phái chủ trương đạo nhân thanh cố khởi, tức là sự chứng nhập đạo là do âm thanh mà phát khởi ra. Như vậy lặp đi lặp lại câu: cái này là khổ, đời là khổ, họ hy vọng chứng đạo. Chủ trương này đã được nói tới trong những lời phê bình của một vị xuất gia tên là Đại Thiên (Mahadeva). *

Những điểm phê bình của Đại Thiên cho thấy trong thời đại đó nhiều người thực tập thị chuyển tứ diệu đế bằng cách lặp đi lặp lại và nhắc đi nhắc lại với nhau về cái sự thực gọi là khổ. Có thể từ phép thực tập này nên có chủ trương tất cả là khổ. Khuynh hướng đó ảnh hưởng đến cả kinh điển về Tam Pháp Ấn. Cho nên trong Phật giáo Nam truyền ba Pháp ấn gồm có: vô thường, khổ, và vô ngã trong khi ở Phật giáo Bắc Truyền, đó là vô thường, vô ngã, niết bàn. **

Pháp ấn là những bản tính của sự thật trong thế giới này. Thực tại như là cái bàn, mà nói cái bàn này vô thường, vô ngã thì hiểu được. Nói cái bàn này là khổ thì khó hiểu lắm. Ta có thể nói rằng cái bàn có tác dụng gây đau khổ, thí dụ khi ta ham muốn cái bàn quá, không có nó thì ta khổ. Nỗi khổ đó do nhận thức của mình về cái bàn, do sự thèm khát của mình về cái bàn mà sinh ra, chứ không phải là tự thân của cái bàn.

Vậy khổ trước hết là khổ thọ. Các pháp khác, đối tượng của tưởng, có thể là tăng thượng duyên tạo nên khổ thọ, nhưng không phải là khổ thọ. Các pháp khác đi qua nhận thức sai lầm của tưởng thì thành khổ thọ, nhưng nếu tưởng không sai lầm thì các pháp không phải là khổ. Vậy ta có thể nói rằng các pháp hữu vi có tính vô thường, vô ngã và có tác dụng gây đau khổ. Nếu chúng ta nhìn qua cái tưởng sai lầm, tất cả các pháp hữu vi đều có thể gây ra đau khổ.

 

Năm thủ uẩn

Trong lý luận cho rằng tất cả đều khổ người ta thường nói gốc của khổ là do năm uẩn. Hầu hết các bộ phái nói rằng khổ không phải chỉ là đối tượng của thọ mà là đối tượng của tưởng, khổ không phải chỉ là khổ thọ, khổ là do tất cả các uẩn. Năm uẩn có phải là khổ hay không? Năm uẩn có phải là nguyên do trực tiếp của khổ hay không? Trong kinh Tam Chuyển Pháp Luân Bụt nói vướng mắc vào năm uẩn là khổ. Người ta căn cứ vào câu đó, nhưng quên đi những chữ ‘‘vướng mắc vàoì !Nếu năm uẩn mà khổ thì diệt hết năm uẩn là hết khổ chăng? Nghĩ như vậy rất nguy hiểm. Trong Kinh Đại BảoTích có một đoạn rất hay, Bụt kể: ‘‘Có một ông kia cầm cục đá ném con chó. Con chó đau quá, chạy theo cục đá mà sủa. Nó không biết rằng nguyên nhân làm nó đau là người ném đá, chứ không phải là cục đá. Cũng vậy, những người mê tưởng năm uẩn là nguyên do của khổ, không biết nguyên nhân của khổ là nhận thức sai lầm của họ về năm uẩn. ì

Trước sự bất đồng quan điểm của các bộ phái, nếu muốn thiết lập lại tư tưởng gốc của đạo Bụt chúng ta nên theo lối những nhà khảo cổ. Họ đi đào xới, họ tìm ra được những bức tượng hay những tác phẩm cổ đã gẫy nát, đã bể vỡ ra nhiều miếng. Họ đem sự hiểu biết và óc thông minh của họ mà ráp lại, và họ có thể tái tạo được hình dạng của pho tượng ngày xưa. Đôi khi pho tượng mất một phần thì họ căn cứ vào phong cách nghệ thuật của những phần khác, của thời đại đó, để tạo lập lại phần bị mất cho phù hợp với nghệ thuật của toàn thể. Trong khi học Kinh, chúng ta cũng phải làm như vậy. Chúng ta dùng hai dụng cụ là nhị đế và duyên khởi trong khi đọc Kinh thì có thể thiết lập lại được nguyên văn hoặc nguyên ý của Bụt. Nhiều khi do sự truyền trì mà có những Kinh bị biến dạng, giống như những pho tượng đã bị vỡ.

Một trong năm uẩn là Tưởng, tức là tri giác, mà tri giác gồm đối tượng của tri giác và chủ thể của tri giác. Đối tượng của tri giác là tất cả vũ trụ, tất cả năm uẩn. Những đối tượng đó khổ hay không là tùy theo Tưởng, theo tri giác của ta. Trong Kinh Tam Chuyển Pháp Luân Bụt có đưa ra một vài ví dụ về khổ: sinh ra là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, muốn mà không được là khổ, ghét nhau mà phải gần nhau là khổ, thương nhau mà phải xa nhau là khổ. Nói tóm lại chính sự vướng mắc vào năm uẩn là khổ. Có danh từ thủ uẩn, upadana skandhas. Thủ có nghĩa là vướng mắc. Khi vướng mắc vào năm uẩn thì những đối tượng đó tạo khổ đau, còn nếu đối với những uẩn ấy mà chúng ta không bị thủ thì không sao. Không phải thủ uẩn thì chúng ta có thể gọi bằng một tên mới là xả uẩn (upeksa skandhas).

Một người phát tâm xuất gia là phải từ bỏ cả gia đình, cha mẹ và anh em của mình. Khi nhìn vào ta có thể coi đó là khổ, vì những người mình thương mà mình không được sống gần là khổ. Thương cha mẹ và anh em mà phải bỏ cha mẹ và anh em ra đi là khổ. Nhưng có thể người đó thấy rằng xuất gia có nghĩa là sẽ có một cơ hội giúp bồ đề tâm của mình phát triển, do đó sau này mình sẽ độ được những người thân của mình. Với tâm niệm như vậy thì trong lòng không đau khổ gì nữa, mà niềm hy vọng lớn hơn. Cho nên tất cả đều do Tưởng, do nhận thức của ta. Nhiều người không xuất gia, họ lấy chồng, lấy vợ, sinh con, rồi không có thì giờ để chăm sóc cho cha mẹ. Không xuất gia cũng đâu được gần gũi cha mẹ? Có nhiều người xuất gia được thảnh thơi, nhẹ nhàng, họ có nhiều cơ hội gần gũi và giáo hóa cho cha mẹ, anh em họ. Những người đó đâu phải là những người khổ? Cho nên cái khổ tùy thuộc vào nhận thức và tri giác. Cũng vậy, nguyên do cái đau khổ của con chó không phải là cục đá, mà là người ném đá. Chúng ta đọc Kinh, đọc Luận, phải sử dụng những dụng cụ nhị đế và duyên khởi để tìm hiểu, đừng đọc gì tin ngay đó: y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan.


 

Hành trì thị chuyển

Vậy chuyển hóa cái khổ như thế nào? Khi chúng ta thấy không an lạc thì phải biết quán chiếu và nhận thức được thực chất cái khổ của mình. Cách thực tập đó gọi là thị chuyển. Chúng ta nhận thức bằng chánh niệm. Phải nhận thấy được bản chất và nội dung của niềm đau khổ. Như người đau bụng thì phải biết đó là chứng bệnh đau bụng nào. Nếu ho lao thì phải biết là bệnh ho lao đến thời kỳ nào. Đó là nhận diện khổ, thực tập về chân lý thứ nhất, khổ đế. Chân lý thứ nhất liên hệ với chân lý thứ ba là diệt, tức là hạnh phúc. Tiếp tục bằng việc so sánh khổ và không khổ: ngày xưa tôi không bệnh, bây giờ tôi có bệnh này. Người kia không khổ, tôi có nỗi khổ này. Nhìn vào cái này khổ, ta thấy cái kia là diệt. Đó là nhận thức duyên khởi. Phải nhìn sâu bằng chánh niệm chứ không phải là chỉ nói suông là đủ.

Có chánh niệm rồi, nhìn vào khổ một cách sâu xa ta thấy được tập. Trong Kinh nói tập là sự vướng mắc, tham Đi. Nhưng quán chiếu ta sẽ thấy rằng không phải chỉ có Đi nhiễm là nguyên do gây khổ. Ham muốn, vướng mắc tạo ra khổ, nhưng còn có những nguyên do khác. Si mê và giận dữ cũng là những nguyên do gây khổ. Đi tìm nguyên do của khổ, chúng ta thấy có ái dục, sân hận, nghi ngờ, kiêu mạn, ác kiến (tham, sân, si, mạn, nghi, kiến). Khổ do tri giác sai lầm của chúng ta mà có. Tri giác sai lầm là vọng tưởng, vô minh. Vì vô minh cho nên mới có sân giận, nghi ngờ, mới có ác kiến, có kiêu mạn và ái dục. Cho nên vô minh là gốc rễ của khổ đau, gây ra những phiền não khác như tham, sân, mạn, nghi, và ác kiến.

Dùng ánh sáng của duyên sinh soi chiếu, khi nhìn trong khổ ta phải thấy lạc. Lạc là mặt bên kia của thực tại khổ. Nhức đầu, đau răng là khổ. Những lúc không nhức đầu, không đau răng có thể gọi là diệt, tức là sự vắng mặt của nhức đầu và đau răng. Khi nhức đầu hay đau răng chúng ta muốn trở lại trạng thái diệt, không nhức đầu, không đau răng. Nhìn lại, đôi khi cái diệt ở sẵn trong ta mà ta không thấy, cho nên có diệt cũng như không, có hạnh phúc mà như không có hạnh phúc. Khi nhức đầu ta đau khổ, mà khi không nhức đầu ta lại không thấy hạnh phúc, không biết đấy là diệt. Những lúc đau răng thì khổ và ta nghĩ không đau răng là sướng. Nhưng đến khi không đau răng ta vẫn không biết sung sướng. Con người thường sống trong quên lãng như vậy. Sống trong hạnh phúc cũng không nhìn thấy hạnh phúc, và sống trong khổ đau cũng không biết đó là khổ đau. Không nhận diện được đau khổ nên ta gánh cái khổ suốt đời.

Khi đưa ánh sáng chánh niệm vào khổ ta nhận diện được khổ, đưa ánh sáng chánh niệm vào diệt thì nhận diện được hạnh phúc. Đây là sự thực tập hàng ngày. Trong những bài tập ở làng Hồng có một câu hỏi: ‘‘có những niềm vui nào trong đời sống hàng ngày mà chúng ta có thể sử dụng để nuôi dưỡng thân tâm của mình, tạo nên hạnh phúc cho mình và cho mọi người? Trong đời sống hàng ngày có những cơ hội để ta nuôi dưỡng mình và nuôi dưỡng người bằng những niềm vui đó hay không?ì Đó là thực tập quán chiếu về diệt. Không nên nghĩ rằng trong ta không có sẵn diệt. Trong ta vốn có diệt, tức là vốn có hạnh phúc, có những điều kiện của hạnh phúc. Ta có hai mắt đang sáng, có hai chân đang khỏe, ta có hai lá phổi không bị ung thư, ta có thể đi thiền hành, có thể thở, có thể mỉm cười. Nếu không cảm thấy hạnh phúc, là vì ta coi thường trạng thái diệt mà ta đang có. Chỉ khi nào hạnh phúc mất đi, cái diệt không còn nữa, thì lúc đó ta mới than trời than đất. Vì ta không để tâm chú ý tới, nên cái diệt có đó cũng như không. Thật sự là đã có mặt của chân đế thứ ba, có mặt của diệt, của niềm vui, an lạc bây giờ và ở đây. Vì không có chánh niệm nên ta không tiếp xúc được với hạnh phúc. Đó là bi kịch lớn của cuộc đời: con người đánh mất khả năng sống hạnh phúc. Con người chỉ biết than khổ thôi. Con người không có khả năng tiếp xúc với hạnh phúc, thưởng thức hạnh phúc, vì không biết sống trong chánh niệm. Có chánh niệm ta có thể tiếp xúc với hạnh phúc đang có sẵn để ngày mai không hối tiếc. Trong cuốn Bông Hồng Cài Áo, tôi nói có bà mẹ là một tặng phẩm mầu nhiệm mà nếu ta không thấy sung sướng thì dù có làm ngọc hoàng thượng đế chắc cũng không sung sướng. Có mẹ nhưng không ý thức rằng mình có mẹ, thì cũng như là không có mẹ. Vậy nên chánh niệm chiếu sáng sự thật thứ nhất là Khổ và cũng chiếu sáng cả sự thật thứ ba là Diệt. Cho nên sự tu tập của chúng ta không phải chỉ là tiếp xúc với khổ, nhận thức cái khổ và chuyển hóa cái khổ mà thôi. Chúng ta phải tiếp xúc cả với trạng thái không khổ, nuôi dưỡng cái không khổ, và tự nuôi dưỡng mình bằng những trạng thái không khổ. Phải thực tập chuyển hóa khổ và thực tập an lạc cùng lúc. Khi nói chuyện với các nhà trị liệu tâm lý, tôi thường hỏi: tại sao khi gặp người bệnh thì các ông, các bà cứ nói về những chuyện khổ đau của người ta thôi? Tại sao quý vị không tìm cách tiếp xúc với những hạt giống hạnh phúc của người bệnh? Hãy giúp cho họ tiếp xúc được với hạt giống của niềm an lạc trong nội tâm và trong đời sống chung quanh họ, như vậy trị liệu dễ hơn. Tại sao quý vị không mời bệnh nhân của quý vị đi thiền hành, dự thiền trà hay giúp họ tiếp xúc được với những niềm vui sẵn có? Đó cũng là một cách thực tập trị liệu.

 

 

Rác và hoa

Khi chúng ta quán chiếu, khi chúng ta dùng năng lượng của chánh niệm để tiếp xúc với khổ và với trạng thái không khổ của mình, thì bắt đầu từ những niềm vui và nỗi khổ hời hợt, chúng ta dần dần thấy trong khổ có thể tìm thấy vui, và trong vui có khổ. Nhờ thế mà tiếp xúc được với mặt kia của thực tại, tức là chân đế. Do đó càng đi sâu trong quá trình quán sát ta càng đạt tới cái niềm vui chân thật.

Ngoài khổ thọ và lạc thọ, chúng ta có những xả thọ. Khi nói đến diệt ta có thể phân biệt hai trạng thái: vui và không khổ, tức là lạc thọ và xả thọ. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta rất lơ là, quên lãng những xả thọ. Dùng chánh niệm để tiếp xúc với xả thọ, tự nhiên chúng ta biến xả thọ thành lạc thọ. Trạng thái không nhức răng, không đau đầu, hành động bước những bước chân trên trái đất, thở không khí trong lành, đó là những xả thọ có thể biến thành lạc thọ. Đó là tạo tác niềm vui để chuyển hóa khổ đau.

Hãy ví khổ như rác, và hạnh phúc như những đóa hoa. Chúng ta biết rằng hoa để đó lâu ngày sẽ trở thành rác. Hạnh phúc, an lạc của chúng ta nếu không được nuôi dưỡng sẽ biến thành đau khổ rất dễ dàng. Và đứng trên bình diện tục đế, thì hoa nào một ngày kia thế nào cũng thành rác. Ngược lại, chúng ta có thể dùng rác để bón cho cây nở hoa. Chuyển hóa khổ đau chính là biết cách biến rác trở lại thành hoa. Một mặt phải bảo vệ hoa, mặt khác phải chuyển hóa rác, chúng ta cần thực tập đồng thời cả hai. Có những điều kiện của hạnh phúc thì chúng ta phải nhận thức, nuôi dưỡng, bảo trì. Mặt khác, khi hoa trở thành rác, vì tất cả đều vô thường, thì chúng ta phải tìm cách chuyển hóa rác trở lại thành hoa. Bụt Thích Ca Mâu Ni vốn cũng có một cơ thể, cũng có một đời sống tâm lý như mọi người. Nhưng Ngài khác chúng ta ở chỗ là khi những đóa hoa ở trong Ngài biến thành rác thì Ngài biết chuyển hóa chúng lại thành hoa. Chúng ta không biết bảo trì hạnh phúc, không biết chuyển hóa khổ đau. Bụt không sợ hãi, còn chúng ta sợ hãi.

Trong quá trình tu tập và chuyển hóa trên, chúng ta thấy được một điều, là hoa với rác không rời nhau. Có hoa thì có rác, có rác thì phải có hoa. Đó là nguyên lý bất nhị. Do đó chúng ta nhìn hoa và rác bằng con mắt không phân biệt, không sợ hãi. Bụt nhìn phiền não Ngài thấy bồ đề. Chúng ta chạy trốn khổ đau để tìm hạnh phúc, chạy trốn thứ này đi tìm thứ khác, vì chúng ta dùng con mắt nhị nguyên. Chúng ta chưa thấy được rằng sở dĩ có hạnh phúc vì có khổ đau, và có khổ đau vì có hạnh phúc. Trong khi đó Bụt nhìn bằng con mắt bất nhị. Ngài thấy rõ ràng hạnh phúc với khổ đau nương vào nhau, vì cái này có nên có cái kia.

Thực tập bảo trì hoa và chuyển hóa rác, chúng ta học được tính cách bất nhị. Nhìn vào trong hoa, chúng ta sẽ thấy những cọng rác tương lai, nhìn vào đống rác chúng ta thấy những bông hoa sẽ được tưới bón. Hạnh phúc và khổ đau cũng vậy. Quá trình tu tập quán chiếu về khổ đế và diệt đế giúp chúng ta dần dần tiếp xúc được với chân đế. Ta không thấy sợ cái gọi là khổ nữa. Mà cũng không vướng mắc vào cái gọi là lạc nữa. Chúng ta vốn là những người phàm phu, muốn chạy trốn khổ, muốn đuổi theo lạc. Nhưng khi thực tập đạo Bụt chúng ta tìm ra một sự thật, đó là hoa và rác nhất thể, khổ đau và hạnh phúc nương nhau mà hiện diện. Chúng ta tiếp xúc được với chân đế của khổ và của diệt.


 

Niềm vui xuất thế

Tóm lại việc thực tập của chúng ta bắt đầu bằng quán chiếu khổ và lạc trong phạm vi tục đế. Nhờ quá trình thực tập đó, dần dần chúng ta tiếp xúc được với chân đế của khổ và lạc. Khi thấy được bản chất tương tức và duyên sinh của khổ và lạc rồi, chúng ta đạt tới niềm an vui, sự vững chãi và thảnh thơi mà lúc đầu chúng ta không có.

Bụt là bậc giác ngộ, đã nhìn thấu suốt được bản chất của khổ nên không còn sợ khổ nữa, đã nhìn thấu suốt bản chất của lạc rồi thì không bị vướng mắc vào lạc nữa. Ngài đạt tới niềm vui thanh thoát, vững chãi và an nhiên, không sợ hãi. Niềm vui đó là niềm vui chân thật, niềm vui của niết bàn: Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc. Lạc trong câu này, là lạc ở bình diện chân đế, siêu việt khổ và lạc của tục đế rồi.

Nhưng chúng ta không quên rằng chân đế không xa lìa tục đế. Và cũng không nên quên rằng người bình thường không thể bỏ quá trình tu tập ở cõi tục đế, không thể nhẩy thẳng vào vùng ánh sáng hiểu biết của chân đế. Trong đạo Phật có nhiều danh từ nói về hai mặt thực tại: một mặt thuộc về tục đế, một mặt thuộc về chân đế. Tông Thiên Thai có danh từ tích môn để chỉ tục đế, và bản môn chỉ chân đế. Chúng ta có danh từ hữu lậu nói về tục đế. Hữu lậu (Asrava) có nghĩa là nước còn chảy ra, còn rỉ ra, bị sa xuống, còn đi vòng quanh. Ngược lại là vô lậu (Anasrava). Ngoài ra còn dùng các từ thế gian và xuất thế gian. Hữu lậu thuộc về thế gian, vô lậu thuộc về xuất thế gian.

Do sự thực tập cho nên niềm vui thế gian chuyển hóa từ từ, trở thành vững chãi hơn, thảnh thơi hơn, để sau cùng thành niềm vui xuất thế gian. Niềm vui xuất thế gian không còn là vui đối nghịch với khổ nữa. Sự giải thoát này khiến những thứ mà trước đây ta gọi là khổ, là sinh, lão, bệnh, tử, thì nay được nhận ra không còn là khổ nữa. Nhận thức của ta đã thay đổi, ta đã phá tung phiền não. Nếu cần sinh ra thì sinh, đến lúc già thì già, nếu phải bệnh thì bệnh, rồi khi chết thì chết. Người giác ngộ đã nhìn thấy trên bề mặt tục đế có sinh, lão, bệnh, tử, nhưng trong chiều sâu chân đế thì không còn sinh, lão, bệnh, tử nữa.

Cho nên khi tụng Tâm Kinh, chúng ta đọc những câu rất khó hiểu như là: không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí, không có đắc, không có sở đắc. Đó là từ sự thật thế gian đã đi sang xuất thế gian, từ thế giới hữu lậu chuyển qua cõi vô lậu.

Chân lý thứ ba ban đầu được nhận thức như là sự vắng mặt của khổ đau. Khi nhìn trên bình diện sự thật xuất thế gian thì Diệt không phải chỉ là sự vắng mặt của khổ đau mà thôi, nó là sự vắng mặt của cả cái ngược lại với khổ đau, nó vượt thoát tính cách nhị nguyên giữa khổ và vui. Trong Kinh thường nói các vị bồ tát cưỡi trên những đợt sóng sinh tử mà đi, là ý nghĩa như vậy.

Tu tập đạo lý tứ đế về phương diện thế gian cho đủ sâu sắc thì có thể đạt tới đạo lý tứ đế trên phương diện xuất thế gian. đạo lý tứ đế có thể diễn bày như là đạo lý thế gian hướng thượng, đạo lý tứ đế cũng có thể diễn bày như là đạo lý xuất thế gian siêu việt. Nhưng hai mặt đó không chống đối nhau. Thực tập trong cõi tục đế là con đường dẫn tới chân đế.

 

 


Chú thích
* Đại Thiên nêu ra năm nhận xét để phê bình về một vị A la hán, ông đã tạo ra sóng gió lớn trong Tăng đoàn.
Phê bình thứ nhất là dư sở dụ. Dư sở dụ có nghĩa là tuy thầy chứng quả A la hán rồi nhưng mà vẫn có thể bị những loài không phải loài người, tới dụ dỗ trong giấc mơ. Dầu thầy chứng quả vị A la hán rồi, ông nói, mà trong giấc mơ vẫn còn thấy ôm một nàng tiên và vẫn bị xuất tinh. Một bậc A la hán vẫn có thể bị kẻ khác dụ dỗ, gọi là dư sở dụ.
Phê bình thứ hai là vô tri. Tuy rằng đã chứng A la hán rồi nhưng còn có nhiều thứ thầy không biết. Ví dụ tôi đưa bông hoa này ra hỏi tên gì, thầy đâu có nói được. Cũng như trên đời có nhiều cái thầy không biết, vậy một vị A la hán có những cái không biết, gọi là vô tri. Các thầy phía Thượng Tọa Bộ bác bỏ lời phê phán trên bằng sự phân biệt hai loại không biết. Một thứ là nhiễm ô vô tri, thứ hai là bất nhiễm ô vô tri. Nhiễm ô vô tri là không biết do sự mê mờ, vô minh. Nếu tôi không biết tên bông hoa này, điều đó không dính líu gì tới sự giác ngộ của tôi, không phải vì vô minh mà không biết, đó chỉ là bất nhiễm ô vô tri. A la hán có thể còn những bất nhiễm ô vô tri mà không vướng nhiễm ô vô tri.
Phê phán thứ ba là do dự. Do dự tức là vẫn còn nghi ngờ. Nơi con người của A la hán vẫn còn những điểm nghi hoặc, chưa giải quyết được hết các nghi ngờ.
Thứ tư là tha linh nhập. Tha linh nhập nghĩa là thầy đắc quả A la hán rồi mà tự mình không biết, phải có người khác chỉ cho mới biết.
Điểm thứ năm là đạo nhân thanh cố khởi, tức là thầy phải lặp đi lặp lại hoài: ‘‘ữời là khổ, cái này là khổ, ì nếu không thì không thấy giải thoát.
Câu đạo nhân thanh cố khởi được truyền lại trong lời phê phán trên, cho thấy cách hành trì này rất phổ biến trong thời đại đó. Cách hành trì phổ thông này có thể ảnh hưởng tới việc lập thuyết của các luận sư đương thời, và việc sao chép kinh điển có thể vì vậy nên bị sai lạc đi.


* * Ba Pháp ấn theo đạo Bụt Bắc truyền là vô thường, vô ngã và niết bàn. Nhưng theo đạo Bụt Nam truyền là vô thường, khổ và vô ngã. Pháp ấn tức là những tính cách đích thực của thế giới thực tại theo giáo pháp của Bụt. Trong Kinh có một đoạn được nhắc lại ở nhiều nơi:
- Này các vị khất sĩ, sự vật là thường hay là vô thường?
- Bạch đức Thế Tôn, sự vật là vô thường.
- Sự vật vô thường, vậy là khổ hay là không khổ?
- Bạch đức Thế Tôn, sự vật vô thường cho nên chúng là khổ.
- Sự vật là vô ngã hay là không vô ngã? Nếu sự vật là khổ thì ta có thể nói là cái này là ngã được không?
- Bạch đức Thế Tôn, không được. Sự vật là khổ thì ta không thể nói rằng cái này là ngã được.
Lý luận trong đoạn trên là ‘‘vì vô thường cho nên khổ, ì ‘‘vì khổ cho nên vô ngã. ì Đoạn kinh trên được nhắc lại hàng mấy trăm lần trong Kinh điển bộ phái Theravada cũng như bộ phái Sarvastivada. Đoạn này có thể đã bị ảnh hưởng của tư trào thời đại đó, khi ý niệm về khổ trở thành quá quan trọng. Kết quả là Tam Pháp Ấn thay vì gồm vô thường, vô ngã, niết bàn, đã trở thành vô thường, khổ và vô ngã, trong Phật giáo Nam truyền.
Nhưng cũng có những kinh bản trong đó nói Tam Pháp Ấn gồm Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn. Trong bộ Kinh A Hàm, truyền thống Bắc tông, còn lại một Kinh định nghĩa Tam Pháp Ấn là vô thường, vô ngã và niết bàn, định nghĩa này được lặp lại bốn, năm lần. Chỉ còn lại một Kinh đó thôi, tất cả những Kinh khác đều nói là vô thường, khổ, và vô ngã.
Ngoài ra, ngài Long Thọ (Nagarjuna), sống vào thế kỷ thứ hai sau Thiên Chúa, đã nói tới Tam Pháp Ấn, và thầy cũng nói gồm vô thường, vô ngã và niết bàn. Ngài Long Thọ đã tham khảo đầy đủ rất nhiều các văn bản kinh tạng Phật giáo nguyên thuỷ. Ngài sinh trước thầy Phật Âm (Buddhaghosa) và thầy Thế Thân (Vasubangdu) 300 tuổi. Hai tác phẩm luận nổi tiếng nhất trong giới Phật học bấy giờ là Thanh Tịnh đạo Luận (Visuddhi Maga) do thầy Phật Âm trứ tác, và tác phẩm A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (t. PHạn) của thầy Thế Thân. Ta biết rằng Đại Trí Độ Luận (Mahaprajnaparamita) cuả thầy Long Thọ ra đời 300 năm sớm hơn hai cuốn kia.

Bài 05 Đạo đế, bát chánh đạo