Nghệ thuật nghe thuyết Pháp để nhớ lâu của Tôn giả A Nan
- Thứ năm - 26/03/2015 09:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tôn giả A Nan là em chú bác ruột của đức Phật, A NAN sinh vào ngày Đức Phật thành đạo, A NAN được khôn lớn trong hoàng cung và đến năm 25 tuổi mới theo Phật xuất gia. Trong suốt hai mươi lăm đầu, Đức Thế Tôn không có thị giả riêng.Khi thì ngài Nàgasamlà, khi thì ngài Nàgita… thay nhau đảm nhận công việc thị giả. Đến năm 56 tuổi, vì quán sát căn cơ của chúng sanh và cũng như để thuận lợi hơn trọng cuộc hoằng hoá tử chúng nên Đức Thế tôn muốn có một vị thị giả thường trực.
A Nan được chọn là Thị giả của Đức Phật vì A Nan có trí nhớ rất siêu. A Nan rất kính Phật, nên mọi công việc hầu cận, chăm sóc. . . A Nan làm rất tốt.
Kỷ lục ghi nhớ tức khắc, và ghi nhớ đầy đủ của A Nan Ða, khiến ta có cảm tưởng, như Tôn giả đã dùng phép lạ, mới thực hiện nổi một kỳ công như thế. Nhưng theo Phật giáo thì phép "lạ" của A Nan Ða không có gì khác hơn là không để cho tâm trí của mình bị vướng mắc bởi những ý tưởng vô ích. Những ý tưởng vô ích vốn có hàng trăm, ngàn thứ và luôn luôn "choán hết chỗ" trong đầu óc con người , thì còn đâu tiềm lực để cho trí nhớ của họ được phát triển?
Khi A Nan Ða nghe pháp, Tôn giả không có một gợn tư duy nào trong tâm ông cả, không để cho cái "ngã" nổi dậy để bình phẩm "Câu này dài, câu kia ngắn. Câu này sâu sắc, câu kia thông thường, âm thanh câu này cao, âm thanh câu kia thấp v.v..".
Trong ý thức của A Nan lúc ấy chỉ có một điều là nghe và ghi nhớ một cách tự nhiên, không bấn loạn hay hoang mang, sợ rồi mình sẽ quên nhưng điều Phật dạy. Như một viên thư ký chuyên nghiệp, chỉ biết vô tư chép đúng những lời người khác nói, lên trang giấy trắng tinh một cách tự tin và bình thản.Và trang giấy trắng tinh của A Nan Ða là trí óc thanh tịnh, không bị năm pháp chướng làm ô đục, hoen ố vậy!
Ðây chính là tư cách của một đại Thinh Văn (Bậc được nghe nhiều học rộng). Vì ai được nghe và học nhiều bằng phẩm hạnh này sẽ loại trừ được tánh ương ngạnh, tự đắc, nằm sẵn trong tâm, và biến trí óc mình thành một kho tàng chứa toàn chân lý. Và người được nghe và hấp thụ càng nhiều chân lý thì những ác pháp trong tâm họ, đương nhiên càng được tiêu trừ.
Các hạng Thinh Văn như thế có thể ví như những hạt kim cương, tiếp nhận ánh sáng chân lý, từ tôn khẩu của đức Phật, nên sự phản chiếu ánh sáng chân lý (ám chỉ sự lập lại) cũng trung thực, không thêm, không bớt, không rõ, không mờ. (Theo vật lý học, kim cương là môi trường mà ánh sáng hiện ra chính xác nhất).
Nhiều học giả Phật giáo đã ví bộ óc của A Nan Ða như một cái máy ghi âm siêu đảng, có nhiều tầng số thanh lọc. Một tầng số dành thu phát một vấn đề chuyên biệt, không bao giờ cho những âm thanh bất thiện, ngoại đề, có thể nhập vào trong âm trường của làn sóng.
Theo một thuật sự trong tam tạng Pàli thì A Nan Ða có khả năng nghe nhiều đoạn pháp khác nhau cùng một lúc. Những đoạn pháp ấy có thể thuộc về nhiều đề tài khác nhau, và được thuyết xen kẽ nhau. Nhưng sau khi nghe xong, A Nan Ða đã có thể ráp nối các đoạn pháp rời rạc ấy một cách mạch lạc, thứ tự, để hoàn tất một lúc hai ba bài pháp, thật dễ dàng. Thậm chí A Nan Ða có thể vừa nghe, vừa đem thuyết lại từng đoạn Phật ngôn rời rạc cho các hàng tứ chúng hấp thụ về một số đề pháp chuyên biệt.