Các kiếp sau mới là vô tận…
- Thứ tư - 31/08/2011 15:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sống và sống
Miền Trung đang mùa mưa. Hiếm có nơi nào mưa như trút nước dai dẳng suốt ngày đêm như ở đây. Thấm thoát tôi đã vào xứ này được 1 năm. Nhớ bữa mới vào, cậu phóng viên bên tôi chầu chực để leo lên máy bay trực thăng của Sư đoàn 372 đưa hàng đi cứu trợ tỉnh Quảng Bình bị bão lụt nhưng rồi không có. Bí quá, tôi đành phôn cho Nguyễn Trung Hiếu (Phó Trưởng cơ quan thường trú báo Lao Động tại miền Trung-Tây Nguyên) xem có cách gì hay không. May quá, Hiếu nói, nhà báo Thanh Hải bên anh chuẩn bị đi bằng ô tô cơ quan. Thế là tôi và cậu PV cùng cơ quan được “bám càng”, nhờ vậy tin bài phản ánh khá đầy đủ. Nguyễn Trung Hiếu là vậy, dù mới chơi, nhưng đối với bạn rất đỗi nhiệt tình, đôn hậu.
Bữa ở nhà sách Phương Nam (TP.Đà Nẵng) giới thiệu cuốn sách “Đi về phía An Lạc” của anh, tôi vẫn cứ thắc mắc, lạ nhỉ, có lẽ bạn đọc nếu nhớ thì chỉ biết tên Nguyễn Trung Hiếu qua những bài điều tra chống tiêu cực, hay những phóng sự mang tính “đấm đá” được đăng tải trên Lao Động. Thế mà anh thản nhiên in tập sách về nơi “an lạc”, liệu như vậy có hợp tính cách? Anh khiêm nhường nói rằng: “Tặng anh cuốn sách, còn dẫn lời một thiền sư đại để là cứ in, cứ làm mà không nghĩ đến kết quả”. Hay thật, tôi cứ thiển cận nghĩ là những bài phóng sự hết “đát” thì in làm chi? Chợt nhớ lời dặn của bè bạn Hà Nội: “Này ông, vào đấy bớt thói bông lơn, châm chọc, dân trong đó không thích đâu” nên im bặt.
Nhớ nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói: “Anh em mình chỉ là cái thứ giang hồ “vặt”, nhưng qua tập sánh này của Nguyễn Trung Hiếu mới thấy anh là “giang hồ” thực thụ, “by air, by car”… rồi cả “phượt” nữa... Nhưng phục nhất là vừa đi, vừa ghi chép và hết sức cần cù, tỉ mỉ, nên anh mới ra được tập sách này, đọc rất cuốn hút.
Trong tập sách có bài giới thiệu của nhà báo nổi tiếng Trần Trọng Thức, ông viết: “Ghi chép của anh là một bức tranh sống động về sự phân tầng xã hội cũng như những khoảng cách giàu nghèo, một đô thị xa hoa cận kề một nông thôn lầm than, và sâu sắc hơn là tính cách an lạc chấp nhận lẽ vô thường trong cuộc sống của người dân nơi đây. Phải chăng vì vậy mà tập phóng sự hơn 30 bài viết này có tên “Đi về phía An Lạc”. Tôi thì lại nghĩ rằng, Nguyễn Trung Hiếu có cái sắc sảo của người viết phóng sự, nhưng đến tuổi nào đó, bài viết cũng yên ả hơn, điềm đạm hơn, đã lóe một thứ ánh sáng (nhiều người bảo đó là nhân văn), ngoài ra đó là chút may mắn trên những chặng đường “giang hồ” mà không phải ai cũng có cơ may được tiếp cận.
Nguyễn Trung Hiếu có may mắn 2 lần được đến Ấn Độ, cũng là cái duyên của anh với mảnh đất này. Hai lần đến trong 2 năm, với hơn 200 ngày, văn hóa Phật giáo này vốn hết sức gần gũi với vùng miền Trung nơi anh đang sinh sống. Vì thế mảnh đất lạ này, với riêng anh lại hết sức gần gũi, gây nhiều cảm xúc mạnh mẽ, đôi khi trái chiều. Phóng sự “Kỳ diệu India”, “Ba ngày một nước Ấn Độ”, “Thỉnh Kinh Tây Trúc” đã ghi chép nên những xúc cảm này. Anh đã đến những vùng nghèo khó, những ngôi nhà ổ chuột, trải qua những trận ngập lụt… hết sức lầm than. Cách những vùng ngoại ô xơ xác đó không xa, tại trung tâm các thành phố là những nhà cao tầng tráng lệ, những gia đình giàu có… sự phân tầng hết sức rõ rệt.
Phóng sự “Đi về phía An Lạc” cũng là tên chung của tập sách này. Đây có thể nói là phóng sự hay nhất, mà có thể Hiếu cũng gửi gắm vào đó nhiều nhất. Trong thời gian học chương trình đào tạo quốc tế do Chính phủ Ấn Độ tài trợ, anh đã kết thân với Ivan - người Nga, sống và làm việc tại Kazachstan và Su Chit là người Ấn Độ. 3 chàng “ngự lâm” đã có chuyến đi đến thánh tích Phật giáo Vijaya và Amaravati, mà Hiếu đã mơ ước một lần được đặt chân đến. Có một chi tiết hết sức thú vị, đó là xuất hiện một nhân vật đen nhẻm, tóc dài tận thắt lưng, bện chặt như hàng năm chưa tắm gội. Anh tưởng người đi xin ăn (anh sống ở Đà Nẵng - thành phố giờ nói không với người ăn xin) nên xua tay một cách quyết liệt, mà cũng để thoát đi mùi hôi của người hành khất. Trong khi đó Su Chit lại tôn kính, anh ta giải thích: “Sau khi làm xong những việc lớn trong đời, gồm lập gia đình, xây xong ngôi nhà, dựng vợ gả chồng cho con cái, nhiều người đàn ông Ấn Độ sẽ từ bỏ tiện nghi của đời sống hiện đại, dâng hiến đời mình cho đời sống tâm linh. Họ có thể tìm vào rừng sâu, hay lên tận dãy Himalaya huyền bí, để chiêm nghiệm cuộc sống; người theo hệ phái khất thực thì lang thang khắp nơi để chia sẻ phước hạnh đến mọi người bằng cách ăn xin của bố thí”. Qua đó Hiếu đã cũng đã “ngộ” ra được nhiều điều, đặc biệt sửa được cái tính cứng nhắc, hơi cực đoan mà rất nhiều người ở vùng quê anh mắc phải. Trong phóng sự này anh tỏ ra là người nghiên cứu kỹ, và hiểu khá rõ về văn hóa Phật giáo, đặc biệt với lối viết cuốn hút, giàu chất văn. Trong những trang viết này, dù rằng tại nơi đây sự phân biệt giàu nghèo khá sâu sắc, người dân vẫn “an lạc” trong đời sống bần hàn, bời vì họ quan niệm: “Linh hồn mới là chính, chứ không phải là thể xác; các kiếp sau mới là vô tận, chứ kiếp này chỉ là phù du”.
“Phía sau là cao nguyên Boloven”, “Đến địa đàng ở phía Đông”, “Du hý Trung Hoa lục tỉnh”…, những ghi chép ở Lào, Thái Lan, Trung Quốc cũng rất thú vị. Đọc “Wat Phou - Ngôi đền di sản” mới thấy Hiếu “giang hồ” thật. Đây là chuyến “phượt” bằng xe gắn máy với bè bạn qua đường 18B, cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) sang Lào, mệt thì ngả ra vệ đường uống bia Con cọp Lào, ăn cá nướng, ngắm hoàng hôn trên sông Mê Kông, thế thì Hiếu sướng “nhất nước” rồi còn gì!
Nguyễn Trung Hiếu đã có 25 năm làm báo, tập sách “Đi về phía An Lạc” của anh tuyển tập những ghi chép những chuyến đi gần xa, có lúc đi bằng xe đò, cô đơn một mình qua Lào, sang Ban Chieng (Thái Lan) khu di tích di chỉ khảo cổ, có màu gốm 5000 năm không dễ gì ai cũng làm được. Anh bảo: “Chỉ để kỷ niệm tháng ngày rong ruổi và nếu may mắn được người đọc chia sẻ trải nghiệm của mình thì âu cũng là niềm vui”. Đấy là khiêm tốn đấy thôi, chứ ký sự của anh cũng gửi gắm được nhiều trải nghiệm, lại có chất văn học, không phải ai viết phóng sự cũng có được. Ngay cả những bài viết về yếu kém trong việc trùng tu di tích như: “Đừng khoác “áo mới” cho di tích”, “Chùa Cầu Hội An” được anh viết trước đây, vẫn còn nguyên tính “thời sự” đến tận hôm nay (Chùa Cầu đang xuống cấp trầm trọng, giờ vẫn loay hoay chưa tìm ra phương pháp tu bổ).
Có câu “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co”, Nguyễn Trung Hiếu luôn không bằng lòng với những gì đã có sẵn, những gì được đóng khung, được “định nghĩa” tưởng như hoàn chỉnh. Phẩm chất “cãi” cũng phải là thuộc tính của người viết, người sáng tác. Hãy lắng nghe, cãi đúng thì tiếp thu, cãi sai cũng nên bao dung, độ lượng. Hẹn với Nguyễn Trung Hiếu bữa nào đi rong ruổi một chuyến, nhưng xem ra khó quá, bởi vì tôi cũng sắp chia tay với miền Trung. Dù đi đâu, vùng đất này cho tôi rất nhiều kỷ niệm. Những người bạn, người anh đồng nghiệp như Vĩnh Quyền, Trung Hiếu, Thanh Hải… đang công tác tại báo Lao Động lại chuẩn bị xông pha trong mùa mưa bão đang đến, họ là những nhà báo giỏi nghề mà tôi rất trân trọng. Với Hiếu, qua tập sách này, tôi càng thấy rõ thêm cái chân dung kín đáo của anh, vì thế càng thêm quý mến anh.
Quang Hân