Lời Phật dạy cách đối trị với bạo lực, khủng bố

Sinh thời, Đức Phật thường xuyên phải đối trị với bạo lực, khủng bố xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau.
Lời Phật dạy cách đối trị với bạo lực, khủng bố

Hứng chín trận mưa đao

Sinh thời, Đức Phật thường xuyên phải đối trị với bạo lực, khủng bố xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Trường hợp đầu tiên ta có thể thấy sự hiện diện dữ tợn của bạo lực là khi Đức Phật chứng đắc Thánh quả, Ma vương đã dùng mọi yêu thuật để lật đổ. Kinh nghiệm của Đức Phật trong việc đối phó với Ma vương nói lên phần nào khía cạnh liên quan đến bạo lực và khủng bố.

Ma vương nói rằng nếu Đức Phật từ bỏ theo đuổi con đường hiện tại, ngài sẽ sống cuộc đời sung túc; còn không người thân của ngài sẽ gặp nguy hiểm. Điều này cũng được bọn khủng bố hiện thời sử dụng dưới hình thức bắt cóc con tin. Bằng thần thông của mình, Ma vương đã dùng phép thuật bắt người thân của Đức Phật đến trước ngài đe dọa, mặc cho họ van nài xin tha. Sự thật là đám người thân đó chỉ là ma quỷ hiện hình do Ma vương tạo ra để uy hiếp Đức Phật.

Ma vương tiếp tục uy hiếp tinh thần Đức Phật bằng cách tạo ra chín trận mưa đao, khói đen mù mịt, sấm sét vàng trời. Sau khi các kiểu uy hiếp tinh thần thất bại, Ma vương bèn dùng nữ sắc nhằm làm lung lạc ý chí Đức Phật.

Tình tiết trên cho thấy, Đức Phật không run sợ, bỏ ngoài tai tất cả các tư tưởng về bạo lực. Bạo lực chỉ có thể được khơi nguồn và phát triển khi nó được nuôi dưỡng. Nếu không có điều kiện thích hợp, bạo lực không thể tồn tại và phát triển. Bản chất của bạo lực rất dễ khởi phát và lan rộng, vì thế kinh nghiệm của những người từng nếm trải bạo lực rất đáng được học hỏi.

 

Hứng sự khinh miệt và chửi bới

Mỗi người cần tránh bạo lực trong cả lời nói, hành động và tư tưởng, bởi bạo lực không những làm tổn thương nạn nhân mà chẳng đem lại lợi lộc nào cho kẻ tạo ra nó. Khi bạo lực hay khủng bố dùng để chống lại một cá nhân yếu đuối, thì tác dụng của hành động này rồi sẽ quay trở lại với chính người tạo ra nó. Con người cũng tránh việc kích động những người có khuynh hướng cư xử bằng bạo lực bằng những lời nói thô lỗ, cộc cằn. Muốn ngăn chặn được bạo lực thì nên kiểm soát từ chính suy nghĩ và hành động của mình, mà chìa khóa kiểm soát chính là đức tính kiên nhẫn.

Bất cứ ai, từ cá nhân, cảnh sát, lãnh đạo, chính quyền nhà nước,… muốn dập tắt bạo lực cần lưu ý đến phương pháp này. Mỗi giai đoạn phát triển của bạo lực lại có những phương sách giải quyết thích hợp nhất. Nhiều trường hợp buộc phải mang mạng sống của mình ra các cuộc đàm phán với bọn khủng bố.

Đức Phật có lần còn được hai vợ chồng Bà-la-môn yêu cầu cưới con gái của họ làm vợ. Ngài từ chối và giải thích bản thân không đam mê sắc dục, rằng sắc đẹp của phụ nữ là phù du, ngắn ngủi. Nghe vậy, cô con gái lấy làm tức giận, cho rằng ngài coi khinh sắc đẹp của cô và bắt đầu nuôi dưỡng lòng thù hận với Đức Phật. Cô khinh miệt và chửi bới Đức Phật và Tăng chúng nơi công cộng. Nhưng ngài vẫn không lên tiếng. Do vậy, hành động bạo lực vì thế không tồn tại được lâu.

Nhưng cô này vẫn nuôi ý chí phục thù. Cô cưới nhà vua Udeni, trở thành thê thiếp của ông ta. Thấy vua có một người vợ là đệ tử của Đức Phật, cô này bắt đầu trút cơn giận bằng việc sai người sang đốt cung điện của người phụ nữ trên. Lòng thù hận đã đưa đến hành động tàn khốc: hoàng hậu và 500 cung nữ đã bị chết cháy. Cô gái đã phải trả giá cho hành động tàn ác của mình: cô và gia quyến phải chịu cực hình cho đến chết.

Ánh sáng Phật giáo

Cách một cá nhân, thể chế, đất nước sử dụng bạo lực giải quyết vấn đề thường tạo cơ sở và môi trường để tội ác lan rộng trong dân chúng. Trong kinh điển, những nhà nước sử dụng bạo lực để trừng trị tội phạm như chặt chân tay đều dẫn đến sự rối ren, bạo động trong xã hội.

Giáo lý nhà Phật dạy rằng, chính những nhân tố thuộc về tâm lý và xã hội góp phần tạo nên khuynh hướng bạo lực. Động cơ phạm tội của những kẻ khủng bố Boston chính là một minh chứng.

Trong các biện pháp mà khủng bố sử dụng, tuyên truyền là hành động được sử dụng từ thời Đức Phật thông qua kênh truyền miệng. Ngày nay, việc gây ra tội ác nhằm thu hút giới truyền thông luôn là ý tưởng mà bọn khủng bố thường dùng đến. Trong trường hợp này, Đức Phật sẽ im lặng trong một thời gian vừa phải, sau đó nếu đối phương không tìm được chứng cứ buộc tội, người bắt đầu lên tiếng ném trả những kẻ vu cáo. Mục đích là không làm phát sinh thêm những thông tin tuyên truyền sai lầm, cường điệu.

Ngày nay, bạo lực là vấn đề nhạy cảm và thường liên quan đến cả một hệ thống. Đa số trường hợp, khuyết điểm thuộc về chính quyền hay nhà lãnh đạo. Và nếu sử dụng bạo lực để đối phó, thì chính họ tự đào thải mình.

Hi vọng rằng ánh sáng từ Phật giáo sẽ giúp chúng ta xác định được nguyên nhân của bạo lực, khủng bố, từ đó tìm ra cách kiềm chế các vấn đề bạo động có hiệu quả.

Tác giả bài viết: HT Giác Hạnh Hoa