Áp dụng Tứ Niệm Xứ vào sự hành trì Giới – Định – Huệ để thành tựu Đạo quả giải thoát Niết Bàn
Chương I. Niềm tin nơi Tam Bảo
1. Niềm tin đối với Đức Phật
Bởi vì Ngài truớc khi thành Phật là Thái Tử Sĩ Đạt Ta đầy đủ ngũ quan (ngũ căn trong sáng) diện mạo phi phàm, học lực xuất chúng, thông minh kỉnh mộ. Từ lúc tái tục đến lúc trưởng thành Ngài đã thông hiểu nhiều môn học như: Kinh Vệ Đà, Kiếm, Cung, tài năng siêu phàm không một người nam nào, có thể sánh bằng,ai ai cũng đều cảm phục kính nể. Những lời Phật dạy cho người nghe hiểu biết cao siêu và nhận thấy chân thật chắc chắn, những Pháp đáng hiểu đáng thấy, Ngài dạy có lý nên người nghe có thể tìm theo đặng thấy Pháp chân thật. Ngài dạy đặc biệt phi thường hễ ai thật hành theo thời đặng lợi ích tuỳ theo lối hành. Ngài hoàn toàn trong sạch tất cả Tam Nghiệp Thân Khẩu Ý dù nơi khuất lấp, trước hay sau lưng người, Ngài không hề làm, nói, tưởng điều tội lỗi. Ngài đã xa lìa đoạn tận, xua tan tất cả phiền não dù thô hay tế nên Thân Khẩu Ý của Ngài đều được trọn lành nên Ngài có 10 danh hiệu: ứng cúng, chánh biến tri, minh hanh túc, thiện thệ, thế gian gải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhân, sư, Phật, Thế Tôn. Phật Ngài là bậc tự giác ngộ do chính mình tự tìm ra phương pháp diệt khổ, không thầy chỉ dạy và đồng thời Ngài đêm phương pháp đó tế độ chúng sanh hữu duyên nên tế độ, là cha lành của bốn loài là thầy của chư thiên và nhân loại.
2. Niềm tin trong chánh Pháp.
Giáo lý kinh điển của Phật cao rộng muôn trùng, sâu xa thăm thẳm. Pháp môn lại có đến tám mươi bốn ngàn. Tùy mọi căn cơ của chúng sanh mà khai ngộ. Người học Phật dù trình độ cao thấp ra sao nếu muốn nghiên cứu, hành trì vẫn được như ý. Giáo Pháp chỉ dạy một lối sống đúng theo lời giáo huấn của Đức Phật để đạt thành đạo quả giải thoát, dập tắt phiền não, giáo Pháp đây chính là con đường cao quý của Bát Chánh Đạo. Tuy rằng theo truyền thống, tập quán, phong tục hình thái, tín ngưỡng mỗi nơi có phần sai biệt; điều này cũng do thích nghi với hoàn cảnh. Tuy nhiên tất cả vẫn mang một sức sống thực và luôn luôn khai phóng luồng ánh sáng trí huệ vào tâm thức con người. Luồng ánh sáng đó là chân lý bất-di bất dịch của vạn pháp. Để xác tín cho niềm tin giáo pháp của Phật là chân lý của Tứ Diệu Đế.Tứ Diệu Đế được xem là phần giáo lý cội gốc của đạo Phật và cũng là tinh ba quan trọng cho mọi người con Phật không phân biệt Tiểu thừa hay Đại thừa, Thiền tông, Tịnh độ.v.v...Hầu hết người Phật tử ít nhiều đều biết qua Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế là bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật. Ngài giảng dạy cho năm anh em tôn giả Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển (Deer park) gần Ba La Nại (Benares). Tứ Diệu Đế là bốn sự thật vi diệu, hay gọi là bốn chân lý vi diệu, đó là:Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế.Pháp bảo còn là phương thuốc năng trị bệnh phiền não cho hiện tại và vị lai, giúp chúng sanh nhanh chóng ra khỏi Tam Giới, chấm dứt sanh tử luân hồi, Pháp thiết thực cho những ai đang đi trên con đường thoát vòng tục luỵ, là những giáo lý chỉ rõ con đường thăng tiến không sai lệch.
3. Niềm tin đối với Tăng.
Quý Ngài là đệ tử của Đức Phật chân chánh là nơi nương tựa của chúng sanh. Tăng ở đây là giáo hội của những vị tuyệt hảo kết hợp trong chánh kiến và giới luật. Tăng nói rộnh gồm có hai:
Thánh Tăng: là bậc hành theo Pháp bảo đã chứng đắc Đạo Quả, so các hạng chúng sanh khác thì cao quý hơn. Quý ngài đã thành tựu 4 bậc Thánh.
Phàm Tăng: là hợp chung của những vị còn phàm nhân mà thực hành phạm hạnh chính chắn thu thúc đầy đủ theo giới bổn Patimokkha (biệt biệt giải thoát), thu thúc căn tịnh, nuôi mạng thanh tịnh, ẩm thực thanh tịnh. Các ngài đang đi trên con đường tiến đến quả vị Thánh nhân.
Các ngài là phước điền của chúng sanh không đâu sánh bằng. Khi con người muốn gieo hạt giống gì cũng phải tìm hiếm ruộng mẫu mỡ để gieo trồng, mảnh ruộng đó chính là nơi chư Tăng. Đó quả thật là nương tựa an toàn. Đó quả thật là nương tựa tối thượng. Tìm đến các nương tựa ấy ắt thoát ra khỏi mọi phiền não.Với niềm tin vào ba ngôi Tam Bảo và khả năng của chính con người để phá trừ mê tín như vậy. Con người sẽ có được nghị lực tin cậy ở ngay chính bản thân mình trên con đường thoát ly sinh tử, và như thế là niềm tin trong đạo Phật.
Chương II. Đức Phật dạy phương pháp tu tập
Thực hành Pháp là nương tựa vào những lời chỉ dẫn cao siêu của Phật dạy nhưng phải tự mình tu tập. Như trong kinh Đại Bát Niết Bàn Đức Thế Tôn có huấn từ như sau “Này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Này Ananda, thế nào là vị Tỷ kheo hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?
Này Ananda, ở đời, vị Tỷ kheo, đối với thân quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời; đối với các cảm thọ... đối với tâm... đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời. Này Ananda, như vậy vị Tỷ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác.
Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi”([1])
Trước khi Thế Tôn nhập Niết bàn, một trong những di huấn quan trọng sau cùng của Ngài cho hàng đệ tử là: “Hãy nương tựa vào chính mình, dùng ngọn đèn Chánh pháp để soi sáng cho cuộc đời của mình, không nương tựa vào bất cứ điều gì khác”. Vì thế, mỗi người con Phật trong sự nghiệp tu hành luôn tâm niệm “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, không hề ỷ lại hay dựa dẫm vào bất cứ thế lực nào ở bên ngoài. Quá trình chuyển hóa thân tâm hướng đến thanh tịnh, an lạc là do sự nỗ lực của tự thân dưới ánh sáng của ngọn đèn Chánh pháp. Giáo pháp của Thế Tôn thì quá bao la, đồ sộ nhưng cốt tủy vẫn là tu tập Tứ niệm xứ. Thế Tôn cũng từng dạy “Đây là con đường duy nhất đưa đến chứng đạt và an trú Niết bàn”. Quán thân, thọ, tâm và pháp để nhiếp phục tham ái, ưu bi ở đời là hành trang căn bản, vô cùng cần thiết để chứng đạt giải thoát. Dù tu tập theo bất cứ pháp môn hay truyền thống Phật giáo nào thì vẫn không thể thiếu nội dung Tứ niệm xứ. Vì lẽ ấy, Thế Tôn đã xác định những ai thiết tha học hỏi và hành trì Tứ niệm xứ là “những vị tối thượng trong hàng Tỷ kheo của Ta”. Ngọn đèn Chánh pháp Tứ niệm xứ hiện vẫn còn lưu truyền, giảng dạy và thực hành. Tứ niệm xứ là pháp môn thực hành, ứng dụng rất linh hoạt và có tác dụng trị liệu, chuyển hóa thân tâm rất thiết thực, sâu sắc. Như Lai đã trao cho chúng ta ngọn đèn, vấn đề là phải tự thắp sáng đời mình để phá tan hôn ám của vô minh.
Chương III. Áp dụng Tứ Niệm Xứ và sự hành trì Giới – Định – Huệ
Đức Phật dạy“Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo sống quán thên trên tự thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để có thể diệt trừ tham ưu ở đời, trên các cảm thọ... trên các tâm... sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để có thể diệt trừ tham ưu ở đời. Này các Tỷ kheo, như vậy là Tỷ kheo sống tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa mình, không nương tựa một ai khác, lấy Chánh pháp làm ngọn đèn, lấy Chánh pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa một gì khác.([2])
1. Quán thân trên thân
Quán niệm hơi thở: “Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô dài"; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra dài"; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn"; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn"; Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập; "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập; "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
Khi vị tỳ kheo sống quán thân trên nội thân hay sống quán thân trên ngoại thân; quán tánh sanh khởi và tánh diệt tận trên thân, an trú chánh niệm với hy vọng hướng đến chánh trí và chánh niệm.
Quán niệm các hành động thân: này các Tỷ keo, Tỷ kheo đi, tuệ tri: "Tôi đi"; hay đứng, tuệ tri: "Tôi đứng"; hay ngồi, tuệ tri: "Tôi ngồi"; hay nằm , tuệ tri: "Tôi nằm". Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết thân như thế ấy.[3]
Quán niệm về tứ oai nghi: Luôn có chánh niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi đều biết rõ.
Quán niệm về 32 thể truợc: Lại nữa này các Tỷ kheo, Tỷ kheo quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: "Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu."[4]
Quán về vị trí của tứ đại: "Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại."
Quán niệm các giai đoạn của tử thi: sự huỷ hoại của cơ thể quăng trong nghĩa địa:
1. Thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa một, hai, ba ngày trương phồng lên, thối nát .
2. Thi thể bị các loài quạ, diều hâu… ăn.
3. Các xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cốt lại.
4. Các xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cốt lại.
5. Thi thể chỉ còn xương rải rác chỗ này chỗ kia.
6. Thi thể toàn xương trắng như vỏ ốc.
7. Thi thể còn là một đống xương lâu hơn một năm.
8. Thi thể chỉ còn là xương thối, thành tro bụi…
Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thân trên thân.[5]
2. Quán thọ trên thọ.
Khi quán sát và nhận biết "Tôi cảm giác lạc thọ",.. "Tôi cảm giác khổ thọ",… "Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ"…"Tôi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất"…"Tôi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất"…"Tôi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất"…"Tôi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất"…"Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất"…"Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất". Như vậy vị ấy sống quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên cả các nội thọ, ngoại thọ. Hay sống quán tánh sanh khởi trên các thọ; hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ; hay sống quán tánh sanh diệt trên các thọ. "Có thọ đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời.[6]
Mọi cảm thọ, khổ hay lạc xảy ra ta phải cần ghi nhận và hay biết.
3 Quán tâm trên tâm
Khi hành giả an trú tập trung quán niệm và biết rõ về 16 loại tâm:
"Với tâm có tham, biết rằng tâm có tham"; hay "Với tâm không tham, biết rằng tâm không tham"; hay "Với tâm có sân, biết rằng tâm có sân"; hay "Với tâm không sân, biết rằng tâm không sân"; hay "Với tâm có si, biết rằng tâm có si"; hay "Với tâm không si, biết rằng tâm không si"; hay "Với tâm thâu nhiếp, biết rằng tâm được thâu nhiếp"; hay "Với tâm tán loạn, biết rằng tâm bị tán loạn"; hay "Với tâm quảng đại, biết rằng tâm được quảng đại"; hay "Với tâm không quảng đại, biết rằng tâm không được quảng đại"; hay "Với tâm hữu hạn, biết rằng tâm hữu hạn"; hay "Với tâm vô thượng, biết rằng tâm vô thượng"; hay "Với tâm có định, biết rằng tâm có định"; hay "Với tâm không định, biết rằng tâm không định"; hay "Với tâm giải thoát, biết rằng tâm có giải thoát"; hay "Với tâm không giải thoát, biết rằng tâm không giải thoát"…"Có tâm đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy vị Tỷ kheo sống quán tâm trên tâm.[7]
4 Quán pháp trên pháp
Quán niệm về 5 triền cái: Ở đây Tỷ kheo, nội tâm có tham dục, tuệ tri: "Nội tâm tôi có tham dục".. "Nội tâm tôi không có tham dục"…"Nội tâm tôi có sân hận"…"Nội tâm tôi không có sân hận."…"Nội tâm tôi có hôn trầm thụy miên"…"Nội tâm tôi không có hôn trầm thụy miên"…"Nội tâm tôi có trạo hối"…"Nội tâm tôi không có trạo hối"…"Nội tâm tôi có nghi"…"Nội tâm tôi không có nghi."…Và với tham dục…sân hận…thụy miên…trạo hối…nghi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy. Và với tham dục…sân hận…thụy miên…trạo hối…nghi đã sanh, nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy, và với nghi đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Quán niệm về 5 thủ uẩn: Tỷ kheo suy tư: "Ðây là sắc, đây là sắc sanh, đây là sắc diệt. Ðây là thọ, đây là thọ sanh, đây là thọ diệt. Ðây là tưởng, đây là tưởng sanh, đây là tưởng diệt. Ðây là hành, đây là hành sanh, đây là hành diệt. Ðây là thức, đây là thức sanh, đây là thức diệt"…quán pháp trên các nội pháp…trên các ngoại pháp …trên các nội pháp, ngoại pháp hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp.
Quán niệm về sáu nội ngoại xứ: Tỷ kheo tuệ tri con mắt và tuệ tri các sắc, do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy... và tuệ tri tai và tuệ tri các tiếng... và tuệ tri mũi và tuệ tri các hương... và tuệ tri lưỡi và tuệ tri các vị... và tuệ tri thân và tuệ tri các xúc... và tuệ tri ý và tuệ tri các pháp; do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.
Quán niệm về Bảy giác chi: Tỷ kheo, nội tâm có Niệm Giác chi, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi có Niệm Giác chi", hay nội tâm không có Niệm Giác chi, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có Niệm Giác chi"; và với Niệm Giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy, và với Niệm Giác chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy… nội tâm có Trạch pháp Giác chi... nội tâm có Tinh tấn Giác chi… nội tâm có Hỷ Giác chi...nội tâm có Khinh an Giác chi...nội tâm có Ðịnh Giác chi...Hay nội tâm có Xả Giác chi; tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi có Xả Giác chi"; hay nội tâm không có Xả Giác chi, tuệ tri rằng: "Nội tâm tôi không có Xả Giác chi." Và với Xả Giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với Xả Giác chi đã sanh nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy.
Quán niệm về bốn sự thật: Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo như thật tuệ tri: "Ðây là khổ"; như thật tuệ tri: "Ðây là khổ tập"; như thật tuệ tri: "Ðây là khổ diệt"; như thật tuệ tri: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt".
Và này các Tỷ kheo, thế nào Khổ Thánh đế? Sanh là khổ, già là khổ, chết là khổ, sầu, bi. khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại Năm Thủ uẩn là khổ.
Này các Tỷ kheo thế nào là sanh? Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự xuất sản, xuất sanh, xuất thành, tái sanh của họ, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là sanh.
Này các Tỷ kheo, thế nào là già? Mỗi mỗi hạng chúng sanh, trong từng giới hạn, sự niên lão, sự hủy hoại, trạng thái rụng răng, trạng thái tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn hủy hoại. Này các Tỷ kheo, như vậy là già.
Này các Tỷ kheo, thế nào là chết? Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự tạ thế, sự từ trần, thân hoại, sự diệt vong, sự chết, sự tử vong, thời đã đến, các uẩn đã tận diệt, sự vất bỏ tử thi. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là chết.
Này các Tỷ kheo, như thế nào là tóm lại, Năm Thủ uẩn là khổ? Như Sắc thủ uẩn, Thọ thủ uẩn, Tưởng thủ uẩn, Hành thủ uẩn, Thức thủ uẩn. Này các Tỷ kheo, như vậy tóm lại Năm Thủ uẩn là khổ.
Này các Tỷ kheo, thế nào làKhổ tập Thánh đế? Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Như dục ái, hữu ái, vô hữu ái.
Này các Tỷ kheo, và thế nào là Khổ diệt Thánh đế? Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự khí xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (tham ái ấy).
Này các Tỷ kheo, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế. Ðó là bát chi Thánh đạo, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tin tấn, Chánh niệm, Chánh định.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh tri kiến? Này các Tỷ kheo, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tri kiến.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh tư duy? Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này các tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tư duy.
Này các Tỷ kheo thế nào là Chánh ngữ? Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh ngữ.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh nghiệp? Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cướp, tự chế không tà dâm. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh nghiệp.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh mạng? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh mạng.
Này các Tỷ kheo, và thế nào là Chánh tinh tấn? Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tinh tấn.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh niệm? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; trên các cảm thọ... trên các tâm... quán pháp trên các pháp, tinh cần tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh niệm.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh định? Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỷ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh định.([8])
Với các pháp tu tập trên thân, thọ, tâm, pháp, Đức Thế Tôn xác chứng: Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh lý, chứng ngộ Niết Bàn. Ðó là Bốn Niệm xứ.([9])
Không còn nghi ngờ gì nữa về lời dạy của Phật. Đó là chánh pháp được Đức Thế Tôn khuyên các đệ tử thực hành để đạt được giải thoát. Hành giả không phải đi đâu xa, tất cả các pháp đều có trong ta, tu tập quay về với tâm ta đó là con đường chánh pháp, con đường duy nhất.
Ðức Phật luôn luôn dạy các đệ tử của Ngài, ngay lúc Ngài còn sống, cũng như trước khi nhập diệt, phải tinh tấn hành thiền, vì chỉ có một con đường duy nhất đưa đến giác ngộ giải thoát đó là hành thiền.
Như chúng ta thấy bậc Ðạo Sư của chúng ta trước khi thành đạo, Ngài đã có nhiều kinh nghiệm về thiền như vậy và đã tự mình khám phá ra con đường giới định tuệ đưa đến giác ngộ giải thoát, cho đến khi thành đạo và ngay cả trước khi Niết bàn Ngài cũng hành thiền định. Trong suốt 45 năm sau khi thành đạo Ngài thuyết pháp, hành thiền và dạy đệ tử hành thiền, những bài thuyết pháp của Ngài đều nhấn mạnh về thiền.
Chúng ta là những người hậu học, đang trên đường tu tập, để nối bước theo dấu chân Ngài, chúng ta phải tinh tấn thiền định, nhưng trước khi thiền định phải giữ gìn giới luật nghiêm minh, vì có giới mới đi vào định được, khi định được viên mãn thì trí tuệ phát sanh. Trí tuệ là lưỡi gươm sắc bén nhất, có thể cắt đứt được tận gốc rễ của phiền não, tham, sân, si, mạn, nghi, giống như cây Tala một khi bị cắt đứt ngọn thì không thể mọc lên được nữa. Khi các kiết sử được đoạn tận gốc rễ, chúng ta mới được an vui, giải thoát. Sự an vui giải thoát này không ở đâu xa, mà chính ở ngay trong cuộc sống này.
Vì thế cho nên, tất cả chúng ta, giờ giờ, khắc khắc phải tinh tấn tu học, thực hành tam vô lậu học (giới-định-tuệ). Vì đó là con đường duy nhất đưa chúng ta đến cõi an vui, giải thoát, tịch diệt, và Niết-bàn.
III. Lợi ích áp dụng Tứ Niệm Xứ vào Sự hành trì Giới – Định – Huệ để thành tựu Đạo quả giải thoát Niết Bàn.
Tứ niệm xứ là pháp môn chỉ -quán hay Ðịnh -Tuệ song tu. Nhưng trước khi đi vào thực tập chỉ quán song tu Ngài dạy chúng ta phải giữ gìn giới luật, có trì giữ giới luật thì thân tâm mới trong sạch, nhẹ nhàng để bước vào hành thiền đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Giới luật như hàng rào ngăn chặn không cho ngoại ma xâm nhập vào, giữ gìn nội tâm yên tịnh, để đi vào định một cách dễ dàng, do vậy Ðức Phật luôn dạy đệ tử của Ngài phải hành trì giới luật trước khi hành thiền. Ðiều này được đức Phật nói rõ trong bài Ðại Kinh Xóm Ngựa sau đây:
- Phải biết tàm quí trong khi nhận của cúng dường.
- Thân hành, khẩu hành, ý hành, sanh mạng phải được thanh tịnh, minh chánh ...
- Phải hộ trì các căn.
- Phải tiết độ trong ăn uống.
- Phải chú tâm cảnh giác.
Sau khi trì giới làm cho thân thanh tịnh, chúng ta lựa một chỗ thanh vắng như thiền đường, gốc cây, khu rừng, hay bất cứ nơi nào thuận tiện và thoải mái cho việc hành thiền, rồi chúng ta ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt, rồi thực hành phương pháp niệm hơi thở vô, hơi thở ra (Anàpànasati). Trong Kinh Một pháp Ðức Phật dạy phương pháp niệm hơi thở vô, hơi thở ra với 16 đề mục: bốn đề mục về thân; bốn đề mục về thọ; bốn đề mục về tâm và bốn đệ mục về pháp.
Pháp môn này thuộc về pháp môn Tứ Niệm Xứ (cattàro- satipatthàna), tức là pháp môn đề cập đến bốn chỗ (xứ) để an trú niệm tức là thân, thọ, tâm và pháp. Pháp môn Anàpànasati này đề cập đến 16 đề tài về thân, bốn đề tài về thọ, bốn đề tài về tâm, và bốn đề tài về pháp. Người hành thiền vừa thở vô, vừa thở ra, vừa suy tư quán tưởng trên 16 đề tài liên hệ đến hơi thở.
Pháp môn này cho cả thiền định và trí tuệ, gồm chỉ (samatha) và quán (vipasana). Cả hai chỉ quán đều song tu trong pháp môn này. Khi dùng tầm tứ cột tâm trên hơi thở vô hơi thở ra, như vậy là chỉ, như vậy là định. Khi lấy trí tuệ quán sát 16 đề tài được lựa chọn, như vậy là quán, như vậy là tuệ.
Tu tập thiền chỉ thì có thể chứng được từ sơ thiền đến tứ thiền, rồi từ không vô biên xứ đến phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sau đó dùng thiền quán để chứng được diệt thọ tưởng định. Hoặc có thể từ tứ thiền rồi chuyển qua thiền quán để hướng tâm đến túc mạng trí, sanh tử trí, và lậu tận trí. Khi hướng tâm đến lậu tận trí vị ấy biết như thật:"đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là con đường đưa đến khổ diệt, đây là những lậu hoặc, đây là ngyuên nhân của lậu hoặc, đây là các lậu hoặc diệt, đây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt. Nhờ vậy vị ấy thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu... vị ấy biết sanh đã tận phạm hạnh đã thành việc cần làm đã làm ; không có trở lui đời sống này nữa." Vì thế cho nên thiền quán đóng một vai trò rất quan trọng trong tiến trình đưa đến giải thoát.
Ngài xác nhận, và luôn nhắc lại nhiều lần trong những lời dạy của ngài: Tứ Thánh đế là giáo lý rất là nền tảng, tối trọng yếu của Phật giáo, của con đường đi vào giải thoát. Thực hành Bát thánh đạo con đường đi đến an lạc tịch tĩnh.
Này các Tỷ kheo, hãy đi lại trong giới hạn được phép của mình, trong giới hạn Tổ phụ các Ngươi truyền lại. Này các Tỷ kheo, nếu các Ngươi đi lại trong giới hạn được phép của mình, trong giới hạn Tổ phụ các Ngươi truyền lại, thì Ma vương sẽ không có cơ hội để xâm nhập, không có cơ hội để nhắm vào đối tượng. Này các Tỷ kheo, chính nhờ nhiếp trì các thiện pháp làm nhân duyên mà công đức này được tăng thịnh.[10]
Ngài chỉ cho chúng ta con đường Tứ niệm xứ, nương tựa vào chính mình, lấy chánh pháp làm ngọn đèn, lấy tứ niệm xứ là hòn đảo cho ta nương tựa, pháp môn tu tập. Tu Tứ niệm xứ là pháp môn có ngay trong tự thân mỗi chúng ta, ta không phải tìm đâu cho xa xôi. Và Ngài nhấn mạnh các hàng đệ tử tu tập Giới-Định-Tuệ, tất cả trong giới hạn cho phép những điều ngài đã dạy thì Ma vương không có cơ hội làm hại ta được. Bài kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống trong Trường Bộ Kinh là một lời tiên tri sự suy giảm đạo đức của con người dẫn đến hiện tượng suy giảm tuổi thọ loài người. Nếu chúng ta suy ngẫm kỹ thì lời Phật dạy đã hơn nữa thế kỷ nhưng với xã hội bây giời ta thấy nó đã và đang diễn ra như lời Ngài dạy. Việc đạo đức suy giảm như vợ giết chồng, cha giết con, cha con lấy nhau v..vv. Đạo đức đã bị đảo lộn.Đó cũng là tai hại cho xã hội.
Bởi vậy tốt hơn chúng ta phải tự mình ý thức về việc mình làm, biết sống và thực hành các thiện pháp, dùng trí hiểu biết để xử sự, biết tu tập cân bằng cuộc sống và bản thân thì xã hội ngày thêm tốt hơn và chúng ta thực tập theo lời Phật dạy để áp dụng Tứ Niệm Xứ vào sự hành trì Giới – Định – Huệ thì sẽ thành tựu Đạo quả giải thoát Niết Bàn.
KẾT LUẬN
Chúng ta là những con người đang sống trong vô mình, màn vô minh đã che phủ dày khiến sự hiểu biết của chúng ta rất mù mờ, không rõ ràng. Hằng ngày chung sống với nhau thường có những hành động vô tình đã làm khổ người, khổ mình và khổ tất cả chúng sanh. Nên đức Phật ngài đưa ra bốn chân lý để cho chúng ta xác định được chánh pháp và tà pháp, đâu là nhân quả. Chúng ta biết tại sao Ngài lại nhắc đi nhắc lại nhiều lần vì Ngài muốn cho chúng ta biết được tầm quan trọng của nó cốt cũng để chúng ta không thể lầm lạc đường đi và nó rất quan trọng trong sự tu học của chúng ta. Nếu giáo Pháp nào mà không có bốn chân lý “Khổ, Tập, Diệt, Đạo “thì chúng ta không nên tin vì nó không phải là pháp môn cứu cánh giải thoát khổ đau, và nó cũng là con đường duy nhất của chư thiên là loài người.
Để tạo cho mình một cái nhìn chân chánh đòi hỏi chúng ta phải đào luyện trí tuệ sắc bắn bằng cách năng thân cận bậc thiện trí thức, gần gũi bạn lành có tư tưởng chánh kiến. Thích học và tìm hiểu chơn lý, chịu nghe những lời giảng giải của bậc thiện trí thức và luôn luôn tìm hiểu, suy sét cho thật kỹ rồi mới tin. Nghĩa là tin về nhân làm phước quả của phước thí. Tin về Nhân quả, thiện ác. Tin về hiện tại và vị lai. Tin có bậc tu tiến chứng đắc Đạo Quả theo lời Phật dạy để áp dụng Tứ Niệm Xứ vào sự hành trì Giới – Định – Huệ và thành tựu Đạo quả giải thoát Niết Bàn
[1] Thích Minh Châu (dịch ), Kinh Trường Bộ I, Kinh Đại Bát Niết Bàn, VNCPHVN ấn hành, năm 1991, tr.584
[2] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Cakkavati-Sìhanàda Sutta- Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, T.p HCM, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 2001, tr.354
[3] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Mahàsatipatthana sutta -Kinh Đại Niệm Xứ, T.p HCM, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 2001, tr.186.
[4]Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Mahàsatipatthana sutta - Kinh Đại Niệm Xứ, T.p HCM, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 2001, tr.189.
[5] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Mahàsatipatthana sutta - Kinh Đại Niệm Xứ, T.p HCM, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 2001, tr.191.
[6] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Mahàsatipatthana sutta - Kinh Đại Niệm Xứ, T.p HCM, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 2001, tr.194-195
[7] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Mahàsatipatthana sutta- Kinh Đại Niệm Xứ, T.p HCM, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 2001, tr.196-197
[8] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Mahàsatipatthana sutta - Kinh Đại Niệm Xứ, T.p HCM, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 2001, tr.199-215
[9] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, Mahàsatipatthana sutta -Kinh Đại Niệm Xứ, T.p HCM, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 2001, tr.216
[10] Thích Minh Châu (dịch), Kinh trường bộ, Cakkavati-Sìhanàda Sutta- Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống, T.p HCM, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 2001, tr.385-386
Tác giả bài viết: TGT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn