Trang nhất » Tin Tức » CHƠN LÝ

Ý nghĩa danh hiệu Đức Dược Sư và 12 nguyện

Thứ tư - 13/03/2013 06:49
Dược Sư là ông thầy thuốc. Lưu Ly là một thứ ngọc trong suốt từ trong ra ngoài.
Ý nghĩa danh hiệu Đức Dược Sư và 12 nguyện

Ý nghĩa danh hiệu Đức Dược Sư và 12 nguyện

- Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

- Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.


 

Dược là thuốc, Sư là thầy. Phật tên Dược Sư Lưu Ly Quang Vương. Kinh tên Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức. Dươc Sư là ông thầy thuốc. Lưu Ly là một thứ ngọc trong suốt từ trong ra ngoài. Thiền tông có khẩu hiệu “đập vỡ thùng sơn”. Thùng sơn ví thân ngũ ấm của chúng ta. Trong đen xì ngã chấp, ngoài đặc xịt pháp chấp. Có phá vỡ thùng sơn thì việc làm của người tu hành mới xong. Bát Nhã Tâm Kinh dạy: “Chiếu kiến năm uẩn đều không, độ thoát hết thảy khổ ách”. Tướng mạo tối đặc như thùng sơn đen là do 2 căn bệnh chính: kiến hoặc và tư hoặc. Kiến hoặc là thấy lầm, tư hoặc là nghĩ lầm.


 

Dùng danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật để trong uống ngoài xoa. Trong uống là mỗi mống niệm vọng tưởng (tư hoặc) liền biết. Biết vọng thì vọng tan. Mỗi khi tham sân si hiện hành liền biết gốc do kiến hoặc. Cần thanh tịnh sáu căn. Đề khởi hai chữ Dược Sư là tự nhắc bổn phận thiết yếu, từng niệm từng niệm giác sát, thanh lọc nơi tâm. Thế là trong uống. Còn ngoài xoa là tin chắc có nguyện lực của Phật hộ niệm. Phật không ở đâu xa. Phật thường trụ ngay tại đương niệm. Chúng ta chỉ vì phan duyên, thọ kích thích, tưởng biến hóa, sắc làm mù, năm ấm che lấp khiến tựa hồ như xa cách Phật.


 

Tổ dạy: “Tâm bình thường là đạo”. Tâm bình thường là Lưu Ly, trong không bị tư hoặc làm mê, không bệnh ngã chấp. Ngoài không bị kiến hoặc đánh lừa, giải thoát pháp chấp.


 

Quang nghĩa là sáng suốt. Sáng đây không phải là ánh sáng mặt trời mặt trăng. Ánh sáng trí tuệ thuộc tinh thần không có hình tướng. Trong khi niệm, nghe âm thanh rõ ràng không mờ, từng tiếng minh bạch là tánh giác sáng tỏ. Nếu nghe không rõ, thì hoặc bị hôn trầm, hoặc đã vướng vào một trần cảnh nào khác. Tánh nghe chính là tánh giác ở khắp pháp giới. Nghe rõ tiếng niệm tức là ngay lúc ấy, ta đã trở về tánh thể. Tánh này đồng với chư Phật và dĩ nhiên đồng với đức Dược Sư Lưu Ly Quang. Niệm danh hiệu ngài để tự nhắc tâm mình, tâm Phật vẫn thường trụ ở khắp mười phương không rời nhau.


 

Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Mười phương Như lai thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn chạy thì mẹ dẫu nhớ có làm gì được. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, mẹ con đời đời chẳng rời xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật, đời này đời sau quyết định thấy Phật”.


 

Không nói trong suốt như pha lê mà nói trong suốt như lưu ly, vì ngọc lưu ly màu xanh lơ (xanh da trời). Ngửa lên bầu hư không, ta thấy một màu xanh nhè nhẹ. Tìm thể chất thì chỉ có hư không nên đức Phật dùng màu này tượng trưng những gì huyễn vọng, không thật có. Năm ấm, ngã chấp, pháp chấp, kiến hoặc, tư hoặc v.v…, bao nhiêu bệnh hoạn nặng nề của thế gian, dưới con mắt Phật, chỉ là những hoa đốm ở hư không. Cứ chữa khỏi bệnh lóa ở mắt thì hoa đốm sẽ không còn. Cứ tỉnh ra, đừng ngủ mơ nữa thì những giấc mộng cọp vồ, nhà cháy đâu còn. Mặt trời trí tuệ của tất cả chúng sanh bản lai vẫn thường sáng. Chỉ vì chuyên sống với tâm phan duyên, quên tánh bản giác mà hóa thành thùng sơn năm uẩn. Nay vâng theo giáo pháp Dược Sư, chuyên trì danh hiệu Phật, sẽ thoát vô minh sanh tử, trở về bổn tâm viên quang.


 

Dược Sư là công dụng. Lưu Ly là thể tịnh. Quang là tánh giác. Chữ Vương là hình-dung-từ để hiển công dụng thù thắng, thể thanh tịnh, tánh quang minh, mỗi mỗi tuyệt vời.


 

 

Bao nhiêu nguyện đã phát ra từ lúc tu nhân làm Bồ-tát, ngày nay thành Phật tức là đã viên mãn. Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang đã nguyện những gì?

 

1/. Nguyện chứng Pháp-thân thường trụ ở khắp mười phương. Nhưng không phải chỉ chứng lý suông mà kiêm sự việc thiết thực, ta và người đều đủ ba mươi hai đại nhân tướng.


 

2/. Nói về quang minh. Quang minh không phải chỉ giác ngộ mà có. Cần nhiều kiếp công hạnh mới thành tựu. Kinh Bảo Tích nói: “Đức Thích Ca có một quang minh tên là Vân Tịnh Chiếu. Đây do nhiều kiếp tích tập thiện căn, xót thương những người bệnh khổ, cấp thí thuốc men, mong cho lành mạnh”.


 

3/. Đầy đủ trí tuệ phương tiện, cung ứng tất cả chỗ cần dùng cho khắp hữu tình.


 

4/. Dẫn tà đạo về chánh pháp, đưa nhị thừa lên Vô-thượng Bồ-đề.


 

5/. Ai chưa có giới phẩm giúp vào giới phẩm. Ai lỡ phạm giới khiến trở về tịnh giới, chẳng đọa đường ác.


 

6/. Cứu giúp các tật nguyền.


 

7/. Chữa khỏi các bệnh hoạn.


 

8/. Chuyển những tinh thần nhi nữ mềm yếu trở thành dũng mãnh trượng phu, tiến tới quả vị đại hùng lực.


 

9/. Giúp các hữu tình thoát chài lưới ma, ngoại đạo ràng buộc, rừng rậm ác kiến.


 

10/. Nguyện cho tất cả chúng sanh giải thoát các tai nạn bất thường, giặc cướp, lấn hiếp của ác ma.

11/. Nguyện cho chúng sanh bị đói khát được ăn uống ngon lành và no đủ. Sau đó đức Phật ban cho Pháp vị để dựng nên quả đức an vui.

12/. Nguyện hết thảy chúng sanh bị nghèo cùng khốn đốn đều được đầy đủ, đồ dùng quý báu trang nghiêm “Sở nguyện tùy tâm, sở cầu như ý”.

Ngoài ra còn nguyện chuyển những tâm tham sẻn thành quảng đại từ bi. Đầu mắt chân tay còn bố thí huống chi các tài vật khác. Con đường giải thoát đòi hỏi giới hạnh trang nghiêm, chánh kiến, đa văn. Một chút kiêu mạn liền thành bạn của ma, khen mình chê người, phỉ báng chánh pháp, làm cho vô lượng hữu tình cùng theo xuống hố hiểm sâu. Những bệnh ghen ghét ngang ngược, hiềm thù lấn hiếp, bao nhiêu thống khổ sanh già bệnh chết, đức Phật đều nguyện dùng thần lực khiến giải thoát nhân quả ác thú, dần dần dắt dẫn tới Vô-thượng Bồ-đề.


 

Chúng ta tụng kinh, hàng ngày huân tập tư tưởng quảng đại từ bi, ước mong thể nhập vào biển đại nguyện của đức Dược Sư. Tập sống như ngài, mỗi niệm mỗi niệm mong đem hạnh phúc an vui cho quanh mình, chẳng còn có sợ những khổ ác thú. Nguyện từ nay gánh vác hết thảy hữu tình, làm việc nghĩa lợi nhiêu ích an vui.


 

Bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng ta về thánh cảnh. Mười hai nguyện của đức Dược Sư cúi xuống vớt chúng ta ra khỏi vực thẳm ác thú, bảo vệ chánh kiến và đưa chúng ta vào thắng pháp.


 

A Di Đà, Trung Quốc dịch là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Biên Công Đức. Nói một cách khác A Di Đà là chân tâm bản tánh của tất cả thánh phàm, là quả đức cầu về của tất cả Phật tử. Dược Sư là giới, Lưu Ly là định, Quang Vương là tuệ, ba nhân tu thiết yếu hiện tại của tất cả các pháp môn.


 

Thờ Phật Dược Sư phải 49 ngọn đèn. Hai vị Bồ-tát hầu cận tên là Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu. Bởi vì khoen đầu của mười hai nhân duyên sanh tử là vô minh nên thuốc chữa không thể rời trí tuệ.


 

Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức Kinh gồm có bảy bộ. Ngài Huyền Trang cầu pháp ở Ấn Độ đã thỉnh và dịch trọn vẹn tất cả sang tiếng Hán. Nguyên vì đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thương xót chúng sanh ác trược, chịu nhiều quả báo đau khổ nên nói cho biết về phương Đông có bảy vị Dược Sư Phật. Mỗi vị đều có nguyện riêng. Tổng ý là chữa phiền não chướng, nghiệp chướng, báo chướng, khiến chúng sanh được an thân vui khỏe vĩnh viễn.


 

Chúng ta đã biết mỗi vị Bồ-tát khi thành Phật đều có một thế giới để giáo hóa tất cả những kẻ có duyên. Thế giới duy tâm cảm quả. Báo thân Phật do “Trí” hiện hành.


 

- Vận Ý Thông Chứng nghĩa là khởi tâm cầu chứng ngộ. Đây là tâm địa tối thắng không gì hơn nên thế giới tên Tối Thắng.


 

- Quán Âm Tự Tại là tánh nghe không bị âm thanh chi phối chuyển động. Đây là tánh Phật, của báu vô giá, mỗi chúng ta đều có nhưng rất ít người biết đến. Vì vậy thế giới tên là Diệu Bảo.


 

- Tâm địa vô ưu không lo lắng, hẳn bình an khang cát nên Phật tên là Tối Thắng Cát Tường.


 

- Tịnh trụ là ở chỗ an tĩnh, dễ bề phát triển trí tuệ, nên Phật hiệu là Quảng Đạt Trí Biện.


 

- Pháp Hỷ tâm vui thích Phật pháp, cảm quả báo thành Phật hiệu là Pháp Hải Du Hý Như Lai (vui chơi trong biển pháp).


 

- Hạnh viên mãn nên Phật hiệu là Kim Sắc Thành Tựu, thân vàng đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu.


 

Chúng ta lễ bái bảy danh hiệu, chớ quên con đường Dược Sư, tự chữa bệnh cho mình, chữa bệnh cho chúng sanh, trước hết phải phát tâm Bồ đề cầu chứng ngộ. Sau tìm nhân tu cho liễu nghĩa. Như người làm ruộng phải lo chọn hạt giống. Người lập chí giác tỉnh phải y cứ Phật tánh mà tu. Trợ duyên phát sanh trí tuệ là an tĩnh và Phật pháp. Đủ nhân đủ duyên quyết định viên mãn Bồ đề.


 

- Thật ra Phật và Bồ-tát nào không chữa bệnh, không phải là thầy thuốc. Phật và Bồ-tát nào không tiếp dẫn chúng sanh về cảnh an vui. Mà sao đạo Phật lại đặc biệt hướng về phương Đông cầu an, hướng về phương Tây cầu siêu. Trong khi kinh dạy chân tâm bản lai thường trụ bất động ở khắp mười phương, không hề riêng cuộc?


 

- Thưa: Cầu an hướng về phương Đông vì mặt trời mọc nêu biểu sinh hoạt. Cầu siêu hướng về phương Tây vì mặt trời lặn nêu biểu tịch diệt. Trên sự thật thì quả đất xoay tròn đâu có Đông Tây. Mặt trời đứng trụ đâu có mọc lặn. Nhưng rõ ràng trong đời sống hiện tại của chúng ta vẫn có Đông Tây trong không gian, vẫn có mặt trời lặn rồi mọc để thành có hôm qua, hôm nay và ngày mai. Thời gian hư vọng nhưng vọng kiến của con người không thể thiếu cái lịch để cùng nhau thỏa thuận nào ngày, nào tháng, nào năm…


 

Vì khế cơ nên đức Phật tùy theo cuộc đời sanh tử, xếp đặt giáo pháp có Đông có Tây, để chúng sanh động loạn có phương hướng quay về, an định tinh thần, dần dần giải thoát. Nhưng vẫn khế lý, mắt Phật thấy trong không gian vô tận có vô biên thế giới khổ vui đẹp xấu khác nhau. Đúng như sự thật Phật đã thấy, tương đối với trái đất của chúng ta, phương Đông có cõi Tịnh Lưu Ly, phương Tây có cõi Cực Lạc. Chúng ta học Phật nên nhận định cẩn thận cả hai pháp giới Sự và Lý.


 

Chớ để nghi ngờ trong tâm, ngõ hầu mạnh mẽ thẳng tới vô ngại giải thoát.


 

Tuy Dược Sư Bản Nguyện có bảy bộ nhưng lưu hành tới Việt Nam chỉ có một bộ của đức Lưu Ly Quang vì Việt Nam đặc biệt sùng bái tông Tịnh-độ. Pháp môn trì danh rất được thịnh hành. Dược Sư Bản Nguyện Kinh có đoạn : “Nếu ai chịu giữ tám phần trai giới, ít nhất ba tháng, được nghe danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, thời khi lâm chung sẽ có tám vị đại Bồ-tát chỉ đường về thế giới An Lạc trong đám hoa báu nhiều màu sắc đẹp”. Khắp cuốn Bổn Nguyện này nhiệt liệt khuyên trì danh hiệu Phật. Vì thế cuốn Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức Kinh được coi là một pháp môn của tông Tịnh-độ, trì danh cầu sanh Tây phương An Lạc thế giới.


 

Pháp môn Dược Sư cũng như tất cả các pháp môn khác đều có hai phần: Hiển giáo và Mật giáo. Hiển giáo giảng dạy rõ ràng đường lối tu hành. Người tu học biết rồi, tự lực tự đi. Còn Mật giáo, người tu chỉ đem lòng tin trì tụng thần chú. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Thí Dụ, ông trưởng giả đặt sẵn ở cửa sổ chiếc ghế, đứa con nào khỏe chân tự nhảy ra mà thoát nạn. Còn Mật giáo ví như vạt áo, ông trưởng giả che đầu các con, đưa ra khỏi nhà lửa, không bị nóng bức, không mất công nhiều, toàn nhờ sức cha các con thoát nạn.


 

Nay lại thêm một ví dụ: Ông kỹ sư tự chế tạo ra đèn điện, tha hồ sử dụng ánh sáng. Ông lại chế ra nút bấm, khiến người khác không cần vất vả học hành, chỉ việc bấm nút liền có đèn sáng, thọ dụng tha hồ như ông không khác. Cũng thế, đức Phật nói thần chú. Chúng ta trì chú cũng đi đến kết quả như Phật không khác. Nhưng cần để ý: bấm nút mà đèn cháy được là nhờ bóng đèn, dây và sức điện đều đúng pháp. Trì chú thần lực cũng vậy, ba nghiệp phải đúng pháp mới linh nghiệm.


 

Khi trì chú tưởng vòng tròn tâm nguyệt từ chữ Tông màu trắng phóng ra hào quang sáng lớn, khắp chiếu chúng hữu tình. Ánh sáng tới thân sáu đạo chúng sanh thì giới ba la mật của chư Phật liền viên mãn. Trong một thời này làm chân Phật tử.


 

Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. 

Tác giả bài viết: theo kienthuc.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Share |
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin Được Quan Tâm Nhiều

Tập San Đuốc Sen

Chia Sẻ Cùng Bạn Đọc

Tổ Sư Minh Đăng Quang

TO SU

Hình Ảnh Tịnh Xá Ngọc Sơn

Tinh Xá Ngọc Sơn

slideshow | Viewer

Quảng Cáo

Giác Ngộ
Đức Phật Bổn Sư
Học Viện Phật Giáo Việt Nam
đạo phật ngày nay
HT Trụ Trì Tịnh xá Ngọc Sơn
SU PHU THICH GIAC TRÍ

Bạn nghe thuyết pháp thường xuyên không?

Chưa nghe bao giờ

Một hai lần gì đó

Một lần vào lễ Phật đản

Ba bốn lần trong 1 năm

Một lần trong 1 tháng

Hai lần trong tháng

Một lần trong tuần

Nghe nhiều lần trong tuần

Liên Hệ Online

Ban Biên Tâp

Đông Hồ

Bảng Tin Thời Tiết

Đang truy cậpĐang truy cập : 19


Hôm nayHôm nay : 16127

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 45829

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8426390