DOANH NHÂN – DOANH NGHIỆP VÀ VIỆC THỰC THI TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP - PGS. TS. Nguyễn Mạnh Quân
- Thứ sáu - 05/08/2011 22:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đóng góp của họ về mặt tinh thần là rất khó xác định và còn là điều ít được quan tâm.. Bài viết này tham luận: (i) về vai trò của doanh nhân với tư cách là một “nhân cách then chốt” trong xã hội; (ii) về cơ hội để doanh nhân thực hành đức tin, thiện chí, thiện tâm và để đóng góp cho đất nước, chúng sinh; (iii) về cách thức doanh nhân thực hành đức tin, thiện chí, thiện tâm của mình để có thể đóng góp thiết thực nhất và nhiều nhất.
Bài tham luận này tập trung vào ba vấn đề sau: (1) Doanh nhân - Họ là ai?; (2) Doanh nghiệp – Cơ hội để doanh nghiệp thực thi đức tin, thiện tâm, thiện chí; (3) Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp – Cách thức doanh nghiệp thực thi đức tin, thiện tâm, thiện chí và đóng góp cho xã hội.
1. DOANH NHÂN - HỌ LÀ AI?
Mỗi người trong chúng ta sinh ra đã hàm chứa bao nhiêu ước nguyện. Ước nguyện của cha mẹ, của người thân, gia đình chúng ta. Ngay khi chúng ta còn đang nhắm mắt, vô thức, cất tiếng khóc chào đời, chúng ta đã được đón nhận với niềm hân hoan và những lời chúc tốt đẹp về tương lai và nhân cách của những người xung quanh, dù là thân hay sơ. Mà dù có mở mắt và mỉm cười chào đón những người thân và đón nhận những lời chúc tốt đẹp, chúng ta cũng không thể hiểu được những ước nguyện đó không phải chỉ là thuộc về chúng ta, là dành cho chúng ta, của riêng chúng ta, mà những điều đó còn thể hiện những ước nguyện của những người thân đã trưởng thành về những điều họ mơ ước đạt tới hoặc kỳ vọng chúng ta khi lớn lên sẽ giúp họ đạt được tâm nguyện. Nói cách khác, mỗi người khi sinh ra đã được gắn với một “sứ mệnh” cao cả, đó là trở thành hiền tài và là người hữu ích cho đời. Đáng tiếc thay, khi lớn lên, không phải tất cả chúng ta đều ý thức được điều đó. Và những người hoàn thành tốt "sứ mệnh" của mình lại càng ít.
Tại sao vậy?
Giáo lý nhà Phật, theo một cách nào đó, đang nhắc nhở chúng ta về “sứ mệnh” của chính mỗi người chúng ta. Suy ngẫm kỹ, điều này càng trở nên sáng tỏ.
Những người có cơ hội hoàn thành tốt "sứ mệnh" của mình, đó là doanh nhân. Vậy, doanh nhân - họ là ai?
Doanh nhân làcon người. Hơn thế nữa, doanh nhân còn là những người tự nguyện gánh vác thêm trách nhiệm “hành động để mang lại niềm vui cho những người khác”. Họ là người có cơ hội để thực thi điều ước nguyện đầu đời một cách trọn vẹn nhất. Doanh nhân không chỉ hành động vì bản thân mình, họ còn sẵn sàng hành động vì những người khác. Khởi sự một công việc kinh doanh là tự nguyện cam kết "dành hết công sức, tâm huyết, của cải vì niềm vui của những người khác". Họ là Khách hàng – Người lao động – Đối tác – Chủ sở hữu – Cộng đồng – Xã hội, (đó là Những người Hữu quan của doanh nghiệp). Hành động của chúng ta phần lớn là âm thầm không được họ biết đến, nhưng tác động/ảnh hưởng của chúng đối với họ lại được thể hiện rất hiển nhiên và rõ ràng theo cách này hoặc cách khác. Chúng ta luôn mong muốn hành động để mang lại những điều tốt lành cho những người chúng ta phải chịu trách nhiệm. Thiện chí này vốn sẵn có ở nhiều người. Ở doanh nhân, thiện trí này thể hiện càng rõ rệt hơn. Trong doanh nhân không chỉ chứa đựng một con người mà là nhiều người.
Doanh nhân là con người với những tố chất – tính cách đặc biệt. Trở thành doanh nhân là điều không phải ai cũng có thể dễ dàng làm được. Cách hiểu đơn giản rằng "doanh nhân" là những người (nhân) làm công việc kinh doanh kiếm lời (doanh) chỉ mới nói lên lĩnh vực, công việc hay hoạt động của một người, không nói lên tính cách của người đó. Vì vậy, họ dễ thất bại. (Số liệu thống kê cho thấy có đến 80% doanh nghiệp không thể trụ vững trong thương trường để kỷ niệm 10 năm lập nghiệp.) Tra cứu trong từ điển, không thấy có một định nghĩa thống nhất về doanh nhân. Chỉ biết, khái niệm này có nguồn gốc từ xa xưa và cũng thay đổi theo thời gian. "Doanh nhân" là một từ được dịch từ chữ entrepreneurcó nguồn gốc từ tiếng Pháp. Ở thế kỷ XVII, entrepreneur có nghĩa là hiệp sỹ. Đó là những người sẵn sàng xả thân vì người khác, hành động đại diện cho người khác và thay họ gánh vác những trách nhiệm năng nề và đầy rủi ro. Doanh nhân (entrepreneur)là người có ý chí, sẵn sàng đối đầu với thử thách. Ngày nay, trong kinh doanh, từ này được mang nghĩa là người đứng ra tổ chức, điều hành các hoạt động và sẵn sànggánh chịu rủi ro trong các hoạt động của mình, [The Merriam-Webster Dictionary]. Nhà kinh tế nổi tiếng người Úc thế kỷ XX, Joseph A. Schumpeter, nhấn mạnh rằng "Doanh nhân là một tính cách, không phải một nghề… và là một lực lượng tạo nên bước đột phá trong công nghiệp và thương mại. Nhờ đó mà kinh tế tăng trưởng".
Tố chất – tính cách của doanh nhân có thể gói gọn trong 3 chữ: TÂM – TRÍ - LỰC. TÂM có nghĩa là tâm huyết. Doanh nhân là người biết cách biến những điều bình thường thành cơ hội đặc biệt; Là chất xúc tác để thay đổi; Là nguồn động lực, Là nguồn năng lượng để tháp sáng lên ngọn lửa tương lai ở mọi người. Doanh nhân là những người luôn hướng tới tương lai một cách bền bỉ; Là những người giàu trí tưởng tượng và sáng tạo, luôn khát khao chiến thắng. Họ là những người luôn cố gắng vươn tới những gì chưa đạt tới.
TRÍlà trí tuệ. Trí tuệ đối với doanh nhân là sự sống: trí tuệ để sáng tạo, trí tuệ để biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực. Bên trong mỗi doanh nghiệp thành đạt có một nhà quản lý. Đặc điểm của nhà quản lý là tính thực tế. Doanh nhân đi trước, nhà quản lý theo sau. Doanh nhân muốn kiểm soát, nhà quản lý muốn quy củ. Doanh nhân muốn thay đổi, nhà quản lý muốn duy trì ổn định. Nơi nào doanh nhân thấy cơ hội, ở đó nhà quản lý thấy có việc phải lo. Doanh nhân luôn muốn xây dựng những ngôi nhà mới, nhà quản lý muốn sống êm ả,gọn gàng trong một ngôi nhà. Doanh nhân tạo ra nhiều thứ, nhà quản lý sắp xếp chúng lại cho có trật tự. Không có doanh nhân sẽ không có sáng kiến; không có nhà quản lý sẽ không có sản phẩm.
LỰClà năng lực chuyên môn. Năng lực chuyên môn là cánh tay của doanh nhân. Bên trong mỗi doanh nhân đều có một nhà chuyên môn. Nhà chuyên môn là người thực hiện công việc, biến ý tưởng thành hiện thực. Nhà chuyên môn luôn gắn mình với công việc. Nhà chuyên môn cảm thấy hạnh phúc khi làm việc và cảm thấy thoải mái khi kiểm soát được công việc. Nhà chuyên môn quan tâm đến sự tinh tế, kỹ năng và sự hoàn mỹ. Doanh nhân quan tâm đến cái mới, nhà chuyên môn quan tâm đến chất lượng, nhà quản lý quan tâm đến hiệu quả. Doanh nhân lo nghĩ về sự thờ ơ, nhà chuyên môn lo nghĩ về những khó khăn, nhà quản lý lo nghĩ về rủi ro.
Trong 3 chữ, chữ TÂM là quan trọng hơn cả. Vì vậy, xin được tham luận kỹ lưỡng hơn về điều này.
Chữ TÂM vốn đã tiềm ẩn sẵn ở trong mỗi con người. Nhưng ở doanh nhân, chữTÂM càng trở nên rõ rệt và mãnh liệt. Đối với doanh nhân, chữ TÂM được thể hiện ở triết lý và phong cách hành động. Có bao nhiêu người trong số chúng ta đã tự hỏi một cách nghiêm túc: "Chúng ta hành động vì lẽ gì? Và như thế nào?". Câu trả lời thật không dễ dàng.
Triết lý và phong cách hành động là một bộ phận quan trọng của tính cách con người, được bộc lộ thông qua hành động. Đối đầu với những vấn đề trong thực tế cuộc sống, con người phải hành động. Khi hành động của con người bị điều khiển bởi những động lực nhất định. Khi còn thơ ấu, động lực được hình thành nhờ sự nhận thức vô thức về những nguyên tắc, chuẩn mực hành vi đại diện cho những triết lý đạo đức căn bản được truyền qua những lời dăn dạy, giáo huấn, chỉ bảo của những người xung quanh, cộng đồng hẹp nơi con người sinh thành và lớn lên. Khi trưởng thành, con người vươn ra ngoài cộng đồng hẹp của mình và được mở rộng thêm về tầm nhìn đối với thế giới (thế giới quan) và về mối quan hệ con người (nhân sinh quan). Sự lựa chọn nghề nghiệp bắt đầu quá trình tư duy và lựa chọn (có ý thức) về nguyên tắc ra quyết định và cách thức hành động. Triết lý sống của con người được điều chỉnh. Cách thức ra quyết định và hành động được hình thành, lặp đi lặp lại, để dần trở từng bước hình thành thói quen và trở thành phong cách (bản sắc) riêng của người.
Có 6 triết lý đạo đức cơ bản chi phối hành vi con người. Có những người luôn hành động theo nguyên tắc: "Hành vi đúng đắn là khi mang lại được điều tốt đẹp hay lợi ích cho ai đó"; Khẩu hiệu hành động của những người này rất đơn giản là: "Có lợi thì làm" – (Triết lý Vị kỷ). Một bộ phận lại cho rằng: "Lợi ích phải dành cho nhiều người cùng hưởng – Phúc lợi" và hành động theo phương châm: "Phúc lợi hay hiệu quả xã hội cao nhất" – (Triết lý Vị lợi). Một bộ phận lớn con người trong xã hội cho rằng: "Kết quả tốt đẹp có nguyên nhân từ hành vi đúng đắn. Vậy, không thể ngồi chờ kết quả tốt đến với mình mà phải chọn cách hành động đúng đắn để tiến hành". Trong số những người này có những người "Coi trọng việc thực thi nghĩa vụ/bổn phận công dân một cách tự nguyện" và nhấn mạnh "Quyền tự do con người trong khuôn khổ pháp luật" – (Triết lý Đạo đức Hành vi); lại có những người nhấn mạnh đến "ý nghĩa của việc thực hiện các nghĩa vụ/trách nhiệm xã hội" và nhấn mạnh đến "công bằng và bình đẳng đối với mọi người" – (Triết lý Đạo đức Công lý). Có một số khá đông lựa chọn cách hành động: "Theo số đông" hay "Theo phong tục, truyền thống, thông lệ" để né tránh tình trạng lưỡng lực khi đứng trước sự lựa chọn đầy khó khăn về cách thức hành động trong hoàn cảnh có nhiều quan điểm, ý kiến, nhóm ưu tiên khác nhau – (Triết lý Đạo đức Tương đối). Tuy nhiên, tất cả những triết lý trên vẫn chưa thể hiện được một yếu tố cực kỳ quan trọng ở con người đó là "nhân cách" - triết lý/nguyên tắc hành động và phong cách hành động đặc trưng của một cá nhân phản ánh hầu hết những giá trị cốt lõi, nguyên tắc, chuẩn mực và cách thức hành động điển hình, mong muốn đại diện cho nhiều nhóm người, quan điểm khác nhau. Nói một cách đơn giản, đó là "tính cách được lấy làm điển hình, đại diện cho những gì mong muốn, hướng tới của nhiều nhóm người khác nhau", tính cách đó không thuộc về một cá nhân (cá tính, tư cách) mà là chuẩn mực của nhiều nhóm người (nhân cách). Chuẩn mực đó cũng trở thành nguyên tắc hành động cho nhiều người: "Làm những điều mà một người có tư cách đạo đức tốt, có nhân cách cho rằng đúng đắn và cần phải làm" – (Triết lý Đạo đức Nhân cách). Những người theo tư tưởng này thường hành động "vì lòng tự tôn, vì sự tự hoàn thiện bản thân, vì sự cảm thông, chia sẻ" một cách âm thầm, tự nguyện. Sáu triết lý đạo đức cơ bản trên có thể được thể hiện bằng sơ đồ như Hình 1.
Để minh hoạ, xin được nêu ngắn gọn một vài ý nghĩa rút ra từ sơ đồ trên. Kinh tế thị trường tự do cổ xuý cho triết lý vị kỷ, và chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân (ích kỷ) và chủ nghĩa cá nhân thực dụng. (Sống trong nền kinh tế thị trường con người rất dễ tiêm nhiễm tư tưởng này.) Thuyết Kinh tế vĩ mô được đưa ra nhằm bổ khuyết cho kinh tế thị trường tự do bằng cách nhắc nhở và quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của nhiều người. (Nhưng vẫn chỉ là lợi ích vật chất!) Những người theo triết lý Đạo đức Hành vi luôn coi pháp luật là trên hết, và luôn có gắng tuân thủ nghiêm túc. Thế nhưng, họ rất dễ bị rơi vào tình trạng cá nhân chủ nghĩa và hình thức chủ nghĩa, vô trách nhiệm đối với xã hội. Công lý là điều con người ở mọi xã hội đều mong muốn và hướng tới; Nhưng điều khó khăn là mỗi người hiểu công lý theo cách không giống nhau làm cho việc thực thi công lý trở nên khó khăn. Trong khi những người theo triết lý Đạo đức Tương đối dễ hoà mình và thân thiện, vai trò của họ lại rất mờ nhạt khó có thể dẫn dắt người khác. Các nhà tu hành là những người theo triết lý Đạo đức Nhân cách. Nhưng nếu thuần khiết như vậy thì là những người ẩn tu.
Hình 1: Sáu triết lý đạo đức cơ bản chi phối hành vi con người.
Rõ ràng chẳng ai đơn thuần chỉ hành động theo một triết lý. Một nốt nhạc không tạo nên bản nhạc. Những người có đức thiện (đạo đức nhân cách) mong muốn làm điều phúc, thiện cho nhiều người (đạo đức công lý) cần phải thể hiện điều đó bằng những hành động thực tế (vị lợi).
Đến đây xin được hỏi quý vị,
Với tư cách cá nhân, chúng ta sống theo triết lý nào?
Với tư cách là doanh nhân, đại diện cho rất nhiều nhóm người (các đối tượng hữu quan), chúng ta hành động theo những triết lý nào?
Suy tư về những câu hỏi này chính là cách tốt nhất để tìm được con đường đến với mọi người, hoà với mọi người và phục vụ.[3]
2. DOANH NGHIỆP – CƠ HỘI ĐỂ DOANH NHÂN THỰC HÀNH TÂM THIỆN
Một câu hỏi khác cũng cần được trả lời là: "Để thực hành thiện tâm, thiện ý, doanh nhân có thể làm (những) gì?" Đối với nhiều người, cầu nguyện và cố gắng làm việc thiện khi có thể là sự lựa chọn đầu tiên. Nhưng liệu đối với doanh nhân, đó có phải là cách thức thực hành thiện tâm hay không? Chắc sẽ có nhiều người đồng ý rằng, đó không phải là giải pháp hay và càng không phải là giải pháp tốt nhất đối với doanh nhân. Vậy mà đôi khi chúng ta vẫn thấy cảnh doanh nhân chăm chỉ cầu nguyện và nhiệt tình làm công đức. Điều đó hoàn toàn không đáng bị chê trách; trái lại, nó đang chứng tỏ ước muốn của doanh nhân làm điều tốt lành cho người khác. Điều đáng nói là, doanh nhân đã không nhận ra được rằng họ còn có nhiều cơ hội và cách thức khác tốt hơn để làm điều thiện.
Cơ hội quan trọng nhất mà doanh nhân có thể sử dụng để làm điều tốt thiện chính là công việc kinh doanh và doanh nghiệp của mình. Các cá nhân lẻ tẻ không có được "phương tiện" này. Chính vì vậy, cầu nguyện và làm công đức là cách thức thiết thực nhất mỗi cá nhân có thể lựa chọn để răn mình và giúp người. Doanh nghiệp là một tập hợp gồm nhiều người. Mỗi người lại là một nhân cách ẩn chứa thiện tâm. Vậy thì tại sao các doanh nhân không đón lấy cơ hội chọn chính doanh nghiệp hay công việc kinh doanh của mình làm một phương tiện để thực hành ĐỨC và THIỆN nhỉ.
Xét từ cách thức tiến hành và hệ quả hành động, hành động sẽ bị coi là đáng chê trách nếu gây ra sự lãng phí, và sẽ rất đáng phê phán nếu (vô tình hay cố ý) lợi dụng niềm tin và tài sản chung phục vụ lợi ích cá nhân (vị kỷ). Hãy thử hình dung, doanh nhân có cả một cơ hội và phương tiện đặc biệt là doanh nghiệp mà không biết sử dụng để làm việc thiện thì thật là lãng phí. Tệ hơn nữa, nếu ai đó coi doanh nghiệp và hoạt động từ thiện, nhân đạo của doanh nghiệp, của những cá nhân trong doanh nghiệp như một thứ "huân chương" để tôn vinh bản thân thì quả là đáng phê phán vì đã đi ngược lại đạo lý làm người và giáo lý nhà Phật, bởi thực chất họ đâu có làm điều thiện cho ai khác ngoài cho chính bản thân mình. Tinh thần nhân văn của Nhà Phật thể hiện ở chỗ đề cao lòng vị tha, nhưng điều cốt yếu cần hiểu rõ là "lòng vị tha để dành cho người chứ không phải cho bản thân mình."
Thật đáng hoan nghênh những doanh nhân – doanh nghiệp đã thể hiện thiện tâm, thiện chí của mình bằng rất nhiều hoạt động đầy sáng tạo và nhân văn như trực tiếp tham gia, đóng góp tích cực vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo hay đóng góp cho nhà chùa, giúp nhà chùa thực hành điều thiện. Hãy thử hình dung, doanh nhân - doanh nghiệp giúp cho những người đang trong hoàn cảnh khó khăn một thúng gạo, họ sẽ có cái ăn và không bị đói trong một tháng. Nhưng sau đó, đói vẫn hoàn đói. Hãy trao cho họ thúng thóc và giúp họ tự trồng lúa. Có câu nói "Đừng cho con cá, hãy cho cần câu" là vậy. Khi đóng góp cho nhà chùa, doanh nhân – doanh nghiệp trao gửi cho nhà chùa lòng từ tâm và sự trợ giúp vật chất, tài chính để nhờ nhà chùa giúp mình mang lại điều phúc, điều thiện cho mọi người. Làm như vậy thì có khác gì "bắt người thuận tay phải dùng đũa tay trái". Chính Doanh nhân – Doanh nghiệp là người "thuận tay phải" trong việc giúp người nghèo khó tự cứu mình.
Vậy cách nào là tốt nhất để doanh nhân – doanh nghiệp thực hành tâm thiện của mình trong việc giúp đời? Doanh nhân – doanh nghiệp vẫn có thể làm được nhiều hơn nữa. Giúp người bằng cách "cho cần câu" nhưng nếu không dạy họ "cách câu", thì đói vẫn hoàn đói. Và ngay cả những người đã "học được cách câu", thì cũng khó có thể thoát nghèo mà vươn lên được bằng cách làm ăn manh mún. Tại sao doanh nhân – doanh nghiệp không nghĩ đến việc "lập một trang trại, đầm, đìa nuôi thuỷ sản chuyên nghiệp" để mọi người có cơ hội việc làm, cùng tham gia theo khả năng của mình và cùng nhau chia hưởng những nguồn phúc lợi lợi to lớn do sự hợp tác và chuyên nghiệp mang lại. Đó chính là ý nghĩa của một hình thức hoạt động mới ra đời: DOANH NGHIỆP XÃ HỘI.
Doanh nghiệp xã hộilà một sáng kiến tuyệt vời cho mục đích này. Doanh nghiệp xã hội (Social Enterprises) là một loại hình tổ chức sử dụng phương thức hoạt động của doanh nghiệp để thực hiện các mục tiêu nhân đạo. Doanh nghiệp xã hội có lịch sử phát triển khá lâu đời, nhưng phát triển cực kỳ mạnh mẽ trong khoảng 10 năm gần đây trên toàn thế giới. Doanh nghiệp xã hội có thể hoạt động dưới rất nhiều hình thức khác nhau thuộc loại hình vụ lợi (for profit) hoặc phi-vụ lợi (non profit).
Doanh nghiệp xã hội khác các doanh nghiệp thương mại thông thường ở chỗ mục tiêu của họ là để thực hiện những mục tiêu nhân đạo, mang lại lợi ích cho những đối tượng cần được cưu mang trong xã hội chứ không phải là đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư, trừ khi điều đó có thể giúp họ mở rộng và hoàn thành tốt hơn các mục tiêu nhân đạo. Người hưởng thụ lợi ích của các doanh nghiệp xã hội là đối tượng cần trợ giúp nhân đạo; cách thức trợ giúp là rất phong phú: có thể là người hưởng thụ sản phẩm, có thể là người tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp xã hội để cùng chia sẻ lợi ích từ hoạt động. Lợi ích tạo ra từ hoạt động của doanh nghiệp xã hội được sử dụng vào các mục đích nhân đạo. Để đảm bảo doanh nghiệp xã hội tạo ra được giá trị từ hoạt động của mình, chúng được điều hành bởi các chuyên gia quản lý có kinh nghiệm giống như các doanh nghiệp thương mại. Rất nhiều doanh nghiệp thương mại thông thường cho rằng họ đã trở thành doanh nghiệp xã hội khi đề cao mục tiêu và trách nhiệm xã hội trong hoạt động của mình. Nhưng không ít trường hợp trong số này lại coi đó là "điểm nhấn" để nâng cao uy tín và giá trị cho công ty. Họ chỉ là doanh nghiệp có quan tâm đến xã hội, không phải là doanh nghiệp xã hội.
Hình 2: Bản chất và phương thức hoạt động của doanh nghiệp xã hội.
Mô hình mô tả trên Hình 2 về phương thức hoạt động của Doanh nghiệp xã hội có thể được diễn giải ngắn gọn như sau. Doanh nghiệp xã hội được thành lập với tư cách pháp nhân là một tổ chức kinh tế vụ lợi hoặc phi-vụ lợi hoạt động theo luật hiện hành. Hoạt động của doanh nghiệp xã hội hướng tới các đối tượng là những người cần trợ giúp nhân đạo (như người nghèo, tàn tật, có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa…) hay các mục tiêu xã hội khác (bảo vệ môi sinh, xoá đói giảm nghèo, phát triển vùng, cân bằng sinh thái/kinh tế…). Doanh nghiệp xã hội triển khai các hoạt động bằng nguồn vốn đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, được quản lý và điều hành bởi một ban giám đốc chuyên nghiệp, dưới sự bảo trợ của các nhà chùa về mục đích, đối tượng, định hướng tương lai và về mặt tinh thần, của các doanh nhân về hoạt động kinh tế, chuyên môn và quản lý tài chính. Nguồn nhân lực cho doanh nghiệp xã hội được huy động chủ yếu từ những tình nguyện viên, phật tử có điều kiện và có năng lực phù hợp. Hoạt động tài chính là công khai và được kiểm soát bởi một ban kiểm soát nội bộ. Lợi ích đạt được sẽ được phân bổ các những quy khác nhau như quỹ phúc lợi dành để trợ giá, trợ cấp, trợ giúp cho đối tượng mục tiêu, quỹ phúc lợi cho những người cống hiến/người lao động, quỹ bảo toàn và phát triển vốn, quỹ dành cho các hoạt động hành pháp (xây chùa, công đức, tự thiện…).
(Để hiểu thêm về việc vận dụng hình thức doanh nghiệp xã hội đối với Phật giáo, xin đọc tài liệu gửi kèm theo bài tham luận.)
Triển khai mô hình doanh nghiệp xã hội có nghĩa là thành lập một doanh nghiệp mới. Đối với các doanh nhân, doanh nghiệp đang hoạt động, chuyển đổi hay từ bỏ các hoạt động hiện hành để thành lập một doanh nghiệp xã hội là điều hầu như khó có thể thực hiện được cả về mặt kinh tế lẫn mặt tâm lý.
Vậy, có cách nào để thực hành phật pháp và làm điều thiện ở các doanh nghiệp hiện hành hay không. Thưa rằng CÓ. Thiện tâm, thiện ý của doanh nhân – doanh nghiệp vẫn có thể thực hành được thông qua những quyết định và hành động đúng đắn khi thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
3. THỰC HÀNH TỐT TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP – CÁCH THỨC ĐỂ CÁC DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP THỰC HÀNH ĐỨC VÀ THIỆN
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corrporate Social Responsibility – CSR) là một chủ đề được quan tâm đặc biệt ở phạm vi toàn cầu trong những năm gần đây. Những vấn đề ở tầm vĩ mô như biến đổi khi hậu, môi sinh, lũ lụt, nghèo đói hay rất cụ thể như hàng giả, chứa chất độc hại, tai nạn lao động, xử lý chất thải, gian lận thương mại, cạnh tranh trung thực, công khai minh bạch, thương hiệu… đều thuộc lĩnh vực này. Có thể thấy rằng, dù ở cấp độ nào, nhân tố chính liên quan đến các vấn đề về trách nhiệm xã hội là doanh nghiệp; và việc giải quyết các vấn đề này phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nhân. Các vấn đề về biến đổi khí hậu toàn cầu và kiểm soát chất thải đã trải qua nhiều vòng đàm phán, nhiều thập kỷ đàm phán, nhưng vẫn không đi đến kết quả; đó là do quan điểm 'vị kỷ' trong cách tiếp cận của những người lãnh đạo nhiều quốc gia. Ở phạm vi doanh nghiệp, doanh nhân lập ra doanh nghiệp chẳng phải là vì ghét bỏ hay muốn xoá đi hình ảnh thiên nhiên, môi sinh quê hương của họ mà ngược lại vì rất yêu quý nó, muốn cống hiến cho nó. Thế nhưng, hoạt động của doanh nghiệp cũng gây ra những tác hại không khắc phục được do chính cách nhìn thiển cận, 'vị kỷ' của doanh nhân - người điều hành doanh nghiệp. "Hái quả bằng cách đốn cây" là điều nhiều doanh nhân – doanh nghiệp đang làm.
Vậy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là gì? Và việc thực thi trách nhiệm xã hội có thể giúp gì cho doanh nghiệp và doanh nhân trong việc thực hiện những điều ước muốn tốt đẹp của mình, cả về mặt nhân văn lẫn kinh tế?
Trước hết, cần phải hiểu đúng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hàm chứa những nội dung gì. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm các nghĩa vụ doanh nghiệp cần hoàn thành đối với xã hội để mang lại phúc lợi cho họ.
Những (nhóm) nghĩa vụ cơ bản mà doanh nghiệp cần thực hiện bao gồm: (1) các nghĩa vụ kinh tế, (2) các nghĩa vụ pháp lý, (3) các nghĩa vụ đạo đức và (4) các nghĩa vụ nhân văn. Trong đạo đức kinh doanh, các nghĩa vụ đó có thể được tóm tắt như sau.[4]
Nghĩa vụ kinh tếcủa một doanh nghiệp là sản xuất hàng hoá và dịch vụ thoả mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội ở mức giá cả có thể cho phép duy trì được công việc kinh doanh và làm hài lòng các chủ đầu tư. Đó là những nghĩa vụ doanh nghiệp cần phải thực hiện để có thể tồn tại.
Nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp là thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý chính thức đối với những người hữu quan, trong cạnh tranh và đối với môi trường tự nhiên do pháp luật hiện hành quy định. Đó là những nghĩa vụ doanh nghiệp cần phải thực hiện để có thể được xã hội chấp nhận.
Nghĩa vụ đạo đứccủa doanh nghiệp được định nghĩa là những hành vi hay hoạt động được xã hội mong đợi nhưng không được quy định thành các nghĩa vụ pháp lý. Nghĩa vụ đạo đức chính là nền tảng của các nghĩa vụ pháp lý. Đó là những nghĩa vụ doanh nghiệp cần phải thực hiện để được xã hội tôn trọng.
Nghĩa vụ nhân văncủa doanh nghiệp bao gồm những hành vi và hoạt động mà xã hội muốn hướng tới và có tác dụng quyết định chân giá trị của một tổ chức hay doanh nghiệp. Nghĩa vụ nhân văn thể hiện những mong muốn hiến dâng của doanh nghiệp cho xã hội. Đó là những nghĩa vụ doanh nghiệp cần phải thực hiện để tự hoàn thiện bản thân, thực hành thiện và đức.
Doanh nghiệp hoạt động trong một không gian vật chất cụ thể, với những con người, đối tượng cụ thể. Vì vậy, khái niệm kinh doanh và xã hội đối với doanh nhân - doanh nghiệp cũng rất cụ thể, không mơ hồ. Doanh nghiệp ngày nay được định nghĩa là một nhân tố kinh tế - xã hội trong một hệ thống các mối quan hệ phức tạp, thay vì là một chủ thể kinh tế như cách quan niệm trước đây. Kinh doanh trong nền kinh tế thị trường ngày nay đồng nghĩa với việc doanh nhân - doanh nghiệp tham gia vào một "bàn tiệc xã hội" trong đó giá trị được tạo ra (bởi doanh nghiệp) và được chia sẻ cho những "vị khách ngồi cùng bàn tiệc với doanh nghiệp". Những vị khách đó là những người hữu quan đã được nhắc đến ở phần đầu bài viết này:
"Bàn tiệc" ở các vùng phía Bắc theo truyền thống gồm 6 người, đó là: khách hàng – người lao động – đối tác – nhà đầu tư – cộng đồng – cơ quan quản lý nhà nước;
"Bàn tiệc" ở các vùng phía Nam theo truyền thống gồm 10 người, đó là: khách hàng – hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng – người lao động – nghiệp đoàn lao động – đối tác – nhà đầu tư – cộng đồng – tổ chức xã hội, bảo vệ môi trường – cơ quan tài chính – cơ quan quản lý nhà nước;
Trong tất cả các "bàn tiệc xã hội của doanh nghiệp" luôn có một "vị khách mời danh dự" (không thuộc các đối tượng hữu quan) đó là những đối tượng cần trợ giúp nhân đạo (người nghèo, người già, thương tật, hoàn cảnh khó khăn…)
Mỗi đối tượng tham gia vào bàn tiệc xã hội đều có những mối quan tâm và mong muốn nhất định. Và họ kỳ vọng sẽ đạt được điều đó thông qua "các mối quan hệ với những người trong bàn tiệc". Chừng nào mong muốn và kỳ vọng của họ được đáp ứng, họ sẽ tích cực tham gia và cố gắng duy trì mối quan hệ với những người khác. Ngược lại họ sẽ đứng lên, rời bỏ "bàn tiệc" để tìm cơ hội khác. Tiệc sẽ không thành nếu thiếu người. Vai trò của doanh nhân - doanh nghiệp trong mối quan hệ ("bàn tiệc") này là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp không tham gia "bàn tiệc" với tư cách khách mời mà là chủ tiệc, là người tạo ra giá trị và phân phối lợi ích cho mọi người. Vậy, liệu doanh nghiệp có thể kiếm lợi nhuận bằng cách vơ về cho mình, bằng cách làm hàng kém giả, thiếu khối lượng, dùng nguyên liệu rẻ không an toàn cho người sử dụng, hay ăn bớt tiền công, tiền bảo hiểm hay chi tiêu về bảo hộ lao động cho người lao động, hay lừa dối cơ quan thuế và chủ đầu tư, tìm cách đẩy trách nhiệm xử lý môi trường cho cộng đồng, xã hội… hay không? Doanh nhân không tham gia "bàn tiệc" với tư cách là thực khách mà là người đại diện cho rất nhiều người và cho những giá trị thể hiện trong ước nguyện, triết lý của bản thân và của họ. Hành vi và cách thức ứng xử của doanh nhân đối với những vị khách – những người hữu quan – là yếu tố quyết định độ bền vững của mối quan hệ cũng như hình ảnh (thương hiệu) của doanh nhân – doanh nghiệp. Muốn làm tốt điều này, doanh nhân – doanh nghiệp phải hiểu rõ mong muốn, nguyện vọng của từng đối tượng hữu quan và chọn được cách thức hành động có thể thoả mãn được tất cả các "vị khách" ở chừng mức họ có thể chấp nhận được. Kết quả của hành vi sẽ được đo lường bằng mức độ phúc lợi (gia tăng) tạo ra cho các đối tượng hữu quan.
Như vậy, thực thi trách nhiệm xã hội, đồng nghĩa với việc ra quyết định một cách đúng đắn sao cho hành động/hoạt động có thể đáp ứng được nhiều nhất có thể những mong đợi của những người hữu quan. Trong quản lý doanh nghiệp hiện đại, phương pháp ra quyết định này có tên gọi là cách tiếp cận những người hữu quan (Stake-Holder Approach). Đây là quan điểm phổ biến và thịnh hành được vận dụng ở nhiều doanh nghiệp ngày nay để thay thế có quan điểm cổ điển "thực hiện tốt, đầy đủ và tự giác các quy định của pháp luật và nghĩa vụ xã hội", vốn bị coi là thụ động và gây nhiều tranh cãi. (Vì xét cho cùng ai đặt ra quy định để doanh nghiệp thực hiện và khi nào? Nghĩa vụ nào được thực hiện trước, sau, nếu không thể thực hiện đồng thời?)
Vấn đề cuối cùng bài viết muốn tham luận là: "Làm thế nào để một doanh nghiệp gồm rất nhiều người với nhiều công việc, chức trách khác nhau có thể hành động một cách nhất quán?" Câu hỏi này phát sinh từ thực tế quản lý rằng, chỉ cần một (vài) người đại diện cho một tổ chức, doanh nghiệp có hành vi không phù hợp có thể làm cho mọi nỗ lực của những người khác trở nên vô nghĩa và làm xói mòi hình ảnh của doanh nhân - doanh nghiệp, tổ chức. Để không làm cho bài tham luận dài thêm, xin được tóm gọn như sau. Con người vốn khác nhau về nhận thức, tư duy, kinh nghiệm, cách thức hành động, nhưng tập hợp lại với nhau vì những lý tưởng chung. Vậy, xây dựng được một phương thức hành động được mọi người đồng thuận và vừa thể hiện được nguyện ước chung của tất cả mọi người, vừa tạo cơ hội cho mỗi người thể hiện ước nguyện của riêng mình theo cách thức "quen thuộc" của mình là điều có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. May mắn thay, ngày nay các nhà khoa học đã phát minh ra một công cụ như vậy; Đó là Văn hoá doanh nghiệp (văn hoá công ty). Một cách ngắn gọn và trực quan, có thể mô tả một cách trực quan, ngắn gọn bằng sơ đồ như Hình 3.
Hình 3: Biến mong ước thành hành động thông qua Văn hoá doanh nghiệp
Bài viết đã dài, nhưng tác giả không giám kết luận vì chúng ta dường như đang mở ra một cách nhìn mới về cách hành thiện của doanh nhân – doanh nghiệp. Chúng tôi xin phép được để ngỏ phần kết luận để mời chư vị cùng tham luận.
Kính chúc hội thảo thành công với nhiều sáng kiến thiết thực.
Chúc quý vị an khang, sức khoẻ, hành sự thành đạt..
Hà Nội, ngày 03/8/2011
Kính
Nguyễn Mạnh Quân
[1] Bài viết cho Hội thảo “Doanh nhân, doanh nghiệp phật tử trong thời kỳ hội nhập” nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do Ban kinh tế - tài chính TWGHPGVN tổ chức vào tháng 10 năm 2011 tại TP HCM.
[2] PGS.TS. Nguyễn Mạnh Quân hiện là Phó Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. Chuyên môn môn chính là các linh vực về Chiến lược, Đạo đức kinh doanh, Văn hoá doanh nghiệp.
[3] Về lựa chọn triết lý hoạt động cho một tổ chức, doanh nghiệp, xin xem thêm bài viết của tác giả trên tạp chí của ngành Điện lực các số từ tháng 10/2010 đến thang 4/2011.
[4] Có thể đọc thêm về nội dung của các nghĩa vụ trong các chương 1 và 2 của cuốn "Giáo trình Đạo đức kinh doanh và Văn hoá công ty", Nhà xuất bản ĐH KTQD, Hà Nội, 2010.
[5] Xem thêm chương 2 "Giáo trình Đạo đức kinh doanh và Văn hoá công ty", tlđd.