6 lý do không nên đốt vàng mã ngày Rằm

Đất nước mỗi ngày một đổi mới, bộ mặt xã hội đã có nhiều thay đổi và khởi sắc. Ngoài đời sống hưởng thụ về mặt vật chất, hầu hết mọi tầng lớp nhân dân đang có nhu cầu chuyển sang hưởng thụ về mặt tinh thần, đặc biệt là nhu cầu về mặt tâm linh. Đã là nhu cầu về mặt tâm linh mà thiếu đi triết lý nhân bản, chánh pháp thì nảy sinh "tam sao thất bản", mạnh ai nấy làm. Do vậy, tục đốt vàng mã lại có dịp biến tướng khủng khiếp.
6 lý do không nên đốt vàng mã ngày Rằm
“Vạn pháp duy tâm tạo”, không sai khác. Đứng trên quan điểm đạo Phật, và truyền thống tín ngưỡng của dân tộc, có thể khẳng định rằng, việc đốt vàng mã, cắt sao giải hạn, bói toán …đều là ngoại đạo, tà đạo, lai căng không nằm trong đạo thờ Mẫu, thờ Phật. Chúng tôi xin nêu ra 6 lý do không nên đốt vàng mã:
1 – Loại giấy tờ tạp phế phẩm để làm ra giấy tiền vàng mã đều không phải là loại giấy sạch. Không lẽ ta lại lấy sự bẩn thỉu, ô uế dâng lên bàn thờ thanh tịnh, linh thiêng của ta hay sao?
2 – Người sản xuất và nhà phân phối đồ vàng mã vì nắm được tâm lý chẳng ai đi đếm thứ tiền vàng mã này cả nên chẳng xấp tiền nào, ngân lượng vàng mã nào là đầy đủ cả. Không lẽ ta lại dâng sự bỏn xẻn, sự toan tính (dù vô tình hay hữu ý) lên các đấng bề trên anh linh hay sao?
3 – Giá trị của thứ vàng mã này hầu như rất nhỏ nếu như không muốn nói là không có. Mỗi một cảnh giới có quy luật chi phối riêng của nó. Tiền của cõi dương gian này làm sao phù hợp với cõi “âm” vô hình. Vậy không lẽ ta lại áp đặt thứ giá trị rẻ tiền này lên cõi vô hình hay sao? Liệu có “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” hay không?
4 – Vòng đời của những thứ vàng mã này rất ngắn. Hiệu lực dường như chỉ có từ ở chợ về đến nhà mình hoặc đến nơi thờ cúng, sau khi hóa đi (đốt) thế là hết, vừa lãng phí vừa vô nghĩa.
5 – Vấn đề ô nhiễm môi trường: chúng ta hãy thử tưởng tượng nếu cùng một lúc người người, nhà nhà cùng đốt vàng mã thì ta có thể ví như một rừng cây bị thiêu rụi vì sự vô minh này của chúng ta. Khói bụi và tàn của giấy vàng mã chỉ làm cho môi trường thêm gánh nặng. Chưa khi nào mà vấn đề ô nhiễm môi trường lại đáng báo động như hiện nay. Nạn hồng thủy, động đất, sự nóng lên của trái đất, băng ở Bắc cực và Nam cực đang tan chảy…Tất thảy đều là những nguy cơ hủy hoại đời sống con người. Chỉ cần chúng ta ý thức được về vấn đề này thì môi trường quanh chúng ta sẽ tránh được một nguy cơ.
6 – Sự lãng phí: Ví thử nếu chúng ta coi thứ vàng mã này là vốn thì với số tiền lãng phí hàng tỷ đồng trên được dành cho phát triển kinh tế thì có biết bao cơ hội việc làm được giải quyết, giá trị thặng dư của xã hội được tăng lên, đóng góp vào sự phồn thịnh của đất nước. Nếu chúng ta coi vàng mã là vật tài thí thì biết bao ngôi nhà tình nghĩa được ra đời, đời sống người nghèo được cải thiện, sưởi ấm biết bao tấm lòng hiu quạnh. Người xưa mình có câu: “Dù xây chín bậc cơ đồ; không bằng làm phúc giúp cho một người” hay “cứu một người phúc đẳng hà sa”.
Nếu chúng ta có đủ sự tỉnh táo và khôn ngoan để đặt ra sự so sánh rằng tại sao các nước phương Tây họ có mê tín, đốt vàng mã đâu mà sao đất nước họ lại phát triển và văn minh?
Không hiểu sao việc đốt vàng mã ngày nay lại lôi kéo được nhiều người theo đến thế, nó như một thứ ma lực, hấp dẫn nhiều người đến lạ kỳ?. Từ hàng vương giả, trâm anh thế phiệt đến hạng thứ dân tứ khố vô thân, người người, nhà nhà cứ đến những ngày lễ, dịp tết lại ít nhiều mua sắm thứ “vô giá” này?
Nhưng xin thưa, thứ "vô giá" đó không có chút xíu giá trị nào cả, nếu thiếu đi chánh pháp. Hãy dùng trí tuệ để phá vỡ vô minh, dùng từ bi để đánh bại tham lam, ích kỷ. Chỉ có từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha của nhà Phật mới cảm hóa được muôn loài.
Theo Phật giáo Việt Nam