Trang nhất » Tin Tức » Tuổi Trẻ Và Phật Giáo

DIỄN GIẢNG & XƯỚNG NGÔN Lễ hội Phật Giáo TT. Thích Đạt Đạo ĐĐ. Thích Nguyên An - MC. Tánh Thuần

Thứ năm - 23/05/2013 14:52

DÀN BÀI ĐẠI CƯƠNG

TÂM LÝ – NGHỆ THUẬT DIỄN GIẢNG

TRƯỚC THÍNH CHÚNG VÀ

XƯỚNG NGÔN LỄ HỘI PHẬT GIÁO

I.        CÁC KHÁI NIỆM VỀ TÂM LÝ HỌC

          1.     Định nghĩa về tâm lý học

          2.     Các trạng thái tâm lý

          3.     Sự liên quan giữa tâm lý và ngôn ngữ

                4.     Các vấn đề liên quan đến tâm lý      

-              Phong tục tập quán.

-              Truyền thống

-              Tính dân tộc

-              Tín ngưỡng, tôn giáo

II.        CÁC YẾU TỐ PHÂN TÍCH TÂM  LÝ THÍNH CHÚNG TRƯỚC KHI DIỄN GIẢNG 

          1.     Định nghĩa việc phân tích thính chúng

          2.     Phân tích thính chúng

                  2.1. Phân tích dân số

                 + Tuổi tác

                 + Giới tính

                 + Nền tảng văn hóa, sắc tộc

                 + Tín ngưỡng, tôn giáo

                  2.2. Phân tích thái độ

                 + Thái độ

                 + Niềm tin, quan điểm

                  2.3. Phân tích môi trường

III.       MỤC ĐÍCH DIỄN GIẢNG

          1.     Đáp ứng nguyện vọng của thính chúng

          2.     Diễn đạt phải có hiệu quả

          3.     Tác động tư tưởng  

IV.      NGHỆ THUẬT DIỄN GIẢNG

          1.     Yêu cầu của buổi diễn giảng

          2.     Chuẩn bị bài giảng

                  2.1. Phần giới thiệu

    2.2. Phần nội dung

                   + Cách nêu từng điểm chính     

                   + Cách nhấn mạnh một điểm

                   + Cách đan xen các điểm chính

          3.     Tiến trình diễn giảng

           3.1. Địa điểm diễn giảng

           3.2. Chuẩn bị tinh thần

           3.3. Triển khai diễn giảng

          4.     Kết thúc diễn giảng     

V.       THỰC TẬP DIỄN GIẢNG

          1.     Phần chuẩn bị

         1.1. Chọn đề tài

                  1.2. Soạn dàn bài đại cương

                  1.3. Soạn bài giảng chi tiết

                  1.4. Bổ sung hòan chỉnh

                  1.5. Tập luyện nhiều lần –

                  Giải quyết bài giảng tùy theo dung lượng thời gian

   2.     Phần thực hiện

                  Có 5 tiêu chuẩn chấm điểm:

                  2.1. Điệu bộ

                  2.2. Âm thanh giọng nói

                  2.3. Giáo lý

                  2.4. Văn chương

                  2.5. Thời gian         

VI.      XƯỚNG NGÔN LỄ HỘI PHẬT GIÁO

          1.     Chuẩn bị trước ngày lễ hội

          2.     Chuẩn bị trước giờ khai mạc lễ hội

          3.     Phần thực hiện bắt đầu buổi lễ

          4.     Kết thúc buổi lễ

 

 

 

 

TÂM LÝ – NGHỆ THUẬT DIỄN GIẢNG TRƯỚC THÍNH CHÚNG

 XƯỚNG NGÔN LỄ HỘI PHẬT GIÁO

Thích Đạt Đạo

Trong cuộc sống, không chỉ có kiến thức rộng, kiến thức sâu là đủ để cho người khác đến với mình hoặc cộng tác với mình.

Nuớc Ý từng có câu ngạn ngữ: “Ai không có tiền trong túi thì phải có sẵn mật ngọt ở đôi môi”.

Trong nhà Phật chúng ta thì Kinh Pháp cú cũng từng dạy:

“Như bông hoa tươi đẹp

 Có sắc lại thêm hương

 Nói hay và làm giỏi

 Kết quả thật vô lường”   (PC.52)         

Thế giới ngày càng phát triển thì nhu cầu giao lưu cũng phát triển theo và diễn giảng cũng là một trong những vấn đề trao đổi thông tin hết sức bổ ích, thực tế. Người nói cần diễn đạt những vấn đề mới, người nghe cần biết những vấn đề mình chưa hiểu, chưa thông. Cả hai bên đều gặp nhau ở nhu cầu cần nghe và cần nói này.

Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng, diễn giảng không phải là một vấn đề đơn giản vì muốn nói để người khác muốn nghe và họ hiểu được những gì ta nói thì đấy là một vấn đề hết sức phức tạp, có liên quan rất nhiều đến lãnh vực tâm lý của con người, cụ thể ở đây là tâm lý của người nghe.

Để giữa người diễn giảng và người nghe có một mối đồng cảm với nhau thì trước hết chúng ta cần nghiên cứu đến tâm lý của người nghe và của cả người diễn giảng nữa.

I. CÁC KHÁI NIỆM VỀ TÂM LÝ HỌC

1.            Định nghĩa Tâm lý học

Tâm lý học là một môn khoa học về tâm hồn. Là một ngành khoa học nghiên cứu sự hình thành, diễn biến và phát triển của các hoạt động tâm lý. Tâm lý học nghiên cứu quá trình hình thành ý thức dựa trên hai quy luật: Quy luật về sự phát sinh của loài người và quy luật về sự phát triển của cá nhân. 

Thuật ngữ “Tâm lý” xuất phát từ chữ Hy Lạp cổ phiên âm ra chữ La Tinh “PSYCHOLOGIE”. Từ “PSYCHO” có nghĩa là tâm hồn, linh hồn. Từ “CHOLOGIE” có nghĩa là khoa học, học thuyết. 

Cũng vì thế, tâm lý học còn có nghĩa là khoa học về tâm hồn. Đối với ngôn ngữ loài người, thuật ngữ tâm hồn xuất hiện từ lâu lắm rồi dùng để biểu thị các hiện tượng tâm lý. Đối tượng của tâm lý học chính là tâm lý của con người, nghiên cứu, giải thích các hiện tượng, quá trình, trạng thái và các thuộc tính tâm lý của con người.

Sự hình thành và phát triển của Tâm lý học cũng rất phong phú.

Học thuyết Duy tâm thời cổ đại quan niệm rằng tâm lý là hiện tượng hoàn toàn phi vật chất, cho rằng khi con người đã chết thì phần xác mất đi nhưng phần hồn là bất tử, chỉ lìa khỏi xác nhưng vẫn quẩn quanh đâu đó mà con người không biết được.

Ngược lại, học thuyết Duy vật thời cổ đại thì quan niệm ngược lại, các nhà Triết học thời bấy giờ cho rằng tâm lý học có nguồn gốc vật chất:

+          HÉCRALITE cho rằng tâm lý cũng được cấu tạo nước, lửa, không khí, đất.

+          DÉMOCRITE cho rằng tâm lý, tâm hồn cũng do nguyên tử cấu thành.

+       HYPOCRATE cho rằng tâm lý được tạo thành từ bốn chất lỏng là: máu ở trong tim, nhớt trong não, mật vàng trong gan, mật đen trong dạ dày.

+       Thuyết ngũ hành thì cho rằng Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tạo nên vạn vật trong đó có cả tâm lý của con người. Tùy theo tỷ lệ pha trộn các chất trên mà từng con người sẽ có từng yếu tố tâm lý khác nhau.

2.            Các trạng thái tâm lý

Tâm lý chỉ tồn tại trong đầu, trong suy nghĩ của chúng ta, không thể nhận thức nó bằng các giác quan một cách rõ ràng chính xác mà chỉ có thể nhận thức được tâm lý một cách gián tiếp thông qua các biểu hiện bên ngoài như hành vi, cử chỉ, hình dáng, ngôn ngữ, sắc mặt.

Đặc trưng của tâm lý là hết sức phức tạp, nó hòa quyện, thâm nhập, kết hợp, quy định lẫn nhau, sự chuyển biến các trạng thái tâm lý từ hiện tượng này sang hiện tượng khác khó mà phân định được.

Trong quá trình nghiên cứu tâm lý con người, các nhà khoa học chia ra làm ba loại: Các quá trình tâm lý, các trạng thái tâm lý, các thuộc tính tâm lý. Ở đây vì đề cập đến vấn đề diễn giảng nên chúng ta chỉ nghiên cứu một khía cạnh các trạng thái tâm lý mà thôi.

Có thể hiểu một cách ngắn gọn, các trạng thái tâm lý là những hiện tượng tâm lý thường xuyên đi kèm với các quá trình tâm lý, gắn liền với các sự kiện và nó chi phối toàn bộ các hoạt động tâm lý của con người.

Các trạng thái tâm lý biểu hiện ở cường độ xúc cảm và thời gian tồn tại của xúc cảm, và xúc cảm cũng được chia thành hai loại là xúc động và tâm trạng.

-               Xúc động làm cho con người không làm chủ được bản thân mình, có cường độ mạnh, xảy ra theo từng cơn.

-               Tâm trạng lại là một dạng khác của xúc cảm, tồn tại trong một thời gian dài, có cường độ yếu hơn xúc động và có ảnh hưởng đến hành vi của một con người trong thời gian dài.

-               Stress cũng là một trạng thái đặc biệt của xúc cảm, phát sinh trong các hoàn cảnh nguy hiểm, cực khổ, lao lực, lao tâm, hoặc phải buộc đưa ra những quyết định sống còn trong giây phút.

-               Tình cảm cũng là một trạng thái tâm lý ở dạng ổn định của cá nhân đối với bản thân mình và có tính ổn định hơn.

3.            Sự liên quan giữa tâm lý và ngôn ngữ 

Thế giới nội tâm của con người dù sôi động hoặc trầm lắng, các trạng thái tâm lý dù đơn giản hay phức tạp cũng đều có nhu cầu diễn đạt bằng ngôn ngữ. Chính ngôn ngữ là một công cụ của tư duy, có liên quan đến toàn bộ quá trình tâm lý của con người, nó chi phối, điều chỉnh các quá trình tâm lý.

Một người muốn diễn giảng thành công một vấn đề gì, nhất thiết phải sử dụng ngôn ngữ và phải hiểu thấu đáo các trạng thái tâm lý của người nghe để có thể đưa ra các vấn đề một cách thích hợp, tùy thời, hợp tình, hợp lý.            

Diễn thuyết lại là một hình thức giao tiếp độc đáo, khác hẳn với lối đối thoại bình thường với bạn bè.

Các tính chất của ngôn ngữ như nhịp điệu, âm điệu, ngữ điệu... ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người nghe.

Có những người khi nói chuyện, giao tiếp, diễn thuyết với âm điệu dịu dàng, rõ ràng, mạch lạc làm cho người nghe rất thích thú và chăm chú lắng nghe nhưng cũng có người khi nói ra chát chúa, không đi vào trọng tâm, nói lan man hoặc âm điệu rời rạc làm người nghe buồn ngủ, thiếu tập trung không muốn nghe.

4.            Các vấn đề liên quan đến tâm lý

4.1.           Phong tục, tập quán:

Phong là nề nếp đã lan truyền rộng rãi. Tục là thói quen lâu đời. Tập quán là những ứng xử lặp đi lặp lại quen thuộc của con người trong những tình thế nhất định. Phong tục, tập quán là những nề nếp, các thói quen lâu đời trở thành các định chế và lan truyền rộng rãi, trở thành một khía cạnh của tính dân tộc, là một phần giá trị trong bản sắc văn hóa của dân tộc.

4.2.           Truyền thống:  

Là một hiện tượng tâm lý xã hội hình thành trong quá trình giao lưu giữa con người với nhau trong một cộng đồng người nhất định.

4.3.           Tính dân tộc

Tiêu biểu cho tính dân tộc là tính chất cộng đồng về lãnh thổ và đời sống kinh tế, cộng đồng về ngôn ngữ. Mỗi dân tộc đều có hoàn cảnh lịch sử cụ thể trong quan hệ sản xuất, chính trị, triết học, đạo đức, tôn giáo, luật pháp, tín ngưỡng, nguồn gốc, về điều kiện khí hậu, về tự nhiên... mang tính ổn định, đặc trưng của từng dân tộc.

Tính dân tộc được hình thành từ đời sống tâm lý chung của dân tộc qua nhiều thế hệ và luôn được vun đắp, giữ gìn, phát triển.

4.4.        Tín ngưỡng, tôn giáo

Tín ngưỡng là phần quan trọng trong đời sống tâm linh của con người, tạo ra sự vững tin, an tâm của con người và an ủi con người khi họ gặp khó khăn, đau khổ trong cuộc đời. Tín ngưỡng góp phần chi phối quan trọng đời sống tinh thần và hành vi của con người.           

Tôn giáo là hình thức tổ chức có cương lĩnh, mục đích, có nghi thức, có hệ thống, có lý luận để đem lại cho con người niềm tin tín ngưỡng bền vững. Tất cả những phân tích về vấn đề tâm lý nêu trên là cơ sở để diễn giả hiểu được tâm lý người nghe, từ đó có cách diễn giảng thích hợp cho từng đối tượng, từng hoàn cảnh khác nhau.  

II.  CÁC YẾU TỐ PHÂN TÍCH THÍNH CHÚNG TRƯỚC KHI DIỄN GIẢNG

1.            Định nghĩa việc phân tích thính chúng

Muốn cuộc diễn giảng thành công phải chú ý đến bốn vấn đề quan trọng đó là: diễn giả, phương tiện thông tin, nội dung thông tin và thính chúng. Phân tích thính chúng chính là quá trình xem xét, điều chỉnh nội dung diễn thuyết sao cho phù hợp với trình độ, tâm lý, tư tưởng của thính chúng.

2.            Phân tích thính chúng

Trong diễn thuyết, việc phân tích thính chúng giúp cho diễn giả xác định được chủ đề, xác định mục đích, thu thập thông tin để truyền đạt phù hợp với từng đối tượng thính chúng.

Diễn giả phân tích thính chúng để thỏa mãn các vấn đề: Ta đang diễn thuyết cho ai nghe? Thính chúng muốn nghe ta nói vấn đề gì? Mục tiêu của ta muốn gởi đến thính chúng là gì? Ta nên trình bày với họ những thông tin gì? Ở cấp độ nào? Minh họa bằng hình ảnh, tư liệu gì là thích hợp nhất?...

Có ba cách phân tích thính chúng cơ bản nhất mà một diễn giả nên tuân thủ để mang lại hiệu quả cao nhất cho buổi diễn giảng.

2.1.           Phân tích dân số: xác định các tư liệu về đặc điểm của họ để có đề tài thích hợp:

- Tuổi tác : Biết được lứa tuổi bình quân của thính chúng để dàn dựng nội dung, thu thập tài liệu, cách minh họa cho phù hợp với lứa tuổi của họ.

-             Giới tính: Xem tỷ lệ giới tính của thính chúng hôm đó là bao nhiêu nam, nữ để những đề tài đưa ra giới nào cũng hiểu, cũng tiếp thu tốt. Theo một số công trình nghiên cứu khoa học gần đây, nam giới có khuynh hướng nghe liên tục, kết hợp tập trung quan sát, tìm hiểu, kiểm soát được nội tâm và dễ đi vào nội dung diễn thuyết hơn. Trong khi nữ giới thì lại dựa vào trực giác nhiều hơn, dễ bị phân tán hơn so với nam giới. Như vậy, diễn giả phải tổ chức bài thuyết giảng sao cho toàn thể thính chúng dù lắng nghe theo kiểu nào cũng đều tiếp thu được và tiếp thu một cách tỉnh táo, hưng phấn.            

- Nền tảng văn hóa, sắc tộc : ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức tiếp thu bài diễn thuyết. Trình độ khác nhau, cộng đồng khác nhau, diễn giả phải xác định đúng để điều chỉnh cách diễn thuyết thích hợp.

Những thính chúng được giáo dục, học tập trong một nền văn hóa cao, mang tính đặc thù như một nhóm sinh viên quốc tế, một nhóm các nhà khoa học… thì họ sẽ thích lối diễn thuyết hùng hồn, trịnh trọng, đi thẳng vào vấn đề hơn là cách diễn giảng bình dị với nhịp điệu chậm đều đều, họ luôn muốn diễn giả vận dụng ngôn ngữ một cách chuẩn mực, chính quy, trang trọng như: “Kính thưa Ngài Chủ tịch, kính thưa quý Thượng Tọa, kính thưa quý Hòa Thượng...”

Nếu thính chúng cùng là thành viên trong một khóa học, trong một lớp tập huấn thì diễn giả xác định ngay được trình độ văn hóa của họ nhưng nếu phải diễn thuyết cho một tập thể cộng đồng Phật tử ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì việc xác định cho được trình độ lãnh hội của thính chúng sẽ khó khăn hơn. Điều này chỉ có thể tạm xác định qua tình trạng kinh tế và tình trạng xã hội của địa phương đó mà thôi.   

- Tín ngưỡng, tôn giáo : Đây là vấn đề thuộc về niềm tin, thuộc về lãnh vực tinh thần tối thượng. Khi đề cập đến vấn đề này, diễn giả phải hết sức thận trọng về cả hành vi, ngôn ngữ, cử chỉ của mình khi đứng trên bục giảng hoặc ngay khi tiếp xúc trao đổi ngoài lề.

Diễn giả phải hết sức nhạy bén, tinh tế trước những cử tọa, những thính chúng có tín ngưỡng tôn giáo khác biệt vì nếu không cẩn thận thì sự cuồng tín và bạo lực sẽ phát sinh ngay lập tức. Trên thế giới các xung đột về sắc tộc, về tôn giáo đã dẫn đến không biết bao nhiêu cuộc chiến đấu đẫm máu và biết bao trận thảm sát.                                                                 

2.2.        Phân tích thái độ : Cũng có thể coi đây là việc phân tích tâm lý của thính chúng, khám phá tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, quan điểm, mục đích lãnh hội và cả uy tín của diễn giả đối với họ.

- Về thái độ : Xem xét  trạng thái phản ứng tâm lý của thính giả qua việc họ thích hay không thích nghe buổi giảng này. Họ có nhu cầu gì khi đi nghe buổi diễn giảng này? Nghe để họ tìm hiểu thêm về một đề tài mới hay họ bị bắt buộc phải đi nghe?

Thí dụ phản ứng, quan điểm của thính chúng thế nào đối với việc khủng bố? Thái độ của họ ra sao đối với tiến trình phát triển của đất nước? Hoặc nhỏ hơn là cách nhìn của họ đối với một vị Sa môn ăn mặc luộm thuộm, dơ bẩn, không nghiêm trang trên đường phố khi đi đứng... Ánh mắt của thính chúng khi nghe giảng có tập trung vào diễn giả không hay lơ đễnh nhìn ra cửa sổ, hay lo nói chuyện không chú ý lắng nghe hay ngủ gục? Vẻ mặt vô cảm hay đăm chiêu? Đang tập trung hay đang mơ màng suy nghĩ về một vấn đề khác bên ngoài? Nếu thiếu tập trung họ sẽ thường xuyên cử động như xê dịch chỗ ngồi, tay chân đong đưa, vặn vẹo thân thể vì chán nãn, mệt mỏi.

- Về niềm tin, về quan điểm : Niềm tin thể hiện qua việc bày tỏ thái độ. Biết được điều này, diễn giả sẽ linh hoạt, uyển chuyển hơn trong cách truyền đạt nội dung diễn thuyết.

Thính chúng quan tâm hay thờ ơ với vấn đề đưa ra? Họ phản đối hay ủng hộ? Họ hiểu vấn đề đến mức nào? Hãy nghĩ xem họ có thể phản ứng như thế nào đối với các vấn đề nhạy cảm mà diễn giả nêu ra? Thái độ của thính chúng đối với diễn giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung diễn thuyết.

2.3.        Phân tích môi trường : Là tìm hiểu xem bối cảnh diễn giảng được thiết kế, bài trí như thế nào để tránh những bất trắc xảy ra do cách bố trí không gian, địa điểm, phương tiện…

Trong lớp học, trong giảng đường của một tự viện quen thuộc thì diễn giả thoải mái và tự tin hơn. Cách bài trí bàn ghế, khoảng cách đến thính chúng, khung cảnh chung quanh, trang hoàng, bài trí có thích hợp với chủ đề diễn giảng hay không? Âm thanh, ánh sáng có đạt yêu cầu hay không?

III. MỤC ĐÍCH DIỄN GIẢNG

1. Đáp ứng nguyện vọng của thính chúng  

Tất cả những họat động hữu ích trên thế giới này đều nhằm đem lại lợi ích cho mình, cho người, cho hiện tại, cho tương lai. Ở đây, phạm vi hẹp, mục đích của diễn giảng là đem lại kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ cho thính chúng. Diễn thuyết lại là một mô hình hoạt động sân khấu, có tác động hai chiều, vì thế, dù trực tiếp hay gián tiếp, diễn giả đóng một vai trò nhất định truớc thính chúng. 

Diễn giả chính là người đáp ứng nhu cầu tri thức của thính chúng cho nên mọi vấn đề liên quan đến diễn thuyết như: chủ đề, cung cách tổ chức, thời gian diễn giảng. Xây dựng ý tưởng cho đề tài, thu thập thông tin để buổi giảng có nội dung súc tích, phong phú.

Chính vì vậy, diễn giả phải nghiên cứu kinh sách, tài liệu, kết hợp với tình hình thực tế để trình bày vấn đề được rành mạch, dễ hiểu và nhuần nhuyễn trước toàn thể thính chúng.

2. Diễn đạt phải có hiệu quả

Đây là yêu cầu chính, yêu cầu cốt lõi của buổi diễn thuyết. Khi lên diễn đàn, diễn giả phải đặt hết trọng tâm vào thính chúng, nắm bắt kịp thời tâm lý của họ và thu hút sự lắng nghe, sự tiếp thu của họ để sau buổi diễn thuyết, họ thật sự hiểu được vấn đề và mang lại lợi ích cho họ thật sự trong việc tiếp thu kiến thức.

Hiệu quả này cao hay thấp, buổi diễn thuyết hấp dẫn hay buồn tẻ, thành công hay thất bại tùy thuộc chủ yếu vào cung cách diễn giảng,  trình độ diễn giảng và ngôn ngữ, cử chỉ của diễn giả. 

Nếu nội dung biên sọan phong phú, mạch lạc, nhiều ý tưởng hay, sâu sắc mà phong cách trình bày uể oải, không sinh động, không linh hoạt thu hút thính chúng thì buổi diễn thuyết xem như thất bại.

3. Tác động tư tưởng 

Mục đích cuối cùng của buổi diễn giảng là tác động được tư tưởng của thính chúng, làm thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ của thính chúng về vấn đề mà chúng ta đặt ra và nhắm đến. Qua đó, động viên họ nỗ lực hơn,  tích cực hơn trong việc phát huy tài năng, trí tuệ.

Thí dụ khi đứng trước thảm họa về một cơn động đất, một cơn sóng thần, bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, dịch bệnh phát sinh, người người đói khổ, trắng tay, chết vì đói, vì lạnh, vì bệnh tật nhưng với buổi diễn thuyết thành công, chúng ta sẽ kêu gọi và khơi đậy được biết bao tấm lòng, biết bao trái tim của những nhà hảo tâm, những tổ chức từ thiện phát huy và ủng hộ tiền tài, phương tiện, cứu giúp những nạn nhân của các cơn thiên tai này thì xem như buổi diễn giảng của chúng ta đã thành công trọn vẹn và vượt bậc.  

Hoặc cụ thể hơn, đối với một lớp Tăng Ni sinh, diễn giả sau khi kết thúc bài giảng đã làm cho Tăng Ni sinh nhận ra việc học của họ là hết sức cần thiết cho vấn đề hoằng dương Phật pháp chứ không chỉ biết kệ kinh, tụng niệm cho riêng mình hoặc đem lại cho họ cảm giác bình an, thanh tịnh trên con đường tu học của mình. Đó là diễn giả đã thành công.

“Chỉ một lời chánh pháp

Nghe xong tâm bình an

Hơn tụng cả muôn ngàn

Những lời kệ vô dụng”   (PC 102)

 

IV.  NGHỆ THUẬT DIỄN GIẢNG

1.            Yêu cầu của buổi diễn giảng  

Khi một tổ chức thính chúng muốn mời diễn giả đến giảng về một vấn đề thì họ sẽ đặt ra yêu cầu của vấn đề đó và chúng ta sẽ căn cứ vào yêu cầu đó mà xây dựng cho mình một bài giảng với đầy đủ những tư liệu, cũng như chuẩn bị rất nhiều vấn đề liên quan để cho buổi diễn giảng được thành công tốt đẹp. 

Các bài diễn thuyết đều nhằm các mục đích là: cung cấp thông tin, có sức thuyết phục, giải trí, nhất là khi thuyết giảng trong lớp học thì thường đặt ra hai mục đích là thông tin và thuyết phục, diễn giả phải nắm vững mục tiêu của buổi nói chuyện để không bị lạc đề.

2.            Chuẩn bị bài giảng

Một bài diễn giảng thành công luôn luôn bắt đầu với việc nghiên cứu và tìm kiếm tư liệu một cách cẩn thận.                                                                       

Từ lúc tuyển chọn chủ đề cho đến lúc lập dàn bài, diễn giả phải hết sức chú trọng đến nhu cầu, hoài vọng, sở thích, quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng và cá tính của thính chúng.   

Việc thu thập, lựa chọn tư liệu phải được nghiên cứu sao cho phù hợp với trình độ của thính chúng.

Nếu đánh giá chính xác trình độ tiếp thu, ước muốn của thính chúng là đã thành công được một nửa trong bài thuyết giảng.

Trong thời đại ngày nay, khi tìm kiếm tư liệu, đừng căn cứ vào các quyển sách cũ, hãy tìm kiếm trên Internet, thu lượm các thông tin mới nhất cho đề tài. Những gì diễn giả nghe, thấy, đọc được từ một mẫu tin nóng bỏng, một sự kiện đương thời được trình chiếu trên truyền hình hoặc đăng tải trên báo chí đều là tư liệu quý giá cho bài giảng.

Tư liệu của bài giảng càng nhiều, càng sống động, gắn liền với cuộc sống hiện thực, với phong tục, tập quán, nội dung diễn thuyết càng phong phú, thính giả càng tin tưởng lắng nghe bởi vì đối với thính chúng, các bằng chứng cụ thể thì sôi nổi, hấp dẫn hơn các ý tưởng trừu tượng vì nó làm sống dậy các tiềm năng họat động của cảm giác.

Thứ tự của bài giảng và việc nhấn mạnh các điểm chính sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thông điệp mà diễn giả định truyền đạt cho thính chúng. 

Bài giảng càng có cấu trúc chặt chẽ, mạch lạc thì diễn giả càng an tâm, tự tin, bình tĩnh trên diễn đàn và người nghe thì dễ tiếp thu nội dung và thỏa mãn ước vọng của mình.

Một bài diễn thuyết thường phải có ba phần chính: Phần giới thiệu đề tài, phần nội dung chính và kết luận.

2.1.        Phần giới thiệu

Cũng chính là phần nhập đề, có thể theo phương pháp lung khởi, trực khởi, kịch tính hoặc hoán dụ... nêu bật trọng tâm và chào mừng thính chúng tham dự nhằm mục đích tập trung sự chú ý của thính chúng và giới thiệu tổng quát chủ đề mà ngày hôm nay trình bày để người nghe có sự chuẩn bị tập trung hơn về đề tài này và tùy theo môi trường, khung cảnh hoặc tình huống của buổi diễn giảng mà vận dụng.

2.2.        Phần nội dung

Là phần mà ta muốn thính chúng phải nắm bắt và hiểu được vì đây là mục đích của buổi diễn giảng. Có thể trình bày theo ba cách: nêu từng điểm chính, nhấn mạnh một điểm hoặc đan xen các điểm chính.            

+       Với cách nêu từng điểm chính : Các ý tưởng trình bày có thể tách biệt và quan trọng như nhau mặc dù các ý tưởng này có thể độc lập, không kết nối với nhau.

Để thu hút người nghe, các ý tưởng phải được xây dựng một cách logic, bài diễn giảng phải được phát triển dưới dạng một chuỗi các luận điểm, luận cứ và các luận điểm này phải xuất phát từ một luận điểm khác, từ ý này đi đến ý khác phải có một kết nối chặt chẽ, hợp lý, logic, cẩn thận, mạch lạc để không bị mất sự mạch lạc của đề tài. Tuy nhiên cần thận trọng vì thính chúng có thể cho rằng điểm trình bày đầu tiên là quan trọng nhất.

+       Với cách nhấn mạnh một điểm : Nếu vấn đề này có ý nghĩa quan trọng nhất thì hãy đặt điểm này lên đầu và dành cho nó nhiều thời gian nhất, sau đó mới bổ sung thêm bằng các điểm phụ và các thí dụ minh họa.         

+       Với các đan xen các điểm chính : Trong thực tế, khi trình bày thì các điểm được trình bày đan xen nhau và phụ thuộc vào các điểm khác. Điểm sau được khai mở một phần để giải thích điểm thứ nhất, điểm sau có thể liên quan điểm trước và liên kết mọi điểm chính với nhau. Để nội dung trình bày có dấu ấn sâu đậm trong đầu người nghe thì diễn giả phải dẫn chứng thêm các lời trích dẫn của những nhân vật nổi tiếng để minh họa hoặc những câu chuyện thực tế rút ra từ chính kinh nghiệm bản thân của diễn giả thì sẽ rất có giá trị thuyết phục.

Trong khi giảng, tùy theo nội dung bài giảng, tùy theo từng đối tượng thính chúng mà đan xen vào các câu chuyện khôi hài, những câu đùa dí dỏm, nhẹ nhàng để cho không khí bớt căng thẳng trong từng thời điểm nhất định.

2.3.        Phần kết luận

Tóm tắt quan điểm, ý tưởng trọng tâm và thể hiện được tâm tư, tình cảm, ước vọng của chính diễn giả về bài giảng này. Những gì đã nêu trong phần giới thiệu, phần nội dung thì phần kết luận này cũng phải nhất quán với hai phần kia, không được mâu thuẫn, đối nghịch nhau.

Tùy theo tính chất của bài giảng, phần kết này có thể thêm những lời chúc mừng, những nhiệm vụ sắp tới cho tương lai, những vấn đề đặt ra để người nghe giải quyết hoặc những lời kêu gọi.

Bên cạnh bài giảng cần có một dàn ý tóm tắt để diễn giả dễ theo dõi cấu trúc bài giảng và nhắc nhở diễn giả không bị lạc đề. Khi viết dàn bài tóm tắt này cần viết đơn giản, rõ ràng để khi giảng chỉ cần liếc nhìn qua là có thể đọc được ngay.

Đừng chủ quan ỷ lại vào trí nhớ của mình vì có khi ta sẽ bỏ sót các sự kiện hoặc phải im lặng. Với dàn bài tóm tắt này diễn giả sẽ tự tin hơn đồng thời hạn chế được việc nói dông dài, lan man đi ra ngoài chủ đề. 

3.            Tiến trình diễn giảng

3.1.        Địa điểm diễn giảng 

Địa điểm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của diễn giả. Một buổi giảng trong căn phòng tràn ngập ánh sáng của khuôn viên một trường đại học, một giảng đường trong một ngôi chùa quen thuộc sẽ khác xa với không khí của buổi giảng trong một hội nghị lớn ở toàn quốc hoặc trong một ngôi chùa xa lạ rộng lớn ở nước ngoài.

Nếu có thể được, hãy ghé thăm trước địa điểm diễn giảng nhất là trong những buổi giảng có tầm cỡ quan trọng.

Khi đánh giá một địa điểm diễn giảng, thuyết trình hãy chú ý cẩn thận đến vị trí của nó, thính chúng có tiện lợi khi đến đó không? Địa điểm đó có tiện đường giao thông không? Gần nhà ga hay phi trường? Gần khu dân cư ồn ào náo nhiệt hay là một nơi hẻo lánh? 

Chỗ ngồi của thính chúng có thoáng đãng rộng rãi không hay tù túng chật hẹp, nóng bức? Liệu họ có thể ngồi nghe trong trạng thái thoải mái hay sẽ ngủ gục vì không khí nóng bức, chen lấn nhau? Nếu buổi giảng cần phải ghi chép thì địa điểm bố trí như vậy có thích hợp không?

3.2.        Chuẩn bị tinh thần 

Tinh thần của diễn giả cũng quan trọng không kém so với bài diễn giảng. Nếu là người đã từng giảng dạy nhiều thì không sao nhưng nếu là những giảng sư còn non trẻ, mới ra trường thì tâm lý của những buổi giảng sẽ phải được chú trọng rất nhiều.

Nếu quá căng thẳng tập trung thì dễ bị chi phối, lúng túng, thậm chí có khi quên hết cả những gì đã chuẩn bị. Nếu quá xem thường, thờ ơ thì có khi sự trình bày không đạt được sự thu hút nhất định.

Sự căng thẳng sẽ làm diễn giả lúng túng, mất tự nhiên vì thế trước khi bước lên bục diễn giảng, nên tập trung thư giãn, sắp xếp thời gian đến sớm hơn để không bị hấp tấp, không bị trễ nải. Ngược lại cũng không nên quá tự tin, điều này làm cho diễn giả nói chuyện theo cách một người đã biết hết tất cả mọi thứ, việc này tạo cho một số thính chúng không thấy yêu thích đề tài nữa trước một vị giảng sư cao ngạo.

Hãy nhớ rằng sự nhiệt tình và chân thành của diễn giả sẽ thu hút rất lớn tình cảm và sự chú ý của thính chúng.

Ngoài ra, yêu cầu tối thiểu về trang phục và diện mạo cũng là điều quan trọng. Trang phục phải sạch sẽ, không nhăn nhúm, nhàu nát, không có mùi hôi. Gương mặt phải tươi tỉnh, thanh thoát, phấn chấn vì thính chúng thật sự cảm nhận được trạng thái tinh thần của diễn giả khi họ bước lên bục giảng, đừng bao giờ đi diễn giảng với gương mặt nhăn nhó, bực bội, quạu quọ khi gặp những chuyện bực mình phiền não bên ngòai mà mang vào giảng đường. Không nên hiểu một cách đơn giản là trang phục và biểu cảm chỉ là hình thức bên ngoài mà nó thể hiện phần quan trọng nội dung bên trong của người đó.

 Bề ngoài chững chạc, phong thái đàng hoàng, tự tin, ung dung thường chỉ có ở những người có nội tâm phong phú, trong sáng.

3.3.        Triển khai diễn giảng

Diễn giảng trước thính chúng là một hình thức giao tiếp đặc biệt, khác với phong cách khi trò chuyện hoặc thảo luận thông thường. Nếu trong song thoại, hội thoại, người tham dự có thể lắng nghe, phát biểu, thậm chí có khi ngắt lời nhau nhưng trong diễn giảng, diễn thuyết thì vai trò của người nói và người nghe được quy định rõ ràng, chặt chẽ, không lẫn lộn với nhau. Diễn giảng tức là vị diễn giả, vị giảng sư trình bày một vấn đề trước toàn thể thính chúng. Lúc này người nghe không được quyền ngắt lời, không được quyền xen vào hoặc trao đổi ý kiến đột ngột với vị diễn giả.

Vì thế, một diễn giả có nhiều kinh nghiệm, khả năng diễn đạt lưu loát, thu hút thính chúng thì phải hiểu được nhu cầu và sự hưởng ứng của thính chúng ngay khi chuẩn bị diễn giảng và lúc đứng lên bục diễn giảng. Chính vì thế, diễn giảng mang tính chất nghiêm trang, chuẩn mực hơn tất cả những lãnh vực giao tiếp khác. Nghiêm trang chuẩn mực ở đây không chỉ trên phương diện nội dung giảng dạy, truyền đạt mà còn cả ở phong cách, thái độ khi diễn giảng trước thính chúng. Và phong cách của diễn giả có ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng quan trọng đến sự tiếp thu, sự ngưỡng mộ của thính chúng.

Bên cạnh đó, phần diễn đạt là phần cốt lõi của buỗi diễn giảng. Ngôn từ, phong thái, cách diễn đạt hấp dẫn, lôi cuốn, sinh động thì thính chúng tập trung và có ấn tượng nhớ mãi, ngược lại ngữ điệu không sinh động, trình bày chậm chạp, tẻ nhạt thì thính chúng sẽ không muốn nghe nữa, thậm chí có người sẽ ngủ gục.

Trước tiên, hãy có một lời giới thiệu tạo ấn tượng tốt, thích hợp để người nghe nắm bắt ngay đề tài hôm nay diễn giả muốn trình bày là cái gì. Hãy bắt đầu một cách tự tin, lướt qua các ghi chú ở ngoài, cố gắng trình bày vài điểm đầu tiên lưu loát, trôi chảy mà không nhất thiết phải nhìn vào bài giảng liên tục. Động tác này sẽ củng cố một bầu không khí tin tưởng, cởi mở, xác lập uy tín của diễn giả. Đôi lúc nhịp điệu của bài diễn giảng thay đổi sẽ làm cho thính chúng thích thú nhưng tránh không quá nhanh hoặc không quá chậm đột ngột mà không có mục đích.

Hãy nhớ ngưng lại giữa các điểm chính, dành cơ hội giao tiếp qua ánh mắt với người nghe, qua đó, diễn giả có cơ hội đánh giá thái độ, phản ứng của thính chúng đối với bài giảng.

Khi trình bày qua các phần của bài giảng, hãy nên nói chậm rãi và nhấn mạnh khi muốn nêu bật những điểm quan trọng. Luôn giữ tư thế cởi mở, tránh khoanh tay hoặc tạo khoảng cách giữa diễn giả và người nghe. Tư thế đứng tự tin, nói chuyện một cách đầy quyền uy cho thấy sự am tường của diễn giả đối với đề tài, điều này sẽ thiết lập được uy tín của diễn giả và tạo được sự tin tưởng của người nghe.

Hãy nhìn bao quát thính chúng, không bỏ qua người ngồi ở cuối phòng cũng như người ngồi quá gần hàng đầu, tiếp xúc bằng mắt với những ai tỏ vẻ tập trung, thích thú nhưng cũng không bỏ qua những ai lơ là hoặc tiêu cực.

Muốn nhấn mạnh một điểm hãy sử dụng các câu súc tích, hãy đứng thẳng và lên giọng. Muốn cho thính chúng biết rằng diễn giả sắp chia sẻ những điều quan trọng thì hãy nghiêng về phía trước, hạ thấp giọng một chút, họ sẽ tập trung hơn và bài thuyết giảng thêm hấp dẫn.

Hãy để cho thính chúng biết được bài giảng trong bao lâu để họ biết thời gian mà họ cần phải tập trung. Thí dụ: “Chúng ta chỉ có 20 phút để bàn về vấn đề này...”, hoặc: “Chúng ta chỉ còn có 5 phút, tôi sẽ tóm lại vấn đề...”. Nếu cần biết thời gian nên liếc nhìn đồng hồ treo tường hơn là nhìn vào đồng hồ đeo tay, nếu không có đồng hồ treo tường thì nên nhìn đồng hồ đeo tay một cách kín đáo khi cuối xuống nhìn bài giảng.                          

4.            Kết thúc buổi diễn giảng

Sự kết thúc bài diễn giảng rất quan trọng vì nó giúp cho người nghe mang theo ấn tượng mãi mãi. Hãy lặp lại các điểm chính đã nêu, hãy tóm tắt các ý tưởng mà bài giảng đã nêu ra với tính cách gọn gàng, mạnh mẽ, dứt khoát, nhất là phải nhấn mạnh các điểm then chốt, trọng tâm. Điều này làm cho thính chúng rất thích thú vì có thể trong quá trình nghe, có lúc họ đã lơ đãng, không tập trung nhưng với sự kết thúc ngắn gọn, súc tích này làm cho họ nắm được hết những gì họ đã bỏ qua.

Sau khi kết thúc buổi giảng, hãy đánh giá phản ứng của thính chúng để ta có thể rút kinh nghiệm cho những lần giảng sau. Chính nhờ những phân tích này mà diễn giả sẽ có thêm kinh nghiệm trình bày, triển khai, tăng cường khả năng diễn thuyết tự tin hơn cho dù có gặp lại số thính chúng này nhiều lần, ở nhiều nơi.

Có thể đánh giá qua cách họ vỗ tay theo kiểu nào? Bày tỏ sự văn minh lịch sự, hay hờ hững? Hoặc vỗ tay hăng say, nhiệt tình với bài giảng sinh động? Kết hợp với sự hài lòng, thỏa mãn, vui thích trên gương mặt, ánh mắt, thái độ của thính chúng. Họ vui vẻ, thoải mái hay uể oải ra về.

Những phản ứng không lời này, nếu diễn giả tinh tế sẽ nhận biết rất rõ hoặc có thể tham khảo qua những sự đóng góp chân tình của thính chúng so với bài giảng của những vị diễn giả khác, từ đó, rút kinh nghiệm cho bản thân để chuẩn bị cho những bài diễn giảng sau ngày càng phong phú, sinh động, ấn tượng hơn.

V.  THỰC TẬP DIỄN GIẢNG

Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo! Phú Lâu Na là một con người can đảm trong sự nghiệp thuyết giáo độ sinh, đáng được tán dương”. Trong công tác đi truyền giáo, giảng sư cần có 10 đức tính sau đây:

1.             Thông hiểu giáo nghĩa

2.             Nói năng lưu loát

3.             Không lo sợ trước đám đông

4.             Biện tài vô ngại

5.             Vận dụng phương tiện khôn khéo

6.             Tùy theo căn cơ mà bố giáo

7.             Đầy đủ oai nghi

8.             Tinh tấn dũng mãnh

9.             Thân tâm tráng kiện

10.        Có đầy đủ uy lực

1.            Phần chuẩn bị

1.1.        Chọn đề tài

Giảng sinh phải xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định chọn đề tài mà mình có thể triển khai thông suốt. Nên sáng tạo khi đặt tên đề tài để thính chúng thấy đề tài lạ mới mang tính thu hút.

Mục tiêu của buổi diễn thuyết là cung cấp thông tin mới, tin tức quan trọng khác với nội dung động viên quần chúng phát huy trí tuệ và tài lực hoặc ngược lại buổi diễn thuyết không nhằm cung cấp thông tin mới lạ hoặc tác động tư tưởng, khích lệ những hành động cần thiết mà chỉ nhằm mang lại sự lạc quan, sự thanh tịnh, yêu đời, thoải mái trong tư tưởng thính chúng trước một vấn đề căng thẳng nào đó, đã ảnh hưởng đến tâm lý thính chúng, nay ta cần giải tỏa. Chính vì thế đề tài của buổi giảng là trọng tâm.

1.2.        Soạn dàn bài đại cương

Dàn bài đại cương rất cần thiết cho các vị giảng sư nhất là các giảng sinh có dàn bài để nương vào đó triển khai mạch lạc không thiếu sót hoặc nhầm lẫn.

Diễn giả phải chịu trách nhiệm trước thính chúng về tòan bộ nội dung tư tưởng mình trình bày, về hành vi đạo đức và cách diễn đạt, các ngôn từ sử dụng cho nên một dàn bài đại cương là yếu tố nhất thiết phải có, chủ để buổi giảng phải phù hợp với trình độ thính chúng, phù hợp với diễn giả vì nếu chủ đề quá cao xa, rộng khắp thì người nghe không nắm bắt hết mà chính bản thân người trình bày cũng không đủ kiến thức để đáp ứng.  

1.3.        Soạn bài giảng chi tiết

Bài giảng chi tiết sẽ giúp cho giảng sinh đọc sách nghiên cứu bổ sung nhiều lần đến khi hoàn chỉnh sẽ giúp cho giảng sinh ghi nhớ nhiều về bài giảng vì bài giảng là do chính mình biên soạn.

Diễn giả xây dựng một dàn bài chi tiết dựa trên nội dung chính của chủ đề, câu phải ngắn gọn, dễ nhớ, phù hợp với tâm tư người nghe để khi triển khai không mất quá nhiều thời gian mà lại đi vào lòng thính chúng.             

Diễn giả phải luôn nghĩ rằng thính chúng là những người học rộng, có trình độ, có kinh nghiệm sống để có sự chuẩn bị chu đáo đừng xem thường thính chúng thì sẽ thất bại, nội dung diễn thuyết phải phù hợp với trình độ thính chúng, phù hợp với quy luật phát triển xã hội đừng đi ngược trào lưu văn hóa.

1.4.        Bổ sung hoàn chỉnh

Sau nhiều lần bổ sung những ý tưởng mới đi đến giai đoạn hoàn chỉnh cuối cùng. Đừng chủ quan chỉ xem xét một lần sau khi viết mà phải xem đi, xem lại và bổ sung, cập nhật để bài giảng theo kịp với tình hình thực tế khi ta giảng. Dẫn chứng các tài liệu, các thông tin, các trích dẫn của những nhà tư tưởng. Tư liệu càng phong phú, chính xác diễn giả sẽ càng hào hứng trình bày, người nghe sẽ thêm ấn tượng. Một giảng sư am tường giáo lý không chưa đủ mà phải tham khảo thật nhiều sách, nhiều tài liệu, học để hiểu thêm nhiều lãnh vực khác như xã hội, văn học, triết học, lịch sử, các tư tưởng của những vĩ nhân... để trong khi giảng, bổ sung và cập nhật các vấn đề liên quan một cách chính xác, khoa học và phong phú.

1.5.    Tập luyện nhiều lần – Giải quyết bài giảng tùy theo dung lượng thời gian

Phân chia thời gian theo bố cục bài soạn, học thuộc bài soạn, tập luyện nhiều lần, tìm chỗ vắng vẻ để tự tập giảng một mình. Khi giảng phải lưu loát, muốn thu hút thính giả phải chú trọng đến âm điệu, phải biết lúc nào nên nhanh, lúc nào nên chậm, phân chia thời gian hợp lý để không bị sa đà vào bài giảng hoặc có những chỗ cần nhấn mạnh ta lại đi quá mau. Biết điều tiết để khi bài giảng vừa kết thúc thì đảm bảo thính giả phải nắm hết được vấn đề ta trình bày, không bị bỏ sót hoặc không bị lướt quá mau.

2.            Phần thực hiện

Có 5 tiêu chuẩn để làm căn cứ chấm điểm một giảng sinh:

2.1.        Điệu bộ

Quần áo, cách ăn mặc phải nghiêm chỉnh, không được xốc xếch. Đi đứng phải oai nghi, khi đứng trên pháp tòa không để thân đong đưa qua lại. Mắt phải nhìn thính chúng, bao quát toàn hội trường, linh hoạt. Hai tay nên có điệu bộ nhưng vừa phải và thích hợp theo bài giảng. Cầm micro vừa phải, không để quá sát miệng, cũng không để quá xa. Đi lên bục giảng một cách khoan thai, không hấp tấp, để thính giả ổn định mới bắt đầu bài giảng, nếu có trẻ con làm ồn phải khéo léo nhắc nhở. Trường hợp có thính giả chất vấn thì thái độ đối đáp phải vui vẻ, chủ động hoàn toàn trong suốt thời gian đứng trên Pháp tòa. Tập trung chú ý đến Thân giáo và Khẩu giáo. 

Giảng sinh có thể đứng hoặc ngồi, nên sử dụng bảng đen. Điệu bộ của giảng sinh góp phần quan trọng làm cho buổi giảng thêm sinh động.

2.2.        Âm thanh, giọng nói

Mỗi người có một chất giọng riêng nhưng nói chung có thể chia ra làm bốn loại: Thu hút, có thu hút, ít thu hút, không thu hút và gây cảm giác buồn chán.   

Dù cho giọng nói thuộc loại nào thì cũng nên tập luyện thêm cho tốt hơn. Không nói cà lăm, tránh không lặp đi lặp lại một từ nhiều lần, nói rõ ràng, biết nhấn mạnh để gây sự chú ý của mọi người. Nên nói liên tục không để thời gian trống trên bục giảng quá lâu. Khi trình bày không được nhút nhát, tự ti nhưng cũng không được cho mình là trên hết, không dùng giọng điệu chỉ trích, không được tự quảng cáo mình.

Tư tưởng dù hay, dù phong phú, kiến thức sâu rộng nhưng sự diễn đạt kém, không thu hút, giọng nói không tình cảm, hoặc nói đều đều gây buồn chán thì sự truyền đạt không thể nào có hiệu quả, thậm chí còn làm cho người nghe phản đối.

2.3.        Giáo lý

Triển khai giáo lý phải chính xác, không được giảng mù mờ, gây ngộ nhận, khó hiểu. Không được khích bác các tôn giáo khác, không được đả phá các pháp môn mà mình không tu tập. Khi giảng phải làm cho thính chúng nắm rõ đề tài và dàn bài (có thể nói hoặc viết lên bảng). Đề tài phải phù hợp với thính giả, tránh dùng ngọai ngữ quá nhiều biểu lộ sự khoe khoang, chỉ nên dùng một ít để dẫn chứng. Nội dung bài giảng có lúc hay có lúc dở nhưng tuyệt đối phải đúng giáo lý không được sai, khi dẫn chứng Kinh, Luật, Luận phải nêu rõ nguồn gốc, xuất xứ, tập trung vào trọng tâm đề tài của mình, tránh bài bác giáo lý của các tôn giáo khác. 

2.4.        Văn chương

 Khi triển khai phải nói lưu loát và có trích kinh sách thơ văn minh họa đề tài. Tránh lặp lại nhiều lần một từ hoặc một đoạn văn. Tập trung về một vấn đề, các ý tưởng phải có mạch lạc, liên hệ với nhau tùy mức độ quan trọng của từng phần tránh lặp đi lặp lại một cách vô ích, không để bị phân tán đi xa đề tài, các vần đề trình bày không được mâu thuẫn với nhau.

2.5.        Thời gian

Giảng sinh phải nghiêm túc triển khai đề tài đúng thời gian đã quy định, không được kết thúc bài quá sớm hoặc quá trễ. Trường hợp bài giảng cho 60 phút thì phân ra nhập đề 5 phút, thân bài 50 phút, kết luận 5 phút hoặc nếu bài giảng cho 15 phút thì nhập đề 3 phút, thân bài 9 phút và kết luận 3 phút. Hãy để cho người nghe biết thời gian nghe trong bao lâu để họ tập trung. Thí dụ: “Chúng ta chỉ có 20 phút để dành cho vấn đề này...”.

Khi tổ chức một buổi diễn giảng phải chú trọng đến thời gian, không chỉ nói thời gian giảng mà phải xem xét thời gian để thính giả có thể tham dự đầy đủ. Không thể giảng cho nông dân nghe trong những ngày mùa thu hoạch cao điểm mà giảng trong giờ ra đồng hoặc buổi giảng kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ. Cũng không thể giảng cho giới trí thức mà chỉ nói qua loa trong 15-20 phút được. Không thể giảng trong những buổi trưa hè ở một hội trường nóng bức cũng không thể giảng trong những ngày mưa gió lầy lội mà thính giả phải tập trung từ xa đến.

Ngoài những vấn đề đã nêu trên, đôi khi diễn giả chúng ta có thể gặp những tình huống bất ngờ khi phải đối diện với những thính chúng thuộc nhiều thành phần đặc biệt, không muốn hợp tác hoặc muốn phá vỡ những ấn tượng tốt đẹp của buổi nói chuyện thì chúng ta phải đối phó một cách hết sức khéo léo, tế nhị để giữ được bầu không khí thuận lợi, hòa bình của buổi giảng khi gặp phải những vùng đối lập. Nên nhớ phải hết sức bình tĩnh dù giọng điệu và chủ ý của người hỏi có bất lợi và căng thẳng.            

Nhiều bài diễn giảng, nhiều bài thuyết trình rất hay, có sức thuyết phục và có ấn tượng tốt đẹp đã bị phá hỏng vì diễn giả xử lý vụng về các câu hỏi của thính chúng nêu ra sau buổi giảng. 

Luôn phải giữ thế chủ động, đừng cho phép nhiều người phát biểu một lần nếu không thì tình hình sẽ khó kiểm soát.

Những người đặt câu hỏi sẽ có nhiều dạng nên khả năng nhận ra và đối phó với tính cách của từng câu hỏi là điều quan trọng. Có những người khoe khoang, thích tỏ vẻ hơn hẳn và thông thái hơn diễn giả, hãy tỏ vẻ lịch sự với họ để tránh xảy ra những thái độ đối kháng không cần thiết.   

Hãy đề phòng các câu hỏi chứa những ẩn ý nhằm phơi bày các điểm yếu nghiêm trọng trong bài thuyết trình làm cho diễn giả bối rối và thất bại, nếu không trả lời được hoặc không muốn trả lời câu hỏi đó thì nên khéo léo giải đáp để người hỏi thấy rằng diễn giả không bỏ qua câu hỏi đó.

Thí dụ: “Tôi cần suy nghĩ về câu hỏi đó, xin trả lời câu hỏi đó vào lần thuyết trình sau “hoặc” đó là một vấn đề riêng biệt cần rất nhiều thời gian, chưa thể trình bày ngay hôm nay, xin ghi nhận và hẹn lại vào lần thuyết trình sau”…

Khi có những bất đồng nghiêm trọng xảy ra do những kẻ cố tình phá rối buổi diễn giảng, hãy chủ động đưa mọi người trở lại đúng đề tài bằng cách nhắc nhở thính chúng về mục đích của buổi diễn giảng. Trong những tình huống căng thẳng hãy cho thính chúng biết rằng diễn giả đang chủ động nắm quyền điều khiển.

 Nếu tình huống xấu hơn thì hãy nhờ các nhà tổ chức giúp đỡ hoặc kết thúc buổi diễn giảng. 

VI.  XƯỚNG NGÔN LỄ HỘI PHẬT GIÁO

Người xướng ngôn lễ hội Phật giáo còn gọi là Người Dẫn Chương Trình hay còn gọi là MC (Master Ceremony).

1.            Chuẩn bị trước ngày lễ hội

1.1.    Nên có mặt tham dự trong các buổi họp bàn về việc tổ chức lễ hội (nếu được thì tốt, không thì thôi).

1.2.    Nghiên cứu chương trình lễ hội. Phải nắm vững tên lễ hội là gì? Thành phần lễ hội  gồm những ai ? Nội dung lễ hội là gì ? Thời gian khai mạc và dự kiến bế mạc?

1.3.    Đọc các văn bản, tài liệu liên quan lễ hội. Cần nắm rõ, chính xác ai là người sẽ đọc văn bản nào trong lễ hội, tránh giới thiệu nhầm lẫn. Trường hợp khẩn cấp có thay đổi người báo cáo và chuyên đề báo cáo thì phải cập nhật chính xác, kịp thời.

1.4.    Tìm hiểu danh sách khách mời cần phải giới thiệu (Họ tên, chức vụ, đơn vị...).

2.            Chuẩn bị trước giờ khai mạc lễ hội   

2.1.    Không ăn no, không ăn dầu mỡ khó tiêu, không ăn đường ngọt, uống rượu bia. Để tinh thần sáng suốt, thư thái trong buổi lễ, phối hợp với Ban Tổ chức nắm bắt kịp thời các thay đổi.              

2.2.    Có mặt tại buổi lễ trước khi khai mạc một tiếng đồng hồ để xem danh sách khách mời và các bài phát biểu có gì thay đổi không? Xem xét vị trí cửa ra vào, ổ cắm điện, công tắc đèn, các phương tiện phục vụ truyền thanh, truyền hình, âm thanh, micro, đèn chiếu...

2.3.    Sắp xếp trước danh sách chư tôn giáo phẩm sẽ được mời ngồi trên hàng chứng minh, chủ tọa. Phải hết sức cẩn thận không được nhầm lẫn và tuyệt đối không giới thiệu khách đến trễ.

2.4.    Ghi danh sách, tên họ và chức vụ của quan khách hiện diện sẽ được giới thiệu.

2.5.    Nhờ một vị phụ với MC ổn định hội trường nhằm mục đích thử xem âm thanh đã chuẩn hay chưa. Thử micro trước, kiểm tra âm thanh, độ vang, độ ồn, nghe rõ không ?

3.            Phần thực hiện bắt đầu buổi lễ

3.1.    Bình tĩnh, mắt linh hoạt, quan sát hội trường trước khi cất tiếng giới thiệu chương trình. Nhìn bao quát khán giả, không bỏ qua người cuối phòng cũng như người ngồi hàng đầu để tạo sự giao lưu bằng mắt, thiết lập được sự thân mật này rất quan trọng, sẽ tạo sự chú ý khi giới thiệu.

Cảm nhận đầu tiên của khán giả về MC là rất quan trọng, nếu người giới thiệu chương trình ăn mặc lôi thôi, nói năng cợt nhã, cộc lốc, gương mặt nhăn nhó khó chịu thì ấn tượng của khán giả về buổi lễ sẽ rất xấu. Đừng nghĩ đơn giản rằng người MC chỉ là giới thiệu, không phải là thành phần chính của buổi lễ, điều này sẽ phạm sai lầm lớn.

Hãy tìm hiểu trước thành phần khán giả để khi đứng lên giới thiệu mở đầu làm cho khán giả có cảm tình với lễ hội ngay.

3.2.    Trong khi buổi lễ được tiến hành thì phải bám vào lời văn soặn sẵn theo chương trình. Dùng ngôn ngữ súc tích nhưng đơn giản, dễ hiểu. Không được lệ thuộc vào các ghi chú thì khi giới thiệu chương trình mới được tự nhiên. Hãy nghiên cứu trước đề tài buổi lễ hội để có thể ứng phó trôi chảy trước những tình huống ngoài dự kiến.

Có các khoảng thời gian ngừng cụ thể và nhấn mạnh, không được nói lầm bầm hoặc do dự, nếu đã quên mất phải trầm tĩnh, không bối rối, tránh sự lạc đề và mâu thuẫn khi giới thiệu vào chương trình. 

3.3.    Có quyết định nên hay không nên nếu có người chung quanh can thiệp vào nhắc nhở vì sẽ dễ bị rối và thiếu sót, không theo sắp xếp trước.            

3.4.    Phải theo sát buổi lễ để quyền biến khi có sự cố xảy ra. Thí dụ như khi giới thiệu mà không có người hiện diện hoặc khi giới thiệu một tiết mục văn nghệ mà diễn viên chưa ra kịp thì phải nói để lấp vào khoảng thời gian trống chờ đợi đó.

3.5.    Tuyệt đối không để chương trình có thời gian trống dù chỉ 30 giây hay 1 phút. Tránh không để buổi lễ bị gián đoạn vì như thế khán giả mất tập trung sẽ gây ồn ào và khi ổn định lại sẽ mất thời gian.

3.6.      Tự chuẩn bị lời cảm tạ đề phòng khi Ban Tổ chức nhờ cảm tạ.

4.            Kết thúc buổi lễ

4.1.    Lưu ý: người điều khiển chương trình không nên nói dông dài, không được nói hết nội dung mà các vị giáo phẩm chứng minh sẽ ban đạo từ.

4.2.    MC là người có thể làm cho chương trình buổi lễ sống động, hấp dẫn,  thành công hoặc ngược lại sẽ trở nên buồn tẻ, vô vị, thậm chí đi đến thất bại.

Muốn tránh những thiếu sót, Người Dẫn Chương Trình cần phải dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thực hiện một chương trình của buổi lễ.  

Để buổi diễn giảng hay một lễ hội, một chương trình tổ chức được thành công thì phần đóng góp của MC rất quan trọng, người giới thiệu duyên dáng, ăn nói lưu loát, diễn cảm sẽ để lại ấn tượng tốt cho khán giả, ngược lại người ta sẽ nhớ mãi một MC lôi thôi, nói năng không trôi chảy, giới thiệu thì nhầm lẫn lung tung. Hãy tự tin và đồng cảm với khán giả thì MC chắc chắn sẽ lưu lại trong lòng khán giả một hình ảnh đẹp về Người Dẫn Chương Trình. 

 

 

SÁCH THAM KHẢO 

§ Hòa Thượng Thích Hiển Pháp. (1994). Cẩm nang Hoằng Pháp. Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Ban Hoằng Pháp Trung Ương.

§ Sa môn Thích Thông Bửu (2004). Giảng sư – Bảy đức tính ưu việt. Nhà Xuất bản Tôn giáo.

§ Phạm Văn Nga, Trần Trung Can biên dịch (2004). Kỹ năng Thuyết trình. TP.HCM. Nhà Xuất bản Tổng hợp. 

§ Tịnh Minh, Đặng Ngọc Chức (2004). Nguyên tắc diễn giảng trước thính chúng.

 Nghệ thuật

DIỄN GIẢNG & XƯỚNG NGÔN

Lễ hội Phật Giáo


TT. Thích Đạt Đạo
ĐĐ. Thích Nguyên An - MC. Tánh Thuần

 

 

GIÁO ÁN

KỸ NĂNG NÓI CHUYỆN TRƯỚC QUẦN CHÚNG

  (DẪN CHƯƠNG TRÌNH)

Phụ Trách:  Đạo Hữu TÁNH THUẦN


 

1.  LỄ  ĐẶT  ĐÁ

2.   LỄ  KHAI  GIẢNG AN  CƯ  KIẾT  HẠ

3.  LỄ  PHẬT  ĐẢN

 

Lời Phi Lộ 

Trong mọi sự sinh hoạt lễ hội Đạo cũng như Đời phải có Người Dẫn Chương Trình. Cho nên vai trò Người Dẫn Chương Trình vô cùng quan trọng. Thất bại hay thành công trong buổi lễ ấy phần lớn phù thuộc sự khéo léo, nhạy cảm của Người Dẫn Chương Trình. Có thể ví rằng: Người Dẫn Chương Trình là một tài xế lái xe hơi, một phi công lái máy bay, một thủy thủ điều khiển tàu biển v.v… nếu sơ xuất một điều gì thì hậu quả khó mà lường được.

Người Dẫn Chương Trình, Speaker, MC cũng đều một nghĩa mà thôi. Do vậy, MC trước khi nhận điều khiển một chương trình nào phải nắm rõ nội dung chưng trình, thành phần tham dự, chuẩn bị trước những gì cần phải chuẩn bị để tránh sự lúng túng khi vào thực tế. Và khi thực tế buổi lễ diễn ra phải hết sức nhạy cảm, bởi lẻ hoàn cảnh thực tế đôi khi lại không diễn ra theo những gì mình đã suy nghĩ. Thứ đến, phải có một phong thái chững chạc, tự tin, nét mặt hoan hỉ, dùng từ ngữ chính xác, không thừa không thiếu. Muốn đạt được điều này, Người Dẫn Chương Trình phải tìm tòi học hỏi, đọc sách, đọc báo v.v… cho thật nhiều. Luôn luôn tâm niệm mình là linh hồn của buổi lễ.

Hôm nay khóa đào tạo giảng sư trung cấp và cao cấp của Ban Hoằng Pháp Trung Ương GHPGVN và Tăng Ni Sinh Viên Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh mở khóa học: “Kỹ Năng Nói Chuyện Trước Quần Chúng”. Đây là một chương trình học ngoại khóa vô cùng quan trọng. Vì sao? Vì nói chuyện trước quần chúng khác với nói chuyện trong lớp học. Trong lớp học dễ hơn nhiều bởi lẽ trình độ ngang nhau, còn quần chúng thì đủ các trình độ từ bình dân đến trí thức. MC phải biểu lộ cách nói mà mọi người đều cùng hiểu thì đó là một nghệ thuật.

Bản thân tôi đã hơn 20 năm tham gia dẫn chương trình các lễ hội Phật giáo lớn nhỏ như : Lễ Phật Đản – Lễ Vu Lan – Lễ Đặt Đá – Lễ Khánh Thành – Lễ Khai Giảng An Cư – Lễ Tạ Pháp – Lễ Tang… và các buổi lễ đột xuất nên có ít nhiều kinh nghiệm trao đổi cùng chư vị.

Tóm lại, nghệ thuật nói chuyện trước quần chúng là một năng khiếu bẩm sinh nhưng phải học tập mới thành tựu được.

Tánh Thuần 

 

 

 

CHƯƠNG TRÌNH LỄ ĐẶT ĐÁ ĐẠI TRÙNG TU

CHÙA …………………

(Ngày…… Tháng …… Năm………)

 

1.                  Niệm Phật cầu gia hộ.

2.                  Tuyên bố lý do và giới thiệu thành phần tham dự.

3.                  Dâng hoa chào mừng chư Tôn Đức và quan khách (nếu có).

4.                  Diễn văn khai mạc.

5.                  Lời phát nguyện của đại diện Phật Tử.

6.                  Phát biểu của chính quyền.

7.                  Đạo từ của chư Tôn Đức chứng minh.

8.                  Nghi lễ đặt đá:

-                      Cung thỉnh chư Tôn Đức niệm hương đảnh lễ Tam Bảo.

-                      Sái tịnh.

-                      Tụng bài tựa kinh Thủ Lăng Nghiêm.

-                      Niệm Phật.

-                      Đặt đá.

9.                  Cảm tạ của ban tổ chức.

10.               Hồi hướng.

 

 

 

 

LỄ ĐẶT ĐÁ ĐẠI TRÙNG TU

CHÙA …………………

(Ngày…… Tháng …… Năm………)

 

PHƯƠNG PHÁP DẪN CHƯƠNG TRÌNH CỦA MC

Sau khi ổn định Đạo Tràng MC bắt đầu như sau:

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

– Ngưỡng bái bạch chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, chư Đại Đức Tăng Ni.

– Kính thưa quý Quan Khách và toàn thể Phật Tử.

Hôm nay ngày… tháng… năm… trong khung cảnh trang nghiêm và tràn đầy đạo tình hoan hỉ, chùa …………… long trọng tổ chức Lễ Đặt Đá đại trùng tu. Thay lời ban tổ chức, chúng con xin được thông qua lễ chính thức như sau:

(Đọc chương trình đính kèm)

q             Cách Dẫn Các Tiết Mục Của Chương Trình:

1.         Niệm Phật Cầu Gia Hộ :

Mười phương chư Phật hiện tọa đạo tràng, hồn thiêng sông núi cũng đang hội tụ về đây, trong giờ phút này, chúng con xin cung thỉnh chư Tôn Đức và toàn thể quý vị khởi thân đứng dậy niệm danh hiệu Đức Bổn Sư ba lần cầu gia hộ.

2.         Tuyên Bố Lý Do Và Giới Thiệu Thành Phần Tham Dự :

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư Tôn Đức.

Thưa liệt quý vị.

Tâm nguyện muôn thuở của người con Phật là: “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp”. Luôn luôn lấy vấn đề hoằng pháp độ sanh làm kim chỉ nam cho sự sinh hoạt của mình. Đó là bản hoài của chư Phật và lịch đại Tổ Sư truyền thừa qua nhiều thế hệ.

Xuất phát từ tinh thần cơ bản đó, bao mái chùa xuất hiện giữa lòng nhân thế không ngoài mục đích cho con người tìm về chánh đạo, tu tâm dưỡng tánh ngỏ hầu xóa dần những hệ lụy thương đau của cuộc đời. Sự hiện hữu của ngôi chùa ……… tại nơi đây cũng nhằm mục đích đã nêu trên. Hơn nữa, ngôi chùa là nơi di dưỡng đời sống tâm linh cho người con Phật, là nơi thờ phượng ngôi Tam Bảo, đồng thời là một nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc giữa lòng nhân thế tràn đầy tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật.

Trải qua thời gian mưa nắng, ngôi chùa …… đã xuống cấp trầm trọng về mặt kiến trúc. Do vậy Thượng Tọa (Ni Sư) trú trì, Chư Tăng (Ni) cùng Phật Tử phát đại nguyện trùng tu, để trang nghiêm cảnh Phật, góp thêm một bông hoa tươi thắm trong vườn hoa đầy hương sắc của Phật Giáo Việt Nam.

Hôm nay Lễ Đặt Đá chính thức cử hành. Ban tổ chức chúng con vô cùng vui mừng xen lẫn xúc động được cung nghinh chư Tôn Đức và đón tiếp quý vị về tham dự.

Trước hết chúng con thành kính giới thiệu:

…………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………

Chúng tôi trân trọng giới thiệu:

…………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………

(Tùy theo hoàn cảnh thực tế để giới thiệu)

3.         Dâng Hoa Chào Mừng Chư Tôn Đức và Quan Khách:

Trước sự hiện diện chứng minh của chư Tôn Đức và quý quan khách. Phật Tử chùa ………… Chúng con tỏ lòng tri ân bằng cách dâng lên quý Ngài và gởi đến quý vị những lẵng hoa tươi thắm tượng trưng cho mọi vẻ đẹp của đất trời vũ trụ. Ngưỡng mong quý Ngài và quý vị chứng tri. Lễ dâng hoa bắt đầu…

4.         Diễn Văn Khai Mạc:

Ngôi chùa …………… hình thành, tồn tại như thế nào trong địa phương thân thương này và trong tương lai sự phát triển thế nào để góp phần vào đại cuộc chung. Thành kính cung thỉnh ……… trú trì chùa …… kiêm trưởng ban tổ chức tuyên đọc diễn văn khai mạc.

5.         Lời Phát Nguyện Của Đại Diện Phật Tử:

Đạo pháp trường tồn do Tăng Ni hoằng hóa. Thiền môn hưng thịnh bởi đàn việt phát tâm. Lời dạy ấy của chư liệt vị Tổ Sư vẫn luôn vang vọng trong lòng người con Phật. Ngôi chùa ……… sớm thành tựu hay không một phần do sự cúng dường công đức của thiện tín Phật Tử. Hôm nay trong buổi lễ đặt đá này, chúng tôi trân trọng kính mời đạo hữu ……… thay mặt chư Phật Tử đọc lời phát nguyện.

6.         Phát Biểu Của Chính Quyền:

Gần 2000 năm kể từ ngày du nhập vào đất nước Việt Nam. Đạo Phật luôn gắn bó keo sơn cùng vận mệnh của dân tộc và trải qua những thăng trầm xứ sở của quê hương. Mỗi ngôi chùa là một chứng tích lịch sử văn hóa in dấu mọi sinh hoạt của người Việt Nam qua các thời đại. Trong buổi lễ đặt đá này, chúng tôi kính mời ……… thay lời quý cấp chính quyền phát biểu ý kiến.

7.         Đạo Từ Của Chư Tôn Đức Chứng Minh:

Toàn thể chư Tăng, (Ni) Phật Tử chùa …………… cùng ban tổ chức đang lắng động tâm tư nghe lời chỉ giáo của chư tôn giáo phẩm chứng minh. Thành kính cung thỉnh ……… Ban đạo từ.

8.         Nghi Lễ Đặt Đá:

Giờ đây, trong không khí thiêng liêng, trang nghiêm thanh tịnh. Nghi lễ đặt đá cử hành, chúng con cung thỉnh ……… chúng tôi kính mời ………

Về nghi lễ, cung thỉnh chư tôn Hòa Thượng niệm hương. Cung thỉnh ……… duy na. Cung thỉnh ……… duyệt chúng. Cung thỉnh chư Tôn Đức và đạo tràng đồng hộ niệm. Chương trình nghi lễ truyền thống gồm có: (theo chương trình đã dẫn).

9.         Cảm Tạ Của Ban Tổ Chức:

Trong phần cảm tạ này có thể là một vị trong ban tổ chức hoặc của MC.

(Xin nêu bài mẫu sau đây)

 

CẢM TẠ CỦA BAN TỔ CHỨC:

LỄ ĐẶT ĐÁ CHÙA……………………

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, chư Đại Đức, Tăng Ni.

Kính thưa quý vị quan khách.

Thưa toàn thể Phật Tử.

Buổi lễ chính thức Đặt Đá chùa ……… đến đây đã thành tựu viên mãn. Thay mặt ban tổ chức, trước hết chúng con đảnh lễ tri ân sự hiện diện chứng minh của chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni. Trước đạo tình cao cả của quý Ngài, chúng con kính nguyện cầu chư Tôn Đức pháp thể khinh an, cửu trụ Ta Bà để làm bóng cây đại thụ cho hàng hậu học nương nhờ đức độ tiến tu trên đường đạo nghiệp. Chúng tôi tri ân quý cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể đã đến tham dự. Kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe để phục vụ tổ quốc và nhân dân. Chân thành ghi nhận công đức toàn thể Phật Tử xa gần đã về tham dự và hỗ trợ cho Phật sự trọng đại này được thành tựu viên mãn. Cầu nguyện hồng ân chư Phật gia hộ cho quý vị và gia đình luôn an khang thịnh vượng tràn đầy hạnh phúc.

Kính bạch chư Tôn Đức.

Thưa liệt quý vị.

Trong quá trình hình thành và tồn tại cho đến hôm nay lễ đặt đá đại trùng tu. Chư Tăng (Ni) và Phật Tử chùa ……… luôn luôn trân trọng, khắc cốt ghi tâm đạo tình và nghĩa tình mà chư Tôn Đức và quý vị đã dành cho. Chúng con luôn nỗ lực hết sức mình để cho ngôi chùa sớm hoàn thành, góp phần tô đẹp cho ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam trên bước đường hoằng dương chánh pháp, cứu khổ độ sanh.

Mặc dù ban tổ chức đã cố gắng hết sức mình, nhưng không thể nào tránh được nhiều thiếu sót bất cập. Ngưỡng mong quý Ngài và quý vị niệm tình hoan hỷ.

Nam Mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

10.       Hồi Hướng :

Buổi lễ đã kết thúc ở không gian và thời gian nhưng không kết thúc ở lòng người. Tuy diễn ra trong giờ phút ngắn ngủi mà để lại trong lòng người tham dự một dấu ấn khó phai với thời gian năm tháng. Nguyện đem công đức hôm nay hồi hướng khắp pháp giới chúng sanh đồng triêm lợi lạc. Chúng con cung thỉnh chư Tôn Đức và quý quan khách cùng toàn thể đạo tràng hồi hướng.

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo.

 

 

CHƯƠNG TRÌNH LỄ KHAI GIẢNG AN CƯ KIẾT HẠ

TẠI …………………

(Ngày…… Tháng …… Năm………)

1.       Niệm Phật cầu gia hộ.

2.       Tuyên bố lý do và giới thiệu thành phần tham dự.

3.       Dâng hoa cúng dường chư Tôn Đức và chào mừng quan khách.

4.       Diễn văn lễ khai giảng.

5.       Cung an chức sự thành phần chứng minh ACKH và Ban Chức Sự.

6.       Lời phát nguyện của vị hóa chủ.

7.       Lời phát nguyện của hành giả an cư.

8.       Lời phát nguyện của đại diện Phật Tử hộ trì an cư.

9.       Phát biểu của chính quyền (nếu có).

10.  Đạo từ của Hòa Thượng chứng minh.

11.  Cảm tạ của ban tổ chức.

12.  Hồi hướng.

 

 

 

 

LỄ KHAI GIẢNG AN CƯ KIẾT HẠ

TẠI …………………

(Ngày…… Tháng …… Năm………)

 

PHƯƠNG PHÁP DẪN CHƯƠNG TRÌNH CỦA MC

(Sau khi ổn định đạo tràng MC bắt đầu)

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

-               Ngưỡng bái bạch chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni.

-               Kính thưa quý quan khách và toàn thể quý Phật Tử.

Hôm nay ngày…… tháng…… năm………, theo truyền thống của hàng xuất gia, hàng năm chư Tăng tập trung về một trú xứ để thúc liễm thân tâm, tịnh tu giới hạnh, tăng trưởng đạo lực sau những tháng ngày vân du hóa độ. Tại nơi đây, đạo tràng ……… cử hành lễ khai giảng khóa an cư kiết hạ Phật lịch ...... Thay mặt ban tổ chức chúng con xin được thông qua chương trình buổi lễ như sau:

(Đọc chương trình đính kèm) 

 

q             Cách dẫn các tiết mục của chương trình :

1.         Niệm Phật Cầu Gia Hộ:

Để mở đầu chương trình, nguyện cầu mười phương chư Phật hiện tọa đạo tràng chứng minh công đức, gia hộ cho khóa An Cư Kiết Hạ được thành tựu. Cung thỉnh chư Tôn Đức, quý quan khách và toàn thể quý vị đứng dậy niệm danh hiệu Bổn Sư ba lần cầu gia hộ.

2.         Tuyên Bố Lý Do:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

-               Ngưỡng bạch chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni.

-               Kính thưa quý vị quan khách.

-               Thưa toàn thể Phật Tử.

Sau khi Đức Thế Tôn thành đạo dưới cội Bồ Đề, Ngài tìm đến năm anh em ông Kiều Trần Như và thuyết pháp Tứ Thánh Đế, lần đầu tiên. Kể từ đó giáo pháp được hình thành. Một nền giáo pháp chỉ rõ cho con người thoát ly sanh tử, khổ đau. Nhận chân được giá trị đích thực của con đường giác ngộ giải thoát, mọi thành phần trong xã hội thời bấy giờ tìm đến với Đức Thế Tôn và giáo hội được thành lập thành 4 chúng:

-   Tỳ kheo

-   Tỳ kheo ni

-   Ưu bà tắc

-   Ưu bà di.

Có đoàn thể tất phải có giới luật. Trong giới luật của Phật có quy định chư Tăng Ni dừng chân trong ba tháng để tịnh tu giới hạnh, trau dồi Giới – Định – Tuệ tam vô lậu học – để làm hành trang trên lộ trình chuyển tinh thần đạo đức của Phật giáo đi vào lòng cuộc đời. Từ đó mặc dầu đã trải qua hơn 2.500 năm trong lịch sử, giới luật quy định ấy luôn duy trì nghiêm túc để người con Phật đoàn kết hòa hợp – trưởng dưỡng đạo tâm trang nghiêm giáo hội.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung Ương Giáo Hội và thông tri của Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh, thành ……… hôm nay tại đạo tràng ……… cử hành lễ khai giảng khóa An Cư Kiết Hạ.

Thay mặt ban tổ chức, chúng con thành kính cung đón và giới thiệu:

Hòa thượng ……………………………

Thượng tọa ……………………………

Chúng tôi trân trọng giới thiệu :

Ông ……………………………………………

Bà   ……………………………………………

(Sau đó giới thiệu toàn thể đạo tràng về tham dự) 

3.         Dâng Hoa Cúng Dường : (nếu có)

Để tỏ lòng tri ân sự hiện diện của chư tôn Hòa Thượng chứng minh, chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni cùng quý quan khách về tham dự lễ khai giảng khóa An Cư Kiết Hạ. Ban tổ chức xin dâng những lẵng hoa tươi thắm cúng dường chư Tôn Đức và chào mừng quý vị.

Lễ dâng hoa bắt đầu……

4.         Diễn Văn Lễ Khai Giảng:

Tôn chỉ, mục đích của An Cư Kiết Hạ tại đạo tràng hôm nay sẽ nói lên đầy đủ tinh thần duy trì giới luật cho hàng tứ chúng trên bước đường tu học để phụng sự đạo pháp và dân tộc, góp phần vào công cuộc hoằng dương chánh pháp, cứu khổ độ sanh.

Thành kính cung thỉnh ………… đọc diễn văn khai mạc.

5.         Cung An Chức Sự Thành Phần Chứng Minh Và Ban Chức Sự :

Theo truyền thống của An Cư Kiết Hạ, mỗi hạ trường dù tập trung hay an cư tại chỗ đều cung thỉnh chư Tôn Đức đạo cao đức trọng để chứng minh và điều hành cho khóa An Cư được thành tựu. Tại đạo tràng hôm nay cũng không ra ngoài truyền thống đã nêu trên.

Cung thỉnh ………… Cung an chức sự.

6.         Lời Phát Nguyện Của Vị Hóa Chủ:

Ba tháng an cư kiết hạ tại bất cứ một đạo tràng nào, vị hóa chủ giữ vai trò vô cùng quan trọng. Bởi lẽ mọi phương tiện của khóa an cư đều do vị hóa chủ quyết định. Cung thỉnh ………… Hóa chủ của hạ trường đọc lời phát nguyện.

7.         Lời Phát Nguyện Của Hành Giả An Cư :

Chư Tăng hội tụ về một trú xứ để an cư, sống trong tập thể hòa hợp. Từ ngàn xưa cho đến hôm nay mục đích ấy vẫn được duy trì một cách nghiêm túc để nêu cao tinh thần giới luật. Bởi lẽ giới luật là thọ mạng của Phật pháp, giới luật còn là Phật pháp còn. Hành giả an cư là yếu tố để thực hiện những điều nêu trên.

Kính mời ……… đại diện hành giả an cư tại đạo tràng ………… đọc lời phát nguyện. 

8.         Lời Phát Nguyện Của Đại Diện Phật Tử Hộ Trì An Cư :

Từ ngàn xưa cho đến hôm nay, khi chư Tăng dừng chân an cư kiết hạ thì hàng Phật Tử tại gia góp phần công đức hộ trì, gieo phước lành nơi ngôi Tam Bảo với tâm nguyện: Tam Bảo thường trụ giữa thế gian để lợi lạc hữu tình. Chúng tôi kính mời ……… đại diện hàng Phật Tử tại gia đọc lời phát nguyện hộ trì chư Tăng tại đạo tràng hôm nay.

9.         Phát Biểu Của Chính Quyền: (nếu có)

An cư kiết hạ là sự kiện trọng đại của hàng Tăng Ni. Nhưng cũng trong khuôn khổ của pháp luật Nhà nước. Quý vị đại biểu chính quyền đến tham dự hôm nay đã thể hiện rõ nét sự gắn bó mật thiết keo sơn giữa đạo pháp và dân tộc. Trân trọng kính mời ………… thay mặt chính quyền phát biểu ý kiến.

10.       Đạo Từ Của Hòa Thượng Chứng Minh :

Toàn thể đạo tràng an cư kiết hạ trong giờ phút này đang lắng đọng tâm tư, lắng nghe lời chỉ giáo của chư Tôn Đức chứng minh. Thành kính cung thỉnh ………… Ban đạo từ.

11.       Cảm Tạ Của Ban Tổ Chức:

Buổi lễ khai giảng an cư kiết hạ tại đạo tràng ……… đến đây đã thành tựu. Trân trọng kính mời ………………… thay mặt ban tổ chức (hoặc MC) cảm tạ.

(bài mẫu)

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

-                    Kính bạch chư tôn Hòa Thượng chứng minh.

-                    Kính bạch chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni.

-                    Kính thưa quý quan khách và toàn thể Phật Tử.

Buổi lễ khai giảng khóa An Cư Kiết Hạ tại đạo tràng …………… đến đây đã thành tựu viên mãn. Thay mặt ban tổ chức, chúng con thành kính đảnh lễ tạ ơn chư tôn Hòa Thượng chứng minh, chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni đã quang lâm tham dự. Sự hiện diện của quý Ngài là hiện thân của từ bi và trí tuệ, mãi mãi chúng con noi gương quý Ngài để xiển dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh.

Chúng tôi xin tỏ bày niềm tri ân với quý cấp chính quyền đã đến tham dự buổi lễ, động viên chúng tôi không những hôm nay mà còn trong suốt ba tháng an cư để chúng tôi hoàn thành Phật sự, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp.

Sự hiện diện của quý vị nói lên tinh thần gắn bó mật thiết giữa đạo pháp và dân tộc. Xin chúc quý vị dồi dào sức khỏe để phục vụ tổ quốc, phấn đấu thành công sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Chúng tôi xin hồi hướng và tán dương công đức to lớn của quý đạo tràng, Phật Tử gần xa đã về tham dự và đọc lời phát nguyện ủng hộ chư Tăng tu học trong ba tháng an cư và góp công đức cho buổi lễ hôm nay thành tựu. Nguyện nhờ công đức này mà quý vị thân tâm an lạc, gia đình bình an hạnh phúc.

-                    Kính bạch quý Ngài.

-                    Thưa liệt quý vị.

Để đáp tạ hồng ân của chư Tôn Đức và tấm lòng của quý vị. Đạo tràng …………… xin nguyện tinh tấn tu học, phát huy đạo đức, ngỏ hầu không phụ lòng tin tưởng của quý Ngài và quý vị.

Mặc dầu ban tổ chức chúng con đã cố gắng hết sức mình, tuy nhiên không sao tránh được thiếu sót trong lúc cung đón quý Ngài và quý vị. Ngưỡng mong quý Ngài và quý vị niệm tình dung thứ và hoan hỷ.

Cầu nguyện pháp giới chúng sanh đều an lạc trong nguồn suối từ bi của đạo Phật.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát

12.       Hồi Hướng:

Buổi lễ khai giảng đã kết thúc. Cung thỉnh chư Tôn Đức, quý quan khách và toàn thể Phật Tử khởi thân đứng dậy cử hành hồi hướng.

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành phật đạo.

(Cử chuông trống bát nhã kết thúc lễ chính thức. Cung thỉnh chư Tôn Đức hồi quy phương trượng. Quý quan khách và quý đạo tràng Phật Tử về phòng khách dùng nước giải lao và thọ trai…).

 

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN

PL ......... DL .........

TẠI LỄ ĐÀI …………………

(Ngày…… Tháng …… Năm………) 

1.              Chư Tăng và Phật Tử vân tập trước lễ đài và ổn định vị trí hành lễ.

2.              Tuyên bố lý do và giới thiệu thành phần tham dự.

3.              Cử ba hồi chuông trống bát nhã rước lễ đản sanh.

4.              Phút nhập từ bi quán.

5.              Dâng hoa cúng dường.

6.              Tuyên đọc thông điệp của Đức Pháp Chủ.

7.              Diễn văn lễ Phật Đản.

NGHI LỄ :

-               Niệm hương.

-               Cung tuyên pháp ngữ.

-               Xướng hồng danh Đức Bổn Sư và đảnh lễ.

-               Tụng bài Khánh Đản.

-               Niệm danh hiệu Đức Bổn Sư (10 lần).

-               Niệm danh hiệu đạo tràng hội thượng Phật Bồ Tát (3 lần).

-               Tụng tứ hoằng thệ nguyện.

8.              Thả bồ câu và bong bóng hòa bình.

9.              Lời cảm tạ của ban tổ chức.

10.           Hồi hướng.

              (Cử chuông trống bát nhã kết thúc buổi lễ).

 

 

***

CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN

PL ......... DL .........

TẠI LỄ ĐÀI …………………

(Ngày…… Tháng …… Năm………)

 

PHƯƠNG PHÁP DẪN CHƯƠNG TRÌNH CỦA MC

(Sau khi ổn định đạo tràng MC bắt đầu)

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

-               Ngưỡng bái bạch chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni.

-               Kính thưa quý quan khách và toàn thể Phật Tử.

Hôm nay ngày……… tháng……… năm…………, hòa chung trong không khí tưng bừng đón mừng ngày Phật Đản PL……… trên khắp mọi nẻo đường đất nước. Giờ đây, tại lễ đài ……… cử hành đại lễ Phật Đản. Thay mặt ban tổ chức, chúng tôi xin được thông qua chương trình như sau:

(Đọc chương trình đính kèm).

 

q             Cách dẫn các tiết mục của chương trình:   

1.         Tuyên Bố Lý Do Và Giới Thiệu Thành Phần Tham Dự :

Hạnh phúc thay chư Phật giáng sinh.

Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh.

Hạnh phúc thay Tăng Già hòa hợp.

Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu.

-               Kính bạch ………………………………

-               Kính thưa ………………………………

Lại một lần nữa hoa sen nở rộ đón mừng ngày Đấng Giác Ngộ toàn năng, toàn trí, toàn đức ra đời, phá tan màn vô minh từ vô lượng kiếp của chúng sanh và những gì bất công trong xã hội, đem lại sự hạnh phúc an vui cho nhân loại.

Kỷ niệm ngày Đản Sanh của Đức Phật, ngày lịch sử trọng đại và thiêng liêng này để báo Phật ân đức, đồng thời thực hiện lời di huấn tối hậu của bậc giác ngộ: “Vì đại sự nhân duyên mà thị hiện để khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”.

Quả thật, Đức Phật thị hiện giữa cõi đời không ngoài mục đích nhằm đáp ứng nguyện vọng giải thoát khổ đau cho nhân loại. Ngài đích thực là một con người vì mẩu đời Ngài được kết tinh bởi những chất liệu của con người.

Là một vị hoàng tử của xứ Ấn Độ thời bấy giờ, nào cung vàng điện ngọc, cung phi mỹ nữ ca múa ngày đêm, nào lạc thú, nào vinh hoa. Nhưng Ngài đã ý thức rằng:

Đó không phải là hạnh phúc đích thực của cuộc đời, mà hạnh phúc đích thực của cuộc đời là thoát ly sinh tử, khổ đau, tìm đến đời sống an lạc thanh thản, không tranh chấp, không hận thù, sống chan hòa trong niềm cảm thông chân chính, sống trong yêu thương hòa hợp.

Từ nhận thức đó, Ngài đã giã từ lạc thú trần gian ra đi tìm đạo để hôm nay chúng ta có một kho tàng giáo lý vô tận trên lộ trình giác ngộ và giải thoát.

Vì vậy, giáo lý đạo Phật, là một nền giáo lý thơm ngát hương hoa giác ngộ, là một nguồn suối vi diệu cho con nguời trở về tự tánh thanh tịnh của chính mình, từ đó góp phần xây dựng cho xã hội an vui hạnh phúc.

Hôm nay, hòa chung trong niềm hân hoan của mọi người con Phật trên khắp hành tinh và mọi miền đất nước. Chùa ……… cử hành đại lễ Phật Đản, Phật lịch …… thay mặt ban tổ chức thành kính đón tiếp và giới thiệu:

HT          ………………………………………………………

TT          ………………………………………………………

Chúng tôi trân trọng giới thiệu :

Ông        ………………………………………………………

Bà          ………………………………………………………

(Sau đó giới thiệu toàn thể đạo tràng Phật Tử về tham dự)

2.         Cử Ba Hồi Chuông Trống Bát Nhã Rước Lễ Đản Sanh:

Trong giờ phút thiêng liêng cao cả này, cách đây hơn 2.500 năm về trước tại vườn Lâm Tỳ Ni Xứ Ấn Độ, thái tử Tất Đạt Đa thị hiện giữa cõi đời mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên của từ bi và trí tuệ. Giờ đây, mọi người con Phật long trọng tổ chức kỷ niệm ngày lễ Đản Sanh của Đấng Từ Phụ. Tất cả đạo tràng lắng đọng tâm tư cung rước lễ Đản Sanh. (Cử ba hồi chuông trống bát nhã).

3.         Phút Nhập Từ Bi Quán: (Sau 3 hồi chuông trống bát nhã MC tiếp)

Toàn thể đạo tràng dành một phút nhập từ bi quán. (phút nhập từ bi quán bắt đầu).

MC:                    Giờ phút linh thiêng gió lặng chim ngừng.

Trái đất rung động bảy lần.

Khi bất diệt đi ngang dòng sanh diệt.

Bàn tay chuyển pháp trong hương đêm thanh khiết.

Ấn cát tường nở trắng một bông hoa.

Thế giới ba ngàn đồng thanh ca ngợi.

     Văn Phật Thích Ca:

Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật. (Phút tưởng niệm đã qua)

4.         Dâng Hoa Cúng Dường:

Khi Đức Thế Tôn xuất hiện giữa cõi đời, hoa Ưu Đàm nở rộ, chư thiên dâng hương hoa lễ nhạc cúng dường. Hôm nay tại đây, toàn thể người con Phật kính cẩn dâng lên những hương hoa thơm ngát cúng dường Đấng Từ Phụ. Lễ dâng hoa bắt đầu.

5.         Tuyên Đọc Thông Điệp Đức Pháp Chủ:

Trong mỗi dịp cử hành đại lễ Phật Đản, hội đồng chứng minh Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam gởi đến chư Tăng (Ni) và Phật Tử trong cũng như ngoài nước. Đại lễ Phật Đản năm nay – Phật lịch ……, hội đồng chứng minh gởi đến Tăng Ni Phật Tử bức thông điệp quan trọng và tràn đầy đạo tình. Ban tổ chức cung thỉnh ………… tuyên đọc thông điệp.

6.         Diễn Văn Lễ Phật Đản:

Để nói lên ý nghĩa ngày lễ Phật Đản trọng đại này, ban tổ chức cung thỉnh ………… đọc diễn văn Phật Đản. (Diễn văn này có thể là của hội đồng trị sự và có thể là của địa phương, tùy theo thực tế mà giới thiệu).

NGHI LỄ:

Giờ đây qua phần nghi lễ truyền thống. Cung thỉnh chư Tôn Đức và toàn thể đạo tràng hướng lên lễ đài cử hành nghi lễ. Cung thỉnh …… niệm hương. Cung thỉnh chư Tôn Đức và toàn thể đạo tràng đồng hộ niệm. Cử nhạc Trầm Hương Đốt (nếu có). (Nghi lễ phải tùy theo mỗi nơi. MC nghiên cứu cho phù hợp, theo chương trình).

7.         Thả Bồ Câu Và Bong Bóng Hòa Bình:

(Sau bài tứ hoằng thệ nguyện. MC bắt đầu tiếp).

Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ. Do vậy người con Phật hơn ai hết yêu chuộng tình thương, công lý và hòa bình. Thể hiện lòng thiết tha yêu chuộng nền hòa bình thế giới, tại lễ đài hôm nay chúng con cung thỉnh ………… và chúng tôi kính mời ………… thả bồ câu và bong bóng hòa bình.

8.         Lời Cảm Tạ Của Ban Tổ Chức:

Để tỏ lòng tri ân chư Tôn Đức, quan khách và toàn thể Phật Tử đến tham dự đại lễ Phật Phật Đản hôm nay. Cung thỉnh ……… Thay mặt ban tổ chức đọc lời cảm tạ.

(hoặc MC có thể đọc thế).

9.         Hồi Hướng: 

Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch ……… tại lễ đài chùa ………… đến đây đã kết thúc trong không khí tràn đầy hân hoan và tin tưởng ở giáo lý vô thượng của Phật Đà. Nguyện đem công đức hôm nay hướng về đấng Từ Phụ cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, cho con người biết thương yêu nhau trong  suối  nguồn vi diệu của Phật Tổ Như Lai.

Cung thỉnh chư Tôn Đức và toàn thể đạo tràng hồi hướng.

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo.

MC lưu ý : Sau khi hồi hướng MC nói: “Cử 3 hồi chuông trống bát nhã kết thúc lễ chính thức”. Trong lúc chuông trống bát nhã thì MC tiếp: “Cung thỉnh chư Tôn Đức hồi quy phương trượng, kính mời quan khách về phòng khách dùng nước giải lao. Kính mời toàn thể Phật Tử tùy nghi lễ bái và tham quan”. Trong lúc này cho bộ phận âm thanh phát nhạc Phật Đản .

Nghệ thuật

DIỄN GIẢNG & XƯỚNG NGÔN

Lễ hội Phật Giáo


TT. Thích Đạt Đạo
ĐĐ. Thích Nguyên An - MC. Tánh Thuần

 

 

 Phần 3

 

Nghệ thuật diễn giảng & XƯỚNG NGÔN VIÊN 

 Thích Nguyên An 

1.             LỄ TẮM PHẬT

2.             LỄ CÀI HOA HỒNG

3.             LỄ TẠ PHÁP – DÂNG Y

4.             LỄ KHÁNH THÀNH CHÙA

5.             CÁC THỂ  LOẠI VĂN TÁC BẠCH

6.             CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ PHẬT ĐẢN

7.             CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ VU LAN

8.             NHỮNG VẦN THƠ TUYỂN CHỌN

 

CHƯƠNG TRÌNH LỄ TẮM PHẬT

 

1.             Cung thỉnh chư  Tôn Đức quang lâm lễ đài (hoặc chánh điện).

2.             Niệm hương – đảnh lễ Tam Bảo.

3.             Nghi thức thỉnh Phật.

4.             Lời cảm niệm lễ tắm Phật.

5.             Dâng lục cúng dường.

6.             Dâng đèn cúng dường của các ban ngành của chùa (nếu có).

7.             Nghi thức tắm Phật.

8.             Phật tử lên lễ đài tắm Phật.

9.             Hồi hướng.

10.         Thỉnh Phật hồi quy chánh điện (nếu lễ tổ chức tại lễ đài).

 

 

 

CHƯƠNG TRÌNH LỄ TẮM PHẬT

 

 

(Sau khi đạo tràng ổn định MC bắt đầu)

 

1.         Cung Thỉnh chư Tôn Đức Quang Lâm Lễ Đài :

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch ……………………

Vào giờ này, giờ phút chính thức của buổi lễ tắm Phật đã đến, toàn thể đạo tràng chúng con đang lắng lòng thanh tịnh. Chúng con thành kính cung thỉnh ……… quang lâm ………… cử hành lễ. (Cử 3 hồi chuông trống bát nhã).

2.       Niệm Hương – Đảnh lễ Tam Bảo: (Sau khi chư Tôn Đức đã quang lâm)

Chúng con thành kính cung thỉnh ……… Niệm hương bạch Phật – đảnh lễ Tam Bảo (Lúc vị sám chủ niệm hương có thể cử nhạc Trầm Hương Đốt thay lời niệm hương).

3.         Nghi Thức Thỉnh Phật: (vào chuông mõ)

1.            Lư hương sạ nhiệt

       …………………………………

2.            Chú đại bi

       …………………………………

3.            Hương vân thỉnh

…………………………………

               Sơ thỉnh …… Nhị thỉnh …… Tam thỉnh ……

             ………………………………..

4.            Đảnh lễ Phật đản sanh (3 lần)

4.         Lời Cảm Niệm Lễ Tắm Phật :

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ngưỡng bái bạch ………………………

Kính thưa toàn thể quí vị Phật Tử.

 

Từ miền gió cát Sông Hằng

Nhánh Bồ Đề vượt cánh bằng muôn phương

Về đây hương tỏa ngát hương

                    Tòa Như Lai hiện trong vườn…… (thêm tên chùa)

Hôm nay, ngày…… tháng…… năm………, Chùa ………… đã long trọng tổ chức lễ hội tắm Phật, nhằm thể hiện tấm lòng tôn kính của người con Phật đối với ngày lễ trọng đại, ngày Đản Sanh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Giờ đây ! Dưới ánh hào quang của Như Lai Phật Tổ, chúng con nhận thấy có sự chứng minh của ……, cùng …………, và đông đảo quí vị thiện nam tín nữ Phật Tử xa gần đã về tham dự lễ tắm Phật. Chúng con xin được cúi đầu đảnh lễ chư Tôn Đức và gởi đến toàn thể quí vị Phật Tử lời cầu chúc an lành nhất.

Kính bạch quí Ngài.

Kính thưa qyí vị.

Cách đây, hơn 2650 năm tại thành Ca Tỳ La Vệ xứ Ấn Độ, thái tử Tất Đạt Đa ra đời, Ngài con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya. Tương truyền rằng: Một hôm hoàng hậu Maya nằm mộng, thấy con voi trắng sáu ngà, từ trên trời đi xuống, vào bên hông phải của Bà, Hoàng hậu thức dậy, kể lại giấc chiêm bao cho các thầy đoán mộng, mọi người đều công nhận, đây là một điềm lành. Hoàng hậu sẽ sinh một hoàng nam, mà tài đức từ xưa đến nay chưa ai sánh kịp. Lời đoán mộng ấy đã trở thành hiện thực, hoàng hậu Maya mang thai. Đến lúc sắp sinh, theo tục lệ Ấn Độ, bà phải về nhà cha mẹ mình, trên đường đi, hoàng hậu vào nghỉ chân trong vườn Lâm Tỳ Ni. Một sớm mai trong vườn Lâm Tỳ Ni, chim thi nhau chuốt giọng trên cành, hoa thi nhau trải màu trên lá, và hương thơm từ bốn phương dồn lại, xông lên ngào ngạt khắp vườn, hoàng hậu Maya thấy lạ, ngự ra xem, đi đến góc cây vô ưu, thì liền Đản sanh Thái Tử.

Kính thưa quí vị ! Giờ phút thiêng liêng, im lặng vô ngần, địa cầu chấn động bảy lần, sóng nhạc thần thanh khiết, khí pháp thân bất diệt hiện bày, bảy bước sen vàng in dấu chân ngà, rồi ta bà thị hiện, nhục thể hài nhi đản sinh giữa vườn Lâm Tỳ Ni.

Hôm nay, toàn thể Phật Tử chúng ta, hân hoan đón mừng ngày Phật Đản trở về, trước lễ đài trang nghiêm, tôn dung rực rỡ của Đức Phật sơ sinh, chúng ta lắng lòng thanh  tịnh, suy niệm về cuộc đời cao cả của Ngài, về giáo pháp giải thoát mà Ngài đã hiến tặng cho nhân gian. Nguyện dâng lên Đức Từ Phụ những gì cao quí nhất. Con xin kết đóa hoa đời, dâng lên ngài vĩnh viễn một niềm tin, và giữ mãi ngọn đuốc từ bi, an lành Ngài đã thắp, để cho vầng trăng trong trái tim con, vẫn sáng soi vằng vặc, sáng mọi nẻo đường, xóa mọi u tối lối con đi.

“Chúng con nguyện trở về nương tựa Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời. Chúng con nguyện trở về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết. Chúng con nguyện trở về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tĩnh thức”.

Nguyện cầu Đức Phật chứng tri lòng thành của tất cả chúng con, và hộ trì cho tất cả chúng con, sống an lành và hạnh phúc trong ánh hào quang của chư Phật.

Nam Mô Bổn  Sư  Thích Ca Mâu Ni Phật. (3 tiếng chuông)

5.         Dâng Hoa Cúng Dường :

Kính bạch Chư Tôn Đức.

Kính thưa quý Phật Tử.

Khi Đức Phật đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni, hoa Ưu Đàm nở rộ, trống nhạc trời vang vọng, chư thiên chín rồng phun nước tắm cho Người. Hôm nay, trong ngày Đản Sanh của Đức Từ Phụ, người Phật Tử chúng con cũng thể hiện tấm lòng hân hoan tôn kính của mình, xin được dâng lên những hương hoa thơm ngát để cúng dường Ngài. Phần dâng hoa cúng dường của …… xin được phép bắt đầu ………

(Sau phần dâng hoa MC tiếp)

                           Thay lớp chư thiên xuống hát đàn

                           Có đoàn thiếu nữ hát ca vang

                           Tung hoa ngũ sắc dâng chân Phật

                           Dân tộc mừng reo rộn xóm làng .

6.       Dâng Tuệ Đăng (Đèn) Cúng Dường Của Các Ban Và Các Chúng:

Vừa rồi là những lẵng hoa tươi thắm đã được dâng lên cúng dường Đức Phật. Tiếp theo là phần dâng tuệ đăng cúng dường của các ban và các chúng.

Thứ nhất chúng tôi trân trọng kính mời, ban……… dâng tuệ đăng cúng dường. Tiếp theo trân trọng kính mời …… chúng con thành kính cung thỉnh ……… chứng minh và chấp thuận cho những ngọn tuệ đăng cúng dường của Phật Tử và trang trí lên lễ đài, để dâng lên cúng dường Đức Phật.

Tiếp theo chúng tôi trân trọng kính mời ………

(Trong lúc dâng đèn cần có nhạc đệm và phần giới thiệu của MC).

7.         Cung Thỉnh Vị Sám Chủ Cử Hành Nghi Lễ Tắm Phật :

Kính bạch chư Tôn Đức.

Kính thưa quý Phật Tử.

Như thế, hương, đăng, trà, quả, nhạc, đã được dâng lên cúng dường Đức Từ Phụ với tất cả tấm lòng thành của người con Phật trong mùa Đản Sanh PL …………

Giờ đây, là giây phút thiêng liêng và mong đợi nhất của mọi người con Phật.

Đó là khoảnh khắc được lấy nước chiên đàn tắm lên kim thân của Đức Từ Phụ.

Vì vậy, chúng con thành kính cung thỉnh ……… cử hành nghi lễ tắm Phật.

Kệ tắm Phật :

Hôm nay được tắm cho Như Lai

Trí tuệ quang minh công đức lớn

Chúng sanh ba cõi đang chìm đắm

Được thấy trần gian hiện pháp thân.

Thế Tôn dung mạo như vầng nguyệt

Lại như mặt nhật phóng quang minh

Hào quang trí tuệ chiếu muôn phương

Hỉ xã từ bi đều thấm nhuần.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần).

Tắm phật ……

8.       Cung Thỉnh Chư Tôn Đức Và Mời Phật Tử Lên Lễ Đài Tắm Phật.

Sau khi TT (Ni Sư) …… tắm Phật tiếp đến chúng con cung thỉnh chư Tăng (Ni) tắm Phật. Sau đó kính mời quý vị Phật Tử tuần tự lên lễ đài tắm Phật, theo sự hướng dẫn của ban tổ chức. (Mở băng niệm danh hiệu Đức Phật Thích Ca).

9.         Hồi Hướng : (Sau khi mọi người đã tắm Phật xong)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư Tôn Đức.

Kính thưa quý Phật Tử.

Khóa lễ tắm Phật, kỷ niệm ngày Đản Sanh của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni PL ……… tại lễ đài chùa ……… đến đây đã thập phần viên mãn.

Chúng con thành kính đảnh lễ và tri ân chư Tôn Đức đã quang lâm chứng minh, tham dự lễ. Chân thành tán dương công đức của toàn thể Phật Tử xa gần đã về tham dự lễ hội tắm phật hôm nay. Nguyện cầu Đức Phật luôn phù hộ cho quý vị được bình an – mạnh khỏe và gặp được nhiều thuận duyên trong cuộc sống.

Giờ đây, chúng con xin cung thỉnh chư Tôn Đức và kính mời toàn thể quý vị hồi hướng.

-               Bát nhã

-               Chú vãng sanh

-               Tắm Phật công đức thù thắng hạnh

               …………………………………………………………

-               Phục nguyện :

               …………………………………………………………

-               Cung thỉnh Đức Phật sơ sanh hoàn bổn vị …… Niệm

               Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ………

…………………………………………………………  

10.       Thỉnh Phật Hồi Qui Chánh Điện : (Nếu khóa lễ diễn ra tại lễ đài)

Cử 3 hồi chuông trống Bát Nhã, toàn thể Phật Tử chắp tay trang nghiêm, cung thỉnh Đức Phật sơ sinh hồi quy chánh điện. (Mở băng niệm Phật Thích Ca Mâu Ni hoặc tự niệm ).

Tự quy y Phật    …………

Tự quy y Pháp   …………

Tự quy y Tăng   …………

 

 

CHƯƠNG TRÌNH LỄ CÀI HOA HỒNG

MÙA VU LAN BÁO HIẾU – PL .........

(Ngày…… Tháng …… Năm………)

 

1.             Cử chuông trống Bát Nhã cung thỉnh chư Tôn Đức quang lâm Chánh Điện.

2.             Cung thỉnh vị sám chủ niệm hương bạch Phật – đảnh lễ Tam Bảo.

3.             Tuyên bố lý do – giới thiệu thành phần tham dự.

4.             Nhạc phẩm Ơn Nghĩa Sinh Thành (Hát trực tiếp hoặc mở băng).

5.             Diễn văn ý nghĩa Vu Lan và truyền thống lễ cài hoa hồng.

6.             Cài hoa chư Tôn Đức và Phật Tử tham dự (Nhạc Bông Hồng Cài Áo, hát hoặc mở băng).

7.             Tụng bài sám Vu Lan.

8.             Phục nguyện – hồi hướng.

9.             Cảm Tạ.

10.         Cung thỉnh chư Tôn Đức hồi quy phương trượng.

 

 

LỄ CÀI HOA HỒNG TRONG MÙA VU LAN BÁO HIẾU

PHƯƠNG PHÁP DẪN CHƯƠNG TRÌNH CỦA MC

(Sau khi ổn định đạo tràng MC bắt đầu)

 

1.         Lời Thỉnh

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch …………

Hôm nay ngày…… tháng…… năm…… Chùa ……… đã long trọng tổ chức Lễ Cài Hoa Hồng, để thể hiện tấm lòng hiếu kính của người con Phật trong ngày Vu Lan Báo Hiếu. Giờ đây, đạo tràng chúng con đã trang nghiêm thanh tịnh. Chúng con thành kính cung thỉnh ………… quang lâm ……… chứng minh và cử hành khóa lễ hôm nay.

Nam Mô A Di Đà Phật.

 (Sau khi chư Tôn Đức quang lâm MC tiếp)

2.         Cung Thỉnh Vị Sám Chủ Niệm Hương – Đảnh lễ Tam Bảo

Chúng con thành kính cung thỉnh …… niệm hương bạch Phật – đảnh lễ Tam Bảo. (Sau phần niệm hương – đảnh lễ Tam Bảo MC tiếp).

3.         Tuyên Bố Lý Do – Giới Thiệu Thành Phần Tham Dự

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát

Ngưỡng bái bạch trên …………

Kính thưa toàn thể liệt quý vị !

     Trung nguyên ngày hội vọng Vu Lan

     Bến giác chiều thu sống đạo ngàn

Những ai là kẻ mang ơn nặng

Đều vận lòng thành đón Vu Lan.

Hôm nay, ngày…… tháng…… năm……… hòa trong không khí hân hoan của người con Phật đón mừng mùa Vu Lan Báo Hiếu PL ……… trở về. Chùa ………… đã long trọng tổ chức đại lễ năm nay với nhiều chương trình nghi lễ phong phú, nhằm dâng lên cúng dường những đấng sinh thành và báo đền ân nghĩa tổ tiên. Trong đó, Lễ Cài Hoa Hồng hôm nay được xem là một phần nghi thức quan trọng, bởi lẽ nó đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, khơi gợi tình mẫu tử thiêng liêng khi được cài lên ngực những đóa hồng tươi thắm, trong ngày Vu Lan Báo Hiếu.

Giờ đây, dưới ánh hào quang của chư Phật, trong màu huỳnh y giải thoát. Chúng con vô cùng xúc động và vui mừng nhận thấy có sự chứng minh của ……… cùng ……… và toàn thể Thiện Nam Tín Nữ  Phật Tử xa gần đã về tham dự buổi lễ hôm nay.

Chúng con thành kính đảnh lễ chư Tôn Đức và gởi lời cầu chúc an lành đến toàn thể quý vị.

Trong giờ phút này, xin toàn thể đạo tràng cùng lắng đọng tâm tư, tưởng niệm đến công ơn biển trời của cha mẹ trong bài hát “Ơn Nghĩa Sinh Thành”.

(Hát hoặc mở băng)

4.         Diễn Văn Ý Nghĩa Vu Lan

Kính bạch chư Tôn Đức.

Kính thưa quý liệt vị.

Vừa rồi, những giai điệu ngọt ngào trong bài hát “Ơn Nghĩa Sinh Thành” đã làm khơi dậy trong lòng chúng ta bao tình cảm thân thương về mẹ cha. Và để hiểu rõ hơn về công ơn ấy, kính mời quý vị cùng lắng nghe qua bài diễn văn về ý nghĩa Vu Lan Báo Hiếu mà sau đây ……… sẽ gởi đến quý vị. Chúng con thành kính cung thỉnh ………

(Sau bài diễn văn về ý nghĩa Vu Lan MC tiếp)

5.         Cài Hoa Hồng

Muối ba năm muối đương còn mặn                          

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay                                       

Công cha nghĩa mẹ cao dày                                      

Con ơi ! nhớ lấy lời này đừng quên !

Toàn thể đạo tràng chúng con thật xúc động trước những lời pháp của ……… nói về công ơn biển trời của cha mẹ. Chúng con nguyện từ nay và mãi về sau hằng ghi nhớ những lời dạy ấy và sớm tối một lòng phụng dưỡng mẹ cha.

Kính bạch quý Ngài.

Kính thưa quý vị.

Và giờ đây, là khoảnh khắc thiêng liêng và lắng đọng mà tất cả mọi  người con Phật đều ước mong khi ngày báo hiếu trở về, đó là giây phút được cài lên ngực những đóa hồng tươi thắm, để ý thức mình còn diễm phúc có mẹ cha bên cạnh.

Hồng vàng dâng Phật Pháp Tăng                            

Hồng đỏ dâng Mẹ Cha mừng Vu Lan                    

Hồng trắng xúc động bàng hoàng                         

Con côi cút Mẹ lại càng xót xa

Hồng hường còn Mẹ mất Cha

Nép bên chân Mẹ, lệ nhòa tiếc thương.

Trân trong kính mời …… dâng lên Chư Tôn Đức và cài hoa đến toàn thể đạo tràng hiện diện, cùng với  nhạc phẩm Bông Hồng Cài Áo (nếu hát trực tiếp thì giới thiệu tên người hát, hoặc mở băng thì khỏi giới thiệu).

(Sau khi cài hoa đầy đủ rồi MC tiếp)

6.         Tụng Bài Sám Vu Lan

Kính bạch chư Tôn Đức.

Kính thưa quý liệt vị.

Như thế, là những đóa hoa hiếu hạnh đã được cài lên ngực của những người con Phật trong ngày Vu Lan Báo Hiếu. Giờ đây, kính mời toàn thể đạo tràng cùng ngưỡng vọng về mười phương chư Phật và gương chí hiếu của Ngài Mục Kiền Liên, trong bài sám nguyện Vu Lan

7.         Phục Nguyện – Hồi Hướng

............................................

8.         Cảm tạ

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Chư Tôn Đức.

Kính thưa toàn thể quý liệt vị.

Lễ cài hoa hồng, kỷ niệm mùa Vu Lan Báo Hiếu PL……… tại chùa ……... đến đây đã hoàn mãn trong không khí  ấm áp nghĩa tình Mẹ Cha. Chúng con thành kính tri ân Chư Tôn Đức đã quang lâm chứng minh tham dự lễ. Kính chúc quý Ngài Bồ Đề quả mãn Phật sự viên thành, mãi là tấm gương lành, để Phật Tử chúng con noi theo tu tập. Chân thành gởi đến toàn thể quý Phật Tử lời cầu chúc an lành, luôn được sống trong sự chở che của Tam Bảo, và tình thương nồng ấm của Mẹ Cha.

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát  Ma Ha Tát.

9.         Cung thỉnh Chư Tôn Đức hồi quy Phương Trượng

(mở nhạc Vu Lan)

 

 

 

CHƯƠNG TRÌNH LỄ TẠ PHÁP – DÂNG Y

1.  Niệm Phật cầu gia hộ

2.  Tuyên bố lý do

3.  Giới thiệu thành phần tham dự

4.  Dâng hoa cúng dường

5.  Diễn văn khai mạc

6.  Báo cáo tổng kết ba tháng an cư

7.  Cảm tưởng đại diện hành giả an cư

8.  Đạo từ của ban chứng minh

9.  Dâng y cúng dường

10.                      Cảm tạ – hồi hướng.

 

LỄ TẠ PHÁP – DÂNG Y

TRƯỜNG HẠ .................

(Ngày…… Tháng …… Năm………)

PL ......... DL .........

 

1.         Niệm Phật Cầu Gia Hộ :

……………………………………………………

2.         Tuyên Bố Lý Do :

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch ………………………

Kính thưa …………………………

Hạ tàn hoa lá đổi thay,

Thu về lộng gió hương bay ngát rừng.

Vu lan – tự ứ đón mừng, 

Ngày xuân Phật giáo tưng bừng khắp nơi.

Thật vậy, cứ mỗi độ hè tàn, hoa lá đổi thay để đón mùa thu đến là ảnh tượng báo hiệu mùa Vu Lan, một lần nữa trở về với người con Phật, ngày tự tứ lại sắp đến với người xuất gia; một tuổi hạ nữa được điền vào “Vô tác giới thể” của mỗi hành giả an cư; đồng thời cũng để tổng kết quá trình tu học, sinh hoạt của chư Tăng Ni trong ba tháng an cư kiết hạ. Trên cơ sở đó, rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn cho mỗi khóa an cư, phát huy trí năng hữu dụng, ngỏ hầu nối thạnh dòng Phật, thắp sáng đèn thiền, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

3.         Giới Thiệu Thành Phần Tham Dự :

Quang lâm chứng minh cho buổi lễ hôm nay, chúng con xin cung kính được giới thiệu :

……………………………………………

Chúng tôi cũng xin trân trân trọng giới thiệu sự hiện diện của :

……………………………………………

4.         Dâng Hoa Cúng Dường :

Kính bạch quý Ngài.

Kính thưa quý vị.

Những đóa hoa màu đỏ, màu của trí tuệ, những đóa hoa vàng, hoa giải thoát và những đóa hoa xanh, biểu trưng cho màu của từ bi sẽ được dâng lên cúng dường Tam Bảo, hiện tiền chư Đại Đức Tăng Ni.

Phần dâng hoa cúng dường của ……… xin được phép bắt đầu ………

5.         Diễn Văn Khai Mạc:

Hoa lòng nở rộ khắp nơi nơi

Mưa rắc hoa trời vẫn kém tươi

Đóa hoa đạo lý nguyện dâng cúng

Muôn đời gió nghiệp thổi không rơi.

Vừa rồi là những lẵng hoa tươi thắm, với tất cả tấm lòng thành  dâng lên cúng dường Chư Tôn Đức.

Giờ đây, chúng con xin được cung thỉnh ………… phát biểu khai mạc.

6.         Báo Cáo Tổng Kết Ba Tháng An Cư:

Kính bạch quý Ngài.

Kính thưa quý vị.

Với phương châm “Phước huệ song tu” trên tinh thần “Tri hành hợp nhất” toàn thể hành giả an cư đã nỗ lực tịnh tu tam nghiệp; lấy kinh văn làm tôn chỉ hành trì, mượn ý Tổ để nghiêm tầm diệu lý. Ba tháng chuyên tu không phải là dài trong đời sống phạm hạnh, nhưng mỗi hạ đi qua sẽ là một thành quả to lớn góp phần đưa hành giả tiến gần đến bến bờ giải thoát.

Sau đây là báo cáo tổng kết thành quả tu học của chư Tăng Ni trong ba tháng.

Trân trọng kính mời ………… đọc báo cáo tổng kết.

7.         Phát Biểu Cảm Tưởng Của Hành Giả An Cư :

Mãn hạ rồi mỗi người đi mỗi ngã

Cánh chim bằng lướt gió tận ngàn phương

Đem tinh hoa trong ba tháng hạ trường

Gieo khắp nẻo hoa bồ đề rộ nở.

Kính bạch chư Tôn Đức.

Kính thưa quý liệt vị.

Ba tháng hạ trường cùng được chung sống dưới mái ấm già lam ……… Ba tháng với biết bao kỷ niệm buồn vui đong đầy, để rồi sau cuộc sum họp hôm nay chúng con phải rời xa hạ trường yêu dấu trở về trú xứ của mình. Trong khoảnh khắc lắng đọng này xin phép quý Ngài và quý vị, cho chúng con được nói lên nỗi lòng của mình.

Trân trọng kính mời …………… đại diện cho toàn thể hành giả an cư dâng lời cảm tưởng.

8.         Đạo Từ Của Hòa Thượng Chứng Minh:

An cư ba tháng đủ đầy

Công thành quả mãn phước dày tội tiêu

Pháp âm vang dội hải triều

Ba ngàn thế giới đốn siêu Phật thừa.

Trong giờ phút trang trọng này, toàn thể chúng con đang ngưỡng vọng về chư Tôn Đức, những vị Thầy cao cả để chuẩn bị đón nhận những pháp âm vi diệu.

Chúng con thành kính cung thỉnh …………… ban đạo từ.

9.         Dâng Y Cúng Dường :

Phước này có phước nào hơn

Cà sa dâng đến chư sơn tăng già

Thiện nam tín nữ hiệp hòa

Cùng nhau câu hội bảo tòa dâng y.

Kính bạch Chư Tôn Đức.

Với ba tháng tịnh tu đạo nghiệp, giờ đây quý Ngài là những mảnh ruộng phì nhiêu, chứa nhóm vô vàn công đức cho hàng Phật tử chúng con gieo trồng hạt giống phước điền. Vì vậy xin quý Ngài cũng vì lòng thương cho Phật tử chúng con được dâng lên những mảnh y giải thoát và vật phẩm cúng dường, với ước mong hạt lành này sớm một đơm hoa, cho chúng con sớm bước lên đài sen giác ngộ.

Trân trọng kính mời quý Phật tử dâng y và lễ phẩm cúng dường.

(Tụng bài sám Vu Lan hoặc mở nhạc…)

10.       Cảm Tạ – Hồi Hướng :

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch ……………………

Kính thưa ……………………

Lễ tạ pháp dâng y tại trường hạ ………… đến đây đã được thành tựu mỹ mãn. Một lần nữa toàn thể chư Tăng Ni, và Phật Tử chúng con xin được bái tạ ân đức của chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa chư Đại Đức Tăng Ni, đã quang lâm về chứng minh cho buổi lễ hôm nay. Chúng con nguyện cầu Tam Bảo luôn gia hộ cho quý Ngài được nhiều sức khỏe để tiếp dẫn đàn hậu lai tiến tu đạo nghiệp và mãi là ruộng phước điền cho hàng Phật tử chúng con ươm mầm giải thoát. Đàn tràng đã hoàn mãn, xin cung thỉnh chư Tôn Đức, kính mời toàn thể quý vị đứng dậy hồì hướng.

 

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI LỄ KHÁNH THÀNH

CHÙA .................

(Ngày…… Tháng …… Năm………)

                                  

1.             Cử chuông trống Bát Nhã – cung nghinh chư Tôn Đức quang lâm lễ đài.

2.             Ban tổ chức thông qua chương trình.

3.             Niệm Phật cầu gia hộ.

4.             Tuyên bố lý do – giới thiệu thành phần tham dự.

5.             Dâng hoa cúng dường Chư Tôn Đức và chào mừng  quý quan khách.

6.             Diễn văn khai mạc lễ khánh thành.

7.             Báo cáo tiến trình xây dựng ngôi Bảo Điện.

8.             Lời cảm tưởng đại diện Phật Tử trong lễ khánh thành.

9.             Phát biểu đại diện chính quyền.

10.         Đạo từ của Hòa Thượng chứng minh.

11.         Niệm Hương Bạch Phật và cắt băng khánh thành.

12.         Cảm tạ – hồi hướng.

13.         Thọ trai.

 

 

ĐẠI LỄ KHÁNH THÀNH

CHÙA .................

(Ngày…… Tháng …… Năm………)

 

DÀN BÀI THAM KHẢO DÀNH CHO MC

(Sau khi chư Tôn Đức và quan khách an tọa MC bắt đầu)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

-               Ngưỡng bái bạch trên chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, chư Đại Đức,Tăng Ni.

-               Kính thưa các cấp chính quyền, chư vị khách quý cùng toàn thể Phật Tử.

Hôm nay, vào một buổi sáng đẹp trời ngày…… tháng…… năm…… nhằm ngày…… một sự kiện trọng đại, hết sức phấn khởi đối với chư Tăng (Ni) chùa ……… đó là đại lễ khánh thành ngôi Đại Hùng Bửu Điện. Giờ đây, thay mặt ban tổ chức chúng con xin được phép thông qua chương trình của buổi lễ như sau (đọc chương trình lễ).

1.         Niệm Phật Cầu Gia Hộ :

Kính bạch quý Ngài.

Kính thưa quý vị.

Hiện tọa đạo tràng mười phương chư Phật, hồn thiêng sông núi, các Hiền Thánh Tăng đã hội tụ về đây. Cung thỉnh quý Ngài, kính mời quý vị, khởi thân đứng dậy, niệm danh hiệu Đức Phật Thích Ca ba lần cầu gia hộ.

Cung thỉnh chư Tôn Đức và toàn thể đại chúng an tọa.

2.         Tuyên Bố Lý Do :

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

-               Ngưỡng bái bạch trên chư tôn Hòa Thượng chứng minh.

-               Kính bạch chư tôn Thượng Tọa, chư Đại Đức Tăng.

-               Kính bạch quý Ni Trưởng, Ni Sư, chư Đại Đức Ni.

-               Kính thưa các cấp chính quyền, chư vị khách quý, cùng toàn  thể Phật Tử.

Dâng cành sen thắm hương đưa,

Mừng ngôi Tam Bảo nắng vừa vàng hoa.

Nam mô Đức Phật Di Đà,

Niềm vui đã thấy cánh hoa diệu thường.

Quả thật như vậy, với tâm niệm có được một ngôi già lam thông thoáng làm nơi tu học cho hàng Tăng Ni, Phật Tử, đó là ước mong của chư Tăng (Ni) và Phật Tử chùa ………

Sau bao năm tháng nỗ lực thi công, ngôi Đại Hùng Bửu Điện nay cũng đã thành tựu. Giờ đây, đối trước chư Tôn Đức, và quý vị quan khách, chư Tăng (Ni) và Phật Tử chùa ……… của chúng con cảm thấy hạnh phúc vô bờ bến.

Thay mặt ban tổ chức, chúng con xin thành kính đảnh lễ chư Tôn Đức, và nhiệt liệt chào mừng đến toàn thể quý vị đã về tham dự buổi lễ hôm nay.

3.         Giới Thiệu Thành Phần Tham Dự :

Quang lâm chứng minh và tham dự buổi lễ hôm nay, chúng con xin thành kính được giới thiệu:

HT          ………………………………………

TT          ………………………………………

(Tùy theo số lượng tham dự để giới thiệu, nếu đông quá chỉ giới thiệu chung)

Về phía chư Tôn Đức Ni, xin trân trọng giới thiệu:

Ni Trưởng ……………………………

Ni Sư       ……………………………

(cùng chư Đại Đức Ni)

Về phía các cấp chính quyền chúng tôi vinh dự được đón tiếp :

Ông        …………………………

Bà          …………………………

Về  phía Tôn Giáo bạn (nếu có) chúng tôi củng vinh hạnh được đón tiếp :

Linh mục …………………………

Và chúng tôi cũng rất vui mừng nhận thấy, trong ngày lễ khánh thành hôm nay, quý vị Phật Tử  thuộc đạo tràng chùa ……………, đến các tỉnh thành ………… đã về tham dự rất đông đủ ………

4.         Dâng Hoa Cúng Dường :

Giờ đây, để thể hiện tấm lòng tôn kính đối với chư Tôn Đức, và tinh thần hiếu khách của người Phật Tử. Trong ngày vui trọng đại này, xin phép quý Ngài cho chúng con dâng lên những lẵng hoa tươi thắm để cúng dường. Phần dâng hoa cúng dường chư Tôn Đức và chào mừng quý vị quan khách của ……… xin được phép bắt đầu.

(Sau phần dâng hoa MC tiếp)

Xin toàn thể đạo tràng dành một tràng pháo tay chúc mừng cho phần dâng hoa.

5.         Diễn Văn Khai Mạc Lễ Khánh Thành :

Hình ảnh ngôi chùa ……… được hình thành và tồn tại đều gắn liền với công cuộc hoằng pháp và sinh hoạt tu tập của Tăng Ni, Phật Tử, để hiểu rõ hơn về tâm nguyện và công tác Phật Sự phát triển trong tương lai của ngôi chùa mới. Chúng con xin cung thỉnh ………… kiêm trưởng ban tổ chức ……… tuyên đọc diễn văn khai mạc.

6.         Báo Cáo Tiến Trình Đại Trùng Tu :

Kính bạch quý Ngài.

Kính thưa quý vị.

Để có được một ngôi đại già lam như ngày hôm nay, đó là một sự nỗ lực rất lớn của chư Tăng (Ni) và Phật Tử chùa …… trong một khoảng thời gian ròng rã hơn …… năm, từ thời điểm khởi công cho đến ngày hoàn tất với biết bao chặng đường vất vả. Và giờ đây, mọi người đang muốn biết, tiến trình thi công như thế nào, khoản thu chi bao nhiêu. Vậy xin trân trọng kính mời …… phát biểu báo cáo.

7.         Lời Phát Biểu Cảm Tưởng Của Đại Diện Phật Tử:

Kính bạch chư Tôn Đức.

Chúng con đã từng nghe quý Ngài dạy rằng:

Đạo pháp trường tồn do Tăng Ni hoằng hóa

 Thiền môn hưng thịnh bởi Đàn Việt phát tâm.

Thể theo lời dạy ấy, hàng Phật Tử chúng con người ít kẻ nhiều, chung sức đóng góp, để cho ngôi phạm vũ sớm thành tựu. Và hôm nay, ước nguyện đã thành hiện thực, trong niềm hân hoan của ngày đại lễ, xin phép quý Ngài cho Phật Tử chúng con được dâng lên những dòng cảm tưởng. Trân trọng kính mời Phật Tử …… đại diện …… dâng lời cảm tưởng.

8.         Phát Biểu Đại Diện Chính Quyền :

Đạo vàng đẹp quá sáng hơn lê

Tô điểm mãi cho linh hồn dân tộ

Uống nước nhớ nguồn, con dân nhớ gốc

Dân tộc trường tồn, phải nhớ bóng Như Lai.

Trải qua bao cuộc thịnh suy của dân tộc, đạo Phật luôn thể hiện tinh thần từ bi vô ngã và tình đoàn kết gắn bó keo sơn. Giờ đây, với sự hiện diện đông đủ của các cấp chính quyền ……… chúng tôi muốn lắng nghe lời phát biểu của quý vị.

Xin trân trọng kính mời Ông …… đại diện phát biểu ý kiến. (Sau lời phát biểu MC tiếp)                    

Thay mặt ban tổ chức, chúng tôi xin chân thành cám ơn những lời phát biểu tốt đẹp vừa rồi của Ông ………

9.         Đạo Từ Của Hòa Thượng Chứng Minh :

Chắp tay lòng tự hứa với lòng

Yên tĩnh tâm hồn lắng sạch trong

Hướng về mười phương chư Phật Tổ

Cho đạo tình sưởi ấm những hoài mong.

Ngưỡng bạch chư tôn Hòa Thượng chứng minh, giờ phút này toàn thể đạo tràng chúng con đang lắng lòng thanh tịnh để đón nhận những lời pháp nhũ của quý Ngài. Chúng con thành kính cung thỉnh HT………… ban đạo từ.

(sau lời đạo từ của HT MC tiếp)

Toàn thể chư Tăng (Ni) và Phật Tử chùa ……… của chúng con vô cùng xúc động trước những lời giáo huấn của HT. Chúng con thành tâm ghi nhớ những lời vàng ngọc ấy và nguyện cố gắng tinh tấn tu học, hoàn thành các công tác Phật sự trong tương lai.

10.       Niệm Hương Bạch Phật và Cắt Băng Khánh Thành :

-               Kính bạch Chư Tôn Đức.

-               Kính thưa các cấp chính quyền và toàn thể  quý Phật Tử.

Tất cả những lời phát biểu của Chư Tôn Đức, các cấp chính quyền và đại diện của Phật Tử vừa rồi, là để đợi chờ một phút giây mà :

Từ trong giọt lệ cuộc đời

Mấy ai tìm được nụ cười pháp hoa

Vui sao giữa chốn ta bà

Bỗng bừng lên một đóa liên hoa rạng ngời.

Đó là giờ phút cắt băng khánh thành chùa …… chúng con thành kính cung thỉnh HT …… TT …… và kính mời Ông …… Bà …… cùng tiến về vị trí tại ……… niệm hương bạch Phật và cùng cắt băng khánh thành ……… xin cử 3 hồi chuông trống bát nhã thành tâm cung thỉnh …… và kính mời …… tiến về ……

Lưu ý: Với chư Tôn Đức tham dự, tùy theo hoàn cảnh có thể mời an tọa tại chỗ hoặc cùng mời tiến về vị trí cắt băng khánh thành đồng hộ niệm. Trường hợp tất cả chư Tôn Đức và quan khách cùng đứng dậy thì  BTC cảm tạ trước. Hoặc sau khi các vị đại diện cắt băng xong thì mời trở về vị trí an tọa rồi BTC mới cảm tạ và hồi hướng.

11.       Cảm Tạ – Hồi Hướng :

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

-               Ngưỡng bái bạch chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, chư Đại Đức Tăng Ni.

-               Kính thưa các cấp chính quyền, chư vị khách quý và toàn thể quý Phật Tử.

Đại lễ khánh thành chùa ……… đến đây đã thành tựu viên mãn. Thay mặt ban tổ chức, chúng con thành kính đảnh lễ và tri ân chư tôn Hòa Thượng, chư  Thượng Tọa, chư Đại Đức Tăng Ni.

Quý Ngài đã thương tưởng chúng con không quãng đường sá xa xôi quang lâm về đây chứng minh hộ niệm cho buổi lễ. Ân đức của quý Ngài chúng con nguyện khắc cốt ghi tâm đời đời tưởng nhớ. Chúng tôi thành thật tri ân đến các cấp chính quyền đã đáp lời mời của chúng tôi, về đây tham dự, sự hiện diện của quý vị đã thể hiện tinh thần gắn bó keo sơn giữa đạo pháp và dân tộc.

Kính chúc quý vị dồi dào sức khỏe và gặt hái được nhiều thành công trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương. Chúng tôi cũng xin gởi lời tri ân đến Linh mục …… (nếu có) kính chúc Linh mục …… luôn được sống an lành trong phúc âm của Thiên Chúa. Chân thành gởi đến toàn thể quý Phật Tử xa gần lời tán dương công đức. Nguyện cầu Đức Phật luôn gia hộ cho quý vị và gia đình luôn bình an mạnh khỏe, vạn sự được cát tường như ý.

Và trong suốt quá trình diễn ra buổi lễ, mặc dù ban tổ chức đã rất cố gắng, nhưng chắc chắn không sao tránh khỏi những điều sai sót trong việc cung nghinh chư Tôn Đức và đón tiếp phục vụ quý vị. Ngưỡng mong chư Tôn Đức và quý vị niệm tình hoan hỉ cho.

Giờ đây, đại lễ khánh thành chùa ……… đã thành tựu trong niềm hoan hỉ, cung thỉnh quý Ngài, kính mời toàn thể quý vị.

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo.

(Sau khi hồi hướng xong MC tiếp)

Cử chuông trống Bát Nhã. Cung tiễn Chư Tôn Đức hồi quy Phương Trượng. Chúng con xin quý Ngài hoan hỉ quang lâm về …… nghỉ giải lao và dùng ngọ trai. Kính mời quý quan khách cùng tiến về ……… để dùng bữa cơm chay thân mật với Bổn Tự chúng tôi trong ngày vui trọng đại này. Và trân trọng kính mời quý Phật Tử cùng ở lại và tiến vào …… để cùng thọ trai …… (mở nhạc Phật giáo…).

 

 

VĂN TÁC BẠCH CÚNG DƯỜNG TRƯỜNG HẠ

 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

 

Kính bạch trên …………

Hôm nay là ngày…… tháng…… năm…… hàng Phật Tử của chúng con có duyên sự xin dâng lên lời tác bạch.       

Kính bạch ……

Hằng năm, khi những chùm phượng vĩ khoe sắc, và những trận mưa rào đổ xuống, như là một dấu hiệu chuyển giao của đất trời tạo hóa, từ mùa xuân sang mùa hạ, cũng là thời điểm mà chư Tăng Ni vào Kiết Hạ An Cư, tịnh tu đạo nghiệp, đúng theo truyền thống mà Đức Phật cùng các hàng Tỳ Kheo thuở xưa từng ứng dụng. Chúng con được biết trong khoảng thơiø gian này thời khóa tu học của quý Tăng Ni ở các tự viện đều rất miên mật, nhằm thanh tịnh ba nghiệp, tăng trưởng đạo tâm, hướng đến thánh quả.

Hàng Phật Tử của chúng con thì không được phước duyên may mắn đó, nhưng cũng nhờ thấm nhuần lời Phật dạy, hỗ trợ cho sự tu học của chư Tăng Ni cũng là gieo trồng công đức, làm nền tảng bước lên quả vị Giác Ngộ.

Và hôm nay chúng con lại được về đây trong dịp chư Tăng Ni An Cư Kiết Hạ. Tất cả Phật Tử chúng con xin được cúi đầu đảnh lễ quý Ngài với  tấm lòng quý kính và dâng lên những phẩm vật cúng dường, ngưỡng mong Chư Tôn Đức mở rộng lòng từ chứng minh và chấp thuận cho tấm lòng thành của hàng Phật Tử chúng con.             

Nam Mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lạy)

(sau lời đáp từ)

Phật tử chúng con thật xúc động và hạnh phúc trước những lời đạo từ  cao cả và tấm lòng độ lượng của quý Ngài. Chúng con nguyện ghi nhớ những lời giáo huấn ấy và làm hành trang để tiếp bước trên con đường hộ đạo và tìm về đời sống hạnh phúc chơn như.

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lạy)

 

***

VĂN TÁC BẠCH CÚNG DƯỜNG TRAI TĂNG

 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Ngưỡng bái bạch trên ……………

Hôm nay là ngày…… tháng…… năm…… hàng Phật Tử chúng con có duyên sự xin dâng lên lời tác bạch (1 lạy).

Kính bạch chư Tôn Đức !

Hòa trong không khí hân hoan của người con Phật đón mừng mùa Vu Lan Báo Hiếu trở về. Hàng Phật Tử chúng con hôm nay quy tụ về đây dưới bóng Chùa ……… thân thương này sắm sửa trai diên dâng lên cúng dường Tam Bảo, hiện tiền chư Đại Đức Tăng Ni nhằm thể hiện tấm lòng quý kính của chúng con đối với chư Tôn Đức sau (trong) ba tháng An Cư Kiết Hạ đồng thời hồi hướng công đức đến tổ tiên Ông Bà, Cha Mẹ trong dịp đại lễ Vu Lan.

Kính bạch quý Ngài ! Chúng con đã từng nghe:

Cha mẹ ân thâm tợ đất trời

Thương con nuôi dạy chẳng đầy vơi

Mở vòng tay lớn vì con trẻ

Hướng dẫn con đi suốt cuộc đời.

Quả thật vậy, hôm nay chúng con được may mắn quỳ nơi đây cũng là nhờ từ ân đức của Cha Mẹ. Từ thuở lọt lòng đến ngày khôn lớn hình bóng mẹ cha như tàng đại thụ chở che ôm ấp, từng dặm bước chúng con trên đường đời luôn có ánh mắt dõi trông của Cha và bàn tay nâng niu của Mẹ.                            

Cha mẹ là cành huệ trắng

Một đời tần tảo vì con

Mỏi mòn thân cò lặn lội

Khắp cùng ngõ núi ven sông

Hôm nay, mùa báo hiếu trở về như là tiếng chuông ngân vọng thức tỉnh lòng người trở về với cội nguồn tổ tiên, khơi gợi bao tấm lòng hiếu kính của những người con đối với những đấng sinh thành. Với bổn phận là người con Phật, chúng con đã noi theo gương sáng của Ngài Mục Kiền Liên, một dạ chí thành, sắm sửa lễ vật chay tịnh, dâng lên cúng dường chư Đại Đức Tăng Ni. Nguyện nhờ sức chú nguyện của quý Ngài mà Cha Mẹ chúng con hiện còn tại thế tăng long phước thọ, những vị quá cố cũng thấm nhuần ân đức thác sinh về chốn an lành. Xin quý ngài từ bi chấp thuận và chứng tri cho lòng thành của tất cả chúng con.

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Tác Đại Chứng Minh (1 lạy)

Sau đạo từ của Chư Tôn Đức :

Trên chư tôn thiền đức đã hoan hỉ nhận lãnh những phẩm vật cúng dường của chúng con và còn ban cho những lời pháp nhũ về công ơn sinh thành cha mẹ. Chúng con nguyện trọn đời sẽ theo dấu ngài Mục Kiền Liên “Nguyện làm con thảo” (3 lạy).

 

 

VĂN TÁC BẠCH LỄ CHUNG THẤT

 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính bạch trên ………………

Hôm nay là ngày…… tháng…… năm…… gia đình chúng con có duyên sự xin dâng lên lời tác bạch (1 lạy).

Kính bạch ……… thấm thoát thời gian như thoi đưa, mới ngày nào gia đình chúng con bùi ngùi tiễn biệt người Mẹ (Cha) thân thương của chúng con là Ông (Bà) ……… pháp danh ……… về nơi an nghỉ cuối cùng, thế mà hôm nay đã đến ngày lễ chung thất. Chúng con dẫu biết con Người sinh ra rồi ai cũng phải trở về với cát bụi, nhưng sự ra đi đột ngột của người Mẹ thân yêu, làm chúng con không thể nào nén nỗi sự nhớ thương xúc động. Cuộc đời của Mẹ thật giản dị đơn sơ, nhưng tình thương của Mẹ dành cho cháu con thật bao la rộng lớn. Nhớ những ngày gia đình còn khó khăn túng thiếu hình bóng Mẹ lại tất tả ngược xuôi kiếm từng đồng tiền để cho gia đình có được những bữa cơm ấm áp. Nhìn chúng con thua kém bạn bè Mẹ cũng không đành tâm, nên quên cả thời gian tuổi tác lao ra giữa chợ đời bươn chải hơn thua, chỉ mong sao có thêm nguồn thu nhập nuôi chúng con ăn học khôn lớn. Khi chúng con lớn khôn trưởng thành, thì thân thể Mẹ cũng héo gầy theo năm tháng, chưa kịp báo đền thì Mẹ đã vội ra đi.

Và từ đây, chắc chắn chúng con sẽ không bao giờ còn nghe lại những lời ru ngọt ngào, và nhìn thấy hình bóng nhân từ của mẹ, còn chăng chỉ là sự giản đơn, cần kiệm, thủy chung, trong nếp sống của mẹ và tình thương nồng ấm mà mẹ đã lưu lại trong hình hài  của chúng con.

Hôm nay, trong ngày chung thất của mẹ, chúng con đã quy tụ về đây, quỳ dưới ánh hào quang của chư Phật và sự chứng minh hộ niệm của chư Đại Đức Tăng Ni.

Chúng con xin thành tâm tưởng niệm về thâm ân của mẹ, và sắm sửa trai diên, dâng lên cúng dường Tam Bảo. Ngưỡng nguyện nhờ thần lực Tam Bảo và đức độ chư Đại Đức Tăng Ni mà mẫu thân chúng con sớm thác sinh về chốn an lành.

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lạy)

(sau lời đạo từ)

Toàn thể gia đình chúng con thật cảm động trước những lời giáo huấn của …… đã nói về công ơn biển trời của Cha Mẹ và nạp thọ những lễ vật cúng dường của chúng con. Toàn thể gia quyến chúng con thành kính tri ân chư Tôn Đức và đầu thành xin lễ tạ tam bái (3 lạy).

***

LỜI TRI ÂN TRONG NGÀY TẠ PHÁP AN CƯ

 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Ngưỡng bái bạch chư tôn Hòa Thượng chứng minh.

Kính bạch chư tôn Thượng Tọa, chư Đại Đức Tăng.

Kính bạch chư Ni Trưởng, Ni Sư, chư Đại Đức Ni.

Kính thưa các cấp chính quyền, chư vị khách quý, cùng toàn thể Thiện Nam, Tín Nữ Phật tử xa gần.

Hôm nay, trong niềm hân hoan của mọi người con phật đón mừng ngày đại lễ Vu Lan Báo Hiếu trở về. Tại trường hạ chùa ……… quận …… chư Tăng (Ni) của chúng con đã long trọng tổ chức lễ bế giảng khóa An Cư Kiết Hạ.

Giờ đây, đối trước chư Tôn Thiền Đức, xin phép quý Ngài cho chúng con được đầu thành đảnh lễ quý Ngài và bày tỏ tấm lòng quý kính của chúng con. (3 lạy)  

Kính bạch Chư Tôn Đức !

Kính thưa quý liệt vị !

Còn phước đức nào hơn, năm nay tại chùa …… đã được chư Tôn Đức trong Ban Trị Sự Thành Hội Phật Giáo Tp… (Tỉnh) và Ban Đại Diện Phật Giáo Quận… (Huyện) cùng các cấp chính quyền đã chọn làm nơi khai giảng an cư kiết hạ cho chư Tăng (Ni) chúng con về đây tu tập. Quả thật, đây là một niềm hỉ lạc như những lời dạy của Đức Từ Phụ trong Kinh Pháp Cú mà chúng con đã từng nghe :

Mừng thay chư Phật ra đời,

Mừng thay giáo pháp khắp nơi lưu truyền.

Mừng thay đại chúng đoàn viên,

Mừng thay đại chúng kết duyên tu hành.

Chúng con thiết nghĩ, duyên lành này có được cũng là nhờ từ hồng ân của chư Phật, và đức độ của Chư Tôn Thiền Đức đã thương tưởng đến đàn hậu học của chúng con. Ân đức ấy, chúng con đã cảm nhận được rất rõ trong ba tháng an cư kiết hạ, khi cùng nhau tu học.

Chúng con chắc không sao quên được, có những ngày mưa dầm rả ríc, thế mà Chư Tôn Đức cũng không quản gió mưa, vẫn lặn lội đến với chúng con mang theo những lời pháp nhũ bằng cả một trái tim ấm áp nghĩa tình. Rồi những khóa thiền tập, tụng kinh, lễ bái,… hình ảnh mẫu mực, uy nghiêm của quý Ngài đã đánh động, vào hạt giống tâm thức chúng con, làm nảy mầm bao chồi non trí tuệ.

Có những lúc chúng con xao lãng thời khóa công phu, quý Ngài đã đưa bàn tay Hộ Pháp thức tĩnh chúng con trở về với thực tại. Những khi chúng con mềm lòng yếu đuối, quý Ngài lại hiện thân bằng tình thương của mẹ hiền Quán Âm, tiếp cận lắng nghe và chia sẽ.

Ôi ! Tình thương và đức độ mà quý Ngài đã dành cho chúng con trong những tháng ngày qua quả là vô cùng tận.

Giờ đây, trong ngày mãn hạ an cư, chúng con cảm thấy mình được lớn lên thêm một tuổi, chất liệu vững chãi, thảnh thơi,… trong tâm được bồi đắp, chúng con cảm thấy hạnh phúc với lòng, nhưng lại thấy thẹn với bản thân vì chưa báo đền một chút thâm ân mà quý Ngài đã ban tặng. Và thành thật cảm niệm tri ân, trước sự quan tâm của chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi an tâm tu học. Chúng tôi cũng không bao giờ quên ơn những vị Đàn Na Thí Chủ xa gần đã hiến cúng những phẩm vật từ những bữa cơm chay tịnh, đến vật dụng cá nhân.

Ân đức ấy, tình thương ấy, chúng con nguyện sẽ ghi mãi bên lòng và nguyện sẽ đền trả bằng sự nỗ lực tu tập, làm cho đất tâm ngày thêm tươi tốt, hạt giống từ bi và trí tuệ ngày một đơm hoa.

Một lần nữa, toàn thể chúng con dốc hết lòng thành, cảm tạ ân đức, quý chư tôn Hòa Thượng Chứng Minh, chư tôn Thượng Tọa, chư Đại Đức Tăng Ni, Chư Tôn Đức trong ban tổ chức trường hạ, chư vị Giáo Thọ Sư… với tấm lòng biết ơn vô hạn. Ngưỡng nguyện quý Ngài bồ đề quả mãn, Phật sự viên thành, mãi là bến đỗ tâm linh cho chúng con quay về nương tựa.

Kính chúc các cấp chính quyền có nhiều sức khỏe và gặt hái nhiều thành công trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo chở che và gia hộ cho quý vị Phật Tử luôn giữ mãi niềm tin trong chánh pháp và có một đời sống an vui.

Nam Mô Thường Tinh Tấn  Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lạy).

 

 

LỜI TRI ÂN GIÁO THỌ SƯ TRONG NGÀY NHÀ GIÁO 20/11

 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính Bạch Thầy !

Vào những ngày này, trên khắp mọi nẻo đường đất nước, tất cả những người học trò đang náo nức hướng về Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, để thể hiện tấm lòng tôn kính đối với quý Thầy Cô. Thể theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc, “Tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Hôm nay, toàn thể Tăng Ni Sinh chúng con xin kính cẩn dâng lên Thầy tấm lòng biết ơn sâu sắc nhất.

Kính bạch Thầy ! Chúng con đã từng nghe: 

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ phải thương kính Thầy.

Đó là câu nói ví von của Ông Cha ngày xưa nhằm khuyên răng con cháu, phải quý trọng những ngươiø đã có công dạy dỗ. Chúng con thiết nghĩ lời dạy ấy rất có giá trị dù ở bất kỳ thời đại nào. Chúng con thường tự hỏi, nếu chúng con sinh ra và lớn lên mà không có sự giáo dục của quý Thầy Cô thì làm sao biết được những điều hay lẽ phải của cuộc đời ? Không được các bậc Minh Sư dẫn dắt thì biết đâu là con đường chơn chánh? Chúng con có phúc duyên làm người con Thích Tử, nên được thụ hưởng cả hai nền văn hóa Đạo và Đời. Nếu như những kiến thức thế học giúp chúng con viết được những bài văn hay… thì những kiến thức Phật Học giúp chúng con chuyển hóa những phiền não trong nội tâm, hướng đến một đời sống an lạc. Hôm nay, trong  ngày lễ hội tri ân những người có công khai sáng ngọn đèn trí tuệ, chúng con xin dốc hết lòng thành hướng về Thầy, người lái đò nhiều năm thầm lặng đã chuyên chở chúng con cùng bao thế hệ Tăng Ni trưởng thành khôn lớn. Xin kết đóa hoa lòng dâng lên Thầy để biểu lộ tấm lòng tôn kính của chúng con và mãi mãi là ngọn đèn dẫn lối cho chúng con tìm về nẻo giác.

Nam Mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lạy)

Nam Mô A Di Đà Phật (sau lời giáo huấn)

Một lần nữa, Tăng Ni Sinh chúng con lại được nghe những lời pháp hết sức chân tình  mà Thầy đã truyền trao. Chúng con tin tưởng rằng: Với sức sống của tuổi trẻ, thế hệ Tăng Ni Sinh của chúng con nguyện sẽ tinh tấn tu học để tiếp bước theo lý tưởng phụng đạo giúp đời như điều Thầy hằng mong ước.

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lạy).

 

 

VĂN CHÚC TẾT GIÁO THỌ SƯ

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính Bạch Thầy,

Hôm nay nhân dịp đầu xuân, chúng con là những người học trò đã được Thầy dìu dắt dạy dỗ trong những tháng ngày vừa qua, xin được về đây cúi đầu đảnh lễ và mừng tuổi Thầy.

Kính Bạch Thầy, chúng con đã từng nghe :     

Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

Nghĩa Ân Sư muôn kiếp khó đáp đền.

Quả thật vậy, nếu chúng con sinh ra ở đời mà không có sự giáo dưỡng của những bậc Ân Sư thì làm sao biết được đâu là con đường chơn chánh. Trong những vị Giáo Thọ mà chúng con may mắn được học tập thì Thầy được xem là một mẫu mực đã lưu lại trong chúng con những tình cảm thân thương, quý kính, qua những giờ học thật sinh động. Hôm nay được quỳ dưới chân Thầy trong những ngày đầu xuân ấm áp, được nhìn lại hình bóng gần gũi thân thương của Thầy sau một thời gian Thầy vắng lớp, chúng con cảm thấy cõi lòng được ấm lại như những âm vang pháp nhũ mà Thầy đã truyền trao.

Kính bạch Thầy, giờ đây, trước thềm năm mới, mọi người thường giành cho nhau những lời cầu chúc an lành. Với chúng con, chỉ xin nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Thầy thêm tuổi mới có thật nhiều sức khỏe để hoằng pháp lợi sinh và mỗi tuần chúng con lại được chào đón Thầy dưới mái trường… để tắm mát trong tình thương pháp nhũ của Thầy.

Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lạy)

(Sau lời dạy của Thầy)

Chúng con thật cảm động làm sao trước những lời chia sẽ đầy tình đạo vị và tấm lòng kỳ vọng của Thầy đối với thế hệ Tăng Ni Trẻ chúng con trong chặng đường hoằng pháp ở tương lai. Chúng con thành tâm ghi nhớ những lời giáo huấn này và hứa sẽ tinh tấn tu học để mai sau trở thành những người hữu ích cho Đạo, cho Đời, để đền đáp một phần ân đức mà Thầy đã dành cho chúng con.                                                                                 

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lạy)

 

 

VĂN TÁC BẠCH MỪNG KHÁNH TUẾ THẦY

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính Bạch Thầy.

Hôm nay nhân dịp đầu xuân, chúng con lại được diễm phúc quỳ dưới chân Thầy dâng lên những lời cầu chúc.

Kính Bạch Thầy.

Chúng con dẫu biết, cuộc đời là vô thường huyễn hóa, cho nên sự luân chuyển của đất trời, khi Đông qua Xuân đến cũng là lẽ tự nhiên. Với người thế gian mùa Xuân là mốc thời điểm quan trọng, đây là những phút giây lắng đọng, để mọi người tự nhìn lại bản thân với những thành quả trong một năm miệt mài lao động, và mở ra kế hoặch cho một năm mới, cũng  là cơ hội để anh chị em đoàn tụ bên gia đình cùng dành cho nhau những điều tốt đẹp. Với người xuất gia như chúng con, thì không phải bận tâm để đón chờ những khoảnh khắc ấy. Bởi lẽ chúng con đã chọn cho mình một hướng đi xuất thế, nên Xuân về chúng con đâu thể nào cuốn theo dòng vui của thế tục.

Nhưng bù lại chúng con có một niềm hỉ lạc vô bờ, đó là được tắm mát trong dòng suối từ bi mà Thầy đã hiến tặng. Từng ánh mắt, nụ cười và hạnh nguyện của Thầy đã nâng đỡ và nuôi lớn chúng con rất nhiều, đó là những chất liệu mà Thầy đã xây dựng cho chúng  con một mùa xuân bất diệt. Hôm nay được quỳ dưới chân Thầy trong dịp đầu năm, chúng con có cảm tưởng như đang quây quần bên Ông Bà Cha Mẹ trong đêm ba mươi tết, chỉ khác chăng đây là một đại gia đình tâm linh huyết thống mà trong đó Thầy là hiện thân của Người Cha Già với đầy ắp tình thương và trí tuệ, còn chúng con là những cánh chim bé nhỏ, từng bước chập chững trưởng thành trong vòng tay nhân ái mà Thầy đang giang rộng.

Kính bạch thầy ! Như vậy, một năm cũ đang dần khép lại. Một năm nhìn lại với bao thành quả tu học với những kỷ niệm buồn vui mà Thầy trò đã gặt hái. Trong sự vui buồn ấy chắc chắn sẽ có những khoảnh khắc như ý, phấn khởi và đan xen cả sự bực nhọc khó chịu. Nhưng giờ đây, chúng con đang ý thức nhận diện tất cả những tập khí vụng về những rác rưởi gây nên rạn nứt đổ vỡ để chuyển hóa, cho tâm chúng con chỉ còn lại những chất liệu thảnh thơi, thương yêu và tha thứ như những gì mà Thầy đã nuôi dưỡng chúng con.

Trước thềm năm mới toàn thể chúng con xin được kính chúc Thầy vô biên pháp lạc, mãi là tàng đại thụ che mát cho chúng con.

Nam Mô Thường Hoan Hỉ Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lạy)

Nam Mô A Di Đà Phật (sau lời dạy của Thầy)

Một lần nữa chúng con tỏ lòng tri ân với những lời khuyên bảo hết sức chân tình và gần gũi của Thầy. Chúng con nguyện cố gắng nỗ lực hết mình trong tu học, để gặt hái được những thành quả tốt đẹp dâng lên thầy trong năm mới. Nam Mô Thường Tinh Tấn… (3 lạy).

 

 

CHƯƠNG TRÌNH  VĂN NGHỆ LỄ PHẬT ĐẢN 

DÀN BÀI THAM KHẢO DÀNH CHO MC

 

1.         Lời Mở Đầu :

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch Chư Tôn Đức.

Kính thưa toàn thể quý vị.

Lời đầu tiên, cho phép chúng con xin gởi đến chư Tôn Đức và toàn thể quý vị về thưởng thức Chương Trình Văn Nghệ hôm nay, lời cầu chúc an lành và lời chào trân trọng nhất.

Kính bạch Chư Tôn Đức.

Kính thưa quý liệt vị.

Vào những tháng ngày này, tất cả mọi người con Phật khắp mọi miền đất nước đang sống trong những phút giây hân hoan, đón mừng một ngày lễ trọng đại, đó là ngày Đản Sinh của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni PL …… và đêm nay, tại chùa …… một chương trình ca nhạc đặc biệt với sự dàn dựng của …… cùng sự góp mặt của …… và những lời ca tiếng hát hôm nay đều xuất phát bởi những trái tim chân thành nhất, mà mỗi người con muốn dâng lên cúng dường Đức Phật, và đó cũng là món quà pháp lạc mà chúng tôi muốn dành tặng đến tất cả quý vị trong mùa Phật Đản năm nay.                                            

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Và giờ đây, chúng con xin cung thỉnh …… tuyên bố khai mạc chương trình văn nghệ hôm nay. (Nếu không có người tuyên bố khai mạc, thì MC tiếp)

Để mở đầu chương trình văn nghệ hôm nay, kính mời chư Tôn Đức và toàn thể quý vị cùng thưởng thức một sáng tác của nhạc sĩ Hằng Vang ca khúc Hoa Đăng Mừng Phật Đản, qua phần tham gia biểu diễn của CLB Văn Nghệ Thành Hội Phật Giáo Việt Nam TP. HCM.

2.         Lời Dẫn Cho Tiết Mục Tiếp Nối :

Kính thưa quý vị.

Mặc dù sống trong cung vàng điện ngọc, nhưng trong lòng chàng thanh niên Tất Đạt Đa luôn trăn trở, làm thế nào để tìm ra phương thuốc giúp chúng sanh giải thoát khỏi kiếp trầm luân. Chính tình thương nhân loại, mà vào một đêm khuya, Tất Đạt Đa đã quyết định giã từ hoàng cung ra đi tìm đạo. Sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ Đề, chiến thắng mọi ma binh, Tất Đạt Đa đã tìm ra ánh đạo màu.

Chàng thanh niên ấy chính là một con người vĩ đại về sau được trời người quý kính, hiệu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Và để ca ngợi về cuộc đời cao cả của Ngài, nhạc sĩ Hằng Vang đã viết nên ca khúc Ánh Đạo Vàng. Giờ đây, kính mời quý vị cùng thưởng thức bài hát này qua tiếng hát ngọt ngào của nữ ca sĩ Thùy Dương.

3.         Lời Dẫn Cho Tiết Mục Tiếp Nối :

Kính thưa quý vị.

Ánh trăng rằm, luôn là hình ảnh tượng trưng cho sự dịu dàng đằm thắm, mang đến cảm giác an bình cho nhân thế, đặc biệt với ánh trăng trong tháng tư này, lại còn mang một ý nghĩa thiêng liêng, mầu nhiệm, ghi dấu một sự kiện, có một không hai trong lịch sử nhân loại, đó là ánh trăng của Từ Bi và Trí Tuệ mà Đức Phật mang đến cho vạn loài chúng sinh. Xuất phát từ nguồn cảm xúc ấy, nhạc sĩ Chúc Linh đã viết nên một ca khúc, đã làm lay động biết bao trái tim người con Phật mỗi mùa Phật Đản đến, đó là nhạc phẩm “Trăng Tròn Tháng Tư”, và hôm nay, giai điệu bài hát này sẽ gởi đến quý vị ngay sau đây, qua tiếng hát của một nam ca sĩ Phật Tử Lâm Minh Chi.

4.         Lời Dẫn Cho Tiết Mục Tiếp Nối:

Kính thưa quý vị.           

Trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, có một vị Thiền Sư mà tên tuổi của Ông đã gắn liền với công cuộc dựng nước, giữ nước, bảo vệ quê hương; khi chưa trở thành một vị Thiền Sư đắc đạo, Ông là một vị Vua, hiệu Trần Nhân Tông. Sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông, đem lại sự yên bình cho đất nước, Ông đã quyết định giã từ ngôi vị đế vương, lên núi Yên Tử xuất gia học đạo, khai sáng ra dòng thiền Trúc Lâm. Và, chuyện một vị Thái Thượng Hoàng đi xuất gia, đó là một điều hi hữu chỉ có trong truyền thống dân tộc Việt Nam. Chính những công hạnh cao cả này, mà người sau đã tôn xưng cho Ông một danh hiệu thật cao quý, “Phật Hoàng Trần Nhân Tông” và giờ đây, để rõ hơn về cuộc đời của Ngài, kính mời quý vị cùng thưởng thức phần hoạt cảnh Phật Hoàng Trần Nhân Tông, cùng phần gặp gỡ rất đặc biệt với quý Thầy, quý Cô trong Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Sinh Viên Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM.

5………………………………………………………………

6………………………………………………………………

7………………………………………………………………

8………………………………………………………………

9………………………………………………………………

10……………………………………………………………

11……………………………………………………………

12……………………………………………………………

13……………………………………………………………

14.       Lời Dẫn Cho Tiết Mục Kết Thúc :

Kính thưa quý vị.

Sự kiện Đức Phật đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni, không chỉ là điềm lành cho nhân loại, mà còn là niềm vui chung của cả trời người, bởi Ngài là đóa hoa quý, mấy nghìn năm chỉ nở một lần, do vậy khi Ngài vừa đản sinh thì đã có :

Bảy đóa sen vàng nâng gót tươi

Chín rồng phun nước tắm cho người

Chư thiên rộn rịp niềm hoan lạc

Hoa lạ quỳ dâng đấng cứu đời.

Và đã có biết bao ngôn từ cao đẹp, bao làn điệu thơ ca xưng tán Ngài, và giờ đây, kính mời quý vị cùng hòa chung niềm vui với mọi người con Phật khắp năm châu, trong một sáng tác của Y Mai – Đặng Phương Nguyễn, ca khúc “Mừng Ngày Phật Đản”, qua phần hợp ca của GĐPT TỪ TÂN.

15.       LỜI KẾT :

Kính bạch Chư Tôn Đức.

Kính thưa toàn thể quý vị.

Những giai điệu rộn ràng trong ca khúc Mừng Ngày Phật Đản vừa rồi cũng là lời chào kết thúc cho chương trình văn nghệ hôm nay. Thay mặt ban tổ chức, chúng con thành tâm cảm niệm chư Tôn Đức đã quang lâm chứng minh tham dự chương trình văn nghệ hôm nay. Chân thành cám ơn các Ca Sỹ, Nghệ Sĩ, Nhạc Công,… đã mang lời ca tiếng hát, góp phần cho chương trình văn nghệ được thành công tốt đẹp. Xin gởi lời cám ơn chân thành đến toàn thể quý vị và cầu chúc một mùa Phật Đản tràn đầy an vui hạnh phúc. Xin thân ái chào tạm biệt.   

 

 

VĂN NGHỆ LỄ VU LAN

DÀN BÀI THAM KHẢO DÀNH CHO MC

 

1.         Lời Mở Đầu :

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính bạch chư Tôn Đức.

Kính thưa toàn thể quý liệt vị.

Lời đầu tiên, cho phép chúng con xin gởi đến chư Tôn Đức và toàn thể quý vị, lời cầu chúc sức khỏe và lời chào nồng ấm nhất.

Kính bạch chư Tôn Đức.

Kính thưa toàn thể quý vị.

Tiết trời tháng bảy Vu Lan,

Dù đi muôn hướng trăm ngàn trùng dương.

Lòng con không khỏi vấn vương,

Quay về nguồn cội nhớ thương mẹ hiền.

Vâng! Cứ mỗi độ Vu Lan trở về, là hình ảnh thân thương của mẹ cha lại sáng ngời trong tâm hồn chúng con hơn bao giờ hết. Bằng tất cả tấm lòng hiếu kính của người con Phật. Đêm nay, tại Chùa ……., tổ chức một chương trình ca nhạc đặc biệt với chủ đề “Ơn Nghĩa Sinh Thành”. Nhằm dâng lên lời ca tiếng hát ca ngợi và cúng dường mẹ cha. Với những tình cảm chân thành của các ca sĩ, nghệ sĩ, và… trong các tiết mục trình diễn, hi vọng sẽ mang đến cho quý vị những phút giây lắng đọng, những cảm xúc dạt dào, để cho hình bóng mẹ cha mãi là biểu tượng sáng ngời trong tâm hồn của những người con hiếu hạnh.

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.

Và để mở đầu chương trình văn nghệ tối đêm nay, kính mời chư Tôn Đức và toàn thể quý vị cùng thưởng thức nhạc phẩm “Vu Lan Nhạc Khúc”, qua phần trình  diễn của Đoàn Văn Hóa Nghệ Thuật Hoa Sen.

2.         Lời Dẫn Tiếp Cho Tiết Mục Tiếp Nối :

Kính thưa quý vị.

Tự ngàn xưa, truyền thống hiếu thảo đối với mẹ cha đã trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Câu tục ngữ mà người xưa để lại cho thế hệ con cháu như một lời di huấn, mà mỗi chúng ta ai cũng thuộc nằm lòng.

Công cha như núi thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Và có một bài hát mà giai điệu của nó đã trở nên rất quen thuộc, và không thể thiếu trong những dịp Lễ Vu Lan.

Kính thưa quý vị, đó là một sáng tác của Dương Thiệu Tước, ca khúc  “Ơn Nghĩa Sinh Thành” cùng với tiếng hát ngọt ngào của người con xứ Huế, ca sĩ Bảo Yến.

3.         Lời Dẫn Tiếp Cho Một Tiết Mục :

Kính thưa quý vị.

Còn niềm hạnh phúc nào bằng khi mỗi độ Vu Lan trở về được cài lên ngực một đóa hồng tươi thắm, để biết rằng mình diễm phúc còn có mẹ ở trên đời; bởi tình thương của mẹ dành cho con quá đỗi lớn lao không gì đo lường hết.

Mẹ là Phật đại nguyện hóa thân

Mẹ là hoa, hoa đẹp tuyệt trần

Mẹ là nước, nước chảy vô ngần

Cuộc đời mẹ chỉ biết hiến dâng.

Vậy, ngay khi còn có mẹ, chúng ta hãy trân quý như một báu vật, đừng để vụt mất, và hãy vui sướng đi, vui sướng đi… như  chính nỗi niềm của Phạm Thế Mỹ trong bài hát “Bông Hồng Cài Áo” mà sau đây tiếng hát của ca sĩ Bích Phượng sẽ gởi đến quý vị.

4.         Lời Dẫn Tiếp Cho Một Tiết Mục :

Kính thưa quý vị.

Có rất nhiều người cứ thắc mắc rằng: “Tại sao lại có ngày Vu Lan Báo Hiếu?”, tôi xin phép được giải thích rằng: Xưa kia ngài Mục Kiền Liên một vị đại đệ tử thần thông bậc nhất của Đức Phật, có mẹ tên là Thanh Đề, vì tạo quá nhiều nghiệp chướng nên bà ta mới bị đọa xuống ở cõi địa ngục. Quá thương nhớ mẹ, Ngài đã vận dụng thần thông xuống tận địa ngục tìm phương cứu mẹ, nhưng khi vừa dâng bát cơm cho mẹ ăn, thì cơm đã hóa ra than lửa đỏ hồng nên không ăn được. Ngài mới về bạch cùng đức Phật, Ngài mới dạy rằng: “Chỉ nhờ uy lực thánh Tăng thì mẫu thân con mới thoát khỏi cảnh khổ địa ngục”. Quả thật, nhờ sức chú nguyện của chư Tăng mà mẹ ông đã sinh lên cõi trời Đao Lợi. Trước đức hạnh hiếu kính của Ngài mà đức Phật đã khuyên dạy các hàng đệ tử, hằng năm cứ vào dịp rằm tháng bảy, noi theo gương hiếu hạnh của Mục Kiền Liên mà báo hiếu mẹ cha. Giờ đây, để rõ hơn về sự tích này, kính mời quý vị cùng thưởng thức phần hoạt cảnh, “Mục Liên Cứu Mẹ” qua phần trình diễn của  CLB Văn Nghệ Sinh Viên HVPGVN tại TP.HCM.

5…………………………………………………………

6…………………………………………………………

7…………………………………………………………

8…………………………………………………………

9…………………………………………………………

10………………………………………………………

11………………………………………………………

12………………………………………………………

13………………………………………………………

14.       Lời Dẫn Cho Tiết Mục Kết Thúc:

Kính thưa quý vị.

Và bây giờ, kính mời quý vị cùng cất cao tiếng hát và vỗ tay nhịp nhàng theo giai điệu bài hát “Cho Con’’ cùng phần gặp gỡ với ba cô gái trong nhóm nhạc được các bạn trẻ yêu mến hiện nay, nhóm Mắt Ngọc.

15.       Lời Kết :

Kính bạch chư  Tôn Đức.

Kính thưa quý liệt vị.

Dù chúng ta thức trọn đêm nay để cất cao tiếng hát, thì cũng không thể nào ca ngợi hết tấm lòng nhân ái của mẹ cha. Nhưng, những tình cảm mà các anh chị Văn Nghệ Sĩ cùng các đơn vị tham gia đã mang lại cho chúng ta đêm nay quả là đáng trân trọng. Đây có thể xem là món quà bé nhỏ mà mỗi người con muốn gởi gắm lòng mình dành tặng tất cả những đấng sinh thành trong mùa Vu Lan Báo Hiếu. Thay mặt ban tổ chức, chân thành cám ơn tấm lòng của các anh chị nghệ sĩ cùng các đơn vị tham gia... Và xin gởi lời cám ơn đến tất cả quý vị đã về thưởng thức và ủng hộ cho chương trình văn nghệ hôm nay. Kính chúc quý vị, luôn có được nhiều niềm vui trong cuộc sống và đón một mùa Vu Lan tràn đầy tình thương nồng ấm của mẹ cha, xin gởi lời chào tạm biệt.

 

NHỮNG VẦN THƠ TUYỂN CHỌN

Phật Đản

 

Ơn Phật lớn lao chẳng nghĩ lường

Cũng vì bác ái với lòng thương

Xả thân tuổi trẻ tầm chơn lý

Cầu đạo chẳng màng tuổi thanh xuân.

 

Tinh khiết như hoa sen

Rạng ngời như bắc đẩu

Xin quay về nương náu

Bậc Thầy của nhân thiên.

 

Đức Di Lặc ngồi trơ bụng đá

Mặc bụi trần bám đã rồi rơi

Dẫu cho trần thế đầy vơi

Dửng dưng như một nụ cười vô duyên.

 

Kính lễ Phật từ bi quảng đại

Vì chúng sanh nhân loại đảo điên

Luân hồi sanh tử triền miên

Làm Thầy hướng dẫn nhân thiên thoát nàn.

 

Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc

Đón mừng Bồ Tát xuống trần gian

Vườn Lâm chợt thấy hoa đàm nở

Muôn vạn tin vui trỗi nhịp đàn.

Quê hương đạo pháp thắm tình

Ngời trang sử Việt mấy nghìn năm qua

Hương từ Phật Đản bay xa

Niềm thương một cõi vị tha tâm hồn.

 

Một đức Phật ra đời

Đau khồ liền nhẹ vơi

Nụ tầm xuân vừa nở

Hương bay ngát đất trời.

 

Đóa ưu đàm nở rạng ngời

Lâm Tỳ Ni rực một trời sắc hương

Pháp thân hiện giữa vô thường

Gót vàng bảy bước mở đường chơn như.

 

Nguyện sanh về tịnh độ

Sen nở thấy vô sanh

Chư Phật và Bồ Tát

Là các bạn đồng hành.

 

Pháp Phật thật phi thường

Bảy hạt đầy mười phương

Cúng  dường khắp pháp giới

Từ bi không biên cương.

 

Bởi giấc mơ tiên con lỡ say

Lòng con mến Phật tự bao ngày

Hôm nay chuông gọi hồn con tỉnh

Phủi sạch trần lao con đến đây.

 

Người về khoác cả nắng vàng

Cho vườn chùa nỡ cánh hoàng lan hương

Ngỡ mình như một giọt sương

Lung linh trong cõi diệu thường đó chăng.

 

Phật về mở cửa vô minh

Mở dòng suối ngọt khơi tình chúng sanh

Phật về cho đất thêm lành

Cho hoa thêm nhụy, cho cành thêm xinh.    

Sen lên từng đóa hóa thân

Nhìn sâu con thấy dấu chân của Người

Phật đi hoa cũng mỉm cười

Bình minh nhân loại khi Người về đây.

 

Đêm nay trăng tròn hơn mọi tháng

Lá nhỏ trên cành gió mơn man

Hương trầm thơm tỏa mờ sương khói

Cuộc đời hư ảo sắc hay không.

 

Hoa sen vừa nở trên đầm biếc

Nắng đã lên rồi thức bình minh

Chim hót trên cành như tiếng hát

Mừng Phật Đản về độ chúng sanh.

Dung nhan Phật tốt lạ thường

Hào quang chiếu sáng khắp cùng mười phương

Từ bi oai đức không lường

Ra đời tế độ dẫn đường chúng sanh.

 

Được thấy tướng lại nghe danh

Cũng nhờ kiếp trước căn lành trồng sâu

Thế Tôn đủ phép nhiệm màu

Làm cho muôn loại cúi đầu quy y.

Trăng vằng vặc soi đất trời bát ngát

Mây muôn phương rạng rỡ bóng thiên thần

Mạn đà la mưa hoa hương ngào ngạt

Chuyển luân vương vừa giáng hạ phàm trần.

 

Người nhập thế ánh bình minh rực rỡ

Vạn vật reo mừng chiêm ngưỡng dung quang

Đài sen báu bảy bước chân nhẹ đỡ

Nước rồng thiêng suối mát gội kim thân.

 

Con kính cẩn quỳ dưới chân Từ Phụ

Tâm hồn con thấm đượm đức ân Người

Con xin sống một cuộc đời an trú

Trong yêu thương Ngài ban rải nơi nơi.

 

Hãy để tâm tĩnh lặng

Theo tiếng niệm Di Đà

Hãy sống vui an lạc

Mai về chốn quê xa.

Ôi Từ Phụ cha lành chung bốn cõi

Thương chúng sanh Ngài thị hiện ta bà

Diệt khổ đau người đi tìm nguồn cội

Cứu muôn loài người vất bỏ xa hoa

 

Mang ánh sáng, ngời soi nơi tăm tối

Pháp nhiệm màu Ngài gieo rắc trần gian.

Từ buổi nọ mấy nghìn năm dời đổi

Vẫn còn đây rạng mãi ánh đạo vàng.

 

Hôm nay trong ánh bình minh

Hào quang rạng chiếu chúng sanh vui mừng

Thế Tôn xuất hiện cõi trần

Hân hoan đến mấy tầng không nhạc trời

Hoa đàm rộn nở nụ cười

Trần gian chào đón một Người siêu nhân

Không gian rực sáng vầng trăng

Trần gian pháp vũ khiến đời thăng hoa

Bốn phương nhân loại hoan ca

Từ bi hỉ xã chan hòa nguồn vui.

 

Giây phút ấy thế gian bừng chấn động

Đóa ưu đàm hé nụ mấy ngàn năm

Sen nở thắm bên hồ hương gió lộng

Muôn cung tơ nhã nhạc tấu bổng trầm.

 

Trăng mùa Phật Đản thiêng liêng

Trăng hôn mái ngói chùa làng quê hương

Trăng soi sáng mãi tình thương

Ngàn năm trăng vẫn diệu thường cõi tâm.

 

Dù xa cách mấy nhịp cầu

Đến ngày Phật Đản năm châu cũng gần.

Ra đi rồi lại quay vào

Phút giây chia biệt dạt dào tình thương

Song đây tiếng vọng vô thường

Tình riêng gác lại chọn đường xuất gia.

 

Thân giới phẩm đã đượm nhuần mưa Phật Pháp

Áo cà sa thêm rạng vẻ phước điền.

 

Mùa Phật Đản con thành tâm lễ Phật

Nguyện cầu Ngài phân tỏa ánh hào quang

Để chúng con được đón ánh đạo vàng

Sống thư thái trong hào quang chư Phật.

 

Ngày Phật Đản tin về mùa kỷ niệm

Rộn ràng lên người con Phật năm châu

Nghe niềm vui mang sắc thái nhiệm mầu

Niềm tin vững in sâu lòng thệ nguyện

Bậc đại giác ta bà đà xuất hiện

Cứu quần sinh thoát khỏi bể trầm luân.

 

Một đời vì pháp độ sinh

Quyết noi theo tấm gương lành Phật trao

Cho đời vơi nổi sầu đau

Khuôn vàng thước ngọc thâm sâu lý huyền.

ÂN SƯ

 

Mưa chiều khói nước đượm thiền môn

Văng vẳng di ngôn dạ chạnh buồn

Cảnh cũ người xưa bao kỷ niệm

Nhớ người nhớ dáng chúng trung tôn.

 

Ơn giáo dưỡng sanh thành nên huệ mạng

Nghĩa thầy trò muôn kiếp trả chưa xong

Trai tuần chung thất ngưỡng mong

Cúng dường tam bảo hướng trông về Thầy.

 

Kính lạy Tăng, người Thầy chí cả

Thay Thế Tôn truyền bá đạo mầu

Tùy duyên hóa độ vô cầu

Làm Thầy mô phạm dẫn đầu chúng sanh.

 

Chùa rộng thênh thang bóng đại đồng

Tấm lòng ưu ái sánh biển đông

Mưa kinh, gió pháp lời khuyên dạy

Ôm cả ta bà cõi sắc không.

 

Trần thế chuyển mình hoa lá bay

Thầy đi về tận nẻo trời tây

Lời xưa di cảo còn gìn giữ

Mõ sớm chuông khuya dõi bước Thầy.

 

Hồi chuông sớm đưa Thầy về cõi niết

Con bàng hoàng khóc giữa đêm thâu

Hiện thân giữa chốn bụi hồng

Ưng vô sở trụ tâm vô não phiền.

 

Ngàn năm bia đá dễ mòn

Ngàn năm tâm khảm vẫn còn khắc ghi.

 

Ta bà một thuở ra đi

Hạc vàng cất cánh tây quy nhẹ nhàng

Bát cơm ngọc, tấm lòng vàng

Hương hoa lễ nhạc, cúng dàng Tôn Sư.

Khuất bóng Tôn Sư trời giá lạnh

Vắng lời giáo huấn gió đìu hiu

Vĩnh Nghiêm môn phái lòng se thắt

Phật Tử muôn phương lệ thấm đều.

 

Hôm nay nhìn lại Thầy trong ảnh

Sao nhớ chùa xưa quá đi thôi

Chân dung dáng vẽ từ bi ấy

Mãi mãi từ nay đã mất rồi.

 

Rừng tùng thưa thớt từ nay

Cội tùng ngã bóng về tây xa vời.

Thầy đi để lại cho đời

Giới đức nghiêm tịnh người người kính thương.

 

Miền cát trắng từ nay vắng bóng

Bậc chân tu trọn sống cho đời

Tấm gương đức hạnh tuyệt vời

Việc đời hạnh đạo nay vơi trọn tình.

 

Quảy dép về tây chốn nghỉ ngơi.

Hạc vàng cất cánh hướng chân trời

Dung nhan đã khuất nơi trần thế

Kẻ ở người đi luống ngậm ngùi.

 

Một mai thân xác tiêu tan

Danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời

Pháp thân lồng lộng tuyệt vời.

Chiếu soi pháp giới, rạng ngời chân như.

 

Sinh như thể đắp chăn bông

Thác như cởi áo, hạ nồng khác chi

Xưa nay các pháp hữu vi

Không sao tránh khỏi hiệp ly vô thường.

 

Trăng linh thứu chiếu miền lạc cảnh

Gió từ bi phất phưởng chốn ta bà

Giờ Thầy thượng phẩm đài hoa

Nụ an nhiên ấy trong ngần như như.

 

VU LAN

Lòng mẹ bao la tợ biển trời

Tâm hồn con trẻ tợ dòng khơi

Tháng ngày êm ả trong lòng mẹ

Ấp ủ cho con suốt cuộc đời.

Từ thuở xa quê mấy độ rồi

Tấm thân phiêu bạc chịu mồ côi

Quê nhà cha mẹ đang chờ đợi

Lòng dạ bâng khuâng luống bồi hồi.

Học sói trán viết chưa tròn chữ mẹ

Đi mòn chân chưa kịp điệu ví dầu

Nụ vô thường nở ra trời dâu bể

Bản trường ca tình mẹ chẳng nên câu.

Bước từ lòng mẹ bước ra

Người thiêng liêng nhất chính là mẹ ta.

Hai vai mẹ gánh đầy một huyền thoại

Tình yêu thương hào phóng đến vô cùng.

Hình hài con khi còn là hạt bụi

Lớn lên dần qua tình mẹ bao dung.

Tình yêu mẹ là đại dương vô tận

Con chỉ là con sóng nhỏ lăn tăn

Mẹ sóng cả bạc đầu giang đôi cánh

Lúc giông về mẹ ấp ủ cho con.

Cuộc đời dâu bể lặng thầm nuôi con khôn lớn.

Đôi lưng oằn cong cho con đứng thẳng người.

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc

Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không.

Nước mắt mẹ trải dài trong nhung nhớ

Cả một đời mẹ khóc tủi cho con.

Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ .

Mẹ là Phật đại nguyện hóa thân

Mẹ là hoa, hoa đẹp tuyệt trần

Mẹ là nước, nước chảy vô ngần

Cuộc đời mẹ chỉ biết hiến dâng.

Mẹ ơi trên vạn nẻo đường

Con đi mới hiểu tình thương mẹ hiền

Đời con xuôi ngược bao miền

Nhưng tình của mẹ là nguồn yêu thương

Vu lan kinh gọi ngàn phương

Hiếu ân con trẻ vấn vương trong lòng

Áo con cài đóa hoa hồng

Thắm tươi tình mẹ như đồng lúa xanh.

Đêm nay trăng sáng đỉnh non

Con xin xẻ nửa trăng tròn kính dâng

Dâng người tóc bạc lưng còng

Hai sương một nắng mà lòng sắt son.

Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời.

Một đời gánh nắng và mưa

Mòn vai mà mẹ vẫn chưa yên lòng

Một đời giống nước đòn cong

Vì ai vai lệch lưng còng mẹ ơi !

Mẹ là cả một trời thương

Mẹ là cả một thiên đường trần gian

Tiếng ru mẹ ấm vô vàn

Nuôi con trong tiếng tơ đàn văn chương.

Dù con đi suốt cuộc đơì

Cũng không nghe hết những lời mẹ ru.

Mẹ yêu quý, mùa vu lan đã đến

Con được cài hoa hồng thắm thương yêu

Lòng hân hoan con vui sướng thật nhiều

Vì con biết đời con còn có mẹ.

Mẹ đi suốt mùa hè

Qua hối hả mùa thu

Và mùa đông tất tả

Cho riêng con mùa xuân.

Nhớ ngày mẹ ốm nằm trong xó

Chiếu lạnh ủ không ấm vóc gầy

Đau đớn không hề rên xiết khẽ

Sợ con nghe thấy mà buồn lây.

Tôi nhớ đôi khi tiếng gió chiều

Thổi qua làn khói mái tranh xiêu

Và trong mí mắt buồn tê dại

Mẹ đứng nhìn quanh tủi phận nghèo.

Vì con biết đời con còn có mẹ

Mẹ yêu quý con mãi là con trẻ

Cần chở che an ủi của mẹ hiền

Lòng vô cùng con cảm thấy bình yên

Ân tình mẹ bao la như trời biển.

Mùa hiếu hạnh, mẹ hiền ơi lại đến

Hoa trắng cài làm tan nát tim con

Cõi hư vô không còn vướng ưu phiền

Hồn siêu thoát, mẹ về miền cực lạc.

Nuôi con buôn tảo bán tần

Chỉ mong con lớn nên thân với đời

Những khi trái nắng trở trời

Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.

Con đi cách biệt phương trời

Biết có ngày nao con trở lại

Đường xưa mẹ già ra đứng ngóng

Mòn mõi trong con đến bao giờ.

Chiều nay theo dấu Mục Kiền Liên

Con muốn tìm ra bóng mẹ hiền

Chiếc nhạn tung trời theo biển gió

Mùa thu mang nặng nỗi truân chuyên.

Lòng mẹ như bát nước đầy

Mai này khôn lớn, ơn này tính sao.

Bóng mẹ vào ra lối ngõ quen

Tóc sương dần xóa tóc màu đen

Nhớ ai xa nhẩm lời kinh nguyện

Khuya nối nghìn khuya một ngọn đèn.

Tiết trời tháng bảy vu lan

Dù đi muôn hướng trăm ngàn trùng dương

Lòng con không khỏi vấn vương

Quay về nguồn cội nhớ thương mẹ hiền.

Mẹ cho con tất cả

Hết quãng đời tuổi xanh

Cả thương yêu dịu ngọt

Rộng hơn biển trời xanh

Mẹ là gió mát trăng thanh

Là cây tiên dịu là cành thùy dương

Mẹ là hoa, mẹ là hương

Mẹ là nguồn cội tình thương nhiệm màu.

Phải đâu mẹ của riêng anh

Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi.

Đôi vai mẹ mỏi mòn thân cát bụi.

Gánh tình thương rong ruỗi giữa chợ đời.

Một cơn gió lạnh lao xao

Luồng qua khe cửa len vào tim con

Đánh thức lòng trẻ mỏi mòn

Tìm hình bóng mẹ của con năm nào

Để nghe âm điệu ngọt ngào

Một thời mẹ hát thuở nào còn thơ

Để trong dáng đợi ngóng chờ

Những lần con lỡ dại khờ bỏ đi

Tìm lại đôi mắt hoen mi

Năm canh thao thức lo vì con đau

Tìm lại đôi gánh trầu cau

Quằn trên vai mẹ giãi dầu nắng mưa

Tìm lại đôi cánh tay xưa

Mẹ bồng mẹ nựng mẹ đưa vào lòng

Mẹ ơi ! cho chút hơi nồng

Để con ấm lại cõi lòng nhớ mong.

Một đời vốn liếng mẹ trao

Mẹ cho tất cả mẹ nào giữ riêng

Mẹ hiền như một bà tiên

Mẹ theo con suốt hành trình con đi.

Hương trầm rồi cũng tàn phai

Hương tình nghĩa mẹ còn hoài nhân gian.

Mẹ là nghìn cánh hoa lê

Kết bè hạnh phúc, con về bến mơ

Từ lâu lòng trẻ đợi chờ

Vượt muôn sóng cả ghé bờ liên hoa.

Cha là bóng cả ngã che con

Là cả tình thương chẳng mỏi mòn

Là cả cuộc đời vô biên quá

Nặng nghĩa tình cha tợ nước non.

Còn cha gót đỏ như son

Một mai cha mất gót con lấm bùn.

Con có cha như nhà có nóc

Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

Mẹ đánh một trăm

Không bằng cha ngăm một tiếng.

Khôn ngoan nhờ ấm ông cha

Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.

Đạo làm con chớ hững hờ

Phải đem kính yếu mà thờ từ nghiêm.

Cha đã cho con một cuộc đời

Mối tình sâu kín trong lời dạy khuyên.

Lòng cha nghiêm nghị thiêng liêng

Cho con lẽ sống giữa miền trần gian.

Ôi ! tình mẹ tợ trăng sao

Như hoa hồng thắm, một màu thủy chung.

Tình của cha cũng lớn không cùng

Bao dung vạn loại dung thong đất trời

Ôâi ! tình cha mẹ đẹp tuyệt vời

Làm con hiếu thảo, trọn đời khắc ghi. Cha mẹ ân thâm tợ đất trời

Thương con nuôi dạy chẳng đầy vơi.

Mở vòng tay lớn vì con trẻ

Hướng dẫn con đi suốt cuộc đời.

Tháng bảy mùa thu lá rụng vàng

Ấy mùa nhân loại đón Vu Lan.

Bâng khuâng nhớ đến ân sinh dưỡng

Thổn thức tâm con ngấn lệ tràn.

Lên núi nhớ ơn cha

Xuống sông thương tình mẹ

Ôâi ! núi cao vời vợi

Ôi ! sông rộng bao la.

Hai vai con mang nặng

Từ vô lượng kiếp rồi.

Ân cha và nghĩa mẹ

Lặn hụp biển luân hồi.

Hồng vàng dâng Phật, Pháp, Tăng

Hồng đỏ dâng mẹ cha mừng Vu Lan.

Hồng trắng xúc động bàng hoàng

Con côi cút mẹ, lại càng xót xa.

Hồng hường còn mẹ, mất cha

Nép bên chân mẹ, lệ nhòa tiếc thương.

Tiết tháng bảy mưa ngâu sụt sùi thương nhớ mẹ

Hội Vu Lan hương trầm quyện tỏa niệm ân cha.

Con trèo lên núi hái vầng thơ dâng cha

Con bơi ra biển vớt câu ca tặng mẹ.

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Có cha mẹ mới có ta

Làm nên là bởi mẹ cha vun trồng.

Thờ cha mẹ phải hết lòng

Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường.

Đi về lập miếu thờ vua

Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha.

Công cha đức mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ song thân.

Biển đông có lúc đầy vơi

Chớ tình cha mẹ suốt đời trào dâng.

Đêm khuya trăng rụng xuống cầu

Cảm thương cha mẹ giãi dầu nắng mưa

Trọn đời vất vả triền miên

Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trong về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi

Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già.

 

Đói lòng ăn đọt chà là

Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.

Vô chùa thấy Phật muốn tu

Về nhà thấy mẹ, công phu chưa đành.

Thanh Đề tội ác hết liền

Ngày rằm tháng bảy thành tiên về trời.

Cây có cội mới trổ cành xanh lá

Nước có nguồn mới tủa khắp rạch sông

Phàm làm người ai cũng có tổ tông

Ơn cha mẹ như trời cao biển rộng.

Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông

Núi cao biển rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi !

Đói lòng ăn trái ổi non

Nhịn cơm nuôi mẹ, cho tròn nghĩa xưa.

Thương con mẹ dệt niềm tin

Cho con ăn học cho mình ước ao

Nỗi lo mẹ cộng thêm vào

Tuổi xuân tươi đẹp mẹ trừ bớt ra.

Dấn mình gánh nước làm thuê

Miễn nuôi được mẹ, quản gì là thân.

Thương cha thương mẹ có thời

Thương anh khi đứng, khi ngồi cũng thương.

Mẹ già ở túp lều tranh

Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.

Nuôi con chẳng quãng chi thân

Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.

Bồng cho con bú một hồi

Mẹ đã hết sữa, con vòi con la.

Đây bát cơm đầy nặng ước mong

Mẹ ơi ! đây ngọc với đây lòng

Đây tình, còn nặng trong tha thiết,

Ơn nghĩa sanh thành, con chưa trả xong.

Trải bao gian khổ không sờn

Muôn đời con vẫn nhớ ơn mẹ hiền.

Con càng xanh lá tưôi hoa

Mẹ càng cằn cỗi nhăn da bạc đầu.

Mẹ già hơn trăm tuổi

Còn thương con tám mươi

Ân ái có đoạn chăng

Chỉ hơi thở cuối cùng.

Cha mẹ thương con tợ biển trời

Làm sao đền trả được người ơi

Nếu không có hiếu đừng bất hiếu

Bất hiếu làm ta khổ muôn đời.

Bốn phương xin gởi câu chào

Trả ơn mẹ đã lao đao một đời

Mẹ là hoa phấn cõi trời

Thiên thu tình mẹ ấm hoài tim con.

Bao năm rồi con lưu lạc ngàn phương

Con nhớ mẹ suốt canh trường khắc khoải.

Ơn dưỡng dục mẹ ơi bao xiết kể

Công sinh thành con nghĩ cuộn lòng đau.

Góc mai già đã xơ xác từ lâu

Chơ vơ đứng giữa đường đời gió lạnh.

Dòng sông chảy ấy đời con trong mộng

Lững lờ trôi, trôi mãi đến bao giờ.

Có những đêm con thiêm thiếp trong mơ

Con mơ thấy hồn con về với mẹ.

Được ấp ủ trong tình thương của mẹ

Mảnh hồn con, ấm lại biết bao nhiêu.

Bốn phương trời, con tìm kiếm đã nhiều

Nhưng không có một tình thương của mẹ.

Vu lan đến, cõi lòng con quạnh quẽ

Bóng người xưa như phảng phất đâu đây.

Một chiều thu lạnh dâng bát cơm đầy

Tình nghĩa ấy mẹ ơi bao thắm thía

Phương trời này con ngậm ngùi rơi lệ

Đức cù lao muôn một trả chưa xong.

 

 

Lúc xưa tôi còn nhỏ

Mẹ tôi đã qua đời.

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận kẻ mồ côi.

Quanh tôi ai củng khóc

Im lặng tôi sầu thôi

Để dòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi...

Độ nhỏ tôi không tin

Người thân tôi sẽ mất.

Hôm ấy tôi sững sờ

Và nghi ngờ trời đất.

Từ nay tôi hết thấy

Trên trán mẹ hôn con.

Những khi con phải đòn

Đau lòng mẹ la lẩy.

Kìa nhà ai sung sướng

Mẹ con vỗ về nhau.

Tìm mẹ con không có

Khi buồn biết trốn đâu.

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi.

Tôi thấy tôi mất mẹ

Như mất cả bầu trời.

MÁI CHÙA VỚI QUÊ HƯƠNG

Quê tôi có gió bốn mùa

Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm

Chuông hôm gió sớm trăng rằm

Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi.

Mai này tơi b? quê tơi

B? tr?ng b? giĩ chao ơi b? chùa

Đem thân lưu lạc xứ người

Cây ?a b?n c?, con ?ị n?m x?a.

Nguyễn Bính

??u làng cĩ m?t cây ?a

Cu?i làng cây th?, ?àng xa ngơi chùa.

Dù ai đi sớm về trưa,

Xin d?ng ngh? bĩng d??i ngơi chùa này.

Chùa làng d?ng ? xĩm cơi

Sớm khuya hai buổi nghe hồi chuơng ngân.

R? nhau xu?ng b? mị cua

Lên non bẻ củi, vào chùa nghe kinh.

Làng tơi nh? bé xinh xinh

Chung quanh cĩ l?y tre xanh rườm rà

Trong làng san sát nĩc nhà

?ình làng l?p ngĩi cĩ vài cây cau

Chùa làng rêu phủ mái nâu

Dân làng thờ cúng để cầu bình an.

Ca dao Việt Nam

Chùa đứng hiền lành từ thuở xưa

Hồng danh gởi gắm tự bao giờ

Tổ tiên cố ý bao năm tháng

N?i ti?p khơng ng?ng l?p tu?i thơ.

(Huy?n Khơng – Ngày Vui Dân Tộc)

Dân tôi tươi mát đón gió lành

Khắp chùa ngào ngạt ánh trăng thanh

Nhìn lên tượng Phật hương trầm tỏa

Ấp ủ dân lành mọi mái tranh.

Đem tiếng chuông lấp cả tiếng trần

Đem tiếng giác hòa tan tiếng vọng.

Tất cả tiếng là tiếng hồng chung thấu triệt

Tất cả thinh là thinh diệu pháp triều âm

Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng

Có con đường đỏ chạy lang thang

Có hàng tre gọi hồn đất nước

Yên lặng chùa tôi ngập nắng vàng.

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều

Lời kinh giải thoát vọng cao siêu

Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi

Cầu nguyện dân làng sống mến yêu

(Huyền Không – Nhớ Chùa)

Chùa cũ người đi bao nhớ thương

Năm nao chưa khỏi bước tha hương

Hồn thơ ngây quá vui bằng mộng

Chân giẫm làng quê đã thuộc đường.

Mái chùa hồn nước hồn non

Hồn dân tộc Việt chon von mái chùa

Nước non thuận gió hòa mưa

Dân an nước thịnh mái chùa thêm xinh

Em ơi biết mấy là tình

Đi đâu ta cũng đinh ninh nhớ chùa.

Tiếng chuông vượt núi len sông

Vào làng thức tỉnh dân nông ra đồng.

Chuông không ngại ngày đêm mưa gió thổi

Chuông không vì sông núi bể đèo ngăn

Tiếng của chuông là bản thể xa xăm

Đây vọng lại mấy nghìn năm âm hưởng.

(Trúc Điệp – Tiếng Chuông Ngân)

Nghe chuông phiền não tan mây khói

Ý lặng thân an miệng mỉm cười

Hơi thở nương chuông về chánh niệm

Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi.

 

Nhất Hạnh

 

 

THƯ PHÁP MỪNG XUÂN

Công đức tổ tiên ngàn năm thịnh

Hiếu hiền con cháu vạn đời vinh.

Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ

Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường.

Tân niên, tân phúc, tân phú quý

Tấn tài, tấn lộc, tấn bình an.

Mùa xuân hoa nở khắp quê hương

Phúc đức an khang đến mọi nhà.

Tử hiếu song thân lạc

Gia hòa vạn sự thành.

Niên niên như ý xuân

Tuế tuế bình an nhật.

Đa phúc đa thọ đa phú quý

Đắc tài đắc lộc đắc nhân tâm.

Xuân đáo bình an tài lộc đến

Mai khai phú quí lộc quyền lai.

Chúc cho cha được thanh nhàn

Cầu cho mẹ được an khang tuổi già.

Tân niên niên kiết tường vạn phúc

Xuân thịnh vượng đắc thọ toàn gia.

Tân xuân vạn hạnh.

Hoa khai phú quý.

Nghinh xuân tiếp phước.

Kim ngân tài lộc vượng

Ngọc bửu phước thọ toàn.

Phúc mãn đường niên tăng phú quý

Đức lưu phương nhật tiến vinh hoa.

Thời đáo hưng long phúc thọ hội

Vận phùng phát đạt lộc tái sinh.

Người trồng cây lộc người chơi

Ta trồng cây phúc để đời mai sau.

Bách hỷ lâm môn tài lợi tiến

Tân niên phúc thọ đáo bình an.

Xuân đa kiết khánh

Hạ bảo bình an

Thu tấn vinh hoa

Đông nghinh bá phúc.

Nếu chẳng một phen sương giá buốt

Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương

Mừng tết đến gia đình vui sum họp

Đón xuân về con cháu sống bình an.

Chúc tết đến trăm điều như ý

Mừng xuân sang vạn sự thành công.

Ngày xuân hạnh phúc bình an đến

Năm mới vinh hoa phú quý về.

Phước như đông hải

Thọ tợ nam sơn.

Xuân về khắp chốn hoa mai nở

Hạ đến đầu non lan tươi thắm

Thu tới muôn nơi cúc nở vàng

Đông sang đôi chỗ tuyết trắng rơi.

Xin gởi cành đào vườn quê mẹ

Ông đồ lạc xứ thảo thơ xuân.

Phú quý toàn gia do đắc phước

Bình an nhị tự tự thiên kim.

Thầy Cô

Dẫu mai đi mọi phương trời

Nhưng lời Thầy dạy trọn đời khắc ghi.

Thầy cô luôn là ngọn đèn soi sáng

Dẫn lối em đi đến những ước mơ.

Phượng hồng treo giữa tiếng ve

Hành trình vạn nẻo vẫn nghe lời Thầy.

 

Cha mẹ cho em một hình hài

Thầy cô cho em một ngọn minh đăng rạng ngời.

Thầy tôi là người lái đò

Còn tôi học trò như khách sang sông

Mai này quay bắc trở đông

Hồn tôi vẫn hướng về ông lái đò.

 

Bạn Bè

Một thuở kết giao tình mặc khách

Trăm năm giữ vẹn nghĩa kim bằng.

Gởi vần thơ trao về bằng hữu

Với cả chân tình vạn thiết tha

Rằng ở phương này ta nhớ bạn

Nhạt nhòa con chữ giọt mưa sa.

Tìm đâu cho thấy cố nhân

Lấy câu vận mệnh xoay vần nhớ thương.

Thà rằng đơn chiếc một mình

Không cùng kẻ dại, kết tình tâm giao.

Bạn bè là nghĩa tương thân

Khó khăn thuận lợi ân cần có nhau

Bạn bè là nghĩa trước sau

Tuổi thơ cho đến bạc đầu không phai.

Ca dao

Ăn cơm có canh, tu hành có bạn .

Đời không bạn là đời vô vị

Bạn giúp ta chia sẽ nỗi vui buồn.

Triết Lý

Lấy trí tuệ làm sự nghiệp

Lấy tình thương làm lẽ sống.

Xin chào nhau giữa con đường

Nụ cười phía trước miên tröôøng phía sau.

Buøi Giaùng

 

Phuù quyù vinh hoa nhö moäng aûo

Saéc taøi danh lôïi tôï phuø du.

Thieän caên ôû taïi loøng ta

Chöõ taâm kia môùi baèng ba chöõ taøi.

Coù gì ñeïp treân ñôøi hôn theá

Ngöôøi yeâu ngöôøi soáng ñeå yeâu thöông.

Toá Höõu

Lôïi danh nhö boùng hoa chìm noåi

Chæ coù tình thöông ñeå laïi ñôøi.

Ñöôøng veà kheùp boùng traàn gian

Lôïi danh goùi moät haønh trang voâ thöôøng.

Hoàng traàn muoân söï phuø vaân

An nhieân töï taïi moät chaân taâm naøy.

So vôùi caùi meânh mong cuûa vuõ truï

Thì caùi buoàn cuûa haït buïi coù ra chi.

Thöùc daäy mieäng móm cöôøi

Haêm boán giôø tinh khoâi

Xin nguyeän soáng troïn veïn

Mắt thương nhìn cuộc đời.

Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Kìa trông bóng nguyệt lòng sông

Ai hay có có không không là gì ?

Ta thoáng thấy thiên đường không mặc cả

Bến nước này xin rủ áo rong chơi.

 

Như Thủy

 

Sợi tóc bạc đêm nằm rơi trên gối

Ta lặng nhìn thương tiếc mỗi xuân qua.

 

Ta nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời .

 

Trịnh Công Sơn

 

Bây giờ ta lại dừng chân

Mà xem con tạo xoay vần cuộc chơi.

Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng

Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không.

Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn

Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về .

Tuệ Sĩ

Sầu cô quạnh tung trời lên bắc đẩu

Dãi ngân hà tan tác bụi thu bay.

Ta là kẻ rong chơi từ hỗn độn

Treo gót hài trên mái tóc xanh sương.

Tuệ Sĩ

Mòn con mắt sầu đưa từ có độ

Bụi thu mờ ai phủi với hai tay.

Bùi Giáng

Quen biết đầy thiên hạ

Tri âm được mấy người.

Ta về rủ áo mây trôi

Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan

Rằng xưa có gã từ quan

Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.

Đá mòn phơi nẻo tà dương

Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi.

Bùi Giáng

Sống trong đời sống

Cần có một tấm lòng Trịnh Công Sơn

Một chút sân, hai chút giận, lận đận cả đời ri cũng khổ.

Trăm điều xã, ngàn điều bỏ thong dong taác daï röùa maø vui.

HT Thiện Siêu Đường về khép bóng trần gian

Lợi danh gói một hành trang vô thường.

Sao đêm đổ xuống triều đầy

Ai đưa kiếm vút ngang mày hư không

Bùi Giáng

Chơn thường nơi giả mộng

Niết bàn giữa sắc không

Vui buồn rồi cũng qua

Thành bại rồi cũng bỏ

Đến đây hai tay trắng

Trở về không vấn vương.

Ai vui cùng hiện tại

Hạnh phúc mãi bên nhau.

Cĩ khi nhẫn để yêu thương

Có khi nhẫn để tìm đường lo toan

Có khi nhẫn để vẹn toàn

Có khi nhẫn để tránh tàn sát nhau.

Khi tiếng niệm Di Đà

Vang vọng trong tâm ta

Từ bùn nhơ tham dục

Bừng nở đóa liên hoa.

Khi mê bùn vẫn là bùn

Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen.

Giật mình tan cuộc trùng phùng Tạc lên lá chẳng khô dòng bút lệ

Trời không nắng cũng không mưa

Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung.

Ra đi khắp bốn phương trời

Tìm ai mỏi gót muôn đời còn xa

Ta về gặp lại tình ta

Gót chân viễn mộng chỉ là phù vân.

Viên Minh

Mắt sâu hút bóng thiên đàng

Một khung trời nhỏ lá vàng chợt bay

Người ngồi giữa cuộc đổi thay

Nghe sông núi cạn phút giây vô thường.

Một chút tình để duy trì thế giới

Một chút tài để tô điểm càn khôn.

Ví dầu ngày mai bể cạn

Thì đây viên ngọc sau cùng

Kết tinh một đời sóng gió

Dâng đời ở mé hư không.

Thế là hết, duyên đôi bờ ảm đạm

Thế là thôi thuyền tách bến phù sinh.

Núi là núi, sông là sông

Thiền là một tách trà nồng trên tay.

Ở đời muôn sự của chung

Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.

Phút giây hư thực vô cùng thực hư.

Khóc ngàn năm không hết nghĩa đạo tình.

 

Y-SA

Miếng cơm trắng mồ hôi tín thí

Mảnh y vàng nước mắt đàn na.

Cứ để trăng tàn theo đêm xuống

Vướng víu chi cho nhọc hở tùng khô.

Đời người nào khác chi hoa

Sớm còn tối mất nở ra lại tàn .

Bóng trúc quét sân trường chẳng động

Vầng trăng xuyên biển nước không xao.

 

Trần Nhân Tông

Trần gian vẫn là mộng

Thực hư củng là mộng

Say mộng hay tỉnh mộng

Vẫn là mộng mà thôi ! Người về hong nắng lặng thinh

Hong kinh vô tự, hong tình vô ngôn.

Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc

Nào ngờ đâu ở mãi đến bây giờ.

Hư không còn có ngày mòn

Nguyện con vẫn giữ sắc son đời đời.

Ta đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn

Hết tâm hồn đến hết cả da xương.

Ví chẳng một phen sương lạnh buốt

Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.

Khói tỏa lô sơn sóng Chiết Giang

Chưa đi đến đó hận muôn ngàn

Nhưng đến nơi rồi không gì cả

Khói tỏa lô sơn sóng Chiết Giang.

 

Tô Đông Pha

Ai sống một trăm năm

Lười nhác không tinh tấn

Không bằng sống một ngày

Tinh tấn tận sức mình.

Có những lúc biển trời sông nước ngủ

Lòng mây khao khát một vầng trăng.

Bùi Giáng

Gần không giữ được người thương lại

Xa rồi tim vẫn đập trong nhau

Bao nhiêu thương nhớ mình tôi chịu

Thức trắng đêm nay đủ bạc đầu.

Thôi nhé ta về chung cuộc lữ

Buồn vui để mặc chút đăm chiêu.

Y-SA

Tài cao phận thấp chí khí uất

Giang hồ mê chơi quên quê hương.

TÌNH YÊU

Có những lúc biển trời sông nước ngủ

Lòng mây khao khát một vầng trăng.

Bùi Giáng

Gần không giữ được người thương lại

Xa rồi tim vẫn đập trong nhau

Bao nhiêu thương nhớ mình tôi chịu

Thức trắng đêm nay đủ bạc đầu.

Anh không ngủ, hẳn vì em đang nhớ

Một sao trời rực cháy giữa đôi ta

Anh nhắm mắt cho hồn em lặng gió

Cho sao trời yên rụng một đêm hoa.

Nếu đã hẹn biển cứ nằm yên nhé

Sóng ra khơi rồi sóng lại quay về.

Tình em là biển là mây núi

Là cả tình thương của đất trời.

Trăng là bến nước sông xưa

Em là giọt lệ đông đưa nụ cười

Nguyễn Thiên Chương

Nụ cười em bao la vũ trụ

Muôn vạn thiên hà lấp lánh trăng sao.

Làm sao em biết bia đá không đau.

Trịnh Công Sơn

Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng

Em là tôi và tôi cũng là em .

Ta có còn ai để giận hờn

Ta còn ai nữa để cô đơn .

Ta phải đi một khi ngày đã tận

Yêu đã xong ân oán đã xong rồi

Ta tịch diệt giữa cõi trần bụi bặm

Ánh hào quang lìa hẳn cảnh luân hồi

Có thương tiếc xin đừng thương tiếc quá

Buồn đủ buồn như mọi cuộc chia ly

Ta để lại không mang theo gì cả

Thật nhẹ nhàng như gió lúc ra đi. Vì đời cần những giai điệu đẹp

Nên ta làm những nốt nhạc xanh.

Có bao giờ trên đường đời tấp nập

Ta vô tình đi lướt qua mau

Phút lơ đãng chẳng ngờ đang để mất

Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu.

Người ta có thể ăn nửa bữa ngủ nửa giấc

Nhưng không thể đi nửa chân lý

Và yêu bằng nửa trái tim.

Hồn sỏi đá chưa một lần khuất phục

Bỗng ngập ngùng trước giọt lệ giai nhân.

Dù cho biển cạn non mòn

Đất tan trời vỡ tình còn thiên thu.

Từ bây giờ cho đến mãi về sau

Khi anh gọi luôn có em đáp trả

Em sẽ dựa vào anh khi vấp ngã

Hạnh phúc hay ưu phiền mình vẫn mãi có nhau.

Có những lúc biển trời sông nước ngủ

Lòng mây khao khát một vầng trăng.

Bùi Giáng

Em về mấy thế kỷ sau

Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không

Ta đi còn gởi đôi dòng

Lá rơi có đợi ở trong sương mù?

Bùi Giáng

Bàn chân bước người đi về một thuở

Lá phân vân bờ bến cát sương rung

Trời khuya khắt phiêu du trăng bỡ ngỡ

Người đi đâu sông nước lạnh vô cùng.

Bùi Giáng

Em đi để một chuỗi cười

Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê

Trăng vàng đêm ấy bờ đê

Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may.

Phạm Công Trứ

Ngày sẽ hết ta sẽ không ở lại

Ta sẽ đi và không biết đi đâu

Nhưng ta nhớ trần gian này mãi mãi

Vì nơi đây ta sống đủ vui sầu.

Bùi Giáng

Đập cổ kính ra tìm lấy bóng

Xếp tàn y lại để dành hơi.

Cũng như em hiểu tình yêu vậy

Nước mắt song song với nụ cười.

Sông mười năm đã trở thành dâu bể

Thì cuộc đời ai dám hẹn trăm năm.

Nào là hoa bưởi hoa chanh

Nào câu quan họ mái đình cây đa

Xin đừng bắt chước câu ca

Đi về dối mẹ để mà yêu nhau.

Xuân Quỳnh

Ta và em về đây ở trọ

Trọ trần gian và trọ trong nhau

Vui buồn, hạnh phúc, khổ đau

Cũng xin chia sẽ bạc đầu tóc xanh.

Chuông ngân từng giọt vào tim

Em ơi cát bụi lỡ lầm mà chi

Lắng nghe em lắng nghe đi

Giọt chuông cam lộ đang thì thầm gọi em.

Và ta biết một điều thật giản dị

Càng xa anh ta càng thấy yêu anh.

Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá

Lệ lòng mong cạn chốn am không

Cửa thiền một đóng duyên trần dứt

Quên hết người quen chốn bụi hồng.

Xin chào nhau giữa con đường

Nụ cười phía trước miên trường phía sau.

Thi ca là cánh cửa lòng

Từ em về mở nguồn trong nẻo đời

Chỉ cần thoáng nụ cười thôi

Là em cảm hóa ngay rồi hồn ta.

Tôi có tình yêu rất mặn nồng

Yêu đời yêu đạo lẫn non sông

Tình yêu chan chứa khắp hoàn vũ

Đâu chỉ yêu riêng khách má hồng.

Nếu khách má hồng muốn được yêu

Thì trong tâm trí hãy xoay chiều

Quay về phụng sự cho nhân loại

Sẽ gặp tình ta trong khối yêu.

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 23


Hôm nayHôm nay : 1676

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 88194

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8538971