Một ông cha kia, có ba đứa con. Một đứa con lớn hiền lành dễ dạy, nên thường được sự khuyến khích ban thưởng, để cho nó được mau lên tốt đẹp, của con đường giác ngộ cao quí về sau. Đứa kế đó tâm trạng vừa vừa tự nhiên, nên ông không thưởng phạt chi cả, ông cho rằng : đời sống của nó cứ như vậy mãi, là đúng theo sự giác ngộ, và giác ngộ lần lần, nhưng chỉ có đứa thứ ba rất nên ngỗ nghịch, tội lỗi, bất kể chi cả, nên ông thường răn phạt để giác ngộ luôn luôn.
Một hôm đứa con nhỏ ấy, vì sự đánh lộn với người ta, ông cha kêu lại đánh phạt.
Ông bảo con rằng : Ta sẽ đánh ngươi mười roi, theo như cái tội nặng của ngươi. Nhưng vì ta không có ghét giận hờn oán ngươi, và ta cũng không nỡ thấy con phải chịu đau đớn, ta đánh ngươi là để cho ngươi giác ngộ, bằng ngươi sớm giác ngộ thì ta không còn đánh đủ mười roi, còn sau mười roi mà chưa giác ngộ, thì ta sẽ đánh thêm mãi, cho đến khi nào giác ngộ sám hối, thì ta mới thôi không đánh nữa.
Ông đánh một roi, rồi hỏi rằng : con còn đi đánh lộn hết ? Đứa con làm thinh. Ông đánh một roi nữa, và cũng hỏi : Con còn đi đánh lộn chăng ? Cứ mỗi roi ông mỗi hỏi như vậy, đến roi thứ năm, đứa con nói hết, không dám làm việc quấy ấy nữa. Bấy giờ ông thôi đánh, và hỏi xem kỹ lại, coi tại sao nó không đi đánh lộn bậy. Đứa con phải trả lời từng câu hỏi, cho thông, tỏ ra rằng : tâm đã sám hối, ăn năn chơn thật giác ngộ, biết thấy rõ sự tai hại sái quấy rồi, thế là ông tha luôn, không còn phải đánh thêm đủ chục.
Nhưng cũng một khi kia, ông hứa đánh nó mười roi, đến khi đã đánh đủ mười roi rồi, mà nó không giác ngộ, ông buộc lòng phải đánh thêm nữa cho đến 20 roi, nó mới chịu nhận ra biết tội.
Mỗi lần trước khi đánh, ông than với con rằng : cha sanh con ra, cha là cha tạm, là kẻ đi trên trước nơi khoảng đường đời, nếu cha không dạy bảo chỉ dẫn con là cha có tội với con : về sau nầy con bị tai nạn khổ sở, là sẽ đổ thừa, cha có sanh, mà không chỉ dạy. Hai nữa xã hội sẽ phiền trách cha, sanh con để phá hại họ.
Vì lẽ ấy mà cha muốn cho con giác ngộ công lý, nhơn quả, quả báo, cũng như con làm khổ người ta, là sau này con sẽ bị người ta làm khổ lại nhiều hơn : vậy cha không muốn cho con làm tội thêm nhiều, để khổ mãi. Vì thương con mà cha phải dạy ! Cha sẽ thưởng, khuyến khích con khi con làm phải ; cha sẽ phạt hăm dọa con, khi con làm quấy ! Ân oai ấy là để cho con giác ngộ công lý, nhơn quả, quả báo mà thôi. Hôm nay cha đánh con, tức là thay mặt công lý, nhơn quả, quả báo, cha phạt con trước là để cho con đừng phạm thêm tội nặng quả báo to nhiều đó. Ông ấy mỗi lần đánh một roi, là hỏi nó một lần, tuy ông nói đánh mười roi theo luật quả báo, nhưng cũng có khi ông chỉ đánh nó năm sáu roi, hoặc hai ba chục roi, tùy theo tâm ý đứa con, lúc nào nó đã giác ngộ, hay chưa giác ngộ. Mỗi làn sau khi đánh dạy xong, là ông khóc, vì thương con đau đớn, và ông nói rằng :
Ông cũng ác quá, làm đau khổ con, tâm ông bằng quen tánh dữ ấy, thì sau nầy không tránh đâu, tội lỗi ; công lý nhơn quả, quả báo vậy. Nhưng nếu không đánh là không được, sự đánh ấy là cứu nó ; cũng là ghi sâu kỷ niệm vào nơi da thịt đứa con, cho nó nhớ ngày giờ năm tháng ấy, nó có được dạy, dầu sau nầy, khi ông chết đi, nó bị khổ nạn, nó tự vui lòng chịu lãnh lấy, khỏi phải thán oán ông cha. Và cũng như sự phân chứng ngày giờ răn dạy con ấy, với xã hội ; dầu sau nầy, lớn lên nó làm quấy, là người ta phiền trách nó, chớ không ai buộc tội ông cha đặng. Đó là bổn phận kẻ tiên sanh trên trước, đối với hậu sanh thấp sau, phải như thế ! Trong mỗi khi đánh phạt con, ông hỏi con sợ cái chi mà không dám làm quấy nữa đó ? Đứa con nói sợ ông, ông không chịu, vì ông đâu phải là kẻ quá ác, mà dầu ông có ác, thì cái ác ấy, trong đời đây có ai phải sợ ! Đứa con nói sợ cây roi, ông cũng không chịu nữa, vì roi sẽ gãy, và ông sẽ chết, mai kia đâu còn cha và roi, rồi chừng ấy sợ cái chi, để cho được tránh xa nạn khổ ? Vả lại tiếng cha con là tạm trong mỗi kiếp, chớ tất cả là chúng sanh không có đầu đuôi, thì đâu phải bảo ai sợ ai, còn cây roi đâu phải tự nó gặp ai đánh nấy mỗi lúc, mà đi sợ. Bây giờ ông bảo con phải sợ tội lỗi, thì trong đời không còn có tiếng ông cha, hay cây roi chi nữa cả. Vả như khi phải bị quả báo khổ đau, mà cho là xấu hổ, thì người ta nên phải biết hỗ thẹn tội trước, là không bao giờ có sự tủi nhục về sau.
Cho đến một bữa kia, đứa con khờ dại tội lỗi đá đến thái quá, ông cha buộc lòng phải đóng cũi nhốt đứa con lại. Ông nói với nó, nó phải đền tội chịu nhốt mười năm theo luật nhơn quả, nhưng ông có thể thả nó ra trước mười năm, nếu nó đã giác ngộ sớm, còn bằng đúng mười năm, mà nó chưa giác ngộ công lý, là ông không bao giờ thả ra để nó hại nó, và cả thiên hạ mà phải nhốt thêm mãi mãi, hoặc tới chết, hay bao lâu tùy theo sự giác ngộ biết sự tội lỗi, biết hổ thẹn tội lỗi của nó.
Như thế nghĩa là ông không có bất công, oán ghét đứa con, mà bắt buộc phải đánh đúng số mười roi, hay phạt nhốt đủ mười năm, nếu khi đứa con đã sớm hối quá.
Ông cha ấy cũng tức là chơn lý võ trụ vậy.
(Kìa một ông thầy dạy học, tiên sanh có bổn phận phải dìu dắt trẻ nhỏ hậu sanh, kẻ đi trước phải dắt dẫn người đi sau, theo luật sống chung, phải sống, phải tiến, học dạy cho nhau, xin cho lẫn nhau để một ngày kia cùng đến nơi mục đích nghỉ ngơi, an lạc).
Một ông Diêm vương quan tòa nói với tên cướp sát nhân rằng : ngươi đã giết mất trong xã hội một mạng người, ngươi đã có tội với chơn lý, phải sanh, phải tiến của võ trụ. Ngươi đã phạm tội sát sanh, với cả chúng sanh chung sống, linh hồn kẻ kia, đang chờ đợi uất ức vì ngươi bởi ngươi chặt đứt con đường sống và tiến của họ, nên họ thù oán ngươi, là tại sao ngươi có lời nói, mà không chịu nói bảo họ, việc phải quấy, cho họ nghe, ngươi không sanh ra được ngươi, thì sao ngươi có quyền lại giết hại, và việc ác của ngươi làm ấy, có phải chăng là xúi kẻ sau nầy tập noi bắt chước, bỏ cân công lý. Phải chăng là ý ngươi đã không muốn sống, không muốn có cõi đời loài người, ngươi muốn chết, nên ngươi muốn cho tất cả đều chết hết. Nhưng ngươi lầm, chỉ có một mình ngươi muốn chết thôi, chớ tất cả đều muốn sống cơ mà ! Vậy thì ngươi muốn chết, thì tự một mình ngươi phải chết đi, để cho tất cả được sống với. Người phải tự xử lấy, như cách mà ngươi đã giết kẻ kia, là theo ý muốn của ngươi, muốn cho ai ai cũng phải chết bằng cách ấy, có như thế linh hồn kẻ kia mới không oán thù ngươi nữa ; linh hồn ấy sẽ hả dạ mà cho rằng : ý muốn của ngươi có thật hành đúng, ngươi không có dối họ, để gạt họ chết, đặng ngươi riêng sống ; linh hồn ngươi và linh hồn kẻ kia, sẽ kết bạn với nhau mà đi qua con đàng lạ khác, do sự quyến rũ của ngươi. Ngươi phải tự xử lấy, cũng là để cho ai nấy khỏi phạm tội sát sanh thêm nữa ; ngươi hãy tự xử đi, vì không còn ai đã dám sống gần ngươi nữa rồi, hành vi của ngươi đã bảo với người ta như thế, vậy nên ngươi phải thật hành đúng với bổn nguyện, đừng cho thất tín, thì mới mong được kết quả thành công hạnh phúc trở lại. Điều ấy chắc ngươi không còn có lẽ gì phiền trách ai cả. Tại sao vậy ? Vì ý muốn chí nguyện ngươi đã như thế ! Việc tự xử của ngươi lại là công đức quí ích cho đời sau, nhờ xem gương đó, mà họ tránh khỏi ý tưởng lạc lầm vô lý ấy. Như vậy là đối với tiếng sát sanh, phải tự mình thường mạng, sau nầy ai ai cũng sợ lắm, không còn ai dám giết hại ai nữa, dầu phải hay quấy cũng vậy. Và người ta sẽ biết tập nói lời dịu ngọt với nhau cõi đời từ nay sẽ càng đông nhiều, sống, tiến, tới cảnh an lạc được.
Cái chết của người ấy, quý ích lắm, rất hay ho đáng nên chết lắm, cái chết có giá trị, có danh dự lớn lắm. Ngươi nên biết rằng : đối với kẻ sống và tiến tới thì nên thêm chớ không nên bớt như vậy là phải thiện chớ không nên ác, ngươi phải vui chịu đi !!! À ngươi đã nhận chịu cái chết ấy rồi. Vậy thì bây giờ đây, đối với lượng khoan hồng của tất cả, không ai muốn cho ngươi phải chết nữa cả, nếu ngươi đã giác ngộ ; ngươi đã giết mất một người trong xã hội, khi họ chưa tới tuổi phải tự chết, sự ấy là dĩ lỡ rồi, đâu còn ai nỡ lòng nào bảo ngươi phải chết nữa, để cho thiếu mất thêm mạng thứ hai, làm thưa thớt xã hội. Trong xã hội sẽ phải buồn, vì mất thêm ngươi, thiếu ngươi, thiếu tay chân sức mạnh.
Người đã thật nghĩ sao ? Đã thật giác ngộ chăng ? Đã muốn sống chung tiến hóa chưa ? Đã thật hối quá chưa ? Đã thật bỏ ý quấy ấy chăng ? Bây giờ đây có ot cách mà ngươi sẽ sống : cách sống ấy như vậy : Cũng như ngươi đã chết theo cùng với người kia rồi, bây giờ đây là ngươi mới tái sanh trở lại. Người phải thờ người kia đặng xin tội, ngươi phải vái nguyện người kia, hoặc đi tu hay mau tìm sanh thai trở lại. Tự ngươi phải tỏ ra cho tất cả chúng sanh đều biết rằng là ngươi đã sám hối cải lương, đã trọn thiện, đã tu ! Bằng sự ngươi phải tu trì tám giới trường chay trong sạch, trọn đời không phải giết đến mạng thú vật, và thay cho người kia, ngươi phải lo lắng giúp đỡ cho gia đình họ, y như người kia còn sống, thêm sự phải lập công đền tội, đối với xã hội các việc phước thiện, cứu người.
Ngươi phải gánh lấy hai phận sự, của hai người, đối với hai gia đình và xã hội ; mà không đặng vô lễ đối với người trong gia đình kia. Ngươi phải hạ mình thấp như trẻ nhỏ mới sanh, để cho mọi người được thương mến, và nhìn nhận trở lại, thì mới được ! Như vậy là sự sống còn của ngươi sau nầy, không được cao ráo hơn ai cả, phải như sự đã chết đi, rồi mới sanh trở lại, trở lại để tập tu, làm công việc phước thiện giúp ích cho đời, và thay thế kẻ kia, xin tội với kẻ kia mới phải. Ngươi nên biết rằng : trong hai điều nầy công lý bảo phải như vậy, việc làm của ngươi đã bảo ngươi như vậy. Ngươi không nên sợ chi hết, ngươi từ nay phải biết sợ tội lỗi thôi. Hôm nay ngươi đã phải bị chạm lòng tự ái, hôm nay ngươi đã thấp thỏi, mất tự chủ, hôm nay ngươi đã ở trong cái hổ thẹn ghê tởm, là bởi nơi sự tội lỗi sái quấy của ngươi đã làm ra. Ngươi không nên sợ Diêm Vương quan tòa, vì Diêm Vương quan tòa cũng là linh hồn, là người, là chúng sanh như ngươi thôi ; nhưng khác hơn ngươi, là Diêm Vương quan tòa đã giác ngộ chơn lý, công lý, nhơn quả, quả báo, luật sống chung tiến hóa. Ngươi nên phải biết sợ tội lỗi của ngươi. Ngươi chớ ghét giận Diêm Vương quan tòa, vì Diêm Vương quan tòa, là người nhơn danh pháp luật công lý của võ trụ, thay thế cho cả chúng sanh chỉ lo giác ngộ cho người mê muội, cứu người lầm lạc, chớ không có ghét giận ai cả.
Sao gọi là cứu ? Vì nếu không có Diêm Vương quan tòa, thì kẻ sái quấy, càng sa đọa sái quấy mãi, gây lớn tội hoài, để phải mau bị nạn khổ lớn to tiêu diệt cả linh hồn, và nhiễm hại hết thảy chúng sanh ; cũng như có một con sâu, trong một cái trái, nếu không có người bắt, sớm bỏ đi, là sau nầy cả cây đều hư hoại hết. Có Diêm Vương quan tòa, người tội lỗi mới không làm sái quấy to tát tới mãi được, thì người tội sẽ tránh được những nạn khổ, quá báo to lớn về sau vậy.
Ngươi nên biết rằng : Diêm Vương quan tòa cũng như ngươi, chỉ giác ngộ chỉ đường cứu ngươi thôi, chớ không có quyền ép buộc vì trong đời không ai có quyền với ai hết, tất cả chúng sanh đều tự do, sống riêng, trong mỗi xác thân mà thôi, nếu Diêm Vương quan tòa chém ngươi, hoặc bảo sai dịch giết ngươi, thì ra Diêm Vương quan tòa cũng ác, cũng phạm tội sát sanh, hoặc xúi sai dịch sát sanh chung tội, rồi còn lại ai đi chém giết Diêm Vương quan tòa, sai dịch ấy, trả lại nữa, công lý quả báo nhơn quả, đâu có tha chừa riêng các ông ấy. Các ông đã cầm pháp luật, thì đâu có đi phạm pháp luật, vần công xoay tròn mãi mãi.
Vậy trong hai điều : sống khổ và chết vui, ngươi muốn sao cũng được, tự ngươi xử lấy, không phiền trách ai cả. Cũng như ngươi thiếu nợ, trả sớm, thì trả ít, được vui : chưa trả là trả nặng, khổ lắm, ví bằng ngươi có muốn chết đi, trong xã hội phải ít thiếu một người, cũng có hơi tiếc một chút, nhưng thà phải vậy, mà đỡ tai hại cho ngươi, và cho tất cả, ai ai cũng được an tâm hết. Chớ đông nhiều mà rối khổ hết thảy, thì có hay hơn gì đâu ! Còn bằng ngươi muốn sống, thì phải tu hành học đạo, đoái công chuộc tội mới được.
Cũng nhờ sự giảng giải rõ chơn lý của Diêm Vương quan tòa, mà người tội nhơn kia, rất vui lòng tự xử, không dám trốn tránh chi cả, mà còn lại mến trọng ân đức nữa : Vì vậy mà xưa kia các tội nhân, phạm tội nhẹ, tự mình xin nhốt trói, để tập răn đe tu tâm sám hối.
Thuở xưa có kẻ tự xin ở tù mười năm, mà mới được năm bảy năm, tâm đã được tốt đẹp, nên tất cả thiên hạ đều cầu xin người ấy hãy đi ra thong thả, để làm việc ích lợi cho đời, khỏi phải sự nhập thất trói tù vô ích nữa. Lại cũng có kẻ như đã đúng mười năm, mà tâm chưa trong sạch, thì họ ở tù cấm cố thêm, hoặc đến bao lâu, hoặc trọn đời chẳng hạn, cho đến khi nào làm được chánh thiệt lớn tròn, thì mới chịu đi ra ngoài làm việc ; ngày xưa tự những kẻ ấy muốn như vậy, và tất cả chúng sanh cũng muốn cho những người ấy phải như thế. Những kẻ ấy tức là những người đã giác ngộ, những người tu, những người không tự cao bướng bỉnh, những kẻ ấy đứng ngoài pháp luật, tự họ đã biết cầm pháp luật lấy họ rồi, tự họ lập làm chủ lấy, tự cải thiện lấy, khỏi phải nhờ đến Diêm Vương quan tòa dạy nữa. Những người tu ấy tập sống đúng chơn lý, tâm địa thật hoàn toàn tốt đẹp được, là nhợ tự mình hằng xét thấy lỗi luôn luôn, tự mình răn phạt, tự họ tránh xa trần tục không cho lem lấm, nên mới chắc tin được mình trong sạch. Các bậc ấy phải không còn ở trong đời vật chất của xã hội gia đình nữa. Họ đi tu trong rừng sâu, ngồi nhập định tham thiền, tự mình như sợ ở tù chịu phạt lấy mình, để mong chờ một ngày giải thoát sau nầy, cho được hoàn toàn quý tốt hay ích lợi cho đạo vậy.
Bởi thế cho nên những người tu, hay là những người tù khi xưa, họ nhốt trói là để trau tâm, chớ không phải bị ai oán ghét, mà bắt bỏ tù, buộc phải đúng y theo số năm nhứt định, để hành phạt xác thân vô ích ; vì đời nào kiếp nấy, tâm vẫn còn tội lỗi mãi, mà lại không biết sợ, và chưa có được ai dạy bảo chi cả. Đời sau nầy ít ai hiểu được lý nghĩa của người tù là tu, mà muốn tu là phải học, muốn học là phải nhờ ông thầy dạy. Ông thầy, cũng như Trời, như vua, như Diêm Vương, quan tòa, ông thầy là kẻ tiên sanh đi trước là khách bạn đồng hành, chớ không giai cấp chi cả của tự xưng ; kẻ đi sau mà tôn kính là để được xin vâng nghe lời chỉ dạy ; trẻ nhỏ mà sợ là sợ tội lỗi, hổ thẹn là hổ thẹn tội lỗi, chớ không phải sợ và hổ thẹn ai cả. Luật sống chung tiến hóa, không có quyền hành chi hết, vì ai nấy cũng như nhau, kẻ biết mình tội lỗi, là tự họ chịu ở tù để tu, lâu mau là bởi tại tâm, chớ không ai dám lập thế mưu hành bắt phạt người ta, để phải quả báo sau nầy, bị người ta bắt phạt lại mình vô ích.
Xưa có một vị vua trời, biến ra một đạo sĩ, đến nói với một nhà vua rằng : tôi không tin rằng : ông dám bắt phạt tôi, nếu tôi có tội. Nhà vua hỏi tại sao vậy ? Đạo sĩ đáp : Tôi đã nói là tôi có tội, nghĩa là tự tôi đã biết tội, đã giác ngộ, đã biết sám hối, hối quá. Từ nay sắp tới, tôi còn làm tội, là tôi bị quả báo, tôi sẽ vui lòng chịu lãnh lấy, tôi không còn phiền trách ai nữa rằng ; những kẻ đi trên trước, thiếu bổn phận, ích kỷ không dạy chỉ lại cho tôi. Như vậy thì tội gì các Ngài trên trước phải lo cho tôi hoài chi nữa. Vì bởi các Ngài đâu có ác, đâu có oán ghét riêng tôi, các Ngài đâu còn không hiểu công lý, nhơn quả, quả báo của chơn lý võ trụ ; các Ngài đâu dám tự ý phạt tôi, các Ngài phạt tôi, ai phạt lại các Ngài ? Tôi làm khổ người ta, tôi có tội, còn các Ngài làm khổ tôi, các Ngài sao lại không có tội. Không lẽ là sự phạt tội vần công ? Cũng không lẽ làm bậc trên trước, là phải tự chịu phạt tội trước, để cho dưới sau tôi bắt chước noi gương, đặng mới chịu tội phạt. Trong đời nếu tôi có tội mà bổn phận người trên trước nếu không răn tôi, là sẽ có tội với tôi kẻ đàng sau ; tôi sẽ than van phiền trách, nên các Ngài vì sợ tội, vì thương tôi, chiều ý tôi mà dạy phạt tôi, để cho tôi giác ngộ, khi tôi đã giác ngộ rồi, là từ đó, cái sống của tự tôi, tôi chủ định, không than phiền ai nữa, và người trên trước thì cũng đã rồi xong, hết phận sự đối với tôi rồi. Hôm nay tôi đã giác ngộ rồi, thì phận sự các Ngài cũng đã hết đối với tôi rồi, các Ngài còn cố phạt tôi nữa mà làm chi, không lẽ các Ngài giận riêng tôi. như thế thì còn chi là bậc trên trước, và các Ngài đâu có không sợ quả báo, mà làm khổ. Bởi các Ngài sợ quả báo nên tôi nói là chẳng dám phạt tôi nữa vậy. Vì sao ; Vì thường cũng là để cho giác ngộ tránh xa tội lỗi. Phạt cũng là để cho giác ngộ tránh xa tội lỗi. Bằng không thưởng, không phạt cũng là sự giác ngộ không làm tội lỗi. Vậy thì tôi đã giác ngộ rồi, tôi mới nói ra lời ấy chớ. Các Ngài cũng đã giác ngộ rồi, mới được làm trên trước, thay mặt công lý của cả chúng sanh trong vũ trụ chớ. Như thế là tôi chỉ sợ tội lỗi hơn hết, và nếu lỡ phạm tội lỗi gìn giữ không được, là tôi đáng hổ thẹn tội lỗi, còn các Ngài cũng như vậy, cũng chỉ có sợ tội lỗi và hổ thẹn mà thôi. Vị đạo sĩ ấy nói xong biến mất.
Và từ đó nhà vua đã được giác ngộ, thấu rõ chơn lý, lần lần tu hành đắc đạo, thành Phật hiệu là Thích Ca Mưu Ni Phật. Vị vua trời ấy nói như vậy nghĩa là : bảo đừng ai sợ ông Trời hết, mà dầu ông nào đi nữa, thì cũng chỉ có sợ tội lỡi mà thôi. Thế thì chúng ta nên phải chỉ biết sợ tội lỗi, là đúng, phải lắm, quý ích lắm.
CHÚA TỂ
Vấn : Phải chăng ông Trời là lớn hơn hết ?
Đáp : Phải ! Ông Trời là lớn hơn hết, cũng như người lớn, ông cha, là lớn hơn hết !
Vấn : Phải chăng ông Trời sanh ra loài người ?
Đáp : Phải ! Ông Trời sanh ra loài người, cũng như người lớn, ông cha, sanh ra con nhỏ vậy.
Vấn : Còn Phật đối với Trời thì sao ?
Đáp : Nhơn loại như trẻ nhỏ, chư Thiên là người lớn, Phật thì không lớn không nhỏ, vì Phật là ông già. Phật cũng như ông thầy giáo. Không có lớn nhỏ, cũng không có sanh diệt ai cả.
Vấn : Trời có diệt loài người chăng ?
Đáp : Có ! Hễ có sanh thì có diệt. Cũng như ông cha có con, con ngỗ nghịch quá thì giết, chớ không lẽ để làm hại thiên hạ, cho ông mắc tội lớn với tất cả.
Vấn : Trên Phật là gì ?
Đáp : Không có chi trên Phật hết, cũng như không có chi trên ông già nữa.
Vấn : Trời sẽ đi đến đâu ?
Đáp : Người sẽ đến Trời, Trời sẽ đến Phật. Còn Phật thì không có luân hồi trở lộn lại lớp người.
Vấn : Loài người nên theo Trời hay Phật ?
Đáp : Khi còn nhỏ còn ác, thì phải theo cha theo Trời, lúc lớn đã thiện là Trời thì đến với Phật. Cũng như cái tuổi của người ! Từ nhỏ, đến lớn, đến già, thời gian nhơn duyên xô tới, dầu ai muốn cố gượng cũng không được.
Vấn : Vậy sao người ta nói Trời lớn hơn Phật, Trời sai khiến Phật, Trời cao hơn Phật ?
Đáp : Như trên đã nói : Trời là người lớn, thì lớn chớ sao. Còn nói Trời sai khiến Phật, là vô lý, vì không có người lớn nào sai khiến ông già cả ! Không có ông cha nào ra lệnh bảo ông thầy cả. Vì Phật là ông thầy giáo chung cho cả chúng sanh, chớ đâu có riêng cho một cha Trời, để ăn tiền lương bổng, mà phải nô lệ ông cha.
Vấn : Cõi người, Trời, Phật giáo lý như thế nào ?
Đáp : Cõi người là phạt, cõi Trời là thưởng, cõi Phật là không thưởng phạt, đúng theo chơn lý yên lặng tự nhiên thôi. Cõi Phật không có tương đối thưởng phạt thay đổi nữa.
Vấn : Phải chăng cõi Trời còn luân hồi ?
Đáp : Hễ cái chi còn tương đối là còn luân hồi, thay đổi. Hễ cao thì có thấp ; Hễ lớn thì có nhỏ ; Hễ mạnh thì có yếu ; Hễ tốt thì phải có xấu chớ sao ?
Vấn : Phải chăng trong lịch sử Phật có nói : các vị vua Trời đi hầu Phật nghe thuyết pháp và cúng dường ?
Đáp : Việc ấy cũng như ông cha, cũng có khi nghe ông thầy giáo giảng dạy. Các ông cha phải cung dưỡng ông thầy, ông thầy mới ở lại dạy chớ sao ! Cũng như khi ông thầy dạy học, các ông cha muốn học thì phải hầu, phải cung kính mới có vâng lời được học đắc thành vậy !
Vấn : Vậy sao người ta nói cõi Trời có hội, Phật cũng phải đi dự tính ?
Đáp : Điều ấy giống như các người lớn nhóm họp, để bàn việc ích lợi, thì người ta phải thỉnh ông già đến đó, ngồi lặng thinh chứng kiến, chỉ bảo giùm. Chớ tự ổng đâu có đi tới chầu chực xin tiền bạc quan chức chi đâu. Các ông đâu có tự mình đi tới chỗ danh dự ấy.
Vấn : Như vậy tại sao người ta nói : tại thiên đường ông Trời lớn ngồi trên, có oai quyền hơn Phật ?
Đáp : Thì phải như vậy, tại chỗ thiên đường của Trời, cũng tại đền vua, tại nhà của ông cha người lớn, thì mấy ổng làm chủ ngồi trên nói lớn, và phải có oai quyền võ lực. Nếu có một ông già, ông thầy nào mất hạnh, ham ăn uống, ham chức phận, quên mình là già là Phật, thì phải ra vào lòn cúi chỗ thiên đường ! Cũng như một vị hòa thượng muốn thôi tu, thì phải đi lòn cúi vua quan chỗ giàu sang thế lực, đặng xin cầu danh lợi, là phải quỳ lạy trở lại người lớn kia vậy. Mà trái lại tại xứ Phật, hay như trong ngôi chùa xin, bằng có ông vua, ông cha, ông Trời nào, muốn xin vào tu học, thì cũng phải khom mình, chịu sai khiến răn đe, do bởi ông già, ông thầy, ông Phật trở lại.
Nhưng từ xưa cho đến nay, ông già, ông thầy, ông Phật, mà theo ông cha người lớn, ông Trời, là không có trái ngược ; còn ông cha người lớn, ông Trời, dầu không ai bảo đi nữa, tự mấy ổng khi khổ sở thất bại, là phải đi tìm kiếm xin theo ông già, ông thầy, ông Phật.
Vấn : Vậy sao người ta nói Phật, Bồ Tát còn phải đi chầu Ngọc Hoàng ?
Đáp : Phật là Như Lai toàn giác Phật Tổ, mới là ông già, ông thầy, trên ông cha, người lớn, ông Trời. Còn Bồ Tát Thánh kêu là Phật tử, con Phật. (Như đức Quan Âm chẳng hạn) là địa vị ngang với Ngọc Hoàng vua Trời, nhưng một đàng tu văn kêu là Bồ Tát, còn một đàng tu võ kêu là vua Trời, hai bậc ngang nhau, tới lui với nhau, chớ đâu phải đi chầu chực thiên hạ.
PHẬT NHƯ LAI
Bồ Tát 1 Chuyển Luân Thánh Vương
Bích Chi 2 Vua Trời
A La Hán 3 Vua Người
A Na Hàm 4 Chư Tiên
Tư Đà Hàm 5 Quan lại
Tu Đà Hườn 6 Trưởng giả
(ĐẠO) hết lo… (ĐỜI) còn lo,
Vấn : Có phải Trời lo cho người chăng ?
Đáp : Phải ! Việc của loài người, việc nhỏ thì tự loài người lo, chớ việc lớn thì Trời lo. Cũng như một ông cha có con, hay như anh đối với em, cha anh là phải lo lấy thân, và bổn phận làm con phải giữ gìn cho con em nữa, cũng như một đứa tớ gái kia, giữ em nhỏ, lúc em đang vui chơi yên ổn, là đứa tớ gái ấy nó chỉ lo việc của nó, thỉnh thoàng lâu lâu ngó chừng em nhỏ một lần thôi ! Nhưng khi có chuyện lớn, em nhỏ bò ra mé ao, sắp té chết, thì đứa tớ gái ấy, mới quên mình, bỏ chạy lại lo cho đứa em nhỏ, những bậc Trời, người lớn, ông cha, hằng tự đem mình làm nghĩa vụ như tôi tớ, để lo cho nhơn loại, cũng y như vậy, lấy đó làm việc làm của các Ngài, mới không mắc tội với lương tâm, vì nhơn loại, em nhỏ, con dại chết khổ, mà các Ngài lại ở không ích kỷ là có tội. Bởi các Ngài lo cho nhơn loại trong những việc lớn lao can hệ ấy, nên người ta mới gọi các Ngài là Trời, Trời là hay cứu vớt và nuôi dưỡng nhơn loại. Cũng như cha, anh nuôi sóc con em.
Còn về sự dạy dỗ nhơn loại con nhỏ, là phần của Phật, ông già, thầy giáo, chớ cha, anh, ông Trời, người lớn, thì khó dạy con em dặng, vì cha anh cũng còn phải học thêm nữa, chớ oai quyền không bằng giảng dạy.
Bởi vậy cho nên người ta nói : Phật là lo cho Trời, Trời là lo cho người, người là lo cho thú, thú là lo cho cây, cây là lo cho cỏ, cỏ là lo cho đất, đất là lo cho nước, nước là lo cho hơi, hơi là lo cho không. Vì Phật dạy người thiện chớ không dạy kẻ ác được. Trời là dạy trị kẻ ác, chớ không dạy trị người thiẹn được. Còn người thì dạy trị thú được, chớ khó dạy trị người. Như vậy trước là có Trời dạy trị tạm sơ kẻ ác, cho trở lên thiện ; rồi sau đưa qua Phật, Phật mới dạy kẻ thiện ấy, cho thành giác ngộ được.
Vấn : Tiếng Trời nghĩa là gì ? Tiếng Phật nghĩa là gì ?
Đáp : Tiếng Trời của nho giáo xứ Tàu, chỉ rằng : Trời lạc bậc thanh cao quảng đại thiện lành lớp trên, người lớp ông cha. Tiếng Phật là của Phật giáo xứ Ấn Độ, chỉ rằng : Sự giác ngộ, biết gặp chơn lý lẽ thật của võ trụ, biết qua khắp cả, không còn bị cái tối mê che đậy, là ông thầy già kinh nghiệm. Trời và Phật khác nhau là ở chỗ : Người lớn thì còn đang học, còn đang lo việc thế sự, còn khổ não ; còn ông già thì hết học, hết lo thế sự, không khổ não nữa, đã trở lại sự yên lặng tự nhiên như hưu trí, như nín nghỉ, như không nói làm, như giải thoát, như không vọng động, của chơn lý, lẽ thật võ trụ là y như vậy. Cũng không có chi là hữu ích vô ích nữa cả. Trong cái yên lặng không có cái hay dở, cao thấp tốt xấu, phải quấy, lớn nhỏ, hơn thua, trên dưới … chi hết.
Vấn : Ông Trời sanh ra chúng sanh vạn vật bằng cách nào ? Sanh để chi? Còn ông Trời ai sanh ?
Đáp : Lý thì nói như vậy, còn sự thì chẳng phải. Chúng sanh tiến ra từ nơi vạn vật, từ không đến khí, đến thủy, đến địa, đến hỏa, đến phong ; tứ đại đất nước lửa gió dung hợp, sanh ra ba pháp, sống, biết và linh ; cái sống là vạn vật tứ đại có lửa mới có sống, do đó mới sanh, linh và giác ! Chúng sanh tiến lên từ cỏ đến cây, đến thú, đến người, đến Trời, đến Phật ; cũng như từ trong bụng mẹ, chất tứ đại tinh hoa mới tượng hình, sanh ra, lớn lên và đến già ; sự sanh ra bao giờ cũng từ dưới tiến lên, chớ không phải ở trên đâu đâu nhảy xuống. Cả thảy chúng sanh vạn vật các pháp đều từ nhỏ đến lớn, từ dưới lên trên, chớ chẳng có cái chi ở đâu đâu nhảy ra được ; cái gì cũng phải có nhơn duyên hết. Người ta mà nói ở trên đi xuống, nghĩa là ông già chết nhập thai lại, lộn kiếp làm trẻ nhỏ trở lại, chớ chẳng phải khi không mà có ông già ! Người ta nói Trời sanh ra chúng sanh vạn vật, chớ chẳng phải một ông Trời, Trời là thiện làm cho tất cả đều sống, tất cả mà có ra, là bởi nơi có cái lẽ thiện, nên ví dụ là Trời sanh. Còn đất là ác, cái ác làm cho tất cả đều chết, tất cả mà không có ra, là bởi nơi cái lẽ ác, nên ví dụ là đất diệt. Đó là câu nói trời sanh đất diệt, thiện sanh ác diệt, chớ chẳng phải ông Trời ông Đất. Nhưng người ta cũng nói : Người thiện là ông Trời, người ác là bà Đất, là bởi đất ác sanh thân như mẹ, trời thiện sanh trí như cha, còn Phật giác chơn sanh tâm như thầy giáo ; cho nên nói kẻ nào sống bằng tâm là con của Phật, sống bằng trí là con của trời, sống bằng thân là con của đất, con nào sẽ theo cha mẹ thầy nấy ! Đó là lời so sánh pháp lý mà thôi. Chớ không phải là chỉ riêng một ông bà thầy nào ! Một ông Trời cũng như một ông vua hay người lớn ông cha, đâu phải tự nhiên ổng có, ổng cũng phải có nguồn gốc cha mẹ, và ổng chỉ coi sóc làm thiện giúp đỡ người ta, do họ tôn lập, chớ đâu phải ổng tự xưng, và đâu phải ổng sanh sản ra tất cả ? Sanh ra để chi ? Và ai sanh ra ổng, nếu ổng tự nhiên có, thì cả thảy cũng tự nhiên có chớ, sao lại ổng phải cần sanh người ta, ích lợi chi cho ổng ?
Vậy thì lẽ thật đã chỉ ra rằng : tất cả ai dầu bậc nào : Phật, Trời, người, chúng sanh cả thảy, sanh ra là bởi tại nhơn duyên tập, từ dưới lên trên, vốn không có mục đích. Nhưng bởi có cái biết, là mục đích phải học, toàn giác, có cái linh, là mục đích phải đắc thần thông chơn như ; có cái sống, là mục đích phải sóng mãi ; còn cõi đời có đủ các pháp vạn vật tức là trường thi học dạy ! (Tứ đại sanh cỏ, cỏ sanh cây, cây sanh thú, thú sanh người, người sanh Trời, Trời sanh Phật). Người là nhơn ái, Trời là thánh thiện, Phật là toàn chơn, như vậy là ai ai cũng có thể tự nhận mình là con của một pháp trong ba pháp : nhơn ái, thánh thiện, giác chơn được hết. Và tự người ta tôn kẻ đó rằng : xứng đáng là người, là Trời, là Phật, rồi tự họ xưng con lấy, chớ không có ông nào mà dám tự xưng : ta là người, ta là Trời, ta là Phật, tự đắc, tự tôn, xắc lối ấy cả, cũng không ai dám gọi kẻ khác, là con mình hết. Mặc dầu kẻ đó đã giác chơn, hay thánh thiện nhơn ái, đã thấy thân, trí, tâm mình giống như sự rộng lớn từ bi của võ trụ, lành sáng như võ trụ, dung chứa thương yêu như võ trụ đi nữa, đó chẳng qua là sự so sánh trừu tượng trong trí giác mà thôi, chớ tự xưng là sái quấy. Sự thật là như vậy, nhưng cũng có ít người chưa hiểu, tin tưởng như là trong không gian võ trụ, có cái điểm tinh hoa, hiệp lại hóa ra làm một như một người, có đủ linh giác và thần, rồi từ đó, mới tự biến hóa cho sanh ra tất cả. Vị ấy là chúa tẻ càn khôn độc đoán, không ai thành được vị ấy ; mà sự thật là không ai hiểu rằng : vị ấy là triết lý danh từ, là chơn lý huyền diệu của ba cái pháp : linh, giác và thần, của tứ đại trong không gian chớ không có phải ai hết ; như trong mỗi xác thân người đây cũng có đủ tứ đại, ba cái pháp của chơn lý huyền diệu ấy cả, nên ai muốn tự xưng người, Trời, Phật, chúa tể, chỉ cũng được, nhưng mà tự xưng, chẳng quý bằng để cho người khác tự họ tôn lập mình là tốt hơn.
Và nên thay cho câu nói : sợ ông Phật, sợ ông Trời, ông ông Người,bằng câu nói : kính trọng cái Phật giác chơn, kính trọng cái Trời thánh thiện, và kính trọng cái người nhơn ái ! Còn sợ thì nên phải sợ cái ác, sợ con vật, hay sợ cái tội lỗi, là đúng hơn hết. Vì ngoài tội lỗi ra, ta cũng như ai nấy, đâu có ông nào bảo ta phải sợ, sợ để làm chi đó ? Cũng vì vậy cho nên vị vua Trời kia, không muốn cho người ta hiểu lầm mê tín nơi ông, để chỉ biết sợ ông, mà không sợ tội lỗi, nên ông mới hóa ra đạo sĩ, mà dạy đạo cho nhà vua, và các chư Phật, thì cũng chẳng bao giờ kêu gọi ai là con mình.Phật hay nói pháp, giác ngộ cho người hiểu rõ nhơn duyên, mỗi ai ai cũng được thành Trời Phật như Ngài được hết, chớ không có sự gì ngăn cấm, ích kỷ, độc tài. Vả lại nơi mỗi chúng sanh đều có cái biết, nó sẽ biết tất cả ; có cái linh, nó sẽ linh thông tất cả, có cái sống, nó sẽ sống với tất cả, đâu có cách gì ngăn cản nó được. Nào ai không pbải là chúa tể võ trụ ngày mai, nếu họ biết ghê sợ tội lỗi và biết hỗ thẹn tội lỗi khi tội lỗi đã hết.
Vậy thì công lý là không có đàn áp ai hết, và bởi không có đàn áp ai hết, nên mới gọi là công lý, đã là công lý thì đâu có chúa tể, chúa tể chỉ có tạm cho trẻ nhỏ, người lớn lớp dưới số rieng, chớ đâu có dùng chung cho tất cả hay như những ông già đặng. Vì trên cái già là kế chết, chớ đâu có cái lớp quá hơn già. Vì như ta kêu người bằng con, thì há lại chẳng có kẻ khác keu ta bằng con lại hay sao ?
Còn nói về cái mục đích là chúa tể, thì chúng sanh từ cái vô minh sanh ra, để phải tiến lần lên, chịu sanh tử khổ mãi ; cho đến giác ngộ chơn như, diệt lần sanh, tử, khổ, vô mình, là được lậu tận.
Vậy thì chơn như là chúa tể mục đích của lớp ông già trọn vẹn, chớ cái trí thánh thiện mục đích chúa tể của người lớn, không dùng cho ông già được, vì chẳng phải là pháp tôn thờ… chỗ đến của các ông già.
Bởi pháp trí thánh thiện là mới biết ghê sợ tội lỗi chớ chưa qua khỏi tội lỗi lâu ngày, nên chẳng tiêu trừ sanh tử khổ đặng, chưa phải hoàn toàn là pháp cứu cánh của ông già. Cũng như nhơn ái của nhơn loại trẻ nhỏ, thì không phải là mục đích của chư Thiên người lớn nữa.
Vậy nên người thiện, mà thiếu trí tuệ toàn giác cặp mắt, thì cũng chưa ich lợi sống đặng, vì cái khổ chưa phải hết.
Tổ sư Minh Đăng Quang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn