Chuyện khó tin về chú tiểu "siêu tí hon" mù chữ

Trái với thân hình quá đỗi khiêm tốn của mình, chú tiểu Nhuận Pháp lại có những khả năng bắt chước vô cùng đặc biệt.
Chuyện khó tin về chú tiểu "siêu tí hon" mù chữ
Giây phút mới chào đời, chú tiểu Nhuận Pháp chỉ nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay người lớn. Một tuần sau, chú mới nhỉnh lên được 500g, 29 năm sau chú “đạt” chiều cao 90 cm và nặng 13kg.

Tuy nhiên, trái với thân hình quá đỗi khiêm tốn của mình, chú lại có những khả năng bắt chước vô cùng đặc biệt. Chính nhờ thứ năng khiếu trời phú này, mà đến giờ, Nhuận Pháp không chỉ được đồng đạo mến mộ nhờ tu tập võ nghệ thượng thừa, mà hơn thế còn được sách kỷ lục Việt Nam vinh danh với tư cách nhà thư pháp duy nhất được công nhận “thầy đồ”.

Diện kiến chú tiểu “siêu” tí hon

Người chúng tôi đang nói đến là chú tiểu Thích Nhuận Pháp (29 tuổi, thọ giới tại chùa Bát Nhã, quận Bình Thạnh, TP. HCM). Chú có thân hình quá đặc biệt và sở hữu “tuyệt kỹ” thư pháp, cùng những chiêu thức võ thuật điêu luyện do chính bản thân “tự sáng tạo” bằng cách mô phỏng lại. Tiếng lành đồn xa, nhiều khách thập phương đã cất công tìm đến để được tận mắt chiêm ngưỡng chú tiểu kỳ tài này. Trên hành trình tác nghiệp của mình, chúng tôi cũng tò mò tìm đến, với hy vọng được chứng nghiệm tài năng hiếm có của Phật môn.

Dù đã hình dung rất kỹ trước đó, nhưng khi tận thấy chú tiểu tí hon hiện ra bằng xương bằng thịt, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Bởi nếu không nhìn kỹ, nhiều người sẽ nhầm lẫn Nhuận Pháp với một hình nộm búp bê. Một đồng đạo tu tập tại chùa Bát Nhã bảo: Khi đứng trong nhà, thì Nhuận Pháp có thể khuất lấp trong bất cứ đồ vật nào, vì tính ra chú chỉ nhỉnh hơn chiếc phích đựng nước chừng mấy cm. Điều đặc là các bộ phận cơ thể từ đầu thân, chân, tay, mũi, mắt…của chú đều nhỏ theo một tỷ lệ không thể cân đối hơn. Thế nhưng, những người sống thường ngày với chú tiểu đặc biệt này đều khẳng định, thể trạng chú hoàn toàn bình thường. Nhuận Pháp khỏe, nhanh nhẹn, hoạt bát chứ không phải “có vấn đề” như người ta tưởng. Có nghĩa, chú là một người hoàn toàn bình thường nhưng có “size” (cỡ) nhỏ hơn mà thôi. Do đó, để tiện trong sinh hoạt hàng ngày, hoặc khỏi bị thất lạc, Nhuận Pháp luôn phải có một người lớn bên cạnh hỗ trợ và trông giữ.

Thích Nhuận Pháp có tên khai sinh là Nguyễn Duy Phương, nguyên gốc ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngay lúc này, ngồi bên người con tí hon đầy tự hào, bà Đinh Thị Anh vẫn không thể quên được cảm giác vô cùng bất ngờ của 29 năm trước, khi bà sinh đứa con như trong truyện cổ tích. Bà kể: “Đúng là không ai tưởng tượng được chú ạ, hồi đó, tôi cũng bụng mang dạ chửa 9 tháng 10 ngày, không thừa chẳng thiếu. Nhưng ngày sinh Duy Phương ra, thực tôi chẳng tin vào mắt mình”.

Trong ký ức xa xưa còn đọng lại, bà nhớ ngay từ khi thai nghén Duy Phương đã có rất nhiều dấu hiệu khác thường. Ngày đó dù dạ chửa, nhưng bà gần như không cảm nhận được có bào thai bên trong. Nhà nghèo không có điều kiện đi siêu âm, bà chỉ hỏi kinh nghiệm từ những người già trong làng thì được biết thai nhi vẫn phát triển bình thường. Mãi đến khi cận ngày sinh, bà Anh mới cảm nhận được cái thai bên trong quẫy cựa rất khẽ. Đến lúc sinh em bé, thì ngay cả người hộ sinh cũng phải há miệng ngạc nhiên. “Duy Phương ra đời quá mau mắn, nhưng đó là một cục thịt đỏ hỏn nằm lọt thỏm trong bàn tay người lớn, mặt mũi khôi ngô, duy chỉ có điều da của bé mỏng đến nỗi, bằng mắt thường có thể nhìn xuyên thấu hết các bộ phận nội tạng bên trong”, bà Anh nhớ lại.

 Chú tiểu Thích Nhuận Pháp vừa xác lập kỷ lục thầy đồ tí hon.
Chuyện bà Anh sinh bé tí hon như truyện cổ tích lan nhanh, làng trên xóm dưới mọi người hiếu kỳ ùn ùn kéo đến xem. Có người bảo, bà sinh ra người ngoài hành tinh, người độc mồm thì kháo rằng do nghiệp báo từ kiếp trước nên bà mới có đứa con dị thường như vậy. Bao lời dị nghị bà Anh đều bỏ ngoài tai, cắn răng chấp nhận số phận, dành trọn tình yêu thương cho đứa con bé bỏng của mình.

Cơ duyên trở thành “thầy đồ mù chữ”

Người ta sinh con hạnh phúc, riêng bà Anh thì chỉ có nước mắt. Bởi như chính bà nói, Duy Phương nhỏ đến mức người ta có thể quên bất cứ lúc nào, bế bồng gần như không có cảm giác. Bà nơm nớp sợ một ngày nào đó đứa con sẽ mất đi, hoặc rơi rớt thất lạc. Chăm bẵm đứa trẻ bình thường đã khó thì với Duy Phương, mọi chuyện càng khó khăn vạn lần. Bà phải dùng khăn nhỏ quấn mấy lần vải lại để đặt lên đôi bàn tay. Miệng bé quá nhỏ nên không thể tự bú, mỗi ngày bà chỉ mớm cho 1-2 giọt sữa cũng đủ cho đứa con trai tí hon no bụng say ngủ. Điều đáng nói khi lớn lên, ngày này qua tháng khác, trọng lượng của bé chỉ thay đổi từng gam và lớn từng milimet không đáng kể. Để có áo cho Duy Phương mang, bà Anh tự cắt ống tay áo của mình ra và may chắp thêm 2 ống tay bằng 2 ngón tay người lớn cho bé mang mà vẫn rộng thùng thình.

Thời gian qua đi, không phụ lòng hi vọng của mọi người, Duy Phương sớm tỏ ra cứng cáp, hoạt bát và nhanh nhẹn. 7 tháng tuổi cậu bé có thể trườn bò khắp nhà, vin tường tập đi, hơn 1 tuổi cậu đã bập bẹ tập nói. Chỉ có điều bộ phận cấu âm cũng khiêm tốn, giọng bé nói hết cỡ cũng chỉ như cơn gió thoảng nhẹ qua tai. Qua ngưỡng 1 năm tuổi, bà Anh mới tin rằng đứa con “cổ tích” của mình có thể sinh tồn được. “Nói nuôi Duy Phương vất vả nhưng thực ra gần như là không hề tốn kém, bởi bé ăn uống không đáng kể. Khi bé khóc, tôi chỉ mớm vài ba giọt sữa là bé no say ngoan ngoãn ngủ. Lúc mới lẫm chẫm biết đi, thấy bé dễ thương nên ngày nào cũng có người tới thăm vì hiếu kỳ”, bà Anh cười nhớ lại.

Rồi những năm tháng sau đổi mới, cuộc sống gia đình rơi vào khó khăn, bà phải ẵm Duy Phương vào miền Nam mưu sinh. Tại TP. HCM do phát hiện chú bé “tí hon”, Bệnh viện Từ Dũ đã nhận nuôi để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Duy Phương được bệnh viện đỡ đầu nuôi theo chế độ đặc biệt. Trong nhiều năm, những bác sĩ trong và ngoài nước cố tìm ra căn nguyên kìm hãm sự phát triển của Duy Phương nhưng vẫn không tìm ra. Cuối cùng, các bác sĩ kết luận rằng, Duy Phương chỉ là một người bình thường thu nhỏ chứ không bị mắc chứng bệnh người lùn hoặc bị nhiễm chất độc da cam.

Câu chuyện tuổi thơ của Duy Phương từ đó lặng lẽ trôi như những trang cổ tích nối dài. Mỗi ngày qua đi, bà Anh lại phát hiện những điều vô cùng thú vị. Duy Phương có những biệt tài là bắt chước, tập theo những gì người lớn làm một cách đáng kinh ngạc, trong đó nổi bật nhất là khả năng đánh võ, đi quyền, chạy nhảy, nhào lộn. Không cần ai bày biểu hay hướng dẫn, mỗi lần xem ti vi xong, cậu bé đều tập theo và chẳng mấy chốc trở thành điêu luyện. Rất nhiều thế võ như Túy quyền, Thái cực quyền của các nhân vật như Trương Tam Phong, Hoàng Phi Hồng…, đều được cậu biểu diễn thuần thục. Mỗi lần như thế, đám đông chứng kiến đều tỏ ra thán phục, bởi tốc độ triển khai nhanh như chớp. Một đồng đạo tu tập cùng Nhuận Pháp bảo: “Đến giờ thì những thế võ mà cậu ấy tự học đều đã đạt đến trình độ thượng thừa. Ở chùa, Nhuận Pháp còn có thể tập thể lực bằng cách chống đẩy hàng chục lượt bằng một chân hoặc hai đầu ngón tay”.

 
 
Ngoài khả năng võ thuật, Nhuận Pháp còn nổi tiếng nhờ câu chuyện trở thành nhà thư pháp dù không hề biết chữ. Nói về chuyện khó tin này, chú tiểu tí hon tâm sự: “Hàng chục năm qua, thầy “chào thua” trước con chữ”. Mẹ của thầy, bà Anh cũng khẳng định con trai mình thậm chí chẳng nhớ nổi mặt chữ cái đơn giản. “Từ thuở nhỏ, Duy Phương luôn học trước quên sau. Hôm trước học thuộc chữ A, thì hôm sau lại quên chữ O”, bà Anh cười tươi kể.

Mắc tật hay “quên chữ” vậy, nhưng Thích Nhuận Pháp lại có hoa tay khiến người ta phải thán phục, đó là năng khiếu viết thư pháp. Những con chữ “vô nghĩa” qua đầu bút lông của “thầy” đều như được “thổi hồn”, rất sinh động và hấp dẫn, có những sức sáng tạo rất riêng biệt không thể nhầm lẫn. Vì không biết chữ, nên muốn viết dòng thư pháp nào đó, Nhuận Pháp sẽ phải dựa vào một bản chữ thô, sau đó dựa trên hình hài những con chữ rồi thả sức “biến hóa” lại không sai một từ. Nhuận Pháp thừa nhận chính nhờ việc bắt chước này mà bản thân biết chữ gần 2 năm nay. Chứ trước kia khi nhìn vào trang giấy đầy chữ, “thầy đồ” cũng chẳng biết bên trong ẩn chứa những gì. Có thể nói đây là một hiện tượng “vô tiền khoáng hậu”, một người viết thư pháp “lạ” duy nhất ở Việt Nam đến thời điểm hiện tại được sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là thầy đồ.

 Ngày 12/1/2013, Trung tâm VietKings (Kỷ lục Việt Nam) đã trao bằng công nhận Nguyễn Duy Phương- Thích Nhuận Pháp là ông đồ nhỏ nhất Việt Nam. VietKings cũng đang đề nghị Trung tâm Kỷ lục châu Á công nhận Tu sĩ Phật giáo Thích Nhuận Pháp là người viết thư pháp nhỏ nhất châu Á. 

Tác giả bài viết: Theo Gia đình và xã hội