CHƯƠNG I: Khái lược các Pháp yết ma.
1. Định nghĩa:
Yết-ma là phiên âm từ Karma của tiếng Phạn, Hán dịch là nghiệp, hành động hay tác pháp; nói cho đủ là tác pháp biện sự, nghĩa là lập thủ tục để giải quyết một sự việc. Yếu tố căn bản để thành tựu Yết-ma là Tăng phải hịa hợp và thanh tịnh[1].
Yết-ma, được phiên âm từ karmam của tiếng Phạn. Hán dịch là “biện sự tác pháp”, được định nghĩa: “Vạn sự do tư thành biện cố”. Nghĩa là, tất cả công việc của Tăng đều do đây mà được thành tựu mỹ mãn. Nghĩa đen của “yết-ma” có nghĩa là hành động hay hành vi. Có hành động thuộc cá nhân mà cũng có hành động thuộc tập thể. Ở đây, yết-ma chỉ dùng cho các hành vi tập thể [2].
2. Đối tượng yết ma
Nhân: tức nhân cách hay cá nhân. Tăng tác yết-ma với đối tượng là một cá nhân nào đó, như các loại yết-ma truyền giới cụ túc, yết-ma trị phạt, v.v… Thí dụ trong trường hợp yết-ma truyền giới cụ túc. Trước khi tác pháp, Tăng phải kiểm nghiệm tất cả điều kiện cần thiết của giới tử Tỳ-kheo. Người muốn được Tăng tác pháp yết-ma để trao giới cụ túc phải không có các già nạn, tuổi đủ hai mươi, ba y, bình bát,… phải đủ.
Pháp: hay bỉnh pháp, chỉ cho các sinh hoạt tập thể của Tăng mà Phật đã quy định, như việc thuyết giới mỗi nửa tháng, tự tứ,v.v… Mục đích của việc thuyết giới là duy trì và phát huy sự thanh tịnh và hòa hiệp của Tăng.
Sự: tức là sự thể hay sự vật. Nói rõ hơn y xứ của yết-ma trong các trường hợp này là những vật thể hữu hình, như việc kết đại giới, tiểu giới, việc phân chia Tăng phòng, Tăng vật v.v… mỗi loại đối tượng có một sắc thái tác thành bản chất của nó. Thí du, đại giới thì phải có mốc rõ rệt của các đường ranh; Tăng vật thì có những vật dụng thuộc sở hữu của chiêu-đề Tăng, hay của thường trú Tăng. Như việc phân chia bình bát giữa Tăng, nếu các bình bát này không được chế tạo đúng theo qui luật, nó không thể là y xứ toàn vẹn của yết-ma. Và nếu đối tượng để phân chia là thường trú Tăng trong một trú xứ, nhưng các Tỳ-kheo không tập họp đúng pháp như vậy thì y xứ cũng bị khuyết.
3. Phân loại yết ma.
Tâm niệm (Cita karma): Tâm niệm là tự mình nghĩ và nói lên lời mà không cần có người thứ hai. Như tâm niệm bố-tát hay tâm niệm tự tứ.
Đối thú: Đối thú là sự tác pháp giữa hai hay ba người. Một người nói, một hay hai người khác nghe.
Cả hai pháp này thực chất không phải là yết-ma, nhưng sự tác pháp vẫn tuân theo những gì mà Tăng đã qui định, chỉ có điều không hội đủ túc số để thành Tăng pháp.
Tăng pháp (Saṅgha kamma): căn cứ trên pháp thức, có ba loại:
a. Đơn bạch (Ñatti kamma),có 44 pháp: Tăng sự trong các trường hợp này vốn đơn giản, chỉ cần một lần tác bạch cho Tăng biết là đủ.
b. Bạch nhị (Ñatti dutiya kamma),có 78 pháp: Tăng sự trong các trường hợp này có tầm quan trọng hơn các Tăng sự thuộc loại đơn bạch yết-ma. Do đó, sau khi tác bạch cho Tăng biết sự việc mà Tăng cần phải quyết định, rồi bấy giờ hỏi xem các Tỳ-kheo đang hiện diện giữa Tăng có ai phản đối hay không. Nếu tất cả đều im lặng, không Tỳ-kheo nào nói lời phản đối, hay phủ quyết, thì quyết định của Tăng có hiệu lực. Nói cách khác, bạch nhị yết-ma tức là một lần tác bạch và một lần biểu quyết.
c. Bạch tứ (Ñatti catuṭṭha kamma),có 39 pháp: Một lần bạch và ba lần yết-ma, tức một lần tác bạch cho Tăng biết Tăng sự cần làm rồi ba lần lấy biểu quyết. Đây là trường hợp của những Tăng sự quan trọng nhất. Căn bản thực chất của các Tăng sự này chỉ có thể thành tựu sau khi ba lần hỏi và ba lần toàn thể Tăng đều đồng ý chấp thuận bằng cách im lặng. 161 pháp yết-ma trên không phải là con số cố định. Tuỳ vào mức độ Tăng sự khinh trọng, hoàn cảnh lịch sử, môi trường xã hội,v.v… Nhưng điều căn bản cần nắm vững là ba loại pháp thức yết-ma ấy. Mỗi khi có sự việc gì xảy ra giữa Tăng, cần phải cân nhắc y xứ để áp dụng một pháp thức yết-ma nào cho tương xứng.
Như vậy, trong sự diễn tiến của tác pháp yết-ma có thể được thực hiện qua các động tác của thân và ngữ, như lễ bái, cầu thỉnh,v.v… nhưng căn bản cho sự thành tựu này vẫn bằng ngôn ngữ. Không phải tất cả các Tỳ-kheo trong Tăng đều cùng nói một lượt để xác định một vấn đề. Nhưng một Tỳ-kheo trong Tăng biết rõ các pháp thức yết-ma, đại diện Tăng tác pháp. Lời nói của vị này trong khi tác pháp là lời nói cá nhân, nhưng thể tính của căn bản nghiệp đạo ở đây là cộng nghiệp. Cũng như trong các sinh hoạt tập thể xã hội, khi một mệnh lệnh được ban hành hay một quyết định được thông báo, thì chỉ có thể phát xuất từ lời nói của một người có tư cách đại diện (phát ngôn viên).
Cũng nên lưu ý, theo thông lệ tác pháp yết-ma, sau tác bạch của Tỳ-kheo tác pháp, có thêm câu hỏi: “Tác bạch có thành không?” Toàn thể Tăng đồng thanh đáp: “Thành”. Và sau mỗi lần yết-ma, tức lấy biểu quyết, cũng có thêm câu hỏi: “Yết-ma có thành không?” Toàn thể Tăng đáp: “Thành”. Có ý kiến cho rằng thủ tục hỏi như vậy trái với bản chất của yết-ma. Nhưng cũng có giải thích nói rằng, điều này không có nghĩa là quyết định của Tăng được nói bởi nhiều người cùng một lúc, mà chỉ là xác nhận của toàn thể Tăng về sự thành tựu của yết-ma như pháp. Tức văn từ của người tác pháp được phát biểu đúng pháp.
Chương II. Ý nghĩa của các Pháp yết ma
Mục đích của Yết ma là thành thiện và ngăn ngừa điều ác (trừ ác)[3]
Mục đích của yết ma có 3 loại
1. Vị nhân tác yết ma
Đó là Pháp yết ma nhân nơi người. Vì người mà thiết lập nên gọi là nhân tác. Ví dụ, yết ma thọ giới, yết ma sám hối, Yết ma trị tẩn,. loại này có thể phân làm hai loại.
- Vị nhân tác sự: chỉ có lợi cho cá nhân chứ không phục vụ việc công. Ví dụ yết ma thọ giới. Ai thọ giới thì người đó có lợi; ai sám hối thì người đó được nhờ.
- Vị nhân tác công sự: lợi ích được phổ cập cho nhiều người. Ví dụ, Yết ma thuyết giới, tự tứ. Trong đó ai cũng được lợi ích , chứ không riêng gì cho ai.
2. Vị Pháp tác Yết ma
Vì một Pháp sự mà tác Pháp yết ma, ví như thuyết giới, tự tứ, kiết tập kinh tạng. . . nhờ việc này mà lợi ích đến mọi người.
3.Vị sự tác yết ma.
Vì một sự việc nào đó mà tác Pháp yết ma. Ví dụ, Kiết tịnh địa, tịnh khố (để chứa đồ dùng), Tịnh trù (để đồ ăn thức uống). . .
Ngoài ra còn có loại yết ma vị nhân, vị Pháp, và vị sự, như thọ công đức, thuộc vị pháp và vị sự yết ma. Kiết giới đồng thuyết giới đồng lợi dưỡng là Pháp yết ma vị pháp, vị sự và vị nhân. Vì cả hai bên cùng hòa hợp với nhau.
4.Ý nghĩa của các loại yết ma thông dụng[4]
Yết ma có ba phương thức, loại đúng pháp nhất gọi là Tăng pháp Yết ma.
Phương thức Yết ma đầu tiên gọi là Tâm niệm Yết ma, Mental Karma, tức là Yết ma ở trong tâm mình mà thôi. Như vậy ta thấy đạo Phật rất là linh động, mềm dẻo chứ không cứng ngắc theo luật. Ví dụ khi tu học một mình, ta cũng có thể làm lễ Yết ma tự tứ, Yết ma bố tát tụng giới, Yết ma an cư, Yết ma nhập thất v.v... Trong trường hợp đó ta lấy tâm mình làm Phật, làm Tăng. Ta quỳ xuống lạy Phật và Tăng trong tâm, rồi làm Yết ma một mình, đó gọi là tâm niệm Yết ma.
Pháp Yết ma thứ hai gọi là Đối thú Yết ma. Đối thú Yết ma tức là trước mặt mình chỉ có một hay hai người khác. Trong trường hợp này mình vẫn có thể quỳ xuống và làm lễ Yết ma. Tuy rằng không đúng luật và không lý tưởng lắm, nhưng vẫn hay hơn Tâm niệm Yết ma. Đối tiếng Anh là Facing.
Phương pháp thứ ba gọi là Tăng pháp Yết ma (Sangha karma), pháp yết ma đúng luật nhất. Đây là lúc mà trước mặt mình có ít nhất ba vị khất sĩ khác. Tăng pháp Yết ma cũng có ba trường hợp.
a. Đơn bạch Yết ma, tiếng Pãli là Natti kamma, tiếng Anh là Single announcement. Đơn tức là một lần, bạch là nói ra. Trong sinh hoạt của chúng, có những việc mà chỉ cần vị Yết ma, hay một vị chức trách nào đó, thỉnh một tiếng chuông, đứng lên và tuyên bố ra, thì tự nhiên nó thành pháp, thành quyết định. Ví dụ sau khi đại chúng đã dùng cơm trưa xong, có một vị Tăng đứng lên thỉnh một tiếng chuông và nói rằng: Thưa đại chúng, hôm nay vì phải chuẩn bị Giới đàn nên chúng ta sẽ không có thiền trà ở Chùa như thường lệ, xin thông báo để đại chúng biết. Đó là đơn bạch Yết ma. Trong trường hợp đó có thể có vài người hỏi tại sao mình không làm cả hai chuyện được v.v..., nhưng vì công việc này không phải quá quan trọng để phải bỏ phiếu, cho nên chỉ cần đơn bạch Yết ma là có quyết định. Nếu muốn hỏi thêm cho đủ chi tiết thì có thể hỏi ngay lúc đó, nhưng không cần đại chúng họp lại để quyết định.
Trong một vài tu viện, chỉ cần sử dụng phép đơn bạch Yết ma mà các thầy, các cô đã có thể giải quyết được đến bốn, năm mươi phần trăm công việc sinh hoạt của chúng.
Tuy vậy một người phải nói ra để cho mọi người biết, nếu không thì có lỗi, và người khác có thể trách tại sao không nói ra mà lại làm. Đây là một nguyên tắc mà mình phải vâng theo, tại vì khi đã nói ra thì sẽ không còn ai trách móc, và mình giữ được hòa khí và sự an lạc cho đại chúng.
b. Bạch nhị Yết ma,tiếng Pãli là Natti dutiya kamma. Bạch nhị tức là nói hai lần. Mộtquyết định quan trọng hơn, cần có sự đồng ý rõ rệt của đại chúng nên mình phải làm bạch nhị Yết ma. Ví dụ sau khi đại chúng thọ trai xong, có một vị tăng lên nói rằng: Thưa đại chúng, thứ sáu này là ngày tụng giới, nhưng vì duyên sự cần kíp nên một số các vị chức sắc ở trong cộng đồng đề nghị rằng: Thay vì tụng giới vào thứ sáu, mình sẽ tụng giới vào ngày thứ ba tuần sau, và chỉ có tuần này là thay đổi như vậy thôi, xin trình đề nghị đó lên để đại chúng biết.
Tụng giới là một việc rất quan trọng, không đi tụng giới mà cũng không gởi theo đại diện thì mình phạm giới. Vì vậy, nếu một vị tăng ấy không cho biết thì có nhiều người sẽ bị phạm giới, vì họ không biết ngày tụng giới đã đổi nên hoặc không tham dự, hoặc không nhờ người đại diện cho mình. Vì vậy mà một vị Tăng phải bạch nhị. Trong pháp bạch nhị phải bạch hai điều: Thứ nhất là phải trình bày rõ ràng vì lý do như vầy, như vầy v.v... mà buổi tụng giới ngày thứ sáu phải dời lại đến thứ ba tuần tới vào lúc mấy giờ, và tại đâu. Đó là bạch nhất, tức là nói ra lần thứ nhất. Nói xong Sư cô tiếp: Đâylà lời tác bạch. Sau đó mới tới bạch nhị tức là hỏi rằng: Vậy thưa đại chúng, đại chúng cóđồng ý chấp thuận điều đó hay không? Đó là câu hỏi mà cũng là lời bạch thứ hai. Nếu mọi người im lặng thì vị tăng sẽ nói: Đại chúng đã giữ sự im lặng, nhưvậy là đại chúng đã chấp thuận, chúng ta cứ như vậy mà thi hành.
Trong giới luật của phái Đàm-vô-đức (Dharmagupta) là phái mà Việt-Nam ta thực tập theo, thì có khoảng 78 trường hợp trong đó chúng ta phải dùng phương pháp Yết ma bạch nhị. Ngoài ra còn có vào khoảng 40 trường hợp mà ta phải dùng Yết ma bạch tứ.
c. Yết ma bạch tứ,tiếng Pãli là Natti catuððha kamma, dành cho những quyết định rất quantrọng, vì vậy mà phải để cho đại chúng có thì giờ suy nghĩ cho kỹ. Ví dụ như quyết định có cho một người thọ giới hay không? hoặc quyết định có cho một người làm thường trú hay không? v.v... Đó là những điều rất là quan trọng, vì người đó được thọ giới (sa di hoặc khất sĩ), hay được thường trú, có liên hệ rất lớn đến hạnh phúc của đại chúng, vì vậy mà phải dành thì giờ cho đại chúng suy nghĩ cho thật kỹ.
Tất cả mọi sinh hoạt lớn trong đại chúng thuộc về sinh hoạt của tăng đoàn mà thành tựu được, là nhờ phương pháp gọi là Tăng pháp Yết ma.
Trong các buổi truyền giới cũng vậy. Truyền giới là một sinh hoạt rất quan trọng của tăng đoàn, vì vậy mở đầu cho lễ truyền giới, ta cũng phải xử dụng phương pháp Yết ma bạch tứ. Nếu không làm theo phương pháp Yết ma này thì lễ truyền giới đó không có giá trị.
Chương III. Tầm quan trọng của các Pháp yết ma.
1.Nhận thức về tầm quan trọng của việc hòa hợp tăng và Yết ma
Thể hiện lòng bi nguyện và sự ưu tư của một bậc Thầy, một nhà giáo dục chân chính, rỏ nét và cảm động nhất là trước lúc nhập Niết bàn, Ngài đã ân cần dạy bảo những đồ đệ của mình nhiều điều cặn kẽ hữu ích trong cuộc tu tập và hoằng dương chánh pháp. Trong đó chúng ta thấy đức Phật có dạy bảy pháp làm cho một hội chúng hưng thạnh, đặc biệt là hội chúng Tỳ kheo. Bảy pháp này được xem là kim chỉ nam áp dụng vào một đời sống của một đoàn thể Tăng già trong mọi thời đại.
Kinh Trường Bộ, quyển 2, Phẩm kinh Ðại Niết Bàn, thuộc Nam Tạng, chép rằng: Hôm đó đức Phật bảo Ngài A Nan mời tất cả đại chúng Tỳ kheo tụ họp lại và Ngài đã dạy với các Tỳ kheo như sau:
"Này các Tỳ kheo! Hãy nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ giảng về bảy pháp bất thối làm cho chúng Tỳ kheo được hưng thạnh:
1. Các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo thường hay tụ họp, và tụ họp đông đảo với nhau, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
2. Này các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỳ kheo, chúng tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
3. Này các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
4. Này các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỳ kheo Thượng tọa, những vị này là những vị giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha của chúng Tăng, bậc Thầy của chúng Tăng và nghe theo lời dạy của những vị này, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
5. Này các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo không bị chi phối bởi tham ái, tham ái này tác thành một đời sống khác, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
6. Này các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo thích sống chỗ nhàn tịnh, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
7. Này các Tỳ kheo! khi nào chúng Tỳ kheo tự thân an trú chánh niệm, các bạn đồng tu chưa đến muốn đến ở, và các bạn đồng tu thiện chí đến ở, được sống an lạc, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. "[5]
Qua bảy pháp mà đức Phật đã giảng cho các Tỳ kheo, cho chúng ta thấy rằng, để xây dựng một hội chúng được hưng thạnh không bị suy giảm cần phải có các điều kiện sau:
- Ðiều kiện tiên quyết và cốt yếu trước tiên là mọi người phải cùng hòa hợp, đoàn kết với nhau, cùng sống chung với nhau trong tinh thần thương yêu và hiểu biết. Cùng họp bàn và giải tán trong tinh thần đoàn kết. Làm việc trong ý niệm đoàn kết và xây dựng thì chắc chắn mọi sự sẽ được tốt đẹp.
- Ðiều kiện thứ hai là mọi thành viên đều phải sống đúng và tuân thủ theo những học giới đã được ban hành, không được hủy bỏ, vi phạm. Ðồng thời phải biết tôn trọng, kính lễ và nương tựa các bậc trưởng thượng đức độ, nương theo giới đức và những lời dạy của các vị để tu học.
- Ðiều kiện thứ ba: Trong chúng Tỳ kheo, Chúng Tỳ kheo phải thật sự là những vị xuất gia chân chính, không bị chi phối bởi tham ái, dục vọng, bản ngã vị kỷ. Sống đời phạm hạnh tự chủ, không bị lôi cuốn theo dòng chảy của cuộc đời. Người xuất gia phải luôn là những người biết nhìn thẳng vào sự thật, nói lời như thật, sống với sự thật dù đó là sự thật phủ phàng, ngang trái. Sống luôn đối diện với sự thật của hiện tại để sửa đổi và hoàn thiện chứ không né tránh, lẩn trốn. Luôn an trú trong chánh niệm và trả lòng yêu thươn đến các vị đồng phạm hạnh. Làm cho mình và người được an lạc.
Thiết nghĩ đức Phật dạy bảy pháp trên không ngoài mục đích nhắc mỗi chúng ta ý thức rằng: Mỗi người là một thành viên của cộng đồng xã hội, sự an lạc hay đau khổ của mỗi người đều có sự liên quan ảnh hưởng đến xã hội. Cho nên để xây dựng một xã hội tốt đẹp cũng như một hội chúng hưng thịnh, trước tiên mỗi người phải tự soi rọi lại chính mình, xem đã sống đúng với sự thật, với những lời đức Phật dạy hay chưa, để tự hoàn thiện lấy mình, loại trừ dần các vọng tưởng, các tham muốn thấp hèn làm khổ đau, chia rẽ giữa mình và người. Xây dựng và sửa đổi tự thân của mỗi người là yếu tố quan trọng trong các yếu tố để xây dựng một xã hội tốt đẹp thông qua các Pháp yết ma. Nếu như trong một hội chúng Tỳ kheo khi tụ họp lại mà không được hòa hợp, đoàn kết thì mỗi thành viên trong đó đều tự phải xét lại chính mình xem đã sống đúng theo bảy pháp mà đức Phật đã dạy hay chưa.
2 – Giá trị hoàn thiện Tăng đoàn khi áp dụng các pháp yết ma:
Muốn kiến lập một Tăng đoàn như pháp, trước tiên phải chú ý đến sự lành mạnh bắt nguồn từ Tăng đoàn. Trong Kiện độ thọ giới của Luật tạng đưa ra mười hai nạn, mười sáu giá, quy định quá trình tra xét, sát hạch tư cách thọ giới của người xuất gia, nội dung bao gồm những quy định rất nghiêm túc. Nếu như thân thể bệnh yếu, sinh lý không hoàn bị, điều kiện không đủ, trí lực thấp kém, gia đình xã hội không cho phép, ngũ quan khiếm khuyết… thì không thể xuất gia thọ giới. Các quy định này nhằm bảo đảm sự trang nghiêm của Tăng đoàn. Trong Hành Sự Sao – Sư Tử Tướng Nhiếp Thiên có nói đến tư cách của một bậc thầy tế độ người thế phát xuất gia, số lượng và đối tượng độ người, thủ tục xuất gia để cho người thực hiện nhiệm vụ này biết được nghĩa vụ, trách nhiệm giữa thầy và trò. Đây chính là nói đến những quy định về việc giáo dục Tăng nhân xuất gia, với ý chỉ nâng cao tính chất vốn có của Tăng lữ. Bố-tát là từ sự thanh tịnh cá thể đưa đến sự thanh tịnh chỉnh thể toàn diện trong Tăng đoàn, bảo đảm sự thanh khiết trong Tăng đoàn.
Dựa vào giới luật để kiến lập sự thanh tịnh thuần khiết trong Tăng đoàn, y cứ vào hạ lạp của giới mà phân định lớn nhỏ, khiến cho Tăng đoàn có quy củ và trật tự. Yết-ma chế độ Tăng sự, Tăng đoàn, không lấy ý kiến riêng của một người nào đó để quyết định mà thể hiện Tăng đoàn là đoàn thể có tinh thần dân chủ cao độ. Trong lúc tác pháp Yết-ma, đại chúng đề cử người đầy đủ đức tài chủ trì Hội đồng Yết-ma, điều này đã phản ảnh được tinh thần trọng đức trọng tài của Tăng đoàn. Kế đến là nói đến tinh thần Lục hòa: thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, giới hòa đồng tu, lợi hòa đồng quân, kiến hòa đồng giải. Giới hòa đồng tu là nói lên sự bình đẳng của luật chế, lợi hòa đồng quân là sự cân bằng về kinh tế, kiến hòa đồng giải là sự thống nhất tư tưởng. Mỗi vị tăng, ni phải nhận thức rõ tầm quan trọng của các các Yết ma để Tăng đoàn ngày càng phát huy tinh thần Lục hòa và xuất hiện một Tăng đoàn bình đẳng, hòa hợp, dân chủ, thanh tịnh, an lạc.
Chương IV. Sự kế thừa của Tăng, Ni ngày nay trong việc giữ giới luật, áp dụng và thực tập tác Pháp yết ma.
Đạo Phật đã có những đóng góp tích cực trong việc kiến tạo nền văn hóa dân tộc, xây dựng đạo đức và lối sống con người Việt Nam trong suốt mấy nghìn năm qua. Tăng ni Phật tử cũng đã dấn thân vào đời với phương châm “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” nhằm quân bình, ổn định giá trị vật chất lẫn tinh thần trong xã hội và trong mỗi một cá nhân. Kế tục sứ mệnh này, Tăng chúng phải chung tay nhằm xây dựng Tăng-già thanh tịnh và hòa hợp và thực tập tốt những Pháp yết ma
Theo trong kinh Di Giáo, đức Phật đã dạy rằng: “Nhữ đẳng Tỳ-kheo, ư ngã diệt hậu, đương tôn trọng trân kỉnh Ba-la-đề-mộc-xoa, nhược ngã trú thế, vô dị thứ giả”. Hẳn vậy, trong bối cảnh xã hội hiện nay với những biến động trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục cho nên Phật giáo được xem như một chân lý thực tại mà cốt yếu là vấn đề về đạo đức tức lấy giới luật làm nền tảng, tăng chúng hòa hiệp thông qua Pháp yết ma.
Nói như vậy để thấy rằng giới luật Phật giáo đóng vai trò quan trọng cả tục lẫn Tăng, cả đời lẫn đạo. Giới luật có giá trị phổ quát và thực tiễn. Giới luật ra đời do nhu cầu tu tập của hàng tại gia lẫn xuất gia nhằm hướng đời sống của mình đạt đến sự thanh tịnh và giải thoát. Ai khéo áp dụng giới luật vào đời sống, thì người đó sẽ sớm cải thiện mọi hành vi xấu ác, tăng trưởng giá trị đạo đức, thăng hoa đời sống tâm linh.
Sở dĩ đạo Phật được truyền thừa lâu dài trên thế gian không chỉ vì sự đồ sộ của giáo lý vi diệu và kho tàng luận lý uyên thâm như người đời thường nhận định, mà chính là vì sự nghiêm trì giới luật. Giới luật là điều kiện tiên quyết và thiết yếu. Tăng ni khéo biết hành trì giới luật thì trang nghiêm pháp thân, trí lực đầy đủ, phước tuệ song toàn, đủ nhẫn nhục, đủ từ bi, đủ khiêm tốn để dấn thân hành đạo giúp đời với sứ mệnh cao cả: “Hành Như lai sứ, tác Như lai sự”. Tăng đoàn khéo chấp trì giới luật thì Tăng đoàn thanh tịnh hòa hợp. Trong Căn bản luật có dạy: “Tỳ ni tạng giả, Phật pháp thọ mạng, Tỳ ni tạng trú, Phật pháp diệc trú”. Vì vậy, giới luật đã được xem như là thức ăn, nước uống nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng, như con mắt tròng ngươi để ra khỏi vô minh, bước lên hàng Thánh quả. Trong kinh Phạm Võng Ngài cũng dạy rằng: “Giới như đại minh đăng, năng tiêu trường dạ ám, giới như chơn bảo cảnh, chiếu pháp tận vô di.”
Nhưng xét về mặt bản chất, mục đích của giới là không sai khác. Đức Phật chế định ra giới luật để phòng hộ các căn môn, để điều phục những sai trái của ba nghiệp: thân, khẩu, ý; để thân tâm có cơ hội thoát ly khổ đau của sanh tử luân hồi và trở về sống an lạc, thanh tịnh của tự tánh. Khi ra tiếp xúc với đời, giới sẽ bảo vệ để một Tỳ-kheo không đánh mất phẩm hạnh. Đối với Tăng đoàn, giới nhằm điều phục và tạo sự hòa hợp, đoàn kết, thanh tịnh.
Đất nước Việt Nam ngày nay đang chịu nhiều tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và những ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước đã kéo theo sự băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống biểu hiện qua lối sống xa hoa, vô độ, trái với thuần phong mỹ tục trong tuổi trẻ. Thái độ coi thường những giá trị truyền thống là nguyên nhân làm gia tăng các tệ nạn xã hội, đời sống vật chất thịnh hành đến cực điểm là nguyên nhân làm cho đạo đức con người bị băng hoại. Sự băng hoại dần dần lan rộng khắp xã hội và mon men đến cả chốn thiền môn. Bằng vai trò và trách nhiệm, vị Trú trì cần phải kiện toàn cả về nội điển lẫn ngoại điển, cả về tư cách lẫn trách nhiệm, cả hoằng pháp lẫn hộ pháp, tất cả đều phải như pháp tu hành, để làm hành trang dấn thân và xả thân cho đời, cho đạo bằng cái tâm chân thật đến với mọi người, nếu không sẽ trở thành người phi đạo đức, làm tổn thương đến đạo và làm đổ vỡ sự nghiệp của chính mình.
Như pháp tu hành không nằm ngoài giới luật, Thánh đạo tám nghành lấy chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là đầu tiên, Tam vô lậu học, giới là điều kiện tiên quyết. Bất luận ở vào giai đoạn nào của lịch sử, để truyền thừa mạng mạch Phật giáo Để làm được tất cả điều này, Mỗi vị Tăng phải đem hết cả tâm lẫn lực của mình. Tâm và lực thành tựu không phải từ sự vận dụng những thủ thuật, kỷ xảo của thế gian, mà phải bằng chính công hạnh tu tập giới luật của tự thân và gia trì của Tăng-già. Mỗi vị tăng phải cần ý thức sống trong tinh thần lục hòa, luôn tôn trọng và thực tập những Pháp yết ma.
C. KẾT LUẬN
Sự tồn tại của Tăng là sinh mạng của Phật Pháp. Thanh tịnh và hòa hiệp là yếu tố nền tảng tạo thành sinh mạng của Tăng. Cũng như bất cứ sự tồn tại của một cộng đồng xã hội nào trong thế gian đều phải đặt trên nền tảng là sự thống nhất ý chí và hành động; mà biểu hiện của sự thống nhất này là sự thống nhất quyết định và mệnh lệnh được ban hành. Cũng vậy, Tăng có được sự hòa hiệp là do sự thống nhất quyết định; và quyết định ấy được ban hành bằng mệnh lệnh mà tất cả thành phần của Tăng phải tuân theo. Làm thế nào để có sự thống nhất ấy, là chức năng của yết-ma.
Tuy nhiên, tổ chức Tăng-già, tức cộng đồng xuất gia của chúng đệ tử của Phật, không giống như bất cứ tổ chức nào của thế gian, cho nên các pháp yết-ma của Tăng có những sắc thái và nội dung riêng biệt.
Như đã nói, Tăng-già yết-ma là một hình thái khác của cộng nghiệp, hay hành vi tập thể. Trong các cộng đồng của thế gian, vì mỗi tổ chức có một hay nhiều mục tiêu khác nhau, và do đó, quan niệm về bản chất và sắc thái hành động để đạt đến mục đích đó cũng khác nhau. Trong Phật pháp, mục đích tối thượng là giải thoát, là đạt đến đạo quả của Niết-bàn. Do sự chi phối của nghiệp lực, con người có thể bị đọa lạc hay được thăng tiến, trở nên thấp hèn hay cao thượng. Sự chuyển hướng của hành động là sự chuyển hướng bản chất của con người, thay đổi xu hướng đọa lạc thành xu hướng siêu việt; đưa con người từ chỗ thấp hèn lên đến chỗ cao thượng. Vì vậy quan niệm về bản chất và biểu hiện của nghiệp trong giáo pháp của Phật không giống như các quan điểm về triết lý hành động của thế gian. Chính do điểm này mà các yết-ma của Tăng, mặc dù xét trên hình thức thì đại khái cũng giống như các nguyên tắc sinh hoạt trong các cộng đồng xã hội, dù vậy, bản chất và sắc thái yết-ma của Tăng lại hòan toàn khác hẳn. Nếu nắm vững giáo lý về nghiệp, gồm cả biệt nghiệp và cộng nghiệp, mà đức Phật đã giảng dạy, thì có thể nắm vững được những điểm tinh yếu của Tăng-già yết-ma.
Nguyên lý căn bản của nghiệp trong Phật pháp có thể được phát biểu tóm tắt như vầy: «Sống là hành động» nếu muốn nói theo ngôn ngữ thông thường. Hoặc hói: “Cái gì hiện thực, cái đó có tác dụng và ngược lại cái gì có tác dụng, cái đó hiện thực“ đó là muốn nói theo ngôn ngữ triết lý. Dù muốn nói theo cách nào, nói là hành động, hay nói là tác dụng, thảy đều là những cách nói khác về nghiệp. Yết-ma là dấu hiệu cho sự tồn tại hay tan vỡ của Tăng. Với tính chất quan trọng như vậy, việc nghiên cứu các pháp yết-ma là phận sự không thể nào xao lãng đối với tỳ-kheo.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. HT. Thích Trí Thủ, Luật Tỳ Kheo, tập 1, Yết ma yếu chỉ, Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam ấn hành, 1991
2. Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ, quyển 2, Phẩm kinh Ðại Niết Bàn, 2002.
3. Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ, ĐTKVN, 2002
4. Thích Thiện Siêu, Cương Yếu Giới Luật, NXB Tôn Giáo, 2002
5. Thích Phước Sơn, Một số vấn đề giới luật, Tập 1, NXB Phương Đông, 2006
6. Thích Phước Sơn, Luật học tinh yếu, NXB Phương Đông, 2006
7. Thích Viên Trí, Ý nghĩa giới luật, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2011
9. http://phatviet.com/html/dichtht/luat/yetmayc/ymyc1.HTM
[1] HT. Thích Phước Sơn, Luật học tinh yếu, NXB Phương Đông, 2006, Tr 39.
[2] HT. Thích Trí Thủ, Luật Tỳ Kheo, tập 1, Yết ma yếu chỉ, Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam ấn hành, 1991, Tr 37
[3] Thích Thiện Siêu, Cương Yếu Giới Luật, NXB Tôn Giáo, 2002, Tr 148
[4]http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/kinh-gi-ng/122-sng-chung-an-lc-xay-dng-tng-than/858-scal-chng-03-lut-tng-va-tng-oan?showall=&start=2
[5] Thích Minh Châu, Kinh tăng chi bộ, ĐTKVN, Tập III, Tr. 305 - 307
Tác giả bài viết: Giác Tự
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn